Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Kim Ngọc - Một tấm gương sáng về phong cách làm việc của người cán bộ lãnh đạo chính trị
Thứ ba, 27 Tháng 3 2018 18:05
2976 Lượt xem

Kim Ngọc - Một tấm gương sáng về phong cách làm việc của người cán bộ lãnh đạo chính trị

(LLCT) - Đồng chí Kim Ngọc, với 21 năm trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đã thể hiện phong cách làm việc thực sự tiêu biểu theo yêu cầu phong cách lãnh đạo chính trị mácxít - lêninnít, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là sự thống nhất giữa tính đảng, tính nguyên tắc với tính năng động và sáng tạo; thống nhất giữa nhiệt tình cách mạng với khách quan, khoa học; thống nhất giữa tính tập thể, dân chủ với tính quyết đoán và chịu trách nhiệm cá nhân; thống nhất giữa nhận thức và hành động, lời nói và việc làm.

(Ông Kim Ngọc (trái) thăm ruộng lúa bị bệnh vàng lụi - Ảnh tư liệu)

Phong cách làm việc của người cán bộ lãnh đạo chính trị được hiểu một cách tổng quát là sự tổng hợp của những biện pháp, phương pháp, cách thức, lề lối làm việc mang tính tiêu biểu, ổn định, riêng có, được họ sử dụng một cách thường xuyên để thực thi các mục tiêu và nhiệm vụ chính trị của mình. Phong cách làm việc của người cán bộ lãnh đạo chính là kiểu hoạt động lãnh đạo được hình thành trên cơ sở kết hợp chặt chẽ và tác động qua lại biện chứng giữa yếu tố tâm lý chủ quan của người lãnh đạo và yếu tố môi trường xã hội trong hệ thống lãnh đạo. Nhà phong cách họcngười Pháp D.Chalvin có đưa ra một công thức: “Phong cách = cá tính x môi trường”(1). Trong nội dung khái niệm của phong cách nó bao hàm cả hai mặt ổn định tương đối và linh hoạt, mềm dẻo.

Phong cách làm việc của người cán bộ lãnh đạo được quy định bởi chức năng, nhiệm vụ, tổng thể những phẩm chất, tri thức, điều kiện hoạt động và sinh sống của người lãnh đạo. Nó luôn gắn liền với tính lịch sử, tính giai cấp, tính chính trị xã hội, hệ tư tưởng - đạo đức, tâm lý xã hội và truyền thống văn hóa dân tộc. Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo có những yêu cầu, nguyên tắc là điều bắt buộc đối với hoạt động của người lãnh đạo, song điều đó không có nghĩa làm hạn chế những sáng tạo cá nhân của người lãnh đạo.

Phong cách là một hiện tượng cá nhân, một hiện tượng hoàn toàn cụ thể, không thể lặp lại ở người khác một cách đầy đủ. Tuy vậy, để đạt được một phong cách làm việc, lãnh đạo hiệu quả và khoa học đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo chính trị ở nước ta cần phải nhận thức và quán triệt những yêu cầu cơ bản của phong cách lãnh đạo chính trị mácxít - lêninnít và phong cách Hồ Chí Minh. Trên tinh thần đó, Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc là người đã để lại một dấu ấn đậm nét trên tiến trình đổi mới của đất nước và phong cách làm việc của đồng chí thực sự tiêu biểu theo yêu cầu phong cách lãnh đạo chính trị mácxít - lêninnít, phong cách Hồ Chí Minh, thật sự xứng đáng để chúng ta học tập và noi theo.

1. Sự thống nhất giữa tính đảng, tính nguyên tắc với tính năng động và sáng tạo

Đặc trưng về tư tưởng - chính trị (tính đảng) hiển nhiên là đặc trưng trước nhất của người cán bộ lãnh đạo chính trị. Tùy hoàn cảnh, điều kiện và đối tượng cụ thể, người lãnh đạo có thể sử dụng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình. Nhưng làm bất cứ công việc gì, trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào, người cán bộ lãnh đạo đều phải và luôn luôn phải xuất phát từ hệ tư tưởng của Đảng, từ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mọi hoạt động của người lãnh đạo đều phải đặt lợi ích của cách mạng, của Tổ quốc lên trên hết, trước hết, trung thành với lợi ích của giai cấp và dân tộc, phải quán triệt mục đích phục vụ nhân dân, kiên định phương hướng đi lên CNXH và đường lối đổi mới của đất nước.

Trước hết phải khẳng định, đồng chí Kim Ngọc là một nhà hoạt động cách mạng kiên định, là một người suốt đời nhiệt huyết và trung thành với lý tưởng cách mạng. Đó là nền tảng chính trị quan trọng nhất để định hình và xây dựng phong cách. Xuất thân từ một bần cố nông, tá điền và đã được giác ngộ cách mạng, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương rất sớm, trải qua nhiều vị trí công tác của Đảng, của Quân đội và sau này liên tục 9 năm là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú. Trong công tác lãnh đạo, đồng chí luôn xác định vai trò của công tác chính trị, tư tưởng gắn với việc chấp hành đường lối là quan trọng vào bậc nhất. Trong một bài viết của mình, đồng chí đã xác định: “Chúng ta phải hiểu được, chỉ có cống hiến cho Đảng, một lòng theo Đảng, tuy có khó khăn nhưng nhất định thắng lợi. Đó là sự phấn đấu vươn lên, đó là lòng trung thành với Đảng - những người đó mới là người cộng sản; còn kẻ nào chỉ thấy cực khổ, không thấy hết trách nhiệm và vinh dự, lợi dụng làm càn là cơ hội, những đảng viên đó phải giáo dục, giáo dục không được phải kỷ luật, cần thì đưa ra pháp luật”(2).

Song, phép biện chứng duy vậtchỉ rõ sự vật, hiện tượng khách quan luôn luôn vận động, biến đổi và phát triển không ngừng. Do vậy, trong hoạt động thực tiễn nói chung cũng như hoạt động lãnh đạo nói riêng trên cơ sở giữ vững quan điểm, lập trường, tính nguyên tắc, người cán bộ lãnh đạo phải rất chủ động sáng tạo, nhanh nhạy với sự phát triển mới của tình hình để tìm chọn giải pháp tối ưu, phù hợp với điều kiện, không gian, thời gian và đối tượng cụ thể. Hồ Chí Minh đã từng nêu: “dĩ bất biến ứng vạn biến”, rằng “nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”(3), “cần nhận rõ tình thế để rồi tùy cơ ứng biến mà tiến chứ không làm hồ làm bừa một cách vô chính trị”(4).

Muốn thể hiện nhuần nhuyễn đặc trưng này trong phong cách làm việc, đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo phải xây dựng được một phong cách tư duy “độc lập, tự chủ, sáng tạo”, “luôn hướng tới cái mới, cái tiến bộ, mở rộng tầm nhìn ra thế giới để tư duy”. Phong cách của đồng chí Kim Ngọc mang tính thực tiễn sâu sắc, một phong cách tư duy và hành động không lệ thuộc, không phụ thuộc, không giáo điều. Sáng tạo là vận dụng đúng quy luật chung cho phù hợp với cái riêng, cái đặc thù. Đồng thời, sáng tạo cũng là tìm tòi, đề xuất những cái mới chưa có trong tiền lệ để có thể trả lời được những đòi hỏi do cuộc sống đặt ra. Nghị quyết 68 NQ/TU ngày 10-9-1966 “về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra đời là việc làm hết sức táo bạo. Đồng chí Hữu Thọ sau này nghiên cứu và nhận xét: Nội dung thứ 2 về ba chế độ khoán của Nghị quyết “Về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay”là rất mới(5). Năng động, sáng tạo thống nhất với lòng trung thành, hiểu theo nghĩa cách mạng của từ này, hoàn toàn xa lạ với khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa, hoặc là rập khuôn, máy móc.

2. Sự thống nhất giữa nhiệt tình cách mạng với khách quan, khoa học

Nhiệt tình cách mạng là yếu tố cơ bản trong phẩm chất của người lãnh đạo, nó là động lực chân chính thôi thúc họ không nề hà gian khổ, đứng ra đón lấy thử thách, lo toan công việc. Chỉ có sự tận tuỵ, nhiệt thành, say mê, trăn trở với công việc mới có thể có được kết quả của những tìm tòi sáng tạo, mới đề xuất được những ý kiến, những phương án có giá trị để thực thi nhiệm vụ đạt hiệu quả cao. Chỉ có thực sự vì mục đích chung, người cán bộ lãnh đạo mới có đầy đủ dũng khí vượt lên những toan tính cá nhân, mới có đủ dũng cảm để chỉ ra và vượt qua những vật cản kìm hãm để đi tìm những con đường mới cho các tiềm năng phát triển.

Nếu không có nhiệt tình cách mạng, người cán bộ lãnh đạo có thể “hy sinh” tất cả trí tuệ và phẩm giá, lòng tự tôn và sứ mệnh cao quý của nghề nghiệp để chỉ lo cầu an, bảo toàn địa vị, danh vọng và bổng lộc của mình. Nếu nhiệt tình cách mạng không được đánh thức thì người lãnh đạo cũng sẽ rơi vào hội chứng “vừa đủ” thỏa mãn với một vài thành tựu dễ dàng đạt được và kết cục sẽ nhanh chóng bị cuộc sống vượt qua.

Đồng chí Kim Ngọc là tấm gương chói sáng của người cộng sản tận tụy, từ lúc thanh xuân cho đến khi về nghỉ hưu vẫn không ngừng trăn trở về hiện tình đất nước, không ngừng khảo sát, tổng kết thực tiễn vì bức thiết một nhu cầu đổi mới. Và dù đã bị phê phán gay gắt, nào là “quay lại chủ nghĩa phong kiến, đầu hàng chủ nghĩa tư bản”, nhưng rồi với một nhiệt tình cách mạng, ông không quan tâm đến sự tổn thương cá nhân mà ông lấy sự no ấm của nông dân làm trọng đã chấp nhận và vượt qua thử thách lớn lao, cuối cùng trở thành một trong những người có công lát viên gạch đặt nền móng cho ngôi nhà đổi mới.

Nhiệt tình cách mạng của người cán bộ lãnh đạo chỉ thực sự đem lại hiệu quả thiết thực khi thống nhất với tính trung thực, tôn trọng và tuân thủ quy luật khách quan. Trong mọi công việc đều phải nghiên cứu, phân tích khoa học với tinh thần khách quan, đánh giá đúng thực chất tình hình, xem xét kỹ càng hoàn cảnh cụ thể để từ đó đi đến những quyết định chính xác, tối ưu. Phong cách tư duy ở đây là phải vừa mở rộng trí tuệ để nắm bắt tư tưởng, lý luận vừa phải tư duy sâu sát trên những cứ liệu thực tế của cuộc sống. Thực tiễn đã bắt chúng ta phải trả giá rất đắt cho sự chủ quan, nóng vội khi đem thay thế sự phân tích, đánh giá khách quan bằng cách đánh giá tình hình theo cảm tính chủ quan, áp đặt.

Nhiệt tình cách mạng sẽ trở thành duy tâm, duy ý chí, thậm chí trở thành một nhân tố phá hoại nếu như nó không đi cùng với tri thức khoa học, nếu không tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Người cán bộ giữ chức vụ càng cao, trách nhiệm càng lớn thì việc xây dựng một phong cách làm việc thống nhất giữa nhiệt tình cách mạng với tính trung thực, khách quan, khoa học lại càng quan trọng và có ý nghĩa. Trong chế độ làm việc của mình, ngoài hội họp và đi cơ sở, đồng chí Kim Ngọc xác định 1/3 thời gian là phải tìm hiểu, nghiên cứu sách báo tài liệu. Với trình độ lớp 7, nhưng không ngừng học tập, nghiên cứu lý luận gắn chặt với khảo sát và tổng kết thực tiễn, đồng chí đã trở thành một trí thức thực sự, là một nhà lãnh đạo có tư duy của một nhà khoa học,  một trí thức theo đúng nghĩa cao quý nhất của từ này. Đồng chí Kim Ngọc là một Trí thức nông dân.

3. Sự thống nhất giữa tính tập thể, dân chủ với tính quyết đoán và chịu trách nhiệm cá nhân

Người cán bộ bao giờ cũng gắn với tổ chức, nằm trong tổ chức. Nói tới cán bộ lãnh đạo là nói tới những người có trọng trách đứng đầu một tập thể. Không có người lãnh đạo đứng ngoài hay đứng trên tập thể lãnh đạo. Vì vậy, gắn bó với tập thể, tôn trọng dân chủ, phát huy sức mạnh của tập thể phải là một phong cách suy nghĩ và hành động chủ đạo của người lãnh đạo. Về điều này, Hồ Chí Minh đã từng phê phán một số cán bộ “miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Họ làm cho trong tập thể có những người có ý kiến thì không dám nói, người muốn phê bình thì không dám phát biểu”(6).

Nhờ cái tâm rất trong sáng, đồng chí Kim Ngọc luôn xây dựng được bầu không khí làm việc tập thể, dân chủ nên luôn được tập thể lãnh đạo, đảng viên và quần chúng ủng hộ. Vì vậy cho nên chúng ta mới có thể hiểu, vì sao mặc dù phải làm bản kiểm điểm về “sai lầm trong khoán hộ”, đồng chí vẫn được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Nghị quyết 68 được thông qua một phần là nhờ có sự đoàn kết thống nhất và mang dấu ấn của một sản phẩm trí tuệ tổng hợp.

Có ý thức tập thể cao, biết tạo ra bầu không khí làm việc dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến tập thể, phát huy trí tuệ tập thể, đồng thời người lãnh đạo lại phải có tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm cá nhân để đưa ra những quyết định kịp thời đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và công việc. Những biểu hiện hoặc là coi thường tập thể hoặc là dựa dẫm, ỷ lại tập thể, không dám quyết đoán, không nêu cao trách nhiệm cá nhân đều làm giảm hiệu quả lãnh đạo và đều dẫn tới sự trì trệ.

Đồng chí Kim Ngọc thực sự là một cá tính mạnh mẽ, có lúc nóng nảy nhưng thực sự quyết đoán. Những sức ép, những khó khăn mà đồng chí gặp phải là rất lớn. Việc phải “giấu” cấp trên, “bật đèn xanh” cho “khoán chui” là mạo hiểm đối với sinh mệnh chính trị cá nhân. Nhưng đồng chí Kim Ngọc luôn luôn nhất quán: Kiên quyết thực hiện bằng được đúng và tốt chế độ ba khoán. Quả thực đồng chí đã dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm đến cùng trước Đảng, trước nhân dân.

4. Sự thống nhất giữa nhận thức và hành động, lời nói và việc làm

Phong cách làm việc của người lãnh đạo đòi hỏi phải có sự nhất quán giữa nhận thức và hành động, lời nói và việc làm. Người cán bộ lãnh đạo là người có trí tuệ, có nhận thức lý luận, có năng lực tư duy khoa học, nắm được các quy luật vận động khách quan của sự vật hiện tượng. Đồng thời, người lãnh đạo cũng là người có năng lực vận dụng tri thức khoa học vào tổ chức thực tiễn, phân tích tình hình thực tiễn và xác định phương hướng hành động phù hợp với quy luật khách quan, thúc đẩy sự vật phát triển. Hai phẩm chất ấy thống nhất với nhau tạo nên sự nhất quán giữa lời nói và hành động. Hồ Chí Minh căn dặn: “Phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”(7). Tư tưởng phải chuyển hóa thành hành động cụ thể, hoàn thành nhiệm vụ, hiện thực hóa mục tiêu và nhiệm vụ chính trị được giao phó.

Phong cách Kim Ngọc là phong cách lời nói đi đôi với việc làm. Nghị quyết 68 của đồng chí thực sự là hiện thân của nhân tố đổi mới từ thực tiễn. Uy tín của Bí thư Kim Ngọc được thực sự “sâu rễ, bền gốc” khi thực sự tiêu biểu cho trí tuệ, thống nhất giữa lời nói và việc làm, thực sự mẫu mực trong công tác và lối sống. Những cán bộ nói hay mà làm dở, nói mà không làm, nói nhiều mà làm ít hoặc nói một đằng làm một nẻo... sẽ làm xói mòn niềm tin của quần chúng, gieo rắc sự hoài nghi về uy tín và thanh danh của đội ngũ cán bộ của Đảng. Dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm được xem vừa là nhân cách, vừa là tính cách và vừa là phong cách nổi trội của đồng chí Kim Ngọc. Ảnh hưởng của người lãnh đạo chỉ sâu đậm khi sự gương mẫu về hành động. Con người chẳng bao giờ cư xử chỉ nhờ vào các lời chỉ bảo của lý trí thuần túy. Họ còn phải thấy niềm tin và mục tiêu của họ hiện thân thành một con người dẫn dắt họ qua tấm gương làm việc của người lãnh đạo.

5. Thường xuyên liên hệ mật thiết với quần chúng

Chế độ chính trị nước ta là chế độ do nhân dân lao động làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sức mạnh của Đảng là ở mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng nhân dân. Đảng chủ trương phát huy dân chủ, coi dân chủ vừa là động lực, vừa là mục tiêu của CNXH. Người cán bộ lãnh đạo phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chăm lo đời sống hàng ngày của quần chúng, tìm hiểu nguyện vọng và lắng nghe ý kiến quần chúng. Kiên quyết đấu tranh chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, gia trưởng, độc đoán, đặc quyền, đặc lợi, trù dập, ức hiếp quần chúng và mọi hành vi vi phạm quyền làm chủ của dân. Hồ Chí Minh thường xuyên đòi hỏi ở cán bộ, đảng viên: “Kinh nghiệm làm cách mạng là phải gần gũi quần chúng. Nếu xa quần chúng thì không làm được việc gì”(8).

Đồng chí Kim Ngọc được nhân dân kính trọng, yêu mến và làm chúng ta xúc động đó là sự đồng cảm sâu sắc trước tình cảnh đói nghèo của nông dân. Điều mà đồng chí day dứt nhất là tại sao nông dân mình đói và khổ quá. Đồng chí không sợ bị phê bình cũng chỉ vì cứu đói cho nông dân. Đúng như Ban Tuyên giáo của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tổng kết: “Từ trải nghiệm cuộc sống bản thân và sau một thời gian đi nghiên cứu, tìm hiểu thực tế, vững tin vào sức mạnh sáng tạo của đông đảo quần chúng ở địa phương, đồng chí Kim Ngọc, một cán bộ luôn sâu sát, gần gũi quần chúng, đã lắng nghe, tập hợp mọi sáng kiến của người nông dân. Đồng chí luôn băn khoăn, làm thế nào để phát triển nông nghiệp, nông thôn, để đời sống của người nông dân được đảm bảo và nâng cao một bước”(9). Phong cách làm việc của Bí thư Kim Ngọc gắn liền với vấn đề thương dân, gần dân, hiểu dân và cùng với đó là đức tính liêm khiết, nhân hậu của người cán bộ lãnh đạo.

Phong cách làm việc gắn bó với quần chúng, liên hệ mật thiết với quần chúng là thử thách đặc biệt thực chất giá trị xã hội, năng lực hoạt động chính trị thực tiễn của người lãnh đạo. Đây không chỉ là sự thử thách và kiểm tra về động cơ chính trị, về ý thức đạo đức, mà còn bao hàm sự đánh giá về năng lực vận động quần chúng, về phương pháp làm việc với con người của cán bộ lãnh đạo. Thực tế đã chứng minh, chỉ có sâu sát cơ sở, người lãnh đạo mới kiểm nghiệm được sự sát đúng của các chủ trương, chính sách trong cuộc sống, mới phát hiện được sự đúng sai trong việc chấp hành của cơ sở, mới thấy được những nhân tố mới để ủng hộ và nhân rộng. Cũng chỉ dựa vào quần chúng mới có cơ sở để hoạch định những chủ trương mới, những quyết định sát đúng, thiết thực, kịp thời đáp ứng những yêu cầu của cuộc sống đặt ra. Chỉ có xuất phát từ quan điểm quần chúng và tính nhân dân, người cán bộ lãnh đạo mới thực sự nhân lên sức mạnh của mình từ nhân dân và vì nhân dân. Họ phải sống với dân, phải đau nỗi đau của dân, lo nỗi lo của dân, tìm cách tháo gỡ những khó khăn cho người dân và tự mình làm hết khả năng có thể để chia sẻ khó khăn với dân.  Những chủ trương và chỉ đạo của đồng chí Kim Ngọc về đổi mới quản lý lao động nông nghiệp đã thực sự đi vào đời sống vì nó hợp quy luật và hợp lòng dân.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2017

(1) D.Chalvin: Các phong cách quản lý, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1993, tr.19.

(2), (5) Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Ban Tuyên giáo: Những bài viết, bài nói của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, Vĩnh Phúc, tháng 6-2012, tr.284, 391.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.319.

(4) Sđd,t.4, tr.213.

(6), (7), (8)  Sđd, t.5, tr.280, 699, 306.

(9) Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Ban Tuyên giáo: Tài liệu tuyên truyền Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, Vĩnh Phúc, tháng 7-2017, tr.15.

 

PGS, TS Lâm Quốc Tuấn

TS Nguyễn Thắng Lợi

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền