Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Một số vấn đề lí luận về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Thứ năm, 17 Tháng 4 2014 13:58
4239 Lượt xem

Một số vấn đề lí luận về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

(LLCT) - Trong 4 năm qua đã có 899 DNNN được sắp xếp lại. Trong đó, 367 doanh nghiệp được cổ phần hóa, 532 được sắp xếp lại theo hình thức khác như: giao, bán, giải thể, phá sản, giữ nguyên là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viênhoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên. Riêng năm 2012 đã tiến hành cổ phần hóa 93 doanh nghiệp, trong đó có 22 doanh nghiệp thuộc các bộ - ngành, 33 doanh nghiệp thuộc các tập đoàn - tổng công ty và 38 doanh nghiệp thuộc các địa phương. Đến nay, cả nước đã cổ phần hóa xong 3.951 DNNN, đạt 67,4% số DNNN cần phải cổ phần hóa.
 

Đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là vấn đề mang tính phổ biến của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển. Việc đổi mới DNNN được thực hiện bằng nhiều giải pháp, trong đó cổ phần hóa DNNN là một giải pháp quan trọng. Ở nước ta, cổ phần hóa DNNN đã và đang là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chủ trương này đã nảy sinh nhiều vấn đề ngoài mong muốn dẫn đến xuất hiện nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau, vì thế hiệu quả của cổ phần hóa DNNN còn nhiều hạn chế. 

1. Sự phát triển và bản chất kinh tế của hình thái cổ phần        

So với các hình thái sở hữu khác trong khuôn khổ của kinh tế thị trường, hình thái cổ phần ra đời muộn hơn cả. Điều đó tự nó hàm nghĩa rằng, sự ra đời của hình thái cổ phần phải dựa trên những tiền đề vật chất và thiết chế kinh tế nhất định. Đó là sự phát triển ở mức độ cao của sức sản xuất xã hội cũng như mức độ hoàn thiện của các quan hệ hàng hóa - tiền tệ tương ứng với nó. Về mặt lôgích, có thể tóm tắt các bước phát triển của các hình thái sở hữu tiến đến hình thái cổ phần là: từ hình thái kinh doanh một chủ, phát triển lên hình thái kinh doanh chung vốn (hình thái kinh doanh hợp tác xã của những người sản xuất hàng hóa nhỏ và hình thái công ty chung vốn với các nhà tư bản), và cuối cùng là hình thái công ty cổ phần. Về phương diện lịch sử, các bước phát triển trên cũng diễn ra một cách tuần tự, tuy rằng giữa các bước chuyển tiếp của các giai đoạn không hề có một ranh giới rạch ròi nào cả. Do sự phát triển không đều giữa các nền kinh tế cũng như giữa các lĩnh vực khác nhau của mỗi nền kinh tế, ngày nay ở bất cứ quốc gia nào cũng có một kết cấu đa sở hữu với sự có mặt của tất cả các hình thức sở hữu nói trên. Song điều đặc biệt đáng chú ý là, càng ở những nền kinh tế có trình độ phát triển cao thì vai trò của hình thái cổ phần càng lớn. Ở những nền kinh tế này, tuy số lượng những công ty cổ phần nhỏ hơn rất nhiều so với các loại hình công ty khác, nhưng nó lại chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng nguồn vốn đầu tư và quy mô kinh tế mà nó chi phối trong toàn bộ nền kinh tế.     

Ngay từ thế kỷ XIX, trong phần bổ sung cho tập III bộ Tư bản của C.Mác (năm 1895), Ph.Ăngghen đã đánh giá về vai trò và triển vọng của hình thái cổ phần như: “Hãng cá thể thông thường ngày càng chỉ là một giai đoạn chuẩn bị nhằm đưa xí nghiệp tới một trình độ đủ lớn để cho nó có thể chuyển thành công ty cổ phần được”(1). Hơn nữa, điều đó không chỉ đúng với các ngành công nghiệp mà còn diễn ra ở khắp các lĩnh vực hoạt động kinh tế: thương nghiệp, ngân hàng và các tổ chức tín dụng, nông nghiệp và “hết thảy mọi khoản đầu tư tư bản vào nước ngoài đều tiến hành dưới hình thức cổ phần”(2).   

Mức độ phổ biến của hình thái cổ phần trong điều kiện nền kinh tế thị trường không phải chỉ do nó có ưu thế tuyệt đối trong việc tập trung vốn của xã hội cho những mục tiêu kinh doanh, mà còn bao hàm trong đó những điểm nổi bật sau:  

- Dưới hình thức cổ phần, những người đồng sở hữu công ty (những cổ đông) chỉ được hưởng lợi và chỉ phải chịu trách nhiệm có giới hạn ở khuôn khổ số tiền mà họ đã bỏ ra để mua cổ phiếu của công ty. Như vậy, một mặt, về pháp lý, họ chỉ có quyền nhân danh cá nhân mình chịu trách nhiệm về phần tài sản của mình đã góp vào công ty theo luật định. Mặt khác, qua thị trường chứng khoán, sự di chuyển của các cổ phiếu với tư cách là hàng hóa vốn đầu tư, công chúng (các cổ đông) đã “bỏ phiếu tín nhiệm” có sự bảo đảm “bằng vàng” của mình cho những ngành, những lĩnh vực, những công ty mà họ cho là có triển vọng nhất. Đồng thời, cơ chế này còn giúp mỗi người đầu tư phân tán được nguồn vốn có hạn của mình vào nhiều lĩnh vực để tránh những rủi ro khó tránh khỏi trong kinh doanh. Như vậy, sự tham gia có tính chất xã hội của công chúng vào các quan hệ sở hữu và quá trình quản lý, lựa chọn cơ cấu ngành... đã trở thành những gợi ý thực tiễn thiết thực đối với những nhà hoạch định chính sách kinh tế ở tầm vĩ mô. 

- Hình thái cổ phần đã thực hiện việc tách quyền sở hữu với quyền quản lý và sử dụng vốn kinh doanh nên đã tận dụng được một cách tốt nhất nguồn tài nguyên kinh doanh khan hiếm của xã hội thông qua chế độ “thuê” các nhà quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp, do các cổ đông, tức các chủ nhân thật sự của vốn đầu tư tiến hành lựa chọn. Do vậy, tính chất vô danh hay nặc danh của hình thái cổ phần hoàn toàn khác với tính chất vô chủ ở một trong những điểm quan trọng là đã gắn được với cơ chế sử dụng triệt để nguồn tài nguyên kinh doanh của xã hội thay vì để lãng phí chúng, và do đó mà đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn.          

- Việc đầu tư tư bản ra nước ngoài dưới hình thái cổ phần đã trực tiếp mở rộng tính chất xã hội hóa của nền sản xuất xã hội, vượt ra khỏi phạm vi mỗi quốc gia, khiến cho xu hướng quốc tế hóa đời sống kinh tế mở rộng ngay từ trong bản thân quá trình sản xuất.        

Như vậy, trong mối tương quan với các hình thức kinh tế khác trong khuôn khổ của kinh tế thị trường, hoàn toàn có thể coi hình thái cổ phần là loại hình tổ chức đạt trình độ xã hội hóa cao nhất, thích ứng với trình độ phát triển cao của sức sản xuất xã hội. Về điều này, Mác đã từng nhận xét rằng, với việc thành lập những công ty cổ phần “có những xí nghiệp trước kia là của chính phủ, nay được tổ chức thành công ty”(3) và công ty cổ phần “trực tiếp mang hình thái tư bản xã hội (tư bản của những cá nhân trực tiếp liên hiệp lại với nhau) đối lập với tư bản tư nhân; do đó những xí nghiệp của nó cũng biểu hiện ra là những xí nghiệp xã hội đối lập với các xí nghiệp tư nhân”(4). Thêm nữa, đây là “điểm quá độ tất nhiên để tư bản lại chuyển thành sở hữu của những người sản xuất, nhưng không phải với tư cách là sở hữu tư nhân của những người sản xuất riêng lẻ nữa, mà với tư cách là sở hữu của những người sản xuất liên hiệp, thành sở hữu xã hội trực tiếp”(5). Mặt khác, các công ty cổ phần cũng là điểm quá độ để biến tất cả những chức năng trong quá trình tái sản xuất cho đến nay còn gắn liền với quyền sở hữu tư bản, đơn thuần thành những chức năng của những người sản xuất xã hội. Điều này có nghĩa là, theo cách tiếp cận của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác thì “chế độ cổ phần... là sự thủ tiêu công nghiệp tư nhân trên cơ sở chính ngay bản thân chế độ tư bản chủ nghĩa; nó càng lan rộng ra và càng bao trùm những ngành sản xuất mới, thì càng thủ tiêu công nghiệp tư nhân”. Nhân khi biên tập bản thảo để xuất bản tập thứ III bộ Tư bản  của Mác, đề cập đến vấn đề này, năm 1894, Ăngghen đã viết thêm vào: “Từ khi Mác viết những dòng này, đến nay người ta đều biết rằng nhiều hình thái xí nghiệp công nghiệp mới đã phát triển, đấy là công ty cổ phần ở bậc lũy thừa hai và lũy thừa ba. Cái tốc độ mỗi ngày một lớn mà ngày nay người ta có thể đẩy nhanh sản xuất ở trong tất cả các lĩnh vực của nền đại công nghiệp...”(6).   

2. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là xu hướng tất yếu của quá trình đổi mới     

Thứ nhất, do hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của DNNN có chiều hướng giảm. Trong những năm 80 của thế kỷ XX, đối với các nước có nền kinh tế phát triển cũng như đang phát triển, vai trò của DNNN đã được khẳng định và giữ vị trí chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Nhìn tổng thể thì có những DNNN hoạt động tốt, hiệu quả kinh tế cao, nhưng có không ít doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Nhà nước phải dùng chính sách kinh tế vĩ mô để bảo hộ, như: miễn giảm thuế, cấp vốn ưu đãi đầu tư, bù lỗ... Nhìn chung, DNNN còn những mặt hạn chế, yếu kém, hiệu quả kinh doanh thấp, chưa tương xứng với nguồn lực đã có và sự trợ giúp của nhà nước; công nợ còn nhiều, chậm đổi mới công nghệ, lao động còn dôi dư lớn, chưa thật sự tự chủ trong kinh doanh, trình độ quản lý còn yếu kém, cơ cấu DNNN còn nhiều bất hợp lý. Nhiều doanh nghiệp có năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh trên thị trường yếu dẫn đến hiệu quả kinh doanh còn nhiều hạn chế... Đây là một tình trạng chung của DNNN ở tất cả các nước có nền kinh tế thị trường phát triển cũng như đang phát triển.    

Thứ hai, nhà nước giảm dần sự bảo hộ đối với DNNN. Các nước phương Tây đã phải dao động giữa thời kỳ vững chãi của những thành công khu vực kinh tế nhà nước và sự phát triển của khu vực phi nhà nước cũng như việc mở rộng thị trường. Mặt khác, tỷ lệ lạm phát và nợ của nhà nước ngày càng tăng đã làm cho nhiều chính phủ phải tự xem lại chính sách kinh tế của mình. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và khu vực hóa về thị trường sản phẩm và thị trường vốn, hàng loạt ngành công nghiệp ngày càng khó khăn hơn. Đồng thời, việc phát triển sản xuất và những vấn đề liên quan đến sản xuất của các DNNN đều do nhà nước quyết định hoặc lãnh đạo doanh nghiệp quyết định đã phần nào gặp trở ngại trong môi trường mới, đòi hỏi phải có các quyết định nhanh và kịp thời trong nền kinh tế thị trường. Vì vậy, cổ phần hóa DNNN là một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục tình trạng trên.           

Thứ ba, nhà nước giảm dần chức năng làm kinh tế. Nhà nước không có tham vọng hành chính hóa nền kinh tế, cũng như không thể thay thế được vai trò của thị trường và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, xét trên nhiều phương diện, sự quản lý, tác động của nhà nước là điều kiện không thể thiếu được cho sự vận hành hiệu quả của nền kinh tế thị trường. Cho dù kinh tế thị trường có hiệu quả đến đâu thì cũng không thể thả nổi hoàn toàn nền kinh tế cho quy luật tự điều chỉnh của thị trường. Sẽ là ảo tưởng nếu cho rằng thị trường tự nó sẽ tự điều chỉnh, tự nó có đủ cơ chế để vận hành hiệu quả.

Nhà nước điều tiết thị trường thông qua các quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách. Nhà nước cũng có thể can thiệp, điều tiết thị trường bằng việc thành lập các cơ quan được giao đặc trách việc điều tiết, quản lý kinh tế, với quy chế độc lập. Việc nhà nước hạn chế, giảm thiểu các biện pháp can thiệp trực tiếp vào nền kinh tế và làm thay các DNNN dẫn đến hai thay đổi đáng kể: 1) Tăng cường vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước thông qua việc ban hành các quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn cho sự vận hành của thị trường; 2) Tăng cường tính chủ động, trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.  

Hiện nay, các khoản nợ, việc chiếm dụng vốn giữa các doanh nghiệp với nhau rất lớn, nhà nước lại phải đứng ra lo trả nợ để đảm bảo cho sự hoạt động bình thường mặc dù không thu được vốn về. Điều đó đã khiến các DNNN trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Mức độ tổn thất do khu vực DNNN gây ra cho ngân sách đã làm suy giảm lòng tin về khả năng, lợi ích của khu vực kinh tế này đối với sự phát triển cân đối của nền kinh tế, đồng thời để lại những hậu quả nghiêm trọng về mặt xã hội như: tệ tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, ỷ lại vào nhà nước, thất nghiệp tăng... Để giảm bớt những gánh nặng này, nhà nước từng bước tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp.     

Trong bối cảnh ấy, vị trí, vai trò của các DNNN cũng cần thay đổi cho phù hợp. Các doanh nghiệp muốn giải quyết vấn đề này không thể tự mình quyết định mà phải qua nhiều thủ tục hành chính của các cấp có thẩm quyền để chớp lấy thời cơ hội nhập và hợp tác quốc tế. Chuyển đổi DNNN sang các loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu là một giải pháp hữu hiệu.    

Như vậy, cổ phần hóa DNNN là việc chuyển đổi hình thức sở hữu từ DNNN (doanh nghiệp đơn sở hữu) sang công ty cổ phần (doanh nghiệp đa sở hữu), đồng thời chuyển doanh nghiệp từ chỗ hoạt động theo độc quyền nhà nước sang nguyên tắc thị trường (cung cầu cạnh tranh...), hình thức sở hữu đã chuyển từ nhà nước duy nhất sang hỗn hợp. 

Với những đặc trưng như vậy, giải pháp cổ phần hóa đáp ứng những yêu cầu bức thiết của công cuộc cải cách DNNN đang đòi hỏi, giải tỏa những khó khăn, khuyến khích người lao động đóng góp tích cực và có trách nhiệm sức lực, trí tuệ của họ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.       

Trong DNNN, người lao động được coi là chủ, nhưng điều đó mang nặng tính hình thức. Chuyển sang công ty cổ phần, vốn và tài sản thuộc sở hữu tập thể của các cổ đông. Một bộ phận trong các cổ đông trước đây là những người lao động trong doanh nghiệp trở thành người chủ sở hữu đích thực của công ty, họ cùng với các cổ đông khác tham gia vào quá trình quản lý, điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty nhằm đạt được những mục tiêu đã định. Hoạt động sản xuất của họ gắn liền với sự thành bại của doanh nghiệp, vì thế, các thành viên đều rất quan tâm đến công việc của mình, lao động tích cực với tinh thần trách nhiệm. Những biểu hiện mới này hầu như không tồn tại trong doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa.     

Hơn nữa, các công ty cổ phần dưới quyền điều hành của chủ nhân mới, với động lực mới trong quản lý doanh nghiệp, phương hướng hoạt động thay đổi theo hướng không ngừng củng cố sức mạnh cạnh tranh của công ty sẽ có thể huy động thêm nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội.   

Mặt khác, vào những thập niên cuối thế kỷ XX, nhất là trong thập niên 90, khu vực hóa và toàn cầu hóa là xu thế tất yếu của nền kinh tế thế giới. Việc gia nhập các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới như AFTA, NAFTA, EU và WTO luôn là mong muốn của bất kỳ một quốc gia nào. Xu thế hội nhập này tạo cơ hội cạnh tranh bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, song nó cũng đặt các doanh nghiệp vào cuộc chơi khắc nghiệt với quy luật “mạnh thắng, yếu thua”. Hàng rào thuế quan mà chính phủ các nước sử dụng để bảo vệ các sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất sẽ mất tác dụng. Vì vậy, biện pháp duy nhất để các doanh nghiệp không bị loại bỏ khỏi “cuộc chơi” là phải tăng cường khả năng cạnh tranh để chiếm lĩnh và tạo thế đứng vững trên thương trường. Cổ phần hóa DNNN sẽ góp phần tạo sức cạnh tranh mới cho các doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia kinh tế Việt Nam và thế giới, để tạo được chỗ đứng trên thương trường, Việt Nam cần phải cải cách DNNN để tìm ra con đường mới cho sự phát triển. Nhiều giải pháp đã được đưa ra như: cơ cấu lại vốn và lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp; sáp nhập các doanh nghiệp có vốn nhỏ, hoạt động trong các lĩnh vực tương đối giống nhau; liên doanh, liên kết với nước ngoài để tận dụng nguồn vốn nước ngoài nâng cấp các trang thiết bị lạc hậu, tiếp cận phương thức quản lý tiên tiến... Song những giải pháp này vẫn chưa tạo được sự thay đổi về chất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đa số các doanh nghiệp vẫn thấp, sức cạnh tranh vẫn còn yếu, chưa có sự thay đổi mang tính bước ngoặt.      

Trước thực trạng này, Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện cổ phần hóa DNNN nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là một chủ trương đúng đắn, một giải pháp ưu việt trong cải cách và sắp xếp lại các DNNN. Điều này đã được minh chứng không chỉ ở Việt Nam mà với cả các nước trên thế giới. Vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, phong trào cổ phần hóa diễn ra đầu tiên ở nước Anh và sau đó lan ra các nước khác như Pháp, Mỹ, các nước Mỹ Latinh... Tuy mỗi nước có phương thức tiến hành khác nhau, song cổ phần hóa đã mang lại những bước tiến rõ rệt cho các DNNN.      

Ở Việt Nam, theo số liệu Bộ Tài chính vừa công bố, trên cơ sở báo cáo của 4 bộ, 9 tập đoàn kinh tế, 10 tổng công ty nhà nước loại đặc biệt và 57 địa phương, riêng trong 4 năm qua đã có 899 DNNN được sắp xếp lại. Trong đó, 367 doanh nghiệp được cổ phần hóa, 532 được sắp xếp lại theo hình thức khác như: giao, bán, giải thể, phá sản, giữ nguyên là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên. Riêng năm 2012 đã tiến hành cổ phần hóa 93 doanh nghiệp, trong đó có 22 doanh nghiệp thuộc các bộ - ngành, 33 doanh nghiệp thuộc các tập đoàn - tổng công ty và 38 doanh nghiệp thuộc các địa phương. Đến nay, cả nước đã cổ phần hóa xong 3.951 DNNN, đạt 67,4% số DNNN cần phải cổ phần hóa.          

Theo báo cáo của Ban Đổi mới DNNN cho thấy, sau cổ phần hóa, 96% doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn, 88% doanh nghiệp tăng năng suất lao động. Khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa tăng lên rõ rệt. Trước khi cổ phần, vốn bình quân của một doanh nghiệp chỉ là 26,3 tỷ đồng, khi chuyển thành công ty cổ phần vốn điều lệ là 71,5 tỷ đồng (tăng 2,8 lần). Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN sau cổ phần hóa cũng tăng lên rõ rệt: doanh thu tăng 3,1 lần, lợi nhuận tăng 6,2 lần, nộp ngân sách tăng 3,6 lần, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trước cổ phần hóa là 27%, sau cổ phần hóa tăng lên 52,5%, thu nhập cổ tức trên vốn góp bình quân đạt từ 2-3%/tháng, thu nhập bình quân đạt từ 3,5 đến 5 triệu đồng/
người/tháng. Đây là những kết quả mà chủ trương cổ phần hóa mang lại. Với kết quả trên, Chính phủ chủ trương tiếp tục triển khai kế hoạch sắp xếp cổ phần hóa DNNN đến năm 2015 với 1.309 DNNN.      

Rõ ràng, hiệu quả của cổ phần hóa DNNN là không thể phủ nhận. Việc nhận thức đúng, có kế hoạch triển khai với các bước tiến hành cụ thể, thận trọng, có sự chỉ đạo chặt chẽ sẽ là bảo đảm cho hiệu quả cổ phần hóa DNNN vững chắc hơn.           

Mặc dù hiện nay các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do cơ chế chính sách chưa đồng bộ, đôi khi chồng chéo, hiểu biết của người lao động và các nhà quản lý còn nhiều hạn chế; song các mục tiêu cơ bản của chủ trương cổ phần hóa vẫn được thực hiện rất thành công và minh chứng cho một chủ trương đúng đắn, tạo tiền đề tốt cho những bước đi tiếp theo trong tiến trình tái cơ cấu hệ thống DNNN     

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2013

(1),(2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.25, phần II, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.680, 681.

(3),(4),(5),(6) Sđd, phần I, Hà Nội, 1994, tr.667, 667, 668, 668.        

 

PGS, TS Đường  Vinh Sường

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền