Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Giá trị, sức sống và ý nghĩa của tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản - nhìn từ góc độ công tác tư tưởng lí luận và tuyên truyền
Thứ năm, 24 Tháng 4 2014 16:24
5683 Lượt xem

Giá trị, sức sống và ý nghĩa của tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản - nhìn từ góc độ công tác tư tưởng lí luận và tuyên truyền

(LLCT) - Năm 1848, C.Mác và Ph.Ăngghen đã hoàn thành một tác phẩm quan trọng có nhan đề Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Tuyên ngôn là dấu mốc đặc biệt quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của chủ nghĩa Mác, của CNXH khoa học cả về quan điểm, tư tưởng, lý luận và phương pháp.

1. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848) đánh dấu bước ngoặt trong sự trưởng thành của chủ nghĩa Mác

Năm 1848, C.Mác và Ph.Ăngghen đã hoàn thành một tác phẩm quan trọng có nhan đề Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Tuyên ngôn là dấu mốc đặc biệt quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của chủ nghĩa Mác, của CNXH khoa học cả về quan điểm, tư tưởng, lý luận và phương pháp.

Ngay từ khi ra đời, Tuyên ngôn đã được xem là Cương lĩnh chính trị của phong trào công nhân; đó là cương lĩnh hành động của những người cộng sản và đảng của họ, nhằm tập hợp vô sản và lao động trong cuộc đấu tranh chống CNTB, xây dựng xã hội tương lai - cộng sản chủ nghĩa, nơi con người được tự do và làm chủ, có đời sống hạnh phúc cả vật chất lẫn tinh thần.

Tuyên ngôn đã khẳng định mục đích trực tiếp của cuộc cách mạng chính trị là giải phóng vô sản và lao động ra khỏi tình cảnh nô lệ bởi xiềng xích thống trị của CNTB, rằng, giai đoạn thứ nhất của cuộc cách mạng công nhân là giai cấp công nhân (vô sản) phải trở thành một giai cấp thống trị, giành lấy quyền lực vào tay mình, tự mình trở thành lực lượng thống trị trong lòng dân tộc. Đó chính là dùng bạo lực cách mạng, xóa bỏ trật tự hiện tồn, tức quyền lực nhà nước của giai cấp tư sản và thiết lập quyền lực nhà nước mới của mình, đại biểu cho lợi ích của cả phong trào, của dân tộc và xã hội.

Một trong những giá trị căn bản nhất làm nên sức sống, mãi mãi còn có tính thời sựhiện đại của tác phẩm bất hủ này là ở chỗ, Tuyên ngôn đã nhận định: thất bại của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là một tất yếu lịch sử như nhau. Khẳng định đó có cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc không gì bác bỏ được bởi chính quy luật phổ biến và phổ quát của lịch sử, ấy là quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Những tiền đề vật chất khách quan của CNXH và chủ nghĩa cộng sản đã được tích lũy và dần dần chín muồi ngay trong lòng phương thức sản xuất TBCN. Lực lượng xã hội để phủ định CNTB, khẳng định CNXH và chủ nghĩa cộng sản chính là giai cấp vô sản cách mạng (giai cấp công nhân hiện đại), con đẻ của nền sản xuất đại công nghiệp do chính giai cấp tư sản tạo ra.

Mác - Ăngghen đã chỉ rõ, chính giai cấp tư sản đã rèn đúc vũ khí để giết chết mình ngoài ý muốn của nó. Vũ khí ấy chính là giai cấp vô sản, giai cấp có sứ mệnh lịch sử tự giải phóng mình để giải phóng cho toàn thể xã hội loài người. Đó là một giai cấp cách mạng, mà sở dĩ nó là một giai cấp cách mạng, chỉ bởi vì, nó là đại biểu cho một phương thức sản xuất tiên tiến của lịch sử. Theo Mác và Ăngghen, trong đà phát triển của đại công nghiệp, mọi giai cấp đều suy tàn đi, duy nhất chỉ có giai cấp vô sản mới là một giai cấp cách mạng. Cho đến khi, CNXH và chủ nghĩa cộng sản đã thắng lợi trọn vẹn trên trái đất này, khi mục đích tự thân, chân chính nhất của lịch sử đã được thực hiện, rằng “sự phát triển tự do và toàn diện của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do và toàn diện của tất cả mọi người” thì đó là lúc sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp vô sản cách mạng đã được thực hiện trọn vẹn. Đến lúc ấy, giai cấp vô sản cũng tự xóa bỏ mình với tính cách là một giai cấp. Cách mạng và tính triệt để cách mạng là ở đó. Nghèo khổ là một trạng thái mà cách mạng sẽ xóa bỏ, chứ nghèo khổ không đồng nghĩa, càng không tự động đồng nhất với bản chất cách mạng của giai cấp công nhân.

Bằng cách đó, Tuyên ngôn tự biểu hiện và tự khẳng định mình là một Cương lĩnh chính trị giác ngộ cho giai cấp công nhân và phong trào công nhân về địa vị và trọng trách lịch sử của mình. “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại”, đó là kết luận hành động trong Tuyên ngôn do Mác - Ăngghen nêu ra và sau này Lênin đã có sự bổ sung thiên tài, ở chỗ, cùng đứng trong sự liên hiệp ấy còn có các dân tộc bị áp bức. Thực hiện sứ mệnh lịch sử vĩ đại ấy, tất yếu cần đến sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản - đội tiên phong của giai cấp công nhân và lý luận cách mạng, soi sáng đường đi của lịch sử - ấy là CNXH khoa học. Lý luận ấy lại do chính thiên tài trí tuệ của Mác và Ăngghen đặt nền móng. Tuyên ngôn là hiện thân sinh động nhất sự kết tinh lý luận ấy.

Cũng không nên quên một sự thật lịch sử là, Tuyên ngôn đã sống đời sống của nó trong phong trào công nhân suốt từ khi nó lọt lòng cho tới nay. Trong các văn phẩm của chủ nghĩa Mác, hơn 160 năm qua, Tuyên ngôn là tác phẩm được dịch ra rất nhiều thứ tiếng, được tái bản rất nhiều lần, được in với số lượng lớn nhất và tư tưởng của Tuyên ngôn đã từng được truyền bá ở khắp mọi nơi, đã soi sáng cho đức tin và hành động của công nhân và lao động ở khắp mọi nơi trên thế giới. Khi còn sống, các tác giả của Tuyên ngôn đã từng chứng kiến sự kiện vĩ đại mà bi tráng của Công xã Pari (1871). Thắng lợi của Công xã là sự thể nghiệm lịch sử đầu tiên về giá trị và ý nghĩa của Tuyên ngôn. Thất bại của Công xã là thực tiễn để Mác - Ăngghen bổ sung, phát triển Tuyên ngôn. Từ sau Công xã Pari cho đến trước khi qua đời, trong 21 năm liền, Mác và Ăngghen đã bảy lần viết lời tựa cho mỗi lần xuất bản Tuyên ngôn. Các ông đã có những điều chỉnh, bổ sung rất quan trọng về lý luận và phương pháp cách mạng ở các lời tựa đó. Các ông đã nêu lên một mẫu mực kinh điển về tinh thần khoa học và cách mạng trong nghiên cứu lý luận cũng như tổng kết thực tiễn, làm cho Tuyên ngôn sống động trong phong trào cách mạng của công nhân và lao động trên toàn thế giới.

2. Những nguyên lý cách mạng của chủ nghĩa xã hội khoa học trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản

Tuyên ngôn làm nổi bật những tư tưởng lớn và định hình những nguyên lý cách mạng của CNXH khoa học, trở thành kim chỉ nam hành động của các Đảng Cộng sản sau này. Đó là:

- Khi lịch sử xã hội loài người phân chia thành giai cấp, xuất hiện những đối kháng giai cấp thì đấu tranh giai cấp là một trong những động lực của lịch sử. Các cuộc đấu tranh này là sự phản ánh về mặt xã hội của sự vận động kinh tế và sản xuất để giải quyết mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong các thời đại lịch sử khác nhau.

- Trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến, “giai cấp tư sản đã đóng một vai trò hết sức cách mạng”(1). “Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại...”(2).

Song bản chất của giai cấp tư sản và CNTB là chạy theo lợi nhuận, trong khi phá hủy không thương tiếc trật tự xã hội của chế độ phong kiến cổ truyền, nó không để lại giữa người và người một mối quan hệ nào khác, ngoài lợi ích trần trụi và lối trả tiền ngay, “tiền trao cháo múc” không tình nghĩa…, “giai cấp tư sản đã đem sự bóc lột công nhiên, vô sỉ, trực tiếp, tàn nhẫn thay cho sự bóc lột được che đậy bằng những ảo tưởng tôn giáo và chính trị”(3).

- Sự phát triển của lực lượng sản xuất hiện đại, cạnh tranh tự do trong công nghiệp và thương nghiệp đã đưa giai cấp tư sản lên địa vị thống trị kinh tế và chính trị. Song nền sản xuất đại công nghiệp dưới CNTB đã tạo ra lực lượng xã hội ngày càng mạnh mẽ để chống lại chính CNTB. Đó là giai cấp vô sản. Những vũ khí mà giai cấp tư sản đã dùng để đánh đổ chế độ phong kiến thì ngày nay quay lại đập vào chính ngay giai cấp tư sản. Hơn thế nữa, giai cấp tư sản “không những đã rèn nên những vũ khí sẽ giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản (4).

- Tuyên ngôn đã làm sáng tỏ bản chất cách mạng của giai cấp vô sản hiện đại và địa vị, sứ mệnh lịch sử của nó. Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, nó chống lại giai cấp tư sản ngay từ lúc nó mới ra đời. “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”(5).

Trong sự phân tích của Mác - Ăngghen, giai cấp vô sản sở dĩ thực sự là một giai cấp cách mạng bởi nó đại diện và tiêu biểu cho lực lượng sản xuất của toàn xã hội, cho một phương thức sản xuất tiên tiến của lịch sử. Nó đại biểu cho xu thế, triển vọng của tương lai. Nó không có lợi ích riêng với nghĩa là tư hữu. Nó đại biểu cho lợi ích của toàn xã hội. Giai cấp vô sản tìm thấy lợi ích chân chính của mình khi đấu tranh cho lợi ích của toàn xã hội.

- Điều mấu chốt, cơ bản và sâu xa của Tuyên ngôn với tính cách là Cương lĩnh chính trị của giai cấp vô sản là ở chỗ, đã vạch rõ những người cộng sản là những người ưu tú nhất trong giai cấp vô sản và khẳng định giai cấp công nhân cần có một Đảng thật sự sáng suốt về mặt tư tưởng cho cuộc đấu tranh của mình. Đó là đội tiên phong, là bộ phận kiên quyết nhất. Đảng tập hợp trong hàng ngũ của mình những lực lượng ưu tú nhất của giai cấp là đội quân tiên phong của giai cấp và lao động. Mác - Ăngghen vạch rõ mục tiêu của giai cấp công nhân và Đảng của nó là tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền, trở thành một giai cấp thống trị trong lòng dân tộc.

- Tuyên ngôn nêu lên mục tiêu, bản chất của xã hội tương lai, của chủ nghĩa cộng sản là: sự phát triển tự do và toàn diện của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do và toàn diện của tất cả mọi người. Giai cấp vô sản cách mạng, những người cộng sản và Đảng Cộng sản sẽ đi tiên phong trong cuộc cách mạng để thực hiện mục đích đó.

Hơn 160 năm đã trôi qua trong lịch sử Tuyên ngôn và trong lịch sử phong trào công nhân nhưng giá trị và ý nghĩa căn bản, sâu xa đó của Tuyên ngôn còn sống mãi, là ánh sáng dẫn đường cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Các dân tộc trên toàn thế giới sẽ đi tới cùng trên con đường thực hiện lý tưởng giải phóng để giành lấy tự do, hạnh phúc và làm chủ, dưới ánh sáng tư tưởng của Tuyên ngôn.

3. Cách mạng Tháng Mười Nga (1917), chứng thực sức sống và ý nghĩa lịch sử của Tuyên ngôn

Mác cho rằng, cách mạng có thể thất bại (do mắc phải sai lầm ảo tưởng, do tình thế cách mạng chưa hoàn toàn chín muồi và phương pháp cách mạng chưa hoàn toàn thành thục, mà Công xã là một minh chứng - T.G) nhưng cách mạng sẽ không bao giờ bị tiêu diệt (bởi cách mạng là xu thế của lịch sử, là hành động lịch sử tất yếu của phát triển - T.G). Từ Công xã Pari (1871) đến Cách mạng Tháng Mười (1917) là  ngót  một nửa thế kỷ. Đó là thời gian vật chất mà lịch sử đã trải qua để chứng thực tính đúng đắn của một dự báo thiên tài. Từ tư tưởng dự báo này của Mác, suy ngẫm về lịch sử thế giới ngày nay sau sự đổ vỡ mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu vào thập kỷ cuối thế kỷ XX vừa qua, những người cách mạng và quần chúng lao động vốn gắn bó cuộc đời mình với lý tưởng và mục tiêu cộng sản chủ nghĩa có thể tin rằng, cuộc phục hưng vĩ đại của CNXH, sớm muộn rồi cũng sẽ xuất hiện. Thế kỷ mà chúng ta đang sống, rất có thể sẽ chứng kiến sự phục hưng ấy. Cách mạng Tháng Mười do Lênin và Đảng cách mạng của giai cấp công nhân Nga lãnh đạo là cuộc cách mạng có tầm vóc lịch sử thế giới, cuộc cách mạng vạch thời đại phát triển mới có tính bước ngoặt của lịch sử nhân loại - thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH. Nước Nga Xôviết - con đẻ của Cách mạng Tháng Mười là hiện thân của CNXH hiện thực - sản phẩm vĩ đại nhất của thế kỷ XX, đánh dấu sự sinh thành của CNXH với tư cách là một kiểu chế độ xã hội mới.

Cách mạng Tháng Mười với thiên tài trí tuệ và năng lực tổ chức của Lênin đã chẳng những lập nên chính quyền cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động mà còn ban bố sắc lệnh hòa bình và ruộng đất, đó là những văn kiện lịch sử khẳng định giá trị nhân văn và pháp lý vĩ đại của cuộc cách mạng kiểu mới, của chế độ mới, đặt nền móng cho xã hội mới. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã từng đánh giá, Cách mạng Tháng Mười là kiểu mẫu của một cuộc cách mạng đến nơi, tức là triệt để, là tấm gương cổ vũ các dân tộc bị áp bức đứng lên tự giải phóng khỏi xiềng xích nô lệ, tranh đấu cho độc lập tự do. Với Cách mạng Tháng Mười, với sự ra đời của nước Nga Xô viết XHCN, từ đây CNTB đã bị phủ định về nguyên tắc, các dân tộc đã có trước mắt mình một tấm gương thực tiễn để noi theo: bỏ qua chế độ TBCN, quá độ tới CNXH bằng cách mạng. Giá trị thời đại, ý nghĩa lịch sử, tầm vóc quốc tế của Cách mạng Tháng Mười là ở đó. Trong thế kỷ XX, Cách mạng Tháng Mười là sự kiện vĩ đại và nổi bật nhất. Đó là cuộc cách mạng mở đường đi cho các dân tộc, cho sự nghiệp giải phóng toàn nhân loại. Các cuộc cách mạng tiếp theo, từ Cách mạng Tháng Tám (1945) của Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười (1949) của Trung Quốc và Cách mạng Cu Ba, những năm 60 - cắm lá cờ XHCN đầu tiên ở châu Mỹ Latinh đều chịu ảnh hưởng sâu xa cũng như trực tiếp của Cách mạng Tháng Mười, của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.

Dù cho hệ thống XHCN đã không còn tồn tại, dù cho thể chế XHCN đã bị đổ vỡ ở Liên Xô và Đông Âu nhưng CNXH vẫn tồn tại trên thế giới với các nước XHCN còn lại, đang cải cách, đổi mới để phát triển, trong đó có Việt Nam.

Cách mạng Tháng Mười đã trải qua lịch sử hơn 90 năm. CNXH hiện thực mới đang tiếp tục tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười, đang tiếp tục cuộc hành trình lịch sử của nó, có kế thừa và có phát triển từ CNXH hiện thực thế kỷ XX để định hình một CNXH thực sự tiêu biểu cho bản chất ưu việt: khoa học - cách mạng - nhân văn, xứng đáng với con người và đời sống xã hội của con người.

Một cuộc cách mạng đi tiên phong trong sự nghiệp giải phóng con người, xóa bỏ ách nô lệ và vươn tới tự do cho con người và cho cả loài người, cuộc cách mạng như thế cùng với những giá trị mà nó sản sinh ra sẽ mãi mãi sống cùng lịch sử. Và cũng từ đó, giá trị, sức sống, ý nghĩa của Tuyên ngôn càng được khẳng định trong lịch sử hiện đại, trong thế giới đương đại.

4. Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, một minh chứng sinh động về giá trị, sức sống và ý nghĩa của Tuyên ngôn

Là một nhà mácxít sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, đã đào tạo lớp chiến sĩ cách mạng đầu tiên - những hạt giống đầu tiên của phong trào cách mạng Việt Nam.

Tác phẩm Đường cách mệnh do Người viết vào những năm 1925 - 1927 đã góp phần chuẩn bị trực tiếp về tư tưởng lý luận, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, đưa cách mạng Việt Nam vào một thời kỳ phát triển mới.

Thông qua hoạt động và truyền bá tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc cũng như sự ra đời của Đảng Cộng sản ở Việt Nam, cuộc khủng hoảng triền miên về đường lối cứu nước ở nước ta lúc bấy giờ đã chấm dứt. Ánh sáng mới mẻ của thời đại mới, của Cách mạng Tháng Mười bắt nguồn từ tư tưởng của Tuyên ngôn đã chiếu rọi vào xã hội Việt Nam và từ đây, cách mạng Việt Nam đã bắt đầu một trang sử mới.

Con đường cách mạng Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc phát hiện ra dưới ánh sáng của Tuyên ngôn và Cách mạng Tháng Mười là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Đó là quy luật phát triển của cách mạng nước ta, quy luật về sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giải quyết đúng đắn vấn đề giải phóng dân tộc để phát triển dân tộc theo con đường của CNXH, quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN.

Giải quyết thành công mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, giữa giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp trên lập trường và ý thức hệ giai cấp công nhân, vượt qua ý thức hệ phong kiến đã quá lỗi thời và ý thức hệ tư sản, chủ nghĩa dân tộc tư sản - Đó là cống hiến đặc sắc của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vào việc vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện lịch sử của Việt Nam. Cống hiến đó của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ việc giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt là sự lĩnh hội sâu sắc và sự phát triển sáng tạo của Người đối với tư tưởng của Tuyên ngôn và bài học của Cách mạng Tháng Mười, nhất là sự tiếp thu và vận dụng tư tưởng của Lênin về quyền tự quyết dân tộc.

Con đường cách mạng Việt Nam, theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải đem sức ta mà giải phóng cho ta, phải kết hợp sức mạnh của giai cấp vô sản cách mạng với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chủ nghĩa yêu nước phải gắn liền với chủ nghĩa quốc tế chân chính của giai cấp công nhân, bởi cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại.

Đảng cách mạng phải có lý luận tiên phong dẫn đường thì mới làm tròn sứ mệnh của Đảng cách mạng tiên phong. Ở Việt Nam, Đảng là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của dân tộc. Đó lại là một phát kiến lớn, đầy sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc.

Mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng giải phóng dân tộc đến cách mạng XHCN và sự nghiệp đổi mới hiện nay, đều gắn liền với những cơ sở tư tưởng của Tuyên ngôn, với những giá trị nền tảng của nó và bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Mười mà Đảng ta luôn trung thành và vận dụng sáng tạo. Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam hành động của cách mạng Việt Nam. Điều khẳng định và sự nhất quán đó, tự nó đã bao hàm và thể hiện giá trị, sức sống, ý nghĩa của Tuyên ngôn và Cách mạng Tháng Mười trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và CNXH ở nước ta

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2013

(1),(2),(3),(4),(5) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1995, t.4, tr.599, 603, 600, 605, 610.

 

GS, TS Hoàng Chí Bảo

Hội đồng Lý luận Trung ương

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền