Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Ph.Ăngghen bàn về chế độ bầu cử trong xã hội tư bản
Thứ năm, 24 Tháng 4 2014 10:51
4997 Lượt xem

Ph.Ăngghen bàn về chế độ bầu cử trong xã hội tư bản

(LLCT) - Bầu cử và ứng cử là hoạt động chính trị chỉ bắt đầu xuất hiện trong xã hội tư bản và đó vẫn là một trong những hoạt động quan trọng của các nhà nước trong xã hội hiện đại. Nó là dấu hiệu của sự tiến bộ của xã hội tư bản so với các xã hội trước đó. Thực chất của quyền bầu cử và ứng cử ấy là gì và công nhân có thể sử dụng quyền này như thế nào trong trật tự tư bản là những vấn đề mà Ph.Ăngghen đã đặt ra và giải quyết trong các tác phẩm của mình. Nghiên cứu vấn đề này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thực chất của nền dân chủ tư sản.      

Hoạt động bầu cử và ứng cử vào bộ máy nhà nước chính là biểu hiện rõ nét nhất của một nền dân chủ. Trong luật pháp của các quốc gia tư sản đều khẳng định mọi công dân đều có quyền bầu cử và ứng cử. Tuy nhiên, từ những quy định của luật pháp đến thực tiễn cuộc sống là hai vấn đề không phải lúc nào cũng thống nhất hoàn toàn. Bằng việc đặt ra những điều kiện, quy tắc, cơ chế về bầu cử và ứng cử có lợi cho giai cấp mình, trên thực tế, giai cấp tư sản đã hạn chế tối đa, đã loại bỏ sự tham gia chính trường của các giai cấp khác. Qua nghiên cứu, phân tích chế độ bầu cử ở các quốc gia tư sản cuối thế kỷ XIX, Ăngghen đã vạch rõ bản chất của nền dân chủ tư sản. Đó là một nền dân chủ hình thức, giả hiệu, dân chủ chỉ đối với một thiểu số giai cấp tư sản mà thôi.     

1. Tính hạn chế, không bình đẳng của quyền bầu cử và ứng cử ở các quốc gia tư sản

Để tập hợp các giai cấp, tầng lớp xung quanh mình đấu tranh chống lại phong kiến, giai cấp tư sản đã giương cao ngọn cờ tự do, bình đẳng, bác ái. Vì vậy, sau khi giành được chính quyền, để duy trì sự thống trị về mặt chính trị của mình, giai cấp tư sản không thể tiếp tục cách thức đặc quyền cha truyền con nối như trong xã hội phong kiến. Nó buộc phải dùng hình thức bầu cử, tức là thừa nhận sự bình đẳng của tất cả mọi công dân trong việc quyết định người nào, giai cấp nào lãnh đạo đất nước: “Giai cấp tư sản xóa bỏ mọi sự khác nhau cũ giữa các đẳng cấp hiện tồn tại trong nước, mọi đặc quyền và quyền ưu tiên dựa trên sự chuyên quyền; nó buộc phải đưa nguyên tắc bầu cử làm cơ sở của quyền thống trị tức là thừa nhận trên nguyên tắc quyền bình đẳng... Chừng nào còn nói về những cái đó những người tư sản dường như là những người dân chủ chân chính”(1). Theo Ăngghen, việc đưa nguyên tắc bầu cử làm cơ sở của quyền thống trị là một bước tiến, thể hiện tính dân chủ của xã hội tư bản so với xã hội phong kiến. Song cũng ở đây, Ăngghen đã chỉ rõ dân chủ này chỉ là dân chủ hình thức mà thôi. Để chứng minh điều đó, Ăngghen đi vào phân tích chế độ bầu cử ở nước Anh.            

Để chỉ rõ thực chất ai đang nắm quyền thống trị ở Anh, Ăngghen xem xét tình hình ở cả khu vực nông thôn và thành thị của Anh. Theo Ăngghen, ở nông thôn, cử tri hầu hết là tá điền. Nhưng vì sự lệ thuộc về kinh tế của tá điền vào chủ ruộng “bất kỳ lúc nào chủ ruộng cũng có thể không cho họ thuê ruộng nữa, do không có quan hệ hợp đồng giữa họ với nhau”(2), nên đại biểu của các quận vẫn là các đại biểu của chủ ruộng. Còn ở các thành phố, giai cấp tư sản quy định tư cách cử tri là “bất kỳ một người nào thuê nhà, mỗi năm trả 10 pao tiền thuê nhà trở lên và nộp thuế trực thu (thuế giúp người nghèo v.v..) thì đều có quyền bầu cử”(3). Với điều kiện tư cách cử tri như thế thì giai cấp công nhân đã bị gạt ra khỏi cuộc bầu cử. Họ không thể là cử tri bởi vì chỉ những người công nhân có vợ con mới sống trong căn nhà riêng và ngay nếu như phần lớn họ có trả 10 pao tiền thuê nhà hàng năm thì hầu hết những người này cũng từ chối nộp các khoản thuế trực thu. Không chỉ quy định điều kiện được đi bầu cử mà ở Anh còn có những quy định về ứng cử, cụ thể là “mỗi ứng cử viên, muốn có quyền được ra ứng cử, phải nộp hai trăm pao xtéclinh... dùng làm chi phí bầu cử”(4). Đối với điều kiện này thì công nhân cũng không thể trở thành ứng cử viên, và chỉ có những người công nhân nào được giai cấp tư sản cấp cho món tiền đó, thì mới thật sự được ra làm ứng cử viên. Nhưng khi đó, họ không còn là đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của công nhân nữa mà sẽ hành động theo sự đồng ý của cấp trên tối cao là giai cấp tư sản. Bằng cách này, giai cấp tư sản đã nắm chặt lấy những ứng cử viên công nhân có khả năng được đề cử và đặt họ dưới sự lãnh đạo của chúng. Như vậy, nguyên tắc bình đẳng mà luật pháp tư sản đưa ra đã bị xóa bỏ bằng việc thi hành điều kiện tối thiểu về tài sản đối với quyền bầu cử và ứng cử. Với những điều kiện đó thì giai cấp tư sản đã gạt công nhân ra khỏi nguyên tắc tuyển cử và biến nó thành của riêng giai cấp mình.          

Ngoài ra, chế độ bầu cử ở Anh còn được bổ sung bằng tệ hối lộ và mua chuộc. Theo Ăngghen, chưa bao giờ nạn mua chuộc lại đạt tới quy mô như lúc bấy giờ, ghế đại biểu của thành phố Luân Đôn được bán đấu giá một cách hoàn toàn công khai cho người nào trả nhiều hơn. Tômát Đơncơmbơ, một đại biểu của Hạ viện đã từng tuyên bố rằng không một ai trong Hạ viện Anh, kể cả bản thân ông ta, có thể nói rằng mình có được địa vị này là do cử tri bầu ra một cách hoàn toàn tự do, chứ không phải bằng mua chuộc.    

Từ sự phân tích này, Ăngghen đi đến kết luận rằng chính “tài sản” là cái đang thống trị ở Anh. Sự thống trị của tài sản được các dự luật xác nhận rõ ràng bằng việc quy định tư cách bầu cử và ứng cử gắn với tài sản. Hơn nữa, con đường mua chuộc chỉ có thể thực hiện được nhờ vào ưu thế về tiền. Vì vậy, trong sự so sánh về lực lượng giữa tầng lớp quý tộc có khả năng lái cuộc bầu cử đại biểu các khu nông nghiệp và thị trấn nhỏ với các thương nhân và chủ xưởng có khả năng ảnh hưởng đến việc bầu cử đại biểu các thành phố lớn và một phần các thành phố nhỏ ở Anh thì ảnh hưởng của giai cấp tư sản mạnh hơn nhiều so với quý tộc. Bởi lẽ thực chất đó là cuộc chạy đua về ảnh hưởng của tài sản trong các cuộc bầu cử. Trong cuộc chạy đua này thì chắc chắn giai cấp tư sản sẽ thắng thế so với quý tộc. Do đó, giai cấp tư sản đang thống trị một cách thực sự ở Anh. Từ đó, Ăngghen đi đến khẳng định giữa những điều quy định trong Hiến pháp và thực tiễn ở Anh là hai mặt xa lạ với nhau đến mức mất hết mọi sự giống nhau.   

Như vậy, theo Ăngghen, quyền bầu cử và ứng cử cho tất cả mọi công dân ở các nước tư sản chỉ là hình thức, giả hiệu, về thực chất nó rất hạn chế, chỉ dành cho những người hữu sản. Giai cấp tư sản khi đưa ra quyền bầu cử thì ngay sau đó nó lại quy định, biến tiền trở thành cái chi phối trong quyền ấy với mục đích làm cho quyền bầu cử đó đem lại sự thống trị của giai cấp tư sản. Ăngghen nhấn mạnh rằng quyền bầu cử và ứng cử trong xã hội tư bản thực chất là sự bình đẳng trên cơ sở bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo.        

Từ việc phân tích những điều kiện, cơ chế và thực tế hoạt động bầu cử và ứng cử trong các quốc gia tư sản ở thời đại của mình, Ăngghen khẳng định giai cấp tư sản đã phát minh ra quyền bầu cử và ứng cử như là một thủ đoạn chính trị nhằm đem lại sự thống trị của giai cấp mình. Thủ đoạn chính trị này được che đậy bằng một vẻ ngoài rất dân chủ, rất công bằng cho tất cả mọi người, mọi giai cấp, tầng lớp nhưng về thực chất quyền bầu cử và ứng cử cũng chỉ là của riêng giai cấp tư sản, cho những người có của mà thôi. Quyền bầu cử và ứng cử công bằng, tự do không thể nào có được đối với giai cấp công nhân, với những người nghèo. Họ vẫn bị đặt ngoài vòng chính trị.  

Chủ nghĩa tư bản thời đại của Ăngghen và chủ nghĩa tư bản hiện đại đã có rất nhiều sự thay đổi. Nhờ áp lực đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân trong các nước tư bản và yêu cầu duy trì tồn tại và phát triển của chính bản thân chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tư bản hiện đại đã có những điều chỉnh về tất cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội. Vậy, trong điều kiện hiện nay, bản chất của chế độ bầu cử trong các quốc gia tư sản có thay đổi những gì so với thời đại của Ăngghen? Để trả lời được câu hỏi này đòi hỏi chúng ta cần nghiên cứu thực tiễn bầu cử hiện nay ở các quốc gia này.   

2. Chế độ bầu cử ở các quốc gia tư sản hiện nay

Bầu cử là một trong những biểu hiện quan trọng nhất của nền dân chủ, là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của cả hệ thống chính trị ở các nước tư bản. Tuy nhiên, qua những số liệu thống kê về các điều kiện tham gia bầu cử, ứng cử cũng như thực tế hoạt động bầu cử và ứng cử ở các quốc gia này hiện nay, chúng ta có thể khẳng định rằng bản chất của chế độ bầu cử ở các nước tư bản hiện nay không hề thay đổi so với những nhận định của Ăngghen trong thời đại của ông. Những phân tích, đánh giá trên cơ sở số liệu thực tiễn về chế độ bầu cử ở một số nước tư bản điển hình như Anh, Pháp và Mỹ có thể khẳng định điều này.    

Chẳng hạn, ở Anh và Pháp có những quy định về điều khoản ràng buộc về mặt tài chính khi tham gia ứng cử của các ứng cử viên. Để trở thành ứng cử viên Hạ viện Anh, người ứng cử phải đặt cọc 500 bảng. Ở Pháp, số tiền đặt cọc cho các ứng cử viên tranh cử chức Tổng thống là 10.000 phơrăng, Hạ nghị sĩ là 1000 phơrăng và  Thượng nghị sĩ là 200 phơrăng.    

Trong các cuộc bầu cử ở Anh, Pháp, Mỹ hiện nay, có một thực tế không thể phủ nhận là tiền đóng một vai trò rất quan trọng đối với sự thành công của các ứng cử viên. Họ cần tiền để làm tăng hình ảnh và quảng bá cương lĩnh của mình nhờ các phương tiện quảng cáo chính trị trả tiền. Có thể nói, các công nghệ vận động chính trị mới, từ quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc nghiên cứu và thăm dò dư luận xã hội, mời các chuyên gia tư vấn... đã ngày càng làm tăng chi phí cho bầu cử ở các nước Anh, Pháp, Mỹ. Bằng phương pháp thống kê, nhà nghiên cứu Gary Jobson đã đưa ra kết luận rằng: trong một cuộc chạy đua giữa các đối thủ, thông thường, người nào chi nhiều tiền hơn cho chiến dịch tranh cử thì khả năng thắng cử của người đó cũng cao hơn. Từ các số liệu về 29 cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra từ năm 1860 đến năm 1972, ông nhận thấy có 21 lần người thắng cử đã chi nhiều tiền hơn đối thủ của mình.    

Hiện nay, mức độ thương mại hoá của các cuộc bầu cử ở các nước tư bản có xu hướng ngày càng gia tăng. Trong cuộc bầu cử Hạ viện năm 1997 ở Anh, Công đảng đã chi gián tiếp hơn 13 triệu bảng và Đảng Bảo thủ cũng chi hơn 20 triệu bảng cho chiến dịch vận động của mình. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 1988, Đảng Xã hội đã chi số tiền tổng cộng lên tới 100 triệu phơrăng, trong khi đó, ứng cử viên của Đảng Tập hợp đã chi số tiền khoảng 96 triệu phơ răng. Ở Mỹ, trong cuộc bầu cử năm 2000, trung bình một ứng cử viên cho ghế Thượng viện đã chi hết 7,4 triệu đô la, ứng cử viên cho ghế ở Hạ viện đã chi hết 849.000 đô la, tổng số tiền mà các ứng cử viên tổng thống đã chi cho chiến dịch tranh cử là 607 triệu đô la. Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008, B.Obama đã chi hết 712 triệu đô la.  

Có thể nói, những quy định không hạn chế đối với việc chi tiêu trong vận động tranh cử, các luật về hoạt động tài chính cho chiến dịch tranh cử ở các nước tư bản phát triển này đã khuyến khích tình trạng “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” trong chính trị khiến cho nguyên tắc bầu cử công bằng “một người, một phiếu” nhằm tạo ra sự bình đẳng về chính trị đã bị bóp méo, tính công bằng của hệ thống bầu cử đã bị vi phạm. Cùng với đó, mức độ thương mại hoá ngày càng cao của các cuộc bầu cử ở các nước này khiến cho những người dân bình thường không bao gờ có đủ điều kiện để tham gia. Đối với họ, chính trị chỉ thực sự là cuộc chơi của những kẻ có tiền..      

Về nguyên tắc, tất cả các công dân ở các nước Anh, Pháp, Mỹ nếu có đủ điều kiện đều có khả năng tự ứng cử, nhưng trên thực tế, đa số người được bầu đều thuộc về tầng lớp trên của xã hội. Những người dân bình thường khó có cơ hội để lọt vào “sân chơi” của giới này, do các cơ chế “sàng lọc” đã ngầm được ấn định. Bằng điều tra xã hội học, người ta thấy rằng giới nghị sĩ hoặc tổng thống ở các nước phương Tây thường thuộc về nhóm nghề nghiệp có thu nhập cao trong xã hội. Nghề nghiệp xuất thân chủ yếu của họ là luật sư, giáo sư đại học, nhà kinh doanh lớn, công chức chính phủ, nhà chính trị chuyên nghiệp, hoặc chuyên gia trong một lĩnh vực quan trọng nào đó... Chân dung của họ là thuộc tầng lớp trung lưu hoặc thượng lưu, có trình độ giáo dục cao, có xu hướng hoạt động chính trị chuyên nghiệp. Những người xuất thân từ dân lao động ít có chỗ đứng, chiếm tỷ lệ không đáng kể trong nghị viện các nước tư bản Anh, Pháp, Mỹ. Thực tế trong những năm qua cho thấy, mặc dù trên lý thuyết, mọi người, mọi Đảng đều có quyền tham gia tranh cử nhưng ở Mỹ chỉ có hai Đảng là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà thay nhau cầm quyền, còn ở Anh thì Đảng Lao động và Đảng Bảo thủ cũng thay phiên nhau nắm chính trường. Vấn đề quan trọng là, tất cả các đảng này đều là đảng của giai cấp tư sản.

Thủ đoạn chính trị của giai cấp tư sản là bên cạnh việc khẳng định quyền bầu cử và ứng cử của tất cả mọi người trên luật pháp thì cũng có những hình thức quy định trực tiếp hoặc gián tiếp khiến cho tiền trở thành sức mạnh chi phối việc thực hiện những quyền đó. Bằng sức mạnh về tài sản của mình, trên thực tế họ đã biến những quyền đó từ chỗ của tất cả mọi người đã trở thành của riêng giai cấp tư sản.        

Cũng có ý kiến cho rằng những người tham gia tranh cử trong nước này có thể là những bậc đại trí thức, có ảnh hưởng lớn đối với người dân chứ chưa hẳn đã là nhà tư sản. Tuy nhiên, cho dù là vậy thì để tham gia tranh cử họ phải quyên góp được rất nhiều tiền. Nếu ứng cử viên không phải là những cá nhân giàu có thì họ phải có bạn bè là những người giàu có, sẵn sàng tài trợ cho họ, hoặc phải là những người có ảnh hưởng để có thể nhận được sự ủng hộ từ các tổ chức, các ủy ban hành động chính trị của các tập đoàn, các ngân hàng, các nghiệp đoàn xã hội, các tổ chức công nghiệp và các nhóm lợi ích khác nhau. Do đó, khi thắng lợi, lên nắm chính quyền thì họ chắc chắn chịu sự ảnh hưởng và chi phối của những tập đoàn tư bản đã chi tiền cho họ trong cuộc tranh cử. 

Vì vậy, có thể khẳng định rằng các cuộc bầu cử ở các nước tư bản hiện nay vẫn chỉ là “sự thể hiện tượng trưng” được thiết kế để tạo cho người dân cảm giác rằng, họ đang được tham gia vào quá trình chính trị và có ảnh hưởng thực sự đối với vận mệnh của đất nước mình. Về thực chất, nó chỉ là “sân chơi” của giai cấp tư sản. Dù người này hay người khác, đảng này hay đảng khác trúng cử thì vẫn là của giai cấp tư sản.    

Mặc dù những quy định, quy trình, thủ tục và công nghệ bầu cử hiện nay ở các nước tư bản đã có nhiều thay đổi nhưng những phân tích, nhận định rất sâu sắc của Ăngghen về bản chất của chế độ bầu cử ở các nước tư bản dù dựa trên những cứ liệu của chủ nghĩa tư bản thế kỷ XIX vẫn chứng tỏ tính đúng đắn trong điều kiện chủ nghĩa tư bản thế kỷ XXI. Do đó, nó vẫn có ý nghĩa định hướng lý luận cho nhận thức của chúng ta trong việc xem xét, đánh giá về chế độ bầu cử của chủ nghĩa tư bản hiện đại nói riêng, nền dân chủ của chủ nghĩa tư bản hiện đại nói chung.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2013

(1) C.Mác, Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.2, tr. 772 

(2),(3) Sđd, t.1, tr. 862, 863.   

(4) Sđd, t.18, tr.673    

 

Trịnh Xuân Thắng

Học viện Chính trị - Hành chính khu vực IV

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền