Trang chủ    Quốc tế    Động thái mới trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc dưới thời tổng thống Donand Trump
Thứ tư, 28 Tháng 6 2017 12:56
2172 Lượt xem

Động thái mới trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc dưới thời tổng thống Donand Trump

(LLCT) - Còn quá sớm để nói về tương lai mối quan hệ này trong nhiệm kỳ của Tổng thống D. Trump, nhưng qua nửa năm cầm quyền, có thể thấy chính sách của Mỹ với Trung Quốc đã dần định hình. Đánh giá đúng mối quan hệ giữa hai siêu cường này có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nước nhỏ, trong đó có Việt Nam, nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro, củng cố và tăng cường tốt nhất các lợi ích cho mình ở khu vực và thế giới.

Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới (chiếm hơn 35% GDP toàn cầu), kim ngạch thương mại song phương đạt trên 663 tỷ USD (năm 2016). Có thể nói, bất kỳ vấn đề lớn nào trên thế giới, nếu không có sự hợp tác của hai quốc gia này thì đều khó có thể được giải quyết. Trong hai nhiệm kỳ tổng thống của Barack Obama, hai nước vẫn xác định duy trì một mối quan hệ “hợp tác ổn định và không xung đột”, mặc dù quan hệ giữa hai nước cũng luôn phản ánh sự hợp tác và cạnh tranh ở nhiều cấp độ khác nhau(1).

Ngày 20-1-2017, ông Donand Trump đã tuyên thệ nhậm chức, trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Ngay sau khi đắc cử, ông D. Trump đã có nhiều quyết định làm náo động thế giới. Với chủ trương “America First” (nước Mỹ trước hết), Tổng thống D. Trump đã cho thấy những nét cơ bản về chính sách đối ngoại của mình là chống tự do mậu dịch trong xu thế toàn cầu hóa, cắt giảm các chương trình hợp tác và giúp đỡ quốc tế để gia tăng sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ. Nhưng điều mà dư luận quan tâm hơn cả là chính sách của ông với Trung Quốc sẽ như thế nào, sau những tuyên bố cứng rắn mà ông đưa ra khi tranh cử, như tố cáo Bắc Kinh đã lợi dụng tư cách thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để thi hành chính sách phá hoại kinh tế Mỹ; đe dọa an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, qua việc kiến tạo một hệ thống quân sự khổng lồ ngay giữa Biển Đông, đồng thời chỉ trích Trung Quốc chưa làm đủ mạnh để ngăn chặn CHDCND Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân…

Quanửa năm cầm quyền của ông D. Trump cho thấy, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc đang dần được định hình:

Về chính trị và an ninh - quân sự

Vấn đề Đài Loan: Khi đắc cử Tổng thống, ông D. Trump đã nhiều lần viết trên trang cá nhân Twitter về việc sẵn sàng xem xét lại chính sách “một Trung Quốc” và ngày 3-12-2016, ông đã tạo một sự cố ngoại giao khi nhận điện đàm với bà Thái Anh Văn, lãnh đạo Đài Loan. Hành động này mặc nhiên nhìn nhận bà Thái Anh Văn là Tổng thống Trung Hoa Dân quốc, trái với nguyên tắc “một Trung Quốc” vẫn được các  Tổng thống Mỹ tôn trọng từ năm 1979.

Đài Loan luôn là mộtvấn đề nhạy cảm trong quan hệ Mỹ - Trung, do vậy, hành động của ông D. Trump đã bị Trung Quốc phản ứng gay gắt. Thực chất ý đồ của ông Trump trong chính sách đối với Đài Loan là duy trì hiện trạng do Mỹ định ra, bảo đảm chắc chắn lợi ích của Mỹ ở khu vực này, đồng thời duy trì sự tồn tại lâu dài của Đài Loan với tư cách là quân cờ chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Ngày 20-1-2017,tổng thống Donand Trump đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khẳng định sự ủng hộ lâu dài của Mỹ đối với chính sách "một Trung Quốc". Nhờ đó, đã giúp xoa dịu sự căng thẳng giữa hai nước. Đúng như nhận định của ông John M. Huntsman, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc: “Là một doanh nhân, D. Trump thường sẽ tìm kiếm đòn bẩy trong bất kỳ mối quan hệ nào. Nên nhiều khả năng Tổng thống D.Trump nhìn nhận Đài Loan là một đòn bẩy hữu ích”(2).

Cuộc gặp cấp cao đầu tiên: Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung giữa Tổng thống D. Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 4-2017 tại Florida (Mỹ) được đánh giá “đã diễn ra theo cách tốt nhất có thể”. Theo đó, hai nước sẽ tăng cường kết nối, phối hợp trong các vấn đề quốc tế, khu vực, giải quyết tốt các điểm nóng có liên quan, mở rộng hợp tác để đối phó với các thách thức mang tính toàn cầu, như chống phổ biến vũ khí hạt nhân, chống hoạt động tội phạm xuyên quốc gia…; tăng cường hợp tác trong các cơ chế đa phương, như Liên Hợp quốc, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20)… để cùng duy trì hòa bình, ổn định, thịnh vượng trên thế giới. 

Mặc dù kết quả chưa thật sự rõ ràng, nhưng cuộc gặp này được coi là dấu mốc trong việc định hình quan hệ Mỹ - Trung thông qua việc thiết lập các kênh ngoại giao mới. Kết quả quan trọng nhất về mối quan hệ kinh tế, đó là việc tái cấu trúc vòng đối thoại song phương và thông báo về kế hoạch 100 ngày để giải quyết vấn đề nổi trội thương mại và đầu tư(3). Theo các nhà nghiên cứu, kế hoạch này có thể bao gồm những nhượng bộ của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, từ nông sản đến đầu tư nước ngoài. Nếu những đàm phán này thật sự đem lại những nhượng bộ đáng kể từ Trung Quốc, thì đây sẽ là một chiến thắng quan trọng của Tổng thống D. Trump.

Dù quan hệ Mỹ - Trung còn tồn tại khác biệt, song cả Tổng thống D. Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đều bày tỏ sự tôn trọng lẫn nhau trong cuộc gặp này. Việc cuộc gặp diễn ra khá sớm (chỉ hơn 2 tháng sau khi ông D. Trump nhậm chức) cho thấy mong muốn của cả hai bên trong thúc đẩy đối thoại để cải thiện lòng tin lẫn nhau. 

Vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên: Khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ D. Trump hối thúc Trung Quốc kiềm chế CHDCND Triều Tiên, Ông D. Trump đã đưa ra những phát biểu cứng rắn rằng, nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên thì Mỹ sẽ làm. Đầu tháng 3-2017, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Mỹ và CHDCND Triều Tiên nhượng bộ để hạ nhiệt căng thẳng. Trung Quốc đề nghị Mỹ, Hàn Quốc chấm dứt tập trận thường niên, đổi lại việc CHDCND Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Mỹ - Hàn bác bỏ.

Vào ngày 6-4-2017, Tổng thống D. Trump đã ra lệnh không kích vào Syria, sau khi Mỹ cáo buộc chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đứng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở miền bắc Syria khiến hơn 80 người thiệt mạng. Cuộc tấn công diễn ra ngay trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau đó, ngày 7-4, Ông D. Trump đã ra lệnh tấn công căn cứ quân sự Syria vì “lợi ích an ninh quốc gia thiết yếu của Mỹ nhằm ngăn chặn phổ biến và sử dụng vũ khí hóa học”(4). Các nhà nghiên cứu nhận định, ông D. Trump muốn Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn để ngăn chặn tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên - đồng minh thân cận của Bắc Kinh và động thái tấn công Syria như một lời nhắc nhở đối với Trung Quốc rằng, Mỹ cũng có thể làm điều tương tự với Triều Tiên. Và ngay sau đó, Trung Quốc đã công khai cảnh báo chính quyền Kim Jong un không nên gây phiền toái với Mỹ bằng chương trình vũ khí hạt nhân ở khu vực.

Về cơ chế hợp tác song phương: Trong nhiệm kỳ của Barack Obama, hai nước vẫn duy trì cơ chế Vòng đối thoại Mỹ - Trung hàng năm, bao gồm Đối thoại chiến lược và kinh tế thường niên (S&ED); Tham vấn về giao lưu nhân dân (CPE) và Đối thoại an ninh chiến lược (SDD) được khởi xướng vào năm 2009 nhằm giúp hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xử lý những vấn đề phức tạp trong quan hệ song phương. Nội dung của Đối thoại chiến lược và kinh tế thường niên Mỹ - Trung (S&ED) và Đối thoại an ninh chiến lược (SDD) bao gồm các vấn đề như chính trị, an ninh, kinh tế, đầu tư, an ninh mạng, sở hữu trí tuệ, tình hình CHDCND Triều Tiên và Syria, tranh chấp biển, đảo tại châu Á - Thái Bình Dương, quan hệ quân sự song phương, và biến đổi khí hậu. Trong khi đó, cuộc Tham vấn về giao lưu nhân dân (CPE) hàng năm sẽ thảo luận về các biện pháp thúc đẩy mối quan hệ và giao lưu giữa nhân dân hai nước trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, các vấn đề liên quan tới thể thao, phụ nữ và y tế…

Khi Tổng thống D. Trump lên nắm quyền, hai nước đã nhất trí cơ cấu lại Cuộc đối thoại Chiến lược và Kinh tế (S&ED) trở thành Đối thoại Chiến lược Mỹ - Trung, dựa trên 4 cơ chế đối thoại mới: Đối thoại Ngoại giao và An ninh; Đối thoại kinh tế toàn diện; Đối thoại thực thi Pháp luật và An ninh mạng; Đối thoại Xã hội và Giao lưu nhân dân. Sự khác nhau giữa Đối thoại Chiến lược và Đối thoại Chiến lược và Kinh tế là Đối thoại Chiến lược tạo cơ chế vĩnh viễn về vấn đề an ninh mạng song phương.

Về tranh chấp trên biển

Biển Đông là một trong những vấn đề được đề cập nhiều nhất trong quan hệ Mỹ - Trung mấy năm gần đây và cũng là một trong những vấn đề “dậy sóng” nhất trong quan hệ hai nước. Mỹ nhiều lần công khai chỉ trích hoạt động xây dựng và tôn tạo trái phép đảo nhân tạo của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến tự do, an toàn hàng hải trên Biển Đông, cũng như “đang gây mất an ninh, ổn định” trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trước các hành động của Bắc Kinh, Washington đã tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực này. Theo kế hoạch đến năm 2020, Mỹ sẽ triển khai 60% lực lượng hải quân và không quân tại Thái Bình Dương(5). Những động thái trên của Mỹ khiến “vết nứt” trong quan hệ song phương ngày càng rộng. Gần đây, bàn về vấn đề Biển Đông, êkíp của Donald Trump đề xuất gia tăng số tàu chiến của hải quân Mỹ từ 280 tàu lên 350 để đối phó tốt hơn với các “cuộc tấn công của Trung Quốc” tại Biển Đông. Thượng nghị sỹ John McCain và Nghị sỹ Paul Ryan đã nhiều lần bày tỏ mong muốn Mỹ tăng cường hệ thống đồng minh tại châu Á để đối phó với Trung Quốc(6)

Mặc dù D.Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), song với thực tế đang diễn ra ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khi mà lợi ích của Mỹ còn gắn chặt với khu vực này thì Mỹ sẽ không rời bỏ sự hiện diện ở đây. Tuy nhiên, vì lợi ích nước Mỹ, D. Trump có thể vẫn tiếp tục thực thi chính sách “xoay trục”, nhưng với cách làm mới và phương pháp mới. Vấn đề Biển Đông vẫn sẽ là một trong những trọng tâm trong chính sách “xoay trục” của Mỹ. Sự cạnh tranh chiến lược của Mỹ với Trung Quốc ở Biển Đông sẽ diễn ra trong tình trạng “vừa hợp tác vừa đấu tranh”, nhưng mặt cạnh tranh, đấu tranh sẽ gay gắt hơn.

 Về thương mại - tài chính

Quan hệ thương mại Mỹ - Trung phát triển nhanh chóng nhưng không cân bằng và trải qua nhiều sóng gió. Từ năm 2012, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ (sau Canada), là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ (sau Canada và Mexico) và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Mỹ(7). Đến năm 2016, giá trị thương mại hàng hóa hai bên đạt khoảng 578,6 tỷ USD(8). Bước vào quý I của năm 2017, thặng dư thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc tăng 1,2 % so với cùng kỳ năm 2016, đạt 78,8 tỷ USD, xuất khẩu của Mỹ trong quý I tăng mạnh, tăng 17 % so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa hai nước cũng nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Tổng thống D. Trump đã cáo buộc Trung Quốc cố tình giảm giá để làm cho xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đắt hơn, và làm cho hàng nhập khẩu của Trung Quốc sang Mỹ rẻ hơn(9). Ông cáo buộc Trung Quốc bán phá giá tại Mỹ, làm hại cho ngành công nghiệp Mỹ.

Từ khi Trung Quốc gia nhập WTO (2001), Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) thường xuyên cáo buộc Chính phủ Trung Quốc không tuân thủ nghĩa vụ của thành viên WTO về báo cáo các khoản trợ cấp cho WTO. Tháng 4-2017, Mỹ cùng với EU tiếp tục đối đầu với trợ cấp thép của Trung Quốc, phát hiện khoản trợ cấp hơn 1 tỷ USD cho Công ty sắt và thép Hà Bắc, Công ty thép Shougang, Công ty thép Trùng Khánh và Công ty sắt và thép Bảo Sơn trong giai đoạn 2011-2014.

Tổng thống D. Trump cũng đã chỉ đạo thực hiện cuộc điều tra để xem xét liệu thép nhập khẩu có phải là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia hay không. Nếu Bộ Công thương Mỹ xác định điều này, Tổng thống D. Trump có thể “điều chỉnh nhập khẩu” bằng cách áp các biện pháp thương mại như thuế nhập khẩu và hạn ngạch(10). Mỹ cáo buộc Chính phủ Trung Quốc cung cấp viện trợ tài chính và đầu vào giá rẻ cho các nhà sản xuất thép chủ lực, do đó thay thế, cản trở nhập khẩu thép của Mỹ vào thị trường Trung Quốc và toàn cầu, ngăn cản giá cả toàn cầu và tăng thị phần của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu.

Kế hoạch về lịch trình 100 ngày cho việc giải quyết các vấn đề về thương mại và đầu tư giữa hai nước được đề xuất bởi Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp với Tổng thống D. Trump tại Florida (Mỹ) tháng 4-2017. Tuy nhiên, cho đến nay, cả hai bên vẫn chưa có tiến triển gì.

 Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, “đùa giỡn” với thương mại quốc tế. Trong thông báo tháng 4-2017, Bộ Ngân khố Mỹ kết luận rằng Trung Quốc mới chỉ thỏa mãn 1 trong 3 điều kiện đối với hành vi thao túng tiền tệ là thâm hụt thương mại song phương đạt mức 20 tỷ USD hoặc hơn. Trong khi đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc suy yếu hơn đồng USD và các đồng tiền khác, Bộ Ngân khố Mỹ cho rằng, Trung Quốc đã có các bước đáng kể để can thiệp vào thị trường tiền tệ để tăng giá trị của đồng tiền nước này, đã chi một khoản ước tính là 435 tỷ USD trong năm 2016 để hạn chế tình trạng mất giá đồng tiền của mình. Trước khi bản báo cáo được đưa ra, Tổng thống D. Trump cũng nói với tờ Wall Street Journal, ông quyết định không coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ do thực tế Trung Quốc không thao túng và bởi ông không muốn gây hấn với Bắc Kinh trong cuộc thảo luận giữa hai nước nhằm giải quyết vấn đề CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, Bộ Ngân khố Mỹ vẫn giữ nguyên quan điểm của mình và cho rằng, trong quá khứ Trung Quốc thường xuyên can thiệp để làm suy yếu đồng tiền của mình, tạo ra sự chuyển hướng thương mại khiến cho công nhân và các công ty Mỹ gặp “khó khăn lớn lâu dài”. Bộ Ngân khố Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục giám sát các chính sách của Trung Quốc gây hạn chế khả năng tiếp cận thị trường đối với các nhà xuất khẩu Mỹ và tiến trình chậm trong việc giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc(11).

Nhiều chuyên gia quốc tế đã nhận định, quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Donald Trump sẽ có xu hướng căng thẳng hơn và cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia có tiềm lực kinh tế đứng đầu thế giới có thể xảy ra với mức độ khó lường. Nhà phân tích G. Rachman viết trên tờ Financial Times (Anh) số đầu năm 2017: "Khả năng xung khắc giữa chủ nghĩa dân tộc Mỹ và Trung Quốc tại vùng Thái Bình Dương có vẻ tăng lên kể từ khi ông Donald Trump thắng cử".

Hợp tác và cạnh tranh sẽ luôn luôn là hai mặt song song tồn tại trong quan hệ giữa các quốc gia, đặc biệt là giữa hai siêu cường Mỹ - Trung. Có thể thấy, với chủ trương “Nước Mỹ trước hết” (America First), Tổng thốngDonald Trump chắc chắn sẽ lấy lý do “an ninh quốc gia” làm “vũ khí” để tiến hành xem xét nghiêm khắc hơn đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, với tư duy kinh tế hoá chính trị đã được xem là nền tảng trong quan hệ Mỹ - Trung, thì kể cả an ninh, quốc phòng đều có thể được Tổng thống D. Trump đặt lên bàn thương lượng vì lợi ích “nước Mỹ là số một”. Mọi xung đột vốn có trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đều có thể được hóa giải dựa vào nguyên tắc nêu trên. Đây chính là sự khác biệt trong quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Trump so với các chính quyền tiền nhiệm. Điều khó dự đoán là ông Trump sẽ làm gì để đặt Trung Quốc "vừa là đối tác vừa là đối thủ”, tức là quan hệ Mỹ - Trung dưới sự dẫn dắt của Washington!?(12)

___________________________

(1) Assessing U.S.-China relations under the Obama administration, https://www.brookings.edu/opinions/assessing-u-s-china-relations-under-the-obama-administration/

(2) Đài Loan có thể là con bài chiến lược Trump ngăn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Dai-Loan-co-the-la-con-bai-chien-luoc-Trump-ngan-Trung-Quoc-doc-chiem-Bien-Dong-post172950.gd

(3) U.S. - China Economic and Security Review Commission, May 2017 Trade Bulletin,p.5.

(4) Tổng thống Trump lên tiếng sau khi Mỹ trút "mưa" tên lửa vào Syria, http://dantri.com.vn/the-gioi/tong-thong-trump-len-tieng-sau-khi-my-trut-mua-ten-lua-vao-syria-20170407094012174.htm

(5) The U.S. military pivot to Asia: when bases are not bases, http://www.reuters.com/article/us-usa-asia-military-idUSBRE8AD05Y20121114

(6) Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp (2017), Quan hệ Mỹ-Trung sẽ như thế nào dưới thời Donald Trump? http://nghiencuubiendong.vn/quan-h-quc-t/6419-quan-he-my-trung-se-nhu-the-nao-duo-thoi-donald-trump

(7) Trần Minh Nguyệt, Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung Quốc, ‎Tạp chí khoa học Xã hội Việt Nam, số 7, 2015, http://vjol.info.vn/index.php/khxhvn/article/view/22743

(8) Trade in Goods with China, https://www.census.gov/foreign-trade/balance/c5700.html#2016

(9) T Worstall. Trump's Right, China Is A Currency Manipulator - But They're Manipulating The Yuan Up, Forbes, Nov 13, 2016.

(10), (11) U.S. - China Economic and Security Review Commission, May 2017 Trade Bulletin,p.10, 11.

(12) Nguyễn Nhâm, Dần định hình chính sách trong quan hệ Mỹ - Trung?, http://dangcongsan.vn/quoc-te/tin-tuc/bai-3-dan-dinh-hinh-chinh-sach-trong-quan-he-my-trung-431747.html

TS Mai Hoài Anh

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền