Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Bàn về trách nhiệm và thẩm quyền của đảng cầm quyền
Thứ năm, 24 Tháng 4 2014 09:59
2433 Lượt xem

Bàn về trách nhiệm và thẩm quyền của đảng cầm quyền

(LLCT) - Trách nhiệm và thẩm quyền của Đảng nói chung, của một tổ chức đảng nói riêng là vấn đề đặc biệt quan trọng, thể hiện vị trí, vai trò, chức năng, nội dung, phương thức lãnh đạo và kết quả lãnh đạo. Xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền là cơ sở để đánh giá kết quả hoạt động của một tổ chức đảng, tránh được sự chồng chéo, lấn sân, ôm đồm, bao biện trong lãnh đạo, quản lý, tránh được tình trạng đùn đẩy, ỷ lại, thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc.

 

Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm đến việc xác định thẩm quyền và trách nhiệm của Đảng với Nhà nước và các đoàn thể nhân dân. Từ Đại hội VI, Đảng đã xác định: khắc phục tình trạng bao biện làm thay, lấn sân của Đảng đối với chính quyền, các đoàn thể. Và gần đây nhất, Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: “Khắc phục tình trạng Đảng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc bao biện làm thay chức năng, nhiệm vụ quản lý điều hành của chính quyền”(1).      

1. Về trách nhiệm của đảng cầm quyền   

Về mặt lý luận, trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam xuất phát từ vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là lật đổ chế độ TBCN xây dựng xã hội mới, xã hội XHCN. Đảng là đội tiên phong của giai cấp, vì vậy, Đảng phải đại diện cho giai cấp thực hiện sứ mệnh lịch sử đó. 

Trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản”. Mục đích, lý tưởng đó được cụ thể hoá trong mỗi giai đoạn cách mạng, trong thực tiễn đất nước và trong đời sống của nhân dân. Như vậy, lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước, chăm lo đời sống nhân dân là trách nhiệm của Đảng.  

Trách nhiệm của Đảng xuất phát từ bản chất của Đảng. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc (Điều lệ Đảng khoá XI). Bản chất của Đảng là tính tiên phong, tính cách mạng và khoa học. Đảng là đại diện cho tinh hoa, trí tuệ của dân tộc, là tổ chức của những người tiên tiến nhất trong xã hội. Với bản chất đó, Đảng phải có trách nhiệm lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo đất nước, mang lại lợi ích cho nhân dân.    

Về mặt thực tiễn, trách nhiệm của Đảng xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, từ nhiệm vụ của cách mạng. Đảng cầm quyền, tức là nắm quyền lực nhà nước. Khi đã nắm quyền thì phải chịu trách nhiệm về mọi quyết định của mình, phải tổ chức và định hướng sự phát triển xã hội, phải giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đất nước và nhiệm vụ cách mạng đang đặt ra, để bảo đảm cho xã hội không ngừng phát triển. Trong quá trình lãnh đạo, với tư cách là Đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội, mọi thành công hay thất bại, mỗi kết quả đạt được hay những yếu kém trong xã hội đều có trách nhiệm của Đảng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng ta đã làm hết sức mình, làm tròn vai trò, trách nhiệm của một Đảng tiên phong cách mạng. Chính nhờ vậy, nhân dân ta đã giành được chính quyền, cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bước sang thời kỳ mới, thời kỳ CNH, HĐH, hội nhập quốc tế, nhiều vấn đề phức tạp đang đặt ra, nhiều khó khăn đang phải đối mặt, các thế lực thù địch đang tìm mọi cách tấn công cách mạng nước ta. Với vai trò của Đảng cầm quyền, Đảng phải có trách nhiệm giữ vững vai trò lãnh đạo, cùng với nhân dân, dựa vào nhân dân để vượt qua khó khăn thử thách, để xây dựng đất nước ta giàu mạnh. Đó là đòi hỏi của thực tiễn đất nước trong giai đoạn hiện nay.             

Trách nhiệm của Đảng xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân. Quyền lãnh đạo xã hội của Đảng không phải là một thứ bổng lộc mà là trách nhiệm. Quyền và trách nhiệm đó là do nhân dân, dân tộc, giai cấp uỷ thác, giao phó. Chính nhân dân là người lựa chọn Đảng, tham gia xây dựng Đảng, phát hiện và giới thiệu cán bộ cho Đảng. Một khi giai cấp và nhân dân lao động đã tin tưởng vào Đảng, giao quyền lực cho Đảng thì Đảng phải làm tròn trách nhiệm trước giai cấp và nhân dân.            

Đảng phải chịu trách nhiệm định hướng tương lai của dân tộc, về những quyết định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chịu trách nhiệm chăm lo mọi mặt đời sống nhân dân, mọi hoạt động của đất nước. Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 mà chúng ta đang thảo luận, góp ý cũng đề cập về trách nhiệm của Đảng: “Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.           

Trách nhiệm của Đảng được thể hiện ở trách nhiệm của từng tổ chức đảng, từng cán bộ, đảng viên. Cá nhân đảng viên phải chịu trách nhiệm trước tổ chức đảng và tổ chức đảng phải chịu trách nhiệm đối với mỗi cá nhân đảng viên; cấp dưới phải chịu trách nhiệm trước cấp trên và cấp trên phải chịu trách nhiệm trước cấp dưới. Toàn Đảng phải chịu trách nhiệm trước giai cấp và dân tộc.         

Trong thực tế, chúng ta thường chỉ nói cá nhân phải chịu trách nhiệm trước tổ chức, cấp dưới phải chịu trách nhiệm trước cấp trên mà không nói đến trách nhiệm của tổ chức với cá nhân và trách nhiệm của cấp trên đối với cấp dưới. Đây là lối tư duy một chiều theo kiểu hành chính, mệnh lệnh, chỉ huy, áp đặt. Chính vì vậy đã tạo ra lối làm việc thụ động, làm triệt tiêu động lực sáng tạo và làm giảm tính trách nhiệm của Đảng và các tổ chức đảng trong quá trình lãnh đạo. Đó cũng là hình thức bao che, lẩn tránh trách nhiệm của cấp trên đối với cấp dưới, của tổ chức đối với cá nhân mỗi khi có khuyết điểm. Do đó, cần đổi mới nhận thức về vấn đề này. Mọi tổ chức, cá nhân và giữa cấp trên và cấp dưới phải cùng đồng trách nhiệm.

2. Về thẩm quyền của Đảng         

Thẩm quyền là quyền được giao để quyết định và giải quyết đối với những vấn đề, những nhiệm vụ trong phạm vi phụ trách. Và để thực hiện trách nhiệm được giao, Đảng phải phân cấp, phân công trách nhiệm, đồng thời phải phân quyền, uỷ quyền  cho từng cấp, từng tổ chức, cá nhân, để thực thi chức trách, nhiệm vụ. Về nguyên tắc, trách nhiệm và thẩm quyền phải tương thích với nhau. Nhiệm vụ, trách nhiệm được giao đến đâu, trong phạm vi nào thì cá nhân hay tổ chức thực hiện phải có quyền và được quyền quyết định trong phạm vi đó. Giao nhiệm vụ và giao trách nhiệm phải giao quyền quyết định, phải có quyền lực thực tế để thực thi nhiệm vụ. Nếu không có sự tương thích giữa nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền thì sẽ xảy ra các trường hợp: không có đủ thẩm quyền thì không thể hoàn thành được nhiệm vụ, sẽ là duy ý chí và không tưởng. Nếu giao quyền lực nhiều hơn, lớn hơn trách nhiệm hoặc giao quyền mà không gắn với trách nhiệm và không có cơ chế kiểm soát thì sẽ xảy ra tình trạng lộng quyền và tất yếu sẽ dẫn đến mất dân chủ.         

Với tư cách là Đảng cầm quyền, thẩm quyền của Đảng là quyết định phương hướng chính trị, những chủ trương, đường lối phát triển đất nước. Ở mỗi cấp, thẩm quyền của các tổ chức đảng là quyết định phương hướng, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân địa phương. Thẩm quyền quyết định của Đảng không phải là những quyết định hành chính, áp đặt mà là bằng cương lĩnh, đường lối, chủ trương. Đảng không bao biện, làm thay mà phải thông qua Nhà nước, các tổ chức đoàn thể nhân dân.          

Thực tế những năm qua, không ít cán bộ, tổ chức đảng do nhận thức sai về nguyên tắc tập trung dân chủ, chỉ nhấn mạnh đến tập trung, coi nhẹ dân chủ, do thiếu những quy định cần thiết bảo đảm cho sự tương thích giữa trách nhiệm và quyền lực và cũng do một số cá nhân tham quyền, vụ lợi, coi quyền lực là thứ có thể tạo ra bổng lộc, muốn thâu tóm quyền lực để lũng đoạn bộ máy, để mưu lợi cho bản thân và do thiếu cơ chế kiểm tra, kiểm soát quyền lực, chưa gắn liền quyền lực với trách nhiệm đã dẫn đến tình trạng khi có khuyết điểm xảy ra thì không ai chịu trách nhiệm, đổ lỗi do tập thể lãnh đạo. Trong thực tế hiện nay, không hiếm cán bộ lãnh đạo, không ít cơ quan, tổ chức các cấp có xu hướng muốn tăng quyền hạn, tăng thẩm quyền tức là tăng quyền lực nhưng không thấy có xu hướng đòi tăng trách nhiệm. Nếu tăng quyền nhưng không tăng trách nhiệm, không gắn trách nhiệm với quyền lực sẽ là nguy cơ tích tụ, tập trung quyền lực trong Đảng cầm quyền và một khi đã tích tụ, tập trung quyền lực thì tất yếu dẫn đến nguy cơ mất dân chủ, kìm hãm sự sáng tạo.

Để gắn trách nhiệm với quyền lực được giao, để kiểm soát được trách nhiệm, hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền, lấn sân, cần có ba điều kiện cơ bản, mấu chốt:  

Một là, xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống các quy chế, quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của mọi tổ chức đảng, chính quyền, của mỗi cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Quy chế, quy định là “bộ luật” của một tổ chức, cơ quan, đơn vị để điều chỉnh hành vi của cá nhân và tổ chức, là căn cứ để đánh giá, kiểm tra, giám sát. Vì vậy, quy chế, quy định là công cụ hữu hiệu của lãnh đạo, quản lý. Nhiệm vụ đặt ra cấp bách hiện nay là phải xây dựng hoàn chỉnh bộ quy chế, quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của các tổ chức đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Chỉ có như vậy cán bộ, đảng viên và nhân dân mới có căn cứ, cơ sở để kiểm tra, so sánh, đối chiếu, đánh giá đúng mức độ hoàn thành trách nhiệm, để kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của các tổ chức, cá nhân. Những quy chế, quy định cụ thể sẽ là căn cứ pháp lý để cá nhân và tổ chức, cấp dưới và cấp trên, nhân dân và cán bộ, đảng viên kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau. Các quy định, quy chế phải được xây dựng trên tinh thần dân chủ, được công khai, minh bạch trong phạm vi hoạt động của mỗi cơ quan, tổ chức.   

Hai là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, dựa vào nhân dân để kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ, đảng viên và các tổ chức, cá nhân được giao trách nhiệm và quyền lực. Không có kiểm tra thì coi như không có lãnh đạo. Quyền lực và trách nhiệm nếu không được kiểm soát sẽ dẫn tới sự tha hóa. Đó là hiện tượng tham nhũng, lạm quyền, lộng quyền, lẩn tránh, vô trách nhiệm của những người có chức vụ quyền hạn. Theo Hồ Chí Minh: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”(2) Vấn đề đặt ra là, một mặt phải xây dựng, củng cố quyền lực và trách nhiệm của cơ quan kiểm tra, thanh tra các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh, có quyền lực thực tế, có trách nhiệm cao trong công tác kiểm tra, giám sát. Mặt khác, phải dựa vào dân, có cơ chế, quy chế để nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên; để cấp dưới kiểm tra, kiểm soát cấp trên, để cá nhân kiểm tra, kiểm soát tổ chức.   

Dựa vào dân để kiểm tra, kiểm soát, vì nhân dân biết rõ những ưu điểm, khuyết điểm của tổ chức đảng và chính quyền, biết ai tốt, ai xấu, chỉ có điều là họ có nói và dám nói hay không. Để dân dám nói, phải thực sự dân chủ, thực sự tin dân, trọng dân, nghe dân. Tức là cán bộ, đảng viên phải thực sự cầu thị, thành tâm lắng nghe ý kiến của dân; tổ chức đảng phải thực sự dựa vào dân thì dân mới thẳng thắn góp ý với  Đảng. Chỉ có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân đối với hoạt động của Đảng, chính quyền thì mới có khả năng loại trừ “một bộ phận không nhỏ” đảng viên thoái hóa, biến chất, tránh được nguy cơ suy vong của chế độ và Đảng mới thực sự trong sạch, vững mạnh, mới có khả năng thực hiện đầy đủ trách nhiệm trước nhân dân.           

Ba là, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của Đảng với chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị.      

Trong hệ thống chính trị nước ta có ba bộ phận cấu thành: Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Cả ba bộ phận này đều có chung mục tiêu, nhiệm vụ và chức năng là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước. Sự thống nhất đó hợp thành một chủ thể thống nhất của cả hệ thống. Tuy nhiên, đi vào cụ thể, mỗi bộ phận lại có chức năng, nhiệm vụ  khác nhau. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của mỗi bộ phận là cở sở để phân định trách nhiệm, thẩm quyền và để tránh sự chồng chéo, lấn sân hoặc đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình vận hành của hệ thống chính trị.

Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền. Chức năng chủ yếu của Đảng là lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Nhiệm vụ chủ yếu của Đảng là đề ra cương lĩnh, xác định đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn để định hướng sự phát triển đất nước; tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tập hợp nhân dân; tổ chức kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan Nhà nước và các tổ chức đoàn thể nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng.        

Nhà nước có chức năng chủ yếu là trực tiếp tổ chức quản lý, điều hành mọi hoạt động của đất nước, chịu trách nhiệm cụ thể hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và tổ chức triển khai thực hiện trong phạm vi, quyền hạn của mình. Nhiệm vụ của Nhà nước và chính quyền các cấp là chăm lo đời sống của nhân dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, đoàn thể nhân dân hoạt động và kiểm tra mọi tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành luật pháp. Nhà nước, chính quyền các cấp chịu sự lãnh đạo của Đảng và chấp hành sự lãnh đạo của Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân.            

Các tổ chức trong hệ thống chính trị có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, song về đại thể, đều có cùng chức năng cơ bản: Đại diện cho quyền và lợi ích của nhân dân; nắm bắt và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của hội viên, chăm lo lợi ích của hội viên. Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị là cơ sở chính trị - xã hội của cả hệ thống chính trị, của đất nước. Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội có chức năng, nhiệm vụ xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; thu hút, tập hợp, vận động mọi tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; giám sát, phản biện đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Mối quan hệ của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp với nhân nhân một phần lớn tuỳ thuộc vào mối quan hệ với Mặt trận và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị không phải là sự phân chia quyền lực, mà là sự phân định trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi thành viên trong hệ thống một cách minh bạch hơn, tránh được sự lẫn lộn, lạm dụng, lấn sân trong hoạt động. Chỉ có sự phân định rạch ròi, minh bạch chức năng, nhiệm vụ thì mới tạo ra sự đoàn kết, thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ và sức mạnh của toàn hệ thống chính trị.        

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2013

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.145.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.287.

PGS, TS Lê Kim Việt

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền