Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Nâng cao sức sáng tạo của doanh nghiệp đáp ứng phát triển bền vững
Thứ ba, 15 Tháng 4 2014 14:33
2598 Lượt xem

Nâng cao sức sáng tạo của doanh nghiệp đáp ứng phát triển bền vững

(LLCT) - Trên quan điểm vĩ mô, trong thời đại kinh tế tri thức, sức sáng tạo quyết định sức mạnh toàn diện và khả năng cạnh tranh của một quốc gia. Để đạt được bước phát triển nhảy vọt, bền vững, Việt Nam không còn con đường nào khác là phát huy vai trò tư duy sáng tạo, đây là cốt lõi của chiến lược phát triển, là chìa khóa để cải thiện toàn diện sức mạnh quốc gia nhằm thực hiện con đường đổi mới độc lập, tự chủ.
 

1. Quan niệm về sáng tạo

Sức sáng tạo của doanh nghiệp có thể hiểu là: kiến thức doanh nghiệp và ứng dụng các công nghệ sáng tạo mới, quy trình mới, phương thức mới về sản xuất và quản lý để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản xuất và dịch vụ mới, chiếm lĩnh thị trường và đạt giá trị thị trường của doanh nghiệp.

Quan niệm về sáng tạo trong bối cảnh hiện nay không còn giới hạn với hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) hay xuất bản các bài báo khoa học, mà còn bao gồm những sáng tạo về tổ chức, quản lý kinh tế - xã hội. Trên góc độ phát triển doanh nghiệp, sức sáng tạo có các đặc tính sau: một là, tính mục đích; hai là, tính biến đổi; ba là, tính mới lạ; bốn là, tính vượt trước; năm là, tính giá trị. Khái quát lại: sức sáng tạo dùng để chỉ khả năng không ngừng tạo ra những ý tưởng mới, quan niệm mới, và việc sử dụng những ý tưởng, quan niệm mới thông qua tiến bộ khoa học công nghệ nhằm tạo ra hiệu quả sản xuất - kinh doanh, phát triển thị trường, quản lý... và đạt được một lợi thế cạnh tranh, cuối cùng đạt được mục tiêu chiến lược bền vững.

Đối với Việt Nam, cần nâng cao vai trò của sức sáng tạo là do: 1) Khả năng tự chủ sáng tạo của doanh nghiệp còn yếu kém; 2) Do sự cần thiết của chiến lược tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên và tiến tới tiếp cận nền kinh tế xanh (green economy); 3) Nâng cao năng lực sáng tạo là con đường cơ bản nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Thuận lợi cho việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cấu trúc tăng trưởng kinh tế; 4) Yêu cầu tối ưu hóa và nâng cấp cơ cấu sản nghiệp, giữ cho nền kinh tế phát triển bền vững; 5) Yêu cầu để thực hiện đẩy mạnh CNH, HĐH và cải thiện khả năng cạnh tranh quốc tế; 6) Yêu cầu tất yếu phải tăng cường sự độc lập, tự chủ để hội nhập kinh tế thế giới.

2. Hiện trạng năng lực sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam

Đến năm 2011, Việt Nam có khoảng 400 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó hơn 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều ngành sản xuất chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao. Nhưng cốt lõi vấn đề là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều đang sử dụng loại công nghệ lạc hậu từ 3-4 thế hệ so với công nghệ mới hiện nay. Bộ Khoa học và Công nghệ đã thẳng thắn thừa nhận, Việt Nam đang tụt hậu rất xa so với các nước.  Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ: năng suất công nghiệp phần mềm của Việt Nam khoảng 10 nghìn USD/người/năm, ở Trung Quốc vào khoảng 14-18 nghìn USD và ở Mỹ là 140 nghìn USD cho thấy sự tụt hậu của Việt Nam so với các nước. Trong công nghiệp chế tạo, tỷ trọng nhóm sản phẩm công nghệ thấp chiếm 60%, công nghệ cao chỉ chiếm trên 20%; đóng góp GDP của nhóm sản phẩm công nghệ cao chỉ 5,73% GDP và dịch vụ công nghệ cao chỉ là 2,12%(1). Nguồn cung ứng công nghệ cho Việt Nam chủ yếu là nhập ngoại. Mỗi năm Việt Nam bỏ ra 10-15 tỷ USD mua máy móc, thiết bị, trong khi đó, mức đầu tư, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,2- 0,3% doanh thu của doanh nghiệp. Tỷ lệ này ở Ấn Độ là khoảng 5%, Hàn Quốc là 10%.

Ở các nước phát triển, cộng đồng doanh nghiệp là nhà đầu tư lớn nhất cho hoạt động khoa học, công nghệ, đặc biệt là công tác nghiên cứu và thương mại hóa kết quả. Trong khi đó, ở Việt Nam, khoảng 70% kinh phí cho hoạt động khoa học, công nghệ vẫn là từ ngân sách quốc gia. Điều tra của Tổng cục Thống kê thực hiện trong giai đoạn 2007 -2010 cho thấy, chỉ có 0,2% doanh nghiệp trả lời về tình hình đầu tư cho khoa học, công nghệ (509/290.767 doanh nghiệp chi phí bình quân cho khoa học, công nghệ là khoảng 5 tỷ đồng, chiếm 2,8% nguồn vốn của doanh nghiệp). Khoản ngân sách 2% ngân sách nhà nước hằng năm chi cho khoa học, công nghệ cũng sử dụng kém hiệu quả. Ngay cả các doanh nghiệp FDI cũng thường là sản xuất gia công, lắp ráp và dựa trên thiết kế sản phẩm đã có, công nghệ phổ biến. Đáng chú ý là, rất hiếm có doanh nghiệp FDI nào lại đặt tổ chức nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam. Tài sản mềm mang giá trị quan trọng nhất trong lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế tương lai đó là: tài sản con người; thương hiệu quốc gia; vị thế trên thị trường; văn hóa doanh nghiệp thì chúng ta hầu như chưa có gì. Nếu như năm 2011 trên Bảng chỉ số đổi mới/sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index) Việt Nam đứng trên mức trung bình - đứng thứ 51 trong 125 nước. Thì năm 2012 lại tụt xuống  thứ 76 trên 141 nước (xem bảng trang bên).       

Bên cạnh những hạn chế chưa khắc phục được, cũng cần thừa nhận rằng từ khi thực hiện đổi mới đến nay, nhất là giai đoạn sau khi gia nhập WTO, sức sáng tạo của Việt Nam tăng lên rõ rệt, dần khẳng định thương hiệu của mình, đi đầu là lĩnh vực công nghệ thông tin với chiến lược nhằm tạo năng lực công nghệ đủ mạnh để đảm bảo tính cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực. Thí dụ, như Viettel được đánh giá là mạng di động có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, đứng thứ 24/746 nhà khai thác dịch vụ di động toàn thế giới về thuê bao và thứ 4 trong số 51 nhà khai thác lớn nhất ở Đông Nam Á năm 2009(2); Công ty Naiscorp làm chủ công nghệ lõi về tìm kiếm tiếng Việt; Bkis, phần mềm Bkav đã chiếm lĩnh được thị trường nội địa; Công ty robot TOSY đã xuất khẩu đồ chơi đĩa bay sang Nhật, Mỹ, và châu Âu dựa trên sáng chế riêng của mình... Thực hiện Nghị định số 80/2007/NĐ-CP, ngày 19-5-2007 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đến nay số lượng các tổ chức thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã chiếm hơn 80%, số doanh nghiệp đủ điều kiện để công nhận là doanh nghiệp khoa học - công nghệ là khoảng 2 nghìn, trong đó số doanh nghiệp khởi nguồn từ các viện nghiên cứu, trường đại học chiếm 15%(3), đó là bước tăng cường tính trách nhiệm để chủ động sáng tạo của các tổ chức khoa học công nghệ. Ở thể chế đổi mới chúng ta có ưu thế, chế độ XHCN có lợi thế về ổn định chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập và nguồn lực để thúc đẩy hệ thống sáng tạo.

Bảng: Thứ bậc, điểm đánh giá chỉ số đổi mới/sáng tạo

Năm

Số nước

Điểm  cao nhất

Việt Nam

Malaixia

Xinhgapo

Thái Lan

 

 

 

Điểm

Bậc

Điểm

Bậc

Điểm

Bậc

Điểm

Bậc

2008

2009

2010

2011

2012

153

130

132

125

141

5.8

5.28

4.86

74.1

68.2

2.38

2.97

2.95

36.71

33.9

65

64

71

51

76

3.47

4.06

3.77

44.05

45.9

26

25

28

31

64.8

4.1

4.81

4.65

74.11

64.8

7

5

7

1

3

3.01

3.4

3.06

43.33

36.9

34

44

60

48

57

Nguồn: Bộ Khoa học Công nghệ - Báo Tia sáng.

3. Những hạn chế và nguyên nhân chủ yếu

Qua nghiên cứu thực tiễn sức sáng tạo của doanh nghiệp ở nước ta, có thể thấy những hạn chế và nguyên nhân tập trung ở một số vấn đề sau:

Một là, thiếu đầu tư cho R&D.

Cộng đồng doanh nghiệp quốc tế nói chung tin rằng chi phí R & D đạt hơn 5% của thu nhập bán hàng thì các doanh nghiệp có đủ sức cạnh tranh, nếu chỉ 2% thì chỉ đủ sức duy trì, trong khi ít hơn 1% thì doanh nghiệp sẽ khó mà tồn tại. Năm 2007, Nhật Bản đầu tư cho R&D là 3,4% GDP, Hàn Quốc là 3,3%, Mỹ là 2,5 %, Đức là 2,4%, Xinhgapo là 1,1%. Trung Quốc đầu tư vào R&D mới chỉ chiếm 1,54% GDP năm 2008 và hiện nay tăng lên 2,2%. Nhưng ở Việt Nam, khoản đầu tư cho lĩnh vực này quá khiêm tốn, chiếm 0,1- 0,2% GDP.

Các doanh nghiệp Việt Nam (nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ) chưa coi vấn đề R&D cùng với vấn đề thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ là trở ngại lớn cho sự phát triển bền vững của mình. Chương trình hỗ trợ đầu tư trực tiếp R&D cho doanh nghiệp còn ít, mà hầu hết kinh phí R&D từ ngân sách nhà nước, chủ yếu vẫn hướng sự hỗ trợ tới các trường học, viện nghiên cứu. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp làm R&D bằng cách cho phép giữ lại 10% thu nhập trước thuế để đầu tư cho hoạt động R&D trên thực tế chưa hiệu quả. Như ở Thành phố Hồ Chí Minh, theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ đến nay chỉ có 31 doanh nghiệp lập được quỹ này. Một thực tế là 95% doanh nghiệp Việt Nam thuộc diện nhỏ và siêu nhỏ, do vậy 10% lợi nhuận là quá nhỏ không đủ cho đầu tư đổi mới công nghệ lại càng không đủ cho hoạt động R&D.

Hai là, ý thức tự chủ sáng tạo của doanh nghiệp không cao, nhiều doanh nghiệp không thể thích ứng với hiện trạng hoàn cảnh thay đổi không ngừng.

Việc chạy theo lợi ích ngắn hạn kích thích hành vi trục lợi trong doanh nghiệp. Thành quả của doanh nghiệp có quyền sở hữu trí tuệ độc lập của R&D không nhiều, do đó hạn chế niềm đam mê, sự nhiệt tình ngay từ trong tư tưởng để nuôi dưỡng sự sáng tạo của cả nhà quản lý cũng như nhân viên. Ngoài ra, rất nhiều giám đốc công ty, quản lý cấp cao, thiếu lý thuyết và kinh nghiệm quản lý kinh doanh, nhất là trong môi trường kinh doanh quốc tế nên không có một ý thức mạnh mẽ chấp nhận rủi ro, đồng thời đánh giá thấp sự sáng tạo. Do vậy, không thể thiết lập ý thức tự chủ sáng tạo trong tập thể doanh nghiệp.

Ba là, thiếu tài năng sáng tạo.

Đại đa số nguồn tài năng sáng tạo nằm trong các viện, trường đại học, nhưng việc liên kết viện, trường và doanh nghiệp vẫn còn nhiều bất cập. Việc thiếu các chuyên gia công nghệ của doanh nghiệp là một trở ngại nghiêm trọng cho sự đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực và cơ chế quản lý. Phần lớn các nhà lãnh đạo kinh doanh và nhân viên khả năng sáng tạo thấp, thiếu hụt nghiêm trọng nhân viên quản lý có trình độ đổi mới. Báo cáo của UNESCO cho thấy trong thời gian 2000 - 2007, các nhà khoa học Việt Nam chỉ đăng ký được 19 bằng sáng chế, tức mỗi năm trung bình chỉ 2 bằng sáng chế. Trong khi đó Nhật Bản đứng đầu với 46.139 bằng sáng chế,  kế đến là Hàn Quốc với 12.262 bằng sáng chế, Trung Quốc được xếp thứ 8 với 3.174 bằng sáng chế. Trong khu vực Đông Nam Á, Xinhgapo với 4,8 triệu dân có 647 bằng sáng chế, đứng thứ hai là Malaixia với 161 bằng sáng chế.

Bốn là, năng lực đổi mới công nghệ yếu.

Thực tế là công nghệ của Việt Nam rất lạc hậu, các thiết bị trọng điểm trong các doanh nghiệp đạt hoặc gần cấp độ quốc tế chỉ khoảng 10%, điều này cũng một phần do cơ chế kế hoạch hóa và sự cấm vận trong một thời gian dài trước đây. Trong ba giai đoạn của chu trình phát triển công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu là tiếp thu công nghệ, chưa đạt được mục tiêu làm chủ và sáng tạo công nghệ. Đáng lưu ý là có đến 57,7% doanh nghiệp Việt Nam không muốn mua công nghệ trong nước, đã góp phần kìm hãm sáng tạo công nghệ trong nước.

4. Một số đề xuất nhằm nâng cao sức sáng tạo để phát triển bền vững

Trong xu hướng quốc tế hóa, đặc biệt là sau khi nước ta gia nhập WTO, các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với khả năng quản lý tiên tiến, nghệ thuật sáng tạo và nguồn lực vốn hùng hậu của các tập đoàn đa quốc gia - đây là thách thức mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, để phát huy vai trò sức sáng tạo của hệ thống doanh nghiệp cần thực hiện hệ giải pháp đồng bộ:

Một là, nâng cao vai trò của Nhà nước.

Nhà nước cần đẩy mạnh thành lập và phát triển có hiệu quả các cơ chế hỗ trợ đa dạng như: hỗ trợ tài chính (đồng tài trợ); hỗ trợ chuyên môn, tư vấn; xác định các đối tác thích hợp cho quá trình R&D, chuyển giao công nghệ... Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đặc biệt để đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh quốc tế. Đồng thời, chỉ nên thực hiện sự bảo hộ và ưu đãi đối với những ngành, bộ phận giá trị trong những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh, nhưng sự bảo hộ, ưu đãi chỉ mang tính tạm thời, có chọn lọc gắn với lộ trình hội nhập; hoàn thiện chính sách bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; cần đẩy mạnh đầu tư ưu tiên phát triển hai trung tâm quốc gia về công nghệ cao ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trở thành hình mẫu, đầu tàu phát triển khoa học, công nghệ của cả nước.

Hai là, đổi mới và đẩy mạnh phát triển kỹ thuật và công nghệ.

Đổi mới công nghệ là nguồn gốc của sự phát triển doanh nghiệp, nâng sức cạnh tranh cơ bản và qua đó tạo ra một lợi thế thị trường. Đổi mới công nghệ cần thực hiện hướng vào cả hai phương diện: thứ nhất, triển khai hoạt động đổi mới cấu thành của công nghệ; thứ hai, thực hiện bố trí lực lượng công nghệ trong hoạt động sáng tạo. Các doanh nghiệp nên ý thức rõ: 1) Doanh nghiệp là trụ cột của đổi mới công nghệ; 2) Đổi mới công nghệ là một sáng tạo mới, giới thiệu công nghệ mới; 3) Có sự đổi mới kỹ thuật "phần cứng", và cả sự đổi mới của các "phần mềm"; 4) kết quả của đổi mới công nghệ là để tăng hiệu quả hoặc tăng thị phần.

Ba là, đổi mới tổ chức, thể chế quản lý của doanh nghiệp.

Trong xã hội không có phương pháp quản lý nào mang tính bất biến, mà nó luôn thay đổi, nhất là trong quản lý kinh doanh. Các doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện trên cả ba phương diện: Thứ nhất, đổi mới cơ cấu tổ chức, như tái phân chia hoặc hợp nhất các bộ phận, chuyển đổi quá trình tổ chức,... Thí dụ như kinh nghiệm của Viettel quy định mỗi người phải được luân chuyển ngang - lên - xuống, không được ở vị trí công tác quá 3 năm(4). Thứ hai, đổi mới tổ chức, thể chế hướng về con người, qua đó làm thay đổi nhận thức và thái độ của nhân viên, hành vi cá nhân và hành vi của toàn bộ nhóm... Thứ ba, xác định cơ chế, nhiệm vụ trọng điểm đổi mới, để đạt mục đích là tập hợp, phân phối và cập nhật tri thức, thông tin, công nghệ,...

Bốn là, đổi mới tiếp thị.

Sự sáng tạo trong marketing của doanh nghiệp là sự đổi mới chiến lược các dịch vụ liên quan đến tiếp thị doanh nghiệp: các kênh, phương pháp thu thập thông tin; chiến lược sản phẩm, thương hiệu; nhu cầu dịch vụ tiên tiến khác. Dựa theo chiến lược phát triển, doanh nghiệp cần đổi mới tiếp thị bắt đầu từ khả năng nâng cao mục tiêu của thị trường, giúp các doanh nghiệp thiết kế mô hình kinh doanh mới, thiết lập một ý thức đổi mới, còn gọi là văn hóa của ý thức sáng tạo. Trong đó ước vọng và ý tưởng là điểm khởi đầu và sức mạnh vốn có của hoạt động đổi mới tiếp thị sáng tạo. Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đang thiếu vấn đề này. Tiếp thị, giới thiệu các sản phẩm hoặc dịch vụ mới, qua đó cơ hội nắm bắt thị trường tốt hơn. Sự đổi mới tiếp thị cần tập trung vào các biện pháp như: nâng cao trình độ quản lý tiếp thị; xây dựng đội ngũ tiếp thị xuất sắc; các kỹ thuật tiếp thị mới; lập kế hoạch và hoạt động phát triển thị trường mới... Doanh nghiệp cần ý thức rằng, nhân viên tiếp thị là người nhạy bén để nhìn rõ thị trường, nhanh chóng nắm bắt thông tin thị trường, là người khám phá các cơ hội sáng tạo do thị trường đem lại.

Năm là, xây dựng văn hóa sáng tạo.

Văn hóa sáng tạo là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự đổi mới và thay đổi trong nội bộ doanh nghiệp, nó là "chất keo" tập hợp các thành viên trở thành khối thống nhất. Văn hóa trợ giúp sáng tạo cần theo định hướng mở chứ không phải là văn hóa khép kín, nó tạo cho mỗi cá nhân và tập thể sự linh hoạt hơn, thích ứng với sự biến đổi kinh doanh hơn. Để thúc đẩy văn hóa sáng tạo cần tạo dựng môi trường làm việc văn hóa, xây dựng niềm tin, các chuẩn mực về hành vi ứng xử trong nghiên cứu, kinh doanh; nhấn mạnh xu hướng làm việc theo nhóm, lấy khách hàng là trung tâm, đối xử công bằng với người lao động để kích thích những sáng kiến và các ý tưởng mới. Cần thực hiện trên cả hai mặt: một mặt, để tạo ra bầu không khí ủng hộ sự sáng tạo trong doanh nghiệp, để định hình một nền văn hóa của sự đổi mới, để mỗi nhân viên trở thành một nguồn của sự sáng tạo; mặt khác, thất bại trong sự sáng tạo nên được xem xét dưới thái độ rộng lượng và khoan dung để nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo. Văn hóa cùng với giáo dục còn nhằm để bảo đảm sự xuất hiện liên tục một dòng ổn định các tài năng sáng tạo, để phát huy nhân tố con người thực sự là nhân tố "dẫn dắt tương lai".

Sáu là, nâng cao phong cách lãnh đạo và năng lực nhân viên.

Người quản lý, lãnh đạo là “thuyền trưởng”, trực tiếp xác định chiến lược và tổ chức thực hiện chiến lược. Do vậy, người lãnh đạo doanh nghiệp cần coi tư duy sáng tạo là một mục tiêu ưu tiên trong chiến lược kinh doanh. Nhà lãnh đạo hiệu quả phải là người thường xuyên cung cấp hướng đổi mới, luôn trau dồi, tạo cho bản thân khả năng và tầm nhìn sâu rộng về hướng phát triển lâu dài, thiết lập văn hóa tổ chức và bầu không khí thuận lợi để đổi mới, nhằm khuyến khích mức độ cao của sáng kiến cá nhân, thực hiện sự hợp tác có hiệu quả đội ngũ đa chức năng trong công ty.

Quá trình tìm tòi, học hỏi của nhân viên là nền tảng của sự đổi mới trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược thu hút người tài, tạo sự cạnh tranh để sàng lọc, xây dựng chính sách trả lương xứng đáng cho người có năng lực. Khuyến khích và thúc đẩy cạnh tranh công việc trong môi trường công bằng để tạo động lực cho sức sáng tạo. Nhà lãnh đạo, quản lý cần phải quyết đoán trong việc cất nhắc, sử dụng nhân tài đúng người, đúng chỗ.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020  đã nêu quan điểm “Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước” và khẳng định giải pháp “Nâng cao vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp... trong thực hiện phát triển bền vững”. Thực hiện được chiến lược đó, phải phát huy nỗ lực toàn dân tộc, trước hết là phát triển bền vững các doanh nghiệp, trong đó cốt lõi là nâng cao vai trò của sức sáng tạo. Vì đây là con đường dẫn đến thành công cho doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế.

Thực tiễn cho thấy, đó là con đường để thoát ra khỏi vị thế kẻ làm thuê gia công, lắp ráp và xuất khẩu thô trong các chuỗi công nghiệp, và để tham gia ngày càng sâu trong chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm toàn cầu, là cứu cánh để tồn tại trên con đường tái cơ cấu nền kinh tế và tìm kiếm mô hình phát triển. Việt Nam có nguồn nhân lực, một thị trường nội địa gần 90 triệu dân, có chỉ số IQ và khả năng sáng tạo được thừa nhận. Vấn đề cần thiết nhất hiện nay là kích hoạt những tiềm lực để tạo bước nhảy vọt, nhanh chóng đưa chúng trở thành lực lượng sản xuất tiên tiến, nuôi dưỡng và tăng cường sức sáng tạo quốc gia.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2013

(1) Phạm Huyền: Kinh tế sáng tạo - Việt Nam có gì? Vef.vn, ngày 22-3-2011.

(2),(4) Minh Tuấn: Thành công nhờ năng động sáng tạo, Tạp chí Xây dựng Đảng, số 1+2, 2012, tr.85, 52.

(3) Đặng Phương Nga: Để phát triển nguồn nhân lực của các viện nghiên cứu hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, Tạp chí Cộng sản, số 64, 2012, tr.38.

 

    Lê Thế Cường

Hứa Thanh Bình

Nghiên cứu sinh Đại học Nhân Dân, Bắc Kinh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền