Trang chủ    Quốc tế    Kinh nghiệm trọng dụng nhân tài của Xinhgapo
Thứ năm, 29 Tháng 12 2016 10:01
1911 Lượt xem

Kinh nghiệm trọng dụng nhân tài của Xinhgapo

(LLCT) - Việc nghiên cứu những kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng và thu hút, sử dụng nhân tài từ Xinhgapo và kế thừa những truyền thống tốt đẹp của ông cha ta sẽ giúp chúng ta có những kiến thức bổ ích trong công việc, nhất là cho việc đổi mới công tác cán bộ hiện nay, góp phần xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

 

Xinhgapo là một quốc gia nằm ở khu vực Đông Nam Á, diện tích đất chỉ gần 710km2, là một trong những đất nước nhỏ nhất thế giới; dân số trên 5 triệu người. Trong quá khứ, nơi đây chỉ là một làng chài yên bình với những người dân bản địa sinh sống. Ngày nay, Xinhgapo đã trở thành một thành phố quốc tế phát triển sôi động, sầm uất với nhiều tòa nhà cao tầng, công viên tạo thành quần thể văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật và kiến trúc đan xen hài hòa. Xinhgapo là một thành phố năng động, phong phú về màu sắc và độ tương phản, cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường. Xinhgapo được cho là nơi giao thoa của những nét đẹp tinh túy nhất của phương Đông và phương Tây. Mặc dù có diện tích khiêm tốn, nhưng với nền kinh tế thương mại tự do và lực lượng lao động chất lượng cao, công nghiệp và dịch vụ phát triển, nền kinh tế có quy mô đứng thứ tư trong khu vực Đông Nam Á, GDP thu nhập bình quân đầu người rất cao, Xinhgapo đã thực sự có được một vị thế rất vững chắc trên thế giới. Rất nhiều người ngạc nhiên với vẻ đẹp và tốc độ phát triển không ngừng của đất nước này. Điều đó do đâu? và đâu là bí quyết của họ?

Ngoài vấn đề cơ sở hạ tầng thương mại vững vàng và môi trường kinh tế thuận lợi, chính quyền ổn định và giàu năng lực cũng là nhân tố góp phần giúp Xinhgapo phát triển nhanh chóng.

Xinhgapo là một nước Cộng hòa nghị viện có hệ thống chính trị tập trung vào chế độ dân chủ. Đảng Nhân dân hành động (PAP) là đảng lớn nhất (trong số gần 30 đảng) và là đảng cầm quyền duy nhất kể từ khi nước này giành được độc lập chủ quyền cho tới nay. PAP thành lập ngày 21-11-1954 với thành phần ban đầu là những trí thức Xinhgapo từng học ở nước Anh về, Lý Quang Diệu được bầu là Tổng Bí thư đầu tiên. Năm 1959, trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên sau khi nước này được thực dân Anh cho hưởng chế độ bang tự trị, PAP giành được thắng lợi lớn và do đó có quyền tổ chức Chính phủ, Tổng Bí thư Lý Quang Diệu được cử làm Thủ tướng liên tục từ đó cho đến ngày ông tuổi cao và tự xin từ chức.

Xinhgapo tuyên bố tách khỏi Liên bang Malaixia, để chính thức trở thành quốc gia độc lập vào ngày 9-8-1965. Kể từ Ngày độc lập cho đến nay, PAP luôn khẳng định được vị thế của mình, chiếm được lòng tin của hết thảy mọi người dân, nên đều thắng tuyệt đối trong các kỳ tổng tuyển cử và giữ độc quyền lãnh đạo đất nước, cho dù Xinhgapo theo chế độ dân chủ đa đảng. Điều đặc biệt ấn tượng và cũng là bí quyết của sự thành công đó của PAP chính là ở công tác cán bộ.

Xinhgapo là một trường hợp điển hình trong các nước ASEAN về tinh thần coi trọng nhân tài, có chính sách sử dụng và phát triển nhân tài hữu hiệu. Ông Lý Quang Diệu, người đã giữ chức Thủ tướng “quốc đảo sư tử” này này suốt 38 năm đã nhận xét về chế độ quản lý của nước ông: “Chế độ Xinhgapo thực hành là chế độ trọng nhân tài”(1). Một trong những thành công nhất của Chính phủ Xinhgapo là đã phát hiện, tập hợp và sử dụng được 300 nhân tài của đất nước theo nguyên tắc “để người có thực tài điều hành công việc”. Theo ông, nếu như 300 người này mà bất ngờ bị chết đi, Xinhgapo khó tránh khỏi tan vỡ. Lý Quang Diệu là người rất chú trọng tới sự phân biệt giữa công chức có tài và công chức bình thường hoặc tầm thường. Ông cực lực phê phán chế độ quản lý công chức chỉ căn cứ vào thâm niên công tác để tuần tự tăng lương, thăng tiến. Chỉ sau vài năm Xinhgapo được độc lập, Lý Quang Diệu đã tuyên bố sẽ sửa đổi chính sách nhân sự của Chính phủ: “Chỉ có những nhân tài đầy đủ tinh lực, cương nghị, giàu tài năng, sẵn sàng toàn tâm, toàn ý lấy biểu hiện công tác để giành tiến thủ mới có thể được cất nhắc. Còn với những người tham nhũng, xấu xa, đặc biệt là những người vốn không có năng lực nhưng trái lại cho rằng họ đỗ thi cử đạt mức, có một học vị tốt và đã qua được cửa Ủy ban Phục vụ công cộng, do đó mà ngồi đó hưởng thái bình, dương dương tự đắc, ngồi yên bất động, làm việc lười biếng, gặm nhấm thời gian, cho rằng sớm muộn cũng sẽ được thăng cấp thủ trưởng một ngành... Tôi muốn bảo họ rằng đừng có mà mơ tưởng như thế vì nội quy phục vụ của công nhân viên sẽ được sửa đổi(2). Chế độ công chức của Xinhgapo ngay sau đó đã được sửa đổi theo nguyên tắc nhận biết chính xác công chức có tài và công chức bình thường, có chính sách đãi ngộ, bổ nhiệm phân biệt rõ ràng giữa hai loại này.

Một kinh nghiệm mà ông Lý Quang Diệu thường nhắc đi nhắc lại trong 38 năm lãnh đạo đất nước là: “Biết dùng nhân tài là bí quyết thành công”. Chức vụ lãnh đạo, quản lý càng cao thì càng cần phải có người tài đảm nhiệm: “Không có gì thay thế được sự lãnh đạo của những bộ trưởng giỏi. Những quan chức cấp dưới, dù họ ưu tú đến đâu, dù họ tận tình hỗ trợ cho bộ trưởng đến đâu, đều không thể bù đắp được sự thiếu sót của bộ trưởng về sự mẫn cảm trong suy nghĩ, về sức sống, sức tưởng tượng, sức sáng tạo, nghị lực can trường”. Lý Quang Diệu rút ra một lý luận “gần như định luật” trong công tác cán bộ: “Khi một nhân vật có năng lực đảm nhiệm một trọng trách, họ sẽ tập hợp những người có năng lực khác thành một đội ngũ hợp tác chặt chẽ với nhau. Ngược lại, lãnh tụ xấu sẽ đuổi người tốt, không cho họ giữ những chức vụ quan trọng(3). Bởi vậy, mục tiêu của công tác cán bộ ở Xinhgapo từ thời Thủ tướng Lý Quang Diệu cầm quyền đến nay là tìm ra những nhân tài quản lý, giao cho họ những trọng trách, động viên và phát triển họ bằng sự đánh giá công bằng và chế độ đãi ngộ cao. PAP biết cách thu hút và sử dụng nhân tài không chỉ trong nước mà cả từ nước ngoài, không phân biệt màu da, dân tộc. Quốc đảo này đã thành công trong việc thu hút được rất nhiều nhân tài từ nước ngoài đến lập nghiệp, một số người đã trở thành các bộ trưởng xuất sắc.

Ở Xinhgapo, mọi nhân tài đều có cơ hội được bổ nhiệm vào các chức vụ cao thông qua tuyển chọn công khai và cạnh tranh tự do, trung thực. Chế độ tuyển chọn, đề bạt nhân tài vào Trung ương rất nghiêm ngặt. Mỗi lần bầu cử, PAP đều đề cử khoảng 20 người mới thay mặt Đảng để bầu vào các chức vụ cao. Việc lựa chọn những người kế tục ở cấp cao được PAP tiến hành có kế hoạch, theo trình tự tương đối phức tạp và có hệ thống. Trước hết, những đối tượng là ứng cử viên mới, phải là người được đào tạo từ nền giáo dục quốc gia, tốt nghiệp đại học, là chuyên gia và nhân sỹ cao cấp của doanh nghiệp; được nghị sỹ quốc hội đương chức hoặc cơ quan chủ quản nhân sự của doanh nghiệp giới thiệu.

Bước 1, “nhóm tuyển chọn đề bạt” do Đảng tổ chức sẽ tiến hành mạn đàm, trắc nghiệm với những người được giới thiệu để kiểm tra kiến thức, tình cảm, mức độ thành thực và lòng trung thành.

Nếu ở Bước 1 đạt yêu cầu, thì Bước 2 sẽ là đối thoại trực tiếp về quan niệm giá trị năng lực, có sự tham gia của các lãnh tụ chính trị những người được coi là “đức trọng tài cao”.

Bước 3, chủ yếu do các bậc tiền bối chất vấn, đánh giá năng lực của họ và đề xuất ý kiến. Các khâu tương tự như vậy có thể phải trải qua 7- 8 lần. Cuối cùng, còn có thể tổ chức “huấn luyện quyết sách” tương đối đặc biệt, căn cứ vào đó để kiểm tra năng lực xuất chúng, cụ thể là đem những sự việc sắp được thảo luận ở hội nghị nội các, trao cho người được kiểm tra, để nghiên cứu, cho ý kiến thảo luận trước, đem kết quả quyết sách thuyết minh với các bậc tiền bối. Người bị cho là thiếu năng lực quyết sách, do dự, thiếu quyết đoán sẽ bị loại.

Đặc trưng của những người được PAP lựa chọn là ứng cử viên mới của Đảng đều là những nhân tài có học vấn cao, là quan chức, chuyên gia kỹ thuật, giáo sư, tiến sỹ... Một điều hết sức quan trọng là công việc tuyển chọn, đề bạt nhân tài của Xinhgapo đều được thực hiện rất công tâm, minh bạch, khách quan, không hề có biểu hiện tiêu cực, hối lộ, tham nhũng hay hiện tượng “chạy chức, chạy quyền” vì pháp luật nước này có những quy định chặt chẽ khiến mọi người không cần, không muốn, không dám và không thể tham nhũng, tiêu cực.

PAP luôn ra sức tìm kiếm những con người thông minh nhất, dù họ có phải là đảng viên PAP hay không. Có một câu nói nổi tiếng được lưu hành là:Con đường tốt nhất để trở thành một ngôi sao sáng chính trị là lấy được một tấm bằng tiến sỹ hoặc trở thành giám đốc công ty trước, chứ không phải là gia nhập Đảng Nhân dân hành động(4). Thủ tướng Goh Chok Tong ban đầu chỉ là một người làm chuyên môn, không mấy nhiệt tình với chính trị, nhưng sau đó, được một đảng viên lão thành phát hiện và giới thiệu vào Đảng, từ đó ông bắt đầu lịch trình chính trị huy hoàng, trải qua các đợt chuyển giao thuận lợi giữa các thế hệ lãnh đạo nhờ vào chính năng lực của bản thân mình.

PAP bồi dưỡng nhân tài bằng các phương thức sau:

Một là, thông qua cơ sở chuyên đào tạo. Ngày 8-9-1959, để củng cố nền móng chính quyền yếu ớt của mình, tăng cường giáo dục chính trị cho các quan chức cấp cao, PAP vừa mới cầm quyền đã thành lập Trung tâm học tập chính trị và xây dựng quỹ cấp cho nghiên cứu học tập, quy định đảng viên có nghĩa vụ tham gia học tập, để xúc tiến sự ủng hộ chính trị của đảng viên đối với Đảng. Năm 1965, Lý Quang Diệu đã thành lập Trường bồi dưỡng đào tạo nhân tài chuyên môn. Trải qua mấy chục năm, Trường này đã huấn luyện một loạt nhân tài có đủ bản lĩnh chính trị và chuyên môn.

Hai là, thông qua lời nói và việc làm mẫu mực của các nhà chính trị lão luyện. Các nhà chính trị tiền bối sẵn sàng truyền thụ kinh nghiệm cho thế hệ trẻ, coi đó như trách nhiệm, nghĩa vụ của mình và khi họ trưởng thành, có đủ đức, tài thì chủ động nhường chỗ cho họ. Đây là một cơ chế đổi mới về nhân tài được thực hiện tự giác rất đáng quý. Có một thí dụ là ngày 10-1-1985, ông Lý Quang Diệu đã viết một bức thư cho tất cả các nghị sỹ của PAP mới nhậm chức để truyền thụ những kinh nghiệm hoạt động chính trị của mình, động viên các nghị sỹ tăng cường rèn luyện, giành vinh quang cho PAP và Chính phủ(5).

Ba là, chú trọng rèn luyện nhân tài trong hoạt động thực tiễn chính trị. Mặc dù những nhân tài mới đã trúng cử, đang đảm nhận những chức vụ quan trọng, nhưng các nhà lãnh đạo tiền bối cũng có thể thông qua việc luân chuyển công tác, cho họ cơ hội thử nghiệm các chức vụ quan trọng khác nhằm tích lũy kinh nghiệm làm chính trị, để thúc đẩy họ nhanh chóng trưởng thành, có thể gánh vác trách nhiệm to lớn hơn(6).

Để tạo nguồn nhân tài cho thế hệ tiếp theo, Xinhgapo cũng đã rất thành công với chính sách tuyển chọn và cấp học bổng cho các sinh viên ưu tú ra nước ngoài học tập để trở về phục vụ đất nước và thành công trong việc giữ gìn, phát triển nguồn tài nguyên nhân tài của quốc gia, không để xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám” ra nước ngoài. Xinhgapo nỗ lực giáo dục và đào tạo một đội ngũ đông đảo nhân tài trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học để đáp ứng nhu cầu xây dựng một xã hội công nghiệp. Hằng năm, Xinhgapo có 100 học bổng cho các học sinh xuất sắc đi du học ở các trường đại học nổi tiếng thế giới với hy vọng khoảng 50% sẽ quay về phục vụ đất nước. Các trường đại học trong nước cũng nâng cấp trình độ giảng viên, định hướng các ngành đào tạo theo nhu cầu của xã hội và định hướng phát triển đất nước. Xinhgapo lập một Ủy ban phụ trách việc chiêu mộ nhân tài, tiến tới thành lập Ủy ban dịch vụ tư vấn chuyên gia và tuyển mộ chuyên nghiệp thuộc Cục Phục vụ công cộng. Đặc biệt còn có Ủy ban chiêu mộ nhân tài ngoại quốc, chủ yếu nhằm vào những nhân tài người châu Á, đồng thời có những chính sách đãi ngộ nhân tài rất thỏa đáng. Các tài năng trẻ được đảm nhiệm những công việc phù hợp với chuyên môn và sở trường của họ, được hưởng mức lương cao, được cấp nhà ở... Xinhgapo cũng giáo dục các tài năng trẻ ý thức được bổn phận và nghĩa vụ của mình đối với người thân, đồng bào và xã hội...

Việt Nam và Xinhgapo là hai nước trong khối ASEAN đã có mối quan hệ ngoại giao từ năm 1973, hai đảng cầm quyền cũng đã thiết lập quan hệ chính thức từ năm 1993. Hiện nay, quan hệ giữa hai nước ngày càng gắn bó. Ở Việt Nam, cách đây hơn 530 năm, Tiến sỹ Thân Nhân Trung - Hàn Lâm, Đông Các Đại học sỹ dưới triều Lê đã có câu nói nổi tiếng còn lưu truyền cho đến ngày nay, khẳng định rõ vai trò của nhân tài đối với đất nước như sau: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí”. Vì vậy, việc nghiên cứu những kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng và thu hút, sử dụng nhân tài từ Xinhgapo và kế thừa những truyền thống tốt đẹp của ông cha ta sẽ giúp chúng ta có những kiến thức bổ ích trong công việc, nhất là cho việc đổi mới công tác cán bộ hiện nay, góp phần xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2016

(1) Theo Tuyển tập 40 năm chính luận của Lý Quang Diệu, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.82, 46, 176, 164.

(2) Sđd, tr.177.

(3) Trần Đình Hoan: Đánh giá, quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý thời kỳ CNH, HĐH đất nước, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.551-553.

(4) Lý Lô Khúc:Con đường hiện đại hóa của
Xinhgapo - quá trình, sự lựa chọn mô thức và văn hóa
, Nxb Tin học, 1996, tr.437.

(5) Trịnh Duy Xuyên: Con đường trị quốc của
Xinhgapo
, Nxb Khoa học xã hội Trung Quốc, 1996, tr.53.

(6) GS, TS Tạ Ngọc Tấn: Một số vấn đề về các đảng chính trị trên thế giới, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2003, tr.41-43.

 

TS Thân Minh Quế

Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền