Trang chủ    Quốc tế    Sự tham gia hoạch định chính sách công thông qua mạng internet của công dân ở Trung Quốc hiện nay
Thứ năm, 25 Tháng 4 2019 16:14
1420 Lượt xem

Sự tham gia hoạch định chính sách công thông qua mạng internet của công dân ở Trung Quốc hiện nay

(LLCT) - Từ sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, phía Chính phủ Trung Quốc đã mở rộng thêm con đường để công dân tham gia hoạch định chính sách công, đặc biệt là con đường thông qua mạng internet. Công dân Trung Quốc có xu hướng tham gia hoạch định chính sách công thông qua mạng internet ngày càng nhiều, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng của đời sống. Tuy nhiên, việc tham gia hoạch định chính sách công thông qua mạng internet còn tồn tại một số hạn chế như: các trang web chính phủ hoạt động chưa mang tính thực chất, tính tích cực tham gia của công dân chưa cao, việc tham gia hoạch định chính sách qua mạng của công dân còn phụ thuộc vào sự chi phối của chính quyền. Qua đó ta thấy việc nghiên cứu sự tham gia hoạch định chính sách công qua mạng internet của công dân ở Trung Quốc để rút ra kinh nghiệm cho Việt Nam là một việc làm vô cùng cần thiết.

1. Sự tham gia và con đường tham gia của công dân vào quá trình hoạch định chính sách công ở Trung Quốc

Sự tham gia của công dân có nhiều định nghĩa khác nhau. Trên thế giới, một số học giả nổi tiếng như: Sherry Arnstein cho rằng “sự tham gia của công dân là một hình thức vận dụng quyền lực của công dân, là sự tái phân phối quyền lực, khiến cho ý kiến của người dân trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị được đưa vào thảo luận trong tương lai”(1). Cuốn Bách khoa toàn thư về Chính trị học của David Blackwell cho rằng: sự tham gia của công dân là những hành động tham gia vào việc hoạch định, thông qua hoặc quán triệt thực thi các chính sách công.

Tại Trung Quốc, học giả Du Khả Bình cho rằng “sự tham gia của công dân là những hành động của người dân hoặc những tổ chức công cộng có nhu cầu tham gia vào phạm vi các lĩnh vực công, họ thông qua các biện pháp khác nhau nhằm làm ảnh hưởng đến chính sách công và đời sống công cộng, từ đó có thể biểu đạt hoặc thực hiện được những nhu cầu lợi ích của bản thân”(2). Quan điểm của học giả Lý Đồ Cường lại cho rằng, “sự tham gia của công dân là những hoạt động của cá nhân công dân hoặc các tổ chức của công dân can thiệp vào các sự việc công nhằm mục đích thực hiện lợi ích công. Những sự việc công này có giới hạn là không can thiệp vào tự do của mỗi cá nhân công dân, có nguyên tắc là bảo đảm chế độ hiến pháp hiện thời, có cơ sở là liên quan đến những sự việc công mang tính địa phương của mỗi cá nhân công dân”(3).

Ở Trung Quốc, có những con đường khác nhau để công dân tham gia việc hoạch định chính sách công, đó là con đường mang tính thể chế và con đường phi thể chế.

Con đường mang tính thể chế

Các con đường này được thể chế hóa, hợp pháp hóa. Có thể kể đến những hình thức như: Thứ nhất, con đường đầu tiên để người dân có thể tham gia hoạch định chính sách là thông qua Đại hội Đại biểu nhân dân. Thứ hai, tại Trung Quốc, công dân có thể tham gia hoạch định chính sách thông qua chế độ Chính Hiệp. Thứ ba, ở Trung Quốc, người dân còn có thể gián tiếp tham gia hoạch định chính sách bằng cách thông qua các tổ chức xã hội như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Công đoàn... Thứ tư, người dân đều có thể tham gia hoạch định chính sách thông qua chế độ trưng cầu ý kiến nhân dân. Thứ năm, ở Trung Quốc có chế độ tiếp nhận đơn thư khiếu nại. Đây cũng là một con đường để người dân trực tiếp tham gia hoạch định chính sách.

Con đường phi thể chế

Các con đường này không mang tính chính thức, không được thể chế hóa. Có thể kể đến các hình thức như: Thứ nhất là thông qua việc biểu tình. Thứ hai là thông qua các mối quan hệ cá nhân để tìm đến người có thể giải quyết vấn đề của bản thân...

2. Xu hướng tham gia hoạch định chính sách công qua mạng của công dân Trung Quốc ngày càng tăng

Do sự phổ cập của mạng internet ngày càng rộng hơn khiến lượng cư dân mạng của Trung Quốc có quy mô ngày càng lớn.

Có thể thấy mạng xã hội là nơi công dân Trung Quốc biểu đạt ý kiến mang tính chất tự do, cởi mở, tiện lợi nhất với tốc độ lan truyền nhanh nhất. Việc tham gia hoạch định chính sách qua mạng xã hội đã giúp công dân Trung Quốc mở ra thêm một con đường linh hoạt hơn.

Việc tham gia hoạch định chính sách công thông qua mạng xã hội cũng khiến cho công dân có nhiều quyền lợi hơn. Nó cho phép công dân tham gia trưng cầu ý kiến qua mạng, Chính phủ có thể thông qua phương tiện điện tử để tìm hiểu về quan điểm của quần chúng. Ngoài ra, mạng xã hội cũng giúp các công dân có sự tương tác lẫn nhau, giữa công dân với các nhà hoạch định chính sách cũng có sự tương tác và gia tăng hiểu biết lẫn nhau, từ đó hiệu quả tham gia chính sách cũng cao hơn. Hơn nữa, mạng internet là nơi để công dân tìm hiểu thông tin một cách nhanh nhất, đầy đủ để có thể tham gia hoạch định chính sách. Hiện nay, Chính phủ nắm trong tay khoảng 80% các thông tin về kinh tế, xã hội, văn hóa và toàn bộ quá trình chính sách cũng như các điều luật liên quan. Mức độ internet hóa thông tin càng cao thì công dân càng có điều kiện để tiếp cận nhiều hơn. Lúc đó, Chính phủ sẽ trở thành trạm trung chuyển để truyền đạt thông tin lên mạng vào thời điểm thích hợp nhất để công dân tự tìm hiểu một cách thuận tiện nhất.

Sau Đại hội VIII, Trung Quốc đã triển khai xây dựng các trang web của các cấp từ các bộ, ngành, chính quyền tỉnh, các cấp chính quyền dưới tỉnh, cho đến các thành phố, các khu,... Năm 2017, trên toàn Trung Quốc có 28.000 trang web của chính quyền các cấp đang hoạt động, có khoảng 80% trang web của các bộ ngành đưa ra được kim chỉ nam cho mọi hoạt động theo một quy phạm thống nhất(5).

Công dân Trung Quốc có xu hướng thông qua mạng xã hội để biểu đạt ý kiến của mình ngày càng nhiều. Tại Thành phố Hàng Châu, trong số 64 chính sách được khảo sát, chỉ có 6 chính sách được công dân tham gia đóng góp ý kiến bằng các phương tiện như điện thoại, gửi fax, còn lại là công dân tự lên trang web của chính quyền thành phố trực tiếp viết lên ý kiến và kiến nghị của mình. Tại Thành phố Tế Nam, có đến 85,2% các chính sách được điều tra được công dân tham gia hoạch định thông qua việc gửi thư điện tử đến lãnh đạo chính quyền thành phố, 33,3% các chính sách được công dân viết lên ý kiến thông qua trang web của chính quyền thành phố. Thành phố Thẩm Dương có 41,7% các chính sách được người dân tham gia hoạch định đóng góp ý kiến thông qua trang web của chính quyền thành phố, 58,3% chính sách được nhân dân tham gia hoạch định thông qua việc gửi thư điện tử(6)... Các thành phố khác như Quảng Châu, Quý Dương cũng thu hút đa phần công dân tham gia hoạch định chính sách thông qua trang web của chính quyền thành phố.

Công dân Trung Quốc tham gia hoạch định chính sách công qua mạng đã tập trung vào các vấn đề nóng của xã hội, điển hình như lĩnh vực phòng chống tham nhũng. Từ sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, đây được coi là vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận và công chúng nhất. Chính vì thế các chính sách liên quan đến phòng, chống tham nhũng cũng được công dân tham gia hoạch định một cách tích cực. Theo một số liệu thống kê, có đến 74,6% công dân Trung Quốc muốn tham gia phòng, chống tham nhũng qua mạng, và chỉ có 1,27% công dân muốn tham gia phòng, chống tham nhũng thông qua chế độ gửi đơn thư khiếu nại(7).

Những vấn đề tồn tại

Thứ nhất, các trang web chính phủ hoạt động chưa thực chất. Các trang web của chính quyền và bộ ngành các cấp có nhiệm vụ chính là công khai thông tin hành chính, các hoạt động chính trị của chính quyền để nhân dân nắm bắt và tham gia. Tuy nhiên bản Đánh giá thành tích các trang web chính phủ của Trung Quốc năm 2017 đã cho thấy, các trang web của chính quyền và bộ ngành các cấp tuy đã góp phần gia tăng được sự tương tác giữa người dân và chính quyền, nhưng những trang web này về thực chất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công dân. Mức độ thực dụng về nội dung thông tin trên trang web chưa cao. Điển hình nhất là thông tin công khai về các hoạt động của chính quyền các cấp vẫn cần phải được nâng cao hơn nữa. Mức độ phục vụ của trang web chưa cao, ví dụ chức năng công khai thông tin, chức năng tìm kiếm và dịch vụ. Vấn đề chức năng dịch vụ thiếu hụt vẫn còn khá nổi bật(8).

Thứ hai, một bộ phận công dân Trung Quốc chưa tích cực tham gia hoạch định chính sách công thông qua mạng internet. Ví dụ như Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Hàng Châu - một chính sách được coi là đề cập đến sự phát triển của toàn thể nhân dân trong thành phố, sau khi được đưa lên trang web của chính quyền Hàng Châu, chỉ thu hút được 12 ý kiến của công dân. Hoặc một ví dụ khác, như ở Quảng Châu năm 2016, sau khi chính quyền thành phố công khai trưng cầu ý kiến nhân dân về các chính sách công, những ý kiến tham gia cũng không vượt quá con số 100. Trong quá trình trưng cầu ý kiến công dân về bản Dự thảo Báo cáo công tác chính quyền thành phố Hàng Châu được tổ chức hàng năm, số lượng công dân quan tâm và đóng góp ý kiến về vấn đề này ít dần qua các năm. Năm 2014, trang web của chính quyền thành phố thống kê cho thấy có 104 ý kiến công dân tham gia. Năm 2015, con số này giảm còn 40 ý kiến(9). Đến năm 2016, chỉ còn lại 28 ý kiến tham gia.

Thứ ba, việc công dân Trung Quốc tham gia hoạch định chính sách công qua mạng còn phụ thuộc nhiều vào chính quyền các cấp. Việc tổng kết có những ý kiến, kiến nghị nào, kết quả ra sao, thậm chí thời gian trưng cầu ý kiến người dân là do chính quyền các cấp quyết định.

Liên hệ với Việt Nam cũng có tình trạng tương tự, người dân hoàn toàn có thể tham gia vào các quá trình của hoạt động chính sách, từ hoạch định đến thực thi và giám sát thông qua mạng internet. Tuy nhiên, đa số người Việt Nam tham gia vào hoạch định chính sách vẫn chưa tích cực, thiếu tính chủ động. Hầu như chỉ khi nào các cơ quan hoạch định chính sách đưa ra yêu cầu thì công chúng mới tham gia đóng góp ý kiến. Hầu như công việc hoạch định chính sách được coi là công việc của các cơ quan chức năng và thiếu hụt sự tham gia của nhân dân.

Để phát triển nền dân chủ XHCN, Việt Nam cần phải tăng cường sự tham gia của công dân vào quá trình hoạch định chính sách công qua mạng internet. Đầu tiên, Chính phủ nên yêu cầu tất cả chính quyền các cấp, các cơ quan bộ ngành từ trung ương đến địa phương phải xây dựng trang web theo hướng phục vụ công dân, công khai thông tin cho công dân để công dân có thể tham gia đóng góp ý kiến một cách thuận tiện nhất.

Thứ hai, nên công khai các hòm thư của các lãnh đạo chính quyền các cấp và lãnh đạo các cơ quan bộ ngành, từ đó công dân có thể gửi thư điện tử, hoặc trao đổi ý kiến về các chính sách một cách trực tiếp với các lãnh đạo, khiến cho việc đóng góp ý kiến xây dựng chính sách được thực chất và hiệu quả hơn.

Thứ ba, cần tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức và năng lực chính trị cho công chúng, cụ thể là ý thức và năng lực tham gia hoạch định chính sách bằng nhiều con đường, trong đó có con đường qua internet.

______________________

(1) Sherry Arnstein, “Citizen Participation”, Journal of the Royal Town Planning Institute, 1971, pg.216-224.

(2) Du Khả Bình, “Vài vấn đề lý luận về sự tham gia của công dân”, Thời báo Học tập, số 12, năm 2006, tr.5.

(3) Lý Đồ Cường: “Sự tham gia của công dân vào nền hành chính công hiện đại”, Nxb Quản lý Kinh tế, Bắc Kinh, 2004, tr.37.

(4) Nguồn: Số liệu điều tra thống kê tình hình phát triển mạng xã hội của Trung Quốc. http://www.sohu.com.

(5) http://www.mofcom.gov.cn.

(6), (9) Tôn Thái Hồng, “Phân tích thực tiễn công dân tham gia vào chính sách công của chính quyền địa phương”, trong “Sách xanh về sự tham gia chính trị Trung Quốc (2017)”, Phòng Ninh, Nxb Văn hiến Khoa học xã hội, Bắc Kinh, 8-2017, tr.144, 153.

(7) http://www.cctb.net.

(8) http://www.mofcom.gov.cn.

 

ThS Nguyễn Diệu Hương

Viện Nghiên cứu Trung Quốc,

Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền