Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Từ Điện Biên Phủ đến Giơnevơ - Con đường kết thúc chiến tranh của Pháp ở Việt Nam
Thứ hai, 30 Tháng 9 2019 09:02
11658 Lượt xem

Từ Điện Biên Phủ đến Giơnevơ - Con đường kết thúc chiến tranh của Pháp ở Việt Nam

(LLCT) - Trận Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơnevơ là hai sự kiện trực tiếp kết thúc cuộc chiến tranh hơn 3000 ngày của Pháp ở Việt Nam. Bài viết tập trung luận giải ý định, mục tiêu của Pháp và Việt Nam đối với Điện Biên Phủ, Giơnevơ, rút ra những nhận xét, đánh giá xung quanh hai sự kiện này và ý nghĩa của nó đối với quan hệ Việt - Pháp hôm nay.

1. Chiến trường Điện Biên Phủ đối với Pháp và Việt Nam

Dù được coi là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng của miền Tây Bắc và chiến trường Đông Dương - như tướng Cônhi (Cogny), chỉ huy quân Pháp ở miền Bắc Đông Dương đánh giá Điện Biên Phủ là một căn cứ bộ binh - không quân (base aéroterrestre) lý tưởng, là “chiếc chìa khóa” của Thượng Lào, nhưng đến tháng 10-1953, cả Pháp và Việt Nam đều chưa chọn Điện Biên Phủ làm trận quyết chiến để phân thắng bại. Câu hỏi đặt ra là lý do tại sao lại như vậy và mục đích hai bên chọn Điện Biên Phủ làm trận quyết chiến chiến lược là gì?

Về phía Pháp: Tình hình thực tế sau hơn 8 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam đã được tướng Nava - Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đánh giá: trên chiến trường Bắc Bộ đã gần tới đỉnh cao của sự “ruỗng nát”, còn ở hậu phương Pari thì “Đối với phần lớn dư luận chung, chiến tranh Đông Dương đã là một cuộc “chiến tranh bẩn thỉu”, và đối với Chính phủ, là một cuộc “chiến tranh đáng xấu hổ và nhục nhã”. “Đối với tất cả các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự, cuộc chiến Đông Dương bây giờ chỉ còn là một việc phải thanh toán đi cho rồi. Người ta muốn “thoát ra”, nhưng người ta lại bất đồng với nhau cả về đường lối chính trị, cả về chiến lược cần phải áp dụng”(1). Nava khẳng định: “Rõ ràng là đối với các nhà lãnh đạo của chúng ta, họ chẳng có mục đích chiến tranh nào khác là “thoát khỏi” chiến tranh... đó là đường lối nhằm giữ cho được ưu thế của chúng ta ở Đông Dương, nhưng trong khi đó lại lẩn tránh mọi nỗ lực mà đường lối ấy đòi hỏi”(2). Vì thế, kế hoạch Nava ra đời với trọng trách tìm một lối thoát danh dự ra khỏi chiến tranh, giành thắng lợi quân sự quyết định, buộc Việt Nam phải hiểu nếu Pháp không thắng thì Việt Nam cũng không thể đánh bại được Pháp và phải tiến hành đàm phán theo những điều kiện của Pháp.

Pháp chọn Điện Biên Phủ vì cho rằng: đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng của vùng Tây Bắc nói riêng, Đông Dương nói chung; Việt Nam chưa từng đánh thắng hình thức phòng ngự kiểu tập đoàn cứ điểm do không thể đảm bảo được các yêu cầu hậu cần cũng như không thể kéo được pháo vào mặt trận... Ngày 3-12-1953, Nava chỉ thị cho cấp dưới chính thức chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược để tiêu diệt chủ lực Việt Minh và giao nhiệm vụ cho Cônhi đưa thêm lực lượng lên Điện Biên Phủ và phải bảo vệ tập đoàn cứ điểm này bằng bất cứ giá nào. Điện Biên Phủ từ đây trở thành điểm trung tâm của kế hoạch Nava, pháo đài bất khả xâm phạm, một cái bẫy, “một loại nhọt hút độc” để thu hút, tiêu diệt chủ lực đối phương. Điện Biên Phủ là nỗ lực quân sự cao nhất của Pháp, Mỹ ở thời điểm đó.

Trên cơ sở nhận định đúng âm mưu của kẻ thù, khả năng tiến triển của cuộc kháng chiến, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định chỉ có giành được thắng lợi quyết định về mặt quân sự, đánh bại hoàn toàn kế hoạch Nava mới mở ra được điều kiện thuận lợi để kết thúc chiến tranh bằng đàm phán hòa bình. Ngày 6-12-1953, sau khi nghiên cứu bản báo cáo “Về phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954” của Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị hạ quyết tâm chọn Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược. Quyết tâm đó dựa trên các lý do sau: sự lớn mạnh về thế và lực của kháng chiến có khả năng đánh bại hình thức phòng ngự kiểu tập đoàn cứ điểm của địch; quân dân ta có thể khắc phục khó khăn, đảm bảo công tác hậu cần cho chiến dịch và kéo được pháo vào trận địa tạo nên bất ngờ với quân Pháp... Tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là đánh bại được hình thức phòng ngự cao nhất, nỗ lực lớn nhất, là đòn đánh quyết định làm suy sụp hoàn toàn ý chí tiếp tục chiến tranh của Pháp - Mỹ, buộc Chính phủ Pháp phải tìm giải pháp kết thúc chiến tranh bằng đàm phán.

Như vậy, ban đầu cả hai bên đều không chủ động trong quyết định chọn Điện Biên Phủ, nhưng lại chủ động trong tính toán chiến lược, mục tiêu lựa chọn. Điều thú vị là sau khi đã quyết định chọn Điện Biên Phủ làm nơi giao tranh quyết định, thì cả hai phía Việt Nam và Pháp lại đều không muốn đối phương rút bỏ và  đều muốn dùng thắng lợi quyết định tại Điện Biên Phủ để kết thúc chiến tranh trên thế mạnh. Với Việt Nam, lợi ích, mục tiêu cần đạt là đánh một đòn quyết định vào ý chí tiếp tục chiến tranh của Pháp, mở ra cơ hội đàm phán để kết thúc cuộc trường kỳ kháng chiến bằng một giải pháp hòa bình. Còn với Pháp, đó là giành một thắng lợi quân sự quyết định để kết thúc cuộc chiến trong danh dự, bước vào bàn đàm phán trên thế mạnh, buộc Việt Nam phải chấp nhận các điều kiện của Pháp.

2. Mục tiêu, ý định của Pháp và Việt Nam tại Hội nghị Giơnevơ

Trước những diễn biến ngày càng bất lợi ở chiến trường Đông Dương, sức ép từ trong nội bộ chính quyền, của dư luận và làn sóng đấu tranh của nhân dân Pháp đòi chấm dứt “cuộc chiến tranh bẩn thỉu”, Chính phủ Pháp nghĩ đến một giải pháp thương lượng. Ngày 3-12-1953, Chính phủ Pháp tuyên bố muốn biết lập trường chính thức của Chính phủ Việt Nam, sau đó sẽ xem xét với sự thỏa thuận của các quốc gia liên kết.

Sau khi tham gia Hội nghị của Bộ trưởng ngoại giao bốn nước lớn Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp (còn gọi là Hội nghị Tứ cường) họp ở Béclin ngày 25-1-1954 và nhất trí thỏa thuận sẽ tổ chức cuộc họp vào ngày 26-4-1954 bàn về vấn đề Triều Tiên và sau đó sẽ xem xét vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương, Chính phủ Pháp cử phái đoàn sang nghiên cứu tình hình Đông Dương. Kết quả là cuối tháng 2-1954, Chính phủ Pháp đi đến nhận định là không thể dùng giải pháp quân sự để giải quyết cuộc chiến tranh, mà nên tạo ra một tình hình thuận lợi để thương lượng, cần lợi dụng Hội nghị Giơnevơ. Tướng Blăng (Blanc - Tham mưu trưởng Lục quân Pháp) cho rằng cần phải tìm ra một giải pháp ngay trong năm 1954, vì nước Pháp và quân đội không thể chịu đựng hơn nữa cả về vật chất lẫn tinh thần; cần rút quân Pháp “ra khỏi cái tổ ong vò vẽ Bắc Kỳ”(3).

Vậy là, giải pháp đàm phán để kết thúc chiến tranh trong danh dự, cứu đội quân viễn chinh thoát khỏi sự tan rã và thất bại hoàn toàn trở thành một yêu cầu cấp bách hàng đầu. Vì thế, mặc dù Nava phản đối gay gắt ý định thương lượng của Chính phủ Pháp khi hai bên đã dàn trận ở Điện Biên Phủ, ngày 5-3-1954, Thủ tướng Pháp Lanien (Laniel) vẫn tuyên bố trước Quốc hội “dàn xếp cuộc xung đột bằng con đường thương lượng” và ngày 10-3, Quốc hội Pháp ra nghị quyết hoan nghênh việc triệu tập Hội nghị Giơnevơ để tìm kiếm một giải pháp nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến tranh.

Trước những thuận lợi của tình hình thế giới và những biến chuyển khả quan trên chiến trường, lãnh đạo Việt Nam chủ trương đẩy mạnh kết hợp đấu tranh quân sự và ngoại giao. Ngày 26-11-1953, trả lời phỏng vấn báo Expressen (Thụy Điển), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “...nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa  bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó... Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập của nước Việt Nam... Nếu có những nước trung lập nào muốn cố gắng để xúc tiến việc chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam bằng cách thương lượng, thì sẽ được hoan nghênh, nhưng việc thương lượng đình chiến chủ yếu là một việc giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Chính phủ Pháp”(4). Ngày 19-12-1953, Người tiếp tục khẳng định lại lập trường của Việt Nam: “nếu Chính phủ Pháp muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng, và muốn giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình, thì nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng sẵn sàng nói chuyện”(5). Đồng thời, Người hoan nghênh Hội nghị Tứ cường quyết định triệu tập Hội nghị Giơnevơ, cho rằng đó là một thắng lợi của phe hòa bình dân chủ. Sau khi nhận lời mời tham dự Hội nghị Giơnevơ (10-3-1954), Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đến Hội nghị nhằm tìm giải pháp kết thúc cuộc chiến tranh.

Như vậy, trước xu thế hòa hoãn trên thế giới từ sau Hiệp định đình chiến (27-7-1953) kết thúc chiến tranh Triều Tiên, cả hai nước Việt Nam và Pháp với những lý do của mình, đến thời điểm đầu năm 1954 cũng đã quyết định theo đuổi giải pháp kết thúc chiến tranh tại Hội nghị Giơnevơ. Song, cũng như Điện Biên Phủ, tuy ý định của hai bên đến Giơnevơ là khá tương đồng, đều muốn tìm giải pháp để kết thúc cuộc chiến tranh, nhưng mục tiêu đạt đến thì hoàn toàn khác. Mục tiêu, ý định  của Pháp là luôn muốn đàm phán trên thế mạnh, với vai trò nước lớn, đảm bảo được quyền lợi tối đa của Pháp ở Đông Dương (không lập Chính phủ liên hiệp, chia cắt Việt Nam, giữ Lào và Campuchia càng nguyên vẹn dưới sự kiểm soát của Pháp càng tốt, bảo toàn quân đội viễn chinh để tiếp tục giữ các thuộc địa còn lại và trấn an dư luận trong nước...). Điều này thể hiện rõ trong quá trình đàm phán tại Hội nghị. Còn với Việt Nam, xác định không đánh giá quá cao Hội nghị Giơnevơ, nhưng không bỏ lỡ cơ hội, phải tranh thủ diễn đàn Hội nghị Giơnevơ để làm cơ sở cho việc lập lại hòa bình, độc lập, thống nhất và dân chủ. Việt Nam thành thật, thiện chí, nhân nhượng và nỗ lực đàm phán, để đạt được nền hòa bình, độc lập chính đáng của mình.

3. Một số nhận xét xung quanh hai sự kiện Điện Biên Phủ, Giơnevơ

Một là, cả hai sự kiện Điện Biên Phủ và Giơnevơ đều thể hiện thế yếu và bế tắc của Pháp trong thực hiện đường lối chiến tranh ở Đông Dương bởi:

Thứ nhất là,  cho đến cuối năm 1953, hình thái chiến trường ngày càng thể hiện rõ sự chủ động chiến lược của Việt Nam, được bắt đầu từ sau chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950. Vì thế, Điện Biên Phủ ban đầu không có trong Kế hoạch Nava nhưng đã nhanh chóng trở thành điểm trung tâm của kế hoạch này do hoạt động chủ động tiến lên Tây Bắc của một đơn vị Việt Nam để tiến công giải phóng Lai Châu. Điều đó cho thấy rõ sự bị động đối phó của Pháp.

Thứ hai là, trung tâm của kế hoạch Nava là tập trung quân xây dựng khối cơ động chiến đấu mạnh, để đối phó tiêu diệt chủ lực Việt Nam, nên xây dựng tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ sẽ bị phân tán lực lượng và sức mạnh của khối cơ động chiến lược. Nó bộc lộ mâu thuẫn cốt tử giữa tập trung và phân tán quân. Pháp đã bị cuốn theo cách đánh của Việt Nam, bị động điều chỉnh chiến lược. Sự bị động thể hiện trong sự do dự, dè dặt của Nava khi quyết định chọn Điện Biên Phủ: ngày 31-12-1953, Nava bí mật chỉ thị cho Cônhi và Crevơcơ, Chỉ huy quân Pháp ở chiến trường Lào, nghiên cứu một kế hoạch rút lui khỏi Điện Biên Phủ trong trường hợp cần thiết; ngày 1-1-1954, trong báo cáo gửi về Pari, Nava nói rõ “...tôi không thể... bảo đảm chắc chắn thắng lợi... Dù sao đi nữa, Điện Biên Phủ sẽ giữ vai trò “chiếc nhọt tụ độc” và  sẽ cho phép tránh cuộc tổng giao chiến ở đồng bằng”(6); ngày 4-3-1954, khi lên thăm Điện Biên Phủ, Nava vẫn tỏ ra thận trọng, do dự, chưa muốn có một trận đánh quyết định, ông trao đổi với Cônhi, Đờ Cátxtơri nhưng không nhận được sự tán đồng từ hai viên sĩ quan dưới quyền.

Thứ ba là, khi quân Pháp đang ở trong tình thế từ chủ động phòng ngự chờ đối phương đến để tiêu diệt, thì Chính phủ Pháp lại đưa ra ý định muốn kết thúc chiến tranh bằng giải pháp thương lượng mặc cho Tổng chỉ huy Nava phản đối mạnh mẽ việc tổ chức Hội nghị Giơevơ. Sự mâu thuẫn này tác động mạnh mẽ đến tinh thần chiến đấu của Pháp ở Đông Dương, bộc lộ sự bất đồng, thiếu thống nhất của Pháp trong giải quyết vấn đề Đông Dương và tạo thêm niềm tin quyết tâm chiến đấu, chiến thắng cho Việt Nam.

Hai là, Điện Biên Phủ, Giơnevơ khẳng định quyết tâm chiến đấu vì hòa bình độc lập dân tộc và thiện chí muốn kết thúc cuộc chiến bằng giải pháp đàm phán của Việt Nam

Khẩu hiệu “Tất cả cho chiến thắng Điện Biên Phủ” được minh chứng rất rõ qua một số biểu hiện cụ thể sau: lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trước khi lên đường đi chiến dịch: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”(7); Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi sẽ có một ảnh hưởng vang dội trong nước và ngoài nước, sẽ là một cống hiến xứng đáng vào phong trào hòa bình thế giới đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt - Miên - Lào; Quyết định kéo pháo ra, thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch từ đánh nhanh giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc vào phút chót trước giờ dự kiến mở màn chiến dịch; những con số nhân vật lực tập trung cho chiến dịch: hơn 260.000 dân công, 20.991 xe đạp thồ và hàng nghìn phương tiện vận chuyển thô sơ. 25.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm... Riêng nhân dân các tỉnh Tây Bắc đóng góp 7,310 tấn gạo, 389 tấn thịt, 700-800 tấn rau xanh, 31.810 dân công(8).... Nhà sử học quân sự Pháp, tướng Yvơgra (Yves Gras) đánh giá: “Đối với Bộ Chỉ huy Việt Minh, phải có sự làm chủ và niềm tin tưởng tuyệt đối mới có thể mở một chiến dịch quy mô lớn trong những điều kiện như vậy. Không nghi ngờ gì nữa, đó là quan niệm táo bạo nhất và thực hiện xuất sắc nhất của họ...”(9)

Vì hòa bình, độc lập, trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, Việt Nam đã không bỏ qua bất cứ cơ hội nào dù là nhỏ nhất để thương lượng nhằm kết thúc cuộc chiến bằng một giải pháp hòa bình. Quyết tâm chiến đấu và chiến thắng tại Điện Biên Phủ đã đưa Việt Nam đến Hội nghị Giơnevơ trên tư thế của người chiến thắng và có lợi thế khi bước vào đàm phán. Lập trường, quan điểm, nguyện vọng chính đáng, bất di bất dịch và kiên quyết đấu tranh đến cùng của Việt Nam là hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ. Thiện chí kết thúc chiến tranh bằng giải pháp hòa bình của Việt Nam thể hiện rõ trong suốt quá trình đàm phán và kết quả của Hội nghị. Việt Nam thường xuyên tham khảo ý kiến của Liên Xô, Trung Quốc, kiên trì đàm phán khi Pháp nhiều lần tỏ ra thiếu thiện chí, chấp nhận nhiều nội dung như vấn đề giới tuyến, thời hạn hiệp thương tổng tuyển cử... Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, Hội nghị chưa đạt được đầy đủ các mục tiêu của đoàn Việt Nam đề ra, nhưng đã phản ánh tương quan lực lượng giữa Việt Nam và Pháp trên chiến trường, tại bàn đàm phán và hoàn cảnh quốc tế lúc đó, khẳng định rõ thiện chí hòa bình, nỗ lực kết thúc chiến tranh của Việt Nam.

Ba là, kết quả Hội nghị Giơnevơ phản ánh xu thế hòa hoãn của thế giới và toan tính của các nước lớn

Chiến tranh Việt Nam - Pháp nằm trong vòng ảnh hưởng của chiến tranh lạnh. Việc Mỹ tăng cường viện trợ cho Pháp, từng bước can thiệp sâu vào chiến tranh Đông Dương, việc Trung Quốc, Liên Xô ủng hộ, viện trợ cho Việt Nam chống Pháp - Mỹ... đã thể hiện rõ tính chất quốc tế hóa của cuộc chiến tranh. Tại Hội nghị Giơnevơ, không chỉ có sự đàm phán, thỏa thuận của hai nước Việt - Pháp, mà còn cho thấy sự thắng thế của xu thế hòa hoãn và thể hiện rõ sự toan tính, lợi ích của các nước lớn.Trong khi Trung Quốc, Liên Xô viện trợ vũ khí, đạn dược, phương tiện cho Việt Nam ở Điện Biên Phủ thì Mỹ cũng đã giúp Pháp tối đa có thể được để đánh bại bộ đội Việt Nam.

Mỹ, cho rằng “...mọi giải pháp thương lượng đều có nghĩa là cuối cùng, không những để mất Đông Dương vào tay cộng sản, mà còn để mất Đông Nam Á. Mất Đông Dương sẽ làm nguy kịch cho nền an ninh của Mỹ”(10), nên không muốn có đàm phán chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, âm mưu kéo dài chiến tranh, thay chân Pháp tại Đông Dương, nhưng Mỹ cũng muốn lôi kéo, tranh thủ Pháp tham gia Cộng đồng Phòng thủ châu Âu. Vì thế, Mỹ không thể ngăn cản Pháp tìm giải pháp thương lượng ở Đông Dương nhưng tìm mọi cách phá đàm phán, để hạn chế những thỏa thuận bất lợi cho Pháp về vấn đề Đông Dương.

Liên Xô, muốn tập trung giải quyết vấn đề Béclin và nước Đức, đối phó với mối đe dọa của Mỹ và NATO, ngăn chặn Mỹ mở rộng chiến tranh Đông Dương,  tranh thủ Pháp trong các vấn đề châu Âu và vận động Pháp không tham gia Cộng đồng Phòng thủ châu Âu (CDE). Vì thế, Liên Xô chủ trương sớm đi tới giải pháp hòa bình, duy trì và đẩy mạnh xu thế hòa hoãn, nhưng chỉ quan tâm có mức độ đến châu Á. Tại Hội nghị Giơnevơ, Liên Xô phối hợp, đồng tình với Trung Quốc nhằm thúc đẩy các bên sớm đạt được thỏa hiệp.

Trung Quốc, muốn đảm bảo sự an toàn ở biên giới phía Nam Trung Quốc, cải thiện, làm dịu mối quan hệ với Mỹ, các nước phương Tây và nhận được sự ủng hộ của các nước để vào Liên Hợp quốc... nên tích cực gặp gỡ, trao đổi riêng với Pháp, Việt Nam, làm trung gian thúc đẩy đàm phán Việt - Pháp nhanh đi đến kết quả.

Đối với nước Anh, do quân Pháp đứng trước nguy cơ bị thất bại hoàn toàn ở Điện Biên Phủ, nên Anh đã khéo léo khước từ đề xuất cùng tìm cách cứu nguy cho Pháp của Mỹ, góp phần làm cho kế hoạch cứu Điện Biên Phủ của Mỹ không được thực hiện. Nhưng đến Giơnevơ, Anh ủng hộ Pháp thương lượng đàm phán trên thế mạnh để kết thúc chiến tranh.

Như vậy, tại Giơnevơ, ngoài thái độ muốn đàm phán trên thế mạnh, trì hoãn, ép Việt Nam nhân nhượng của Pháp và thiện chí, nỗ lực đàm phán để kết thúc chiến tranh của Việt Nam, các nước lớn còn có những ý đồ, toan tính riêng. Thế nên, Hội nghị Giơnevơ không chỉ là đàm phán song phương để giải quyết mối quan hệ Việt - Pháp, mà đó thực chất là sự thỏa thuận lợi ích của các nước lớn, phản ánh rõ xu thế hòa hoãn Đông - Tây.

Bốn là, Điện Biên Phủ, Giơnevơ mở ra trang sử mới của lịch sử hai nước Pháp, Việt

65 năm đã trôi qua kể từ ngày diễn ra hai sự kiện không thể phai mờ trong lịch sử hai nước Việt - Pháp, vẫn còn những đánh giá, nhìn nhận khác nhau, nhưng đó là hai sự kiện đã khép lại một quá khứ chiến tranh ác liệt của hai nước, đồng thời bắt đầu mở ra một tương lai mới tốt đẹp hơn cho mối quan hệ bang giao Việt - Pháp mà Việt Nam, Hồ Chí Minh đã từng mong muốn có được từ năm 1946. Năm 1973, hai nước Việt - Pháp, thiết lập quan hệ ngoại giao, khi chiến tranh giữa Việt Nam với Mỹ chưa kết thúc. Hai mươi năm sau, năm 1993, Tổng thống Pháp Phrăng xoa Míttơrăng (Francois Mitterand), vị nguyên thủ Pháp đầu tiên, đồng thời là nguyên thủ một nước phương Tây đầu tiên, sang thăm Việt Nam, đến và lên thăm chiến trường Điện Biên Phủ. Tác giả Georges Saunier đánh giá việc Tổng thống Phrăng xoa Míttơrăng lên thăm Điện Biên Phủ là một hành động dũng cảm: “Điện Biên Phủ là một điểm lịch sử ngoại lệ. Một điểm nợ chết chóc, thất bại mà cũng là điểm quay lại và tĩnh tâm... chuyến thăm để “hòa giải hoàn toàn giữa dân tộc Pháp và Việt Nam”... còn Phrăng xoa Míttơrăng thì trả lời báo chí rằng: “Tôi có thể đến Điện Biên Phủ để suy nghĩ lại, để cảm nhận lại tất cả những gì mà một người Pháp có thể cảm thấy trước sự hy sinh của binh lính để tất nhiên không quên những người khác”(11). Tại Việt Nam, Tổng thống Phrăng xoa Míttơrăng đã thừa nhận chiến tranh Đông Dương là một sai lầm của Pháp và vào thời điểm năm 1946, nước Pháp đã không có người để đối thoại với Hồ Chí Minh, và tuyên bố: “Tôi ở đây để đóng lại một trang sử và cũng để mở ra một trang khác”(12)... Sau đó, đã có hàng loạt các cuộc viếng thăm, trao đổi của lãnh đạo cấp cao hai nước. Gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Édouard Philippe từ ngày 1 đến ngày 4-11-2018, nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Pháp và 5 năm ký kết Hiệp định  “đối tác chiến lược” giữa hai nước... Tất cả các sự kiện đó đã minh chứng cho nỗ lực khép lại quá khứ, hướng tới tương lai của hai nước mà điểm khởi nguồn là từ Điện Biên Phủ, Giơnevơ. 

Giáo sư, tiến sĩ sử học người Pháp, Pierre Journoud, trong trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 2-11-2018, đánh giá về sự kiện Giơnevơ như sau: Đó là lần đầu tiên các lãnh đạo của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và lãnh đạo Pháp gặp nhau trong khuôn khổ các đàm phán tại Genevơ để chấm dứt cuộc chiến của Pháp tại Đông Dương... và trên cả cuộc gặp này, đó là để chấm dứt cuộc chiến... Đây là cột mốc đầu tiên, có tính gây dựng cho việc hai nước Việt - Pháp xích lại gần nhau. Đây cũng là điểm khởi đầu cho các hợp tác về kinh tế và văn hóa giữa hai nước... Vì vậy, cuộc gặp năm 1954 là một bước đi, một quyết định chính trị mạnh mẽ và đầy biểu tượng cho việc xây dựng mối quan hệ giữa nước Pháp với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về mặt dài hạn.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2019

(1), (2) Nava: Thời điểm của những sự thật, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.49-50, 76.

(3), (9) Yvơ gra: Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương, Nxb Plon, Pari, tr. 961-962, 950 (Bản dịch tiếng việt của Hoàng Thanh Quang).

(4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.340-341, 369.

(6) Henri Navarre: Agonie de L’Indochine (Đông Dương trong cơn hấp hối), Nxb Plon, 1958, p.208.

(7) Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.900.

(8) Công tác hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ, Tổng cục Hậu cần xuất bản năm 1979, tr.242 – 283.

(10) Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, tập II, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr.445.

(11), (12) Georges Saunier: Francois Mitterrand với châu Á. Tham luận tại Hội thảo “Điện Biên Phủ - 50 năm nhìn lại” tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr.27, 1.

ThS Vũ Thị Hồng Dung

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Nguyễn Thị Huyền Chi

Đại học Điện lực

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền