Trang chủ    Quốc tế    Chính sách đối ngoại của Campuchia nhằm củng cố độc lập dân tộc giai đoạn 1993 - 2013
Thứ ba, 27 Tháng 3 2018 18:13
6103 Lượt xem

Chính sách đối ngoại của Campuchia nhằm củng cố độc lập dân tộc giai đoạn 1993 - 2013

(LLCT) - Thực tiễn các quốc gia đang phát triển cho thấy, để bảo vệ, củng cố nền độc lập, tự chủ, cùng với nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thì việc hoạch định đường lối và triển khai các hoạt động đối ngoại có vai trò rất quan trọng. Qua 20 năm, từ khi Chính phủ Campuchia (nhiệm kỳ I) được thành lập với mục tiêu là giữ vững ổn định chính trị, duy trì môi trường hòa bình để phát triển, từng bước tham gia hội nhập quốc tế, bảo vệ và củng cố nền độc lập dân tộc đã mang cho Campuchia những thắng lợi to lớn trong chính sách đối ngoại. Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích và đánh giá một số kết quả triển khai chính sách đối ngoại của Campuchia từ năm 1993 đến 2013.

Campuchia là một nước nhỏ về diện tích và dân số, có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, có vị trí địa chính trị quan trọng trong khu vực, đã tạo cho Campuchia những nét đặc trưng riêng trong quá trình phát triển kể từ khi giành được độc lập dân tộc năm 1953. Năm 1991, Campuchia đạt được Hiệp định Paris về việc giải quyết vấn đề Campuchia, tháng 5-1993, cuộc tuyển cử đã được UNTAC điều hành thành công khi gần 90% cử tri đăng ký (gần 5 triệu người) đã đi bầu mặc cho những đe dọa của Khmer Đỏ. Ứng viên của FUNCINPEC thắng 58 trên 120 ghế Quốc hội. Đảng CPP (Đảng Nhân dân Campuchia) thắng 51 ghế. Nhóm Son Sann là BLDP (Đảng Dân chủ tự do Phật giáo) chiếm 10 ghế và một đảng nhỏ chiếm 1 ghế còn lại. Hai tháng sau, Chính quyền liên hiệp lâm thời được thành lập và trở thành Chính phủ Hoàng gia Campuchia vào tháng 9-1993. Cũng trong thời gian này, Quốc hội đã công nhận Sihanouk làm Vua Campuchia thêm một lần nữa. Đứng đầu Chính phủ liên hiệp là Hoàng thân Norodom Ranariddh (FUNCINPEC) làm Thủ tướng thứ nhất và Hun Sen (CPP) làm đồng Thủ tướng thứ hai. Sự quân bình tương tự cũng được cơ cấu ở các bộ. Từ năm 1993 (nhiệm kỳ I) đến 2013 (nhiệm kỳ IV), Chính phủ luôn nâng cao quan điểm lãnh đạo nhân dân đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc, đồng thời không ngừng tìm ra con đường phát triển một cách tốt nhất. Chính sách đối ngoại của Campuchia trong thời gian này đã góp phần:

1. Củng cố độc lập dân tộc trên lĩnh vực chính trị

Phá thế bị bao vây, cấm vận; mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng  đa phương hóa, đa dạng hóa; giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia. Sau khi vấn đề Campuchia được giải quyết năm 1991 và bầu cử năm 1993, Campuchia đã nhanh chóng củng cố lại quan hệ với các nước lớn như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... và tích cực gia nhập ASEAN (năm 1999), Campuchia đã có quan hệ ngoại giao với hơn 157 nước. Tuy nhiên, do điều kiện và hoàn cảnh, đến nay mới có 30 cơ quan đại diện cấp đại sứ quán đặt tại Campuchia và ngược lại. Quan hệ với các nước lớn ngày càng đi vào chiều sâu theo hướng ổn định và hiệu quả hơn, duy trì được quan hệ cân bằng với các nước lớn, xử lý tốt mối quan hệ giữa hợp tác và đấu tranh, vừa thúc đẩy quan hệ, vừa giảm sức ép của các nước lớn trong những vấn đề liên quan đến độc lập, chủ quyền, an ninh, lợi ích quốc gia, không để đất nước rơi vào thế đối đầu, bị cô lập hay lệ thuộc.

Hội nhập quốc tế cả trong khuôn khổ tiểu vùng, khu vực và quốc tế. Quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt với tất cả các nước đã hỗ trợ đắc lực cho công cuộc phát triển đất nước là Chủ tịch ASEAN năm 2012, Campuchia đã tổ chức tốt các Hội nghị cấp cao ASEAN (tháng 4 và 11-2012), Hội nghị cấp cao Đông Á, Đối thoại chung ASEAN lần thứ nhất, Hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN có liên quan và nhiều hội nghị quan trọng khác trong khuôn khổ khu vực và thế giới. Campuchia đã thể hiện được năng lực của mình trong tham gia giải quyết các công việc của khu vực, cũng như thế giới, từ đó làm cho vị thế, uy tín của Campuchia ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Campuchia là thành viên WTO 2004, các tổ chức quốc tế khác, tham gia tích cực sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở một số nước trong khuôn khổ Liên Hợp quốc lần đầu tiên cử binh sĩ ra nước ngoài vào tháng 4-2006.

Campuchia cũng đã hoàn thành việc đăng ký đền Ang Kor Wat (1992), đền Preah Vihear (2008) và một số văn hóa phi vật thể của nhân loại vào danh sách di sản thế giới và được chọn làm chủ nhà tổ chức Hội nghị Ủy ban di sản thế giới năm 2013 khi Campuchia làm Chủ tịch Ủy ban này.

2. Củng cố độc lập dân tộc trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng

Giải quyết hòa bình các vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển đảo với các nước liên quan, giữ vững môi trường hòa bình. Các cơ chế tiếp xúc cấp cao cùng với những hình thức hợp tác phong phú, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương giữa Campuchia và các nước có chung đường biên giới được duy trì, đổi mới thường xuyên, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác ngày càng tiến triển theo hướng thực chất hơn, phát huy thế mạnh và tiềm năng của mỗi nước.

Đàm phán với Lào và Việt Nam. Cùng với Thái Lan, tìm kiếm dấu mốc và đàm phán trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia hai bên. Riêng tại vùng biển lịch sử giữa Campuchia - Việt Nam và Campuchia - Thái Lan, Campuchia và các nước này chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” tại vùng biển chồng lấn trên cơ sở bình đẳng, hai bên cùng có lợi và tiến tới giải quyết triệt để khi điều kiện cho phép.

Campuchia đã đạt được những thành tựu cơ bản về giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, sự lãnh đạo của chính phủ và bảo vệ chế độ Quân chủ lập hiến; đẩy mạnh phát triển kinh tế; giữ vững an ninh chính trị và trật tự - an toàn xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân vào công cuộc cải cách; tạo lập được môi trường quốc tế thuận lợi, mở rộng quan hệ đối ngoại; tăng cường thế và lực của đất nước. Campuchia có 124.300 quân trong lực lượng vũ trang hoạt động, xếp thứ 42 trên thế giới (trong đó: 75.000 lục quân, 2.800 hải quân, 1.500 không quân, 45.000 lực lượng tỉnh), và 67.000 Quân đội Para; ngân sách quốc phòng năm 2010 là 287 triệu USD (2,55% GDP), năm 2014 là 468 triệu USD (3,3% GDP) tăng 17% so với ngân sách năm 2013”(1)

3. Củng cố độc lập dân tộc trên lĩnh vực kinh tế

Tranh thủ ODA, thu hút FDI, mở rộng thị trường ngoài nước, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; tranh thủ được nguồn vốn, khoa học - công nghệ tiên tiến, kỹ thuật quản lý của nước ngoài để phát triển đất nước. Campuchia cũng đã tiến một bước dài trong việc hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc gia nhập WTO và AFTA, là quan sát viên của APEC. Cũng đã thiết lập được quan hệ tín dụng với các tổ chức tài chính - tiền tệ quốc tế, tranh thủ được số lượng đáng kể vốn vay ưu đãi của WB, IMF và ADB.

Campuchia đã đẩy mạnh vận động chính trị, ngoại giao ở các cấp, đặc biệt ở cấp cao, mở rộng diện vận động kết hợp chặt chẽ với đàm phán các FTA. Việc Campuchia hoàn tất đàm phán, ký kết các FTA thế hệ mới với quy mô sâu rộng và tiêu chuẩn cao có ý nghĩa quan trọng, là bước triển khai chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế toàn diện, góp phần tạo sự đan xen về lợi ích, làm sâu sắc quan hệ giữa Campuchia với các đối tác hàng đầu khu vực và thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ, EU, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và nâng cao vị thế đối ngoại của đất nước.

Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, lao động, du lịch tại các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Anh, Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc,... được đẩy mạnh nhằm góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, giải quyết những tranh chấp thương mại, bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp Campuchia ở nước ngoài; tăng cường đầu tư vào các thị trường tiềm năng ở châu Phi và Mỹ Latinh, mở rộng thị trường lao động mới và củng cố các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống, đẩy mạnh xúc tiến - quảng bá du lịch tại các thị trường trọng điểm (Trung Quốc, châu Âu).

Bên cạnh đó, trong quan hệ với các nước và các chuyến thăm đoàn cấp cao, Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế tích cực thúc đẩy quá trình đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác lao động, nhất là đối với các địa bàn trọng điểm như Malaysia, Thái Lan nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của lao động Campuchia ở nước ngoài, tạo điều kiện cho hàng chục nghìn lao động di cư tự do tại các nước này được chính quyền sở tại cấp giấy phép ở lại lao động hợp pháp.

Tranh thủ mạng lưới các Cơ quan đại diện Campuchia ở nước ngoài và quan hệ với các tổ chức nghiên cứu quốc tế, ngành ngoại giao đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu kinh tế thế giới, góp phần cung cấp thông tin, kịp thời phục vụ tham mưu cho Chính phủ và các bộ, ngành trong điều hành kinh tế - xã hội.

Thành công lớn trong giai đoạn 1993-2013 là đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, kinh tế tăng trưởng nhanh, cơ sở vật chất - kỹ thuật được tăng cường, đời sống của các tầng lớp nhân dân không ngừng được cải thiện. Từ năm 1993 đến năm 1997, công cuộc tái thiết đất nước và cải cách đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Nhưng vào năm 1998 đất nước vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Nhờ triển khai mạnh mẽ Cương lĩnh chính trị năm 1998 và Chiến lược phát triển quốc gia lần thứ nhất (1996 - 2000) của Chính phủ Campuchia nhiệm kỳ II với đường lối và định hướng phát triển cụ thể, hầu hết các chỉ tiêu được hoàn thành vượt mức; đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cần thiết để chuyển sang thời kỳ phát triển mới.

Năm 1993, GDP tăng 4,1%, năm 1999 là 12,6%, riêng năm 2003 là 8,5% đến năm 2013 là 7,2%. Nếu không tính năm 2009 (0,1%) là năm khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Campuchia trong 10 năm (2003-2013) đạt 8,64%...Tổng GDP tăng từ 2.427 triệu USD năm 1993 lên 8.831triệu USD năm 2013 và GDP đầu người tăng từ 228 USD năm 1993 lên 1.080 USD năm 2013. Tỷ giá hối đoái chính thức giữa đồng Riel và đồng Đôla Mỹ (USD) là 1 USD = 2.747 Riel năm 1993, 1 USD = 4.025 Riel năm 2013. Lạm phát ở mức thấp và luôn được kiểm soát, nếu năm 1994 là - 0,7% thì năm 2003 là 1,2%, năm 2010 là 4,0% và năm 2013 là 3,0% năm.

Chính sách thu hút đạt nhiều FDI thành công, số vốn FDI năm 1993 là 124 triệu USD lên 1.220 triệu USD năm 2013. Tổng thương mại Campuchia tính từ năm 1996 là 1.354 triệu USD (trong đó xuất khẩu là 378 triệu USD và nhập khẩu 978 triệu USD lên 12.491 triệu USD năm 2012 (xuất khẩu là 5.583 triệu USD và nhập khẩu 6.908 triệu USD).

Đến năm 2013, có gần 500 nhà máy may mặc và giầy dép, tạo việc làm cho hơn 600.000 người, tổng xuất khẩu năm 2013 đạt 5 tỷ USD và nhận được tổng tiền lương công lao động khoảng 1 tỷ USD /năm, và gần 2 triệu công dân khác hưởng lợi gián tiếp từ lĩnh vực này.

Về du lịch, năm 2013 đã đón được 4.210.165 khách du lịch, (tăng 17,5%) và thu về ngân sách quốc gia khoảng 2.547 triệu USD tăng 15% so với năm 2012. Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp thu hút khách du lịch như: tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng về du lịch, đàm phán với các hãng nước ngoài mở thêm đường bay tới
Campuchia như: hãng Air France của Pháp, đàm phán với Úc, hãng Tiger Airways của Singapore và hàng Eastar Jet của Hàn Quốc bắt đầu mở đường bay tới Campuchia đầu năm 2012. Riêng hãng hàng không Campuchia Angkor Air trong năm 2011 đã mở đường bay Siem Riep - Phnom Penh - Sihanoukvile và kết nối 2 điểm du lịch nổi tiếng của Campuchia, năm 2013 đã mở thêm Phnôm Pênh - Hà Nội.

Về xây dựng, tính đến năm 2013, Chính phủ đã cấp phép xây dựng cả nước 1.242 dự án trên tổng diện tích xây dựng 5.969.485 m2 với tổng vốn đầu tư hơn 2,5 tỷ USD tăng 30% so với năm 2012, đã đăng ký xí nghiệp, công ty kinh doanh thương mại xây dựng và nghiên cứu kế hoạch dự án 173 công ty (trong đó: 123 công ty nội địa và 46 công ty nước ngoài).

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực có tiềm năng nhất của Campuchia. Lĩnh vực nông nghiệp có diện tích tới 5,5 triệu ha (trong đó đất trồng lúa 3 triệu ha, đất trồng rau và rau công nghiệp hơn 1 triệu ha, đất trồng hoa quả khoảng 200.000 ha, cao su hơn 280.000 ha, và đất nông - công nghiệp thông qua kế hoạch đầu tư kinh tế gọi là đất tô nhượng khoảng gần 1,2 triệu ha). Hiện nay cho dù lĩnh vực nông nghiệp đối mặt với sự gia tăng về dân số nhanh chóng, biến đổi khí hậu và sự cạnh tranh của thị trường ... nhưng nông nghiệp của Campuchia vẫn bảo đảm tăng trưởng trung bình hàng năm 4% -5% trong giai đoạn 2008-2012 và tăng trung bình 4,3% trong năm 2013 và đã đóng góp 27,5% vào tổng GDP, trong đó: nông sản là 54,8%, ngư nghiệp 25,4%, sản phẩm gia súc 14,1% và lâm nghiệp là 5,7%.

Từ năm 1995, Campuchia đã bảo đảm được an ninh lương thực bởi dư thừa  khoảng 230.000 tấn gạo và tăng lên hơn 2 triệu tấn năm 2008, hơn 3 triệu tấn năm 2012. Năm 2013, tổng sản lượng thóc của Campuchia đạt 9,3 triệu tấn và dư thừa khoảng 4,7 triệu tấn thóc để xuất khẩu. Xuất khẩu gạo của Campuchia tới 57 quốc gia trên thế giới với số lượng 5.000 tấn năm 2008 tăng lên 205.000 tấn năm 2012 và gần 400.000 tấn năm 2013.

Về cơ sở hạ tầng, đến năm 2013, đường quốc lộ và đường liên tỉnh trong cả nước có tổng chiều dài hơn 12.239 km (trong đó đổ nhựa là 5.596 km, tương đương 46%. Ngày 22-1-2013, khai trương, cảng container tại Phnom Penh (bằng ODA của Trung Quốc), đã xây dựng cầu qua các sông lớn và nhánh biển gồm 14 cầu và đang tiếp tục xây dựng 5 cầu. Việc khôi phục lại đường sắt Campuchia với tổng số kinh phí 141,6 triệu USD (vay ngân hàng ADB 84 triệu USD, viện trợ không hoàn lại của chính phủ Úc 21,5 triệu USD, tổ chức OFID 13 triệu USD, Chính phủ Malaysia 2,8 triệu USD bằng cách cấp sắt ray và tiền của Chính phủ Campuchia 20,3 triệu USD), gồm hai đường là đường hướng Nam có chiều dài 266 km (Phnom Penh - Tỉnh Preah Sihanouk) và đường hướng Bắc có chiều dài 386 km (Phnom Penh - Poy Pet).

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, Campuchia đóng góp tích cực vào các hoạt động tại các diễn đàn đa phương như xây dựng và hình thành “Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN”; đưa ra sáng kiến thành lập “Mạng lưới các thành phố văn hóa của FEALAC”. Trong khuôn khổ UNESCO, Campuchia đã và đang phát huy mạnh mẽ vai trò của mình. Ở trong nước, Campuchia đã tổ chức thành công nhiều sự kiện với các hình thức phong phú và đa dạng, các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn và thường niên.

Trong những năm gần đây, Bộ Ngoại giao và Hợp tác đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan đại diện ở nước ngoài triển khai thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại; chú trọng gắn kết giữa thông tin đối ngoại với thông tin đối nội, đưa thông tin về Campuchia ra thế giới một cách chính xác, kịp thời, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; đưa thông tin thế giới vào Campuchia một cách có chọn lọc, phù hợp với chủ trương, quan điểm của Nhà nước.

Sau 20 năm với sự nỗ lực phấn đấu của Chính phủ và nhân dân Campuchia, quá trình bảo vệ độc lập dân tộc trên lĩnh vực đối ngoại đã đạt được những thành tựu to lớn cả về nhận thức và hoạt động thực tiễn, từ đó dẫn tới thành công trong một số lĩnh vực trọng yếu khác.

Sự khởi sắc của nền kinh tế đã tác động trực tiếp tới sự phát triển của xã hội. Từ một nước có xuất phát điểm nền kinh tế thấp với nhiều điều kiện khó khăn, Campuchia đã vươn lên trở thành những quốc gia có kết quả xóa bỏ đói nghèo theo Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc thành công nhất. Công tác giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả tốt: từ năm 2009 đến năm 2012 Bộ Lao động và Đào tạo nghề nghiệp Campuchia đã tạo việc làm cho 205.068 lao động (trong đó: 107.068 người làm việc trong nước và 98.556 người làm việc ở nước ngoài qua 31 công ty xuất khẩu lao động).

Theo chuẩn quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo đói đã giảm từ  34,7% năm 2005 xuống còn 27,3% năm 2009 và còn 20% năm 2013, Campuchia đã được Liên Hợp quốc đánh giá là quốc gia đứng thứ năm trong số các nước đang phát triển có thể hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ của mình và cũng là quốc gia đứng thứ nhất trong việc cải cách hệ thống xã hội và đang tiến lên một cách linh hoạt trải qua giai đoạn quốc gia có thu nhập thấp trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và trung bình khá trong thời gian sớm nhất.

Sự nghiệp giáo dục có bước phát triển mới về quy mô: ngân sách cho lĩnh vực giáo dục tăng liên tục từ 61,6 tỷ Riel năm 1994 lên 325,9 tỷ Riel năm 2004 và 915,9 tỷ Riel năm 2011, đa dạng hóa về loại hình trường lớp từ mầm non, tiểu học đến cao đẳng, đại học.

Bên cạnh những thành công, Campuchia đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề phức tạp như: sự chênh lệch trình độ phát triển, khoảng cách giàu nghèo, sự ảnh hưởng của các nước lớn ngày một lớn hơn và sâu hơn, vấn đề bảo đảm nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ, vấn đề chống tham nhũng, vấn đề phát triển bền vững... Bên cạnh đó là những vấn đề mang tính toàn cầu như: dân số, môi trường, tôn giáo, sắc tộc, bệnh dịch... Mặt khác, các thế lực thù địch lợi dụng toàn cầu hóa để đẩy mạnh âm mưu “diễn biến hòa bình” gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị tại Campuchia, đe dọa nền độc lập dân tộc, trong đó có quyền lựa chọn định hướng phát triển.

Chính phủ Campuchia đã nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc tạo dựng một môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, hợp tác hiệu quả... không chỉ có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước, mà còn trực tiếp góp phần quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh bảo vệ, củng cố độc lập dân tộc. Hoạt động đối ngoại phải từng bước trưởng thành đáp ứng yêu cầu mới của đất nước. Cùng với việc ổn định tình hình an ninh, chính trị trong nước; tìm được tiếng nói chung trong việc lựa chọn cho mình một hệ thống chính trị và nhận được sự ủng hộ của các nước trong khu vực và thế giới, từ đó tạo ra những tiền đề cho phát triển kinh tế, phục vụ cho công cuộc bảo vệ độc lập dân tộc của Campuchia. Sự ổn định về chính trị - xã hội là nhân tố quyết định tạo điều kiện thuận lợi cho các lĩnh vực khác phát triển bền vững.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2017

(1) Chheang Vannarith:“Contributor Profile: Cambodia”,CICP publication, Version 23, Phnôm Pênh, 2014, tr.1.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Du lịch Campuchia: Báo cáo chính phủ về khách du lịch nước ngoài đến Campuchia năm 2012-2013,Phnôm Pênh, 2014.

2. Chính phủ Hoàng gia Campuchia: Báo cáo tóm tắt: Một số thành tựu quan trọng của chính phủ Hoàng gia Campuchia năm 2008-2012,Vụ Tổng Hợp của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, Phnôm Pênh, 2012.

3. Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP), Báo cáo tiến trình phát triển con người năm 2000-2010, trường hợp Campuchia,2011.

4. Hang Chuon Narong: Prospects and Policy Priorities for Hight Growth and Sustainable Development,Nxb. CICP, Phnôm Pênh, 2011.

5. Hang Chuon Narong: Con đường tiến tới Cộng đồng ASEAN 2015 và Tầm nhìn Campuchia năm 2030,Viện Kỹ thuật Campuchia, Phnôm Pênh, 2013.

6. Moeun Nhean: “Tổng hợp những thành tựu quan trọng của Đảng Nhân dân Campuchia từ năm 1978 - 2013 (từ ngày thành lập Mặt trận đoàn kết giải phóng dân tộc ngày 02-12-1978)”, Tạp chí Di sảnmùng 2-12, (001), tr.16-154, 2014.

7. Chheang Vannarith: “Contributor Profile: Cambodia”,CICP publication, Version 23, Phnôm Pênh, 2014.

8. Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia: “Danh sách các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Phnôm Pênh”, Cổng thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia, trang  http://www.mfaic.gov.kh, (truy cập ngày 25-11-2013).

9. Hun Sen: “Bài phát biểu của Thủ tướng Hun Sen tại Diễn đàn giữa Chính phủ và lĩnh vực Tư nhân lần thứ 16 tại Cung Hòa bình”,Cổng thông tin điện tử của Chính phủ Hoàng gia Campuchia, trang http://www.pressocm.gov.kh, [truy cập ngày 23-11-2011].

 

Both Sreng

NCS Viện Quan hệ quốc tế

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh  

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền