Trang chủ    Quốc tế    Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) sau một phần tư thế kỷ
Thứ hai, 10 Tháng 7 2017 17:47
7918 Lượt xem

Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) sau một phần tư thế kỷ

(LLCT) - Do nhiều nguyên nhân xuất phát từ bên trong và bên ngoài SNG, từ 12 thành viên ban đầu, hiện nay SNG chỉ còn 9 thành viên chính thức. Turmenistan vì muốn giữ vị thế quốc gia trung lập đã rời bỏ vị thế thành viên chính thức để chỉ là thành viên liên kết trong SNG; Grudia và Ucraina, do nhiều nguyên nhân và những tác động từ nhiều phía đã rút khỏi SNG (Grudia năm 2009, Ucraina năm 2014).

1. Những kết quả rất tích cực

Trước hết, sự ra đời SNG và việc thông qua Hiến chương SNG cùng các nguyên tắc hoạt động, mục tiêu, nhiệm vụ của Cộng đồng đã giúp tránh được những hậu quả có thể xảy ra bởi sự đổ vỡ của Liên Xô. Liên Xô không chỉ là 1 trong 2 siêu cường thế giới mà còn “gần như là một châu lục”. Đất nước này trải dài từ Âu sang Á qua 11 múi giờ và có hàng trăm dân tộc lớn nhỏ khác nhau về kinh tế, văn hóa, lịch sử, truyền thống nên sự giải thể của nó ắt sẽ để lại những hậu quả thảm khốc. Trước khi ký văn bản chấm dứt sự tồn tại của Liên Xô, 3 nhà lãnh đạo 3 nước Nga, Ucraina, Belarus đã lường trước những hậu quả có thể xảy ra khi Liên Xô giải thể, do đó đã ký tiếp Hiệp ước thành lập SNG (8-12-1991). Ngày 21-12-1991, 8 nước thành viên khác của Liên Xô (Azerbaijan, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Tajikistan, Turmenistan, Uzbekistan) ký hiệp ước tham gia SNG. Năm 1993, Grudia gia nhập SNG, nâng số thành viên SNG lên 12/15 nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Ba nước vùng Bantic (Estonia, Litva, Latvia) không tham gia SNG, hiện cả ba đều là thành viên của EU và NATO.

Nhìn lại những biến động phức tạp của tình hình chính trị thế giới, Liên Xô, các nước Trung, Đông Âu, Nam Tư cũ thập kỷ 80-90 thế kỷ XX càng thấy rõ giá trị của sự ra đời SNG trong giai đoạn thay đổi địa - chính trị quy mô toàn cầu này. Tại Hội nghị thượng đỉnh SNG ở Thủ đô Biskek (Kyrgyzstan) ngày 17-9-2016, Tổng thống Tajikistan E. Ramon đánh giá: “Trong một phần tư thế kỷ qua, SNG đã để lại dấu ấn của mình vào đời sống kinh tế -  xã hội của các nước thành viên thông qua sự hợp tác cùng có lợi trong tất cả các lĩnh vực”; Tổng thống Belarus A. Lukasenko nhận định: “SNG đã hoàn thành mục đích của nó - tạo ra một môi trường thống nhất cho hợp tác đa phương của các quốc gia thành viên. Trong một phần tư thế kỷ hợp tác với nhau, chúng ta đã tạo ra một cơ sở pháp lý rộng lớn, thực hiện được nhiều công việc khó khăn về phát triển hợp tác trên nhiều lĩnh vực...”(1).

Thứ hai, SNG góp phần duy trì an ninh các nước thành viên.Sự giải thể của Liên Xô, can thiệp của các thế lực phương Tây vào khu vực đã làm gia tăng các mối đe doạ an ninh truyền thống và phi truyền thống trên nhiều lĩnh vực trong các nước thành viên của Liên bang Xô viết trước đây. Trước tình hình đó, SNG đã cho ra đời một số cơ chế hợp tác về quân sự, an ninh, xây dựng nền tảng luật pháp liên quốc gia trong việc chống khủng bố, tội phạm, buôn lậu ma tuý, tội phạm kinh tế, buôn người, xâm phạm bản quyền và các loại tội phạm khác. SNG đã đạt được những thành công nhất định trong việc đối phó với đe doạ an ninh phi truyền thống. Hoạt động hợp tác xuyên suốt giữa các nước SNG từ khi thành lập là chống tội phạm, chống khủng bố quốc gia và quốc tế, giải quyết vấn đề di dân bất hợp pháp, chống rửa tiền và ngăn chặn việc cung cấp tài chính cho các tổ chức khủng bố.

Ngay sau khi SNG thành lập, 6 nước Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan đã ký Hiệp ước an ninh tập thể (DKB) năm 1992 và Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (ODKB)năm 2002, thực hiện cácquy chế quan sát viên tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc và được Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) công nhận. Trong 25 năm qua, ODKB hoạt động khá hiệu quả, đạt nhiều thành công trong việc gìn giữ hòa bình, bảo vệ môi trường kinh tế, bảo vệ lãnh thổ, chống di cư bất hợp pháp, chống buôn bán ma túy, chống khủng bố,... trong SNG.

Thứ ba, điều chỉnh cơ chế hợp tác kinh tế - thương mại trong khuôn khổ SNG. SNG đã xây dựng khá nhiều cơ chế, hình thức hợp tác kinh tế - thương mại như Cộng đồng kinh tế Á - Âu (1995), Không gian kinh tế thống nhất (2003), Liên minh hải quan (2007). Đặc biệt, với mục tiêu hình thành khu vực thương mại tự do theo các nguyên tắc, quy tắc của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Tại cuộc gặp của 11 Thủ tướng chính phủ các nước SNG (10-2011), Hiệp định về khu vực thương mại tự do trong khuôn khổ SNG được ký kết.

Ngày 29-5-2014, Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) ra đời (xuất phát từ ý tưởng của Thủ tướng Nga V. Putin) trên cơ sở tham gia tự nguyện của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. Nga, Belarus, Kazakhstan là các thành viên sáng lập, sau đó 2 nước Armenia và Kyrgyzstan cũng  tham gia. Sự ra đời EAEU đã mở ra giai đoạn mới trong liên kết nội bộ các nền kinh tế trong SNG và SNG với thế giới. Theo Tổng thống Belarus A.Lukasenko, “việc ký Hiệp ước về EAEU không phải là bước cuối cùng, mà là sự bắt đầu của quá trình nghiêm túc theo hướng tiếp tục phát triển và làm sâu sắc thêm liên kết Á - Âu... Chúng tôi tin rằng liên minh kinh tế sẽ trở thành cơ sở của sự thống nhất về chính trị, quân sự và xã hội trong tương lai”(2).

EAEU là liên minh kinh tế được xây dựng theo khuôn mẫu EU, thể hiện trong việc EAEU ký Hiệp định về tự do thương mại (FTA) đầu tiên với Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 5-10-2016); đàm phán FTA với Israel; chuẩn bị các vấn đề cho việc ký FTA với Ấn Độ, Iran, Ai Cập và các liên minh kinh tế khác: Indonesia, Malaisia, Singapore. Điều này thúc đẩy quá trình hội nhập, đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm, hứa hẹn mang lại thịnh vượng cho nhân dân các nước SNG. Những hoạt động của EAEU thời gian qua đã tạo động lực mạnh mẽ cho các nước thành viên trong việc thực hiện mục tiêu hiện đại hóa và nâng cao vị thế nền kinh tế thế giới.

Ngoài ra, việc Nga, Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Trung Quốc thành lập SCO - (tổ chức ngày càng có vai trò và vị thế quan trọng tại lục địa Âu - Á) cũng là một trong những thành công của Nga và các nước Trung Á trong việc duy trì cục diện hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.

2. Những hạn chế

Nhìn tổng thể, SNG chưa đáp ứng được mong đợi của nhân dân, lãnh đạo các nước thành viên và các nước bạn bè truyền thống trên thế giới. Nguyên nhân chính là do trong suốt 25 năm qua, tổ chức này thường xuyên đối mặt với rất nhiều nhân tố cản trở, gặp nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, từ bên ngoài và bên trong, đặc biệt là có khá nhiều thế lực bên ngoài đã và đang triển khai cuộc chiến lôi kéo các nước thành viên SNG về phía họ. Trong đó, thể hiện rõ nhất là Mỹ, các nước Tây Âu, EU và NATO đang ra sức tác động đến đường hướng vận động của các nước SNG trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, quân sự, an ninh, kinh tế, thương mại. Cho đến nay, Mỹ và nhiều nước Tây Âu vẫn lo ngại Nga sẽ nổi lên thành một “đế chế mới” trong không gian “hậu Xô viết”, làm tổn hại đến lợi ích nhiều mặt của họ. Vì vậy, các nước này đã và đang tìm mọi cách cản trở Nga thúc đẩy quá trình liên kết SNG. Chính sự can thiệp của các nước phương Tây đã thúc đẩy sự phân hoá SNG, đáng chú ý nhất là trường hợp Grudia và Ukraina. Cộng đồng quốc tế không thể quên các cuộc “cách mạng sắc màu” được Mỹ và các nước phương Tây đạo diễn ở Grudia (2003) và Ucraina (2005, 2013), ở Kyrgyzstan (2005). Những năm gần đây, các nước này triển khai cuộc chiến cấm vận kinh tế bao vây, cô lập Nga trên trường quốc tế, tạo nguy cơ xảy ra một cuộc “Chiến tranh lạnh” mới. 

Do nhiều nguyên nhân xuất phát từ bên trong và bên ngoài SNG, từ 12 thành viên ban đầu, hiện nay SNG chỉ còn 9 thành viên chính thức. Turmenistan vì muốn giữ vị thế quốc gia trung lập đã rời bỏ vị thế thành viên chính thức để chỉ là thành viên liên kết trong SNG; Grudia và Ucraina, do nhiều nguyên nhân và những tác động từ nhiều phía đã rút khỏi SNG (Grudia năm 2009, Ucraina năm 2014).

Trên lĩnh vực chính trị, SNG chưa tạo dựng được sự tin cậy thực sự giữa các nước thành viên nên một số nước SNG hoặc là chưa “toàn tâm, toàn ý” với Cộng đồng; hoặc có ý muốn thoát khỏi “vòng ảnh hưởng” của Nga, nghiêng về Mỹ và các nước phương Tây; hoặc đồng thời tham gia các cơ chế, diễn đàn của EU. Nhìn lại một phần tư thế kỷ tồn tại của SNG, không những người ta chưa thấy những tiến triển gì thật đáng kể của SNG trên lĩnh vực chính trị, mà dường như SNG đang lâm vào khủng hoảng, nhất là sau sự ra đi của Ucraina.

Trên lĩnh vực quân sự - an ninh, xu thế phân liệt, chia rẽ cũng bộc lộ trong SNG. Một số nước bắt đầu điều chỉnh cơ cấu quân sự của mình theo các tiêu chuẩn của NATO, tham gia từng phần vào các cơ chế của NATO, thí dụ như tham gia chương trình Đối tác vì hoà bình của NATO. 

Trên lĩnh vực kinh tế, ngoại trừ EAEU khá thành công (nhưng hiện mới chỉ có 5 nước SNG tham gia), còn tiến trình liên kết kinh tế trong phạm vi toàn SNG diễn ra chậm, hiệu quả chưa cao. Dù các nước SNG đã ký với nhau rất nhiều văn bản thỏa thuận hợp tác, liên kết kinh tế với các dạng thức khác nhau, song trên thực tế, các điều khoản của những văn bản, hiệp định này chưa bao giờ được thực hiện đầy đủ.

Triển vọng nào cho SNG?

Căn cứ vào thực trạng SNG (bao gồm Nga và các nước thành viên, ODKB, EAEU) và những biến chuyển có thể xảy ra ở Mỹ, các quốc gia, các tổ chức quốc tế trên lục địa Âu - Á và tình hình thế giới, có thể dự báo xu hướng vận động của SNG như sau:

Trước hết, về tổng thể, SNG khó có nhiều thay đổi về số lượng thành viên và chất lượng liên kết. Để thay đổi theo hướng liên kết chặt chẽ, mang lại hiệu quả thực sự, SNG cần những dự án chính trị mới, có tầm cỡ và nguồn lực tập trung cho từng dự án, tuy nhiên những điều ấy chưa thấy xuất hiện trong các kỳ họp nguyên thủ quốc gia và Thủ tướng chính phủ SNG gần đây. Nghĩa là trong tương lai gần, SNG sẽ không giải thể nhưng cũng khó có những bước tiến mang tính đột phá. Mặc dù vậy, chắc chắn SNG sẽ có những cải cách, đổi mới để nâng cao hơn hiệu quả hợp tác, liên kết, thích ứng với những điều kiện mới và xử lý tốt những thách thức và đe dọa mới. Điều này đã được khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh SNG ở Thủ đô Biskek
(Kyrgyzstan) ngày 17-9-2016.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng xảy ra 1 trong 2 kịch bản khác cho triển vọng SNG như sau: Thứ nhất, số thành viên SNG sẽ tăng lên; Thứ hai, số thành viên SNG sẽ giảm xuống, kịch bản nào sẽ xảy ra phụ thuộc chủ yếu vào Nga và cục diện đại lục địa Âu - Á trong tương lai gần. Nếu Nga cải thiện rõ rệt quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây, từ đó thoát khỏi tình trạng bị các nước này cấm vận kinh tế và bao vây, cô lập và nếu Siri tái lập hòa bình sẽ nâng cao vai trò, vị thế của Nga thì SNG có thể xảy ra kịch bản thứ nhất. Nghĩa là các nước SNG khác có thể sẽ công nhận Nam Osetia và Apkhadia, đồng ý kết nạp 2 nước này vào SNG, theo đó chất lượng liên kết SNG được nâng lên. Ngược lại, nếu Nga vì những nguyên nhân bên trong và bên ngoài mà suy giảm thực lực, từ đó vai trò, vị thế suy giảm thì rất có thể xảy ra kịch bản thứ hai, nghĩa là thành viên SNG không những không tăng thêm mà có thành viên còn muốn rút khỏi SNG.

Thứ hai, ODKB vẫn tiếp tục là cơ cấu liên kết hiệu quả của các nước SNG trên lĩnh vực quân sự - an ninh. Do đó, vị thế, vai trò của ODKB trên lục địa Âu - Á trong tương lai (tuy không thể so sánh với NATO) nhưng sẽ tăng lên.

Thứ ba, EAEU sẽ ngày càng mở rộng số lượng thành viên và ký nhiều hơn các FTA với các nước khác trên lục địa Âu - Á, các nước, các tổ chức quốc tế trên thế giới. Một trung tâm kinh tế hùng mạnh sẽ được hình thành trong không gian “hậu Xô viết”, một cầu nối các nền kinh tế Đông - Tây trong tương lai. Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng Liên minh kinh tế Âu - Á sẽ phát triển thành Liên minh Âu - Á, từ đó có thể tạo nên một đối trọng với EU. Trong tương lai gần, Nga sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt, định hướng cho cả ODKB và EAEU.

Như vậy, tất cả các nước SNG đều mong muốn hướng tới sự thịnh vượng chung nên cần hợp tác sâu rộng trên nhiều mặt, tìm ra biện pháp nâng cao hiệu quả các cơ quan liên ngành, phát triển và thúc đẩy các dự án hợp tác đa phương có thể sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả các nước tham gia Khu vực thương mại tự do trong khuôn khổ SNG.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2016

(1), (2) Hồ sơ Sự kiện, Chuyên san của Tạp chí Cộng sản, số 336, tr.14-15.

 

PGS, TS Hà Mỹ Hương

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền