Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Nguyễn Ái Quốc về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn
Thứ năm, 24 Tháng 5 2018 16:31
5775 Lượt xem

Nguyễn Ái Quốc về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn

(LLCT) - Ngay khi trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28-1-1941), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có những quyết sách quan trọng, tạo ra những bước ngoặt to lớn cho cách mạng Việt Nam, đó là: Chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (5-1941), xây dựng căn cứ địa tại Cao Bằng, xây dựng Mặt trận Việt Minh, thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân... Từ đó, hình thành lực lượng chính trị rộng rãi, lực lượng vũ trang thống nhất, tạo nên sức mạnh giải phóng của Cách mạng Tháng Tám 1945.

Với khát vọng tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, ngày 5-6-1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc khi mới 21 tuổi. Người đã bôn ba khắp năm châu, bốn biển, vừa lao động vừa học tập, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, để rồi tìm thấy chân lý của thời đại: Chủ nghĩa Mác - Lênin.

Sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, ngày 28- 1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam - thời kỳ xây dựng lực lượng chính trị và vũ trang, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngay khi trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành nhiều công việc quan trọng. Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5-1941). Hội nghị đã đưa ra những quyết sách quan trọng, trước hết là chuyển hướng chiến lược cách mạng, xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là bức thiết nhất của cách mạng Đông Dương; nhiệm vụ trước hết của cách mạng Việt Nam lúc này là phải giành cho được độc lập, tự do cho dân tộc; tập trung giải quyết đúng đắn, khoa học mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp. Nghị quyết nêu rõ: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, sự tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi hỏi độc lập tự do cho toàn dân tộc, thì không những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến hàng vạn năm cũng không đòi lại được”(1). Theo sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh nhằm liên hiệp đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, kể cả xu hướng chính trị, cùng nhau giải phóng và sinh tồn. Việc thành lập Mặt trận Việt Minh là chủ trương mang tính chiến lược, sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đây vừa là kết quả của quá trình lãnh đạo, đúc rút kinh nghiệm cách mạng của Đảng ta từ khi thành lập (1930) đến tháng 5 -1941; vừa là kết quả trực tiếp của sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng cho phù hợp với yêu cầu khách quan của cách mạng nước ta trong tình hình mới. Với sự ra đời của Việt Minh, tư duy về vấn đề mặt trận dân tộc thống nhất của Đảng đạt tới đỉnh cao mới, mở đường cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đạo làm thí điểm xây dựng Mặt trận Việt Minh ở Cao Bằng, nhằm kiểm nghiệm, bổ sung, hoàn thiện về chính cương, điều lệ, phương pháp tổ chức của Mặt trận Việt Minh trước khi mở rộng ra cả nước.

Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin: “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Nguyễn Ái Quốc cho rằng: cách mạng muốn thành công phải có lực lượng cách mạng, phải đoàn kết thật rộng rãi các tầng lớp nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Chính vì vậy, Người rất chú trọng đến công tác tuyên truyền vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị trong quần chúng. Đi đến đâu, làm việc gì, Người cũng dựa vào quần chúng, được quần chúng bảo vệ, che chở. Phương pháp tuyên truyền, vận động quần chúng của Người rất phong phú, đa dạng, linh hoạt, thiết thực, hiệu quả. Người đặc biệt chú trọng tới việc tuyên truyền giác ngộ đồng bào các dân tộc vùng cao do họ còn rất nghèo, trình độ văn hóa thấp, lại bị đế quốc tay sai kìm kẹp, chia rẽ. Người căn dặn cán bộ làm công tác tuyên truyền vận động là phải làm thế nào cho “dân tin, dân phục, dân yêu”, phải tin dân, gần dân, trọng dân, giải quyết những khó khăn cho nhân dân. Có như vậy mới vận động được nhân dân, mới xây dựng lực lượng cách mạng, cách mạng mới thành công.

Sau Hội nghị, Cao Bằng là tỉnh được tiếp thu sớm nhất tinh thần Nghị quyết của Trung ương, nhanh chóng chuyển thành hành động thực tiễn, tích cực thực hiện nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Ái Quốc. Cao Bằng được Nguyễn Ái Quốc chọn làm nơi xây dựng căn cứ địa cách mạng do có hệ thống tổ chức Đảng mạnh, phong trào quần chúng vững, địa hình rừng núi thuận lợi. Những kinh nghiệm xây dựng căn cứ địa cách mạng đã được Nguyễn Ái Quốc đúc kết sau thời kỳ hoạt động ở Trung Quốc (1924-1927) , thể hiện rõ trong tác phẩm Công tác quân sự của Đảng trong nông dân (1928): “Việc tuyên truyền cách mạng phải được tiến hành trong tất cả các vùng nông thôn, nhưng phải tập trung chủ yếu vào một tỉnh hoặc một vài tỉnh đặc biệt. Khi Đảng cách mạng đoán trước được tình thế cách mạng trực tiếp đang tới gần thì phải chỉ ra được tỉnh nào hay huyện nào là quan trọng nhất theo quan điểm tuyên truyền trong nông dân và phải dồn sức chú ý vào đó, phải tập trung sức người, sức của cho nó”. Nguyễn Ái Quốc trong khi nhấn mạnh vai trò của nông thôn, nông dân trong việc xây dựng căn cứ địa trong buổi đầu cách mạng cũng đồng thời đánh giá cao mối quan hệ của những căn cứ vùng nông thôn với phong trào cách mạng ở các tỉnh, các thành phố, các trung tâm công nghiệp.

Tại Cao Bằng, Nguyễn Ái Quốc mở nhiều lớp huấn luyện chính trị - quân sự ngắn hạn, chọn thanh niên Cao Bằng đi học lớp vô tuyến điện ở Liễu Châu (Trung Quốc), giao nhiệm vụ cho đồng chí Vũ Anh triệu tập Hội nghị cán bộ Cao Bằng rút kinh nghiệm tổ chức Mặt trận Việt Minh Cao Bằng(cuối tháng 4-1941). Người còn giao cho các đồng chí: Lê Quảng Ba, Lê Thiết Hùng, Hoàng Sâm tổ chức đội vũ trang Cao Bằng và phân công họ làm Đội trưởng, Chính trị viên và Đội phó (tháng 10-1941). Người đặc biệt quan tâm việc xây dựng Đội vũ trang đầu tiên của Cao Bằng, biên soạn Mười điều kỷ luật và chiến thuật cơ bản của chiến tranh du kích, trực tiếp giáo dục, huấn luyện họ. Đồng thời, Người trực tiếp chỉ đạo các đoàn thể cứu quốc tại ba châu Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình để rút kinh nghiệm cho việc xây dựng, mở rộng Mặt trận Việt Minh ra cả nước(2). Kinh nghiệm xây dựng Mặt trận Việt Minh và lực lượng vũ trang Cao Bằng là chỗ dựa quan trọng để mở rộng lực lượng cách mạng ra cả vùng núi rừng Bắc - Lạng.

Tháng 7-1942, sau khi đã có những tổng, xã Việt Minh “hoàn toàn”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trương “Nam tiến” mở thêm đường liên lạc và mở rộng các lực lượng, tổ chức Việt Minh theo tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn và tuyến Cao Bằng - Bắc Cạn, Thái Nguyên. Liên lạc giữa “đầu nguồn” với Thường vụ Trung ương Đảng thêm thuận tiện(3). Đồng thời với “Nam tiến”, Tổng bộ Việt Minh cũng chủ trương các đội du kích đánh thông con đường Thái Nguyên - Tuyên Quang với các miền lân cận. Đến giữa năm 1944, mặc dù thực dân Pháp tiến hành khủng bố ráo riết, nhưng nhìn chung cơ sở Việt Minh đã mở rộng khắp các tỉnh vùng Cao - Bắc - Lạng, Hà - Tuyên - Thái.

Cuối tháng 9-1944, từ Trung Quốc về Pác Bó, Hồ Chí Minh nghe báo cáo về việc Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng quyết định khởi nghĩa giành chính quyền, Người chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa để tránh tổn thất cho cách mạng. Người phân tích: “Chủ trương phát động chiến tranh du kích ở Cao - Bắc - Lạng là mới chỉ căn cứ vào tình hình địa phương mà chưa căn cứ vào tình hình cụ thể trong cả nước, mới chỉ thấy bộ phận mà chưa thấy toàn cục. Trong điều kiện bây giờ, nếu phát động ngay nhân dân nhất tề nổi lên đánh du kích theo quy mô và phương thức đã định trong Nghị quyết, thì sẽ gặp nhiều khó khăn, có thể còn khó khăn hơn thời kỳ bị khủng bố vừa rồi. Bởi vì, các địa phương khác trong toàn quốc tuy phong trào cách mạng đang lên cao nhưng hiện chưa nơi nào có điều kiện vũ trang, chiến đấu để sẵn sàng hưởng ứng... Riêng về mặt quân sự, thì  cũng không theo đúng nguyên tắc tập trung lực lượng; cán bộ, vũ khí đều phân tán, thiếu hẳn một lực lượng nòng cốt”(4).

Người nhận định: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào đi tới. Nhưng phát động vũ trang khởi nghĩa thì quân địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự”(5). Vì vậy, đầu tháng 12-1944, Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp xúc tiến thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Trong chỉ thị thành lập, Người nêu nguyên tắc tổ chức lực lượng là “sẽ chọn lọc trong hàng ngũ du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực...”(6).

Việc thành lập lực lượng vũ trang ở căn cứ địa cách mạng đã củng cố và hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh chính trị. Trong thời kỳ này, Hồ Chí Minh đã viết các sách, như: “Cách đánh du kích”, “Kinh nghiệm du kích Tàu”, “Kinh nghiệm du kích Nga”,... Những đóng góp của Nguyễn Ái Quốc đối với việc thành lập đội vũ trang Cao Bằng và Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cũng như những quyết định sáng suốt, kịp thời của Người đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Cao - Bắc - Lạng thời kỳ 1941-1945 đã minh chứng cho tư tưởng quân sự đúng đắn, sáng tạo của Người.

Trong giai đoạn từ 1941 đến tháng 5-1945 (thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu cuộc hành trình từ Pác Bó về Tân Trào chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám), tư tưởng Hồ Chí Minh được nhân dân các dân tộc ở Cao Bằng tiếp nhận, cùng nhau xây dựng địa phương thành quê hương giải phóng. Giữa năm 1945, Hồ Chí Minh sau khi nghe báo cáo về nghị quyết của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ đã ra chỉ thị: Nay vùng giải phóng ở miền ngược đã bao gồm các tỉnh: Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái, địa thế nối liền với nhau, nên lập thành một khu căn cứ lấy tên là Khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang lại, đặt tên là Quân giải phóng. Người đã bàn với các đồng chí: Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng chuẩn bị triệu tập Hội nghị cán bộ toàn thể khu để thống nhất lãnh đạo và triển khai công tác. Những thành quả phong trào cách mạng Cao Bằng đã được nhân lên, lan rộng phát triển mạnh đến miền xuôi.

Từ khi chọn Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng, đến khi hình thành Khu giải phóng, thời gian chỉ trên dưới 4 năm, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã có nhiều đóng góp quan trọng cho phong trào cách mạng Cao Bằng và cho cách mạng cả nước. Đây vừa là kết tinh truyền thống yêu nước, đoàn kết của các dân tộc ở đây, vừa thể hiện tính đúng đắn, sáng tạo cách mạng của tư tưởng, phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh được áp dụng vào thực tế vùng đồng bào các dân tộc. Những thành công này đã lan tỏa ra cả nước, tạo nên sức mạnh giải phóng của Cách mạng Tháng Tám 1945.

Sự kiện Nguyễn Ái Quốc trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam cho thấy tầm nhìn chiến lược của vị lãnh tụ thiên tài, không chỉ tạo ra bước ngoặt to lớn của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX mà còn để lại nhiều bài học quý giá. Đó là bài học về xác định “thời cơ”, nhiệm vụ cách mạng, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trước sự thay đổi của tình hình. Thực hiện con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn liền với những nhiệm vụ về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phát huy dân chủ XHCN và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2017

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đảng 1930-1945, 1977, t.3, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.196.

(2) Xem Hồ Chí Minh - Tiểu sử và sự nghiệp, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.105.

(3) Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương: Những sự kiện lịch sử Đảng, (1920-1945), t.1, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.552-553.

(4), (5), (6) Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb Văn học, Hà Nội, 1977, tr.129-130, 130, 130.

 

Nguyễn Văn Công

 Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền