Trang chủ    Quốc tế    Quyền tham gia quản lý nhà nước của phụ nữ: kinh nghiệm của một số nước
Thứ năm, 30 Tháng 7 2015 15:56
2670 Lượt xem

Quyền tham gia quản lý nhà nước của phụ nữ: kinh nghiệm của một số nước

(LLCT) - Việc quy định về tỷ lệ giới tính trong các danh sách bầu cử và dành các vị trí lãnh đạo nhất định cho phụ nữ trong bộ máy chính trị là một trong những biện pháp được áp dụng khá phổ biến ở các quốc gia. Một số quốc gia còn quy định rõ trong hiến pháp và luật bầu cử về tỷ lệ phụ nữ trong các danh sách bầu cử vào nghị viện và các vị trí lãnh đạo. Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thực hiện quyền hiến định của phụ nữ về tham gia quản lý nhà nước. Những cam kết đó cần được cụ thể hóa và thực thi một cách nhất quán trong hệ thống chính sách từ trung ương đến địa phương, với những biện pháp triển khai phù hợp, gắn với những điều kiện thực tế cụ thể.

 

1. Xu hướng gia tăng tham gia quản lý nhà nước của phụ nữ trên thế giới

Trong vài thập kỷ gần đây, sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo và quản lý, đặc biệt là trong các cơ quan dân cử, đã gia tăng ở một số quốc gia.

Theo Báo cáo của Liên Hợp quốc về các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (2008), “phụ nữ dần dần chiếm giữ các vị trí ra quyết định chính trị, nhưng những tiến bộ này là không ổn định và rất khác nhau giữa các vùng miền”. Mới đây, Liên Hợp quốc đưa ra nhận định rằng đã có những tiến bộ đáng kể về sự tham gia hoạt động chính trị của phụ nữ trên thế giới, nhưng “bức trần kính” vẫn còn rất chắc chắn. Theo thống kê của tổ chức Liên minh các Nghị viện Thế giới (1-2014), tỷ lệ phụ nữ giữ vị trí bộ trưởng và tương đương ở 189 quốc gia là 17,2% (so với 16,1% năm 2008 và 26% năm 2012). Đứng đầu bảng xếp hạng về tỷ lệ này năm 2014 là Nicaragua, với 8 trong số 14 vị trí bộ trưởng là nữ (57,1%), tiếp theo là Thụy Điển 56,5% và Phần Lan 50%. Hiện nay, vẫn còn 8 quốc gia không có phụ nữ tham gia nội các.

Các nước Bắc Âu, châu Mỹ và châu Phi có tỷ lệ cao về các vị trí bộ trưởng là nữ. Trong đó, châu Mỹ là khu vực có số phụ nữ đứng đầu nhà nước (chính phủ) lớn nhất (6 quốc gia). Đây là kết quả tác động của nhiều yếu tố: nỗ lực và cam kết của chính phủ, phong trào phụ nữ và phong trào nhân quyền, truyền thông, các yếu tố văn hóa và tôn giáo, v.v. ở mỗi quốc gia, khu vực.

Thực tế cho thấy, cam kết chính trị và chính sách phù hợp là điều kiện tiên quyết cho sự tiến bộ của phụ nữ. Để thực hiện cam kết, việc quy định về tỷ lệ giới tính trong các danh sách bầu cử và dành các vị trí lãnh đạo nhất định cho phụ nữ trong bộ máy chính trị là một trong những biện pháp được áp dụng khá phổ biến ở các quốc gia. Một số quốc gia còn quy định rõ trong hiến pháp và luật bầu cử về tỷ lệ phụ nữ trong các danh sách bầu cử vào nghị viện và các vị trí lãnh đạo. Chẳng hạn, ở Pháp có quy định 50% danh sách bầu cử phải là phụ nữ. Một số nước Mỹ Latinh quy định phải có từ 20 đến 40% ứng viên nữ trong các cuộc bầu cử quốc gia. Uganda quy định cụ thể hơn để đạt tối thiểu 13% nữ đại biểu quốc hội, theo đó mỗi quận, huyện được phân bổ một ghế dành riêng cho nữ. Ấn Độ cũng có quy định phụ nữ phải được nắm giữ 33% số ghế tại các hội đồng địa phương. Ở Tuynidi, quy định quốc gia khẳng định danh sách bầu cử phải cân bằng về giới tính. Bolivia quy định trong Luật bầu cử ít nhất 50% ứng viên của mỗi khu vực bầu cử phải là phụ nữ.

Pháp và Albani là hai quốc gia điển hình về việc tăng cường quyền lực chính trị thực tế cho phụ nữ. Theo thống kê của Liên minh Nghị viện Thế giới, năm 2012, Pháp xếp thứ 40 trong bảng xếp hạng với 20,8% nữ bộ trưởng, đến năm 2014, đứng thứ 4 với 48,6% nữ bộ trưởng. Năm 2012, Albani xếp hạng 84 trên thế giới về tỷ lệ nữ bộ trưởng, với 6,7% tổng số bộ trưởng là nữ, đến năm 2014 đã vươn lên vị trí thứ 27 với 30% nữ bộ trưởng.

Pháp là nước đầu tiên trên thế giới áp dụng tỷ lệ bắt buộc có 50% nữ ứng viên của các đảng chính trị trong các cuộc bầu cử. Hơn nữa, Hiến pháp cũng quy định trách nhiệm của các đảng chính trị trong việc thúc đẩy thực hiện nguyên tắc này (Điều 3, 4).

Trong bầu cử Hạ nghị viện Pháp, Luật Bầu cử quy định tỷ lệ giới tính trong các danh sách bầu cử chỉ được phép xê dịch 2% so với chỉ tiêu (Điều 9, khoản 1, Luật 88-227). Do đó, các đảng chính trị sẽ phải nỗ lực để có đủ số lượng ứng viên là nữ, bởi điều đó có tác động trực tiếp và đáng kể đến lượng tiền mà họ nhận được từ ngân sách nhà nước(*).

Trong bầu cử vào Thượng nghị viện, theo Luật Bầu cử, mỗi quận được bầu ít nhất hai thượng nghị sĩ. Sự chênh lệch về giới tính cho phép tối đa là một người và phải có ứng viên thay thế là người có giới tính khác với giới tính của thành viên chênh lệch (Điều L299, L300).

Ở cấp chính quyền địa phương của Pháp, danh sách ứng viên của mỗi đảng để bầu vào các vị trí lãnh đạo trong chính quyền địa phương (chẳng hạn các hội đồng khu vực, hội đồng thành phố) phải bảo đảm 50% nữ. Nếu không tuân thủ thì danh sách bầu cử của đảng đó sẽ bị hủy bỏ (Điều L265, L350, L372).

Albani cũng là quốc gia có những biện pháp tốt trong hiện thực hóa quy định về chỉ tiêu giới và đạt được thành tựu đáng ghi nhận. Trong bầu cử Quốc hội, Luật Bầu cử Albani (2012) quy định rằng ít nhất 30% danh sách bầu cử hoặc 1 trong 3 người đầu tiên trong danh sách của mỗi khu vực bầu cử phải khác với giới tính của những người còn lại (Điều 67, đoạn 6). Nếu khu vực bầu cử nào không tuân thủ quy định về tỷ lệ giới tính, Ủy ban Bầu cử Trung ương sẽ buộc khu vực bầu cử đó nộp phạt bằng tiền và sẽ điều chỉnh danh sách bằng cách chọn thêm ứng viên thuộc nhóm giới tính có tỷ lệ ít nhất trong danh sách, đến khi đảm bảo chỉ tiêu về tỷ lệ giới tính.

Trong bầu cử chính quyền địa phương, Luật Bầu cử Albani cũng quy định một trong ba ứng viên của danh sách bầu cử tại mỗi địa phương phải khác với giới tính của những người còn lại (Điều 175). Nếu địa phương nào không tuân thủ, Ủy ban Bầu cử Trung ương sẽ thực thi biện pháp phạt tiền. Ủy ban Bầu cử Trung ương cũng tiến hành điều chỉnh danh sách theo cách giống như cách điều chỉnh đối với danh sách bầu cử Quốc hội.

Trái ngược với Pháp và Albani, Tuynidi và Bolivia lại là những ví dụ về sự thất bại trong quá trình hiện thực hóa các chỉ tiêu về giới trong chính trị. Năm 2012, Tuynidi đứng thứ 84 trong danh sách xếp hạng về tỷ lệ nữ bộ trưởng (6,9% bộ trưởng là nữ), đến 2014, tụt xuống thứ 90 (chỉ với 3,7% bộ trưởng là nữ). Đối với Boilivia, năm 2012 quốc gia này xếp thứ 6 trong bảng xếp hạng (45,5% nữ bộ trưởng), nhưng đến năm 2014, thứ hạng này đã bị tụt xuống thứ 20 (33% nữ bộ trưởng).

Tại Bolivia, Luật Bầu cử quy định danh sách ứng viên ở mỗi khu vực bầu cử phải bảo đảm cân bằng giữa nam và nữ. Nếu danh sách lẻ thì phải ưu tiên nữ (Điều 11, 58). Danh sách bầu cử của khu vực nào không bảo đảm yêu cầu sẽ không được chấp nhận. Trong trường hợp đó, Ban điều hành khu vực bầu cử (hoặc tổ chức chính trị địa phương) sẽ được thông báo và phải điều chỉnh danh sách trong 72 giờ kể từ khi nhận được thông báo (Điều 107). Thứ tự nam và nữ ứng viên trong các danh sách bầu cử cũng phải được sắp xếp theo thứ tự luân phiên (Điều 11, 54, 58). Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, đất nước này đã bị tụt hạng tới 16 bậc về tỷ lệ nữ bộ trưởng.

2. Một số bài học kinh nghiệm nhằm thúc đẩy sự tham gia quản lý nhà nước của phụ nữ Việt Nam

Cũng như ở nhiều nước khác trên thế giới, quyền chính trị của phụ nữ nói chung, quyền tham gia quản lý nhà nước của phụ nữ nói riêng ở Việt Nam đã được khẳng định trong Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên ký và phê chuẩn Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) vào năm 1981. Luật Bình đẳng Giới (2006) đã công nhận và cung cấp những biện pháp giải quyết các vấn đề quan trọng về giới, trong đó có việc xác định các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể để phụ nữ tham gia nhiều hơn vào quá trình ra quyết định.

Trong các văn bản chính thức của Việt Nam, các chỉ tiêu về giới trong các vị trí lãnh đạo chính trị là tương đối cao, với ít nhất 35% nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong cuộc bầu cử 2016. Về các vị trí lãnh đạo chủ chốt, mục tiêu đến năm 2015 đạt 80% và đến năm 2020 đạt trên 95% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Tuy nhiên, sự tham gia lãnh đạo, quản lý nhà nước của phụ nữ ở Việt Nam trong thực tế có sự sụt giảm. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đã giảm liên tiếp trong 3 nhiệm kỳ gần đây (từ 27,31% nhiệm kỳ XI, xuống 25,76% nhiệm kỳ XII và 24,4% nhiệm kỳ XIII). Trong vị trí bộ trưởng, theo tổ chức Liên minh các Nghị viện Thế giới, năm 2012, Việt Nam xếp thứ 75 với 9,1% nữ bộ trưởng và năm 2014 xếp thứ 74 với tỷ lệ được giữ nguyên là 9,1% (2 trong số 22 bộ trưởng là nữ).

So sánh với kinh nghiệm của một số nước có tỷ lệ cao phụ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, dường như các công cụ về thể chế, chính sách ở Việt Nam chưa đủ cụ thể và mạnh mẽ trong thể hiện cam kết chính trị của Đảng và Chính phủ thúc đẩy quyền tham gia quản lý nhà nước của phụ nữ. Các chỉ tiêu về giới trong lãnh đạo chính trị ở nước ta mới chủ yếu dừng ở mức độ mục tiêu chung, có ý nghĩa khuyến khích sự phấn đấu của các tổ chức chính trị chứ chưa phải là những quy định cứng, với những ràng buộc cụ thể hoặc những biện pháp xử lý đối với các trường hợp không đạt chỉ tiêu.  Các ban tổ chức các cuộc bầu cử, bỏ phiếu tín nhiệm… của Việt Nam từ Trung ương đến địa phương cũng hầu như chưa quan tâm đúng mức đến việc bảo đảm cho sự xuất hiện của phụ nữ một cách công bằng trong các danh sách bầu cử, ứng cử. Rõ ràng là chúng ta còn thiếu chế tài và các điều kiện thực tế để hiện thực hóa các chỉ tiêu về giới, như đã được khẳng định trong các văn bản pháp lý.

Cùng với những vấn đề về định kiến giới, quy định về tuổi nghỉ hưu chênh lệch 5 năm giữa nam và nữ đã thu hẹp một cách đáng kể cơ hội phấn đấu và thành đạt trên con đường chính trị của phụ nữ. Trung bình một người phụ nữ phải chịu thiệt thòi hơn so với nam giới khoảng 10 - 15 năm trên con đường sự nghiệp, với những ràng buộc về vai trò giới truyền thống và quy định về tuổi nghỉ hưu.

Ẩn sâu bên dưới những biểu hiện của sự bất bình đẳng giới trong lĩnh vực lãnh đạo và quản lý nhà nước là những rào cản do các chuẩn mực văn hóa, thói quen còn mang định kiến giới. Khi so sánh các ý kiến đánh giá của người dân, đặc biệt là của nhóm ưu trội chính trị Việt Nam về năng lực làm việc của nam và nữ với tiêu chí phổ biến về việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, nam giới thường được nhận những nhận xét ưu ái hơn một cách đáng kể so với phụ nữ. Điều này có ảnh hưởng mạnh đến hành vi chính trị của hầu hết các nhóm xã hội, từ hành vi bầu cử, ứng cử đến các hành vi kiến tạo nền tảng của tình trạng bất bình đẳng giới trong lĩnh vực này.

Từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội, nam giới Việt Nam vẫn thường tiếp tục được khuyến khích để trở thành người lãnh đạo và được cung cấp những kiến thức, kỹ năng và sự sẵn sàng tâm lý phù hợp với vai trò lãnh đạo. Trong khi đó, phụ nữ lại vẫn thường được giáo dục với mục tiêu chủ yếu là để trở thành người phụ thuộc, đóng vai trò chăm sóc người khác.

Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thực hiện quyền hiến định của phụ nữ về tham gia quản lý nhà nước. Những cam kết đó cần được cụ thể hóa và thực thi một cách nhất quán trong hệ thống chính sách từ trung ương đến địa phương, với những biện pháp triển khai phù hợp, gắn với những điều kiện thực tế cụ thể. Hơn nữa, nếu không có sự ủng hộ rộng rãi của đông đảo các thành viên trong xã hội thì các sáng kiến chính sách bảo đảm bình đẳng giới, hay những cam kết vĩ mô đối với việc thực hiện mục tiêu này sẽ không bền vững. Các giải pháp cần được thực hiện một cách đồng bộ, trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm thế giới và có những điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Những giải pháp gồm tạo nền tảng trong phát triển con người và xã hội, triển khai những cải cách về cơ sở pháp lý và thể chế, tạo dựng và phát huy sự hậu thuẫn mạnh mẽ của dư luận xã hội. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến những hoạt động nhằm gỡ bỏ các rào cản văn hóa đối với việc thực hiện vai trò chính trị của phụ nữ.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2014

(*) Nguồn ngân sách dành cho tất cả các đảng chính trị được phân chia theo tỷ lệ phiếu bầu mà mỗi đảng nhận được trong kỳ bầu cử trước đó. Nguồn tiền này sẽ bị cắt giảm theo tỷ lệ tương ứng với ba phần tư tỷ lệ chênh lệch về giới tính trong tổng số người trúng cử của mỗi đảng.

(1) Benavides, J.C. “Women’s Political Participation in Bolivia: Progress and Obstacles” in international idea workshop 2003.

(2) IDEA, Stockholms Universitet, and IPU. 2014. “Quota Project”.

http://www.quotaproject.org/country.cfm.

(3) IPU. Politics: Women’s Insight, 2000.

(4) IPU. “Women in National Parliament”, 2008.

(5) Munro, J, “Sự tham gia của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo và quản lý ở Việt Nam”, trong Dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ trong khu vực nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (EOWP) Hà Nội: UNDP, 2012.

(6) Nelson, B.J. and N. Chowdhury. “Women and Politics Worldwide”. New Haven: Yale University Press, 1994.

(7) Nguyễn Đức Hạt, Lê Minh Thông và Võ Thị Mai: Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài độc lập cấp nhà nước: “Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ trong hệ thống chính trị”,Hà Nội, 2006.

(8) Norris, P. and R. Inglehart. “Cultural Obstacles To Equal Representation”, Journal of Democracy 12(3)2001, 126-140.

(9) UNDP.“Human Development Report 2006”. New York.

(10) UN “The World’s Women 2000: Trends and Statistics”, New York, 2000.

(11) UN “The Millennium Development Goals Report”. New York. 2008.

 

TS Lê Thị Thục

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền