Trang chủ    Quốc tế    Vai trò của nhà nước trong hệ thống đổi mới quốc gia ở một số nước phát triển và gợi mở đối với Việt Nam
Thứ ba, 27 Tháng 3 2018 18:10
2938 Lượt xem

Vai trò của nhà nước trong hệ thống đổi mới quốc gia ở một số nước phát triển và gợi mở đối với Việt Nam

(LLCT) - Trong điều kiện kinh tế tri thức và toàn cầu hóa hiện nay, năng lực đổi mới và sáng tạo có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của một quốc gia. Chính vì lẽ đó, phát huy đầy đủ và đúng đắn vai tròcủa nhà nước trong xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia (HTĐMQG), qua đó thúc đẩy năng lực đổi mới,sáng tạo của xã hội là một lý luận và thực tiễn rất quan trọng hiện nay.

1. Khái niệm hệ thống đổi mới quốc gia

Trong điều kiện kinh tế tri thức, đổi mới và sáng tạo có tầm quan trọng đặc biệt đối với tăng trưởng kinh tế. Michael Porter gọi chiến lược tăng trưởng kinh tế dựa vào đổi mới và sáng tạo là “chiến lược phát triển dựa trên đổi mới”. Ông cho rằng, ở mức độ rất lớn, năng lực đổi mới, đặc biệt là năng lực đổi mới khoa học và công nghệ (KHCN) là yếu tố quyết định ưu thế cạnh tranh quốc gia(1).Trong những thập niên gần đây, các nước trên thế giới đều rất coi trọng việc thúc đẩy đổi mới KHCN, tăng cường sự kết hợp giữa đổi mới KHCN với tăng trưởng kinh tế; đồng thời đề ra nhiều chiến lược, chính sách và biện pháp để thúc đẩy đổi mới. Trong bối cảnh này, HTĐMQG (national innovation systems) là một vấn đề ngày càng thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu lý luận.

Khái niệm HTĐMQG được học giả kinh tế người Anh C.Freeman và học giả kinh tế người Mỹ Richard R.Nelson nêu lên lần đầu năm 1987. Theo Richard R.Nelson, “về mặt thể chế, HTĐMQGtương đối phức tạp, chúng vừa bao gồm các nhân tố thể chế và nhân tố hành vi, vừa bao gồm các tổ chức như trường đại học, các quỹ và quy hoạch của nhà nước tập trung vào việc phát triển tri thức và KHCN. Trong đó, doanh nghiệp là cốt lõi và trung tâm của hệ thống đổi mới quốc gia”(2).C.Freeman cho rằng: “HTĐMQG là mạng lưới tổ chức được cấu thành bởi khu vực công và khu vực tư, hoạt động và sự tương tác giữa chúng thúc đẩy sự hình thành, tiếp nhận, đổi mới và ứng dụng KHCN mới”(3).Ông đặc biệt quan tâm đến bốn nhân tố quan trọng của HTĐMQG, đó là: vai trò của chính sách nhà nước; vai trò và nỗ lực của doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu trong nghiên cứu và triển khai; vai trò của giáo dục đào tạo và cơ cấu ngành nghề.

Báo cáo “Hệ thống đổi mới quốc gia” của OECD năm 1997 chỉ rõ: “Đổi mới là kết quả của sự tác động lẫn nhau giữa các chủ thể và tổ chức khác nhau. Sự biến đổi của KHCN không phải dựa trên sự hoàn thiện của phương thức tuyến tính, mà là kết quả của sự phản hồi và tác dụng lẫn nhau giữa các yếu tố trong nội bộ hệ thống. Cốt lõi và trung tâm của hệ thống này là doanh nghiệp; HTĐMQG là phương thức để tổ chức doanh nghiệp tạo ra, đổi mới và có được tri thức bên ngoài. Nguồn gốc chủ yếu của tri thức bên ngoài chính là doanh nghiệp khác, cơ quan nghiên cứu công hoặc tư, đại học và tổ chức trung gian”(4).Như vậy, theo OECD, doanh nghiệp, tổ chức KHCN, trường đại học, tổ chức trung gian về dịch vụ KHCN là những chủ thể cấu thành HTĐMQG. OECD cũng phân loại HTĐMQG thành bốn phần chính: hệ thống đổi mới tri thức, hệ thống đổi mới công nghệ, hệ thống gia tăng tri thức và hệ thống ứng dụng tri thức(5).

Metcalfe cho rằng, “HTĐMQG là một mạng lưới và hệ thống bao gồm các thành viên trong những lĩnh vực khác nhau (như doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, chính phủ và các tổ chức quốc tế) làm việc độc lập hoặc hợp tác với nhau trong việc hình thành, phát triển và gia tăng tri thức”(6).Còn theo quan điểm của Fagerbeg, Mowery và Nelson, “HTĐMQG bao gồm hệ thống và các tổ chức. Hệ thống này gồm các yếu tố như chính sách và quy định của nhà nước, các tương tác giữa trường học, doanh nghiệp và khối công lập chịu trách nhiệm về đổi mới sáng tạo”.

Từ các quan niệm nêu trên, có thể cho rằng: HTĐMQG là mạng lưới thiết chế (doanh nghiệp, trường đại học, tổ chức nghiên cứu khoa học và chính phủ) tham gia vào quá trình phát triển và ứng dụng tri thức mới, quan niệm mới, phương pháp mới cũng như sự tác động lẫn nhau giữa các thiết chế trong mạng lưới này nhằm đẩy mạnh việc sáng tạo, tích lũy, chuyển giao tri thức, công nghệ và sản phẩm mới.

Trong HTĐMQG, nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là vai trò hoạch định chính sách, tạo lập môi trường, hỗ trợ và thực thi thể chế để thúc đẩy đổi mới và sáng tạo. Hiệu quả của HTĐMQG được quyết định bởi hai phương diện: việc định vị chức năng của các yếu tố, thiết chế trong hệ thống có phù hợp hay không; và sự hợp tác, liên kết giữa các yếu tố trong hệ thống có rộng rãi và chặt chẽ hay không. Việc định vị một cách thích đáng chức năng của các yếu tố trong hệ thống sẽ thúc đẩy tính hợp lý và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực cho đổi mới. Việc tăng cường sự liên kết giữa các yếu tố trong hệ thống cần chú ý: 1) tăng cường sự hợp tác và phối hợp trong thực hiện đổi mới giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với các tổ chức khoa học, công nghệ và trường đại học; 2) phát huy đầy đủ vai trò cầu nối của các tổ chức trung gian (tổ chức dịch vụ khoa học, công nghệ) để thúc đẩy sự hợp tác giữa các chủ thể đổi mới; 3) vai trò hướng dẫn, điều tiết của nhà nước thông qua đầu tư cho đổi mới cũng như chính sách và chiến lược đổi mới.

HTĐMQG có một số đặc điểm: Một là,cốt lõi của HTĐMQG là hoạt động đổi mới. Với tư cách cốt lõi của HTĐMQG, hoạt động đổi mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế cũng như sự phát triển và tiến bộ xã hội. Cụ thể, đổi mới làm thay đổi phương thức tư duy và phương thức hành vi của con người, kích thích sự nhiệt tình sáng tạo của con người; hoạt động đổi mới là nhân tố quyết định sự tiến bộ của KHCN, cũng là nhân tố trực tiếp thúc đẩy sự phát triển xã hội. Hai là, HTĐMQG không chỉ là cơ sở và động lực của phát triển bền vững, mà còn là yếu tố then chốt để bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo nên sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh của một quốc gia. Ba là, thiết kế, lựa chọn và thực thi thể chế là yếu tố trung tâm trong HTĐMQG. HTĐMQG được nuôi dưỡng, duy trì và thúc đẩy bởi hệ thống thể chế của nhà nước. Nhà nước có thể trực tiếp tiến hành hoạt động đổi mới hoặc là tạo ra môi trường thể chế và điều kiện để hoạt động đổi mới được diễn ra thuận lợi. Hiện nay, trên thế giới có nhiều mô hình khác nhau về HTĐMQG, trong đó điển hình là HTĐMQG do nhà nước giữ vai trò chủ đạo và HTĐMQG do sự điều tiết của thị trường. HTĐMQG ở Nhật Bản do nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đặc điểm của mô hình này là nhà nước tham gia trực tiếp vào hoạt động đổi mới, đồng thời đề ra nhiều chính sách và chiến lược để định hướng và thúc đẩy đổi mới. Còn HTĐMQG ở Hoa Kỳ là do sự điều tiết của thị trường; có nghĩa là, nhà nước chủ yếu tập trung vào việc tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động đổi mới của doanh nghiệp, còn thị trường là lực lượng chủ yếu điều tiết hoạt động đổi mới của doanh nghiệp.

2. Các yếu tố cấu thành của hệ thống đổi mới quốc gia

Thứ nhất, chủ thể của hoạt động đổi mới.Nói đến chủ thể của hoạt động đổi mới trước tiên phải kể đến doanh nghiệp. Với tư cách lực lượng chủ yếu của nghiên cứu và phát triển, doanh nghiệp là một trong những chủ thể của HTĐMQG. Hoạt động đổi mới của doanh nghiệp chịu sự thúc đẩy và điều tiết của thị trường. Vì thế, hoạt động nghiên cứu và triển khai của phần lớn doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào ứng dụng công nghệ và nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới. Có thể nói, doanh nghiệp là cầu nối gắn kết thành quả đổi mới với thị trường. Đổi mới của doanh nghiệp không chỉ bao gồm đổi mới kỹ thuật, công nghệ mà còn bao gồm đổi mới quản lý, đổi mới thể chế, đổi mới tổ chức và đổi mới văn hóa. Là một chủ thể của HTĐMQG, năng lực đổi mới của doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực đổi mới của một quốc gia. Tuy nhiên, chính tính không xác định của hoạt động đổi mới làm cho doanh nghiệp đối mặt với nhiều rủi ro trong quá trình đổi mới. Đây là một nhân tố làm cho một số doanh nghiệp chưa thật mạnh dạn trong đổi mới. Vì thế, nhà nước cần ban hành các chính sách có liên quan để thúc đẩy và hướng dẫn hoạt động đổi mới của doanh nghiệp.

Chủ thể thứ hai là các tổ chức nghiên cứu khoa học. Tổ chức nghiên cứu bao gồm hệ thống các tổ chức nghiên cứu thuộc trường đại học, các cơ quan nghiên cứu khoa học của nhà nước và cơ quan nghiên cứu không phải của nhà nước. Khác với doanh nghiệp, hoạt động đổi mới của tổ chức nghiên cứu thường có tính phi lợi nhuận và thường chú trọng vào nghiên cứu cơ bản. Tổ chức nghiên cứu khoa học của nhà nước (hay công lập) chủ yếu triển khai thực hiện những nghiên cứu liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia và “quốc kế dân sinh”. Đây cũng là những nghiên cứu có độ rủi ro cao, cần nguồn lực lớn mà doanh nghiệp thường không thể hoặc không muốn thực hiện. Chức năng chủ yếu của cơ quan nghiên cứu là sáng tạo tri thức, truyền bá tri thức và bồi dưỡng nhân tài. Chủ thể thứ ba là tổ chức giáo dục và đào tạo. Tổ chức giáo dục và đào tạo chủ yếu là trường đại học với chức năng chủ yếu là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho HTĐMQG, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao về KHCN và quản lý. Đào tạo và bồi dưỡng nhân tài có vai trò quan trọng đối với đổi mới và thúc đẩy việc ứng dụng, chuyển giao KHCN. Trong thực tế, nhiều tổ chức giáo dục, đào tạo vừa thực hiện chức năng đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, vừa thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học. Sự kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường đại học có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chủ thể thứ tư là nhà nước. Trong HTĐMQG, vai trò chủ yếu của nhà nước là hoạch định chính sách, cung cấp sự hỗ trợ cho hoạt động đổi mới (nhất là trong nghiên cứu và phát triển) (R&D), bảo đảm thực thi và phân bổ nguồn lực... Chính sách đổi mới của nhà nước bao gồm ba phương diện chủ yếu: cung ứng, nhu cầu và môi trường. Nhiệm vụ chủ yếu của nhà nước là điều chỉnh hành vi của chủ thể đổi mới, bảo vệ lợi ích của chủ thể đổi mới, duy trì lợi ích của nhà nước và xã hội, tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động đổi mới.Chủ thể thứ năm là tổ chức dịch vụ KHCN trung gian. Tổ chức dịch vụ KHCN trung gian tồn tại dưới các hình thức như tổ chức tư vấn KHCN, trung tâm nghiên cứu KHCN, trung tâm đổi mới công nghệ, công viên KHCN, khu công nghệ cao... thực hiện vai trò cầu nối giữa các chủ thể trong HTĐMQG. Chức năng chủ yếu của nó là cung cấp dịch vụ thông tin, tài chính và bảo hiểm. Hoạt động của tổ chức dịch vụ KHCN có vai trò thúc đẩy chuyển giao KHCN, hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm thiểu chi phí đổi mới và hạ thấp rủi ro đổi mới.

Thứ hai, sự liên kết và tác động lẫn nhau giữa các chủ thể trong hệ thống. Sự tương tác, hợp tác lẫn nhau giữa các chủ thể là yếu tố quan trọng của HTĐMQG. Theo OECD, sự tác động lẫn nhau giữa các yếu tố trong HTĐMQG có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đổi mới KHCN. Mối liên hệ và sự tác động lẫn nhau giữa các chủ thể trong hệ thống chủ yếu bao gồm: 1) sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, chủ yếu là hợp tác về công nghệ; 2) sự hợp tác giữa doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu khoa học. Doanh nghiệp có thể thúc đẩy việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các tổ chức KHCN; ở mối quan hệ ngược lại, một số thành quả nghiên cứu cơ bản của tổ chức nghiên cứu khoa học cũng tạo ra nhiều sự lựa chọn để doanh nghiệp đổi mới KHCN. Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ quan nghiên cứu về KHCN thúc đẩy hoạt động chuyển giao và ứng dụng KHCN; 3) sự hợp tác giữa tổ chức dịch vụ KHCN trung gian với các chủ thể khác trong hệ thống. Tổ chức dịch vụ KHCN trung gian có vai trò giảm thiểu trở ngại của sự hợp tác, liên kết giữa các chủ thể trong hệ thống, góp phần thúc đẩy việc sáng tạo, phổ biến tri thức và hoạt động đổi mới; 4) sự hợp tác giữa nhà nước với các chủ thể khác. Nhà nước thông qua việc tạo lập môi trường, điều chỉnh hoạt động của các chủ thể, hỗ trợ về mặt chính sách và nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các chủ thể và điều tiết hoạt động đổi mới của các chủ thể khác.

Thứ ba, hợp tác quốc tế. HTĐMQG là một hệ thống mở, nếu khép kín, HTĐMQG sẽ không thể thành công. Thực hiện tính “mở” cả về đầu vào và đầu ra của hệ thống đổi mới là một nhân tố bảo đảm sức mạnh của HTĐMQG. Chính vì lẽ đó, tăng cường hợp tác quốc tế bao gồm giao lưu và hợp tác về học thuật, KHCN...là một nội dung quan trọng góp phần xây dựng HTĐMQG.

3. Vai trò của nhà nước trong xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia ở các nước phát triển

Thực tiễn các nước phát triển cho thấy, nhà nước có vai trò quan trọng trong xây dựng HTĐMQG. Trong xây dựng HTĐMQG, nhà nước thực hiện nhiều chức năng khác nhau, trong đó chủ yếu là những chức năng sau:

Một, trực tiếp đầu tư.Việc xây dựng HTĐMQG không thể tách rời vai trò đầu tư trực tiếp của nhà nước. Đầu tư trực tiếp của nhà nước có thể thúc đẩy nhanh việc sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phổ biến tri thức, KHCN và sản phẩm mới. Theo báo cáo của OECD, 1 USD của chính phủ dành cho đầu tư nghiên cứu và phát triển sẽ mang lại 1,7 USD lợi ích cho doanh nghiệp. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, năm 2013, tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển của 28 nước EU chiếm 2,01% GDP; con số này của Hoa Kỳ (năm 2012), Nhật Bản (2013) và Hàn Quốc (2013) tương ứng là 2,81%, 3,47%, và 4,15% GDP(7). Ở Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu, các dự án KHCN trọng điểm, then chốt liên quan đến quốc phòng và dân sinh mà các doanh nghiệp có điều kiện tham gia đều do nhà nước đầu tư ngân sách. Thông qua việc tham gia vào các dự án nghiên cứu quan trọng và then chốt về KHCN giúp cho doanh nghiệp tập trung được nhân lực và trang thiết bị nghiên cứu, góp phần tăng cường năng lực đổi mới KHCN. Báo cáo của OECD cho thấy, tại hầu hết các quốc gia, từ 10% đến 20% nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp được tài trợ bằng ngân sách của nhà nước thông qua các phương thức đầu tư khác nhau(8).

Thứ hai, tạo lập môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.Việc xây dựng HTĐMQG đòi hỏi một môi trường tốt, bao gồm cơ chế khích lệ đổi mới sáng tạo, chính sách về sở hữu trí tuệ, quỹ đổi mới, hệ thống pháp luật và việc bảo đảm dân chủ trong hoạt động nghiên cứu. Chính sách đầu tư, miễn hoặc giảm thuế của nhà nước có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Chính sách đầu tư, miễn và giảm thuế thúc đẩy hoạt động đổi mới, nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, góp phần làm cho doanh nghiệp trong thời gian nhất định có thể nắm bắt được xu hướng công nghệ chủ đạo. Chính sách đầu tư, miễn hoặc giảm thuế của nhà nước làm tăng lên năng lực cung ứng KHCN, tạo ra nhiều sự lựa chọn để đổi mới công nghệ. Trong nhiều năm qua, luật pháp của Úc cho phép ngân hàng tham gia đầu tư trực tiếp cho hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cũng tại Úc, Cục Công nghiệp là cơ quan quản lý nhà nước cung ứng “sự phục vụ một cửa” cho các doanh nghiệp thuộc diện hỗ trợ của nhà nước về đổi mới công nghệ.

Xây dựng và hoàn hiện hệ thống pháp luật nhằm tạo môi trường pháp lý cho đổi mới sáng tạo cũng là một chức năng quan trọng của nhà nước trong xây dựng HTĐMQG. Để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, Hoa Kỳ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, như: “Luật đổi mới KHCN”, “Luật phân loại thương hiệu”, “Luật ưu tiên KHCN”, “Luật hợp tác nghiên cứu toàn quốc”; Pháp đã ban hành “Luật định hướng cơ bản về nghiên cứu và phát triển KHCN”, “Luật Giáo dục đại học”, “Luật KHCN và đổi mới KHCN”; Nhật Bản đã ban hành “Luật KHCN cơ bản”, “Luật thúc đẩy chuyển giao thành quả nghiên cứu khoa học, công nghệ của trường đại học cho doanh nghiệp và xã hội”, “Luật tăng cường năng lực KHCN cho sản xuất”; Hàn Quốc đã ban hành “Luật thúc đẩy tiến bộ KHCN quốc gia”; “Luật đổi mới KHCN đặc biệt”... Ngoài các phương diện trên, “thừa nhận và khích lệ mọi người có quyền tự do tối đa trong khuôn khổ pháp luật; thông qua tự do để có được sự đổi mới và giải phóng sức sáng tạo”(9); thực hiện phương châm “giải phóng tư tưởng”, bảo đảm tự do tư tưởng trong nghiên cứu khoa học, nhất là trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cũng là một nội dung được các nước phát triển coi trọng nhằm góp phần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.

Thứ ba, điều tiết hoạt động đổi mới.Xây dựng HTĐMQG đòi hỏi sự tích hợp về nguồn lực và sức mạnh của quốc gia và quốc tế, của trung ương và địa phương, của các cơ quan nhà nước, của nhà nước -doanh nghiệp -trường đại học và cơ quan nghiên cứu. Tất cả điều này đòi hỏi Nhà nước cần thực hiện tốt chức năng điều tiết của mình. Xây dựng HTĐMQG liên quan đến hoạt động hợp tác và chuyển giao KHCN giữa các quốc gia, vì thế, việc tăng cường sự điều tiết của Nhà nước đối với hoạt động hợp tác quốc tế về KHCN nhằm thúc đẩy giao lưu, hợp tác quốc tế về KHCN cả về chiều rộng lẫn chiều sâu cũng là đòi hỏi tất yếu khách quan. Chẳng hạn, Chính phủ Úc đã thành lập Tổ hợp tác quốc tế về công nghiệp và KHCN liên bang để thiết lập và thực hiện mạng lưới hợp tác nghiên cứu toàn cầu. Bên cạnh điều tiết hoạt động hợp tác quốc tế về KHCN, nhà nước còn cần thực hiện sự phối hợp và liên kết hữu cơ giữa các chủ thể đổi mới: nhà nước -doanh nghiệp -trường đại học -cơ quan nghiên cứu nhằm nâng cao năng lực đổi mới. Ở Nhật Bản, nhiều dự án nghiên cứu lớn được triển khai thông qua sự liên kết và hợp tác giữa nhà nước -doanh nghiệp -trường đại học và cơ quan nghiên cứu. Sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước -doanh nghiệp -trường đại học và cơ quan nghiên cứu cũng như sự can thiệp mạnh của nhà nước trong đổi mới KHCN là một đặc điểm nổi bật của mô hình đổi mới quốc gia ở Nhật Bản. Ngoài ra, điều tiết sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong hoạt động đổi mới nói chung, đổi mới KHCN nói riêng thông qua các phương thức khác nhau cũng thuộc vai trò và chức năng của nhà nước.

Thứ tư, hoạch định chiến lược và chính sách đổi mới quốc gia.Xây dựng HTĐMQG đòi hỏi một chiến lược đổi mới rõ ràng. Chiến lược đổi mới sẽ đề ra mục tiêu, thời gian, bước đi và nhiệm vụ của việc xây dựng HTĐMQG, từ đó có lợi cho việc nâng cao hiệu quả xây dựng HTĐMQG. Các nước phát triển rất coi trọng việc hoạch định chiến lược đổi mới để định hướng, khích lệ và hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo. Chẳng hạn, tháng 7-1985, Liên minh châu Âu đã ban hành “Kế hoạch Euroka”. Trong kế hoạch này, Liên minh châu Âu đã đưa ra các ngành, lĩnh vực KHCN tiên tiến nhất, cần thiết nhất của thế giới cần quan tâm phát triển; đồng thời đưa ra cam kết và sự hỗ trợ mạnh mẽ cho hoạt động đổi mới KHCN. Năm 1993, Hoa Kỳ đã ban hành quy hoạch chiến lược “Xa lộ thông tin toàn quốc”, tiếp đó, quốc gia này đã chú trọng vào việc thiết lập hệ thống bảo vệ sở hữu trí tuệ, đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe và triển khai thực hiện một số dự án đổi mới quan trọng. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ còn ban hành nhiều chính sách khác nhau nhằm tạo môi trường, cơ sở cho đổi mới sáng tạo. Năm 1995, Nhật Bản đã ban hành “Chiến lược phát triển KHCN quốc gia”, trong đó coi đổi mới KHCN là cơ sở và nền tảng cho sự phát triển của quốc gia. Năm 2001, Hàn Quốc đã ban hành “Kế hoạch cơ bản về phát triển KHCN”. Trong kế hoạch này, Hàn Quốc đề ra mục tiêu trong thời gian 5 năm bảo đảm để quốc gia này trở thành một trong 10 quốc gia có trình độ và năng lực cạnh tranh về KHCN trên thế giới.

 4. Một số gợi ý đối với Việt Nam

Nhà nước kiến tạo phát triển là một chủ đề được nhiều người quan tâm hiện nay. Từ ý nghĩa đó, để thực hiện tốt vai trò kiến tạo phát triển, nhà nước cần là một nhà nước đổi mới và hơn nữa nhà nước cần thực hiện đúng và có hiệu quả chức năng của mình trong xây dựng HTĐMQG. Nhà nước là người khởi xướng, tổ chức và duy trì đổi mới, vì thế cần phải thông qua các phương thức khác nhau về đầu tư, môi trường, chính sách để xây dựng HTĐMQG, cũng như thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia. Đại hội  XII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức”(10). Nghiên cứu chức năng của nhà nước trong xây dựng HTĐMQG ở các nước phát triển, có thể rút ra một số gợi mở đối với Việt Nam như sau:

Thứ nhất, để thúc đẩy xây dựng HTĐMQG cần thực hiện tốt phương châm “giải phóng tư tưởng”. Tiền đề của đổi mới tri thức, đổi mới KHCN và đổi mới thể chế chính là sự ra đời của quan niệm mới, tư tưởng mới và lý luận mới. Để vượt thoát khỏi sự “bó buộc” của quan niệm cũ, tư tưởng cũ và lý luận cũ, cần coi trọng “giải phóng tư tưởng”. “Giải phóng tư tưởng” là điều kiện để một dân tộc duy trì được tính tiên tiến và sức sống của tư duy lý luận; chỉ có “giải phóng tư tưởng” mới có thể vượt thoát khỏi sự “bó buộc” của nhận thức cũ, cách làm cũ và đề ra được quan niệm mới và kiến giải mới. Vì thế, ở nước ta hiện nay cần “thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học”(11);“coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”(12);“bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện”(13);“bảo đảm tác dụng, hiệu quả thực chất hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”(14).Đặc biệt, cần thực hiện tốt Quy định của Bộ Chính trị khóa XI, ngày 25-4-2015, “về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan đảng, nhà nước” nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân được tự do sáng tạo, độc lập suy nghĩ, kiến nghị, được tôn trọng, tiếp thu ý kiến, vận dụng, sử dụng kết quả nghiên cứu trong các hoạt động nghiên cứu lý luận chính trị, phù hợp với pháp luật hiện hành(15).

Thứ hai, tiếp tục tạo lập môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, ban hành các chính sách khuyến khích hoạt động đổi mới. Đổi mới có nghĩa là thể chế mới, trình tự mới, kỹ thuật mới, lý luận mới, phương pháp mới thay thế cho cái cũ. Điều này rất dễ xung đột với trình tự và thể chế hiện có. Đổi mới có độ rủi ro nhất định, cũng có thể không thành công, hoặc thành công ít, thất bại nhiều. Do đó, cần phải có cơ chế pháp luật để bảo đảm hoạt động đổi mới; cần bao dung và khoan dung đối với những ý tưởng đổi mới và những đổi mới không thành công, duy trì tính tích cực của chủ thể đổi mới, làm cho đổi mới trở thành nội dung quan trọng trong đời sống thường ngày của xã hội. Nhà nước cần thiết lập nên cơ chế khích lệ có hiệu quả, bảo đảm nhân lực, vật lực, tài lực, thông tin và chính sách cho chủ thể đổi mới, hình thành cơ chế khuyến khích đủ mạnh để cổ vũ tính tích cực đổi mới của tổ chức và các thành viên trong xã hội.

Do đổi mới KHCN cần sự đầu tư lớn, độ rủi ro cao nên tính tích cực trong đổi mới KHCN của tổ chức và cá nhân trong xã hội thường không cao. Điều này đòi hỏi nhà nước cần thông qua quy hoạch, kế hoạch, tài chính và đầu tư để thúc đẩy hoạt động đổi mới của doanh nghiệp và xã hội. Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, sự đầu tư trực tiếp của nhà nước và chính sách miễn, giảm thuế là những biện pháp chủ yếu để khích lệ hoạt động đổi mới của doanh nghiệp. Trong điều kiện nước ta, để thúc đẩy xây dựng HTĐMQG, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi và thúc đẩy hoạt động đổi mới của doanh nghiệp, trường đại học, cơ quan nghiên cứu và tổ chức dịch vụ KHCN; giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước với trường đại học, Nhà nước với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước với tổ chức nghiên cứu khoa học; trao nhiều quyền tự chủ hơn cho đại học công lập và cơ quan nghiên cứu công lập...

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý. Trong công cuộc đổi mới, cùng với những thành tựu đã đạt được trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì hệ thống pháp luật, trong đó có hệ thống pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, giáo dục và KHCN... cũng không ngừng được hoàn thiện. Hệ thống pháp luật nói trên đã tạo cơ sở quan trọng cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, trước yêu cầu của việc xây dựng HTĐMQG, Nhà nước cần tiếp tục sửa đổi một số luật hiện có, ban hành một số văn bản pháp luật mới nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới của doanh nghiệp, tăng nhiều quyền tự chủ hơn cho trường đại học, các tổ chức nghiên cứu và tổ chức dịch vụ khoa học, công nghệ. Bên cạnh Luật Khoa học và Công nghệ, cần ban hành một số luật có liên quan, như “Luật Đổi mới khoa học, công nghệ”, “Luật Ưu tiên khoa học, công nghệ”, “Luật Thương hiệu”... Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ cũng cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu mới.

Thứ tư, hoạch định chính sách và chiến lược đổi mới. Chính sách và chiến lược đổi mới của nhà nước có tầm quan trọng đặc biệt đối với hoạt động đổi mới của toàn xã hội. Điều này thể hiện ở chỗ: 1) nhờ chính sách đổi mới của nhà nước mà việc phân bổ nguồn lực trở nên hợp lý hơn, giảm thiểu tối đa chi phí đổi mới của toàn xã hội; 2) thực hiện sự hướng dẫn đối với hoạt động đổi mới của xã hội, tập trung nguồn lực để đổi mới đối với những lĩnh vực, ngành nghề then chốt và những lĩnh vực mà xã hội cần nhất; 3) thực hiện sự điều tiết cần thiết đối với các hoạt động đổi mới của xã hội, làm cho hoạt động đổi mới của toàn xã hội diễn ra một cách liên tục và bền vững.

Là một nước đang phát triển, để thực hiện sự phát triển nhanh và bền vững, cần ban hành chiến lược đổi mới khoa học, công nghệ phù hợp. Chiến lược đổi mới sẽ đề ra mục tiêu và phương hướng đổi mới công nghệ một cách đúng đắn, tránh được việc “đi đường vòng”. Nhà nước cần phải thông qua việc hoạch định chiến lược phát triển KHCN để nâng cao trình độ và tiềm lực KHCN của quốc gia. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt “Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 -2020”“Chiến lược phát triển giáo dục 2011 -2020”. Thực tế cho thấy, các chiến lược nói trên đã có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển KHCN và giáo dục, đào tạo cũng như thúc đẩy việc xây dựng HTĐMQG. Trước yêu cầu mới, bên cạnh việc bổ sung, điều chỉnh các chiến lược hiện có, cần đề ra các chiến lược, quy hoạch liên quan đến KHCN, như quy hoạch phát triển các ngành và lĩnh vực KHCN trọng điểm; quy hoạch phát triển hệ thống trường đại học công lập; quy hoạch phát triển tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học công lập...

Thứ năm, tăng cường đầu tư cho KHCN, nhất là cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, tăng cường sự đầu tư trực tiếp của nhà nước cho KHCN là một giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy việc xây dựng HTĐMQG. Trong thời kỳ đổi mới, nhà nước đã tăng cường đầu tư cho KHCN. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2015, đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KHCN là 17.390 tỷ đồng (chiếm 1,52% tổng chi ngân sách nhà nước và chiếm 0,4% GDP)(16). Về tổng chi quốc gia cho KHCN, theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2013, tỷ lệ chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển/GDP đạt 0,37%. Trong tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển, ngân sách nhà nước chiếm 56,7% (13.390 tỷ đồng), nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp chiếm 41,8% (5.597,3 tỷ đồng), nguồn vốn nước ngoài chiếm 1,5% (201,7 tỷ đồng)(17). Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, “mức đầu tư cho KHCN vẫn chưa tương xứng với quốc sách hàng đầu. Nếu như Hàn Quốc đầu tư 1.100 USD/1 người để làm nghiên cứu khoa học thì nước ta mới đầu tư có 10 USD.Đặc biệt, mức đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của nước ta còn thấp hơn Trung Quốc 10 lần, Ấn Độ 5 lần và Hàn Quốc 20 lần(18). Do đó, tăng cường đầu tư cho KHCN, nhất là tăng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho nghiên cứu và phát triển, điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho KHCN là những vấn đề cần quan tâm nhằm góp phần xây dựng HTĐMQG ở Việt Nam hiện nay.

Thứ sáu, Nhà nước cần trở thành chủ thể tiên phong về đổi mới và nêu gương về tinh thần tự đổi mới. Có ý kiến cho rằng, một quốc gia đổi mới đòi hỏi một nhà nước đổi mới(19). Nhà nước là người nắm giữ quyền lực công, là chủ thể thiết lập thể chế và ban hành chính sách, pháp luật, vì thế “nhất cử nhất động” của nhà nước đều ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, hành vi của công dân cũng như sự ổn định và phát triển của xã hội. Từ ý nghĩa này, sự đổi mới tự thân của nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hoạt động đổi mới của xã hội và sự phát triển của xã hội. Sự đổi mới của nhà nước hình thành nên bầu không khí đổi mới trong toàn xã hội, làm cho đổi mới trở thành một giá trị xã hội. Hoạt động đổi mới của nhà nước làm thay đổi hệ thống thể chế và chính sách, từ đó ảnh hưởng tích cực đến các lĩnh vực của đời sống xã hội cũng như cuộc sống của người dân. Việc đổi mới thể chế của nhà nước liên quan trực tiếp đến số lượng, chất lượng và hiệu quả đổi mới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội cũng như trong HTĐMQG. Một chính phủ kiến tạo phát triển không chỉ là một chính phủ tinh giản, hiệu quả, pháp quyền, trách nhiệm và liêm chính, mà còn là một chính phủ dân chủ, minh bạch và đổi mới.

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2017

Tài liệu tham khảo:

(1) Porter, M.E:The Competitive Advantage ofNations, Free Press, New York, 1990.

(2) Richard R.Nelson:National Innovation Systems: A Comparative Analysis,1993.

(3) C.Freeman: Continental, National and Sub- national Innovation Systems: Complementarity and Economic Growth. Research Policy, 2002, 31(2).

(4) OECD:National Innovation Systems, 1997.

(5) OECD: Managing National Systems of Innovation, 1999.

(6) Metcalfe, J.S.: Technology systems and technology policy in and evolutionary framework. Cambridge Journal of Economics, 1995, 19 (1),
25-56.

(7) World Bank:Science and Technology in ASEAN Countries (Tentativeedition) - September 2015, Center for Research and Development Strategy - Japan Sciense and Technology Agancy (2015).

(8) OECD: Science, Technology and Industry Outlook 2014, 16-11-2014.

(9) Zhang Cheng-fu: On Open Government, Journal of Renmin University of China, No4, 2014.

(10), (11)(12)(13)(14)ĐCSVN:Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII,Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.121, 122, 161-162, 159, 160.

(15) Lê Hữu Nghĩa:Thực hành và phát huy dân chủ qua 30 năm đổi mới, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 11-3-2016.

(16) Bộ Khoa học và Công nghệ:Khoa học và công nghệ Việt Nam 2015, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2016, tr.92-93.

(17) Bộ Khoa học và Công nghệ:Khoa học và công nghệ Việt Nam năm 2013, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2014, tr. 83-85.

(18) Báo Giáo dục Việt Nam điện tử:Việt Nam đầu tư cho nghiên cứu khoa học chỉ bằng 1/100 của Hàn Quốc, ngày 12-6-2015.

(19) Du Khả Bình: Một quốc gia đổi mới đòi hỏi một nhà nước đổi mới, Tạp chí So sánh thể chế kinh tế - xã hội, số 2, 2006.

 

TS Nguyễn Trọng Bình

Học viện Chính trị khu vực IV

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền