Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện     Giá trị lý luận và thực tiễn của “Thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội” với công tác thi đua - khen thưởng hiện nay
Thứ sáu, 08 Tháng 6 2018 16:48
3914 Lượt xem

Giá trị lý luận và thực tiễn của “Thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội” với công tác thi đua - khen thưởng hiện nay

(LLCT) - Thời kỳ hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phong trào thi đua yêu nước cần đa dạng và phong phú. Việc thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng, trong đó, có yêu cầu cần tiếp tục học tập, nghiên cứu Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

1. Xác định rõ mục tiêu của thi đua

Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc phát động phong trào "Thi đua ái quốc” nhằm động viên toàn dân, toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, nâng cao nhiệt tình cách mạng và trí sáng tạo, ra sức thi đua kháng chiến, kiến quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều". Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chí Minh chỉ rõmục đích của phong trào là để "diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm" - giành lại nền độc lập cho đất nước, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Tiếp đó, Thư gửi đồng bào cả nước về thi đua ái quốc (1-8-1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Hiện nay, kháng chiến đã đến thời đẩy mạnh cuộc cầm cự, chuẩn bị Tổng phản công, thì phong trào thi đua ái quốc cũng phải nhằm vào mục đích ấy. Vì vậy, chương trình thi đua trong giai đoạn này vẫn là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Nhưng nó tiến lên một bước mạnh hơn"(1). Người khẳng định ý nghĩa to lớn của phong trào thi đua ái quốc: thi đua là đoàn kết, là yêu nước, là tinh thần quốc tế, là góp sức giữ gìn hòa bình và dân chủ thế giới; là cải tạo con người; “Thi đua phải lấy tinh thần yêu nước làm gốc”(2). Thi đua là yêu nước. Yêu nước là phải thi đua. Hễ là người Việt Nam yêu nước là phải thi đua. Thi đua là một cách yêu nước thiết thực nhất. Những người thi đua là những người yêu nước nhất. Đây là cơ sở nền tảng, yếu tố căn bản để xây dựng các tiêu chí, mục tiêu của thi đua yêu nước trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ.

Hiện nay, Việt Nam đang bước vào thời kỳ CNH, HĐH đất nước và mở rộng hội nhập quốc tế phát triển mạnh nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, từng bước thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh”. Phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay cần thể hiện đa dạng và phong phú. Trong đó, quan trọng nhất là việc thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong phát triển kinh tế và trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; thi đua phát triển kinh tế đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao nhất, bảo đảm tốc độ tăng trưởng hàng năm cao, theo hướng bền vững. Các phong trào thi đua phát triển khoa học công nghệ, nâng cao năng lực nội sinh, phát huy sáng tạo trong sự nghiệp khoa học và hội nhập kinh tế, coi đó là những nhân tố quan trọng để thúc đẩy mục tiêu CNH, HĐH đất nước; phát triển lực lượng sản xuất để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Việc thi đua phát triển và thực hiện chương trình giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao dân trí để sớm theo kịp các nước tiên tiến khu vực và thế giới. Điều đáng ghi nhận là các phong trào thi đua lan tỏa, rộng khắp trên cả nước, ở tất cả các ngành, các cấp, cùng với việc mỗi cá nhân là những chủ thể của phong trào thi đua yêu nước, nên kết quả đạt được từ các phong trào hiệu quả, thiết thực.

2. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; thi đua yêu nước là một cuộc cách mạng

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua các giai đoạn lịch sử đều dấy lên các phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Các tầng lớp nhân dân ở mọi ngành nghề, mọi lứa tuổi, mọi giai cấp, tầng lớp đều hăng hái, nhiệt tình tham gia phong trào thi đua, "làm cho mau nhất, tốt nhất, nhiều nhất" những công việc hàng ngày. Công nhân, nông dân thi đua sản xuất; bộ đội, du kích thi đua giết giặc, phá tề, trừ gian; cơ quan thi đua công tác, trường học thi đua dạy tốt, học tốt. Tất cả thi đua tăng gia sản xuất, thực hiện đời sống mới vừa đánh giặc vừa xây dựng những yếu tố mới CNXH. Tại Hội nghị chính trị đặc biệt (3-1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi “Mỗi người làm việc bằng hai vì đồng bào miền Nam ruột thịt”.Trướcsự kiện Vịnh Bắc Bộ, đế quốc Mỹ leo thang chến tranh ra miền Bắc bằng không quân và hải quân, ngày 5-8-1964, hàng ngàn lá thư được viết bằng máu của thanh niên Thủ đô gửi tới Ban Thường vụ Thành Đoàn Hà Nội. Phong trào “Ba sẵn sàng” với nội dung sẵn sàng chiến đấu; chiến đấu dũng cảm; sẵn sàng gia nhập vào các lực lượng vũ trang; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc khi cần đến, với tinh thần “chưa thắng giặc Mỹ, chưa về quê hương” được phát động.

Hiện nay, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là sự nghiệp tự giác của hàng triệu quần chúng. Phát động các phong trào thi đua yêu nước là biện pháp cổ vũ phong trào tự giác cách mạng; phát huy tài năng, sáng tạo, trí tuệ, sức mạnh của quần chúng; phát huy nhân tố con người để tạo nên sức mạnh tổng hợp xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, là người dân yêu nước đều phải có nghĩa vụ tích cực thi đua, biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành hiện thực. Phong trào thi đua yêu nước khơi dậy, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường trong mỗi người dân trước vận mệnh của đất nước. Là người dân yêu nước, không cam chịu để đất nước đói nghèo, lạc hậu... mà phải coi đó là trở ngại, kiên quyết vượt qua. Mỗi người phải có trách nhiệm tham gia phong trào thi đua yêu nước, phát huy mọi nguồn lực để vượt qua mọi khó khăn, thử thách; đem hết tài năng, trí tuệ, sức lực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thi đua là quyền lợi của mỗi người dân yêu nước; là môi trường tốt để mọi người được tôi luyện, trưởng thành. Trong phong trào thi đua, quyền làm chủ, sự năng động và sáng tạo của mỗi người được phát huy, mọi người đều được bình đẳng trong cống hiến và trong hưởng thụ, được tập thể tôn trọng. Mỗi sáng kiến mới, việc làm tốt đều được xã hội trân trọng tôn vinh. Hiện nay, nhân dân cả nước đang ra sức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; các ngành, các giới, cách lĩnh vực trong xã hội triển khai nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động. Tiêu biểu như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”; “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng - an ninh”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Cựu chiến binh gương mẫu”; “Đồng hành với thanh niên lập thân,lập nghiệp”; “Sinh viên tình nguyện”; “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”...

3. Nhân rộng các điển hình phong trào thi đua yêu nước

Đầu năm 1960, hưởng ứng "Thi đua ái quốc", phong trào phát huy sáng kiến, tăng năng suất lao động của Nhà máy Cơ khí Duyên Hải, Hải Phòng (nay là Công ty TNHH Nhà nước MTV Cơ khí Duyên Hải) được phát động và nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của toàn thể cán bộ, công nhân. Duyên Hải ngày ấy sôi động một cao trào thi đua chưa từng có, thực sự tạo nên một khí thế cách mạng, đưa Duyên Hải trở thành lá cờ đầu của ngành công nghiệp miền Bắc. Suốt 10 năm (1965-1975) chiến tranh ác liệt, cán bộ, công nhân Nhà máy Cơ khí Duyên Hải đã vượt lên bao khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, hy sinh, lao động quên mình, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng của dân tộc. Duyên Hải trở thành hình mẫu lá cờ đầu của công nghiệp miền Bắc trong xây dựng CNXH có tác dụng lan tỏa và dấu ấn với thời gian.

Trên lĩnh vực giáo dục, mô hình tiên tiến Trường THCS Bắc Lý được thành lập năm 1953 và chỉ vài năm sau đó đã trở thành nơi khởi nguồn của phong trào thi đua "Hai tốt". Cuối năm 1960, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III, thầy trò trường Bắc Lý đã vận dụng sáng tạo mục đích, nguyên lý, phương châm giáo dục của Đảng vào thực tiễn nhà trường: Gắn học với hành, kết hợp giáo dục với lao động sản xuất, tổ chức nhiều phong trào thi đua xây dựng trường sở "biến không thành có”, "biến thiếu thành đủ”, phong trào rèn luyện tư tưởng, đạo đức, tác phong, phong trào giữ gìn vệ sinh và rèn luyện thân thể, dần dần đi sâu vào phong trào "Dạy thật tốt và học thật tốt”. Tháng 7-1961, Chủ tịch Hồ Hồ Chí biểu dương thành tích vẻ vang của ngành giáo dục và gợi ý các trường nên phát động phong trào thi đua "Hai tốt”. Ngày 18-10-1961, Bộ Giáo dục và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức hội nghị phát động thi đua "Hai tốt” tại Phủ Lý - Hà Nam. Hội nghị nhất trí công nhận Bắc Lý là lá cờ đầu của toàn ngành và thông qua cuộc phát động thi đua "Hai tốt” với khẩu hiệu là: "Tích cực thi đua dạy thật tốt, học thật tốt, đuổi kịp và vượt Bắc Lý”. Sau ngày đất nước thống nhất, "tiếng trống" Bắc Lý vẫn tiếp tục ngân xa. Phong trào “Hai tốt” trở thành đích của các nhà trường trong giáo dục.

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ở miền Bắc những năm 1961-1965, phong trào “Gió Đại Phong” là một trong những điển hình tiên tiến trên mặt trận nông nghiệp, có sức lan tỏa, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần hăng say lao động xây dựng CNXH, làm hậu phương lớn cho tiền tuyến miền Nam. Tại Đại Phong, Phong Thủy, Lệ Thủy, Quảng đã vươn lên trở thành lá cờ đầu trong phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, đi vào lịch sử như một “hiện tượng” trong nông nghiệp, thổi bùng lên một luồng gió mới trong lao động sản xuất ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Tiếp đó, phong trào thi đua “Học tập tiến kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong” với 3 mục tiêu: Mở rộng diện tích và tăng năng suất; phát triển các ngành, nghề; tăng số ngày công lao động hằng năm đã được phát động trên toàn miền Bắc. "Gió Đại Phong" trở thành một biểu tượng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên mặt trận lao động sản xuất của tập thể nhân dân lao động miền Bắc, có tiếng vang trong nước mà và  quốc tế.

Phong trào thi đua “Ba nhất” đã phát động trong Quân đội nhân dân Việt Nam. “Ba nhất” được nêu lên như một khẩu hiệu hành động có sức hấp dẫn mạnh mẽ, cổ vũ các đơn vị quân đội hăng say thi đua sáng tạo lập thành tích xuất sắc. Đây là một hình tượng thi đua vừa cụ thể, vừa sinh động, lấy huấn luyện chiến đấu, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu làm trung tâm, lấy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình làm mục tiêu thi đua cụ thể. Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quân, năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương các phong trào thi đua và khẳng định niềm tin tất thắng sự nghiệp cách mạng. Người nói: “Công nhân phất cao ngọn cờ “Duyên Hải”. Nông dân phất cao ngọn cờ “Đại Phong”. Quân đội anh hùng phất cao ngọn cờ “Ba nhất”. Công-nông-binh đại thi đua, đại đoàn kết, chủ nghĩa xã hội nhất định đại thành công, Bắc-Nam nhất định sẽ thống nhất, non sông một nhà”.

Tháng 3-1965, từ phong trào “Ba đảm nhiệm” của phụ nữ huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động phong trào “Ba đảm đang”. Đây là một phòng trào cách mạng sâu rộng đến mọi nhà, mọi ngõ ngách của làng quê Việt Nam, lôi cuốn mọi tầng lớp phụ nữ tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng miền Bắc XHCN. Nhiều tấm gương của chị em đã được cả nước biết đến, như: các trung đội nữ dân quân bắn rơi máy bay của Mỹ ở huyện: Hậu Lộc, Tĩnh Gia, Hoằng Hóa, Hà Trung tỉnh Thanh Hóa; tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình… được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen. Đó là gương chị La Thị Tám - người con gái sông La, tỉnh Hà Tĩnh tham gia bảo vệ an toàn cho những con đường huyết mạch trong tỉnh, trực tiếp quan sát, dũng cảm tiêu diệt hàng trăm quả bom nổ chậm. Chị Nguyễn Thị Thứ, nữ dân quân ở huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa cùng chị em bắn rơi ba máy bay của Mỹ… Nhiều tấm gương không thể kể hết của các chị từng một mình nuôi mẹ già, chăm sóc con nhỏ để chồng đi chiến đấu xa mà vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ miền Bắc là phong trào yêu nươc nồng nàn và rộng khắp, lôi cuốn đông đảo phụ nữ hai miền thi đua sản xuất, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân”(3).

Để nuôi dưỡng và phát triển các phong trào thi đua yêu nước, cần chú ý chọn đơn vị làm điểm, chọn điển hình trong lao động sản xuất, những người thật việc thật để phát động thi đua, qua đó rút kinh nghiệm để chỉ đạo ra diện rộng. Phát hiện, bồi dưỡng, phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến và nhân tố mới; cổ vũ, động viên mọi ngườira sức thi đua đuổi kịp và vượt điển hình tiên tiến, tạo nên phong trào thi đua trong từng đơn vị cũng như trên phạm vi cả nước. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, khen thưởng những đơn vị, cá nhân tiêu biểu, đúc rút bài học kinh nghiệm, nâng cao chất lượng, đưa phong trào thi đua yêu nước.

4. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức phong trào thi đua yêu nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: nghệ thuật tổ chức lãnh đạo phong trào thi đua yêu nước biểu hiện ở việc đề ra được tên phong trào với những khẩu hiệu hành động, tuyên truyền sắc bén; sát với tình hình thực tiễn và nguyện vọng, lợi ích của quần chúng nhân dân; phù hợp với yêu cầu thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng.Thi đua yêu nước đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam là khơi dậy sức mạnh tiềm tàng trong mỗi con người, mỗi tập thể, trở thành động lực thúc đẩy họ vượt qua khó khăn, thử thách để đi đến thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Thúc đẩy năng lực sáng tạo của mỗi người; góp phần phát triển tư duy, nâng cao nhận thức, tạo nên những động lực mới cho sự nghiệp cách mạng; khơi dậy lòng yêu nước, bồi dưỡng nhân cách; nâng cao tính tích cực xã hội trong mỗi con người. Phổ biến và nhân rộng nhiều tập thể, cá nhân, điển hình tiên tiến trong toàn quốc; tạo nên sức mạnh quần chúng rộng lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Góp phần giúp cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể triển khai các nhiệm vụ chính trị; rèn luyện năng lực lãnh đạo, tổ chức, quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị; thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; góp phần làm cho chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhanh chóng đi vào thực tiễn. Thi đua là một trong những hình thức tốt nhất để tập hợp, giác ngộ cách mạng và nâng cao nhận thức cho quần chúng về tư tưởng, chính trị, trình độ văn hóa, nhận thức xã hội; hướng quần chúng hành động để đạt các mục tiêu cách mạng.Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, trong Điếu văn của Ban Chấp  hành Trung ương Đảng khẳng định: Chúng ta biến đau thương thành hành động cách mạng nhằm thực hiện di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng miền Nam , thống nhất đất nước. Từ ngày 20 đến ngày 30-9-1969, Hội nghị lần thứ 18 Uỷ Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động đợt “Học tập và làm theo di chúc của Hồ Chí Minh”, đồng thời kêu gọi đồng bào cả nước triệu người như một quyết tâm đánh thắng  hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.

Bài học về về thi đua trong xây dựng CNXH đến nay còn nguyên giá trị, nhất là trong tình hình hiện nay, công tác thi đua khen thưởng đang hướng mạnh về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động với các hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả, chống hình thức. Thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, giám sát, phân công nhiệm vụ, tiến độ triển khai, nhất là đối với các phong trào lớn và mới; kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm, chọn điểm trước khi nhân rộng phong trào. Gắn các phong trào thi đua với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; chú trọng phát động các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ đột xuất, cấp bách...Thực hiện lời chỉ dẫn của Hồ Chí Minh: “Lãnh đạo phải cụ thể, phải kịp thời, phải thiết thực, phải có trọng điểm và nắm điển hình”(4). Phải chống bệnh quan liêu, bàn giấy trong tổ chức phong trào thi đua. Người cũng chỉ ra sự cần thiết phải kết hợp chặt chẽ thi đua với khen thưởng. Thi đua là cơ sở của việc khen thưởng. Khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời lại có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục. “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”(5).

Phát hiện điển hình, nhân rộng, nêu gương điển hình để có thi đua khen thưởng kịp thời. Phổ biến những điển hình, những tấm gương cá nhân và tập thể, những kinh nghiệm trong phong trào thi đua để tiếp tục nhân rộng. Khen thưởng đúng người đúng việc; khen thưởng sai sẽ kìm hãm thi đua thực sự. Bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch; coi trọng việc phát hiện, lựa chọn các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng. Ðề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng kịp thời và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng. Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân, tự vệ, công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. Quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số. Tập trung giải quyết dứt điểm việc khen thưởng thành tích trong các cuộc kháng chiến và thực hiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng có công lao, thành tích, cống hiến trong các cuộc kháng chiến của dân tộc.Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Thi đua phải có phương hướng đúng và vững. Nghĩ là phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người. Đồng thời, vận động và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước phải nắm vững quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua ái quốc là ích lợi của mình, ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc”(6).

Những quan điểm chỉ đạo, định hướng phong trào thi đua yêu nước của Đảng và Nhà nước trong 70 năm qua, đặc biệt những phong trào thi đua trong xây dựng CNXH thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng, Nhà nước tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách về thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng tiếp theo. Thi đua yêu nước phải thực sự khơi dậy sức mạnh tiềm tàng trong mỗi con người, mỗi tập thể, trở thành động lực thúc đẩy họ vượt qua khó khăn, thử thách để đi đến thắng lợi. Những kinh nghiệm về thi đua trong lịch sử cần vận dụng sáng tạo vào công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. 

_________________

(1) Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia III, Phông PTT, hồ sơ 130

(2), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.307, 170.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5,  Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.173.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 213.

(5)Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.189.

TS Đặng Kim Oanh

Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền