Trang chủ    Quốc tế    Đô thị hóa và vấn đề dân chủ ở Trung Quốc
Thứ ba, 29 Tháng 11 2016 16:00
2278 Lượt xem

Đô thị hóa và vấn đề dân chủ ở Trung Quốc

(LLCT) - Hiện tượng đô thị hóa đang diễn ra từng ngày trên thế giới không đơn thuần chỉ là một hiện tượng của kỷ nguyên hiện đại (modern age) mà còn là một sự chuyển dịch mang tính lịch sử, một bước tiến của nhân loại, khi văn minh nông thôn, làng xã vốn thống trị trước đó đang suy yếu và dần bị thay thế bằng văn minh thành thị.

(Ảnh minh họa: The Atlantic Cities) 

Tiến trình đô thị hóa có mối tương quan với hàng loạt các lĩnh vực khác từ địa lý, xã hội, nhân khẩu học, kinh tế học, khoa học quy hoạch và cả y tế công cộng, vv.. Đô thị hóa là một hệ quả tất yếu của hiện tượng CNH, HĐH và sự chọn lọc thúc đẩy tiến bộ xã hội. Đô thị hóa đem tới những thay đổi to lớn về mặt xã hội, kinh tế, môi trường và buộc con người phải tìm cách để sử dụng các nguồn lực đạt hiệu quả hơn, đất đai được quy hoạch cho những mục tiêu lâu dài và ý thức bảo vệ tính đa dạng sinh thái trong quá trình đô thị hóa.

Edward Glaeser (2008) giáo sư nổi tiếng về kinh tế học đô thị tại đại học Harvard viết trên tờ Boston Globe “Ngày nay, tại nhiều quốc gia trên thế giới, có một mối liên hệ vững chắc giữa đô thị hóa và dân chủ. Mối liên hệ này là một sự phản ánh của xu hướng dân cư trong những đô thị thường có mức sống cao, giàu có và nhận được nền học vấn tốt hơn, và những đô thị đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong những nỗ lực xây dựng và củng cố nền dân chủ”(1).

Một nghiên cứu của nhóm học giả Dima Bogdan, Leitão Nuno Carlos và Dima Stefana (2011), qua thu thập và xử lý số liệu của 56 quốc gia đang phát triển (developing countries) trong khoảng thời gian từ năm 1982 tới 2007, đã chỉ ra mối tương quan giữa đô thị hóa và dân chủ trên  khung của lý thuyết hiện đại hóa, tác giả đã chứng minh cho giả thuyết rằng các quốc gia đang phát triển sẽ có xu hướng dân chủ hơn với mức độ đô thị hóa cao hơn(2).

Kể từ sau chính sách mở cửa và cải cách (1978) của Đặng Tiểu Bình, quá trình đô thị hóa tại Trung Quốc diễn ra với tốc độ chóng mặt, song hành cùng với nền kinh tế tăng trưởng thần kỳ; điều hoàn toàn trái ngược với thời kỳ Đại nhảy vọt và Cách mạng văn hóa(3). Theo Tân hoa xã: tính tới năm 2014, 54,7% dân số Trung Quốc (tức hơn 600 triệu người) sinh sống tại đô thị, so với chỉ 26% của năm 1990(4)

Chính sách kinh tế nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), phát triển công nghiệp định hướng xuất khẩu thu ngoại tệ đã tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm triệu người và hình thành những khu vực có mức độ tập trung dân cư sầm uất, đặc biệt tại các thành phố miền duyên hải Đông Nam. Cho tới năm 2005, Trung Quốc đã có tới 286 thành phố (với quy mô dân số  trên 1 triệu dân), trong đó lớn nhất là những đại đô thị như Thượng Hải (24 triệu), Bắc Kinh (21 triệu), Thiên Tân (15 triệu), vv.. Trung Quốc chính là quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất trong lịch sử, hơn bất cứ một quốc gia nào khác. Dẫu vậy, Trung Quốc vẫn cần chờ một thời gian dài để bắt kịp mức độ đô thị hóa của các nước phát triển phương Tây (trên 75%). Ian Johnson (2013) viết trên tờ New York Times, cho biết Bộ Nhà ở và Phát triển Nông thôn và Đô thị Trung Quốc công bố một kế hoạch đầy tham vọng: tới năm 2025, Trung Quốc sẽ đưa thêm 300 triệu dân từ nông thôn ra sinh sống tại thành thị. Dự án này cần ít nhất 1000 tỷ NDT (tức 160 tỷ USD) để đầu tư cho hệ thống cấp nước, hệ thống xử lý rác thải, hệ thống sưởi ấm và các phương tiện công cộng. Trung Quốc tham vọng đạt mức đô thị hóa 70% vào năm 2025 (tương đương với 900 triệu dân Trung Quốc, gần gấp 3 lần dân số Mỹ)(5).   

Năm 2010, nhiều trang báo mạng tại Trung Quốc đồng loạt chia sẻ một bài xã luận, nhấn mạnh rằng đô thị hóa là một cơ may cho đất nước và kêu gọi chính quyền từ bỏ chế độ hộ khẩu để thế hệ trẻ được hưởng những quyền thiêng liêng được ghi trong Hiến pháp là Tự Do, Dân Chủ và Bình Đẳng. Bất chấp hệ thống kiểm duyệt hà khắc và nguy cơ sẽ bị trừng phạt, những tờ báo vẫn tiếp tục nêu nhận định là chính sách hộ khẩu lạc hậu sẽ chỉ làm khổ người dân, nhất là những người dân từ nông thôn lên thành thị kiếm sống. Dẫn chứng cụ thể là, dân số tại Bắc Kinh vẫn tăng đều, vượt qua mọi giới hạn từ 8 triệu lên 10 triệu rồi 18 triệu. Quá trình di dân là một hiện tượng tự nhiên không thể chặn đứng bằng những biện pháp duy ý chí. Và hiện tượng đô thị hóa là một động cơ tuyệt vời để thúc đẩy phát triển. Bằng cớ là, nhờ lực lượng di dân dồi dào này mà guồng máy sản xuất của Trung Quốc vốn được tập trung ở các thành phố lớn đã không bị ngưng trệ vì cuộc khủng hoảng tài chính thế giới (2008). Thêm vào đó, bài viết nhấn mạnh đến cơ hội lịch sử phi thường để dân chủ hóa và mang lại tự do cá nhân, bởi tự do hóa điều kiện cư trú sẽ tạo điều kiện phát triển hài hòa hơn và tiến bộ hơn. Việc đi ngược lại với trào lưu này, tất sẽ gây nên đại họa(6).

Tác giả Alex Lo (2014) viết trên tờ Nhật báo Hoa Nam (SCMP): “Đô thị hóa sẽ dẫn tới dân chủ ở Trung Quốc”. Bài viết cho rằng động lực sẽ thúc đẩy, dẫn tới dân chủ ở Trung Quốc không phải tới từ lực lượng đối kháng, hay bởi những tác động của phương Tây, mà sẽ là từ tiến trình đô thị hóa được thực hiện bởi chính quyền. Trung Quốc đang ở vào bước chuyển tiếp rất giống với châu Âu cách đây 2 thế kỷ, và còn với một tốc độ nhanh hơn nhiều. Để tiến hành đô thị hóa, Trung Quốc phải đưa nhiều dân từ nông thôn ra thành thị; phải đầu tư cho những dịch vụ, tiện ích công cộng như y tế, giáo dục, vv.. để đáp ứng nhu cầu của tầng lớp thị dân mới; và hơn thế nữa, phải điều chỉnh chính sách để có sự đền bù thỏa đáng và bảo vệ tốt hơn cho quyền lợi của những người nông dân mất đất(7). Chính quyền Trung Quốc nhận thức rất rõ về tương lai của đất nước và tính chính danh để tiếp tục nắm quyền lực. Việc đưa thêm hàng trăm triệu dân ra thành thị vào năm 2025 tất yếu sẽ làm suy yếu và phá vỡ hệ thống hộ khẩu khi người dân di chuyển và lưu trú tự do nhiều hơn.

Trong lịch sử, tại châu Âu, điều tương tự cũng đã xảy ra đối với chế độ nông nô. Nhà sử học Eric Hobsbawm đã từng viết: “Vào cuối thế kỷ XVIII, nông thôn thống trị thế giới. Ngay cả tại Anh quốc, quê hương của cách mạng công nghiệp, số lượng thị dân chỉ chính thức vượt qua nông dân vào năm 1851”. Trung Quốc đầu thế kỷ XX, tình trạng cũng gần như vậy nhưng đất nước này đã đạt tới ngưỡng của sự chuyển dịch vào năm 2012. Lộ trình tiếp theo, với những quy định chặt chẽ hơn về quyền sở hữu tài sản, nền pháp trị và sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp tư sản, trung lưu mới nổi - những yếu tố căn bản làm nên nền dân chủ phương Tây; dẫu dằng Trung Quốc chỉ ưu tiên phát triển kinh tế qua tiến trình đô thị hóa, nhưng họ sẽ phải chấp nhận những tác động của nó tới hệ thống chính trị(8).

Phản biện lại ý kiến của Alex Lo, giáo sư chính trị học Jeremy Wallace (2014) viết trên trang blog của mình rằng “Đô thị hóa sẽ không mang lại dân chủ ở Trung Quốc”.Tác giả cho rằng, quan điểm của Alex chỉ đơn giản là lý thuyết hiện đại hóa thuần túy, và nêu nhận định “Trung Quốc là một nhà nước toàn trị và chú trọng hiện đại nhưng chưa đạt được mức hiện đại hóa cao độ”. Trung Quốc thực hiện công cuộc hiện đại hóa của mình bằng sức mạnh cưỡng chế, trong khi xã hội dân sự tại đây còn non yếu và chưa đủ sức để thích nghi và phản ứng lại trước sức ép buộc đó. Bài viết kết luận chính sách đô thị hóa tại Trung Quốc thực chất chỉ là một phiên bản của tập thể hóa nông thôn ở thế kỷ XXI - một hình thức “cách mạng từ trên xuống” theo lối Stalinist. Mục tiêu của chính sách này đơn giản chỉ là đem người dân đặt vào thành thị thay vì để họ ở nông thôn, và thúc ép những lực đẩy thị trường cho chúng hoạt động thay vì để chúng có tự do cạnh tranh(9)

Trong cuốn sách mới xuất bản Thành phố và tính ổn định: Đô thị hóa, tái phân bổ và sự sống còn của chế độ ở Trung Quốc (Cities and Stabilities: Urbanization, Redistribution & Regime Survival in China), tác giả Wallace nêu nhận xét “Quy hoạch và đô thị hóa tại Trung Quốc không hề tuân theo những nguyên tắc căn bản của thị trường tự do, mà có sự can thiệp sâu rộng của nhà nước và quan trọng hơn, nó cần phải bảo đảm tính sống còn và sự trường tồn của chế độ”.Tác giả phân tích, chính quyền Trung Quốc lo ngại khái niệm Mỹ Latinh hóa (Latin Americanization), với kinh nghiệm ở nhiều quốc gia Nam Mỹ trong những thập niên 1960 - 1980 khi kinh tế tăng trưởng nóng, đô thị hóa nhanh chóng, dẫn tới sự to phình của những siêu đô thị (mega cities), nhưng phát triển thiếu cân xứng, hài hòa và phần đông dân nghèo sống trong những điều kiện tồi tệ tại những khu ổ chuột, tỷ lệ tội phạm và tệ nạn xã hội vượt quá khả năng kiểm soát, và điều này đã gây nên sự bất mãn sâu sắc trong xã hội, dẫn tới sự ra đi của nhiều chế độ. Chính quyền Trung Quốc nhận thức rất rõ nguy cơ “những đô thị có thể bền vững yên ổn trong một giai đoạn, là động lực cho phát triển kinh tế, nhưng dòng người nhập cư lớn từ nông thôn có thể sẽ tạo ra điều kiện cho những bất ổn và rối loạn chính trị”.Vì vậy, họ rất chú trọng tới công tác hoạch định chính sách. Hộ khẩu là một trong những công cụ đắc lực nhất để hạn chế dòng người nhập cư vào đô thị, giúp tạm thời giải quyết được vấn đề: làm sao để vừa tiếp tục đô thị hóa làm động lực cho phát triển kinh tế mà vẫn kìm giữ được hàng trăm triệu dân tại nông thôn. Chính sách này đã tỏ ra có hiệu quả, giúp Trung Quốc ngăn chặn tình trạng bất ổn chính trị, ngay cả trong thời kỳ kinh tế của họ đang có dấu hiệu giảm tốc, hàng triệu công nhân thất nghiệp rải rác khắp vùng duyên hải(10).

Tuy nhiên, theo dự đoán của nhiều chuyên gia, trong đó có nhà đầu tư George Soros, chu kỳ tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc đã kết thúc, giai đoạn sắp tới sẽ diễn biến rất khó lường, và Trung Quốc rất khó để có một cuộc “hạ cánh mềm”(11). Cùng với nền kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm, hoạt động quy hoạch và đô thị hóa tại Trung Quốc cũng đang bộc lộ rất nhiều khiếm khuyết như tình trạng ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái bị tàn phá nghiêm trọng hay hiện tượng những thành phố ma (không hề có người ở, dù xây dựng tốn kém hàng tỷ USD) và bong bóng bất động sản tại xứ sở này có nguy cơ vỡ(12). Liệu những ngòi nổ chậm này có dẫn tới tình trạng bất ổn và thay đổi chính trị tại Trung Quốc hay không? 

______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3 - 2016

(1) hks.harvard.edu: Edward, G: Revolution of Urban Rebels, Boston Globe, 2008.

(2) hdl.handle.net: Dima, B., Leitão, N.C. & Dima, S: Urbanization and democracy in the framework of modernization theory: recent empirical evidences. Actual problems of Economics, 10, 2011, pp.390-398.

(3) en.wikipedia.org: Những ghi chép trong thời kỳ đại nhảy vọt và Cách mạng văn hóa tại Trung Quốc cho biết có hàng chục triệu thanh niên, trí thức, tiểu tư sản thành thị bị đưa về sinh sống, học tập, làm việc tại nông thôn. Tỷ lệ đô thị hóa trong thời kỳ này bị chậm lại và giảm sút. Đáng chú ý là đầu thế kỷ XX, một số đô thị lớn của Trung Quốc như Thượng Hải đã là thành phố quốc tế, lớn thứ 5 thế giới, với mức độ tự do hóa cao và từng là thị trường chứng khoán thứ 3 thế giới sau London, New York.

(4) news.xinhuanet.com: Xinhua News: Chinese urban population 54.77 pct of total.

(5) nytimes.com:Johnson, I: “China’s Great Uprooting: Moving 250 Million Into Cities, The New York Times”, 2013.

(6) 1.rfi.fr:  RFI: “Đô thị hóa là một vận hội tốt cho Trung Quốc nhưng phải bỏ chế độ hộ khẩu”, 2010.

(7) worldbank.org:  World Bank, Báo cáo nghiên cứu nêu ví dụ điển hình về phân bổ đất, dân số và vốn dựa trên thị trường, 2014.

(8) scmp.com: Alex, L: “Urbanisation will drive democracy”, South China Morning Post, 2014.

(9) scienceofpolitics.wordpress.com: Wallace, J: “Urbanization Won’t Drive Chinese Democracy”,  Science of Politics, 2014.  

(10) Jeremy, W: Cities and Stabilities: Urbanization, Redistribution, and Regime Survival in China, Oxford University Press, 2014.

(11) cnbc.com: CNBC: George Soros: Chinese economy in for hard landing, 2016.

(12) economist.com: The Economist, Where China’s future will happen, 2014.

 

Đặng Thế Hải

Tạp chí Văn hóa doanh nhân

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền