Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Hoạt động yêu nước cách mạng của đồng chí Lương Khánh Thiện ở Hải Phòng (1925-1930)
Thứ năm, 18 Tháng 10 2018 10:35
3379 Lượt xem

Hoạt động yêu nước cách mạng của đồng chí Lương Khánh Thiện ở Hải Phòng (1925-1930)

(LLCT) - Trong những năm 1925-1930, đồng chí Lương Khánh Thiện, có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy phong trào yêu nước và phong trào công nhân ở Hải Phòng phát triển, đóng góp quan trọng vào tiến trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí là chiến sỹ cộng sản kiên trung, cán bộ tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

1. Những hoạt động yêu nước đầu tiên

Lương Khánh Thiện (còn gọi là Trần Xuân Thành), sinh năm 1903 trong một gia đình nhà nho nghèo ở thôn Mễ Tràng, xã Liêm Chính, huyện Thanh Liêm (nay thuộc Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Được sự quan tâm của gia đình, họ hàng, Lương Khánh Thiện đã được đi học từ lúc 5 tuổi, nhưng học hết lớp hai đã phải bỏ học đi làm kiếm sống. Năm 1923, 19 tuổi, Lương Khánh Thiện xin vào học trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng(1).

Hải Phòng là một nhượng địa được Pháp chú trọng xây dựng thành một thành phố công nghiệp - hải cảng để phục vụ cho hai đợt khai thác thuộc địa. Đội ngũ công nhân tập trung đông đảo, có kỹ thuật cao, có điều kiện giao thiệp quốc tế, tiếp thu tư tưởng cách mạng trên thế giới thông qua con đường vận tải hàng hải(2). Do đó, tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển nhanh phong trào công nhân ở đây.

Tháng 6-1922, công nhân và lao động Hải Phòng đã nhất loạt đấu tranh đòi ngày làm việc 8 giờ, tuần làm việc 6 ngày, buộc chính quyền thực dân phải nhượng bộ.

Năm 1923, công nhân nhà máy xi măng đấu tranh phản đối chống đánh đập. Đồng thời, sự kiện Phạm Hồng Thái đánh bom ở Sa Điện đã nhanh chóng dội tới Hải Phòng càng thúc đẩy phong trào yêu nước ở thành phố phát triển. Năm 1925, Hải Phòng là một trong những địa phương có phong trào mạnh mẽ đòi thả Phan Bội Châu. Từ phong trào yêu nước này đã sinh ra nhiều chiến sĩ cách mạng kiên trung cho Hải Phòng và cả nước.

Phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Hải Phòng đã tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ tới các tầng lớp nhân dân, thanh niên và học sinh các trường kỹ nghệ, trong đó có Trường Kỹ thuật thực hành Hải Phòng. Bởi vậy, tháng 12- 1925, nhân Toàn quyền Đông Dương Varen đi nghỉ ở Đồ Sơn trên đường trở về, đông đảo nhân dân Hải Phòng, phần lớn là thanh niên, học sinh, trí thức, công nhân đã tập hợp thành hàng ngũ đi biểu tình với khẩu hiệu đòi ân xá Phan Bội Châu. Đoàn học sinh Trường Kỹ nghệ thực hành, đi đầu là Lương Khánh Thiện và những học sinh khác như Nguyễn Khắc Khang, Vũ Thiện Tấn, Hạ Bá Cang, Vũ Thiện Chân, đã chặn xe Toàn quyền Va ren từ Đồ Sơn về Cầu Rào, đưa đơn đòi trả tự do cho Phan Bội Châu, tạo tiếng vang lớn trong dư luận xã hội(3).Trước áp lực của quần chúng, Varen hứa sẽ giải quyết. Nhưng bọn mật thám theo dõi, Lương Khánh Thiện và một số học sinh khác bị giám thị người Pháp đuổi học, ba học sinh khác bị bắt. Tháng 1-1926, không chịu khuất phục, Lương Khánh Thiện bàn với Nguyễn Khắc Khang, Hạ Bá Cang, Vũ Thiện Chân, tổ chức bãi khóa, đòi trả tự do cho những người bị bắt.

Từ năm 1925 - 1927, các Hội viên của Việt Nam Cách mạng Thanh niên qua huấn luyện ở Quảng Châu lần lượt về nước, bắt đầu tuyên truyền và tổ chức hoạt động cách mạng, nhất là ở Hải Phòng. Đầu năm 1927, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hải Phòng ra đời và tập trung vào  tuyên truyền, vận động thanh niên, học sinh. Phong trào yêu nước ở Hải Phòng và các tỉnh lân cận từng bước chuyển sang khuynh hướng vô sản.    Để sống và hoạt động thực hiện hoài bão của mình, năm 1926, Lương Khánh Thiện về Nam Định và xin làm thợ nguội ở nhà máy dệt. Tại đây, trước tình hình đời sống cơ cực của công nhân, đồng chí đã cùng một số công nhân lập ra “Hội Tương tế” để giúp đỡ lẫn nhau và trên cơ sở đó tạo điều kiện gần gũi công nhân nhằm tuyên truyền, giáo dục, vận động họ đấu tranh đòi quyền lợi và được đội ngũ công nhân trong nhà máy dệt Nam Định rất hưởng ứng. Với những hoạt động đó, năm 1927, Lương Khánh Thiện được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Định. Nắm được những hoạt động của Lương Khánh Thiện, bọn mật thám đã ép chủ nhà máy dệt đuổi đồng chí khỏi nhà máy.

Có thể nói, với hoạt động chính trị đầu tiên từ phong trào yêu nước của toàn dân tộc, Lương Khánh Thiện bắt đầu cuộc đời cách mạng và nhanh chóng đi theo con đường đấu tranh giải phóng dân tộc dưới ánh sáng của tư tưởng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Từ chủ nghĩa yêu nước, Lương Khánh Thiện đã đi theo con đường Nguyễn Ái Quốc lựa chọn cho cách mạng Việt Nam.    

2. Từ người yêu nước trở thành chiến sĩ cộng sản kiên cường

Bị buộc phải thôi việc, mất cơ sở hoạt động ở Nam Định, nhưng không nản chí, Lương Khánh Thiện tạm lánh về Mễ Tràng tiếp tục vận động cách mạng.

Đầu năm 1928, Lương Khánh Thiện quyết định trở lại Hải Phòng và xin vào làm việc tại Nhà máy sợi Hải Phòng để hoạt động cách mạng. Đồng chí thuê nhà ở tại Ngõ Chùa Đô và bắt đầu liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hải Phòng để tiếp tục hoạt động. Sau một thời gian ngắn, thông qua giới thiệu của một công nhân nhà máy điện Cửa Cấm là Hoàng Văn Đoài, phụ trách tổ thanh niên ở các nhà máy khu vực phía Đông thành phố Hải Phòng, Lương Khánh Thiện đã liên lạc và tiếp xúc với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Bí thư Tỉnh bộ Hội Cách mạng Thanh Niên Hải Phòng. Được đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trực tiếp giáo dục, huấn luyện và chỉ dẫn, Lương Khánh Thiện nhanh chóng tiếp thu được những vấn đề cơ bản về cách mạng, về chủ nghĩa cộng sản cũng như công tác vận động cách mạng, từ đó đồng chí đã tích cực phát triển lực lượng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Sau một thời gian ngắn, Lương Khánh Thiện đã nhanh chóng thành lập tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại nhà máy sợi Hải Phòng, góp phần thúc đẩy phong trào công nhân ở Hải Phòng phát triển. Việc tổ chức được một bộ phận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trong đội ngũ công nhân ở Hải Phòng biểu thị rõ rệt, năng lực tổ chức, vận động cách mạng của Lương Khánh Thiện, đóng góp vào việc thúc đẩy tiến trình vận động thành lập một chính đảng vô sản ở nước ta. Sự kiện này đánh dấu một bước chuyển quan trọng của đồng chí trên con đường trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp.

Thực hiện chủ trương vô sản hóa của Hội nghị Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ (28-8-1928), hàng loạt cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hải Phòng đều đi vào nhà máy, bến cảng… để lao động tự cải tạo mình và tuyên truyền, giáo dục cách mạng trong đội ngũ công nhân của thành phố. Lương Khánh Thiện vào làm việc tại nhà máy chai để thực hiện vô sản hóa.      

Năm 1929, sự phát triển của phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta diễn ra mạnh mẽ, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải thành lập chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Tháng 3-1929, những thành viên tích cực của Kỳ bộ Bắc Kỳ đã họp tại số nhà 5D phố Hàm Long, Hà Nội, thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại Việt Nam. Từ thực tiễn của Hải Phòng, với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng của đội ngũ công nhân sau phong trào vô sản hóa của Việt Nam Cách mạng Thanh niên, yêu cầu trực tiếp xây dựng tổ chức cộng sản ở thành phố trở nên cấp thiết. Tháng 4-1929, tổ chức cộng sản đầu tiên của Hải Phòng ra đời gồm 3 đồng chí là Hoàng Văn Đoài, Nguyễn Hữu Căn, Nguyễn Đức Cảnh. Hoạt động này đánh dấu bước phát triển cơ bản của phong trào cách mạng của Hải Phòng trên mọi phương diện. Tình hình đó cũng tác động mạnh mẽ đến những hội viên khác của Hội Cách mạng Thanh niên. Với những đóng góp trong phong trào công nhân của thành phố cảng, cuối tháng 4-1929, Lương Khánh Thiện là người đầu tiên được kết nạp vào chi bộ cộng sản của Hải Phòng. Sự kiện này đánh dấu bước chuyển căn bản của Lương Khánh Thiện từ người yêu nước trở thành chiến sỹ cộng sản, có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí.

Trên cương vị mới, đồng chí Lương Khánh Thiện đã tích cực tiến hành tổ chức, lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống, tăng lương, giảm giờ làm, đòi chủ phải chữa chạy cho một công nhân đốt lò bị ngạt trong quá trình làm việc. Đặc biệt, ngày 23-4-1929, đồng chí Lương Khánh Thiện đã lãnh đạo chi bộ tổ chức cuộc đấu tranh bãi công, đòi thả hai công nhân bị đuổi việc, đòi chủ phải nhận lại và được tăng lương. Chủ nhà máy đã phải nhượng bộ một phần. Ngày 1-5-1929, chi bộ tổ chức bãi công kỷ niệm ngày Quốc tế lao động và đòi tăng lương. Trước sự phát triển đó, Chi bộ đã chủ trương tổ chức một cuộc đấu tranh lôi cuốn công nhân toàn thành phố tham gia. Cuộc bãi công này kéo dài đến ngày 7-6-1929. Tháng 8-1929, Ban Chấp hành Đảng bộ Hải Phòng được thành lập, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được chỉ định làm Bí thư, Lương Khánh Thiện được chỉ định trực tiếp phụ trách phong trào nhà máy chai.

Cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy chai được công nhân máy tơ, nhà máy điện Hải Phòng hưởng ứng. Chính quyền thực dân lo ngại sự bùng phát của cuộc bãi công nên đã phái binh lính tới đàn áp và lùng bắt những người lãnh đạo, trong đó có Lương Khánh Thiện. Cuộc bãi công của công nhân nhà máy chai được sự hưởng ứng của công nhân các nhà máy khác đã chuyển thành cuộc biểu tình kéo lên Sở mật thám Hải Phòng đòi thả những người bị bắt. Từ cuộc đấu tranh đòi cải thiện điều kiện làm việc và kinh tế, đã chuyển thành đấu tranh chính trị.

Phong trào đấu tranh của công nhân nhà máy chai Hải Phòng, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lương Khánh Thiện, với sự tham gia của công nhân các nhà máy khác diễn ra vào đúng lúc Đại hội Việt Nam cách mạng Thanh niên được tổ chức ở Hồng Kông (Trung Quốc) là cơ sở thực tế cho Đại biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên giữ vững quan điểm phải thành lập Đảng Cộng sản cho giai cấp công nhân Việt Nam và trở về thành lập Đông Dương cộng sản Đảng ngày 17-6-1929 ở Hà Nội. 

Sau cuộc lãnh đạo công nhân nhà máy chai đấu tranh, Lương Khánh Thiện bị địch bắt tháng 5-1930. Tòa án sơ thẩm Hải Phòng kết án đồng chí 2 năm tù giam và 5 năm đày biệt xứ. Sau 7 tháng giam giữ, cuối năm 1930, biết rõ Lương Khánh Thiện là người lãnh đạo các cuộc đình công đấu tranh của công nhân nhà máy chai, tòa án thực dân ở Kiến An đã tiến hành xử lại và kết án đồng chí phải tù chung thân và đày đi Côn Đảo.

Trong thời gian 5 năm tham gia phong trào yêu nước và phong trào công nhân, đồng chí Lương Khánh Thiện đã có những cống hiến to lớn cho cách mạng nước ta, với tiến trình vận động để thành lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Những cống hiến đó đã làm sáng tỏ ý chí cứu nước, cứu dân kiên cường của một lớp thanh niên thời dựng Đảng dưới sự dẫn dắt của tư tưởng và sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

______________

  1. Trường kỹ nghệ thực hành (Ecole Partique d Indusstruie- EPI) Hải Phòng được thành lập năm 1913 đào tạo công nhân kỹ thuật thuộc các ngành tiện, nguội, đúc, lái xe, sửa chữa ôtô, mỗi khóa khoảng 50 học sinh.
  2. Với vị trí của nó, thông qua các thủy thủ, mà tiếng vang của cách mạng Tháng Mười, của phong trào cách mạng và công nhân thế giới đã tới Hải Phòng. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi ở Pháp cũng rất quan tâm đến việc tuyên truyền tư tưởng cách mạng về Việt Nam thông qua các thủy thủ về Hải Phóng và Sài Gòn. Từ năm 1922, đồng chí Bùi Lâm là người đứng đầu đường dây đưa tài liệu, sách, báo như Le Paria, Việt Nam hồn, Nhân đạo, Đời sống thợ thuyền... về hai hải cảng này. Cuối năm 1925, Nguyễn Ái Quốc cử đồng chí Hồ Tùng Mậu về Hải Phòng lập Hội quần thư điếm, tạo điểm liên lạc đưa thanh niên yêu nước đi Quảng Châu. Năm 1926, Nguyễn Ái Quốc cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng về Hải Phòng lập đường dây liên lạc Hải Phòng -hương cảng-Thượng Hải để đưa đón cán bộ, đưa tài liệu cách mạng (báo Thanh niên và sách Đường Cách mệnh) về nước…
  3. Có tài liệu khẳng định rằng, Lương Khánh Thiện cùng với các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lưu Bá Kỳ đã viết đơn và trực tiếp đưa cho Toàn quyền Varen đòi ân xá cho cụ Phan.

 

PGS, TS Phạm Hồng Chương

                                               Viện Hồ Chí Minh và Các lãnh đạo của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền