Trang chủ    Quốc tế    Quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng trong bảo vệ độc lập, chủ quyền của Ấn Độ từ năm 1991 đến nay
Thứ năm, 31 Tháng 8 2017 10:42
2879 Lượt xem

Quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng trong bảo vệ độc lập, chủ quyền của Ấn Độ từ năm 1991 đến nay

(LLCT) - Duy trì sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia luôn là ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia. Một trong số những mục tiêu chính sách ngoại giao của Ấn Độ là thiết lập mối quan hệ hợp tác thân thiện và bền vững với các quốc gia láng giềng nhằm bảo đảm cho môi trường an ninh tích cực ở khu vực, đồng thời, ngăn chặn các lực lượng từ bên ngoài ủng hộ các phong trào chính trị và các lực lượng nổi dậy đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến quá trình củng cố và bảo vệ độc lập dân tộc, Ấn Độ đã đưa ra và thực thi chính sách ngoại giao mới, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Mục tiêu cụ thể là: bảo vệ độc lập chủ quyền, an ninh quốc gia; tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế; tăng cường và mở rộng quan hệ với các nước lớn, các trung tâm kinh tế thế giới  nhằm tranh thủ vốn đầu tư và kỹ thuật cao; đẩy nhanh quá trình hội nhập khu vực và hội nhập toàn cầu; nâng cao vai trò và vị thế của Ấn Độ trong khu vực và thế giới, đưa Ấn Độ trở thành cường quốc ở châu Á và thế giới vào những thập niên đầu của thế kỷ XXI, giành vị trí xứng đáng trong trật tự thế giới mới.

Để đạt được mục tiêu này, Ấn Độ đã triển khai một số nội dung lớn trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao, trong đó đối với các nước láng giềng có sự điều chỉnh:

Quan hệ Ấn Độ và Trung Quốc

Quan hệ Ấn Độ với Trung Quốc thuộc chính sách đối ngoại với nước lớn, nên việc điều chỉnh mối quan hệ với Trung Quốc là một vấn đề quan trọng, trong đó, Ấn Độ hy vọng sẽ tạo ra những điều kiện về lâu dài để giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới giữa hai nước, trung lập hóa Trung Quốc trong mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan, hạn chế bớt sự chống đối từ các phần tử li khai được cả Pakistan và Trung Quốc hậu thuẫn. Mặt khác, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc giúp Ấn Độ phát triển được buôn bán thương mại với thị trường đầy tiềm năng này.

Bước vào thế kỷ XXI, trước tình hình mới, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều điều chỉnh chiến lược, coi trọng cải thiện quan hệ song phương, quan hệ hai nước đã đạt đươc những tiến bộ vượt bậc trên tất cả các mặt, nhưng mâu thuẫn cạnh tranh cũng ngày càng gia tăng.

Hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao, thiết lập và thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên tầm cao mới. Tháng 6-2003, Thủ tướng Ấn Độ chính thức thăm Trung Quốc. Hai bên ký Tuyên bố chung về “Nguyên tắc và hợp tác toàn diện Trung - Ấn”, đề ra những mục tiêu và nguyên tắc chỉ đạo thúc đẩy quan hệ hai nước thành quan hệ đối tác hợp tác mang tính xây dựng và lâu dài, Ấn Độ thừa nhận “Tây Tạng là một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc” và cam kết không cho phép các hoạt động chính trị chống Trung Quốc tại Ấn Độ, trong khi đó Trung Quốc công nhận “Xích-kim là lãnh thổ của Ấn Độ”. Đặc biệt, hai bên đồng ý xóa bỏ nhận thức cũ cho rằng hai nước là “mối đe dọa của nhau”.

Trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Trung Quốc (04/2005), hai bên ra Tuyên bố chung xây dựng quan hệ “Hướng tới đối tác hợp tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh”. Ấn Độ khẳng định, phát triển quan hệ với Trung Quốc là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ và coi quan hệ với Trung Quốc không chỉ trong triển vọng song phương mà còn trong triển vọng khu vực và thế giới. Đặc biệt, Thủ tướng Ấn Độ cho rằng “Ấn Độ và Trung Quốc có thể cùng nhau sắp xếp lại trật tự thế giới” và ký Nghị định thư về các biện pháp xây dựng lòng tin dọc theo đường Kiểm soát thực tế. Đây là văn kiện chính trị đầu tiên về vấn đề biên giới giữa hai nước.

Năm 2013, Chính phủ Ấn Độ nỗ lực đưa mối quan hệ hai nước bước vào giai đoạn mới vì lợi ích chung giữa hai nước. Điều đó được đánh dấu qua việc Ấn Độ mời Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sang thăm Ấn Độ ngày 19/5/2013. Hai bên đã đạt được những đột phá quan trọng đối với hai vấn đề then chốt nhất là giải quyết tranh chấp biên giới và thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại.

Trên đà phát triển đó, Thủ tướng Ấn Độ M.Singh làm cho mối quan hệ Trung - Ấn nồng ấm hơn qua chuyến thăm Trung Quốc tháng 10/2013. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1954, Thủ tướng hai nước thăm viếng nhau trong cùng một năm. Tuyên bố chung “Tầm nhìn tương lai phát triển đối với hợp tác và chiến lược Trung - Ấn” cũng khẳng định hòa bình và ổn định tại biên giới Trung  - Ấn là một yếu tố quan trọng bảo đảm cho sự phát triển và thúc đẩy hợp tác song phương. Cùng với các viếng thăm của lãnh đạo hai chính phủ còn có các chuyến thăm của các đảng, quốc hội, các bộ trưởng,... thể hiện thiện trí tăng cường mối quan hệ của cả hai quốc gia.

Hai bên tăng cường phối hợp lập trường trong các tổ chức quốc tế và khu vực, như Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc, WTO, G-20,  Hội nghị Đông Á (EAS), Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO), nhóm BRICS, Cơ chế hợp tác 3 bên Trung - Nga - Ấn, cũng như phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề như: biến đổi khí hậu, vòng đàm phán Đôha, an ninh năng lượng và lương thực, khủng hoảng tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, từ năm 2015 mối quan hệ hai nước căng thẳng do chính sách bang giao của mỗi bên. Ấn Độ chuyển hướng sang Hoa kỳ khi cả hai bên cùng ký bản tuyên bố “Tầm nhìn chung về khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”; Ấn Độ có những ký kết hợp tác với Nhật Bản. Các cuộc đàm phán, ký kết ba bên và nhiều cuộc tập trận chung giữa ba nước (Ấn Độ - Nhật Bản - Mỹ) được thực hiện. Mối quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ - Hoa Kỳ - Nhật Bản được thắt chặt.

Trong khi Trung Quốc công bố dự án “Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan” (CPEC) và thảo thuận với Nepal trong việc cung cấp xăng dầu và mở các tuyến đường thương mại và cảng biển sau khi biên giới giữa Nepal và Ấn Độ bị chặn lại.

Việc hai bên chưa thực sự tin tưởng và luôn đề phòng lẫn nhau, nhất là việc Trung Quốc hiện đại hóa quân đội, hợp tác quân sự với Pakistan; việc Ấn Độ dung túng cho Đạt lai Lạt ma và lực lượng Tây Tạng ở Ấn Độ hoạt động chống phá Trung Quốc luôn là rào cản trong mối quan hệ giữa hai nước.

Gần dây, quan hệ hai nước diễn biến căng thẳng khi quân đội Ấn Độ ngăn cản Trung Quốc mở một con đường ở khu vực Doklam và đã đạt thỏa thuận rút quân sau gần 3 tháng.

 Nhìn chung, tuy quan hệ hai nước có những bước thăng trầm nhưng có những cải thiện rõ nét mang lại lợi ích cho cả hai dân tộc. Việc mâu thuẫn trong giải quyết vấn đề biên giới, mối quan hệ bang giao giữa hai nước với các quốc gia khác, nhưng e ngại trong việc xây dựng niềm tin... là rào cản lớn đối với mối quan hệ Trung - Ấn. Để quá trình củng cố và bảo vệ độc lập dân tộc của Cộng hòa Ấn Độ được toàn vẹn và bền vững, Chính phủ Ấn Độ đã có những điều chỉnh phù hợp, mềm dẻo, giải quyết các mâu thuẫn trên thương lượng, đàm phán hòa bình, tăng cường sự hiểu biết để tạo môi trường hòa bình ổn định cho cả hai quốc gia.

Quan hệ Ấn Độ và Pakixtan

Cùng với những điều chỉnh mối quan hệ với Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp biên giới, quan hệ với các nước láng giềng khu vực Nam Á cũng được Ấn Độ đặc biệt coi trọng.

Ấn Độ và Pakixtan là hai nước lớn ở Nam Á. Thời gian gần đây, hai nước đã có những bước đi “thận trọng”, từng bước gạt bỏ những trở ngại do lịch sử để lại, hướng tới hòa bình và hợp tác, khiến cho tính chất đối đầu giảm. Gần đây, hai nước đều coi trọng cải thiện quan hệ song phương, nhưng hầu như không mấy tiến triển, những mâu thuẫn vốn có cũng như sự thiếu tin tưởng giữa hai nước vẫn tiếp tục gây trở ngại cho quan hệ hai nước; những vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, nguồn nước, chống khủng bố và sự thiếu tin tưởng lẫn nhau vẫn là những nhân tố tiền ẩn nhiều nguy cơ xung đột.

Quan hệ Ấn Độ và Nêpan

Ấn Độ và Nêpan có quan hệ truyền thống lâu đời, giao lưu từ rất sớm, cùng chia sẻ các giá trị về chính trị, kinh tế, văn hóa, nhất là tôn giáo. Trong quan hệ với Nêpan, Ấn Độ tỏ rõ thái độ hào hiệp, sẵn sàng giúp đỡ Nêpan và Butan. Trong những năm qua, quan hệ hai nước ngày càng được củng cố và phát triển về mọi mặt, cả chiều rộng lẫn chiều sâu.Hai nước thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao, từ đó hai nước đã ký một loạt văn kiện, như: Thỏa thuận các điều khoản sử dụng và quản lý tài nguyên nước và Hiệp định quá cảnh và an ninh, Hiệp định kinh tế, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư và một loạt hiệp định, thỏa thuận hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư khác trị giá hàng tỷ USD…

Nêpan cam kết không cho phép bất cứ thế lực nào sử dụng lãnh thổ Nêpan để chống Ấn Độ, bảo đảm an ninh cho các nhà ngoại giao, doanh nhân và công nhân Ấn Độ làm việc ở Nêpan; ủng hộ Ấn Độ trở thành Ủy viên Thường trực HĐBA LHQ. Ấn Độ khẳng định coi quan hệ với Nêpan là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ ở khu vực, cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của Nêpan, ủng hộ tiến trình hòa bình ở Nêpan, cam kết tiếp tục viện trợ cho Nêpan phát triển kinh tế xã hội. Đáng chú ý, Ấn Độ đã hỗ trợ Nê-pan tấn công lực lượng vũ trang chống Chính phủ ở Nêpan, đồng thời cam kết sẵn sàng giúp Nêpan xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lực, trang thiết bị và huấn luyện quân sự…

Quan hệ Ấn Độ và Butan

Ấn Độ và Butan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1968, từ đó đến nay quan hệ hai nước không ngừng được củng cố và thúc đẩy về mọi mặt. Ấn Độ giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển, hiện đại hóa của Butan, nhất là về kinh tế và an ninh quốc gia. Về chính trị, hai bên thường xuyên duy trì các chuyến thăm cấp cao. Năm 2007, hai nước ký Hiệp định bổ sung Hiệp ước hòa bình và Hữu nghị năm 1949, đặt nền móng cho sự phát triển sâu rộng, toàn diện của quan hệ hai nước trong thế kỷ XXI, cũng như bảo đảm hòa bình và hữu nghị, tự do thương mại và quyền bình đẳng cho công dân hai nước. Butan cam kết không cho phép bất kỳ thế lực nào lợi dụng lãnh thổ để hoạt động gây tổn hại đến lợi ích của Ấn Độ. Ấn Độ cam kết tiếp tục giúp Butan duy trì an ninh quốc gia, phát triển kinh tế…

Quan hệ Ấn Độ và Banglađét

Ấn Độ và Banglađét là hai nước láng giềng, có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ, cùng chia sẻ quan điểm và lợi ích trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế.

Lãnh đạo hai nước các thế hệ đều có các chuyến thăm lẫn nhau. Hai nước đã ký nhiều văn kiện quan trọng, như “Hiệp định văn hóa”, “Hiệp định chia sẻ nguồn nước sông Hằng”, “Hiệp định khôi phục hòa bình biên giới”, “Hiệp định về trao đổi 162 vùng đất “tách biệt” nằm trong lãnh thổ hai nước”,... và hàng chục thỏa thuận hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư, tài chính ngân hàng, thông tin viễn thông, năng lượng và kết nối giao thông… Các hiệp định, thỏa thuận này đã tạo điều kiện pháp lý thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển toàn diện cả về lượng và chất, đồng thời góp phần giải quyết nhiều mâu thuẫn và vấn đề “gai góc” trong quan hệ hai nước.

Quan hệ Ấn Độ và Xri Lanca

Ấn Độ và Xri Lanca là nước láng giềng, cùng chia sẻ giá trị lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, sắc tộc, quan điểm và lợi ích trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế…nhưng đây cũng chính là những vấn đề gây bất hòa trong nội bộ Chính phủ, giữa chính quyền trung ương và địa phương Ấn Độ, cũng như quan hệ hai nước, nhất là vấn đề người Tamin ở Xri Lanca.

Từ bài học trong lịch sử, Ấn Độ tuyên bố không can thệp vào công việc nội bộ của Xri Lanca, không ủng hộ yêu cầu lập nhà nước riêng của người Tamin, ủng hộ một nước Xri Lanca hòa bình, thống nhất. Quan hệ hai nước từng bước đi vào ổn định và phát triển, hình ảnh của Ấn Độ được cải thiện đáng kể

Quan hệ Ấn Độ và Ápganixtan

Ấn Độ và Ápganixtan là láng giềng gần gũi, có quan hệ hữu nghị truyền thống từ lâu đời, có chung quan điểm trong những nhiều vấn đề đa phương và khu vực. Sau khi chế độ Taliban sụp đổ (2001), Ấn Độ tuyên bố ủng hộ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phản đối nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Ápganixtan, đồng thời tích cực tham gi công cuộc tái thiết Ápganixtan. Ấn Độ luôn coi việc thúc đẩy quan hệ với Ápganixtan là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình ở Nam Á. Ấn Độ thiết lập 4 lãnh sự quán ở Ápganixtan; hai bên thường xuyên trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao. Các chuyến thăm cấp cao và hiệp định đã ký không những củng cố hơn nữa mối quan hệ, tăng cường tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, góp phần giữ ổn định ở khu vực, mà còn tạo cơ sở pháp lý, mở ra cơ hội mới cho sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quân sự, kinh tế…

                                                                                   Nguyễn Văn Dương

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền