Trang chủ    Quốc tế    Chính sách ngoại giao kinh tế của Hàn Quốc đối với Việt Nam
Thứ hai, 31 Tháng 12 2018 18:25
4639 Lượt xem

Chính sách ngoại giao kinh tế của Hàn Quốc đối với Việt Nam

(LLCT) - Sau hơn 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Hàn Quốc và Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược, là đối tác kinh tế quan trọng của nhau. Mối quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam là một điển hình thành công của chính sách đối ngoại, cụ thể là chính sách ngoại giao kinh tế của hai nước dành cho nhau. Tuy nhiên, hai nước vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của nhau, vẫn còn nhiều dư địa cho sự hợp tác phát triển. Trong thời gian tới, hai nước cần đẩy mạnh hợp tác sâu rộng hơn nữa theo hướng “hợp lực”, “theo dấu nhân” để gắn kết tất cả những gì mà hai nước đang có trên cả cấp độ song phương, đa phương, khu vực, châu lục và quốc tế.

1. Chính sách “ngoại giao phương Bắc” của Hàn Quốc và mục tiêu kinh tế trong quan hệ với Việt Nam

Đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, chiến tranh lạnh kết thúc, tình hình quốc tế có nhiều biến đổi sâu sắc, sự khác biệt về ý thức hệ không còn là trở ngại trong quan hệ giữa các quốc gia có chế độ chính trị khác nhau. Phát triển kinh tế trở thành ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển đất nước của mỗi quốc gia.

Trước bối cảnh của tình hình thế giới thay đổi, Hàn Quốc đã tiến hành thúc đẩy quá trình dân chủ hóa trên nhiều phương diện, tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời các chính sách mới, phù hợp với tình hình phát triển của thế giới và khu vực.

Về đối ngoại, Hàn Quốc đã đề ra chính sách ngoại giao mới, mềm dẻo và linh hoạt hơn, phù hợp với tình hình phát triển của thế giới và khu vực, nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề an ninh và kinh tế đất nước, tạo cơ sở cho việc thống nhất hai miền Triều Tiên. Một trong những hướng mới trong chính sách ngoại giao của Hàn Quốc thời kỳ ngay sau Chiến tranh lạnh là đa dạng hóa quan hệ. Trước tiên, Chính phủ của Tổng thống Roh Tae Woo (1988-1993) đề ra “Chính sách phương Bắc (Nordpolitik)”(1), chủ trương “đi đường vòng” bằng cách cải thiện quan hệ với các nước bạn bè của Triều Tiên. Việc Hàn Quốc theo đuổi mạnh mẽ quan hệ ngoại giao với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đã góp phần tăng cường quan hệ của nước này với các nước XHCN trước đây - những quan hệ này đã bị suy yếu do những khác biệt về chế độ chính trị. Hàn Quốc lần lượt thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô (30-9-1990), với Trung Quốc (24-8-1992), với Việt Nam (22-12-1992) và một số nước XHCN khác, để từng bước tạo lập mối quan hệ mới với Triều Tiên nhằm tiến tới thống nhất hai miền trong hòa bình.

Về quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại, từ những năm 1980 trở về trước, bạn hàng buôn bán và đầu tư chủ yếu của Hàn Quốc là Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu. Tuy nhiên, từ 1989, Mỹ đã đưa Hàn Quốc ra ngoài các đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi chính, nên khả năng xuất khẩu của Hàn Quốc sang các thị trường truyền thống này giảm xuống và xuất khẩu của Hàn Quốc sang thị trường Đông Nam Á có xu hướng tăng lên.

Hàn Quốc đã sớm nhận rõ, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, sẽ trở thành “cầu nối” kinh tế - văn hóa giữa khu vực Đông Á và Đông Nam Á, giữa Hàn Quốc với khu vực Đông Nam Á và bán đảo Đông Dương.

Việc bình thường hóa quan hệ, thúc đẩy hợp tác là phù hợp với lợi ích kinh tế của hai nước, đồng thời cũng phù hợp với lợi ích chính trị của hai nước trong quan hệ quốc tế đa cực hóa thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh(2). Việc đi đến thiết lập quan hệ ngoại giao, trước hết là vì nỗ lực phát triển của mỗi nước, Việt Nam cần cải cách kinh tế, còn Hàn Quốc cần thị trường xuất khẩu hàng hóa.

Hàn Quốc đã thu được nhiều thành công với chính sách này, từ chỗ phụ thuộc nhiều về kinh tế vào Mỹ và Nhật Bản chuyển sang quan hệ đa phương với các nước có chế độ chính trị khác nhau. Điều đó tạo điều kiện để Hàn Quốc gia nhập Liên Hợp quốc và tăng cường vị thế của mình trên trường quốc tế, chính trong bối cảnh này, Hàn Quốc đã thúc đẩy quá trình thiết lập quan hệ chính thức với Việt Nam. Tháng 9-1991, Hàn Quốc và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên cùng gia nhập Liên Hợp quốc, sự kiện này khẳng định sự thành công của chính sách ngoại giao với phương Bắc của Hàn Quốc.

2. Chính sách “hướng Nam” của Hàn Quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa và thúc đẩy quan hệ kinh tế với Việt Nam

Hàn Quốc đã sớm nhận thức rõ, trong xu thế phát triển của thế giới hiện nay,  toàn cầu hóa là một xu thế tất yếu; nếu tách rời nó thì trước sau sẽ bị tụt hậu, cô lập với thế giới. Chính sách toàn cầu hóa của Hàn Quốc được Tổng thống Kim Young Sam đề xướng từ những năm đầu thập niên 90 với những nguyên tắc cơ bản là đảm bảo cho người dân có một mức sống tối thiểu; gắn liền phúc lợi với năng suất; nâng cao ý thức cộng đồng và giá trị gia đình; nâng cao hiệu lực việc quản lý phúc lợi; tạo sự ổn định và an toàn xã hội.

Đối với Hàn Quốc, toàn cầu hóa đã mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế của quốc gia. Toàn cầu hóa và chính sách ngoại giao kinh tế của Hàn Quốc nói chung, trong đó có chính sách ngoại giao kinh tế đối với Việt Nam là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy và phát triển nền kinh tế của Hàn Quốc. Chính sách ngoại giao kinh tế của Hàn Quốc tập trung vào 3 lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế, đó là thương mại, tài chính và hợp tác phát triển. Hàn Quốc luôn coi hợp tác phát triển là xu thế tất yếu của mỗi quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa. Có thể nói, Hàn Quốc đã đề ra một chiến lược toàn diện cho sự phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa. Hàn Quốc từng bước hòa cùng với quá trình này và đóng một vai trò tích cực trong việc hình thành trật tự kinh tế thế giới(3).

Từ những năm đầu thập niên 90, để thực hiện chiến lược “Toàn cầu hóa”, Hàn Quốc đã triển khai chính sách “hướng Nam”, phát triển mạnh mẽ các quan hệ hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình dương, trong đó có Việt Nam. Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, chính sách ngoại giao kinh tế đối với Việt Nam đã và đang được Hàn Quốc ngày càng chú trọng và dành nhiều ưu tiên.

Về đầu tư trực tiếp và thương mại, ngay từ những năm 80 của thế kỷ XX, Hàn Quốc đã có sự trao đổi mậu dịch với Việt Nam. Sau khi Việt Nam ban hành Luật Đầu tư nước ngoài (năm 1988), các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng bắt đầu đầu tư vào Việt Nam. Song quan hệ thương mại giữa hai nước chỉ thực sự phát triển nhanh kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Về thứ hạng đầu tư trực tiếp nước ngoài, ngay sau khi có quan hệ chính thức với Việt Nam, Hàn Quốc đã giữ vị trí thứ 10. Năm 1993, Hàn Quốc đã vượt lên vị trí thứ ba sau Đài Loan, Hồng Kông và liên tục nằm trong nhóm quốc gia và vùng lãnh thổ đi đầu(4).

Việt Nam là một trong những nước được ưu tiên trong chính sách viện trợ phát triển của Hàn Quốc. Hàn Quốc đã trở thành nhà tài trợ song phương lớn thứ hai tại Việt Nam (chỉ sau Nhật Bản). Hàn Quốc đã coi Việt Nam là hình mẫu cung cấp ODA và chọn Việt Nam là một trong 26 nước “Đối tác chiến lược hợp tác ODA”. Năm 1991, Hàn Quốc thành lập Cơ quan hợp tác quốc tế (KOICA) dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc, để thực hiện các hoạt động hợp tác kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại của chính phủ Hàn Quốc đối với các nước đang phát triển. Năm 1994, Văn phòng KOICA Việt Nam được thành lập, là 1 trong 28 văn phòng đại diện của KOICA tại 27 nước. Thông qua Văn phòng KOICA Việt Nam, KOICA thường xuyên, liên tục cập nhật thông tin về những mong muốn, đề xuất của Việt Nam nhằm tối đa hóa hiệu quả của các chương trình hợp tác phát triển giữa hai nước; thực hiện các dự án dựa trên nhu cầu thực tế của Chính phủ Việt Nam. KOICA liên tục tăng mức viện trợ nhằm giúp Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội và Việt Nam luôn nằm trong top 4 nước nhận viện trợ không hoàn lại lớn nhất của KOICA. KOICA đang chú trọng hợp tác với Việt Nam trên 5 lĩnh vực: Xây dựng năng lực và phát triển nguồn nhân lực; Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là những người dân khu vực miền trung; Phát triển khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa; Xây dựng thể chế, chú trọng vào những lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường; Xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Các lĩnh vực ưu tiên kể trên được thực hiện thông qua các hình thức tài trợ như sau: Tổ chức các khóa đào tạo tại Hàn Quốc cho cán bộ Việt Nam; Cử chuyên gia và tình nguyện viên tới làm việc tại các cơ quan của Việt Nam; Hợp tác nghiên cứu phát triển; Thực hiện các dự án hỗ trợ (xây dựng trường học, bệnh viện, hệ thống IT, cung cấp trang thiết bị...); Hợp tác với các tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam.

3. Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc đối với ASEAN và trọng tâm trong quan hệ với Việt Nam

Đối với ASEAN, ngoài một thị trường năng động, nhiều tiềm năng phát triển, Hàn Quốc đánh giá cao vai trò ngày càng quan trọng của ASEAN trong xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác toàn diện với ASEAN trên các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển, liên kết khu vực, hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu...; chủ động đề xuất các sáng kiến hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, thu hẹp khoảng cách phát triển, đối phó với các thách thức toàn cầu. Hàn Quốc đã cử Đại sứ tại ASEAN và thành lập Phái đoàn tại Jakarta tháng 9-2012. Hàn Quốc mong muốn đưa quan hệ ASEAN - Hàn Quốc phát triển lên tầm cao mới, sâu sắc và toàn diện hơn, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà mở rộng sang cả chính trị, an ninh. Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh các cơ chế hợp tác sẵn có (đối thoại Hàn Quốc - ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Hàn Quốc - ASEAN...), Hàn Quốc thúc đẩy việc thành lập một số cơ chế hợp tác khu vực mới trong một số lĩnh vực có thế mạnh như: tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, hợp tác phát triển...

Nhận định vai trò chiến lược và tầm quan trọng của khu vực ASEAN, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cử đặc phái viên tới ASEAN; đồng thời tuyên bố rằng Chính phủ Hàn Quốc sẽ đưa mối quan hệ với ASEAN lên ngang tầm với bốn cường quốc Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. “Chính sách hướng Nam mới” được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in công bố ngày 9-11-2017 nhân chuyến thăm đến Inđônêxia với trọng tâm là tăng cường kết nối giữa Hàn Quốc và ASEAN nói chung cũng như gia tăng sự ảnh hưởng về kinh tế của Hàn Quốc tại thị trường khu vực hơn 600 triệu dân này(5). Giải thích về chính sách mới này, cố vấn của ông Moon Jae-in cho biết, mục đích của chính sách mới là xây dựng mối quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa Hàn Quốc và 10 nước thành viên ASEAN vì “người dân, sự thịnh vượng chung và một nền hòa bình”, trong khi chính sách trước đó của Hàn Quốc tại khu vực Đông Nam Á lại chú trọng vào các vấn đề phát triển và kinh tế. Việc Hàn Quốc chuyển hướng tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào các đối tác thương mại truyền thống như Trung Quốc và Mỹ.

Đối với Việt Nam, Phủ Tổng thống Hàn Quốc khẳng định, Việt Nam là cây cầu kết nối Hàn Quốc với ASEAN và là trọng tâm trong “Chính sách hướng Nam mới” của nước này. Hàn Quốc rất coi trọng Việt Nam với tư cách thị trường có sức mua ngày càng tăng, với dân số gần 100 triệu người, có nguồn lao động trẻ dồi dào, giá rẻ... Hàn Quốc coi trọng và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Hàn Quốc vì Việt Nam có vai trò quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và trong ASEAN, hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả hai nước, nhất là về kinh tế. Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992 đến nay, quan hệ hai nước về cơ bản luôn duy trì đà phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực và đã được nâng cấp 2 lần: quan hệ đối tác toàn diện năm 2001 và đối tác chiến lược năm 2009. Hai nước đã đạt được những thành tựu to lớn và những tiến triển thực chất, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai nước tăng gần 40% và đến nay đã tăng gấp 128 lần so với khi mới thiết lập quan hệ ngoại giao. Hàn Quốc là đối tác lớn thứ hai của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc. Việt Nam đã trở thành địa điểm thu hút du khách Hàn Quốc đến nhiều nhất trong các nước Đông Nam Á. Năm 2017, số khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam tăng 50%.

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc (tháng 3-2018), lãnh đạo hai nước đã trao đổi về các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư theo hướng cân bằng, ổn định, hiệu quả, đem lại lợi ích cho cả hai bên. Tổng thống Moon Jae-In bày tỏ ấn tượng với những thành tựu mà Việt Nam đạt được, đồng thời khẳng định, Việt Nam là trọng tâm trong chính sách hướng Nam của Hàn Quốc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ, trong đó tập trung thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... Đây là điều kiện tiên quyết để đưa nền kinh tế đất nước phát triển nhanh và bền vững; thu hút các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào Việt Nam.

Lãnh đạo hai nước đã cùng thống nhất sẽ nỗ lực bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2020 đi đôi với thúc đẩy cân bằng thương mại, cùng tạo điều kiện để hàng xuất khẩu của hai nước vào được thị trường của nhau. Hai bên sẽ tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác chế tạo, đẩy nhanh chuyển giao công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, ôtô, cơ khí, dệt may, điện tử v.v..; thiết lập Trung tâm tư vấn và giải pháp công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (TASK) tại Việt Nam. Việt Nam và Hàn Quốc cũng đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, an toàn năng lượng, như thành lập và vận hành Trung tâm huấn luyện và thử nghiệm an toàn năng lượng; nghiên cứu các giải pháp tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam. Hai nước cũng thực hiện hiệu quả dự án Viện Khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), đồng thời tham gia cổ phẩn hóa dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, phát triển điện gió. Việt Nam hoan nghênh Hàn Quốc tham gia đầu tư vào các dự án lớn về cơ sở hạ tầng của Việt Nam, nhất là với hình thức hợp tác công tư (PPP) và đề nghị Hàn Quốc tiếp tục coi Việt Nam là đối tác trọng tâm, dành cho Việt Nam các khoản tín dụng ưu đãi, thực hiện hiệu quả Thỏa thuận hợp tác tài chính trong một số dự án lớn về cơ sở hạ tầng giao thông, chuyển giao công nghệ. Hai bên sẽ cùng thảo luận sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, nghiên cứu thúc đẩy hợp tác công nghệ trong tài chính (FINTECH)... để khuyến khích hợp tác đầu tư.

Tổng thống Moon Jae-In đã bày tỏ cam kết tăng cường giao lưu các cấp, khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về hợp tác công nghiệp chế tạo với Việt Nam để góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Tổng thống Hàn Quốc đánh giá cao hiệu quả của Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc, đã tạo bước phát triển vượt bậc trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc; góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tự do hóa thương mại. Tổng thống Moon Jae-In khẳng định, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam; đồng thời mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện mở rộng hợp tác đầu tư trên các lĩnh vực: tài chính, y tế và dược phẩm, cơ sở hạ tầng, xây dựng đô thị thông minh, nhất là các dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, dự án Metro thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc, điện gió(6).

Bên cạnh đó, việc duy trì quan hệ tốt đẹp với cả hai miền Triều Tiên cũng là một trong những thế mạnh của Việt Nam mà Hàn Quốc muốn tranh thủ trong tiến trình giải quyết vấn đề Triều Tiên. Hàn Quốc mong muốn từ tấm gương và kinh nghiệm thành công của Việt Nam để khuyến khích quá trình cải cách kinh tế, mở cửa của Triều Tiên nhằm hướng tới mục tiêu thống nhất hòa bình Bán đảo Triều Tiên.

Có thể khẳng định rằng, mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc là một điển hình thành công của chính sách đối ngoại, cụ thể là chính sách ngoại giao kinh tế của hai nước dành cho nhau. Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc trong những năm qua đã có sự phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực, đem lại lợi ích và hiểu biết, tin cậy sâu sắc lẫn nhau cho cả hai phía. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, hai nước còn có những tiềm năng rất to lớn có thể bổ sung cho nhau trong quá trình hợp tác và phát triển. Hy vọng rằng, với quyết tâm và nỗ lực chung của hai nước, mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên mọi lĩnh vực trong thời gian tới.

______________________________

(1) Khái niệm “Chính sách phương Bắc” được Bộ trưởng Ngoại vụ Lee Bum Suk sử dụng đầu tiên tại buổi nói chuyện ở trường sau đại học Quốc phòng (tháng 6 -1984) nhân kỷ niệm 10 năm tuyên bố 23- 6. “Chính sách phương Bắc được ví như “Chính sách phương Đông” của Chính phủ Blandt Tây Đức vào đầu thập niên 20 thế kỷ XX.

(2), (4) Lee Han Woo, Bùi Thế Cường: Việt Nam-Hàn Quốc: Một phần tư thế kỷ chia sẻ cùng phát triển, Nxb Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2015, tr.42, 91.

(3) Trần Thị Duyên: Toàn cầu hóa và chính sách ngoại giao kinh tế của Hàn Quốc trong thập niên cuối thế kỷ XX, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 2-2008.

(5) https://www.thestar.com.

(6) Việt Nam là trọng tâm chính sách  hướng năm mới của Hàn Quốc, https://tuoitre.vn.

Tài liệu tham khảo:

1. Phạm Bình Minh: Cục diện thế giới đến 2020, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.

2. Phạm Bình Minh: “Định hướng chiến lược đối ngoại của Việt Nam đến 2020”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.

3. Hồng Vinh: Đối ngoại Việt Nam thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005

4. Vũ Dương Ninh, Lương Văn Kế, Phạm Quang Minh...: Nghiên cứu quốc tế - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (International studies some theoretical and practical issues), Tập chuyên đề số 1, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2011.

5. Nguyễn Vũ Tùng, Hoàng Anh Tuấn: Quan hệ đối tác chiến lược trong quan hệ quốc tế: Từ lý thuyết đến thực tiễn, Học viện Quan hệ quốc tế xuất bản nội bộ, Hà Nội, 2006.

6. Dương Văn Quảng: Quan hệ kinh tế quốc tế, Học viện ngoại giao xuất bản nội bộ, Hà Nội, 2008.

ThS ĐÀO THỊ NGUYỆT HẰNG

Vụ Hợp tác quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền