Trang chủ    Quốc tế    Vị trí chiến lược của Biển Đông và Việt Nam trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ
Thứ ba, 22 Tháng 8 2017 10:36
4264 Lượt xem

Vị trí chiến lược của Biển Đông và Việt Nam trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ

(LLCT) - Chiến lược hướng Đông của Ấn Độ được thực thi từ năm 2014, khi Thủ tướng Narendra Modi quyết định đổi tên “Chính sách hướng Đông” (1992)(1) thành “Hành động hướng Đông” nhằm đạt được một trong ba mục tiêu đối ngoại của Ấn Độ là mở rộng ảnh hưởng ra khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó, Biển Đông và Việt Nam là các nhân tố có liên quan trực tiếp.

Thứ nhất, vị trí chiến lược của Biển Đông và Việt Nam tác động đến chính sách và hoạt động thương mại hướng Đông của Ấn Độ

Xét từ góc độ địa thế và hình dáng lãnh thổ đất nước, có thể thấy trên bản đồ địa chính trị khu vực,Việt Nam có một vị trí chiến lược quan trọng, như một cầu nối hai vùng kinh tế biển và kinh tế lục địa của châu Á. Việt Nam là cửa giao thương với các nền kinh tế biển khu vực, đồng thời cũng là cửa đi vào hệ thống giao thông đường bộ trên đất liền của các quốc gia Đông Nam Á và châu Á. Với không gian biên giới đất liền và biển dài và hẹp, Việt Nam dễ dàng kết nối với biển Hoa Đông (Đông Bắc Á) và với vùng Viễn Đông của Nga. Đồng thời từ Việt Nam qua Campuchia, Thái Lan, Myanma, Bangladesh bằng đường bộ, có thể tiếp cận vùng Nam Á.

Biển Đông là một trong những khu vực hội tụ nhiều mâu thuẫn căng thẳng về kinh tế, chính trị, thu hút sự quan tâm không chỉ của các nước trong khu vực Đông Nam Á, mà còn của hầu hết các nước lớn trên thế giới. Đây là một khu vực có vị trí quan trọng cả về tài nguyên biển, hàng hải quốc tế và là một trong những nơi có nguy cơ xảy ra xung đột, có thể coi là một “điểm nóng” tiềm tàng về an ninh và ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hiện nay, thương mại và các mối liên kết kinh tế của Ấn Độ ở Thái Bình Dương đang trở nên ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc hơn. Tham gia vào khu vực này, Ấn Độ nhằm bảo đảm an toàn hàng hải cho hàng hóa thương mại của mình khi đi qua khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Biển Đông. Nếu như trước đây Ấn Độ thường đóng vai trò là quan sát viên trong các vấn đề tranh chấp quốc tế, đặc biệt những nơi nằm ngoài “lợi ích cốt lõi” truyền thống của mình (vốn là Nam Á và Ấn Độ Dương) thì hiện nay, Ấn Độ quan tâm nhiều hơn về các vấn đề quốc tế, trong đó đặc biệt quan tâm vấn đề thương mại đường biển tại Biển Đông. Theo các nhà chiến lược Ấn Độ, “con đường hình vòng cung trên biển nối liền từ vịnh Ba Tư ngang qua eo biển Malacca đến biển Nhật Bản tương đương với một “con đường tơ lụa trên biển”... Thương mại của tuyến đường này đạt đến con số 180 tỉ USD”(2). Hiện nay, khoảng 70% giá trị thương mại và hơn 90% khối lượng thương mại của Ấn Độ được vận chuyển bằng đường biển.

Thương mại đường biển của Ấn Độ chủ yếu tập trung ở hai hướng: phía Tây kéo đến khu vực Trung Đông, phía Đông qua eo biển Malacca. Như vậy con đường phía đông buộc Ấn Độ phải qua các eo biển ở Đông Nam Á, qua quần đảo Trường Sa của Việt Nam, các hải cảng của Việt Nam và một số nước Đông Nam Á. Gần 55% tổng lượng hàng hóa trung chuyển của Ấn Độ được chuyên chở qua eo biển Malacca, qua Biển Đông để tiếp tục tới các nước Đông Bắc Á hay Mỹ hoặc các điểm quan trọng khác. Thương mại Ấn Độ - ASEAN đã tăng gấp 10 lần trong thập kỷ qua. Lợi ích này lại càng gia tăng hơn nữa khi Ấn Độ và ASEAN đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2015 - 2016(3). Do đó, lợi ích thương mại biển ngày càng được nhắc đến trong chính sách và hành động hướng Đông của Ấn Độ.

Rõ ràng, tuyến thương mại qua Biển Đông có vai trò quyết định đến sức mạnh nền kinh tế của Ấn Độ. Bất cứ cuộc xung đột nào tại Biển Đông đều đe dọa an ninh cũng như tự do hàng hải trong khu vực và quốc tế, tới lợi ích kinh tế và chiến lược của Ấn Độ tại khu vực này. Trong bối cảnh những thách thức nổi lên trong khu vực, New Delhi nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của khu vực Đông Nam Á, cũng như thịnh vượng của Ấn Độ chủ yếu phụ thuộc vào thương mại hàng hải vì các tuyến đường bộ từ tiểu lục địa Ấn Độ ít thuận lợi hơn. Ngoại trưởng Ấn Độ, S.Krishna từng tuyên bố, Biển Đông là “tài sản của thế giới” và phải tự do cho thương mại phát triển. Do đó, bảo vệ các tuyến đường biển là điều tối cần thiết đối với sự phát triển của Ấn Độ. Một tuyến hàng hải an ninh và an toàn có tầm quan trọng đối với sự phát triển công nghiệp, phát triển thương mại và cấu trúc chính trị ổn định của Ấn Độ. An ninh biển trở thành thành tố quan trọng trong nghị trình đối thoại giữa Ấn Độ và các nước trong khu vực hiện nay.

Thứ hai, vị trí chiến lược của Biển Đông và Việt Nam tác động đến chính sách năng lượng hướng đông của Ấn Độ

Biển Đông được coi là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Các khu vực thềm lục địa có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng Bruney - Saba, Sarawak, Malay, Pattani Thái, Nam Côn Sơn, Mê Công, Sông Hồng, cửa sông Châu Giang. Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, lượng dự trữ dầu đã được kiểm chứng ở Biển Đông là 7 tỷ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày. Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỷ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng. Với trữ lượng này và sản lượng khai thác có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm, duy trì trong 15 - 20 năm. Hiện nay, hầu hết các nước trong khu vực đều là những nước khai thác và sản xuất dầu khí từ biển như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan... Ngoài ra, theo các chuyên gia Nga thì khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa (Việt Nam) còn chứa đựng tài nguyên khí đốt đóng băng (băng cháy), đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần. Tiềm năng dầu khí chưa được khai thác là một nhân tố quan trọng làm tăng thêm các yêu sách chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển quanh hai quần đảo.

Việt Nam là quốc gia ven biển. Vì vậy, nguồn tài nguyên phong phú, trong đó tài nguyên dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc gia.Tại vùng biển và thềm lục địa Việt Nam đã xác định nhiều bể trầm tích có triển vọng dầu khí, trong đó các bể trầm tích Cửu Long và Nam Côn Sơn được đánh giá có triển vọng dầu khí lớn nhất, điều kiện khai thác tương đối thuận lợi. Tổng trữ lượng dự báo địa chất về dầu khí của toàn thềm lục địa Việt Nam đạt xấp xỉ 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác khoảng 2 tỷ tấn và trữ lượng dự báo của khí khoảng 1.000 tỷ mét khối(4). Các khu vực có tiềm năng dầu khí còn lại chưa khai thác là khu vực thềm lục địa ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và bờ biển miền Trung, khu vực thềm lục địa Tư Chính.

Ấn Độ đang gặp thách thức ngày càng lớn về an ninh năng lượng. Nhận thức được tiềm năng về tài nguyên dầu khí của Việt Nam, Ấn Độ đã xây dựng các dự án hợp tác năng lượng với Việt Nam. Các dự án hợp tác dầu khí giữa công ty dầu khí quốc gia của Ấn Độ (OVL) và Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã được triển khai.Thậm chí, VOL còn nhắm đến các dự án liên doanh ở Bắc cực với Rosneft của Nga. Nếu giành được dự án này, Ấn Độ sẽ phải vận chuyển dầu qua Biển Đông vì đây là tuyến đường ngắn nhất từ Bắc cực về Ấn Độ.

Thứ ba, vị trí chiến lược của Biển Đông và Việt Nam tác động đến chính sách và hành động quốc phòng hướng Đông của Ấn Độ

Những nguy cơ xung đột lãnh thổ ở Biển Đông đe dọa tương lai các mối quan hệ kinh tế của Ấn Độ, dẫn đến việc New Delhi có một cách tiếp cận lấy an ninh làm trọng tâm. Ấn Độ tăng cường triển khai đối ngoại hải quân với các nước khu vực Thái Bình Dương, trong đó chú trọng các nước Đông Nam Á và Việt Nam. Ấn Độ coi sự hiện diện của lực lượng hải quân Ấn Độ ở khu vực này là nhân tố gìn giữ hòa bình và ổn định, tạo thuận lợi để Ấn Độ xây dựng, ký kết các thỏa thuận quốc phòng, mở rộng quan hệ quân sự với các nước trong khu vực, nhằm tăng lợi thế trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc.

Năm 2000, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ G.Fernandes đề cập đến Biển Đông như là điểm cực Đông trong hành trình chiến lược của Hải quân Ấn Độ tại Ấn Độ Dương. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, Jashwant Sinha, trong bài phát biểu tại Đại học Harvard (Mỹ - 2003), Biển Đông thuộc phạm vi khái niệm “láng giềng mở rộng” về phía Đông trong chính sách hướng Đông.

Ấn Độ coi trọng quan hệ với các nước Đông Nam Á thông qua chính sách hướng Đông để từng bước hòa nhập vào cấu trúc an ninh ở Đông Nam Á. Tại Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN lần thứ nhất (2002), Ấn Độ chủ trương mở rộng quan hệ với các nước Đông Nam Á và đưa ra chính sách mở rộng hợp tác sang cả lĩnh vực an ninh, bao gồm các hoạt động chung để bảo vệ các tuyến đường biển và chống khủng bố. Bên cạnh đó, “Học thuyết hải quân của Ấn Độ - 2007” với tiêu đề: “Tự do sử dụng các vùng biển: Chiến lược quân sự biển của Ấn Độ” đã xác định phạm vi lợi ích của Ấn Độ là trải dài từ phía Bắc vùng biển Ả rập xuống tới Biển Đông của Việt Nam, tức là khu vực trùng với Ấn - Thái Bình Dương”(5).

Trong cơ chế đối thoại của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Ấn Độ cũng tham gia và từng bước khẳng định trách nhiệm đối với an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đồng thời, nhấn mạnh yêu cầu phải cùng nhau giải quyết an ninh các tuyến đường giao thông trên biển và nạn cướp biển, nhất là ở Biển Đông. Năm 2012, Hội nghị Thượng đỉnh kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Độ đã được tổ chức tại New Delhi, đánh dấu 2 thập kỷ chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ. Các mối quan hệ thương mại gia tăng tương xứng với việc mở rộng mối quan hệ trong các lĩnh vực quốc phòng và an ninh; sự can dự chủ yếu về chính trị và kinh tế đã đạt được nội dung chiến lược trong những năm gần đây. Ấn Độ và các nước trong khu vực có chung nhiều mối đe dọa và thách thức, đặc biệt là trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á đã và đang tăng cường mối quan hệ quốc phòng và an ninh ở cả cấp song phương lẫn đa phương. Hợp tác quốc phòng với các nước thành viên ASEAN chủ yếu hướng tới việc trao đổi các chuyến thăm cấp cao, những đối thoại chiến lược, những chuyến thăm cảng, trao đổi đào tạo, các cuộc tập trận chung và điều khoản về trang thiết bị quốc phòng. Bên cạnh đó, thông qua hành động và khả năng đã được chứng minh của hải quân trong việc xử lý các thảm họa thiên nhiên như sóng thần tại Ấn Độ Dương, Ấn Độ từng bước tham gia lớn hơn trong các vấn đề của khu vực Đông Nam Á và Đông Á. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - 24 (2014), Thủ tướng N.Modi bày tỏ quan điểm, “Trong một thế giới toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau, không có lựa chọn nào khác là tuân theo luật pháp và chuẩn mực quốc tế. Điều này cũng áp dụng cho an ninh hàng hải. Vì lý do đó, tại Biển Đông cũng thế, tuân thủ luật pháp và chuẩn mực quốc tế là điều quan trọng đối với hòa bình và ổn định”(6). Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ lần thứ 13 (11-2015) và trong bài diễn thuyết trước công chúng Singapore, Thủ tướng Modi đã đề cập đến xung đột Biển Đông, ông cho rằng, cần có một cơ chế có thể tăng cường sự hợp tác về an ninh biển, chống cướp biển, cứu trợ nhân đạo và thảm họa; đồng thời bày tỏ thái độ ủng hộ các nước ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông với Trung Quốc.

Trong cơ chế đối thoại Đông Á, Ấn Độ cũng là thành viên sáng lập Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS - 2005) và đã thể hiện rõ vai trò của mình trong khu vực. Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (2015), người đứng đầu Chính phủ Ấn Độ đã kêu gọi xây dựng EAS thành diễn đàn chủ chốt để định hình một cấu trúc khu vực toàn diện, cân bằng, rõ ràng và rộng mở về an ninh và hợp tác trong khu vực Ấn - Á - Thái Bình Dương. Thủ tướng Modi đã yêu cầu các nước liên quan tại Biển Đông tôn trọng tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được chấp nhận, bao gồm Công ước Luật biển của Liên Hợp quốc (UNCLOS) năm 1982; tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình; tất cả các bên liên quan tranh chấp ở Biển Đông tuân thủ các nguyên tắc thực thi Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực để sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận.

Trong một văn bản về tầm nhìn chung trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ được ký kết (2015) đã thúc giục tất cả các nước Đông Nam Á tránh “đe dọa hay sử dụng vũ lực và theo đuổi giải pháp cho những tranh chấp lãnh thổ và trên biển thông qua tất cả các biện pháp hòa bình”. Văn bản tầm nhìn chung tuyên bố rõ ràng những quan ngại của Ấn Độ về Biển Đông được nhìn nhận rộng rãi đang được coi là dấu hiệu một quyết tâm ngày càng tăng của New Delhi trong việc nhấn mạnh lợi ích của nước này trong khu vực. Cả Ấn Độ và Mỹ đều mong muốn kiềm tỏa được tham vọng ngày một gia tăng của Trung Quốc ở vùng biển châu Á và đây cũng là động lực chính của mối quan hệ Ấn - Mỹ trong thời gian qua.

Những hành động của Ấn Độ gần đây cho thấy quốc gia này cũng tăng cường những triển khai trên biển ở Biển Đông, mong muốn có một vai trò an ninh gia tăng ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong năm 2015, một nhóm 4 tàu hải quân Ấn Độ đã hoàn thành hành trình Đông Nam Á kéo dài 2 tháng hè. Tiếp đến là tàu khu trục tàng hình INS Sahyadri của Ấn Độ được cử đến Philippines tham gia một cuộc triển khai tác chiến vào tháng 11-2015. Hải quân Ấn Độ đã và đang thực hiện những trao đổi tác chiến cường độ cao với Mỹ tại Biển Đông. Thậm chí một số cuộc tập trận chung của Ấn Độ với Mỹ tại Biển Đông - như cuộc tập trận Malabar (10-2015) - gia tăng mức độ dính líu bằng việc mời Nhật Bản tham gia. Ngoài ra, Ấn Độ tăng cường cải thiện hợp tác quân sự của nước này với các nước ASEAN như Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Thái Lan.

Với ASEAN, sự có mặt của Ấn Độ trong khu vực sẽ góp thêm tiếng nói đa phương trong các tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông, qua đó giảm các hành động đơn phương của các thế lực cứng rắn trong khu vực.

Đối với Việt Nam, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông, Việt Nam cần bạn bè quốc tế ủng hộ trong đó có Ấn Độ. Mặc dù không có tranh chấp ở khu vực này, song Ấn Độ có lợi ích kinh tế tại khu vực Biển Đông mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Trên nguyên tắc, Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và tiếp cận tài nguyên trên Biển Đông. Điều này cũng tạo cơ hội cho Ấn Độ mở rộng sự hiện diện của hải quân nước này ra ngoài khu vực Ấn Độ Dương và tạo điều kiện cho hải quân Ấn Độ kiểm soát tham vọng bành trướng trên biển của Trung Quốc. Đây là hướng đi trong chiến lược can dự của Ấn Độ vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm tạo dựng sự đồng thuận để duy trì hòa bình và trật tự trong khu vực.

Trước sự gia tăng ảnh hưởng của các nước lớn tại Biển Đông, chính sách quốc phòng hướng Đông của Ấn Độ với Việt Nam có vai trò trong việc tăng cường khả năng quân sự của Việt Nam nhằm chống lại những mối đe dọa tiềm tàng. Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mukherjeee (2014), Ấn Độ đã  ký kết một số thỏa thuận trong lĩnh vực quốc phòng với Việt Nam. Ấn Độ đã đồng ý cấp cho Việt Nam khoản tín dụng 100 triệu USD để mua 4 tàu tuần tra ngoài khơi(7). Mặc dù khoản tín dụng 100 triệu USD là nhỏ, nhưng nó gửi một thông điệp về hợp tác quốc phòng của Ấn Độ. Tiếp đó là Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng trong 5 năm (2015 - 2020) được ký kết trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam với Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ (5-2015). Thỏa thuận này sẽ được gia hạn sau khi đánh giá và giám sát các bước đi được thực hiện trong thời gian sau đó. Ngoài ra, một Bản ghi nhớ cũng đã được ký kết giữa Cảnh sát biển Ấn Độ (ICG) và Cảnh sát biển Việt Nam về việc đánh giá cao vai trò của mỗi bên trong các vấn đề an ninh biển hiện nay. Đây là những kết quả trong hành động quốc phòng hướng Đông của Ấn Độ nói chung và trong quan hệ quốc phòng với Việt Nam nói riêng.

Như vậy, chính sách và hành động hướng Đông của Ấn Độ được xây dựng trên cơ sở lợi ích của Ấn Độ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ XXI. Trong đó, vị trí chiến lược của các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Việt Nam rất được Ấn Độ quan tâm.

Việt Nam cần nhận thức vị trí chiến lược của đất nước và đặt nó trong đường lối chính sách đối ngoại với các nước trong và ngoài khu vực. Các nước lớn đều thực hiện chiến lược vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, vừa kiềm chế, nhưng cũng sẵn sàng thỏa hiệp theo hướng có lợi. Vì vậy, Việt Nam quán triệt thực hiện phương châm đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương đa dạng, thêm bạn bớt thù, kiên định về chiến lược, mềm dẻo về sách lược đảm bảo lợi ích chủ quyền quốc gia dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2017

(1) Trong Báo cáo thường niên 2006 - 2007, Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định, chính sách hướng Đông ra đời năm 1992 (gắn với sự kiện đối tác đối thoại từng phần của ASEAN), trong khi nhiều nhà nghiên cứu Ấn Độ vẫn cho rằng sự ra đời của chính sách “Hướng Đông” gắn liền với cuộc cải cách toàn diện đất nước năm 1991 và là một bộ phận trong chính sách đối ngoại mới của Ấn Độ.

(2) http://cis.org.vn.

(3) http://www.mpi.gov.vn, Bộ Kế hoạch và đầu tư, ngày 25-8-2014.

(4) Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2004), Báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam đến 2020 chủ trì thực hiện,11-2004. http://nghiencuubiendong.vn, ngày 29-12.

(5) Đặng Cẩm Tú (2016):Triển vọng phát triển của Ấn Độ đến 2025 và tác động tới Châu Á - Thái Bình Dương, Nghiên cứu quốc tế, số 1, tr.223.

(6) http://www.dangcongsan.vn.

 

TS Trịnh Thị Hoa

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền