Trang chủ    Quốc tế    Hợp nhất một số cơ quan Đảng và chính quyền ở Trung Quốc - Nghiên cứu trường hợp quận Thuận Đức
Thứ hai, 28 Tháng 5 2018 11:34
2121 Lượt xem

Hợp nhất một số cơ quan Đảng và chính quyền ở Trung Quốc - Nghiên cứu trường hợp quận Thuận Đức

(LLCT) - Hội nghị Trung ương 4khóa XVI (9-2004) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ rõ: “Sáp nhập cơ quan của Đảng và chính quyền ở địa phương có chức năng tương đồng và công việc tương tự nhau, mở rộng một cách thích hợp lãnh đạo của Đảng đồng thời là lãnh đạo chính quyền và lãnh đạo chính quyền đồng thời là lãnh đạo Đảng, giảm thiểu chức vụ lãnh đạo, giải quyết triệt để vấn đề chồng chéo, trùng lắp về chức năng và phân công công việc”(1). Từ chủ trương này, năm 2009, quận Thuận Đức, thành phố Phật Sơn,tỉnh Quảng Đông là quận/huyện đầu tiên của Trung Quốc thực hiện hợp nhất cơ quan Đảng và chính quyền. Đây là kinh nghiệm rất có giá trị cho Việt Nam trong bối cảnh chúng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XIIcủa Đảngvề “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

1. Bối cảnh

Bước vào thế kỷ XXI, mô thức phát triển truyền thống của Trung Quốc gặp phải nhiều thách thức, trong đó chủ yếu là mâu thuẫn giữa sự biến đổi sâu sắc về kinh tế - xã hội với mô thức lãnh đạo và quản lý chậm được đổi mới. Điều đó đòi hỏi sựcải cách bộ máychính quyền, xây dựng một nền hành chính phục vụ hiệu quả, trách nhiệm, công bằng, pháp quyền và liêm chính. Tháng 11-2008, quận Thuận Đức đã được Tỉnh ủy Quảng Đông lựa chọn là quận thực hiện thí điểm cải cách tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.Ngày 14-9-2009, “Phương án cải cách tổ chức bộ máy của quận Thuận Đức, thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông” đã nhận được sự phê chuẩn của Tỉnh ủy Quảng Đông. Theo đó, cải cách tổ chức bộ máy của Đảng và chính quyền theo phương thức “hợp nhất”, hình thành phòng hoặc “cơ quan phụ trách đa ngành”: 41 cơ quan Đảng và hành chính nhà nước (HCNN) của quận Thuận Đức được sáp nhập thành 16 cơ quan, trong đó có6 cơ quan Đảng và 10 cơ quan HCNN. Cải cách ở quận Thuận Đứcnhằm giải quyết tốt 4 mối quan hệ: 1) quan hệ giữa Đảng và hành chính nhà nước; 2) quan hệ về quyền hạn và trách nhiệm giữa các cơ quan; 3) quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới; 4) quan hệ giữa nhà nước với thị trường và xã hội. Thông qua sáp nhập, hợp nhất cơ quan Đảng với cơ quan HCNN có chức năng tương đồng,cũng như sáp nhập các cơ quan HCNN có chức năng tương tự nhau, giúp giảm thiểu tầng nấc quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả hành chính. Lãnh đạo quận Thuận Đức cho rằng: “Khi thực hiện theo phương thức hợp nhất, sáp nhập, chúng tôi không bàn luận nhiều đến việc “phân tách Đảng với chính quyền” hay là “hợp nhất Đảng với chính quyền”. Thuận Đức là cấp quận, nên vấn đề mà chúng tôi quan tâm là cải cách theo hướng nào để giải quyết tốt vấn đề, để phục vụ dân tốt hơn. Tiêu chuẩn cuối cùng để đánh giá sự cải cách này có thành công hay không không phải là ở việc giảm được bao nhiều cơ quan; mà hiệu quả hành chính có nâng cao hay không, việc thực thi có được tăng cường hay không, trình độ phục vụ nhân dân có tiến bộ hay không mới là tiêu chuẩn để đánh giá”(2).

2. Nội dung và phương thức thực hiện cải cách ở quận Thuận Đức

Cải cách theo mô hình ở quận Thuận Đức nhấn mạnh việc “hợp nhất”, “tích hợp” nhiều cơ quan lại với nhau, thể hiện ở một số điểm chủ yếu sau:

Thứ nhất, thực hiện hợp nhất một cách tối đa các cơ quan Đảng và HCNN cũng như các cơ quan HCNN có chức năng tương tự nhau, thực hiện sự tích hợp về mặt chức năng giữa các cơ quan. Điểm đáng chú ý trong cải cách của Thuận Đức là xây dựng được cơ cấu tổ chức liên hợp giữa Đảng và HCNN, thay đổi hoàn toàn cơ chế tách biệt như trước đây. Mấu chốt của vấn đề là Thuận Đức đã hợp nhất được chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan lại với nhau mà không phải nhằm mục đích “đào thải” bớt đi, nên không đi ngược lại với thể chế hiện hành tại Trung Quốc. Trước cải cách, Quận ủy Thuận Đức và Chính phủ Nhân dân quận (tương tự như Ủy ban Nhân dân quận của Việt Nam) có 41 cơ quan; sau cải cách và “hợp nhất”, số lượng cơ quan Đảng và HCNN còn lại 16 cơ quan, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu được Tỉnh ủy Quảng Đông đề ra là 24 cơ quan. Theo đó, quận Thuận Đức đã tiến hành hợp nhất nhiều cơ quan trực thuộc Quận ủy với các cơ quan HCNN có tính chất tương đồng. Cụ thể:Văn phòng Quận ủy và Ban Nghiên cứu quận ủy được hợp nhất vào Văn phòng Ủy ban Nhân dân quận; Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của quận ủy và Ban phụ trách giải quyết khiếu nại, tố cáo của quận ủy được hợp nhất với Thanh tra quận thành Phòng Giám sát chính vụ; Ban Tổ chức quận ủy và Ban Cán bộ hưu trí của quận ủy được hợp nhất với Phòng Nhân sự quận; Ban Tuyên truyền quận ủy (tương tư như Ban Tuyên giáo ở Việt Nam) và Ban Xây dựng Văn minh tinh thần của quận ủy được hợp nhất với các phòng có tính chất tương tự của chính quyền để hình thành nên Phòng xuất bản, báo chí, truyền thông, văn thể và du lịch; Ban Công tác Mặt trận thống nhất của quận ủy (tương tự như Ban Dân vận ở Việt Nam) và Ban phụ trách kiều bào của quận ủy được hợp nhất với một số phòng của UBND quận để hình thành nên Phòng Công tác xã hội và kiều bào(3).

Đối với cơ quan HCNN, xuất phát từ mục tiêu,yêu cầu xây dựng “phòng phụ trách đa ngành”, quận Thuận Đức đã sáp nhập hơn 30 cơ quan hành chính thuộc Ủy ban Nhân dân quận(4)thành16 cơ quan, gồm: 1) Văn phòng Ủy ban Nhân dân (bao gồm Văn phòng quận ủy đã được hợp nhất vào); 2) Phòng Thống kê và Quy hoạch Phát triển; 3) Phòng Thúc đẩy kinh tế; 4) Phòng Giáo dục; 5) Phòng Giám sát chính vụ (bao gồm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của quận ủy đã được hợp nhất vào); 6) Phòng Nhân sự (bao gồm Ban Tổ chức quận ủy, Ban Cán bộ hưu trí của quận ủy đã được hợp nhất vào); 7) Phòng Công an; 8) Phòng Tư pháp (bao gồm Ủy ban Chính pháp của quận ủy được hợp nhất vào); 9) Phòng tài chính và thuế; 10) Phòng Quản lý đô thị, vận tải và môi trường; 11) Phòng Thủy lợi, xây dựng và đất đai; 12) Phòng Xuất bản, báo chí và văn thể (bao gồm Ban Tuyên quyền, Ban xây dựng văn minh tinh thần của Quận ủy được hợp nhất vào); 13) Phòng Y tế, nhân khẩu và kế hoạch hóa gia đình; 14) Phòng giám sát an toàn thị trường; 15) Phòng Công tác xã hội và kiều bào (bao gồm Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của quận ủy đã được hợp nhất vào); 16) Phòng Nguồn nhân lực và bảo đảm xã hội(5).

Việc hình thành “phòng phụ trách đa ngành” đã giải quyết được nhiềuvấn đề và hạn chế trước đây, như trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, “nhiều đầu mối”, “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Nếu trước đây sự điều phối chủ yếu là sự điều phối giữa các cơ quan, thì sau khi cấu trúc lại sự điều phối chủ yếu là sự điều phối trong nội bộ mỗi phòng, nhờ đó đã giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả thực thi và hiệu năng phục vụ. Việc hợp nhất các phòng theo hướng “phòng phụ trách đa ngành” làm cho nguồn lực được tập trung hơn, quyền tự chủ của mỗi phòng được bảo đảm tốt hơn, sự phân công trở nên cụ thể hơn, công việc hiệu quả hơn, trách nhiệm cũng dễ xác định hơn và chi phí hành chính giảm đi đáng kể.

Thứ hai, thiết lập cơ chế quyết sách thông qua hội nghị liên tịch “bốn vị nhất thể”, thực hiện sự thống nhất hành động của cơ quan Đảng và cơ quan hành chính.Theo đó, dưới sự lãnh đạo của Quận ủy, việc quyết định đối với những chính sách quan trọng được thực hiện thông qua hội nghị liên tịch “bốn vị nhất thể” (Thường trực Quận ủy, Thường trực Hội đồng Nhân dân quận, Thường trực Ủy ban Nhân dân quận, Chính hiệp). Về phương diện tổ chức và thực hiện, trên cơ sở thực hiện sự hợp nhất cơ quan Đảng với cơ quan HCNN, hình thành phòng phụ trách đa ngành như đã nêu trên, Ủy viên Ban thường vụ Quận ủy hoặc Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận là người đứng đầu, phụ trách các phòng nói trên. Sau khi chính sách được thông qua hội nghị liên tịch “bốn vị nhất thể” thì được giao trực tiếp cho các cơ quan hoặc phòng phụ trách đa ngành thực hiện. Phương thức này đã giảm thiểu được các bước trung gian như trước đây, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi chính sách.

Thứ ba, chuyển đổi chức năng của HCNN, trao nhiều quyền hơn cho cấp dưới và xã hội, thúc đẩy sự tham gia của công dân vào quá trình quản trị công.Với quan điểm HCNN chỉ thực hiện những chức năng, những việc mà thị trường và xã hội không thể làm hoặc không muốn làm, còn những việc mà thị trường (doanh nghiệp) có thể làm và làm tốt hơn thì ủy quyền và trao quyền cho doanh nghiệp và xã hội, quận Thuận Đức đã thông qua ủy quyền, trao quyền, mua sắm dịch vụ công để chuyển những việc mà cơ quan HCNN “không cần quản”, “quản không tốt” cho các tổ chức pháp định và các tổ chức xã hội. Chức năng chủ yếu của HCNN được xác định là:quản lý kinh tế thông qua việc sử dụng các công vụ vĩ mô; tạo lập môi trường tích cực cho sự phát triển lành mạnh của kinh tế thị trường; quản lý xã hội và cung ứng dịch vụ công cơ bản cho người dân; kiến tạo mô hình chính phủ phục vụ nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Đồng thời với chuyển đổi chức năng, cơ quan HCNN ở cấp quận đã trao nhiều quyền tự chủ hơn cho cấp cơ sở, cũng như nâng cao tính chủ động, sáng tạo của cấp dưới, phát huy sự tham gia của người dân và xã hội (các tổ chức xã hội) vào quá trình quản trị công. Về phân bổ nguồn lực, thông qua việc chia sẻ về nhân lực, vật lực, tài lực, thông tin và thực hiện “HCNN mở” để thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội vào quản trị công.

Thứ tư, thiết lập cơ chế vận hành vừa có sự phối hợp vừa có sự kiểm soát lẫn nhau giữa quyền quyết sách, quyền thực thi và quyền giám sát, tuy “hợp nhưng có sự chế ước lẫn nhau”.Cải cách theo phương thức “hợp nhất” cũng có nghĩa là cần có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả. Về phương diện này, Thuận Đức đã thông qua việc đề ra quy định, quy tắc và tiêu chuẩn để giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyết sách, thực thi và giám sát. Theo đó, việc đề ra những chính sách quan trọng, ảnh hưởng mang tính toàn cục được thực hiện thông qua hội nghị liên tịch “bốn vị nhất thể”. Việc thực thi chính sách do 16 cơ quan hợp nhất của Đảng và HCNN thực hiện. Thông qua cơ chế “quyền quyết sách chuyển lên trên, quyền thực thi theo hướng tập trung, quyền giám sát chuyển ra bên ngoài”, Thuận Đức đã thiết lập nên cơ chế vận hành mới có hiệu quả, vừa có sự phân công rõ ràng, vừa có sự phối hợp. Khác với mô thức giám sát đơn nhất như trước đây, Thuận Đức đã tăng cường sự giám sát từ bên ngoài. Phòng Giám sát chính vụ quận (trên cơ sở hợp nhất Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của Đảng với cơ quan thanh tra, kiểm toán của chính quyền) đã thành lập nên các tổ kiểm tra - giám sát hoặc nhân viên giám sát chuyên trách tại các cơ quan để tăng cường hiệu quả thực tế của hoạt động giám sát. Phòng Giám sát chính vụ tập trung thực hiện chức năng kiểm tra kỷ luật, giám sát, kiểm toán..., nhờ đó đã tích hợp được nguồn lực và sức mạnh của giám sát bên trong.

3. Một số kinh nghiệm

Thứ nhất, thấy được sự cần thiết và lợi ích quan trọng của việc hợp nhất. Vào những năm 90 của thế kỷ XX đã có những tranh luận gay gắt xung quanh việc hợp nhất một số cơ quan, chức danh giữa Đảng và chính quyền ở Trung Quốc, trong đó có không ít ý kiến lo ngại về những hậu quả tiêu cực của việc hợp nhất. Tuy nhiên, từ thực tế của quận Thuận Đức chothấy, việc hợp nhất là cần thiết và mang lại nhiều lợi ích quan trọng, đó là: 1) hợp nhất một số cơ quan, chức danh giữa đảng với chính quyền có lợi cho việc xây dựng một chính quyền hiệu quả, góp phần xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, qua đó giảm chi tiêu công, nâng cao hiệu quả hoạt động; 2) Góp phầnnâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng. Việc hợp nhất một số cơ quan, chức danh Đảng và chính quyền “vừa có lợi cho việc đảm bảo tiếng nói của cơ quan hành chính nhà nước được phản ánh vào trong cơ quan quyết sách của Đảng, vừa có lợi cho việc quán triệt và thực hiện quyết định của Đảng. Ưu điểm của việc hợp nhất là đảm bảo sự thống nhất về tư tưởng và hành động, có lợi cho việc phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ, giúp điều tiết tốt hơn hoạt động của các cơ quan khác nhau”(6); 3) Góp phần hình thànhmột chính phủ liêm chính và trách nhiệm. Thực hiện hợp nhất Đảng và chính quyền không chỉ có lợi cho việc nâng cao hiệu quả hành chính, mà còn đảm bảo được sự thống nhất hữu cơ giữa “trách nhiệm hành chính” (phương diện hành chính nhà nước) và “trách nhiệm chính trị” (phương diện Đảng cầm quyền). Về lâu dài, thể chế này có lợi cho việc xuất hiện một chính phủ liêm chính, có trách nhiệm với xã hội(7).

Thứ hai, cần có cách tiếp cận đúng về xây dựng bộ máy tinh gọn.Từ khi cải cách, mở cửa đến nay, quận Thuận Đức đã trải qua nhiều lần cải cách bộ máy và tinh giản biên chế, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên tồn tại một nghịch lý đó là: “càng đẩy mạnh tinh giản thì bộ máy và biên chế lại càng phình ra”. Hiệu quả bước đầu của việc thực hiện hợp nhất ở quận Thuận Đức cho thấy, việc xây dựng bộ máy tinh gọn, cần quan tâm đến một vấn đề quan trọng, đó làchuyển đổi chức năng của HCNN, giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước - thị trường và xã hội.Một lẽ thông thường là, chức năng của nhà nước càng mở rộng (nhà nước làm quá nhiều việc - “nhà nước toàn năng”) thì bộ máy và biên chế của nhà nước sẽ càng “phình ra”. Do đó, cách tốt nhất để xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả chính là chuyển từ một “nhà nước toàn năng” sang một “nhà nước có hạn”. Hay nói cách khác, HCNN chỉ thực hiện những chức năng quan trọng mà thị trường và xã hội không muốn làm, không thể làm, còn những việc mà thị trường và xã hội có thể làm, làm tốt hơn thì nhà nước trao nhiều quyền hơn cho thị trường (doanh nghiệp) và xã hội; thực hiện hợp tác quản trị(nhà nước - thị trường - xã hội).

Thứ ba, có sự ủng hộ và khích lệ đổi mới từ đội ngũ cán bộ cấp cao. Cải cách theo phương thức hợp nhất giữa Đảng và chính quyền ở Thuận Đức là một cách làm rất mới, rất táo bạo. Quá trình triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là “vượt qua được tư duy cũ và cách làm cũ”. Từ thực tế cải cách theo phương thức hợp nhất ở Thuận Đức, ông Lưu Hải - Nguyên Bí thư Quận ủy Thuận Đức cho rằng: “Lần cải cách này là khó nhất. Khó chính là sự bó buộc về mặt tư tưởng. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị Trung Quốc phỏng theo mô hình của Liên Xô, mặc dù hơn 60 năm qua đã tiến hành nhiều đợt cải cách bộ máy, nhưng khung khổ căn bản của nó vẫn không thay đổi. Những người làm chính sách như chúng ta rất nhiều năm hoạt động trong thể chế như thế này, đột nhiên có tư tưởng thoát khỏi quán tính đó là một việc không hề dễ dàng gì. Khó khăn tiếp theo đó là vấn đề liên quan đến điều chỉnh lợi ích, cụ thể là lợi ích của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình cải cách”(8). Do đó, để vượt qua khó khăn này, cần phải có quyết tâm đổi mới, cải cách, trước tiên là quyết tâm và sự đồng thuận của đội ngũ cán bộ chủ chốt của quận. Cùng với đó, cần có sự ủng hộ, khích lệ cải cách, đổi mới của cán bộ lãnh đạo cấp cao và các cơ quan có liên quan. Trong quá trình thực hiện cải cách, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông luôn ủng hộ cải cách của Thuận Đức, nhắc nhở đội ngũ cán bộ chủ chốt của quận “phải duy trì hướng đi lên của cải cách”; cho rằng cải cách của Thuận Đức là “không có đường lui”, “Cần kế thừa quan niệm “cho phép cải cách thất bại, không cho phép không cải cách”; “không tranh luận, cho phép thử, sai thì kịp thời sửa, nỗ lực hạ thấp chi phí của cải cách, bảo đảm cải cách thành công”(9).

Thứ tư, cải cách theo phương thức hợp nhất phải trở thành quyết sách chính trị của Đảng; thực hiện thí điểm sau đó nhân rộng ra phạm vi lớn hơn.Từ năm 2004, tại Hội nghị Trung ương 4khóa XVI, ĐCSTQđã đề ra chủ trương: “Sáp nhập cơ quan của Đảng và chính quyền ở địa phương có chức năng tương đồng và công việc tương tự nhau, mở rộng một cách thích hợp lãnh đạo của Đảng đồng thời là lãnh đạo chính quyền và lãnh đạo chính quyền đồng thời là lãnh đạo Đảng, giảm thiểu chức vụ lãnh đạo”. Từ đó đến nay, chủ trương này đã được khẳng định trong các Đại hội XVII, XVIII, XIX. Gần đây nhất, tại Đại hội XIX, bên cạnh việc tái khẳng định chủ trương này, ĐCSTQcòn chủ trương thực hiện thí điểm việc hợp nhất Ủy ban Kiểm tra kỷ luật của Đảng với cơ quan thanh tra từ Trung ương đến tỉnh, thành phố và huyện. Không những thế, vấn đề này còn được ĐCSTQnhấn mạnh trong các nghị quyết chuyên đề về cải cách tổ chức bộ máy và công tác cán bộ.

Từ việc thí điểm hợp nhất cơ quan Đảng với cơ quan HCNN ở quận Thuận Đức, đến nay đã có gần 30 quận, huyện của tỉnh Quảng Đông thực hiện cải cách theo phương thức này.

Thứ năm, giải quyết tốt quyền và lợi ích cho đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện cải cách.Quận Thuận Đức đã dựa trên nguyên tắc “biên chế không có sự thay đổi lớn, nhân viên không được hạ về cấp bậc” để điều chỉnh và sắp xếp cán bộ, nhân sự. Trong quá trình cải cách, 100% biên chế vẫn được duy trì. Bên cạnh đó, Thuận Đức cũng đã cố gắng để không ảnh hưởng đến lợi ích cụ thể của cán bộ. Cho dù sau khi hợp nhất, địa vị, chức vụ của một số cán bộ có thể thay đổi nhưng cấp bậc và chế độ đãi ngộ mà cán bộ đó được hưởng vẫn không thay đổi. Thuận Đức cũng rất chú trọng việc bổ nhiệm nhiều cán bộ trẻ lên vị trí lãnh đạo, để tiếp thêm động lực cho cải cách.

Thứ sáu, đề ra được phương án cải cách khoa học và hợp lý. Để đề ra phương án hợp nhất ở Thuận Đức, trước đó, Quận ủy và Ủy ban Nhân dân quận Thuận Đức đã giao cho các nhà khoa học của Học viện Hành chính quốc gia triển khai thực hiện đề án “Nghiên cứu cải cách thể chế quản lý hành chính theo chiều sâu ở Thuận Đức”.Các nhà khoa học đã tiến hành điều tra, khảo sát ở nhiều địa phương, lắng nghe và tiếp nhận ý kiến đóng góp của các nhà lãnh đạo, quản lý và nhà khoa học, tham khảo nhiều kinh nghiệm của Hồng Kông và Xinhgapo. Từ đó kết hợp với thực tế của Thuận Đức đề ra phương án cải cách sơ bộ cho quận Thuận Đức. Trên cơ sở phương án cải cách này, các cơ quan có liên quan tỉnh Quảng Đông và quận Thuận Đức đã bổ sung, hoàn thiện và thực hiện.

Thứ bảy, bảo đảm tính đồng bộ của cải cách bên dưới và cải cách ở bên trên; bảo đảm quyền tự chủ cho địa phương. Cải cách ở Thuận Đức cho thấy, nếu cấp dưới cải cách nhưng cấp trên không cải cách sẽ tạo ra sự xung đột giữa cấp dưới và cấp trên. Do đó, cần phải bảo đảm sự đồng bộ của cải cách bên trên và bên dưới. Mặt khác, cải cách, đổi mới cũng có nghĩa là thể chế mới, cách làm mới ra đời. Điều nàycó thể không phù hợp với một số quy định pháp luật mang tính phổ biến của tỉnh và quốc gia. Do đó, để khích lệ và thúc đẩy cải cách, đổi mới, cần giao quyền tự chủ đủ mức cho địa phương trong quá trình cải cách. Mạnh dạn cho phép địa phương thực hiện một số cách làm, mà có thể không phù hợp với quy định của cấp trên. Quathực tiễn,nếu cách làm đúng và hiệu quả thì cần thể chế hóa thành pháp luật để củng cố kết quả và duy trì tính bền vững của cải cách.

Thứ tám, thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực.Cải cách theo phương thức hợp nhất tồn tại một số nguy cơ, như quyền lực tập trung quá mức, dễ nảy sinh độc đoán, chuyên quyền; đồng thời, nếu cơ chế giám sát, kiểm soát không hiệu quả, nhất là sự giám sát đối với Đảng và cán bộ của Đảng thì rất dễ dẫn đến tham nhũng. Đối với Trung Quốc, nguy cơ này sẽ tăng lên nếu vai trò giám sát của cơ quan lập pháp (Đại hội Đại biểu Nhân dân) không đủ mạnh(10). Vì thế, một mặt cần phát huy dân chủ trong Đảng, thiết lập và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng có hiệu quả(11). Mặt khác, cần tăng cường sự giám sát của cơ quan dân cử đối với cơ quan HCNN, thúc đẩy cải cách tư pháp theo hướng đảm bảo sự độc lập của tư pháp, từ đó có thể giám sát một cách trung lập đối với cơ quan HCNN(12). Đại hội XIX của ĐCSTQnhấn mạnh việc kiện toàn hệ thống giám sát của Đảng và Nhà nước. Đại hội chỉ rõ: “cần tăng cường chế ước và giám sát đối với sự vận hành của quyền lực, làm cho nhân dân giám sát quyền lực, đảm bảo quyền lực vận hành dưới ánh sáng mặt trời, coi thể chế như lồng sắt để “nhốt” quyền lực; tăng cường sự giám sát của cấp trên đối với cấp dưới, cải tiến sự giám sát dân chủ của cấp dưới đối với cấp trên, phát huy vai trò giám sát lẫn nhau của cùng cấp, tăng cường sự quản lý và giám sát hàng ngày đối với cán bộ lãnh đạo. Xây dựng hệ thống giám sát bao phủ toàn diện, thực quyền và hiệu quả cao dưới sự chỉ huy thống nhất của Đảng; thực hiện sự gắn kết và hợp lực giữa giám sát trong Đảng với giám sát của cơ quan nhà nước, giám sát của cơ quan dân cử, giam sát của tư pháp, giám sát của quần chúng và giám sát của dư luận”(13). Có thể nói, trong điều kiện Đảng Cộng sản là đảng duy nhất cầm quyền thì dù là phân tách hay là hợp nhất giữa Đảng và chính quyền, thì vấn đề then chốt là “Đảng phải tự quản lấy Đảng, quản trị Đảng nghiêm ngặt toàn diện”.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2 -2018

(1)Đảng Cộng sản Trung Quốc: Nghị quyết của Trung ương Đảng về việc tăng cường xây dựng năng lực cầm quyền của Đảng, ngày 17-11-2004.

(2) Zhang Zhan-wu: Cải cách ở Thuận Đức - một thí điểm cải cách ở địa phương cần được tổng kết, Thời ­báo Học tập,ngày 8-10-2010.

(3), (5)Cổng thông tin điện tử của Chính phủ nhân dân quận Thuận Đức, http://www.shunde.gov.cn

(4) Gồm các phòng: Phòng Kiểm toán; Phòng Dân chính; Phòng Tư pháp; Phòng Tài chính; Phòng Nhân sự; Phòng Lao động và bảo đảm xã hội; Phòng Quản lý và xây dựng đô thị; Phòng Thủy lợi; Phòng Nông nghiệp; Phòng Lâm nghiệp; Phòng Kinh tế đối ngoại và hợp tác kinh tế; Phòng Y tế; Phòng Nhân khẩu và kế hoạch hóa gia đình; Phòng Thống kê; Phòng Hải dương và ngư nghiệp; Phòng Quản lý an toàn sản xuất; Phòng quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ; Phòng Xuất bản, văn hóa...

(6) Zhang Zhang-dong:Phân tích thực trạng quan hệ giữa Đảng và Nhà nước,Tạp chí Chiến lược và Quản lý, số 3/2013.

(7) Deng Yong-nian:Hợp nhất Đảng với chính quyền có lợi cho việc xây dựng chính phủ liêm chính, http://theory.peole.com.cn, 24-10-2017.

(8)Liu hai: Hợp nhất đảng với chính quyền ở Thuận Đức phù hợp với thực tế của địa phương và cơ sở, http://news.sohu.com, 24-10-2017.

(9) Su Yong-tong: Cải cách theo phương thức hợp nhất đảng với chính quyền ở Thuận Đức, Báo Phương Nam cuối tuần, ngày 25-11-2009, http://www.infzm.com.

Ma jun: Cải cách dự toán công ở Trung Quốc: lý tính hóa và dân chủ hóa, Nxb Biên dịch Trung ương, Bắc Kinh, 2005.

(10) Jin Tai-jun: Dân chủ trong Đảng và phát triển chính trị, Tạp chí Đại học Phúc Đán,1999 (1).

(11) Deng Yong-nian:Bàn về vấn đề tập quyền và dân chủ trong quan hệ giữa trung ương và địa phương, Tạp chí Chiến lược và quản lý, 2001 (3).

(12) Đảng Cộng sản Trung Quốc:Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XVIII trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIX, ngày 19-10-2017.

(13) Đảng Cộng sản Trung Quốc: Văn kiện Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần sáu khóa XVIII, http://theory.people.com.cn.

 

TS Tống Đức Thảo

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh                                               

TS Nguyễn Trọng Bình

Học viện Chính trị khu vực IV

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền