Trang chủ    Quốc tế    Quan điểm của các nước xã hội chủ nghĩa về phát triển kinh tế thị trường
Thứ tư, 14 Tháng 12 2016 11:22
5439 Lượt xem

Quan điểm của các nước xã hội chủ nghĩa về phát triển kinh tế thị trường

(LLCT) - Trong quá trình cải cách, đổi mới, các nước XHCN đã có sự thay đổi quan trọng trong nhận thức về phát triển kinh tế thị trường. Sự thay đổi này phản ánh một xu thế khách quan, một đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn phát triển nền kinh tế.

1. Quan điểm của Trung Quốc về phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa

Hội nghị Trung ương 3 khóa XI (12 - 1978) là một dấu mốc quan trọng mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ cải cách, mở cửa ở Trung Quốc. Sau hội nghị này, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra thể chế kết hợp giữa điều tiết kế hoạch với điều tiết thị trường. Ngày 26 - 11 năm 1979, khi nói chuyện với Phó Chủ tịch Hội đồng biên tập kiêm Tổng biên tập Công ty xuất bản Bách khoa toàn thư Đại học Britan nước Mỹ, Đặng Tiểu Bình cho rằng: “Nói đến kinh tế thị trường mà chỉ hạn chế ở xã hội tư bản chủ nghĩa là hoàn toàn không chính xác. Tại sao chủ nghĩa xã hội không thực hiện được kinh tế thị trường, không nên cho rằng chỉ có chủ nghĩa tư bản mới có kinh tế thị trường. Chúng ta lấy kinh tế kế hoạch là chính nhưng cũng kết hợp với kinh tế thị trường. Nhưng đó là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”(1). Đây là những là những định hướng quan trọng, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. 

Đầu năm 1992, khi đi thị sát miền Nam, Đặng Tiểu Bình chỉ rõ: “Kế hoạch hay thị trường không phải là sự khác nhau về bản chất giữa chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản. Kinh tế kế hoạch không có nghĩa là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản cũng có kế hoạch; kinh tế thị trường không có nghĩa là chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội cũng có thị trường. Kế hoạch và thị trường đều là biện pháp kinh tế”(2).

Đến Đại hội XIV (1992), lý luận về kinh tế thị trường XHCN mới được chính thức đưa vào nghị quyết. Tháng 10 - 1992, Báo cáo chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra khái niệm “xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, trong đó nêu rõ: “Mục tiêu cải cách thể chế kinh tế của nước ta là xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”.

Đại hội XV (1997) đã chỉ ra những tư tưởng cơ bản về “xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc”, đó là: “phát triển kinh tế thị trường, không ngừng giải phóng và phát triển sức sản xuất trong điều kiện xã hội chủ nghĩa. Điều đó có nghĩa là phải kiên trì và hoàn thiện chế độ kinh tế cơ bản lấy chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa làm chủ thể, kinh tế nhiều thành phần sở hữu cùng phát triển; kiên trì và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa làm cho thị trường đóng vai trò cơ sở đối với sự phân bố tài nguyên dưới sự điều tiết khống chế vĩ mô của Nhà nước; kiên trì hoàn thiện nhiều hình thức phân phối, lấy phân phối theo lao động làm chủ thể, cho phép một số khu vực, một số người giàu lên trước, kéo theo và giúp đỡ những người khác cùng giàu lên, từng bước tiến tới cùng giàu có; kiên trì và hoàn thiện cải cách mở cửa, tích cực tham gia vào hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế, bảo đảm cho nền kinh tế quốc dân phát triển liên tục nhanh và lành mạnh, nhân dân cùng hưởng thành quả phồn vinh kinh tế”(3). Như vậy, đến Đại hội XV, quan điểm về phát triển kinh tế thị trường XHCN ở Trung Quốc được hình thành về cơ bản, tạo cơ sở quan trọng cho kinh tế Trung Quốc phát triển.

Đại hội XVI, XVII tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN. Đặc biệt, tại Đại hội XVIII của Đảng (2012), vấn đề đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống kinh tế thị trường XHCN đã được chỉ rõ, đó là: đi sâu toàn diện cải cách thể chế kinh tế, trong đó cốt lõi là “xử lý tốt quan hệ giữa chính quyền và thị trường, phải tôn trọng quy luật thị trường hơn nữa, phát huy tốt hơn vai trò của chính quyền. Cần kiên trì không dao động củng cố và phát triển thành phần kinh tế công hữu, mở rộng nhiều hình thức thực hiện chế độ công hữu, đi sâu cải cách doanh nghiệp nhà nước, hoàn thiện hệ thống quản lý các loại hình tài sản nhà nước, thúc đẩy vốn nhà nước đầu tư nhiều hơn vào những ngành quan trọng và lĩnh vực then chốt liên quan đến an ninh quốc gia và huyết mạch của kinh tế quốc dân, không ngừng tăng cường sức sống, sức ảnh hưởng của kinh tế nhà nước”(4).

2. Quan điểm của Việt Nam về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12-1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Trên lĩnh vực kinh tế, Đảng khẳng định “xóa bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, xây dựng cơ chế mới phù hợp với quy luật khách quan, với trình độ phát triển của nền kinh tế”(5), “chuyển hóa nền kinh tế còn nhiều tính chất tự cấp, tự túc thành nền kinh tế hàng hóa”(6), tính kế hoạch là đặc trưng số một, sử dụng đúng đắn quan hệ hàng hoá - tiền tệ là đặc trưng thứ hai;phát triển nền kinh tế nhiều thành phần với những hình thức kinh doanh phù hợp; quản lý bằng các phương pháp kinh tế là chủ yếu, với động lực thúc đẩy là sự kết hợp hài hoà lợi ích của toàn xã hội, lợi ích của tập thể và lợi ích riêng của người lao động.

Như vậy, tại Đại hội VI, Đảng ta mới chỉ nêu ra quan điểm phát triển nền kinh tế hàng hóa, chưa đề cập đến cơ chế thị trường và phát triển nền kinh tế thị trường. Tuy vậy, đây là những quan điểm hết sức quan trọng, phản ánh quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng, tạo tiền đề quan trọng cho quá trình đổi mới của nền kinh tế ở Việt Nam.

 Đại hội VII (tháng 6-1991), đã tiếp tục phát triển quan điểm của Đại hội VI lên một bước mới. Đặc biệt,Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (1991) chỉ rõ định hướng phát triển của nền kinh tế ở Việt Nam, đó là: “Phát triển một nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Đến Đại hội IX (4-2001), Đảng chính thức đưa ra khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, trong đó chỉ rõ: Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đó chính là nền kinh tế thi trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đại hội khẳng định: phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là đường lối chiến lược nhất quán, là mô hình kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Đại hội IX cũng đã tập trung làm rõ một số vấn đề lý luận cơ bản về kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, trong đó khẳng định:

Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Kinh tế thị trường định hướng XHCN có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc.

Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, sử dụng cơ chế thị trường, áp dụng các hình thức kinh tế và phương pháp quản lý của kinh tế thị trường để kích thích sản xuất, giải phóng sức sản xuất…

Kinh tế thị trường định hướng XHCN thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, đồng thời phân phối theo mức đóng góp vốn, nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội.

Tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa và giáo dục.

Như vậy, đến Đại hội IX, quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN được hình thành cơ bản, tạo nền tảng lý luận quan trọng cho phát triển kinh tế ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên CNXH.

Đại hội X, XI tiếp tục cụ thể hóa và hoàn thiện những quan điểm về xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đồng thời, Đảng cũng chỉ rõ, phải tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN theo hướng đồng bộ và hiện đại. Đổi mới, nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới trên cơ sở tôn trọng và vận dụng đầy đủ, đúng đắn các quy luật và cơ chế vận hành của kinh tế thị trường. Phát huy quyền tự do kinh doanh theo pháp luật của mọi công dân để làm giàu cho bản thân và đóng góp cho xã hội. Mọi thành phần kinh tế, các chủ thể tham gia thị trường đều được coi trọng, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và văn minh, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng (2016) xác định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"(7). Đồng thời, Đại hội đã nêu rõ những nội dung quan trọng về các bộ phận cấu thành, vai trò của thị trường, vai trò của Nhà nước, vai trò của các thành phần kinh tế và vai trò của nhân dân trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội”(8)

3. Quan điểm của Lào về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

 Những tư tưởng đổi mới của Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã bước đầu được hình thành từ Hội nghị Trung ương 7 khóa II năm 1979. Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản chỉ rõ: “Quan điểm của Đảng ta đối với việc xây dựng và cải tạo kinh tế là sử dụng tất cả các thành phần kinh tế nhằm phát triển lực lượng sản xuất…Về quản lý kinh tế phải nắm vững và biết vận dụng các quy luật kinh tế, biết sử dụng thị trường, mở rộng kinh tế hàng hóa, phá kinh tế tự nhiên, mở rộng quan hệ kinh tế đối nội giữa các tỉnh và kinh tế đối ngoại; thực hiện cơ chế quản lý cân đối và có lãi đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kiên quyết xóa bỏ chế độ phân phát hành chính…(9).

Năm 1986, Đại hội IV của Đảng Nhân dân cách mạng Lào được coi là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp đổi mới của Lào. Đại hội IV đã đề ra đường lối đổi mới đất nước một cách toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế. Tiếp đó, các Hội nghị Trung ương và Đại hội đại biểu Đảng Nhân dân cách mạng Lào tiếp tục bổ sung và phát triển quan điểm về đổi mới kinh tế. Nội dung đổi mới kinh tế ở Lào gồm những vấn đề cơ bản sau:

Đổi mới kinh tế là từng bước tiến hành chuyển đổi từ nền kinh tế chủ yếu dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất với hai hình thức sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể sang nền kinh tế nhiều thành phần, đa dạng hóa về hình thức sở hữu, chuyển từ kinh tế vật phẩm sang kinh tế hàng hóa, từ kinh tế vật đổi vật sang kinh tế có sự trao đổi thông qua tiền tệ và thị trường. Thông qua quan hệ hàng hóa - tiền tệ để thúc đẩy sản xuất phát triển, thúc đẩy phân công lao động xã hội, thúc đẩy cải tiến kỹ thuật và năng suất lao động. Lấy thương mại làm mắt xích nhằm chuyển kinh tế tự nhiên từng bước trở thành kinh tế sản xuất hàng hóa.

Về cơ cấu kinh tế, từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, chuyển từ nền kinh tế đóng cửa sang một nền kinh tế mở với cơ cấu kinh tế nhiều thành phần và nhiều hình thức sở hữu, có cơ cấu kinh tế ngành, kinh tế vùng, cơ cấu kinh tể mở trong nội bộ cùng với hợp tác và phân công quốc tế.

Đại hội IX (2011) đã đánh dấu mốc quan trọng khi đưa ra quan điểm về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN: “Kiên định lấy việc phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, nhằm phát triển vững mạnh lực lượng sản xuất, chuyển từ nền kinh tế tự nhiên sang nền kinh tế hàng hóa, hoàn thiện việc xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”(10).

Để thực hiện mục tiêu đó, Đảng Nhân dân cách mạng Làochỉ rõmột số nhiệm vụ cơ bản sau:

Trong những năm trước mắt cần củng cố nền kinh tế nhà nước, nhất là kinh tế quốc doanh vững mạnh, để tạo sức mạnh kết hợp với các thành phần kinh tế khác trong việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

 Xây dựng quốc doanh hiện đại bằng cách chuyển sang hình thức liên doanh, liên kết và cổphần hóa là trọng tâm. Nghiên cứu thành lập quốc doanh trong một số ngành có điều kiện, năng lực và có hiệu quả nhất.

Tiếp tục khuyến khích kinh tế hợp tác của nhân dân, kinh tế hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách mạnh mẽ hơn nữa, làm cho đơn vị kinh tế đó vững mạnh và hoạt động linh hoạt trong nền kinh tế quốc dân, thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với các thành phần kinh tế trên, nhất là tạo điều kiện xúc tiến nguồn vốn, nguồn thông tin và công nghệ mới, vừa hỗ trợ về thông tin và thị trường...

4. Quan điểm của Cuba về việc cập nhật hóa mô hình phát triển kinh tế - xã hội trong đó có tính đến những xu hướng của thị trường

Nền kinh tế Cuba vẫn là nền kinh tế kế hoạch, tuy nhiên trong những năm gần đây, nhất là từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Cuba họp (4 - 2011), những xu hướng phát triển của thị trường đã được bàn tới trong quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quá trình cập nhật hóa có một số đặc điểm cơ bản sau:

Hệ thống kinh tế mà Cuba xây dựng sẽ tiếp tục dựa trên nguyên tắc sở hữu XHCN của toàn dân đối với những tư liệu sản xuất chính và nguyên tắc phân phối xã hội chủ nghĩa “làm theo năng lực, hưởng theo lao động”.

Kế hoạch hóa vẫn sẽ được ưu tiên nhưng sẽ tính đến các xu hướng phát triển của thị trường, sẽ tác động vào thị trường, đồng thời có tính đến những đặc điểm riêng của thị trường.

Những tư liệu sản xuất chính vẫn tiếp tục thuộc sở hữu toàn dân và các doanh nghiệp nhà nước XHCN sẽ là hình thức quản lý cơ bản trong nền kinh tế quốc gia. Ngoài ra, mô hình quản lý cũng thừa nhận và thức đẩy các hình thức khác nhau như đầu tư nước ngoài, hợp tác xã, nông dân cá thể, những người thuê đất, người thuê công nhân, người làm kinh tế tự doanh và các hình thức khác.

Việc phát triển kinh tế ngoài quốc doanh sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho công cuộc xây dựng CNXH bởi nó cho phép Nhà nước có thể rảnh tay với những hoạt động kinh tế không chiến lược đối với đất nước và những khu vực mà nhà nước không thể thực hiện có hiệu quả và chất lượng cần thiết nếu áp dụng hình thức quản lý nhà nước.

Trong hình thức quản lý phi nhà nước, không cho phép việc tập trung sở hữu vào các pháp nhân và cá nhân.

Việc phân định rõ vai trò đối với nền kinh tế của các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp chính là phân định chức năng nhà nước và chức năng doanh nghiệp(11).

Đại hội VII của Đảng Cộng sản Cuba (4 -2016), tiếp tục hướng tới mục tiêu xây dựng CNXH thịnh vượng và bền vững. Về kinh tế, tiếp tục mô hình kinh tế kế hoạch, kinh tế nhà nước là chủ đạo, từng bước xóa bỏ bao cấp, phát triển kinh tế tự doanh, mở cửa thị trường nội địa, coi trọng hợp tác và đầu tư nước ngoài…

5. Một số nhận xét

Các nước XHCN (Trung Quốc, Việt Nam, Lào) đều phải trải qua quá trình phát triển có tính quy luật, đó là từ kinh tế hàng hóa và từng bước tiến tới kinh tế thị trường. Đây là quá trình kéo dài nhiều thập kỷ, trong đó vừa làm, vừa nghiên cứu, vừa tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận để từng bước hoàn thiện lý luận về kinh tế thị trường.

Kinh tế thị trường mà các nước XHCN xây dựng là nền kinh tế vừa mang tính phổ biến, vừa mang tính đặc thù. Nó vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa chị sự chi phối của các quy luật kinh tế của CNXH và các yếu tố đảm bảo định hướng XHCN. Đó là nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; là nền kinh tế có sự quản lý, điều tiết của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản; vai trò của nhà nước rất quan trọng trong việc phát huy tính tích cực của kinh tế thị trường đồng thời khắc phục những mặt trái của nó; đó là nền kinh tế hướng tới các mục tiêu tiến bộ, công bằng xã hội, tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển toàn diện con người.

Hiện nay, Trung Quốc, Việt Nam, Lào đã từng bước phát triển và hoàn thiện lý luận về kinh tế thị trường, Cuba đang trong quá trình cập nhật hóa mô hình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đây chỉ là những thành tựu bước đầu. Thực tiễn cải cách, đổi mới ngày càng sâu rộng tiếp tục đặt ra những nhiệm vụ quan trọng, nặng nề, đòi hỏi các nước XHCN không ngừng bổ sung, phát triển và hoàn thiện hệ thống lý luận về kinh tế thị trường nhằm tạo ra cơ sở lý luận vững chắc cho phát triển nền kinh tế cũng như cho quá trình xây dựng CNXH trên thế giới hiện nay.

______________

(1), (2) Dẫn theo: Lịch sử chủ nghĩa Mác, sdd, tập IV, phần ba, tr.1167, 1171

(3) Đảng Cộng sản Trung Quốc: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XV, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.35.

(4) Đảng Cộng sản Trung Quốc: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.42

(5), (6) ĐCSVN:Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới(Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.65

(7), (8) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr,102, 102- 103

(9) Dẫn theo: Nguyễn Ngọc Long, Chủ nghĩa Mác - Lênin với vận mệnh và tương lai của chủ nghĩa xã hội hiện thực, sđd, tr.305.

(10) Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Làokhóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, sdd, tr.16.

(11) Dẫn theo Admi Valhuerdi Cepero, Đại hội VI Đảng Cộng sản Cuba và công cuộc cập nhật hóa mô hình kinh tế Cuba, đăng trong: Đảng Cộng sản lãnh đạo quá trình đổi mới tại Việt Nam cập nhật hóa mô hình phát triển kinh tế - xã hội tại Cuba một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.169-170. 

 

 

                                          ThS Vũ Thế Tùng

                                         Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền