Trang chủ    Quốc tế    Từ chính sách đối ngoại hướng Đông của Ấn Độ, nhìn lại quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ 45 năm qua
Thứ tư, 22 Tháng 2 2017 15:04
3983 Lượt xem

Từ chính sách đối ngoại hướng Đông của Ấn Độ, nhìn lại quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ 45 năm qua

(LLCT) - Ấn Độ là quốc gia ở khu vực Nam Á, có diện tích 3.287.590 km2, dân số đứng thứ hai thế giới, nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới xét theo GDP danh nghĩa (2016) và lớn thứ ba thế giới xét theo sức mua tương đương (PPP). Quan hệ hữu nghị truyền thống giữa 2 nước Việt Nam - Ấn Độ được Chủ tịch Hồ Chí Minh và thủ tướng G.Nêru đặt nền móng từ những thập niên đầu thế kỷ XX, quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ phát triển ngày càng tốt đẹp, Ấn Độ luôn dành cho Việt Nam sự ủng hộ tích cực, hiệu quả.

(Ảnh minh họa, nguồn: internet)

1. Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại hướng Đông của Ấn Độ

Chính sách “Nhìn về hướng Đông” (1992) từ thời Thủ tướng Narasimha Rao trong bối cảnh Ấn Độ bắt đầu tiến hành công cuộc cải cách, mở cửa mạnh mẽ, sâu rộng, môi trường quốc tế có nhiều thuận lợi mới sau Chiến tranh lạnh. Khu vực Đông Nam Á được Ấn Độ quan tâm đặc biệt với vị trí địa - chiến lược quan trọng trong giao thương quốc tế. Nếu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương như lời phát biểu của Thủ tướng Narasimha Rao tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) là “tấm ván bật để chúng tôi tiến vào thị trường toàn cầu” thì Đông Nam Á có thể coi là điểm đầu tiên mà Ấn Độ cần đặt chân tới(1).

Chính sách “Nhìn về hướng Đông” của Ấn Độ có 4 mục tiêu chính là cải cách kinh tế, duy trì sự phát triển nhanh, hòa nhập vào nền kinh tế khu vực và phát triển bền vững(2). Mặc dù phạm vi hướng Đông được mở rộng vào năm 2000, song, trọng tâm của chính sách này vẫn là Đông Nam Á, tập trung vào phát triển trao đổi thương mại và an ninh khu vực.

Triển khai chính sách “Nhìn về hướng Đông”, quan hệ Ấn Độ - ASEAN đã có những bước chuyển biến tích cực. Sau 20 năm quan hệ đối thoại, năm 2012, ASEAN và Ấn Độ đã quyết định nâng mối quan hệ lên tầm đối tác chiến lược. Tuy nhiên, quan hệ Ấn Độ - ASEAN mới thiên về bề nổi, chính sách “Nhìn về hướng Đông” vẫn trong tình trạng "nói nhiều, làm ít", Ấn Độ dường như vẫn chỉ là “người quan sát” trong các vấn đề của khu vực.

Sau cuộc gặp cấp cao giữa Thủ tướng Modi với Tổng thống Mỹ Barack Obama (30-9-2014), Ấn Độ đã quyết định chuyển chính sách “Nhìn về hướng Đông” sang “Hành động hướng Đông”. Chính sách này về cơ bản là sự tiếp nối chính sách “Nhìn về hướng Đông” nhưng trong thế chủ động hơn. Về chính sách, Thủ tướng Modi quan tâm xúc tiến các chương trình kinh tế với các nước Đông Nam Á để thu hút đầu tư, nhất là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kết nối các điểm thương mại trong khu vực; dành sự ưu tiên nhất định cho các nướcCLMV (gồm Campuchia, Lào, MyanmarvàViệt Nam) vốn là những nước có tăng trưởng đầu tư nước ngoài cao nhất ở khu vực.

Sự điều chỉnh chính sách, trước hết, xuất phát từ việc Ấn Độ đã có một thực lực lớn hơn để có thể bảo vệ được lợi ích quốc gia trước những mối đe dọa đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, trong đó, “hướng Đông” là khu vực hiện hữu, gắn bó với lợi ích quốc gia của Ấn Độ. Những năm gần đây, trước việc Trung Quốc có xu hướng gia tăng hành xử khá cứng rắn trong các vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo tại khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông, tạo nên những thách thức nhất định, đe dọa tự do hàng hải và luật pháp quốc tế, đã gây ra những lo lắng thực sự cho Ấn Độ.

Thương mại hàng hải của Ấn Độ chủ yếu tập trung ở hai hướng: Phía Đông qua eo biển Malacca và phía Tây đến khu vực Trung Đông. Thống kê cho thấy, gần 55% tổng lượng hàng hóa trung chuyển của Ấn Độ được chuyên chở qua eo biển Malacca để tiếp tục đưa tới Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các điểm đến quan trọng khác(3). Ngoài ra, vấn đề an ninh năng lượng cũng là một trong những yếu tố quyết định sự quan tâm và can dự ngày càng tăng của Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á, hiện tại Ấn Độ phải nhập khẩu tới 80% nhu cầu dầu mỏ từ nước ngoài.

2. Nhìn lại quan hệ hợp tác Việt Nam -Ấn Độ 45 năm qua(1972-2017)

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ 45 năm qua, kể từ khi nâng quan hệ lên cấp Đại sứ, đã từng bước phát triển hết sức tốt đẹp, thu được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Đặc biệt, hiện nay, trong chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ, Việt Nam được xem là một trong những trụ cột quan trọng bậc nhất.    

Trước hết, về quan hệ chính trị. Sau khi nâng cấp quan hệ, nhất là sau chiến tranh lạnh, các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo hai nước đã diễn ra thường xuyên.Khởi đầu là chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ R.Venkataraman đến Việt Nam (4-1991). Ngay sau năm đó, Tổng Bí thư Đỗ Mười sang thăm Ấn Độ (9-1992). Cũng trong năm 1992, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã sang thăm Ấn Độ.

Tháng 9-1994, Thủ tướng Ấn Độ Narashimha Rao có chuyến thămViệt Nam, mở ra một giai đoạn mới trong quá trình hợp tác toàn diện giữa 2 nước. Tháng 5-2003, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh sang thăm Ấn Độ, đánh dấu một bước tiến mới trong lịch sử quan hệ hai nước, hai bên đã ký Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa hai nước bước vào thế kỷ XXI. Đây là tuyên bố chung về hợp tác toàn diện đầu tiên của Việt Nam trong thế kỷ XXI.

Tháng 7-2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Ấn Độ. Hai bên đã ký Tuyên bố chung về “Quan hệ đối tác chiến lược”(4), mở đường cho quan hệ song phương phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực.

Sau xác lập quan hệ đối tác chiến lược, nhiều chuyến thăm giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước tiếp tục được duy trì. Trong đó, đáng chú ý nhất là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuyên bố chung 32 điểm giữa hai quốc gia được hình thành, tập trung vào các cam kết chiến lược, hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa và hợp tác an ninh quốc phòng. Hai nước đã ký 8 thỏa thuận song phương. Trong đó, bao gồm thỏa thuận chia sẻ và bảo vệ thông tin mật nhằm hỗ trợ việc hiện thực hóa Biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng; Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam và Tập đoàn dầu khí nhà nước Ấn Độ (India’s ONGC Videsh Ltd). Việc ký kết những thỏa thuận này giữa hai quốc gia mang một sắc thái chính trị hết sức quan trọng.

Quan hệ giữa các chính đảng của Ấn Độ và Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không ngừng được củng cố và phát triển, đặc biệt là mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI) và Đảng Cộng sản Ấn Độ Mácxít (CPI-M) (từ 1978). Hai Đảng Cộng sản Ấn Độ đã từng tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ,cứu nước của nhân dân ta trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng, và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, qua đó, những truyền thống tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị Việt - Ấn, sự tin cậy lẫn nhau tiếp tục được tăng cường(5).

Bên cạnh quan hệ ngoại giao song phương, quan hệ hợp tác đa phương giữa hai nước cũng được tăng cường. Việt Nam và Ấn Độ luôn nhất trí cao về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông. Theo đó, hai bên tiếp tục hợp tác hiệu quảtại các diễn đàn quốc tế và khu vực như ASEAN - Ấn Độ, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), hợp tác sông Hằng - sông Mê Kông, Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Phong trào Không liên kết, hợp tác Nam - Nam và Liên Hợp quốc; đẩy nhanh đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Ðộ khẳng định, chuyến thăm Ấn Ðộ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh dấu bước ngoặt lớn trong quan hệ giữa hai nước, vì từ năm 2015, Việt Nam là điều phối viên Đối thoại Ấn Độ - ASEAN và Việt Nam là cơ hội để Ấn Ðộ tiếp cận khối ASEAN(6).

Thứ hai, về quan hệ kinh tế. So với quan hệ chính trị, quan hệ kinh tế Việt Nam - Ấn Độ phát triển muộn hơn, nhưng cũng đã đạt được những kết quả hết sức to lớn.

Về thương mại, hai nước đã ký các hiệp định thương mại, hiệp định tránh đánh thuế hai lần, khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Kim ngạch thương mại do đóđã có bước phát triển vượt bậc. Năm 1995, thương mại giữa hai nước đạt 72 triệu USD, đến năm 2009, đã đạt 2,36 tỷ USD và năm 2013-2014 đạt 8,03 tỷ USD. Việc hãng JetAirways của Ấn Độ mở đường bay thẳng từ New Delhi/Mumbai tới thành phố Hồ Chí Minh sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại, du lịch giữa hai nước.

Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ những năm gần đây luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao. Trong 5 năm (2009 - 2013), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ tăng 46,22%/năm (tăng trung bình khoảng 320 triệu USD/năm). Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 4 năm, Ấn Độ luôn nằm trong nhóm 20/200 quốc gia, lãnh thổ có mức xuất, nhập khẩu hàng hóa lớn nhất với Việt Nam. Đáng chú ý, năm 2013, cán cân thương mại giữa hai nước đã có sự đảo chiều. Nếu như các năm 2011 và 2012, Việt Nam phải đối mặt với mức thâm hụt khá cao trong quan hệ thương mại với Ấn Độ (lần lượt là 792 triệu USD và 378 triệu USD, chiếm tỷ trọng 50% và 21% trong tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ) thì đến năm 2013, cán cân thương mại lại nghiêng về phía Việt Nam với mức thặng dư gần 528 triệu USD.

Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ chủ yếu là nhóm hàng máy móc, phụ tùng, thiết bị điện tử, khoáng sản, nông sản. Về phía Ấn Độ, các mặt hàng xuất sang Việt Nam gồm sắt,thép, thức ăn gia súc và nguyên liệu.

Nguồn vốn FDI của Ấn Độ vào Việt Nam cũng tăng đáng kể. Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho thấy, tính lũy kế đến tháng 3-2015, Ấn Độ có 95 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 324 triệu USD và xếp thứ 30/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Quy mô vốn bình quân một dự án của Ấn Độ khoảng 3,4 triệu USD. Hiện nay, Ấn Độ đã đầu tư vào 23 tỉnh thành trên cả nước, với13/18 ngành,trong đó, đa phần các dự án tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 39 dự án.

Thứ ba, về quan hệ an ninh – quốc phòng. Năm 1994, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực này được thiết lập, với việc hai nước ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng. Tuy nhiên, phải đến nửa sau thập niên 1990, nhất là sau khi Ấn Độ thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân (1998), mối quan hệ an ninh,quốc phòng giữa hai nước mới được phát triển, với nhiều chuyến thăm và làm việc lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao quân đội hai nước.Đặc biệt, vào tháng 3-2000, hợp tác an ninh - quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ được nâng lên một bước khi Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ George Fernandes thăm Việt Nam. Hai bên đã ký một số văn bản thỏa thuận về hợp tác ở lĩnh vực quốc phòng. Trong đó, đặc biệt quan trọng là Nghị định thư mới về hợp tác quân sự, bao gồm những nội dung:Thể chế hóa khuôn khổ cho các cuộc đối thoại thường xuyên cấp Bộ trưởng quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ;tiến hành những cuộc đối thoại thường xuyên cấp Bộ trưởng quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ;tiến hành tập trận hải quân chung giữa Ấn Độ và Việt Nam (trong đó có cả lực lượng cảnh sát biển); không quân Ấn Độ đào tạo phi công cho không quân nhân dân Việt Nam(7).

Thời gian qua, hai nước đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại an ninh quốc gia. Đáng chú ý là Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ lần thứ 8 tại TP. Hồ Chí Minh (8-11-2013). Hai bên đã tăng cường các cuộc gặp cấp cao giữa Bộ Quốc phòng hai nước, hợp tác về đào tạo cán bộ, đặc biệt là hợp tác về hải quân, mở rộng hợp tác không quân và thúc đẩy hợp tác phát triển công nghiệp quốc phòng.

Gần đây, sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee (9/2014), Ấn Độ đã dành gói tín dụng 100 triệu USD cho Việt Nam để hiện đại hóa quốc phòng và thắt chặt mối quan hệ hợp tác năng lượng.

Cả Ấn Độ và Việt Nam đều nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)(8). Tại cuộc gặp giữa Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên mong muốn và quyết tâm duy trì hòa bình, ổn định, tăng trưởng và thịnh vượng ở châu Á, trong đó khẳng định: “Việt Nam và Ấn Độ nhất trí tự do hàng hải ở Biển Đông không thể bị cản trở và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”(9).

Cùng với sự phát triển của quan hệ chính trị, kinh tế Việt Nam - Ấn Độ, hợp tác về văn hóa,giáo dục, khoa học kỹ thuật cũng là lĩnh vực ngày càng được hai nước coi trọng.

______________

(1) Trần Thị Lý (chủ biên): Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Cộng hòa Ấn Độ từ 1991 đến 2000, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002, tr. 234.

(2) Phạm Thủy Nguyên: Vài nét về chính sách Hướng Đông của Ấn Độ, Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới, Nxb Từ điển Bách Khoa, Hà Nội, 2012, tr. 197 - 198.

(3) Ấn Độ: Từ “hướng đông” đến “hành động ở phía đông”,http://petrotimes.vn/

(4) Ngô Xuân Bình, Lê Thị Hằng Nga: Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới, đăng trong Thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trong bối cảnh mới, Kỷ yếu hội thảo quốc tế, Nxb Từ điển bách khoa, tr.7.

(5) Lê Tùng – Lê Thế Lâm, Việt Nam - Ấn Độ: Tình thân thiết không thay đổi qua thời gian, http://tapchicongsan.org.vn/

(6) Bước ngoặt lớn trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home

(7) Ngô Xuân Bình, Lê Thị Hằng Nga: Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới, http://vssr.org.vn

(8) Trần Tuấn Minh: Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: Thành tựu và triển vọng, http://lyluanchinhtri.vn.

(9) Ấn Độ dành 100 triệu USD hợp tác quốc phòng với VN, http://vietnamnet.vn

 

PGS, TS Nguyễn Văn Lan

Học viện Chính trị khu vực III

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền