Trang chủ    Quốc tế    Những thách thức đối với tiến trình dân chủ hóa ở Myanmar hiện nay
Thứ hai, 26 Tháng 2 2018 15:47
3870 Lượt xem

Những thách thức đối với tiến trình dân chủ hóa ở Myanmar hiện nay

(LLCT) - Từ khi giành được độc lập (năm 1948), Myanmar liên tục xảy ra các biến cố chính trị và xung đột sắc tộc. Myanmar bắt đầu chuyển hướng sang chế độ dân chủ vào năm 2003 khi Khin Nyunt (Thủ tướng Myanmar) công bố “Lộ trình bảy bước” chuyển đổi Myanmar từ chính quyền quân sự sang dân sự(1).

Ngày 22-10-2010, Myanmar tuyên bố đổi quốc hiệu thành Cộng hòa Liên bang Myanmar và thay đổi quốc kỳ, thể hiện quyết tâm của Chính phủ và nhân dân Myanmar tiến tới một nền dân chủ toàn diện. Nhưng trên thực tế, quá trình dân chủ hóa ở Myanmar chỉ bắt đầu từ cuộc bầu cử ngày 7-11-2010 với thắng lợi của Đảng Liên minh. Ngày 30-3-2011, Tổng thống Thein Sein nhậm chức, cam kết trung thành với Hiến pháp 2008 và thực hiện Lộ trình 7 bước nhằm xây dựng Myanmar dân chủ và hiện đại. Cuộc bầu cử ngày 8-11-2015 được coi là bước thứ 7 và là bước cuối cùng trong lộ trình này.

Quá trình chuyển đổi dân chủ ở Myanmar đạt được nhiều kết quả quan trọng. Về chính trị, Myanmar bước đầu có sự cân bằng quyền lực giữa quân đội và chính quyền dân sự, lộ trình cải cách dân chủ được làm rõ dần, đối lập chính trị được thừa nhận hợp pháp, bầu cử dân chủ được tiến hành, xung đột sắc tộc tạm thời lắng xuống. Về kinh tế, Myanmar mở rộng ảnh hưởng của kinh tế tư nhân và đẩy mạnh tư nhân hóa với việc sửa đổi và ban hành một số luật, đồng thời tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và cải thiện môi trường đầu tư. Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn không ít cản trở nỗ lực dân chủ hóa ở Myanmar.

1. Thách thức từ các vấn đề xã hội

Myanmar là đất nước đa sắc tộc với 135 dân tộc và mỗi dân tộc được đại diện bởi những nhóm chính trị khác nhau. Kết quả bầu cử cho thấy đa số cử tri Myanmar nói không với sự nắm quyền của quân đội và họ ủng hộ cho Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Người dân Myanmar sau những thập kỷ sống dưới chế độ quân phiệt đã có sự giác ngộ mới; giới trí thức Myanmar ngày càng giữ vững vai trò, vị thế; bối cảnh quốc tế và khu vực vừa thuận lợi, vừa thúc đẩy nhân dân Myanmar thực hiện cải cách dân chủ.

Hiện nay, Chính phủ Myanmar rất nỗ lực thực hiện đối thoại chính trị nhằm chấm dứt các cuộc xung đột giữa quân đội quốc gia và các nhóm vũ trang sắc tộc suốt gần 7 thập kỷ qua. Nhưng vấn đề hòa giải dân tộc mới chỉ là bước đầu khi vẫn còn 7/15 nhóm vũ trang bất hợp pháp chưa ký kết thỏa thuận ngừng bắn. Tháng 5-2017 với một bước đi mang tính đột phá trong đối thoại chính trị giữa Chính phủ và các nhóm vũ trang sắc tộc, Ủy ban hỗn hợp về Đối thoại hòa bình liên bang (UPDJC) đã trao quyền lập pháp cho chính quyền các khu vực hoặc các bang. Tuy nhiên, đây chỉ là 1 trong 21 nội dung được thảo luận tại phiên họp thứ 2 của Hội nghị hòa bình Panglong (ngày 24-5). Các nội dung khác bao gồm chủ quyền, bình đẳng, tự lập pháp, hệ thống dân chủ,... còn cần nhiều thời gian để đạt được sự thống nhất. Điều này có nghĩa là Đảng NLD sẽ phải có chiến lược cân bằng lợi ích giữa các sắc tộc trong khi việc hợp nhất được toàn bộ các nhóm vũ trang, các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Myanmar rất khó thực hiện khi quân đội Myanmar không chấp nhận sự tồn tại của một tổ chức vũ trang nào khác có quy mô lớn, đối trọng với họ.

2. Thách thức từ thể chế

Thách thức đầu tiên Myanmar phải đối mặt là dung hòa vai trò của quân đội với vai trò của Chính phủ mới thành lập. Theo Hiến pháp Myanmar, quân đội giữ 1/4 số ghế trong cả lưỡng viện; và với số ghế này, quân đội Myanmar có quyền phủ quyết bất kỳ sửa đổi Hiến pháp nào. Điều này có nghĩa là dù Đảng NLD có quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội Myanmar nhưng vẫn  không thể sửa đổi những điều khoản quan trọng trong Hiến pháp do quân đội nước này soạn thảo nếu không được sự đồng ý của họ.

Theo Hiến pháp, quân đội có thể kiểm soát tổng thể Chính phủ, bao gồm cả quản lý kinh tế. Tổng tư lệnh quân đội có quyền chọn bộ trưởng chủ chốt như: Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Các vấn đề biên giới. Như vậy, quân đội Myanmar có quyền lực hợp hiến trong việc gây ảnh hưởng với Chính phủ của bất cứ ai được bầu lên làm Tổng thống. Việc đại diện quân đội trong Quốc hội gần đây bỏ phiếu chống lại những sửa đổi Hiến pháp đã đặt ra những nguy cơ mâu thuẫn giữa một bên là Chính phủ mới thành lập và một bên là quân đội đang nắm nhiều quyền lực. Việc chuyển từ chính quyền quân sự sang chính phủ dân cử cho thấy sự tiến bộ đáng kể trong quá trình phát triển chính trị ở Myanmar, song đây mới là sự khởi đầu của một tiến trình. Nếu Chính phủ mới không sớm đạt được những thành tựu thì có thể xảy ra một sự thụt lùi về chính trị.

Mối quan hệ giữa các chính đảng và lực lượng vũ trang của Myanmar là yếu tố quan trọng quyết định tương lai của nước này. Do quân đội vẫn đang nắm quyền đưa ra những quyết định chính trị quan trọng, Đảng NLD và nhiều đảng phái chính trị khác không còn cách nào khác là hợp tác với quân đội. Hội đồng Quốc phòng và An ninh của quân đội có cơ chế hiến định mạnh hơn Quốc hội. Điều này đồng nghĩa với việc quyền lực thực sự vẫn nằm trong tay quân đội bất chấp thành công của Đảng NLD. Trên thực tế, chính quyền mới là một nhánh hành pháp dân sự - quân sự. Không chỉ vậy, các nhà phân tích chính trị cho rằng các chính đảng sắc tộc khác là thế lực thứ ba ngoài USDP và NLD, tuy chưa đủ sức gây ảnh hưởng trên toàn quốc nhưng lại có ưu thế nhất định tại các khu vực dân tộc của họ.

Vai trò và vị trí đặc biệt của bà Aung San Suu Kyi được xem là một thách thức đối với quá trình dân chủ hóa ở Myanmar. Ngày 30-3, ông U Htin Kyaw nhậm chức Tổng thống Myanmar nhưng bà Aung San Suu Kyi hiện vẫn là Chủ tịch đảng NLD (có quyền lực cao hơn Tổng thống). Hiện tại bà Aung San Suu Kyi đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao và nắm giữ ba chức vụ bộ trưởng khác trong Chính phủ mới là Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống, Bộ trưởng Giáo dục và Bộ trưởng Điện lực và Năng lượng. Việc trao quyền như vậy có thể tạo ra tiền lệ phá hủy nền dân chủ khi đặt tương lai của nền dân chủ vào một cá nhân, thậm chí không có sự kiểm soát. Bên cạnh đó, việc đặt vị trí Tổng thống dân cử thấp hơn Chủ tịch đảng cầm quyền sẽ dẫn đến việc người trực tiếp được dân chúng bầu ra để thực thi quyền hành pháp lại không phải là người đưa ra các quyết định hành pháp quan trọng nhất.

Tình hình đảng phái ở Myanmar rất phức tạp. Các đảng và các cá nhân đi theo những ý thức hệ riêng lẻ và tập trung vào những mục đích chính trị của đảng họ mà ít quan tâm đến lợi ích của người dân. Tình hình chính trị quốc gia cũng thể hiện thông qua sự thất bại của hầu hết các đảng lớn trong việc ứng phó với những mối quan ngại phổ biến.

3. Thách thức từ nền kinh tế

Myanmar đã tiến hành mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung trong gần 3 thập kỷ qua. Hầu hết các doanh nghiệp đều thuộc sở hữu nhà nước. Các doanh nghiệp tư nhân hình thành sau quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, khó có khả năng tiếp cận tài chính từ các ngân hàng; thị trường khu vực và quốc tế.

Quá trình thực hiện tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước còn nhiều bất cập, thiếu tính công bằng, minh bạch và hiệu quả. Những bất cập đó xuất phát từ sự không ủng hộ của các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước trong quá trình tư nhân hóa. Một số bộ, ngành chưa thực sự sẵn sàng tư nhân hóa, muốn giữ lại quyền sở hữu doanh nghiệp thay vì bán ra.

Myanmar cũng gặp nhiều vấn đề bất cập trong thu hút đầu tư nước ngoài, do hạ tầng yếu kém, lạc hậu, đặc biệt là hạ tầng cơ sở viễn thông. Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực truyền thông vào Myanmar tới nay vẫn còn khá khiêm tốn. Chính phủ Myanmar vẫn coi công nghệ thông tin, viễn thông là một lĩnh vực nhạy cảm và chưa thể đón nhận đầu tư nước ngoài. Mặt khác, Chính phủ vẫn duy trì sự kiểm soát đối với nhiều lĩnh vực; bao cấp giá đối với một số mặt hàng thiết yếu như điện, nước sinh hoạt, nhà ở cho công chức, vận tải công cộng. Sự thiếu minh bạch là tình trạng chung của nền kinh tế Myanmar vốn đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường.

Quá trình dân chủ hóa kinh tế ở Myanmar cũng gặp khó khăn do rào cản từ tiền tệ. Mặc dù chính quyền Myanmar chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường song cơ chế quản lý khá phức tạp. Hệ thống tài chính, ngân hàng chưa phát triển vì bị cấm vận trong thời gian dài. Myanmar đã cho phép mở ngân hàng nước ngoài song việc thanh toán hay chuyển khoản giữa các doanh nghiệp Myanmar và đối tác nước ngoài vẫn mất nhiều thời gian và làm tăng chi phí do phải qua một số khâu trung gian. Hiện tại Myanmar chưa có một thị trường liên ngân hàng. Giao dịch điện tử giữa các ngân hàng chưa phát triển, người dân sử dụng tiền mặt là chủ yếu.

Bất cập lớn nhất trong hệ thống tài chính Myanmar là sự tồn tại chế độ 2 tỷ giá. Bên cạnh đồng nội tệ Kyats, Chính phủ Myanmar còn cho phép người nước ngoài, các công ty 100% vốn nước ngoài được phép trao đổi, giao thương với các đối tác trong nước bằng đồng FEC (đồng đô la nội địa) của Myanmar. Tỷ giá của đồng FEC lên xuống thất thường gây bất lợi không nhỏ cho các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, Chính phủ Myanmar khó có thể cân đối thị trường ngoại tệ cho giao dịch ngoại thương. Trong khi đó, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và thị trường chợ đen rất lớn(2). Điều này càng gây nhiều bất lợi cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Myanmar.

Mặc dù những cải cách đã được tiến hành và các chỉ số kinh tế đã cải thiện đáng kể, song Chính phủ Myanmar vẫn còn phải giải quyết rất nhiều vấn đề để xây dựng được một môi trường đầu tư lành mạnh. Hiện tại luật pháp Myanmar còn nhiều bất cập với thực tiễn. Quyền sở hữu không được pháp luật bảo vệ; vấn đề tịch thu đất đai tạo ra mối quan ngại với các nhà đầu tư; các tiêu chí đầu tư nước ngoài chưa được xác định đầy đủ và rõ ràng. Thêm vào đó, Nhà nước chưa có cơ chế và công cụ riêng để bảo đảm các hợp đồng, các quyền tài sản và giải quyết tranh chấp. Các nhà nhà đầu tư nước ngoài khó tiếp cận được các thông tin về thị trường, thông tin cơ bản về người tiêu dùng, về vốn và tài chính.

Hạn chế lớn nhất trong việc thu hút đầu tư nước ngoài của Myanmar là thủ tục chấp thuận đầu tư không minh bạch, quá quan liêu và phức tạp. Nền kinh tế Myanmar đã tăng trưởng liên tục trên 7,5 % trong nhiều năm liền. Trung Quốc hiện đứng đầu trong các quốc gia đầu tư vào Myanmar (27,6%). Nguy cơ lệ thuộc vào Trung Quốc đang trở thành hiện thực và chính quyền Myanmar đã phải thực hiện chiến lược “thoát Trung” thông qua việc chủ động xoay trục, tăng cường gắn kết với các nước Đông Nam Á và kêu gọi đầu tư từ Mỹ và các nước phương Tây; đồng thời định hướng đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp xanh, du lịch, dịch vụ, tập trung phát triển các doanh nghiệp, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững.

Myanmar ngày nay đã có những chuyển biến sâu sắc trên nhiều lĩnh vực,  từ chỗ nằm dưới sự cai trị của quân đội hướng tới một nền dân chủ, từ một nền kinh tế trì trệ đã có bước phát triển quan trọng. Chính phủ mới có sự tham gia của đại diện các dân tộc thiểu số, những người đã từng đấu tranh vũ trang và bị quân đội đàn áp trước đây. Tuy vậy, Myanmar đang còn rất nhiều thách thức đối với Chính phủ mới thành lập cũng như quân đội vẫn còn vai trò chi phối mọi mặt đời sống chính trị và kinh tế; xung đột sắc tộc và tôn giáo vẫn diễn biến phức tạp; các thể chế tam quyền phân lập chưa định hình vững chắc mà còn phụ thuộc vào uy tín cá nhân của một số vị lãnh tụ; nạn tham nhũng... Những điều đó cho thấy nền dân chủ ở Myanmar chưa hoàn thiện và vẫn còn rất mong manh.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính tri số 8-2017

(1) Bao gồm: i) tổ chức Đại hội Dân tộc; ii) từng bước thực hiện những thủ tục cần thiết cho sự ra đời một nhà nước dân chủ thực sự và có kỷ cương; iii) soạn thảo Hiến pháp mới phù hợp với các nguyên tắc cơ bản và các nguyên tắc này được Đại hội Dân tộc xây dựng; iv) trưng cầu ý dân để thông qua Hiến pháp; v) tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội tự do và công bằng theo Hiến pháp mới năm 2008; vi) họp Quốc hội theo quy định của Hiến pháp; vii) xây dựng một quốc gia hiện đại, phát triển và dân chủ với các lãnh đạo nhà nước do Quốc hội bầu ra và các cơ quan chính phủ do Quốc hội lập nên.

(2) Nếu theo quy định của chính phủ 1USD đổi được khoảng 6 Kyats thì ở thị trường phi chính thức, tỉ giá này bị đẩy lên gấp hơn... 100 lần, khoảng 800 Kyats mới đổi được 1 USD.

 

TS Bùi Việt Hương

TS Lê Quang Hòa

Viện Chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền