Trang chủ    Nghiên cứu lý luận     Những cống hiến của Ph.Ăngghen trong việc xây dựng chủ nghĩa vô thần khoa học
Thứ ba, 22 Tháng 4 2014 15:54
5232 Lượt xem

Những cống hiến của Ph.Ăngghen trong việc xây dựng chủ nghĩa vô thần khoa học

(LLCT) - Để xây dựng được một hệ thống triết học hoàn bị, một thế giới quan khoa học, C.Mác và Ph.Ăngghen đã để tâm nghiên cứu đến vấn đề tôn giáo, hình thành chủ nghĩa vô thần, bác bỏ những quan điểm thần học và những hình thái biến thể tinh vi của tôn giáo luận. Mác, Ăngghen đã vạch ra tính chất sai lầm dưới mọi hình thức của chủ nghĩa duy tâm, đồng thời chứng minh tính hạn chế, phiến diện, không triệt để của chủ nghĩa duy vật và vô thần luận trước đó.   

Ăngghen không bàn nhiều đến tôn giáo, nhưng những tư tưởng về tôn giáo của ông rất độc đáo và sâu sắc. Thực tế, khi đưa ra quan điểm của mình về tôn giáo, Ăngghen không nhằm mục đích xây dựng nên môn chủ nghĩa vô thần khoa học, nhưng chính những vấn đề tôn giáo mà ông luận giải (bản chất, nguồn gốc, tính chất, chức năng, vai trò của tôn giáo) đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống triết học và chủ nghĩa cộng sản khoa học. Tìm hiểu một số luận điểm cơ bản về tôn giáo của Ăngghen cho thấy công lao của ông trong việc xây dựng chủ nghĩa vô thần khoa học.          

Thứ nhất, về bản chất của tôn giáo. Khi bàn về bản chất của tôn giáo, Ăngghen đã luận giải và làm sâu sắc thêm tư tưởng “tôn giáo là sự tự ý thức đã bị tha hóa” của Mác. Theo ông, tôn giáo là sản phẩm của sự tưởng tượng bởi đầu óc và trái tim con người, nhưng rồi sản phẩm đó lại trở nên xa lạ, quay trở lại thống trị con người. Hình ảnh thánh thần, ma quỷ phản chiếu chính hình ảnh của con người, vì con người suy nghĩ và tưởng tượng như thế nào thì sẽ tạo nên thánh thần, ma quỷ như vậy. Cái mà con người cho là thánh thần, ma quỷ bản chất chính là tinh thần, là tâm hồn của họ. Nhưng rồi, họ lại quỳ lạy trước sản phẩm mà họ không hề nhận ra là của chính mình để cầu xin những gì bất lực trong cuộc sống. Như vậy, tôn giáo là sự tha hóa của nhận thức con người về thế giới và về chính bản thân mình, hay nói đúng hơn, là sự tự ý thức đã bị tha hoá của con người.      

Tiếp nối luận giải của Mác về bản chất của tôn giáo, Ăngghen đã khái quát và phân tích sâu sắc hơn vấn đề này trong mệnh đề nổi tiếng: “tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo - vào trong đầu óc của con người - của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế”(1). Theo Ăngghen, tôn giáo là sự rút hết toàn bộ nội dung của con người và giới tự nhiên và chuyển nội dung đó sang cái “bóng ma”. Ông kết luận: không nên đi tìm chân lý ở những miền hão huyền của thế giới bên kia, ở một Thượng đế nào đó dường như đang sống ở bên trong thế giới hoặc đối lập với thế giới đó, mà phải tìm chân lý ngay trong lòng của con người. Bản chất riêng của con người vĩ đại và cao quý hơn nhiều so với bản chất tưởng tượng của tất cả những Thượng đế có thể có, vì những Thượng đế này chỉ là sự phản ánh ít nhiều mập mờ và bị bóp méo của bản thân con người. Con người đã tự đánh mất bản chất của mình trong tôn giáo, đã xa rời tính người, và khi tôn giáo bị lung lay do tiến bộ của lịch sử thì con người mới nhận thấy sự trống rỗng và tính không vững chắc của mình. Con người chỉ có lối thoát duy nhất, đó là khắc phục một cách căn bản tất cả mọi quan niệm tôn giáo và quay trở lại với bản chất thật của mình(2). Ở đây, Ăngghen đã đề cao sức mạnh của bản thân con người và phê phán tính thụ động, trông chờ vào sức mạnh của tôn giáo ở con người. Vì chỉ có một thực thể duy nhất là con người với năng lực tự nhiên mới có khả năng lý tưởng hóa đối tượng của mình, thay thế tự nhiên bằng một thế giới khác - thế giới chỉ tồn tại trong tư duy của chính mình, gán cho thế giới đó những phẩm chất cao hơn thế giới hiện thực và gọi nó là thế giới của những cái siêu tự nhiên. Thế giới ấy không nằm ngoài xã hội hiện thực và chính con người đã tự làm ra tôn giáo cho mình, chứ không phải tôn giáo làm ra tự nhiên, con người và xã hội. Như vậy, chỉ có con người mới có năng lực tư duy và phản ánh thế giới hiện thực, và tôn giáo chẳng qua chỉ là một trong những hình thái của ý thức xã hội mà thôi.  

Thứ hai, về nguồn gốc của tôn giáo. Khi đề cập những nguồn gốc ra đời của tôn giáo, Ăngghen đặc biệt chú ý đến nguồn gốc tự nhiên - xã hội. Theo ông, chính giới tự nhiên sản sinh ra tôn giáo chứ không phải tôn giáo sản sinh ra giới tự nhiên như quan điểm của Đuyrinh. Ăngghen cho rằng, nếu trong thời kỳ cộng sản nguyên thủy, con người ta sợ hãi trước sức mạnh tự nhiên, thì chẳng bao lâu sau, những lực lượng xã hội cũng trở thành mối lo sợ đối với họ - những lực lượng này dần trở nên xa lạ, đối lập với con người với cái vẻ bên ngoài giống như các lực lượng tự nhiên đã từng thống trị họ(3). Đó là nỗi sợ hãi bệnh tật, đói nghèo, sự áp bức, bất công... Người lao động lúc này chỉ là những người làm thuê, không tự quyết định được số phận của mình, lệ thuộc gần như hoàn toàn vào giai cấp thống trị. Nỗi sợ hãi mà họ không sao cắt nghĩa được chính là nguồn gốc xã hội cho sự ra đời của tôn giáo.    

Ăngghen đã phủ nhận những nhận thức không khoa học về nguồn gốc của tôn giáo, những quan điểm duy tâm về tôn giáo và chủ nghĩa tín ngưỡng: cho rằng, thần thánh tồn tại tự nó, bên ngoài con người, không phụ thuộc vào con người, thậm chí còn quyết định và chi phối sự tồn tại của con người và toàn bộ thế giới này; thần thánh và con người đều là sản phẩm của giới tự nhiên, cùng tồn tại và hiện hữu.         

Suy cho cùng, không phải bản thân giới tự nhiên mà chính là sự hạn chế của con người trước giới tự nhiên, bao gồm sự hạn chế của lực lượng sản xuất và trình độ tư duy, nhận thức, đã sản sinh ra ý thức tôn giáo. Điều đó cũng có nghĩa rằng, nguồn gốc của tôn giáo gắn liền với lịch sử xã hội, có dấu ấn của xã hội loài người với những tiền đề, những thay đổi về kinh tế, về giai cấp, chứ tôn giáo hay thánh thần không phải là cái có trước hay tồn tại đâu đó, độc lập với con người.           

Sau này, Lênin đã khái quát lại toàn bộ những quan điểm của Mác, Ăngghen về nguồn gốc của tôn giáo: “Sự bất lực của giai cấp bị bóc lột trong cuộc đấu tranh chống bọn bóc lột tất nhiên đẻ ra lòng tin vào một cuộc đời tốt đẹp hơn ở thế giới bên kia, cũng giống y như sự bất lực của người dã man trong cuộc đấu tranh chống thiên nhiên đẻ ra lòng tin vào thần thánh, ma quỷ, vào những phép mầu, v.v..”(4).           

Thứ ba, về tính lịch sử của tôn giáo. Ăngghen khẳng định, sự phát triển của tôn giáo gắn với tiến trình lịch sử của xã hội loài người. Ông phản bác lại quan điểm của Phoiơbắc, rằng các thời đại của loài người chỉ khác nhau bởi những thay đổi về phương diện tôn giáo. Ăngghen phân tích, những tôn giáo cũ nảy sinh một cách tự nhiên trong các bộ lạc sẽ mất hết sức đề kháng một khi nền độc lập của các bộ lạc bị phá vỡ, cũng như các vị thần chỉ có thể tiếp tục tồn tại trong trí tưởng tượng chừng nào dân tộc tạo ra các vị thần ấy còn tồn tại, khi dân tộc đó tiêu vong thì các vị thần ấy cũng tiêu vong theo(5). Thí dụ sự phát triển của đạo Cơ Đốc và Tin lành: theo Ăngghen, đạo Cơ Đốc cũng phát triển theo sự phát triển của chế độ phong kiến mà trở thành tôn giáo phù hợp với chế độ ấy. Nhưng khi tầng lớp thị dân ra đời thì sự gò bó, rườm rà trong giáo lý, lễ nghi của đạo Cơ Đốc không còn phù hợp với lối sống tư bản và đời sống đô thị, trong khi đạo Tin lành, với việc giản tiện các nghi thức, lại trở nên phù hợp hơn với sự phát triển của công nghiệp và tầng lớp thị dân. Nghĩa là, những thay đổi xã hội về kinh tế, về giai cấp... đã nảy sinh ra tôn giáo và tôn giáo luôn mang trong nó những dấu ấn của xã hội khi nó còn phù hợp với xã hội ấy.         

Một thí dụ nữa được Ăngghen nêu ra nhằm minh chứng cho quá trình phát triển của tôn giáo gắn với tiến trình phát triển của xã hội loài người chính là con đường, hay cách thức từ đa thần giáo chuyển thành nhất thần giáo. Ăngghen cho rằng: “Đến một giai đoạn tiến hoá cao hơn nữa, thì toàn bộ những thuộc tính tự nhiên và thuộc tính xã hội của nhiều vị thần được chuyển sang cho một vị thần vạn năng duy nhất, tuy nhiên bản thân vị thần này cũng chỉ là phản ánh của con người trừu tượng... Nhất thần giáo xuất hiện”(6). Như vậy, nguyên nhân từ đa thần giáo chuyển thành nhất thần giáo chính là tiến hoá xã hội - từ thị tộc bộ lạc đến hình thành dân tộc. Đó là quá trình tập hợp, thôn tính về mặt lãnh thổ và phát triển về mặt kinh tế, văn hoá, bắt đầu phân chia giai cấp, do vậy, nhiều vị thần của nhiều bộ lạc tất yếu phải mất đi để cho một vị thần duy nhất có sức mạnh vạn năng ra đời. Vị thần này là biểu tượng cho lực lượng xã hội chiến thắng, đóng vai trò trung tâm trong xã hội, là đại diện của dân tộc. Tóm lại, sự phát triển của tôn giáo từ đa thần đến nhất thần đi liền với sự phát triển của xã hội từ thị tộc, bộ lạc sang chế độ quân chủ thống nhất.    

Thứ tư, về vai trò của tôn giáo. Ăngghen đã phát hiện ra tính cách mạng và dân chủ trong tư tưởng của Cơ Đốc giáo nguyên thủy. Ông đã dành không ít trang sách viết về đạo Cơ Đốc khởi thủy và đi đến nhận xét: lý thuyết về sự bình đẳng của tất cả mọi người trước Chúa trong giáo lý của đạo Cơ Đốc mặc dù mang nặng tư tưởng thần học, nhưng trên thực tế, nó đã trở thành một vũ khí tinh thần tiếp thêm sức mạnh cho các cuộc khởi nghĩa nông dân thời bấy giờ đấu tranh đòi sự bình đẳng ngay trong thế giới trần gian này(7). Theo ông, không phải Cơ Đốc giáo cổ vũ đấu tranh cho tầng lớp nông dân, thị dân mà chính họ, những tín đồ của Cơ Đốc giáo đã thẩm thấu lý thuyết về sự bình đẳng trước Chúa trong cuốn Kinh thánh mà họ cầu nguyện hằng ngày, để rồi từ đó nuôi dưỡng và nung nấu các cuộc đấu tranh đòi sự bình đẳng ngay trong xã hội mà họ đang sống. Như vậy, có thể coi giáo lý của đạo Cơ Đốc là một biểu hiện của tinh thần bình đẳng xã hội. Từ sự bình đẳng giữa những con người trước Chúa, giáo lý đã rút ra sự bình đẳng của các công dân, và ngay từ thời bấy giờ, một phần nào cũng chỉ ra sự bình đẳng về tài sản. Coi quý tộc bình đẳng với nông dân, quý tộc thành thị và thị dân có đặc quyền bình đẳng với những người bình dân, bãi bỏ chế độ lao dịch, địa tô, thuế khóa, các đặc quyền, và ít ra là thủ tiêu những sự khác biệt nổi bật nhất về tài sản, đó là những yêu sách được đề ra, với tính cách là những kết luận rút ra từ học thuyết Cơ Đốc giáo nguyên thủy(8).

Như vậy, Ăngghen xem tôn giáo như một hiện tượng xã hội phức tạp, đa dạng, gắn liền với những lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Ông đã chỉ ra tính “yếu ớt” của chủ nghĩa vô thần trước đó ở chỗ không nhìn thấy mối quan hệ giữa tôn giáo với cơ sở trần tục sản sinh ra nó là nhà nước, là xã hội hiện thực mà tôn giáo đang tồn tại. Do đó, đối với ông, chủ nghĩa vô thần khoa học không chỉ là sự phủ định, phê phán tôn giáo một cách thuần túy tư biện, mà còn cần phải xây dựng và hình thành thế giới quan duy vật khoa học để quần chúng nhân dân lao động trở nên lý tính hơn, cách mạng hơn.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2013

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.437.       

(2) Xem C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.815.  

(3),(6),(7) Xem C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.20,  Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.437-438, 439, 149-150.    

(4) V.I.Lênin: Toàn tập, t.12, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr.169-170.       

(5) Xem C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyển tập, t.6, Nxb Sự thật, Hà Nội,1984, tr.417.    

(8) Xem C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1993, tr.477-478.      

Phùng Thị An Na

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền