Trang chủ    Nghiên cứu lý luận     Quan điểm của Hồ Chí Minh về “Người lãnh đạo, người đày tớ” thật trung thành của nhân dân
Thứ năm, 22 Tháng 5 2014 11:05
37261 Lượt xem

Quan điểm của Hồ Chí Minh về “Người lãnh đạo, người đày tớ” thật trung thành của nhân dân

(LLCT) - Trước yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới, trước sức cám dỗ của quyền lực, trước sự tác động của văn hóa thực dụng…một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức  lối sống, xa rời chức trách “người đày tớ nhân dân”. Thực trạng này trực tiếp đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng. Do đó,  mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần chỉ dẫn của Người, Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn, cho Đảng thực sự “là đạo đức, là văn minh”, là người lãnh đạo xứng đáng, là người đày tớ thật sự trung thành của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta là một đảng cách mạng…Đảng ta là một đảng lãnh đạo”. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo nhân dân là vì dân. Vì dân là điểm xuất phát và cũng là nội dung, là mục tiêu phấn đấu của Đảng. Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh: Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc; Đảng không có mục đích nào khác là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân…Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Đây là một luận điểm cách mạng, khoa học của Hồ Chí Minh, là một đóng góp quan trọng vào lý luận xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Luận điểm này đã chỉ rõ vấn đề bản chất nhất trong mối quan hệ giữa một đảng cộng sản cầm quyền với quần chúng nhân dân.

Hồ Chí Minh khẳng định, Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ của nhân dân không hề có sự mâu thuẫn, mà đó là hai mặt gắn bó, thống nhất chặt chẽ, không thể tách rời của một vấn đề, mặt này làm điều kiện, làm tiền đề của mặt kia và chỉ có làm tốt cả hai chức trách tưởng chừng như đầy mâu thuẫn này thì một đảng cộng sản mới có thể hoàn thành tốt sứ mệnh của mình.

Người chỉ rõ, đảng viên, cán bộ muốn xứng đáng là người lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam muốn là người “lãnh đạo đúng nghĩa” thì:

"1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta.

2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong.

3. Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được”(1).

Qua chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về cách “lãnh đạo đúng” có thể thấy được trong đó, hai mặt lãnh đạođầy tớ thống nhất với nhau một cách hết sức tự nhiên, tất yếu, hòa hợp trong một chủ thể duy nhất là Đảng. Vì Đảng lãnh đạo mọi công việc của Nhà nước, của xã hội trước hết bằng nghị quyết, chủ trương, đường lối. Muốn có chủ trương, đường lối đúng thì đường lối đó phải lấy mục tiêu dân giàu, nước mạnh làm hệ quy chiếu nền tảng để xây dựng; lấy lợi ích của quốc gia, dân tộc làm nguyên tắc bất biến. Đường lối đó phải lấy nhân dân làm trung tâm, đáp ứng đúng nhu cầu của cuộc sống, những nguyện vọng chân chính của nhân dân, được nhân dân tin theo và ủng hộ; “ý Đảng” phải chính là “lòng dân”.

Muốn thực hiện được chủ trương, đường lối đã xác định, Đảng phải học hỏi kinh nghiệm của nhân dân, phải nhờ đến sức người, sức của từ nhân dân để thực hiện, phải cần nhân dân kiểm soát. Như vậy, Đảng lãnh đạo là “vì dân”, đường lối của Đảng thực hiện được là “nhờ dân”, và cũng do vậy “người lãnh đạo” cũng thực sự là “người đầy tớ” một cách hết sức tự nhiên, hài hòa.

Để có đường lối đúng và đường lối đó nhanh chóng đi vào cuộc sống, theo Hồ Chí Minh, mọi cán bộ, đảng viên của Đảng phải là những người có trí tuệ, có bản lĩnh, dày dạn kinh nghiệm thực tiễn và đặc biệt phải hết sức gương mẫu, phải là những người dám hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích của tập thể, vì lợi ích của dân tộc và trong đó còn vì lợi ích của người khác. Đó phải là những người luôn luôn vững vàng “đi trước” trong gian khó, để quần chúng tin tưởng “theo sau”; phải là những người thật sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, “khổ trước thiên hạ, hưởng sau thiên hạ”.

Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng sớm nhìn thấy và cảnh báo về những “mặt trái”, những căn bệnh trong thực tiễn lãnh đạo của một Đảng cầm quyền. Theo Người, Đảng có quyền lực chính trị, có quyền lãnh đạo đất nước, lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội thì cán bộ, đảng viên dù ít, dù nhiều đều có quyền hành, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Có chức quyền, cán bộ, đảng viên rất dễ sa vào quan liêu, tham nhũng, xa hoa, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, xa rời nhân dân, đứng trên nhân dân, ức hiếp nhân dân. Người phê phán nghiêm khắc các biểu hiện suy thoái “Miệng thì nói dân chủ, nhưng việc làm thì theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng…”(2). Tất cả những căn bệnh trên được Hồ Chí Minh coi là “giặc nội xâm”, là một trong những nguyên nhân chính làm suy yếu sức mạnh tổ chức của Đảng, trực tiếp đe dọa vai trò cầm quyền của Đảng.

Để khắc phục vấn đề này, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh: cán bộ, đảng viên không những là người lãnh đạo quần chúng mà còn phải luôn xác định mình là đày tớ, là công bộc, là người phục vụ lợi ích của nhân dân. Đây là một yêu cầu bắt buộc đối với mọi cán bộ, đảng viên, mọi cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước. Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, trở thành Đảng cầm quyền, trong Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Hồ Chí Minh đã đặc biệt lưu ý cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính quyền các cấp: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”(3). Đây chính là sự khác biệt về bản chất của nhà nước của dân, do dân, vì dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân là chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân chứ không phải làm quan cách mạng”.

Đày tớ của nhân dân, cũng có nghĩa là “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(4). Cán bộ, đảng viên không những phải “yêu dân”, “kính dân”, mà còn phải biết ơn nhân dân vì chúng ta (cán bộ, đảng viên) phải biết rằng: “cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra”(5). Đày tớ của nhân dân, đó là những người “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(6).

Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng nói chung, mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng, bên cạnh địa vị, trí tuệ  là một “nhà lãnh đạo” đều phải có tinh thần làm việc của một “người đày tớ”. Đó là một chỉnh thể thống nhất, biện chứng, không thể tách rời trong phương pháp và phong cách làm việc của Đảng. Điều này là không hề mâu thuẫn vì cái chung của “người lãnh đạo xứng đáng” và “người đày tớ trung thành” là vì dân, phục vụ lợi ích nhân dân. Vì để là người lãnh đạo xứng đáng thì phải có đường lối, chủ trương hợp lòng dân, vì lợi ích của quần chúng nhân dân…mà muốn vậy thì người lãnh đạo phải thật sự gần dân, hiểu dân, phải thật sự ngày đêm trăn trở với lợi ích của dân, phải thật sự vì dân phục vụ - đó cũng là người đày tớ của nhân dân.

Lịch sử quá trình xây dựng, phát triển và lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho thấy tính thống nhất giữa hai vai trò vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ là một hiện thực. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược, thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đã minh chứng rất rõ luận điểm đó. Trong những thắng lợi vĩ đại này, Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của mình đã vừa là những người hoạch định đường lối, lãnh đạo nhân dân đấu tranh một cách đúng đắn, khoa học, trí tuệ, vừa là những người trực tiếp đấu tranh hăng hái nhất, anh dũng nhất, hy sinh nhất cho lợi ích của dân tộc, vì lợi ích của nhân dân, thực sự vừa là “người lãnh đạo xứng đáng”, vừa là “người đày tớ trung thành” của nhân dân.

Trước yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới, trước sức cám dỗ của quyền lực, trước sự tác động của văn hóa thực dụng…một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức  lối sống, xa rời chức trách “người đày tớ nhân dân”. Thực trạng này trực tiếp đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng. Do đó,  mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần chỉ dẫn của Người, Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn, cho Đảng thực sự “là đạo đức, là văn minh”, là người lãnh đạo xứng đáng, là người đày tớ thật sự trung thành của nhân dân.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2013

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.325

(2) Sđd, t.7, tr.176.

(3), (6) Sđd, t.4, tr. 64-65, 65.

(4), (5) Sđd, t.9, tr. 518, 145.

ThS Trần Tuấn Sơn

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Trần Minh Tú

Trường Đại học Chính trị - Bộ Quốc phòng

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền