Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Nguyễn Phong Sắc - người cộng sản kiên trung, mẫu mực
Thứ tư, 22 Tháng 2 2017 14:00
2251 Lượt xem

Nguyễn Phong Sắc - người cộng sản kiên trung, mẫu mực

(LLCT) - Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam đều lần lượt thất bại và bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Trong bối cảnh đó, nhiều thanh niên yêu nước tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và đi theo xu hướng cách mạng cộng sản. Trong số đó có Nguyễn Phong Sắc -từ một trí thức yêu nước chân chính sớm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và trở thành người cộng sản kiên cường, mẫu mực.

 1. Từ trí thức yêu nước

Nguyễn Phong Sắc tên khai sinh là Nguyễn Đình Sắc, sinh ngày 1-2-1902 tại làng Bạch Mai, Hà Nội (nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Nguyễn Phong Sắc thuở nhỏ thông minh, học giỏi, được cha mẹ chăm lo học hành và được học qua các trường Dân Tiến, Công Ích, Thành Chung bảo hộ trên đất Thăng Long. Năm 1924, Nguyễn Phong Sắc tốt nghiệp trường Bưởi với tấm bằng Thành Chung xuất sắc và được Chính phủ bảo hộ Pháp cho đi du học ở Pháp để đào tạo thành người trong bộ máy cai trị của Pháp. Nguyễn Phong Sắc đã khẳng khái từ chối “ân huệ” đó của Pháp và xin vào làm việc ở Sở Tài chính Đông Dương. Với vốn tiếng Pháp thông thạo, trình độ tính toán giỏi, anh đã nhanh chóng trở thành viên chức cao cấp ở Sở Tài chính Đông Dương với mức lương khá cao (100 đồng Đông Dương/tháng, tương đương với 3 tấn gạo lúc bấy giờ). Thời gian làm việc trong chính quyền thực dân, Nguyễn Phong Sắc càng hiểu rõ sự bóc lột tàn bạo của chế độ thực dân Pháp đối với nhân dân thuộc địa, bất bình đẳng giữa người Pháp và người Việt ở Đông Dương…Từ đó, anh càng nung nấu quyết tâm tìm cách để cứu nước, cứu đồng bào bị đọa đày. Tuy nhiên, đi theo con đường nào và bằng phương pháp nào thì còn là câu hỏi lớn mà Nguyễn Phong Sắc chưa tìm được lời giải.

Đúng lúc này, những học trò của Nguyễn Ái Quốc được Người đào tạo tại Quảng Châu (Trung Quốc) về nước tuyên truyền đường lối cách mạng. Tiếp cận với con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc trong Nguyễn Phong Sắc đã được thổi bùng. Cuối năm 1926, Nguyễn Phong Sắc gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Nguyễn Phong Sắc tích cực tham gia vào phong trào cách mạng và hoạt động của tổ chức Thanh niên ở Hà Nội. Anh đi nhiều nơi: xuống Hồng Gai, lên Lạng Sơn, xuống Ninh Bình, sang Lào... xây dựng phong trào. Nhà của anh ở Làng Bạch Mai trở thành nơi hội họp; tài sản gia đình được bán dần để chi phí cho in ấn tài liệu, nuôi cán bộ. Tháng 6-1927, Nguyễn Phong Sắc trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội. Tháng 9-1928, Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ họp Đại hội đại biểu toàn kỳ lần thứ nhất, bầu Nguyễn Phong Sắc là Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ Bắc Kỳ, phụ trách công tác tuyên huấn của Kỳ bộ. Với tư cách là Ủy viên Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ và Ủy viên Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội, Nguyễn Phong Sắc đã tích cực chuẩn bị cho Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội tổ chức Đại hội lần thứ nhất. Đầu năm 1929, Đại hội lần thứ nhất Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hà Nội được tổ chức, Nguyễn Phong Sắc được bầu là Bí thư Ban Chấp hành Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội.

Trên cương vị mới, Nguyễn Phong Sắc đã nỗ lực củng cố, phát triển các tổ chức Thanh niên. Đồng chí đã tích cực tuyên truyền, giác ngộ anh chị em công nhân, thợ thuyền, các thanh niên, học sinh…, vận động họ tham gia các tổ chức Thanh niên, truyền bá tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Hoạt động của Nguyễn Phong Sắc đã góp phần phát triển tổ chức thanh niên Hà Nội, Bắc Kỳ và cả nước trong những năm 1928 - 1929.

2. Trở thành người cộng sản kiên trung, mẫu mực

Ngày 7-3-1929, Nguyễn Phong Sắc cùng các đồng chí của mình trong Ban lãnh đạo Kỳ bộ Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội bí mật họp ở nhà số 5D Hàm Long, Hà Nội lập ra Chi bộ cộng sản đầu tiên ở trong nước, gồm 8 đồng chí: Nguyễn Phong Sắc, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Kim Tôn, Dương Hạc Đính(1). Đây là sự kiện đánh dấu sự chuyển biến về chất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Phong Sắc - từ một trí thức yêu nước chân chính, qua quá trình hoạt động cách mạng tích cực đã trở thành người chiến sĩ cộng sản sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ của tổ chức phân công, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.

Tại Đại hội đại biểu Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ lần thứ hai ngày 28-3-1929, Nguyễn Phong Sắc tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành. Nguyễn Phong Sắc đã cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Kỳ bộ vừa lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân, vừa khẩn trương chuẩn bị các văn kiện thành lập Đảng Cộng sản. Trong vấn đề này, quan điểm của Tổng bộ ở Hội nghị trù bị (ngày 23-1-1929) tiến tới Đại hội Thanh niên toàn quốc có phần hữu khuynh khi cho rằng, chưa có đủ điều kiện để thành lập Đảng Cộng sản. Quan điểm của Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ lại có phần tả khuynh cho rằng cần thành lập ngay Đảng Cộng sản, giải thể tổ chức Thanh niên. Trước tình hình đó, Nguyễn Phong Sắc đã trao đổi với các đồng chí trong Kỳ bộ Bắc Kỳ để tìm cách giải quyết mâu thuẫn, trên tinh thần đặt quyền lợi cách mạng, quyền lợi dân tộc lên trên hết.

Ngày 17-6-1929, tại Hà Nội, Nguyễn Phong Sắc cùng đại biểu các tổ chức cộng sản ở các tỉnh Bắc Kỳ nhóm họp thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua Chính cương, Tuyên ngôn, Điều lệ Đảng và Đảng kỳ, quyết định xuất bản tờ báo Búa liềm - cơ quan ngôn luận của Đảng và cử ra Ban Chấp hành Trung ương. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu làm Ủy viên Trung ương lâm thời và được phân công vào xây dựng tổ chức đảng ở Trung Kỳ. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Nguyễn Phong Sắc đã hăng hái vào hoạt động tại các tỉnh miền Trung, tích cực góp phần xây dựng và phát triển phong trào cách mạng và các cơ sở đảng tại đây, đặc biệt là ở Nghệ Tĩnh.

Sau Hội nghị hợp nhất và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa Xuân năm 1930, Nguyễn Phong Sắc được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng và được cử làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ(2). Tại Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 họp tại Hương Cảng, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú, đã ra quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương; đồng chí được bầu làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.

Nhờ có cách làm đúng đắn, sáng tạo, tích cực, chỉ trong một thời gian ngắn (từ tháng 7-1929 đến tháng 3-1930), đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã chỉ đạo xây dựng, thống nhất các lực lượng cộng sản ở Trung Kỳ và đến cuối năm 1930, hệ thống tổ chức này được xây dựng thành Xứ bộ Trung Kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương. Theo số liệu của Hội nghị cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ (họp từ ngày 22 đến ngày 27-12-1930), tính đến tháng 12-1930, Xứ bộ Trung Kỳ có 1.425 đảng viên(3).

Sau khi đã xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức Đảng từ Xứ ủy đến tận xã bộ và các tổ chức cách mạng của quần chúng, ngày 20-4-1930, Bí thư Phân cục Trung ương Trung kỳ Nguyễn Phong Sắc đã chủ trì cuộc họp của lãnh đạo Kỳ bộ Trung Kỳ và Tỉnh bộ Nghệ An, Vinh - Bến Thủy, thông qua kế hoạch lãnh đạo phát động quần chúng đấu tranh nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5 nhằm biểu dương lực lượng, đòi những quyền lợi thiết thực cho công - nông.

Dưới sự lãnh đạo của Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trung Kỳ mà đứng đầu là đồng chí Nguyễn Phong Sắc, hàng loạt các cuộc đấu tranh, biểu tình của nhân dân đã diễn ra tạo nên một cao trào đấu tranh mạnh mẽ. Ngày 1-5-1930, hơn 1.200 nông dân Hưng Nguyên đã biểu tình, giương cao cờ đỏ búa liềm, giương cao khẩu hiệu đấu tranh chống thực dân Pháp. Cùng ngày, công nhân Nhà máy diêm Bến Thủy đã nổi dậy, đến tháng 6-1930, đình công lần thứ hai. Tháng 9-1930, phong trào cách mạng lan rộng sang Hà Tĩnh, hàng loạt cuộc biểu tình liên tục nổ ra và tạothành một cao trào. Đến ngày 12-9-1930, cuộc nổi dậy của nông dân Hưng Nguyên đã bị đàn áp bằng máy bay ném bom làm 217 người chết, 125 người bị thương và hàng chục người bị bắt giam. Biến đau thương thành hành động cách mạng, làn sóng cách mạng dâng cao trong hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh; nhiều cuộc mít tinh, biểu tình, làm lễ truy điệu cán bộ và đồng bào hy sinh được tổ chức.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã chỉ đạo Tỉnh ủy Nghệ An, Hà Tĩnh in và rải nhiều truyền đơn kêu gọi quần chúng noi gương các cuộc biểu tình tiếp tục đấu tranh chống chính sách đàn áp dã man của Chính quyền thực dân. Đồng chí còn chỉ đạo Phân cục Trung ương Trung Kỳ ra tiếp số báo Người lao khổ và trực tiếp định hướng công tác tư tưởng, chỉ đạo công tác lãnh đạo phong trào cách mạng của các tổ chức đảng. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc trực tiếp truyền đạt cho các tổ chức đảng trong Kỳ bộ những nội dung cơ bản trong Cương lĩnh, Văn kiện quan trọng của Đảng, đó là Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt Chương trình hành động tóm tắt của Đảng

Để đối phó lại cao trào cách mạng 1930-1931 của nhân dân các tỉnh Trung Kỳ, thực dân Pháp đã tiến hành “khủng bố trắng”. Trong tình hình đó, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã kịp thời vạch kế hoạch cho các chi bộ rút vào hoạt động bí mật, chỉ đạo các địa phương tăng cường các tổ chức đoàn thể để đủ sức đối phó với địch, bảo vệ các Xô viết; mở các lớp bồi dưỡng giúp cho các chi bộ cơ sở hiểu rõ vai trò của đảng viên và cốt cán các đoàn thể khi phong trào bị khủng bố, bồi dưỡng tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù, cố gắng bảo toàn lực lượng cho cách mạng. Do đó, mặc dù sau thời kỳ bị “khủng bố trắng”, toàn bộ Xứ ủy Trung Kỳ bị bắt, giết, bị tù đày, hàng trăm quần chúng cách mạng hy sinh, nhưng chỉ mấy năm sau, Xứ ủy Trung Kỳ đã được khôi phục, hệ thống tổ chức đảng, tổ chức quần chúng lại được tái lập từ xứ đến các tỉnh, huyện, tổng và làng xã.

Ngày 3-5-1931, do bị chỉ điểm, Nguyễn Phong Sắc bị mật thám Pháp bắt tại ga Hàng Cỏ,Hà Nội. Chúng dùng mọi hình thức dụ dỗ, mua chuộc, bắt những người thân trong gia đình để uy hiếp tinh thần nhưng không thuyết phục được đồng chí. Chúng đưa đồng chí vào Vinh, tập trung những tên mật thám ác ôn nhất, thạo nghề nhất để hỏi cung nhưng không khai thác được thông tin gì từ Nguyễn Phong Sắc. Chúng dùng nhiều cực hình tra tấn dã man vẫn không lay chuyển được ý chí sắt đá của người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Phong Sắc. Bất lực, thất bại trong những cuộc tra tấn, hỏi cung, nhưng do biết rõ vai trò quan trọng của đồng chí với phong trào cách mạng Việt Nam, đặc biệt là ở Trung Kỳ, vì vậy, chúng đã thủ tiêu Nguyễn Phong Sắc mà không cần xét xử vào sáng ngày 25-5-1931. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc hy sinh khi mới 29 tuổi, để lại nỗi tiếc thương khôn nguôi cho đồng bào, đồng chí.

Nguyễn Phong Sắc là người cộng sản tiền bối tiêu biểu của Đảng và của cách mạng Việt Nam. Quá trình từ người trí thức yêu nước chân chính trở thành người cộng sản kiên trung, mẫu mực của đồng chí là cả một chặng đường dài phấn đấu, rèn luyện bền bỉ, hy sinh không mệt mỏi cho lý tưởng cách mạng, cho độc lập, tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí ngã xuống, nhưng tinh thần kiên trung của người cộng sản Nguyễn Phong Sắc đã trở thành bất tử trong đồng bào, đồng chí và bao thế hệ cách mạng. Đồng chí mãi là tấm gương sáng về tinh thần hy sinh, hết lòng vì nước, vì dân cho các thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo.

______________

(1) Hai người là Kim Tôn (Nguyễn Tuân) và Dương Hạc Đính (Hoàng Hạc) về sau đã phản bội tổ chức.

(2) Lê Mậu Hãn (chủ biên): Đảng Cộng sản Việt Nam, các Đại hội và Hội nghị Trung ương, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.17.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.2, tr.330.

 

TS Nguyễn Xuân Trung

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Châu Hồng Nhiên

Trường Chính trị tỉnh Cà Mau

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền