Trang chủ    Quốc tế    WEF 48: Những điểm nhấn quan trọng?
Thứ ba, 06 Tháng 3 2018 17:28
1520 Lượt xem

WEF 48: Những điểm nhấn quan trọng?

(LLCT) - Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 48 (WEF 48) diễn ra tại Davos (Thụy Sỹ), từ ngày 23 đến 26 -1-2018. Với chủ đề “Tạo dựng tương lai chung trong thế giới rạn nứt”, Diễn đàn tập trung vào thúc đẩy sự chia sẻ, chung sức của cộng đồng quốc tế nhằm đối phó với những thách thức toàn cầu vì lợi ích chung.

1. Đánh giá sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế

WEF đã nhận định tình hình kinh tế thế giới sẽ tốt hơn và đồng thuận với sự điều chỉnh dự báo của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF). Theo đó, mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong hai năm tới lên mức 3,9%. Hiện có tới 42% giới chủ doanh nghiệp được hỏi đã khẳng định rất tin tưởng vào việc gia tăng các hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận chưa bao giờ lại có nhiều rủi ro đe dọa nghiêm trọng tăng trưởng kinh tế như hiện nay. Các nguy cơ đó không thuần túy kinh tế, mà còn là các mối đe dọa về địa-chính trị, biến đổi khí hậu, khủng bố... Vì thế, Diễn đàn năm nay đã đạt kỷ lục về số lượng đại biểu tham dự, với trên 3.000 đại biểu tham dự đến từ 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 70 nguyên thủ, 1.900 lãnh đạo doanh nghiệp, được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm.

Lần đầu tiên sau gần 10 năm diễn biến cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế thế giới mới có sự phục hồi và tăng trưởng tương đối vững chắc, với sự khởi sắc của nền kinh tế số một thế giới là Mỹ; châu Âu tuy mức tăng trưởng ở mức độ thấp hơn, nhưng diễn ra trong bối cảnh đàm phán Brexit bước sang giai đoạn hai; khủng hoảng chính phủ ở Liên bang Đức, nạn nhập cư diễn biến phức tạp; quan hệ nội bộ EU giữa các thành viên phía Đông và phía Tây.

Hàng loạt chính sách kinh tế khác nhau của các nước có hiệu quả tương đối rõ rệt đưa đến việc bình ổn giá cả năng lượng, hàng hóa; lòng tin của giới kinh doanh được cải thiện dựa trên sự kỳ vọng vào các cuộc cải cách thuế và kích thích tài chính ở Mỹ, sự phục hồi mang tính chu kỳ ở châu Âu và chính sách mới về tăng trưởng của Trung Quốc.

Nền kinh tế thế giới cũng xuất hiện những yếu tố của sự tăng trưởng bền vững như: kỹ năng của lực lượng lao động được cải thiện nhờ tiến trình số hóa, đặc biệt là mức tăng trưởng năng suất cao hơn do ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; thương mại toàn cầu đã và đang diễn ra sôi động, nhất là ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.

Mặt khác, những rủi ro về chủ nghĩa bảo hộ, biệt lập tuy có dấu hiệu lắng xuống kể từ khi các ứng viên chính trị dân túy cực hữu ở châu Âu thất bại trong các cuộc bầu cử; đối với Mỹ, năm 2017, nhiều người còn lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ, nguy cơ “chiến tranh thương mại” do chính sách “khác lạ” của ông D. Trump mang lại… nhưng trên thực tế, ông Trump cũng đã có sự điều chỉnh nhất định, thể hiện trong chuyến công du châu Á. Mặc dù vậy, nhưng nguy cơ về chủ nghĩa bảo hộ thương mại vẫn còn lớn, khiến WEF 48 quan tâm.

2. Bảo vệ tự do hóa thương mại

Một trong những nội dung quan trọng là “bảo vệ tự do hóa thương mại” được nhiều nước lên tiếng. Phát biểu tại lễ khai mạc WEF 48, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã hoan nghênh việc 11 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đạt được sự nhất trí về nội dung sửa đổi của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sẽ sớm ký kết thoả thuận này. Ông Trudeau nhấn mạnh các nước này “sẽ đẩy lùi xu hướng chống thương mại trong tiến trình toàn cầu hóa”, đồng thời khẳng định rằng bảo hộ mậu dịch sẽ chỉ “đẩy thế giới vào tình trạng tồi tệ”. Thủ tướng Canada cũng kêu gọi các cuộc đàm phán cần quan tâm đến sự thịnh vượng của những người dân bình thường và khẳng định “đây chính là điều mà 11 quốc gia đã làm được” khi nhất trí về CPTPP.

Trong bài phát biểu tại WEF 48, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nêu rõ, toàn cầu hóa đang “mất đi ánh hào quang”, song nhấn mạnh việc dựng lên các “rào cản thương mại” mới không phải là giải pháp để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các quốc gia. Theo ông Modi, giải pháp cho vấn đề này là hiểu và chấp nhận sự thay đổi, đồng thời đưa ra các chính sách mềm dẻo, thông minh phù hợp. Ông khẳng định tác động tiêu cực của những suy nghĩ đi ngược lại với toàn cầu hóa cũng nguy hiểm không kém như vấn đề biến đổi khí hậu hay chủ nghĩa khủng bố.

Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP (Pháp) ngày 23-1, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liam Fox cho biết Anh sẽ ủng hộ các lợi ích của tự do thương mại trong việc giảm nghèo đói, trong bối cảnh Luân Đôn đang trật vật trong đàm phán về Brexit. Ông nhấn mạnh: “Anh quốc sẽ hành động như một nước đi đầu về tự do thương mại khi chúng tôi rời EU và sử dụng chiếc ghế riêng của mình tại tổ chức Thương mại thế giới (WTO)”. Thời gian gần đây, Bộ trưởng Fox đã thực hiện nhiều chuyến ngoại giao con thoi tới Washington, trụ sở của WTO ở Geneva và Bắc Kinh (Trung Quốc) để thảo luận về một thỏa thuận hậu Brexit cho nước Anh. Ông Fox cho biết: “Nhân tố quan trọng để có được một hệ thống thương mại mở là hướng tới lợi ích của người tiêu dùng trên toàn thế giới, chứ không chỉ quan tâm đến lợi ích của doanh nghiệp”. Ông cũng lưu ý rằng thương mại tự do toàn cầu đã là cách hữu hiệu để đưa một tỷ người thoát khỏi nghèo đói trong một thế hệ tới.

Theo báo cáo được công bố trước thềm WEF 48, tổ chức viện trợ Oxfam của Anh cho biết trong năm vừa qua, 1% gồm những người giàu nhất thế giới nắm giữ 82% tài sản toàn cầu, trong khi nửa dân số thế giới là những người nghèo nhất không có gì trong tay. Giám đốc Oxfam, Winnie Byanyima nhấn mạnh: “Bất công đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát toàn cầu”.

Tổng thống Mỹ D.Trump đã có bài phát biểu tại Diễn đàn, trong đó nhấn mạnh, nước Mỹ mong muốn trở thành “người bán hàng tốt nhất” vì các lợi ích kinh tế của Mỹ. Cố vấn kinh tế trưởng của Tổng thống Mỹ, ông Gary Cohn cũng nêu rõ, nước Mỹ mong muốn thế giới đầu tư vào Mỹ, tạo ra nhiều việc làm cho những người lao động chăm chỉ của nước này. Ông khẳng định, chương trình nghị sự về kinh tế của Tổng thống D.Trump sẽ tập trung vào cắt giảm thuế doanh nghiệp và dỡ bỏ các quy định không phù hợp, đã “cởi trói” cho nền kinh tế Mỹ.

3. Đối mặt với những thách thức về an ninh

Theo giới quan sát, tại WEF 48 các diễn giả cũng đặc biệt quan tâm đến những mối đe dọa bởi những thách thức từ những yếu tố tiền an ninh. Nguy cơ mất an ninh kinh tế vẫn tiềm ẩn, do sự phục hồi ở nhiều nền kinh tế vẫn còn thiếu tính thuyết phục về tốc độ đầu tư; độ trễ công nghệ “chuyển hóa” thành năng suất; xu thế tiêu dùng chậm lại; vấn đề tài chính-tiền tệ diễn biến phức tạp và chứa nhiều yếu tố rủi ro khó lường.

Các nguy cơ mang tính chất địa-chính trị vẫn tồn tại như, hệ lụy của đàm phán Brexit giữa Anh và EU; EU 27 đang cải cách; chủ nghĩa bảo hộ có thể dâng cao, “chiến tranh thương mại” vẫn chưa bị loại trừ; vấn đề người nhập cư ở châu Âu, nhất là sự cọ sát các đại chiến lược của các nước lớn như, chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Mỹ và “Vành Đai, Con đường” của Trung Quốc.

Nguy cơ tái bùng phát các “điểm nóng” trên thế giới (Triều Tiên, Trung Đông, một số vùng biển…, nhất là ở Trung Đông do những động thái mới của một số nước như việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria; Mỹ công nhận Jerusalemlà thủ đô của Israel, dọa sẽ hủy bỏ Thỏa thuận giữa Iran và Nhóm P5+1, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) sau ngày 12-5 tới nếu không điều chỉnh theo yêu cầu của nước này…

Biến đổi khi hậu là một trong những nội dung mà Diễn đàn quan tâm, bởi năm 2017 thiệt hại từ biến đổi khí hậu lớn hơn nhiều so với dự báo, cả về cấp độ nguy hiểm và tính phức tạp, điển hình là các cuộc tàn phá của thiên nhiên ở Mỹ và Việt Nam. Theo dự báo, năm 2018 tình hình còn phức tạp hơn, trong 5 rủi ro toàn cầu thì thời tiết cực đoan và thiên tai được xếp ở vị trí số một và số hai; về tầm ảnh hưởng chỉ đứng sau sức công phá của vũ khí hạt nhân.

Trước đó, tháng 6-2017, Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Pari về chống biến đổi khí hậu, bởi ông D. Trump cho rằng, Mỹ bị thiệt thòi từ quy định đến năm 2025 Washington phải giảm 26-28% lượng khí phát thải so với năm 2005. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, về thực chất, Mỹ còn toan tính lợi ích quốc gia, theo đó họ tận dụng khoảng trống này để khai thác triệt để các loại nhiên liệu hóa thạch mà Mỹ đang có trước khi thế giới cắt giảm thậm chí từ bỏ loại nguyên liệu gây ô nhiễm này, và vì thế trong năm tới, Mỹ có thể sẽ chiếm ngôi vị số 1 thế giới về khai thác dầu, vượt cả Nga và Saudi Arabia.

Phái đoàn Việt Namtham dự WEF 48 do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn đầu đã có bài phát biểu chia sẻ sự quan tâm chung của thế giới về an ninh mạng, về phân hóa giàu nghèo, chủ nghĩa bảo hội thương mại…; nhấn mạnh đến hậu quả của biến đổi khí hậu, vì Việt Nam là một trong những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề của thiên tai năm 2017 và có trách nhiệm đóng góp vào nhận thức chung của thế giới.

Qua Diễn đàn, Việt Nam muốn chia sẻ với thế giới về thành công trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với mức gần 7%, được thế giới coi trọng và xếp vào TOP các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất toàn cầu năm 2017 và dự báo cả năm 2018. Việt Nam cũng hy vọng nhận được sự chia sẻ về sự phát triển bền vững, nhất là đổi mới cơ cấu kinh tế, ứng dụng công nghệ số, sớm tiếp cận với FIR lan tỏa từ các nước phát triển. Đồng thời hy vọng sẽ thúc đẩy mạnh hơn đến các chương trình và dự án mà quốc tế đã, đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam nhằm nghiên cứu và đưa ra các giải pháp về chống nước biển dâng, xâm thực, mặn hóa, tác hại của các công trình đầu nguồn trên các sông Mê Công, sông Hồng với các nước láng giềng…

Như vậy, trong một thế giới đầy biến động và có những dấu hiệu rạn nứt trong năm vừa qua, WEF 48 được kỳ vọng là sẽ tạo cơ hội để lãnh đạo và giới doanh nghiệp các quốc gia trên thế giới thúc đẩy sự hợp tác đa phương rộng lớn, bao trùm hơn nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu. Đây cũng là nơi các nước, các bên có thể tìm thấy sự đồng thuận về các giải pháp hiệu quả trong bối cảnh trật tự thế giới “đa cực, đa trung tâm” đang định hình hiện nay.

Đại tá Nguyễn Nhâm

Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng

Nguyễn Thành Chung

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền