Trang chủ    Quốc tế    Kinh nghiệm từ sách lược phòng, chống tham nhũng của Trung Quốc
Thứ năm, 25 Tháng 4 2019 16:09
1921 Lượt xem

Kinh nghiệm từ sách lược phòng, chống tham nhũng của Trung Quốc

(LLCT) - Hiện nay, cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc được tiến hành dựa trên bốn sách lược chính, đó là: làm cho “không dám tham nhũng”,  làm cho “không thể tham nhũng”, làm cho “không muốn tham nhũng” và làm cho “không cần tham nhũng”. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn phát huy vai trò cốt yếu của các cơ quan Đảng, trong đó nòng cốt là Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương trong cuộc chiến chống tham nhũng. Những kinh nghiệm của Trung Quốc có giá trị tham khảo hữu ích đối với Việt Nam, bởi Việt Nam cũng đang có những chiến lược và sách lược phòng, chống tham nhũng tương tự với Trung Quốc, song cần phòng ngừa những rủi ro mà Trung Quốc đã từng gặp phải, bằng cách chú ý xây dựng cơ chế để kiểm soát quyền lực của chính các cơ quan phòng, chống tham nhũng.

 

1. Bốn sách lược phòng, chống tham nhũng của Trung Quốc

Thứ nhất, làm cho “không dám tham nhũng”

Đây là sách lược thiên về tâm lý, thể hiện ở việc răn đe làm triệt tiêu ý chí và động cơ hành động thu lợi bất chính, khiến cho mọi cá nhân không dám và không có cơ hội tham nhũng. Để răn đe, Trung Quốc tập trung vào 4 phương diện:

(1) Xây dựng, củng cố ý chí chính trị vững vàng: Phòng, chống tham nhũng (PCTN) là cuộc chiến rất khó khăn, phức tạp, cần phải có quyết tâm rất cao. Nó được xem như là “cái tên bắn ra khỏi cánh cung”, phải làm cho bay đi đến đích vì không thể lấy lại. Để có ý chí vững vàng, trước hết, ban lãnh đạo phải trong sạch, vì nếu bản thân cũng tham nhũng thì không thể đấu tranh quyết liệt để xoá bỏ tình trạng tham nhũng.

(2) Trừng trị tham nhũng một cách nghiêm khắc, triệt để: Điều này là bởi lợi ích có được từ tham nhũng có hấp lực rất lớn, nếu không bị trừng phạt nghiêm khắc và triệt để thì không thể triệt tiêu được hấp lực đó. Theo phương châm này, trong mấy năm gần đây, Trung Quốc đã không chỉ “diệt ruồi” mà còn “đả hổ” - tức là trừng trị tham nhũng trong bộ máy lãnh đạo các cấp, kể cả ở cấp cao nhất là uỷ viên Bộ chính trị. Sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng với quy mô và mức độ quyết liệt chưa từng có kể từ khi nước này thực hiện chính sách mở cửa. Kết quả là hàng loạt “hổ lớn tham nhũng” đã bị bắt, truy tố và bỏ tù, bao gồm cả Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị - một trong “tứ trụ quyền lực” của nước này. Cũng theo phương châm này, Trung Quốc vẫn duy trì hình phạt tử hình với tội tham nhũng, dù gặp nhiều phản đối và khó khăn trong việc hợp tác tư pháp với một số quốc gia(1). Thêm vào đó, Trung Quốc xử lý cả hành vi đưa và nhận hối lộ (trước đây pháp luật chỉ quy định trừng phạt những người nhận hối lộ mà không trừng phạt người đưa hối lộ). Kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 (năm 2012), nước này đã sửa luật hình sự trong đó quy định những đối tượng có hành vi đưa hối lộ, nếu bị phát hiện đều sẽ bị trừng phạt. Doanh nghiệp nào đưa hối lộ để có được dự án đầu tư công thì người đứng đầu sẽ bị truy tố, hợp đồng đã ký bị coi là vô giá trị và doanh nghiệp còn bị phạt tiền.

(3) Tăng cường hợp tác quốc tế trong PCTN: Điều này là bởi trong bối cảnh toàn cầu hoá, việc đi ra nước ngoài rất dễ dàng, rất nhiều quan chức tham nhũng của Trung Quốc chạy ra nước ngoài(2), nên nếu không hợp tác quốc tế sẽ không thể phòng, chống hiệu quả. Sự hợp tác quốc tế được thực hiện trên nhiều nội dung, song Trung Quốc đặc biệt chú trọng đến hợp tác tư pháp, cụ thể là việc ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp và dẫn độ tội phạm tham nhũng. Điều này để khắc phục tình trạng trì trệ trước đây khi mà thiếu thỏa thuận hợp tác về vấn đề dẫn độ tội phạm kinh tế khiến cho chiến dịch truy lùng quan tham ẩn náu ở nước ngoài của Trung Quốc vẫn gặp rất nhiều khó khăn(3). Nhờ việc ký kết thêm các hiệp định tương trợ tư pháp và dẫn độ tội phạm tham nhũng, hiệu quả của việc truy bắt tội phạm tham nhũng trốn ra nước ngoài của Trung Quốc trong mấy năm vừa qua tăng lên rõ rệt. Trước đây có nhiều vụ án ở Trung Quốc mà quan chức chạy ra nước ngoài thường phải mất 10 năm mới bắt được vì gặp khó khăn trong vấn đề dẫn độ, song gần đây với chiến dịch “Lưới trời”, chỉ riêng trong năm 2016, nhà chức trách Trung Quốc đã bắt giữ và đưa về nước 1.032 nghi phạm tham nhũng lẩn trốn tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 134 cựu quan chức thuộc các cơ quan nhà nước, 19 người trong số này nằm trong danh sách truy nã khẩn cấp, thu hồi về 2,4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 346 triệu đô la Mỹ)(4). Đặc biệt, Trung Quốc đã dẫn độ được Lệnh Hoàn Thành, một doanh nhân tham nhũng đang ẩn náu tại Mỹ, là anh trai của Lệnh Kế Hoạch, nguyên Chánh văn phòng Trung ương Đảng, trợ lý của nguyên Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Bản thân Lệnh Kế Hoạch cũng là một trong những quan chức cấp cao nhất của nước này sa lưới chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình. Theo một số cơ quan truyền thông nước ngoài, Lệnh Hoàn Thành có liên quan đến ít nhất 3 vụ án tham nhũng và rửa tiền với số tiền lên tới 1 tỷ USD(5).

(4) Xây dựng một hệ thống giám sát tham nhũng chặt chẽ: Giám sát là nền tảng để phát hiện, từ đó ngăn ngừa và xử lý tham nhũng. Trung Quốc nhận thức rõ điều đó nên tìm cách tăng cường hoạt động này bằng cách thông qua “Luật Giám sát quốc gia” vào ngày 13-3-2018(6).  Luật này có 9 chương, 67 điều và Phụ lục, quy định về nguyên tắc chung, cơ quan giám sát, phạm vi giám sát, chức trách giám sát, quyền hạn giám sát, trình tự giám sát, hợp tác quốc tế chống tham nhũng, giám sát cơ quan/nhân viên giám sát và chức trách luật pháp. Việc ban hành đạo luật này được xem là yêu cầu tất yếu để xây dựng hệ thống giám sát thống nhất, tập trung, có uy quyền và hiệu quả cao do đối tượng và phạm vi tác động của Luật rất rộng, bao phủ toàn bộ cơ quan trong và ngoài đảng, trong và ngoài quân đội, các đảng phái, công chức, doanh nghiệp quốc doanh/tư nhân, các đơn vị sự nghiệp, tổ chức quần chúng, thậm chí tới tận nhân viên quản lý từ Trung ương tới địa phương.

Chương 2 của đạo luật kể trên quy định cụ thể về cơ quan giám sát là “Ủy ban Giám sát quốc gia”(7) - một cơ quan chống tham nhũng siêu quyền lực, bao gồm Ủy ban Giám sát trung ương và các Ủy ban Giám sát địa phương. Hệ thống uỷ ban này “trùm” lên tất cả các cơ quan đảng, Nhà nước, các tổ chức và tư nhân. Về danh nghĩa, Ủy ban giám sát quốc gia là cơ quan độc lập trực thuộc Quốc hội, ngang hàng với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, song về bản chất, đây là cơ quan của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, do Ban Kiểm tra Trung ương Đảng lãnh đạo. Cơ quan này được giao quyền hạn rất lớn, được truyền thông quốc tế gọi bằng biệt danh “siêu cơ quan chống tham nhũng” và được xem như là hình thành một nhánh quyền lực mới tại Trung Quốc bên cạnh các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp(8).

Thứ hai, làm cho “không thể tham nhũng”

Đây là sách lược về mặt kỹ trị, thể hiện qua các biện pháp kiểm soát quyền lực, làm cho người nắm giữ quyền lực không thể lạm dụng quyền lực được giao. Về vấn đề này, ông Tập Cận Bình đã có câu nói nổi tiếng là phải “nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế”(9).

Hiện tại, để thực hiện sách lược làm cho “không thể tham nhũng”, Trung Quốc đã và đang thực hiện các biện pháp cụ thể đó là:

- Phòng ngừa xung đột lợi ích: Thể hiện ở việc xác định các tình huống có thể dẫn đến xung đột giữa lợi ích công và lợi ích tư mà cán bộ, công chức cần phải tránh, chẳng hạn như tuyển dụng người nhà vào các vị trí công việc ở trong cơ quan do mình lãnh đạo.

- Kê khai, công khai tài sản, thu nhập: Trung Quốc đã thực hiện chế độ kê khai tài sản của các lãnh đạo. Mặc dù bản kê không được công khai rộng rãi nhưng đều được tổ chức kiểm tra, giám sát, nhất là trước khi bổ nhiệm cán bộ, để bảo đảm việc kê khai là trung thực. Việc kiểm tra tính trung thực trong kê khai tài sản được thực hiện với mọi cán bộ trước khi bổ nhiệm và cả ở thời điểm trước khi ra khỏi đơn vị. Quy định về vấn đề này rất chi tiết, ví dụ, trường hợp phát hiện có dấu hiệu thiếu trung thực thì người đó trong vòng ½ năm sẽ không được bổ nhiệm; nếu phát hiện đúng là kê khai không trung thực thì trong vòng 24 tháng sẽ không được bổ nhiệm(10).

Dù vậy, việc kê khai và kiểm tra tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ cũng đang gặp những khó khăn vì 2 nguyên nhân(11): Thứ nhất là do tài sản, thu nhập của cá nhân ngày càng đa dạng, phức tạp. Trước đây tài sản của cán bộ, công chức thường chỉ là sổ tiết kiệm, trái phiếu nhà nước... nhưng nay còn bao gồm nhiều hình thức khác như cổ phiếu, chứng khoán, nhà, đất... dẫn đến việc kiểm tra bản kê khai rất khó khăn. Thứ hai, mặc dù pháp luật quy định người nhà cán bộ, công chức cũng phải kê khai tài sản, song việc phối hợp của người nhà không phải lúc nào cũng tốt, dẫn đến việc kê khai không đầy đủ. Vì thế, vấn đề kê khai, công khai tài sản, thu nhập ở Trung Quốc vẫn cần phải tiếp tục hoàn thiện.

Dù vậy, hoạt động trên trong thực tế đã có những kết quả nhất định. Cụ thể, kiểm soát tài sản, thu nhập đã chặn hầu hết con đường “hợp pháp hóa”, “tẩy rửa”, “tẩu tán” tài sản của quan tham, khiến cho tiền của ăn cắp được không thể sử dụng vào việc gì khác ngoài việc cất giấu một cách “thủ công” - tức là trong hầm nhà, trần nhà, gác bếp, toalet... Minh chứng là trong các vụ án tham nhũng lớn ở Trung Quốc, báo chí thường đưa tin cơ quan thực thi pháp luật phải mang xe tải đến tư dinh của quan tham để kiểm đếm và chở tiền, vàng và những của cải hối lộ được cất giấu ở đó(12).

Thứ ba, làm cho “không muốn tham nhũng”

Sách lược này thực chất là làm cho người nắm giữ quyền lực mất đi động cơ tham nhũng, hay không còn ý thức tham nhũng. Để đạt được mục tiêu, Trung Quốc thực thi 3 biện pháp chính đó là: 

- Giáo dục pháp luật và sự liêm chính. Việc này được thực hiện dưới nhiều hình thức như thông qua các lớp bồi dưỡng ở trường đảng, trường hành chính; đưa vấn đề liêm chính, chống tham nhũng vào chương trình giảng dạy ở các trường học, kể cả đại học và phổ thông, để hình thành tính cách liêm chính cho thế hệ trẻ, tiến tới xây dựng một nền văn hóa liêm chính trong xã hội.

- Nâng cao đạo đức của các cán bộ, đảng viên: Việc này được thực hiện bằng cách đưa vấn đề tu dưỡng đạo đức vào Điều lệ Đảng và vào nội dung giảng dạy của hệ thống trường đảng.

- Giáo dục lòng yêu nước, ý thức cộng đồng: Điều này là để khắc phục hạn chế của nền văn hóa Trung Quốc trong đó đặt vấn đề “thân” (cá nhân), “gia” (gia đình) lên trước “quốc” (nước) - cơ sở sâu xa của hành vi tham nhũng.

Thứ tư, làm cho ‘“không cần tham nhũng”

Trung Quốc hiểu rằng tham nhũng do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ đời sống gặp khó khăn dẫn tới cán bộ, công chức phải tìm kiếm nguồn thu nhập bổ sung bằng nhiều cách, trong đó có việc nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp để được hối lộ. Vì vậy, Nhà nước Trung Quốc đã cố gắng bảo đảm đời sống của cán bộ, công chức để họ yên tâm làm việc mà không bị thôi thúc bởi động lực phải tìm kiếm thu nhập thêm để nuôi sống gia đình. Dù vậy, việc này cũng gặp những trở ngại, khó khăn do đội ngũ cán bộ, công chức... ở Trung Quốc đông trong khi ngân sách của Nhà nước là có hạn.

2. Một số kinh nghiệm với Việt Nam  

Thứ nhất, trong khi việc lấy Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương làm nòng cốt trong PCTN là đúng hướng, cũng cần thiết phải có biện pháp kiểm soát quyền lực của chính các cơ quan PCTN, bởi đây là các cơ quan nắm giữ quyền lực lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng, mà đã có quyền lực là có nguy cơ tha hóa, “quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hoá tuyệt đối”. Do tính chất làm việc tương đối khép kín của các cơ quan của Đảng, lại thêm việc được giao quyền lực lớn, khả năng lạm dụng quyền lực trong các cơ quan PCTN là khá cao. Trong thực tế, sau một thời gian tiến hành chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi”, Trung Quốc đã phải rà soát và phát động một cuộc chiến hẹp hơn để chống tham nhũng ngay trong các cơ quan PCTN, bao gồm các cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Hiện nay Việt Nam đang theo xu hướng của Trung Quốc là lấy các cơ quan của Đảng làm nòng cốt trong cuộc chiến chống tham nhũng, vì vậy bài học nêu trên của Trung Quốc cũng nên xem là bài học cho Việt Nam.

Thứ hai, dù quyết liệt chống tham nhũng song vẫn phải dựa trên và phải tôn trọng các nguyên tắc pháp quyền và phải bảo đảm hài hòa với các tiêu chuẩn nhân quyền được cả cộng đồng quốc tế thừa nhận. Điều này trước hết là bởi Việt Nam đã tham gia hầu hết các điều ước cốt lõi về nhân quyền của Liên Hợp quốc và đã khẳng định rõ ràng mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong Hiến pháp từ năm 2001. Thêm vào đó, cần thấy rằng Trung Quốc là nước lớn trên thế giới, còn Việt Nam là nước nhỏ hơn. Những “ông lớn” có thể phớt lờ các tiêu chuẩn quốc tế, còn các nước nhỏ hơn thì nên theo cách hành xử khôn ngoan là tuân thủ để tạo ra quyền lực mềm (soft power) qua đó sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế làm vũ khí kiềm chế các “ông lớn”.

Thứ ba, liên quan đến chế độ “tuần thị”. Với tính chất của việc thanh tra “quần vòng”, ưu điểm của “tuần thị” không chỉ là giúp phát hiện tham nhũng ở các địa phương khi mà hệ thống kiểm soát quyền lực ở đó bị vô hiệu, mà ở một góc độ khác, còn có ý nghĩa gây áp lực cho các quan tham, làm cho họ “ăn không ngon, ngủ không yên”, từ đó không dám tham nhũng. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, về lâu dài không thể xem “tuần thị” như là biện pháp cơ bản trong cuộc chiến chống tham nhũng, bởi thứ nhất bản thân các đoàn “tuần thị” cũng hàm chứa rủi ro cao với tham nhũng khi được giao quyền lực lớn mà trách nhiệm giải trình thường thiếu chặt chẽ, rõ ràng. Nhưng quan trọng hơn là việc lạm dụng “tuần thị” vô hình trung sẽ tiếp tục làm vô hiệu hóa hệ thống giám sát quyền lực ở cấp cơ sở, trong khi đó mới chính là công cụ, biện pháp nền tảng để bảo đảm tính ổn định và hiệu quả của cuộc chiến chống tham nhũng ở một quốc gia.

Việt Nam hiện chưa thực sự áp dụng chế độ “tuần thị” theo kiểu Trung Quốc, nhưng nếu áp dụng thì chỉ nên xem đó là giải pháp tình thế và cần phải có những cơ chế chặt chẽ để bảo đảm các đoàn “tuần thị” cũng “không thể, không dám, không muốn và không cần” tham nhũng.

Thứ tư, liên quan đến việc áp dụng hình phạt tử hình với tội tham nhũng. Trung Quốc vẫn duy trì trong khi các cơ quan nhân quyền Liên Hợp quốc từ lâu đã vận động các quốc gia không áp dụng hình phạt tử hình với tội tham nhũng, vì đây thuộc dạng tội phạm kinh tế. Do vẫn còn áp dụng hình phạt tử hình với tội phạm này nên Trung Quốc đã bị dư luận quốc tế chỉ trích gay gắt và gặp nhiều khó khăn trong việc hợp tác với các nước khác trong vấn đề điều tra, dẫn độ tội phạm tham nhũng. Vô hình trung việc áp dụng tử hình với tội phạm tham nhũng lại gây trở ngại cho cuộc chiến chống tham nhũng, bởi nếu quan tham trốn ra nước ngoài mà không có cách nào dẫn độ được về nước để xét xử thì không thể làm cho các quan tham khác sợ, “không dám” tham nhũng. Bên cạnh đó, trong thực tế ở Trung Quốc, việc tử hình một quan tham thường đồng nghĩa với việc không thể hoặc khó có thể thu hồi được tài sản mà họ đã ăn cắp trước khi bị kết án. Cuối cùng, thực tế ở Trung Quốc cho thấy hình phạt tử hình không có tác dụng ngăn ngừa vượt trội (so với các hình phạt khác) với tội tham nhũng, vì biết có thể bị tử hình nhưng vẫn có hàng vạn quan chức tham nhũng. Do bản chất của tham nhũng là hành vi lạm dụng quyền lực được giao để thu lợi riêng nên hiệu quả răn đe lớn nhất không phải là tử hình mà là các biện pháp đánh vào động cơ, mục đích tham nhũng (vụ lợi), ví dụ như kiểm soát tài sản chặt chẽ để có tham nhũng cũng không thể sử dụng được tiền của ăn cắp và đặc biệt là thu hồi hiệu quả mọi tài sản tham nhũng cũng như phạt tiền thật nặng với những hành vi tham nhũng.

Hiện giống như Trung Quốc, Việt Nam cũng đang áp dụng hình phạt tử hình với các tội tham nhũng, dù số lượng tội danh có thể bị tuyên án tử hình ít nhiều khác với Trung Quốc. Từ bài học của Trung Quốc, Việt Nam nên nghiên cứu xóa bỏ hoặc giảm đến mức tối thiểu hình phạt tử hình với tội tham nhũng trong thời gian tới.

________________________

(1) Ví dụ, một số nước châu Âu đã từ chối dẫn độ hoặc hợp tác điều tra với Trung Quốc trong các vụ án tham nhũng mà kẻ phạm tội trốn sang nước họ.

(2) Theo đánh giá của các chuyên gia, ước khoảng 18.000 quan chức Trung Quốc đã chạy trốn khỏi đất nước trong vòng 20 năm qua, mang theo số tiền tham nhũng khoảng 129 tỷ USD.

(3) Theo Reuters, Trung Quốc đã ký kết hiệp ước dẫn độ tội phạm với khoảng 40 quốc gia, tuy nhiên chưa có hiệp định về vấn đề này với Mỹ, Canađa hay Ôxtrâylia - khiến cho những nước này trở thành “thiên đường” của các quan tham Trung Quốc. Số liệu của Văn phòng Điều tra Liên bang thuộc Bộ Các vấn đề toàn cầu Canađa cho biết, trong số 100 quan tham bị Trung Quốc truy nã gắt gao nhất thì có tới 26 người đang lẩn trốn tại Canađa. Nhiều quan tham Trung Quốc biển thủ số tiền lớn sau đó chạy sang Mỹ, Canađa và Ôxtrâylia nhập tịch để lẩn trốn bằng cách đầu tư vào bất động sản, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, trang trại...

(4) Xem: Minh Minh: Thành quả “khủng” sau 3 năm thực hiện chiến dịch “lưới trời” của Trung Quốc, http://www.doisongphapluat.com.

(5) Xem: Hoàng Nguyên: Chân dung một “hổ lớn” của Trung Quốc đang ẩn náu ở Mỹ, https://vnexpress.net.

(6), (8) Xem Kiều Tinh: Luật giám sát: Vũ khí chống tham nhũng cực mạnh, Quốc hội Trung Quốc sở hữu quyền lực chưa từng có, http://soha.vn.

(7) Xem Quỳnh Vũ: Trung Quốc thành lập Ủy ban Giám sát Quốc gia Công cụ chống tham nhũng, tại http://www.nguoibaovequyenloi.com.

(9) Samson Yuen: Disciplining the Party: Xi Jinping’s anti-corruption campaign and its limit, China Perspectives, No.2014/3, tr.41-47, https://www.academia.edu.

 

TS Cầm Thị Lai

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền