Trang chủ    Quốc tế    Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao
Thứ ba, 21 Tháng 11 2017 10:12
6181 Lượt xem

Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao

(LLCT) - Từ khi chính thức bình thường hóa quan hệ (1995) đến nay, quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, hai nước luôn quan tâm tăng cường quan hệ trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao, thiết lập các kênh đối ngoại giữa các cấp, các ngành, các tổ chức.

(Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Ảnh: internet)

Cho đến trước khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng quan hệ thành đối tác toàn diện năm 2013, nhiều đoàn quan chức cấp cao của Chính phủ, Quốc hội, ... của hai nước sang thăm lẫn nhau. Đặc biệt, lãnh đạo của hai nước tiến hành các chuyến thăm chính thức như: chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clintơn (11-2000); chuyến thăm Hoa Kỳ của đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu; chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (6-2006); của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (6-2008).

Kết quả các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo hai nước cho thấy, về ngoại giao, đó là sự trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước và đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Về thực chất, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ đã đi vào chiều sâu và chất lượng cao hơn; thúc đẩy sự hợp tác chính trị - ngoại giao song phương giữa hai nước ngày càng sâu sắc, đan xen lợi ích hơn về mặt chính trị.

Đối với các vấn đề trong quan hệ đa phương, Hoa Kỳ thường xuyên tham khảo, trao đổi ý kiến với Việt Nam trước khi đưa ra lập trường về các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh thế giới (giai đoạn 2008-2009, Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc) cũng như những vấn đề an ninh chính trị tại khu vực Đông Nam Á. Với các vấn đề liên quan đến hợp tác về an ninh - chính trị hai nước, đặc biệt là đối thoại chiến lược về chính trị và an ninh Việt Nam - Hoa Kỳ là cơ chế thường xuyên, định kỳ hàng năm (bắt đầu từ năm 2008). Việc thiết lập cơ chế này đánh dấu một bước chuyển biến trong quan hệ giữa hai nước, khẳng định việc hai nước đã có những bước đi rất quan trọng để đạt được sự tin cậy lẫn nhau trong lĩnh vực hết sức nhạy cảm.

Những bước tiến trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao từ khi hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ đã tạo điều kiện để quan hệ hai nước thực sự được mở rộng và nâng tầm trên nhiều lĩnh vực.

Đối với Việt Nam, Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, việc tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ nằm trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đưa các mối quan hệ với các đối tác quan trọng, trong đó có Hoa Kỳ đi vào chiều sâu và ổn định.

Đặc biệt, việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ đã tạo khuôn khổ quan trọng, định hướng cho quan hệ hai nước những năm sau đó. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai nước cam kết thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trên cả bình diện song phương và đa phương, tạo nền tảng cho quan hệ bước sang một giai đoạn phát triển mới. Trên cơ sở đó, hai nhà lãnh đạo đã quyết định xác lập Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ với 9 lĩnh vực hợp tác(1), mở ra một giai đoạn phát triển mới về chất trong quan hệ hai nước(2). Hai nhà lãnh đạo tin tưởng khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện sẽ không chỉ phục vụ tốt hơn lợi ích hai nước mà còn đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama cũng đã trao đổi các biện pháp nhằm đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn nữa, trong đó có tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, thiết lập các cơ chế hợp tác mới, hoặc nâng cấp các cơ chế hiện có. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc thiết lập cơ chế đối thoại chính trị và ngoại giao mới giữa hai Bộ trưởng ngoại giao - đây là một điểm mới được tạo ra từ mối quan hệ đối tác toàn diện(3). Khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện có thể coi là thành tựu quan trọng nhất trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, là một đường băng vững chắc cho quan hệ hai nước cất cánh trong thế kỷ XXI.

Sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, quan hệ song phương ngày càng sâu sắc và trở nên đa dạng. Trong năm 2014, quan hệ chính trị - ngoại giao tiếp tục được tăng cường với nhiều cuộc gặp, chuyến thăm ở các cấp giữa hai nước: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thống Obama bên lề Hội nghị Cấp cao APEC và Cấp cao Đông Á; 13 chuyến thăm Việt Nam của các lãnh đạo Quốc hội Mỹ như Chủ tịch thường trực Thượng viện Patrick Leahy và các Thượng nghị sĩ John McCain, Benjamin Cardin, Bob Corker...; các chuyến thăm Mỹ của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh... Bên cạnh đó, còn có nhiều hoạt động trao đổi giữa các đoàn cấp bộ, ngành, địa phương…

Về cơ chế đối thoại, từ chỗ ban đầu chỉ có một cơ chế đối thoại về vấn đề POW/MIA và cơ chế đối thoại chiến lược về chính trị và an ninh Việt Nam - Hoa Kỳ, đến năm 2014, hai nước đã thiết lập và triển khai 11 cơ chế đối thoại trên các lĩnh vực về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, phát triển, dân chủ nhân quyền, lao động(4). Trong đó, một số cơ chế đối thoại rất quan trọng như Đối thoại thường kỳ cấp Bộ trưởng; Đối thoại Chính trị - An ninh - Quốc phòng; Đối thoại về Chính sách quốc phòng; Đối thoại về châu Á - Thái Bình Dương; Đối thoại nhân quyền(5)… Các cuộc đối thoại này diễn ra trên tinh thần thẳng thắn và mang tính xây dựng về các vấn đề vướng mắc cũng như các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Quá trình này khẳng định mong muốn chung và quyết tâm xây dựng một khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài.

Bên cạnh các cơ chế đối thoại song phương, các chuyến thăm lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Hoa Kỳ có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, làm sâu sắc thêm những khía cạnh khác nhau của mối quan hệ này. Nổi bật là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 7-2015 và thông qua “Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ”. Một trong những nội dung quan trọng của Tuyên bố là “hai nước khẳng định tiếp tục triển khai quan hệ sâu sắc, bền vững, và thực chất, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”(6). Việc Tổng thống B.Obama tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu dục và khẳng định Hoa Kỳ tôn trọng chế độ chính trị của Việt Nam đã đề cao vai trò của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.  Phó Tổng thống Joe Biden cho rằng: “Khi chúng tôi tiếp tục chiến lược tái cân bằng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì những đối tác như Việt Nam chưa bao giờ quan trọng hơn lúc này. Chúng ta chia sẻ lợi ích về hòa bình và ổn định trong khu vực, chia sẻ lợi ích trong khối ASEAN thịnh vượng và tăng cường quan hệ giữa hai nước chúng ta”(7). Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ đã góp phần củng cố lòng tin giữa hai nước, gỡ bỏ một số khó khăn và trở ngại, mở đường cho mối quan hệ song phương phát triển theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu và tiếp tục vươn tới những tầm cao mới.

Tháng 5-2016, Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam. Trong bài phát biểu trước người dân Việt Nam, Tổng thống Obama khẳng định: “Với mối quan hệ đối tác toàn diện mới, chính phủ của cả hai nước đang hợp tác chặt chẽ với nhau hơn bao giờ hết. Và cùng với chuyến thăm này, chúng ta đã đặt nền tảng vững chắc hơn cho mối quan hệ song phương trong nhiều thập niên tới”(8). Việt Nam và Hoa Kỳ đã ra Tuyên bố chung khẳng định: “Hai bên nhất trí tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ theo hướng thực chất, sâu sắc, hiệu quả hơn vì lợi ích của hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới”(9). Tuyên bố thể hiện quyết tâm của lãnh đạo hai nước trong việc thúc đẩy mối quan hệ song phương phát triển không chỉ vì lợi ích hai nước mà còn vì sự phát triển chung của toàn thế giới. Riêng trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao, hai bên thể hiện cam kết tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác như trao đổi đoàn các cấp (đặc biệt là các đoàn cấp cao), tăng cường đối thoại giữa các cơ quan của hai nhà nước, mở rộng đối thoại thường niên giữa hai Bộ Ngoại giao…

Mặc dù có những thay đổi chính trị quan trọng tại Mỹ trong thời gian gần đây, Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn chủ động liên lạc duy trì quan hệ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm chúc mừng Tổng thống Donald Trump sau khi nhậm chức; Tổng thống Donald Trump đã gửi điện trao đổi với Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Nhận lời mời của Tổng thống Donald Trump, từ ngày 29 đến ngày 31-5-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ. Chuyến thăm có tính chất đặc biệt ở chỗ: thứ nhất, chuyến thăm được thực hiện rất sớm (khoảng 4 tháng) sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức; thứ hai, chuyến thăm được thực hiện ngay sau hai chuyến thăm của hai nguyên thủ của hai cường quốc châu Á là Nhật Bản và Trung Quốc(10). Điều này thể hiện sự coi trọng của chính quyền mới ở Hoa Kỳ dành cho Việt Nam.

Tại các cuộc hội đàm, Hoa Kỳ và Việt Nam đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là về khuôn khổ hợp tác song phương trong thời gian tới: “Với tư cách là một cường quốc Thái Bình Dương có lợi ích và cam kết rộng khắp châu Á - Thái Bình Dương, Hoa Kỳ chia sẻ với Việt Nam nhiều lợi ích quan trọng. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh có nhiều cơ hội đang mở ra trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, trong đó quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại đang ngày càng được tăng cường; hợp tác ngày càng tăng lên trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh, giáo dục, giao lưu nhân dân, nhân đạo và giải quyết hậu quả chiến tranh, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ thúc đẩy các cơ hội nói trên thông qua việc tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện dựa trên việc tôn trọng Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hệ thống chính trị của nhau”(11). Đặc biệt, trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao, “hai bên đồng ý tiếp tục tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao, bao gồm qua cả đối thoại thường kỳ giữa Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Ngoại trưởng Hoa Kỳ để thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy các cơ chế đối thoại hiện có, trong đó có quan hệ kênh Đảng”(12).

Mặc dù chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump đến nay vẫn chưa được định hình rõ ràng nhưng tuyên bố nêu trên đã bồi đắp nền tảng quan trọng cho sự phát triển quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Những thành quả vượt bậc trong hợp tác trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao mà Hoa Kỳ và Việt Nam đạt được từ năm 2013đến nay là không thể phủ nhận. Bên cạnh những thành tựu đó, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cũng đang đứng trước không ít khó khăn, trở ngại:

Thứ nhất, trong quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng chung quanh vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo. Mặc dù trong các tuyên bố, phía Hoa Kỳ luôn khẳng định quan hệ với Việt Nam trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau nhưng các thế lực phản động ở Hoa Kỳ luôn lợi dụng phát triển quan hệ để thông qua đó thực hiện “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam như đã từng diễn ra ở các nước Đông Âu và Liên Xô trước đây.

Thứ hai, sự chống đối của lực lượng bảo thủ trong Quốc hội Hoa Kỳ và một bộ phận người Việt phản động đang định cư ở Hoa Kỳ.

Mặc dù cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ xâm lược Việt Nam đã kết thúc cách đây hơn 40 năm, nhưng những ảnh hưởng tiêu cực của nó vẫn tồn tại và có tác động lớn đến sự phát triển quan hệ của hai nước hiện nay. Là một siêu cường thế giới nhưng Hoa Kỳ phải chịu thất bại trong chiến tranh xâm lược Việt Nam đã để lại những hậu quả nặng nề trong lòng xã hội Mỹ, gọi là “hội chứng Việt Nam”.

Trong Quốc hội Hoa Kỳ vẫn còn một bộ phận luôn tìm cách đưa ra những dự luật để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, xuyên tạc Việt Nam vi phạm nhân quyền, dân chủ... Đây là những rào cản sự phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, một bộ phận trong cộng đồng người Việt ở Mỹ vẫn còn mang tư tưởng thù địch lỗi thời, tìm cách chống phá sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam. Các lực lượng này câu kết với các lực lượng bảo thủ chống cộng của Hoa Kỳ luôn gây sức ép đòi Chính phủ Hoa Kỳ thực hiện chính sách bao vây, chống phá cách mạng Việt Nam, nhất là trong những thời điểm nhạy cảm khi Hoa Kỳ tiến hành bầu cử Tổng thống hoặc bầu cử Quốc hội.

Thứ ba, sự khác biệt về thể chế chính trị, sự chênh lệch quá lớn về trình độ phát triển cũng đang là trở ngại lớn trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Sự chênh lệch quá lớn giữa một nước công nghiệp phát triển bậc nhất thế giới với một nền kinh tế của một nước đang phát triển và trong giai đoạn đầu của quá trình CNH, HĐH như Việt Nam cũng đặt ra hàng loạt những khó khăn khó có thể giải quyết một sớm một chiều. Sự chênh lệch về trình độ phát triển khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa. Hơn nữa, Hoa Kỳ là nước có nền kinh tế thị trường phát triển cao trong khi Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện cơ chế thị trường; chính sách minh bạch trong kinh tế, tài chính đang trong quá trình được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng những tiêu chuẩn chung của thương mại quốc tế nói chung, thương mại với Hoa Kỳ nói riêng. Đây cũng là khó khăn, kìm hãm sự hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ  lên tầm cao mới để tương xứng với lợi thế và nhu cầu của mỗi nước.

Thực tiễn những năm trước đây cho thấy, nhiều hàng hóa có thế mạnh của Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Việt Nam hiện đang là nước thành viên của WTO và Hoa Kỳ dành cho Việt Nam Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR). Tuy nhiên, Việt Nam dễ bị phía Hoa Kỳ xếp vào danh sách những nước bán phá giá và có thể bị kiện cáo phức tạp.

Một số chính sách thương mại của Hoa Kỳ với từng nước, trong đó có Việt Nam hiện đang là rào cản phát triển giữa hai nước. Hoa Kỳ hiện vẫn còn áp dụng chính sách phân biệt đối xử với các hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ do nước này chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Các quy định của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ về nông sản xuất khẩu vào Hoa Kỳ vốn là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế lại rất phức tạp, gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó phải kể đến việc phía Hoa Kỳ cài những vấn đề phi thương mại vào để giải quyết những vấn đề thương mại.

________________

(1) Chín lĩnh vực hợp tác bao gồm: chính trị - ngoại giao; kinh tế - thương mại; khoa học công nghệ; giáo dục – đào tạo; môi trường; y tế; khắc phục hậu quả chiến tranh; quốc phòng – an ninh; vấn đề quyền con người.

(2) 20 năm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: Chặng đường ngắn, bước tiến dài,

https://www.vietnamplus.vn/20-nam-quan-he-viet-namhoa-ky-chang-duong-ngan-buoc-tien-dai/332201.vnp

(3) Lê Thị Thu (2015), “Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong những năm gần đây”, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 7/2015, tr.30

(4) Năm 2015: Dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt-Mỹ ,

http://baochinhphu.vn/Doi-ngoai/Nam-2015-Dau-moc-quan-trong-trong-quan-he-VietMy/217485.vgp

(5) Lê Khương Thùy (2015), “20 năm quan hệ Việt – Mỹ: Lĩnh vực chính trị và an ninh quân sự”, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 11/2015, tr. 7

(6) Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ, http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/nr040807104143/nr040807105001/ns150708142404

(7) Chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Báo chí quốc tế hoan nghênh hai nước đối thoại những khác biệt,

https://laodong.vn/the-gioi/bao-chi-quoc-te-hoan-nghenh-hai-nuoc-doi-thoai-nhung-khac-biet-351150.bld

(8) Remarks by President Obama in Address to the People of Vietnam, https://vn.usembassy.gov/20160524obama_address-people-vietnam/

(9) Toàn văn Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ,

https://www.vietnamplus.vn/toan-van-tuyen-bo-chung-giua-viet-nam-va-hop-chung-quoc-hoa-ky/387250.vnp

(10) Cù Chí Lợi (2017), “Chuyến thăm định hình quan hệ Việt – Mỹ”, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 6/2017, tr.6

(11) Toàn văn tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ,

https://tuoitre.vn/toan-van-tuyen-bo-chung-viet-nam-hoa-ky-1324236.htm

(12) ​Toàn văn tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ,

https://tuoitre.vn/toan-van-tuyen-bo-chung-viet-nam-hoa-ky-1324236.htm

 

Vương Như Ý Lan

Cục Hàng không Việt Nam

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền