Trang chủ    Quốc tế    Hội nghị thượng đỉnh NATO-26: Những mâu thuẫn nội sinh có được hóa giải?
Thứ ba, 17 Tháng 7 2018 16:43
1777 Lượt xem

Hội nghị thượng đỉnh NATO-26: Những mâu thuẫn nội sinh có được hóa giải?

(LLCT) - Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã diễn ra trong 2 ngày (11-12/ 7) tại Brussels (Bỉ). Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã bàn thảo về những vấn đề quan trọng như: bảo đảm an ninh, tăng cường khả năng răn đe-phòng thủ, chống khủng bố, tăng cường đối tác, hiện đại hóa liên minh, cân bằng gánh nặng tài chính… Sau 2 ngày làm việc, Hội nghị đã ra tuyên bố chung trên một số vấn đề quan trọng.

(Các nhà lãnh đạo NATO chụp ảnh chung, nguồn: TTXVN)

1. Mỹ hạ thấp vai trò NATO

Ngay trong quá trình tranh cử, ông D. Trump từng chỉ trích “NATO đã trở nên lỗi thời”. Tuy nhiên, sau khi lên cầm quyền, ông lại tuyên bố muốn giữ nguyên NATO nhưng buộc các nước này phải đóng góp nhiều hơn cho việc đảm bảo an ninh cho chính họ. Ông D.Trump phàn nàn rằng, các đồng minh của Mỹ đã được hưởng lợi từ “chiếc ô an ninh” của Washington, nhưng lại chia sẻ trách nhiệm tài chính một cách không tương ứng.

Theo giới phân tích, quan niệm “NATO đã trở nên lỗi thời” của ông D.Trump là hoàn toàn chính xác, bởi vìsau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc (1991), với sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, các nước XHCN Đông Âu và khối Warsaw lẽ ra theo cương lĩnh nguyên thủy của NATO thì khối này không còn lý do tồn tại. Tuy nhiên, với tham vọng toàn cầu,  Mỹ - phương Tây đã tiếp tục duy trì, phát triển, mở rộng phạm vi hoạt động của khối với chiến lược “Đông tiến”. Cho đến nay, các thành viên NATO đã là con số 29, trong đó có 13 nước thuộc không gian hậu Xô Viết.

Trong những năm 90 của thế kỷ XX, NATO vẫn lúng túng trong việc khẳng định chính mình thông qua các hoạt động quân sự để đưa các cuộc xung đột ra ngoài biên giới, lần đầu tiên ở Bosnia, tiếp đến là Kosovo, Afghanistan, Libya, Syria… Tất cả các hành động quân sự trong những năm này càng trở nên khó khăn hơn trước và mỗi lần như vậy sự hoài nghi về độ tin cậy của liên minh cũng tăng theo.

Một khái niệm chiến lược mới của NATO cần được hình thành tạo cơ hội để xác định về nguyên tắc của NATO khi nào, ở đâu, như thế nào và tại sao cần phải hành động chứ không phải đơn giản chỉ đáp ứng một cách máy móc theo những vấn đề mới phát sinh…

Hiện nay, sự cần thiết cân bằng Điều V để hoạt động của NATO như một “Liên minh viễn chinh”. Tuy nhiên, nguồn gốc của các cuộc tấn công chống NATO do chủ nghĩa khủng bố hoạt động ở các căn cứ tại Afghanistan, Pakistan và nhiều nơi khác. Tuy nhiên, bản chất của Điều V cho đến nay vẫn cần phải được giữ nguyên giá trị gốc của nó. Hoạt động như một liên minh viễn chinh không phải là mục đích chủ yếu của Điều V, khiến câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.

Câu hỏi đang đặt ra là, “tấn công mạng hoặc cắt giảm năng lượng” có được xem là mối đe dọa trong Điều V không? Theo định nghĩa thì đây không phải là cuộc “tấn công vũ trang”. Các nước thành viên trong NATO cần phải có sự điều chỉnh, ít nhất là trong Điều V của Hiệp ước để đối phó với những nguy cơ mới nảy sinh, khiến ông D. Trump cho NATO “lỗi thời” là có cơ sở.

2. Đòi hỏi đồng minh gia tăng đóng góp tài chính

Theo giới quan sát, hồi cuối tháng 6 vừa qua, ông D. Trump đã gửi 1 bức thư đến 7 nước thành viên NATO (Đức, Italy, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan, Lucxembua và Bồ Đào Nha), yêu cầu các nước này tăng chi tiêu quốc phòng để đảm bảo mục tiêu tất cả các thành viên đều dành 2% GDP nước mình cho ngân sách quốc phòng vào năm 2024.

Theo quy định của NATO, các quốc gia thành viên phải dành ít nhất 2% GDP cho chi phí quốc phòng, nhưng trên thực tế, trong các năm trước đây chỉ có 5 nước chấp hành đúng quy định này là Hy Lạp, Ba Lan, Estonia, Anh và Mỹ. Trong năm tài khóa 2015-2016, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã tới con số 587 triệu USD và khoản nợ công lên đến 19,8 nghìn tỷ USD. Đây là một trong những lý do chính khiến ông D. Trump cảm thấy đã đến lúc phải cắt giảm bớt khoản tiền dành cho NATO, đồng thời yêu cầu các quốc gia thành viên phải bỏ ra số tiền đúng 2%/GDP như quy định.

Ngay từ Hội nghị của khối năm 2017, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Mattis khẳng định Mỹ vẫn coi trọng NATO, nhưng Washington không bám giữ vào NATO bằng mọi giá như từ trước tới nay mà đòi hỏi các thành viên phải chấp nhận trả giá đắt hơn. Ông Mattis nhấn mạnh, Mỹ “sẽ phải thay đổi cam kết của mình” đối với NATO nếu các nước thành viên khác không đáp ứng được đòi hỏi về nghĩa vụ đóng góp tài chính.

Rằng, “Sẽ không có chuyện người dân Mỹ è cổ đóng thuế để Chính phủ Mỹ đóng góp phần “lớn bất thường” trong việc bảo vệ các giá trị phương Tây”, ông Mattis nói: “Mỹ không thể quan tâm đến việc bảo vệ an ninh cho thế hệ con cháu của các bạn hơn chính bản thân các bạn”.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh 26, ông D. Trump tái khẳng định yêu cầu đồng minh NATO phải gia tăng chi tiêu quốc phòng nhằm giảm gánh nặng đóng góp tài chính từ phía Mỹ. Ông nói: “Ngày càng khó khăn để giải thích cho công dân Mỹ hiểu tại sao một số quốc gia không chia sẻ nền an ninh tập thể từ NATO. Tôi hy vọng chứng kiến một sự tái cam kết mạnh mẽ từ những quốc gia đó nhằm đáp ứng mục tiêu chung mà chúng ta đã nhất trí”.

Phát biểu với báo giới hôm 28-6, ông D. Trump nói: “Đức, Tây Ban Nha và Pháp phải chi tiêu nhiều hơn nữa cho quốc phòng. Thật không công bằng vì những gì họ đã làm đối với nước Mỹ”. Còn với EU, ông Trump cũng có những lời lẽ chỉ trích không kém phần gay gắt. Phát biểu với báo chí sau một cuộc mít tinh tại Bắc Dakota hôm 27-6, Tổng thống D. Trump nói rằng: “Trong khi người Mỹ yêu quý các quốc gia thuộc EU, thì khối này lại muốn lợi dụng Mỹ. Chúng tôi sẽ không để điều này xảy ra”.

Cuối tuần qua, tờ Bưu điện Washington dẫn một thông báo cho biết, trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 4, ông D. Trump đã bất ngờ đưa ra câu hỏi “Tại sao Pháp không rời khỏi EU”, đồng thời đề xuất các hợp đồng thương mại tốt hơn nếu Paris rời khỏi khối này.

Theo Martin Kettle, cây bút chuyên phân tích chính trị của tờ Guardian, những lời lẽ cứng rắn nêu trên cho thấy ông D. Trump thực sự bất bình, thậm chí không muốn duy trì liên minh NATO và ít quan tâm đến quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.

Tờ Rejuvenation dẫn lời Andrew S. Weiss, phó Chủ tịch Quỹ Vì hòa bình quốc tế Carnegie Endowment cho biết: “Vấn đề hiện tại là Tổng thống D. Trump muốn đơn phương hủy bỏ nhiều nỗ lực xuyên Đại Tây Dương”. Ông S. Weiss nhấn mạnh: “Trong quan hệ có phần “rạn nứt” giữa Mỹ và Đức, ông Putin sẽ có cơ hội để đến gần Mỹ”… khiến cho các thành viên NATO ở châu Âu nhất là nước Đức đứng ngồi không yên.

Mặc dù, trước thềm Hội nghị, ông D.Trump đã lớn tiếng đe dọa Mỹ có thể rút khỏi NATO. Tuy nhiên, trong bài phát biểu tại hội nghị ngày 12-7, ông Trump lại nói, không có vấn đề gì trong NATO, các đồng minh của Mỹ đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng một cách “rất đáng kể”. Tuy nhiên, theo phát ngôn của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi tháng 2 năm nay thì chỉ có khoảng 50% trong số 29 thành viên của liên minh có thể thực hiện mục tiêu đó trước năm 2024, tức là sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 46 tỷ USD.

3. Những nhận định khác nhau về quan hệ Mỹ - Nga

Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ D. Trump sẽ gặp Tổng thống Nga Putin tại thủ đô Helsinki (Phần Lan) vào ngày 16-7, sau khi NATO-26 kết thúc 4 ngày. Nhà báo Yasmeen Serhan của tờ The Atlantic đánh giá, NATO có thể lo ngại vì không dự đoán được điều gì sẽ diễn ra trong suốt Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ. “Nhìn chung, người châu Âu lo sợ không phải bởi sự kiện Tổng thống Mỹ gặp Tổng thống Nga, hay thời gian diễn ra sự kiện mà sợ ông D.Trump sẽ có những thỏa thuận bất ngờ với Nga tại Hensinki vì họ không biết rõ chiến lược của ông ấy”.

Yasmeen Serhan nói thêm, nếu một cuộc gặp nồng ấm và thân thiện giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ có thể làm suy yếu các nỗ lực gây sức ép mà NATO và EU áp đặt lên Nga. Mặt khác, nó khiến người châu Âu có cảm giác như đang bị bỏ rơi, còn Nga thì sắp đạt được mục tiêu chia rẽ châu Âu và liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Phần lớn các thành viên của NATO, như Đức và Pháp không muốn có sự thỏa hiệp nào giữa Nga - Mỹ đối với vấn đề Crimea hoặc chiến dịch dàn quân mới của NATO tại sườn phía Đông. Ông R. Nicholas Burns, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO khẳng định: “Trọng tâm của Hội nghị Thượng đỉnh NATO là làm sao ngăn chặn mối đe dọa của Nga tại Đông Âu, nhưng ông D. Trump có thể “thổi bay” vấn đề này vì Tổng thống Putin. Nếu nhà lãnh đạo Mỹ nhượng bộ Nga mà không có sự đánh đổi từ phía Moscow thì điều này dễ dàng tạo ra sự xáo trộn đối với NATO”.

Những lo ngại nêu trên của châu Âu là có căn cứ từ cuộc đàm phán Mỹ-Triều hồi tháng 6 vừa qua tại Singapore. Châu Âu còn lo rằng tại cuộc gặp Tổng thống Putin ở Helsinki, ông Trump sẽ có những bước đi tương tự như tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Theo đó, ông sẽ cam kết ngừng các cuộc tập trận chung của NATO do Mỹ dẫn đầu tại Ba Lan và các nước Baltic, hay nới lỏng biện pháp trừng phạt đối với Nga và không giải quyết vấn đề Crimea, chỉ để đổi lấy một thỏa thuận nào đó từ phía Nga.

Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến ngược lại với những lo ngại trên, nhà phân tích Charles Ortel của tờ Nhật báo phố Wall lại cho rằng, cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Nga không chỉ giúp cải thiện quan hệ Nga-Mỹ mà còn có lợi cho EU và NATO. Bởi vì, “Đối với Mỹ, hội nghị sẽ mở ra con đường dẫn tới việc bình thường hóa quan hệ song phương và đưa quan hệ 2 bên sang một thời kỳ chưa từng có trong lịch sử, nơi các bên cùng hợp tác để đạt được lợi ích về kinh tế, giải quyết những thách thức chung về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và xung đột tại Trung Đông”.

Mặt khác, “Sự tan băng trong quan hệ giữa hai siêu cường sẽ mở ra nhiều triển vọng mới. Một khi các mối đe dọa quân sự được giảm thiểu, hy vọng về hợp tác trong các dự án đầu tư và thương mại giữa Nga với EU sẽ được mở rộng”, ông Charles Ortel nhấn mạnh. Một số nước châu Âu như Đức và Italy nhiều lần hối thúc Mỹ cùng các thành viên khác trong EU dỡ bỏ trừng phạt Nga vì chính họ cũng phải gánh chịu hậu quả từ các lệnh trừng phạt này. Chẳng hạn như tại Đức, nhiều tập đoàn lớn như Siemens, Daimler và Volkswagen vốn có quan hệ làm ăn với Nga không muốn trở thành “nạn nhân vô tội” do đối đầu Nga-Mỹ. Theo đánh giá, lệnh trừng phạt mới có thể khiến các công ty này thiệt hại hàng trăm triệu euro.

Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định, một cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin sẽ phù hợp với chính sách của NATO vì NATO tin vào đối thoại với Nga. “Chúng ta cần đối thoại với Nga để cố gắng cải thiện mối quan hệ giữa hai bên. Trong trường hợp quan hệ này không trở nên tốt hơn, chúng ta phải tăng cường sự hiện diện quân sự và các cuộc tập trận tại khu vực biên giới”. Ông Stoltenberg nhấn mạnh: “Thượng đỉnh Nga-Mỹ là dấu hiệu của sức mạnh”, và “NATO không muốn xảy ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”.

Đúng như dự đoán của báo giới, các nội dung hội đàm tập trung vào các vấn đề song phương trong quan hệ Mỹ - Nga như, cải thiện quan hệ hai nước, tình báo Mỹ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử ở Mỹ; và những vấn đề quốc tế như, Ukraine, Syria, kiểm soát vũ trang, giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và cuộc chiến chống khủng bố…

Trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống D. Trump cho biết hai bên vừa có cuộc thảo luận thẳng thắn, cởi mở và hiệu quả về hàng loạt các vấn đề quan trọng đối với cả hai nước. Sự bất đồng giữa Nga - Mỹ sẽ được hóa giải theo cách thức hợp tác theo đuổi lợi ích chung. Ông D.Trump cho biết: “quan hệ hai nước chưa bao giờ tồi tệ như hiện nay nhưng đã thay đổi chỉ 4 giờ trước đây” và “Cuộc gặp ngày hôm nay chỉ là sự bắt đầu của một tiến trình dài”.

Tổng thống Putin cũng lạc quan cho rằng, quan hệ song phương đang trải qua giai đoạn khó khăn, hai nước đều phải đối mặt với các thách thức hoàn toàn khác biệt và chỉ có thể đối phó bằng cách gắn kết nỗ lực của cả hai nước. Ông Putin nhấn mạnh: “Cuộc thảo luận ngày hôm nay đã phản ánh mong muốn chung của tôi với Tổng thống D. Trump, chỉ ra mặt tiêu cực trong quan hệ song phương, định hình những bước đi đầu tiên nhằm cải thiện quan hệ và khôi phục lòng tin ở cấp độ chấp nhận được, quay trở lại mức độ hợp tác như trước đây về tất cả các vấn đề có lợi ích chung”.

Về tương lai quan hệ song phương và đa phương, lãnh đạo hai nước đã đưa ra những tuyên bố hết sức tích cực nhưng với các vấn đề gai góc thì mới chỉ có các cam kết chung, chưa đưa ra những giải pháp cụ thể, khả thi. Ông Putin thẳng thừng phủ nhận việc Nga can thiệp vào quá trình bầu cử ở Mỹ, đồng thời khẳng định Nga - Mỹ có thể đóng vai trò tiên phong trong sứ mệnh mang lại hòa bình ở Trung Đông và đề xuất thành lập lại nhóm chuyên viên chung về chống khủng bố cũng như cung cấp hậu cần cho sứ mệnh nhân đạo tại Syria…

4. Châu Âu “lặng lẽ” gia tăng tính tự chủ

Tháng 11-2017 tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Ngoại giao 23 nước thành viên EU đã ký một hiệp định quân sự, đánh dấu kỷ nguyên mới của hội nhập quân sự châu Âu, củng cố sự thống nhất sau khi Anh quyết định rời khỏi EU. Trong nỗ lực nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào Mỹ và giúp EU có vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế. Đây còn được coi là chiến thắng của EU sau hàng thập kỷ chờ đợi.

Về ngân sách quốc phòng năm 2016 trung bình của các nước NATO tăng 3,14%, và năm 2017 là 5,21%. Đã có 4 nước đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng là Anh, Ba Lan, Hy Lạp và Estonia. Ngoài ra còn 4 nước khác cũng gần đạt mục tiêu là Pháp, Romania, Latvia và Litva. Trong 2 năm gần đây, NATO cũng đã triển khai được thêm nhiều lực lượng tại vùng Baltic cũng như lập thêm được 2 bộ chỉ huy.

Ngoài ra, đóng góp của Mỹ cho NATO cũng không phải là áp đảo. Mỹ đóng góp 22% cho ngân sách NATO, tiếp theo là Đức 14%, Anh và Pháp cùng 10%. Nếu tính theo tỷ lệ sức mạnh của các nền kinh tế thì con số này cho thấy, các chỉ trích mà ông D.Trump nhằm vào Đức thời gian qua là tương đối vô lý, và mục đích chính là gây sức ép buộc Đức, một trong những nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ, phải nhượng bộ về mặt thương mại.

Trong một tuyên bố mới đây, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã cảnh báo, các nhà lãnh đạo châu Âu không nên tin tưởng 100% vào sự tồn tại của NATO. Trên thực tế, châu Âu đã và đang có những thay đổi quan trọng về mặt chiến lược nhằm đối phó với sự thất thường từ phía nước Mỹ dưới thời D. Trump.

Trong gần 2 năm qua, châu Âu đang tiến hành những dự án chung về quốc phòng rất tham vọng, từ việc xây dựng Cơ chế hợp tác tiên tiến (Pesco) cho đến triển khai các dự án cụ thể có quy mô lớn như Đức và Pháp phối hợp sản xuất máy bay tiêm kích và xe tăng chiến đấu thế hệ mới, EU xây dựng hệ thống dẫn đường toàn cầu riêng Galileo…

Tất cả những điều này cho thấy châu Âu đang tìm cách tự chủ về năng lực quốc phòng để giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ và trong tương lai xa, khả năng ra đời một quân đội chung của các nước EU là hoàn toàn có thể. Pháp chính là nước đang vận động mạnh nhất cho các kế hoạch này, đặc biệt sau khi xảy ra sự kiện Brexit.

Vì thế, nếu mâu thuẫn Mỹ và châu Âu vẫn gia tăng thì sẽ đến một thời điểm các nước châu Âu sẽ tự quyết các vấn đề an ninh của riêng mình. Xét về tiềm lực kinh tế, quân sự lẫn công nghệ, châu Âu hoàn toàn đủ khả năng trở thành một thế lực quân sự mạnh và độc lập so với Mỹ.

Như vậy, tuy vẫn còn những bất đồng liên quan đến việc chi tiêu cho quốc phòng giữa các nước thành viên (2% hay 4%/GDP), và nhiều vấn đề còn gác lại, nhất là điều V của Cương lĩnh… lãnh đạo các nước đồng minh NATO đã đạt được sự đồng thuận trong nhiều vấn đề và đã ra tuyên bố chung.

Theo đó, NATO “cam kết mục tiêu kiên định” về tăng chi tiêu cho quốc phòng tại các nước thành viên châu Âu; tái khẳng định “ủng hộ toàn diện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”; bày tỏ quan ngại về “các hoạt động gây bất ổn” của Iran; đảm bảo để các nước thành viên không dễ bị tổn thương bởi yếu tố năng lượng; và quan ngại về an ninh do các hoạt động gần đây của Moscow.

 

NGUYỄN NHÂM

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền