Trang chủ    Quốc tế    Quan hệ Mỹ - Trung: Sự cọ xát giữa hai đại chiến lược?
Thứ hai, 25 Tháng 6 2018 17:05
2448 Lượt xem

Quan hệ Mỹ - Trung: Sự cọ xát giữa hai đại chiến lược?

(LLCT) - Ngay sau khi lên cầm quyền, ngày 14-3-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố “chính thức chấm dứt chính sách xoay trục”(1) của người tiền nhiệm Barack Obama và ngày 5-11-2017 chính thức tuyên bố chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (AĐD-TBD), nhằm mục tiêu ngăn chặn sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Còn chiến lược “Vành đai và Con đường”(2) (BRI) của Trung Quốc được đưa ra từ năm 2013 là dự án đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở hơn 60 quốc gia dọc theo Con đường Tơ lụa cổ, cũng nằm trong tham vọng của Bắc Kinh mở rộng không gian địa - kinh tế, khiến cho sự cọ xát lợi ích giữa hai đại chiến lược ngày càng quyết liệt giữa hai cường quốc Mỹ - Trung Quốc.

1. Mỹ mở rộng không gian địa - chiến lược

Trong chuyến thăm Nhật Bản, ngày 5-11- 2017, Tổng thống Mỹ D.Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cùng gặp gỡ giới báo chí, ông D. Trump đã phát biểu rõ: “Như các bạn đã biết, đây là chuyến thăm đầu tiên của tôi đến khu vực “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” kể từ khi nhậm chức Tổng thống”. Trên thực tế, trong chuyến công du lần này, ông D.Trump chưa đặt chân đến Ấn Độ hoặc Ấn Độ Dương, nhưng ông lại nhấn mạnh AĐD-TBD, chứng tỏ việc ông D.Trump chính thức khẳng định “chiến lược AĐD-TBD”. Ông D.Trump bày tỏ rằng, Mỹ sẽ tích cực hợp tác với các đồng minh, thúc đẩy khu vực AĐD-TBD tự do và cởi mở. Tích cực xây dựng khuôn khổ an ninh khu vực AĐD-TBD dẫn đầu là các nước Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Ốtxtrâylia, AĐD-TBD thay thế châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD) trở thành trọng điểm mới của Mỹ trong việc ngăn chặn sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Khái niệm AĐD-TBD chính là sự hợp nhất Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương vốn độc lập với nhau thành một chiến lược thống nhất về địa-chính trị, đẩy nhanh sự hội nhập giữa hai khu vực độc lập này trong các lĩnh vực chiến lược, an ninh và kinh tế, đồng thời bao quát cả khu vực bờ Đông Thái Bình Dương, trong đó có Mỹ cũng như toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương. AĐD-TBD là một khu vực địa-chiến lược quan trọng, nên Mỹ tích cực phát triển quan hệ với Ốtxtrâylia và Ấn Độ, hai nước có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trên vòng cung chiến lược này, để tạo dựng cấu trúc an ninh khu vực mới, từ đó tiếp tục duy trì vị thế của Mỹ trong cấu trúc an ninh toàn cầu mới. Mục tiêu của chiến lược AĐD-TBD của Mỹ là kiềm chế Trung Quốc cả về địa - kinh tế và địa - chính trị.

Việc thay thế khái niệm CA-TBD bằng AĐD-TBD cho thấy Mỹ càng chú trọng hơn tới khu vực CA-TBD, tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc kiểm soát an ninh và kinh tế của khu vực này, ngăn chặn sự trỗi dậy của các nước mới nổi, có thể làm tổn hại đến lợi ích chiến lược của Mỹ ở khu vực.

Theo giới chức Mỹ, Ấn Độ và Mỹ sẽ chung tay thúc đẩy an ninh và ổn định của khu vực AĐD-TBD, đặc biệt là muốn tăng cường xây dựng năng lực an ninh của các nước trong khu vực lợi dụng ưu thế tương đối của kinh tế Mỹ-Ấn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kết nối khu vực AĐD-TBD, đặc biệt là khu vực Nam Á, ngoài ra Mỹ còn tích cực cùng với các nước trong khu vực AĐD-TBD như Nhật Bản, Ấn Độ, Ốtxtrâylia... xây dựng khuôn khổ an ninh đồng minh “tái cân bằng AĐD-TBD”(3).

Về địa - chính trị, chiến lược AĐD-TBD là một hệ thống coi Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là một vòng cung chiến lược. Theo quan niệm truyền thống, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương độc lập với nhau, nhưng sự phát triển mới của tình hình khu vực bắt đầu tạo ra một góc nhìn chiến lược coi AĐD-TBD là tổng thể. Theo đánh giá của các chuyên gia Mỹ, khu vực AĐD-TBD đã trở thành động lực phát triển kinh tế thế giới và nơi sản xuất hàng tiêu dùng toàn cầu. Theo thống kê, từ đầu thế kỷ XXI đến nay, Ấn Độ đã trỗi dậy, trở thành một trong những cường quốc mới nổi, ảnh hưởng nhanh chóng vượt ra ngoài Nam Á. Kinh tế Ấn Độ đã duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao trong hơn 10 năm qua, GDP đã tăng 9 lần trong 20 năm. Đồng thời, Ấn Độ Dương đang trở thành hành lang thương mại có ý nghĩa chiến lược nhất và nhộn nhịp nhất thế giới. Hơn 30% nguyên liệu thô và gần 70% dầu mỏ của thế giới phải đi qua Ấn Độ Dương. Để bảo vệ lợi ích chiến lược ở khu vực này, các nước lớn trên thế giới đã liên tục tiến vào Ấn Độ Dương(4).

Chiến lược AĐD-TBD của Mỹ chính là muốn xây dựng một vòng cung chiến lược lâu dài giữa khu vực AĐD-TBD, lấy kiềm chế Trung Quốc làm xuất phát điểm, thực hiện sự tương tác giữa hai vùng biển trong các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, khí hậu và quân sự, đây có thể được xem như là sự nối tiếp của chiến lược “xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương” của người tiền nhiệm Obama. Mặc dù ông D.Trump không sử dụng cụm từ “tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương”, rút khỏi TPP, nhưng chính sách châu Á của ông D.Trump không những không thay đổi mà còn được đẩy mạnh hơn nữa. Vì vậy, Mỹ càng coi trọng Ấn Độ Dương, tích cực điều chỉnh sự bố trí quân sự tại AĐD-TBD, định hình lại quan hệ đồng minh và đối tác, ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Kể từ khi lên nắm quyền, ông D.Trump chú trọng việc tăng cường hợp tác với các đồng minh, đẩy mạnh các mối quan hệ an ninh Mỹ - Nhật, Mỹ - Hàn, Mỹ - Ốtxtrâylia. Mỹ tích cực thúc đẩy quan hệ chính trị và an ninh với các nước có vị thế quan trọng của khu vực AĐD-TBD, như Ốtxtrâylia, Ấn Độ..., chủ động mở rộng sự hiện diện quân sự tại khu vực AĐD-TBD, không ngừng tăng cường ảnh hưởng chính trị và quân sự của Mỹ tại khu vực này để thúc đẩy chiến lược AĐD-TBD và tích cực xây dựng trật tự của khu vực AĐD-TBD trong tương lai, từ đó tiếp tục duy trì và bảo đảm lợi ích quốc gia, địa vị chủ đạo của Mỹ tại khu vực AĐD-TBD. Mỹ sẽ đẩy mạnh hợp tác với các nước đồng minh lâu nay tại khu vực AĐD-TBD như Nhật Bản, Ốtxtrâylia, Hàn Quốc, Philíppin, Thái Lan, và đưa Ấn Độ vào trong chiến lược AĐD-TBD của Mỹ, đẩy mạnh mối quan hệ đối tác chiến lược, thông qua Ấn Độ để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc.

Việc Tổng thống D.Trump tích cực xây dựng bố cục chiến lược AĐD-TBD vừa là phản ứng trước sự thay đổi địa-chính trị toàn cầu, vừa thể hiện sự nối dài chiến lược toàn cầu và phản ánh đầy đủ hơn những đòi hỏi mới trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, điều đó càng cho thấy tầm quan trọng đang không ngừng tăng lên của Ấn Độ Dương.

2. Trung Quốc tái lập trật tự kinh tế toàn cầu

“Vành đai và Con đường” (BRI) hay còn gọi là “Con đường tơ lụa thế kỷ XXI” là sáng kiến của Trung Quốc được đề xuất từ năm 2013, là dự án đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở hơn 60 quốc gia dọc theo Con đường Tơ lụa cổ. Đây là tham vọng của Trung Quốc muốn tái lập trật tự kinh tế toàn cầu, thu hút các quốc gia và công ty gắn kết chặt hơn nữa với Trung Quốc là trung tâm. Sáng kiến BRI trở thành một trong những chiến lược quốc gia hàng đầu của Trung Quốc, với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ hội nhập kinh tế quốc tế thông qua tạo dựng liên kết về cơ sở hạ tầng, thương mại và đầu tư. Theo giới chuyên gia, BRI được thiết kế nhắm tới 3 mục tiêu kinh tế, ngoại giao và an ninh chiến lược của Trung Quốc. Về kinh tế, BRI thúc đẩy đầu tư ra bên ngoài, giảm áp lực từ dự trữ ngoại tệ, giúp doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Về ngoại giao, BRI được kỳ vọng sẽ thực hiện mở cửa lần hai của Trung Quốc và hướng tới hình thành các luật chơi trong trật tự quốc tế mới mà Bắc Kinh có vai trò lớn hơn. Đặc biệt, việc Tổng thống Mỹ D.Trump ký sắc lệnh rút khỏi TPP được coi là cơ hội để Trung Quốc “lấn sân” và có thể tiếp tục thúc đẩy ảnh hưởng của họ đối với khu vực.

BRI là một trong những chiến lược quốc gia hàng đầu của Trung Quốc. Hoạt động thương mại của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chỉ tập trung chính vào khu vực ven biển phía Đông và phía Nam, với khoảng 80% lượng xuất khẩu và nhập khẩu, dẫn đến việc phụ thuộc quá nhiều vào đường biển. Chính vì vậy, Trung Quốc ngày càng hình thành nhu cầu xây dựng một hệ thống thương mại cho riêng mình.

Về kinh tế, trong những năm gần đây, tỷ lệ phụ thuộc của Trung Quốc vào nguồn cung dầu từ bên ngoài ngày càng tăng. Theo dự báo của IAEA, sự phụ thuộc từ nguồn cung dầu ngoại của Trung Quốc có thể sẽ tăng tới 68% vào năm 2020. Trong khi đó, nguồn cung dầu của Trung Quốc lại chỉ đến từ một vài khu vực cố định, với 70% từ Trung Đông, châu Phi và chủ yếu qua bờ biển Ấn Độ và eo biển Malacca. Thực tế này khiến Trung Quốc cần thiết phải mở một con đường bộ qua lục địa Á-Âu, kết nối với Trung Đông nhằm giảm sự phụ thuộc vào eo biển Malacca. Trong bối cảnh đó, châu Âu lại đang cần sự giúp đỡ và hợp tác từ Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề thương mại và đầu tư quốc tế. Các quốc gia phương Tây hy vọng rằng, việc có một con đường xuyên suốt lục địa Âu-Á-Phi sang Trung Quốc sẽ mở ra những cơ hội kinh tế và thị trường mới cho châu Âu.

Tuy nhiên, các quốc gia Tây Âu đồng minh với Mỹ vẫn còn nhiều ngờ vực đối với mục tiêu và phương thức thực hiện của Trung Quốc trong chiến lược BRI. Tại Hội nghị thượng đỉnh Con đường tơ lụa thế kỷ XXI tổ chức tại Bắc Kinh (tháng 5-2017), đại diện Anh, Đức, Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Estonia đã từ chối ký vào thông cáo khi kết thúc hội nghị vì cho rằng các văn bản này có những nội dung không bảo đảm tính minh bạch về chuẩn mực môi trường và xã hội. Giới phân tích cũng cho rằng, sự cạnh tranh và va chạm giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Ấn Độ ngày càng gia tăng đã hạn chế phần nào liên kết khu vực. Ngoài ra, những hành động cứng rắn của Bắc Kinh ở Biển Đông khiến nhiều quốc gia lo ngại, không tin tưởng và mất đi động lực tham dự. Theo giới phân tích, để phát huy vai trò chủ chốt và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng BRI, Trung Quốc cần phải xử lý tốt hơn mối quan hệ với các nước lớn và láng giềng.

3. Sự cọ xát lợi ích giữa hai đại chiến lược

Với mục tiêu chiến lược AĐD-TBD của Mỹ là kiềm chế sức mạnh chiến lược của Trung Quốc đang gia tăng, đòi hỏi không gian chiến lược của Mỹ phải được mở rộng, Mỹ hy vọng có thể hợp tác với Ấn Độ, kiềm chế hoạt động của Bắc Kinh tại Ấn Độ Dương, cùng với chính sách “Tự do hàng hải”, hải quân Mỹ có sứ mệnh bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển, bảo vệ tàu thương mại của Mỹ qua lại trên các đại dương.

BRI là chiến lược đầy tham vọng của Bắc Kinh muốn tái lập trật tự kinh tế toàn cầu, thu hút các quốc gia và các doanh nghiệp gắn kết chặt hơn nữa với Trung Quốc là trung tâm. Việc Tổng thống D.Trump tuyên bố triển khai chiến lược mới AĐD-TBD và sự gia tăng hoạt động của Hải quân Mỹ trên các vùng biển, tạo ra sự cọ sát quyết liệt hơn trên góc độ lợi ích giữa hai chiến lược của hai nước Mỹ - Trung.

Sau khi lên cầm quyền ở Mỹ, chính quyền của Tổng thống D.Trump đã có lúc ngừng hoạt động “Tự do hàng hải” ở Biển Đông để khuyến khích Trung Quốc gia tăng sức ép với Triều Tiên, nhưng sau đó bắt đầu thực hiện trở lại hoạt động này. Từ tháng 5 đến tháng 8-2017, các tàu chiến mang tên lửa USS Dewey, USS Stethem và USS John S.McCain đã tiến vào vùng biển 12 hải lý xung quanh bãi đá Vành Khăn, Tri Tôn... mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Trung Quốc cho rằng, hoạt động “Tự do hàng hải” không chỉ đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền quốc gia của Trung Quốc và an ninh khu vực mà còn thách thức nghiêm trọng đối với sáng kiến BRI do nước này khởi xướng.

Theo nhận định của giới chức Trung Quốc, hoạt động “Tự do hàng hải” mà Mỹ tiến hành ở Biển Đông làm gia tăng thêm tâm lý phòng ngừa của những quốc gia vốn “hiểu lầm” và lo ngại đối với BRI của Trung Quốc, từ đó cũng làm tăng thêm khó khăn cho việc thực hiện BRI ở các quốc gia này.

Từ khái niệm địa - chính trị AĐD-TBD đã nêu bật vấn đề an ninh biển và sự cạnh tranh trên biển giữa các nước lớn. Mỹ cần phải làm rõ lợi ích chiến lược của Ấn Độ tại khu vực AĐD-TBD, đồng thời đưa ra các chính sách liên quan. Những năm gần đây, một số quan chức cấp cao của Mỹ đã đề xuất ý tưởng xây dựng “Hành lang kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” để đối trọng với BRI của Trung Quốc, kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á, bố trí lại chiến lược trên toàn khu vực AĐD-TBD. Chiến lược AĐD-TBD cũng khiến cho bố cục địa - chính trị của khu vực CA-TBD trải qua bước ngoặt lớn, làm cho môi trường xung quanh Trung Quốc xấu đi, tính khó đoán định về an ninh của khu vực này chắc chắn sẽ tăng thêm, đồng thời sẽ dẫn đến cục diện an ninh khu vực CA-TBD càng trở nên phức tạp hơn.

Ngay từ tháng 8-2007, trong chuyến thăm đầu tiên đến Ấn Độ trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe đã khẳng định, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đang được coi là sự liên kết đầy năng động của vùng biển tự do và phồn vinh, một “châu Á mở rộng” phá vỡ biên giới địa lý bắt đầu hình thành. Chính quyền của Thủ tướng Abe còn đưa ra sáng kiến “Bộ Tứ” gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Ốtxtrâylia cùng chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc. Tuy nhiên, do Ấn Độ và Ốtxtrâylia lo ngạicó thể gây kích động thái quá đối với Trung Quốc nên sáng kiến trên bị gác lại.

Tháng 12-2012, Thủ tướng Ấn Độ Singh cũng đã phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-ASEAN: “Một khu vực “AĐD-TBD” ổn định, an ninh, phồn vinh rất quan trọng đối với sự phát triển và phồn vinh của chúng tôi”. Thủ tướng Narendra Modi khi lên cầm quyền (2014) cũng nhấn mạnh việc tăng cường quan hệ đối tác thiết thực với Mỹ, Nhật Bản, Ốtxtrâyliavà những nước thuộc ASEAN, thực hiện “Hành động hướng Đông” thay cho “Hướng Đông”(5).

Tháng 9-2017, Thủ tướng Nhật Bản Abe thăm Ấn Độ, hai bên đã ký 15 hiệp định hợp tác, đồng thời ra tuyên bố chung. Ông Abe nêu rõ, Nhật Bản mong muốn trở thành bạn bè mãi mãi của Ấn Độ. Còn ông Modi phát biểu: “Tôi tin tưởng quan hệ Nhật Bản và Ấn Độ sẽ là quan hệ song phương tiềm năng nhất trên thế giới, tôi đã quyết tâm thúc đẩy Ấn Độ và Nhật Bản cùng lãnh đạo khu vực AĐD-TBD, đi theo con đường hòa bình và phồn vinh”. Ngoài ra, Ốtxtrâylia, Inđônêxia và Xinhgapo cũng là những quốc gia ủng hộ khái niệm chiến lược AĐD-TBD. Đàm phán 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Ốtxtrâyliavà Mỹ vào tháng 6-2017 đã nêu rõ tăng cường quan hệ đồng minh để thực hiện chiến lược AĐD-TBD của ông D.Trump. Inđônêxia là quốc gia ven bờ AĐD-TBD nên trở thành đối tượng để các bên lôi kéo. Xinhgapo nằm ở cửa ngõ ra vào eo biển Malacca nối liền TBD với AĐD, đương nhiên không thể bỏ qua cơ hội để nâng cao vị thế của mình.

Theo các chuyên gia, chiến lược AĐD-TBD của ông D.Trump sẽ phải đối mặt với những vấn đề gai góc. Trong vòng cung chiến lược của chiến lược AĐD-TBD, Ấn Độ và Nhật Bản là hai điểm tựa then chốt. Trong đó, Nhật Bản là nước tham gia mạnh mẽ nhất chiến lược này do Mỹ nắm vai trò chủ đạo, nhưng điều đó không thể che lấp hiềm khích chiến lược giữa Nhật Bản và Mỹ. Điểm đến đầu tiên quan trọng nhất trong chuyến công du châu Á lần này của ông Trump là Nhật Bản, nhưng trước khi đến Tokyo, ông Trump lại ghé thăm Trân Châu cảng. Đây là hành động ngầm ý: “Tôi coi trọng cả bài học lịch sử lẫn hợp tác trong thực tế”. Khi họp báo chung với ông Abe, ông Trump còn phát biểu: “Không quên lịch sử Trân Châu cảng, tôn trọng lịch sử và truyền thống là nền tảng thực sự để tiến bộ”(6).

Cũng theo giới phân tích, Ấn Độ là điểm tựa then chốt thứ 2 của vòng cung chiến lược AĐD-TBD. Vì thế, Mỹ sẽ sử dụng các giải pháp: (1)“Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc” để củng cố thái độ của Ấn Độ; (2) Thông qua bán vũ khí cho Ấn Độ để tăng cường sức mạnh của New Delhi. Mỹ sẽ làm lớn việc Trung Quốc liên tục ra vào Ấn Độ Dương tấn công cướp biển Somali, thực hiện chiến lược “chuỗi ngọc trai” để bao vây Ấn Độ, mục đích là làm cho Ấn Độ gắn chặt hơn với Mỹ. Đồng thời, tăng cường bán vũ khí cho Ấn Độ, bao gồm cả máy bay vận tải chiến lược C-130J, tàu tuần tra trên biển P-8I và máy bay vận tải chiến lược C-17. Gia tăng tần suất tập trận chung Mỹ-Ấn vượt lên trên tần suất Mỹ tập trận với nước khác.

Tuy nhiên, Ấn Độ cũng có những toan tính lợi ích chiến lược riêng của họ. Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng có sức hấp dẫn lớn đối với Ấn Độ, hơn nữa Trung Quốc công khai hoan nghênh Ấn Độ tận dụng “chuyến tàu nhanh” phát triển của Trung Quốc. Ấn Độ cũng lo ngại tính bền vững về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, do đó Ấn Độ vừa tìm cách tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ, vừa tránh kích động không cần thiết với Trung Quốc. Trên cơ sở tính toán đó, Ấn Độ đã từ chối ý tưởng “Bộ Tứ” do Nhật Bản đưa ra trước đây. Mặt khác, Ấn Độ hiện vẫn là bạn tốt truyền thống của Nga, về quân sự cũng có sự hợp tác sâu rộng. Mới đây, Ấn Độ đã để cho đoàn đại biểu hải quân Mỹ tham quan tàu sân bay Vikramaditya do Nga chế tạo và tàu ngầm hạt nhân INS Chakra thuê của Nga. Nga đã cho biết sự việc này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đàm phán của hải quân Ấn Độ thuê lâu dài tàu ngầm hạt nhân thứ hai của Nga, cũng có thể ảnh hưởng đến đàm phán giữa Ấn Độ và Nga về việc nghiên cứu máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Hợp tác quân sự trong thời gian dài giữa Nga và Ấn Độ cũng có thể ảnh hưởng đến việc Ấn Độ gia tăng quan hệ với Mỹ.

Gần đây, tuy Quốc hội Mỹ đã thông qua ngân sách quốc phòng năm 2018 lên tới 700 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017. Nhưng điều này không ảnh hưởng nhiều đến bố trí lực lượng của quân đội Mỹ trên phạm vi toàn cầu. Cho dù Mỹ thực hiện chiến lược này hay để hình thành, duy trì và vận hành một liên minh thì đều cần đến nguồn lực. “Chiến lược tái cân bằng CA-TBD” khi đã mất TPP, nếu không “trở nên trống rỗng” thì ít nhất cũng từ “kết cấu khung” trở thành “kết cấu đống gạch”, và ảnh hưởng của nó đối với chiến lược AĐD-TBD là không nhỏ. Trong chuyến công du châu Á, ông D.Trump nhiều lần nhấn mạnh tạo thuận lợi cho nhau về thương mại. Hàm ý là Mỹ đã bị thiệt thòi trong thương mại song phương và đa phương trước kia, nên sau này Mỹ sẽ phải lấy được nhiều hơn bao gồm của cả đồng minh lẫn đối tác.

Tuy nhiên, Mỹ vừa phải tính toán chi ly lợi ích “Nước Mỹ trên hết”, lại vừa phải làm được điều gì đó cho đồng minh và đối tác, nên việc hình thành khung chiến lược AĐD-TBD đã khó, thì việc hiện thực hóa chiến lược này sẽ còn khó hơn nhiều. Vì thế, phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) 48, ông D. Trump đã bỏ ngỏ khả năng có thể trở lại với TPP(7).

Như vậy, sự cọ xát giữa hai đại chiến lược AĐD-TBD của Mỹ và BRI của Trung Quốc, tiếp tục phản ánh cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai cường quốc Mỹ - Trung trong khu vực AĐD-TBD - nơi được cho là sẽ phát triển năng động nhất thế giới trong thế kỷ XXI, nhằm khẳng định vị thế của mỗi nước trong cấu trúc an ninh toàn cầu mới “đa cực, đa trung tâm” đang định hình.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2018

(1), (6) https://vov.vn: Ấn Độ - Thái Bình Dương định hình chiến lược khu vực của ông Trump?
6-11-2017.

(2) http://nghiencuubiendong.vn: Tác động của sáng kiến “Vành đai và Con đường” đối với Đông Nam Á,9-8-2017.

(3) http://nghiencuuquocte.org: Nhật - Ấn và giấc mơ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương,29-11-2017.

(4), (5) http://tapchitaichinh.vn: Thế giới năm 2017: Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương,18-12-2017.

(7) http://anninhthudo.vn: Tổng thống Mỹ bất ngờ để ngỏ khả năng quay lại TPP,26-1-2018.

 

Đại tá Nguyễn Nhâm

Nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng

TS Lê Thị Hương

Đại học Tây Bắc

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền