Trang chủ    Quốc tế    Thách thức từ vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đến an ninh khu vực Đông Á
Thứ sáu, 08 Tháng 4 2022 09:45
4832 Lượt xem

Thách thức từ vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đến an ninh khu vực Đông Á

(LLCT) - Vấn đề hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên (Triều Tiên) là một trong những thách thức an ninh nan giải đã kéo dài nhiều thập kỷ. Năng lực hạt nhân của nước này ngày càng đạt được nhiều bước tiến, trở thành thách thức an ninh hàng đầu và thường trực tại khu vực Đông Á nói riêng và thế giới nói chung. 

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasongpho-17 được phóng thử từ sân bay quốc tế Bình Nhưỡng, ngày 24-3-2022 - Ảnh: KCNA/TTXVN

1. Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên - Sự quan tâm của nhiều quốc gia

Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên kéo dài nhiều thập kỷ, từ khi cuộc khủng hoảng hạt nhân đầu tiên diễn ra vào năm 1993, mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên mặc dù cấp bách và quan trọng nhưng đến nay vẫn tồn tại là một bài toán chưa có lời giải.

Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên tác động đến lợi ích của các bên liên quan theo những chiều hướng hoàn toàn khác nhau

Đối với Mỹ, việc Triều Tiên khẳng định những bước tiến vượt bậc trong chương trình hạt nhân là thách thức an ninh trực tiếp đối với nước này và các đồng minh trong khu vực Đông Bắc Á. Các vụ thử hạt nhân cùng với sự phát triển của các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên cho thấy mối đe dọa hạt nhân từ nước này đã vượt ra khỏi phạm vi khu vực, thậm chí có thể thực hiện một cuộc tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Mỹ(1). Đặc biệt, Mỹ còn lo ngại việc Triều Tiên có thể coi vũ khí hạt nhân, nguyên liệu và kỹ thuật hạt nhân là hàng hóa để trao đổi và sẽ rất nguy hiểm nếu rơi vào tay các lực lượng khủng bố.

Bên cạnh đó, năng lực hạt nhân của Triều Tiên có thể sẽ là nhân tố phá vỡ cục diện hạt nhân hiện tại, khiến các nước trong khu vực là Hàn Quốc và Nhật Bản cũng tìm cách bảo đảm an ninh thông qua con đường phát triển vũ khí hạt nhân. “Hiệu ứng domino” này nếu xảy ra sẽ đi ngược lại với chiến lược hạt nhân của Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, ảnh hưởng đến khả năng răn đe và kiểm soát của Mỹ đối với an ninh khu vực và thế giới. 

Tuy nhiên, cũng chính thông qua tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, Mỹ có thể duy trì sự hiện diện quân sự và ảnh hưởng rất lớn của mình tại khu vực Đông Bắc Á, kiềm chế sự nổi lên của các cường quốc trong khu vực là Trung Quốc và Nga. 

Đối với Trung Quốc, duy trì sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên có ý nghĩa chiến lược về an ninh. Đường biên giới giữa hai nước dài hơn 1.300km, bất kỳ một sự hỗn loạn nào xảy ra ở Triều Tiên đều có thể ảnh hưởng đến an ninh của Trung Quốc, nguy cơ dễ thấy nhất là làn sóng người tị nạn từ Triều Tiên sang Trung Quốc nếu xảy ra xung đột. Bên cạnh đó, các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên và những thách thức mà nó tạo ra cũng khiến giới lãnh đạo Trung Quốc rất quan ngại vì đó có thể trở thành lý do cho các cuộc can thiệp từ bên ngoài vào khu vực(2) và có thể biến Đông Bắc Á trở thành địa bàn chạy đua vũ khí hạt nhân - điều đi ngược lại hoàn toàn với lợi ích của Trung Quốc. 

Tuy nhiên, giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên lại là cơ hội để Trung Quốc thể hiện tầm ảnh hưởng và uy tín của một cường quốc khu vực đối với một trong những điểm nóng hàng đầu trong bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ ngày càng căng thẳng. Sự tương đồng về ý thức hệ, sự gần gũi về mặt địa lý, mối liên hệ chặt chẽ về kinh tế và thương mại hay sự giúp đỡ của Trung Quốc trong lịch sử chiến tranh Triều Tiên là những nhân tố khiến cho Trung Quốc luôn duy trì được tầm ảnh hưởng đáng kể đối với giới lãnh đạo Triều Tiên, từ đó chi phối tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên. 

Đối với Triều Tiên, trước hết và quan trọng nhấtvũ khí hạt nhân là phương tiện bảo đảm an ninh chế độ, cụ thể là tăng cường sức mạnh cầm quyền của giới lãnh đạo và tính chính đáng của chế độ ở Triều Tiên. Những thành tựu về hạt nhân thường xuyên được giới lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh như một biểu tượng của sức mạnh quốc gia, vị thế quốc tế và sự ưu việt của chế độ, từ đó thúc đẩy niềm tự hào của người dân về đất nước và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Đối với giới lãnh đạo Triều Tiên, trang bị vũ khí hạt nhân là biện pháp răn đe tốt nhất để bảo vệ chế độ khỏi mối đe dọa từ các đối thủ bên ngoài. Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Triều Tiên trở thành quốc gia bị cô lập bởi các lệnh trừng phạt, thậm chí phải đối mặt với mối đe dọa bị thay đổi chế độ từ các nước phương Tây. Giới lãnh đạo Triều Tiên cho rằng, chỉ cần nước này sở hữu năng lực hạt nhân đủ mạnh để có thể thực hiện các cuộc tấn công đáp trả (second-strike) tương xứng thì Mỹ hay các đối thủ bên ngoài khác sẽ phải hành xử thận trọng hơn trong quan hệ với Triều Tiên. Trở thành một quốc gia hạt nhân, Triều Tiên có thể giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc - đồng minh duy nhất của nước này. Điều này hoàn toàn phù hợp với tư tưởng “Chủ thể” (Juche) hay tinh thần “tự lực” mà Triều Tiên luôn theo đuổi. Đối với giới lãnh đạo nước này, vũ khí hạt nhân sẽ tối ưu hơn việc liên minh với một cường quốc bên ngoài trong bảo đảm an ninh của mình trong một môi trường quốc tế luôn biến động. 

Đối với Hàn Quốc và Nhật Bảnhai nước láng giềng của Triều Tiên nhưng lại là hai đồng minh thân cận của Mỹ, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa lớn nhất về mặt an ninh của hai nước này. Đây là những địa bàn chịu ảnh hưởng đầu tiên và cũng là nặng nề nhất nếu xung đột xảy ra. Những vấn đề lịch sử để lại từ Chiến tranh thế giới thứ II và Chiến tranh Lạnh đã đặt quan hệ giữa Triều Tiên với Nhật Bản, Hàn Quốc luôn trong tình trạng đối đầu cho đến ngày nay. Do đó, Hàn Quốc và Nhật Bản luôn ở trong trạng thái cảnh báo cao độ trong bối cảnh diễn ra liên tiếp các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Riêng với Hàn Quốc, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên còn là rào cản lớn nhất đối với mục tiêu hòa hợp giữa hai miền Nam - Bắc và tiến đến thống nhất đất nước - mục tiêu mà Hàn Quốc đã theo đuổi nhiều thập niên. 

Đối với Nganước láng giềng phía Bắc của Triều Tiên, cũng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu vấn đề hạt nhân của Triều Tiên gây ra những bất ổn và xung đột tại khu vực. Năng lực hạt nhân của Triều Tiên có thể đe dọa đến an ninh vùng Viễn Đông Nga và trong dài hạn có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở Đông Bắc Á - kịch bản mà Nga không hề mong muốn. Việc tăng cường quan hệ với Triều Tiên và tham gia ngày càng sâu vào tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên là biện pháp để Nga quản lý một trong những thách thức an ninh xung quanh mình, đồng thời khôi phục hình ảnh và vị thế nước lớn trước đây, cũng như kiểm soát và ngăn chặn sự hiện diện quân sự ngày một lớn tại khu vực từ các cường quốc bên ngoài, đặc biệt là Mỹ.  

Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên dù đã trải qua nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng vẫn chưa thu được kết quả đáng kể và ngày càng bế tắc

Ngay từ đầu những năm 1950, lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành đã chủ trương tiến hành nghiên cứu và phát triển kỹ thuật hạt nhân một cách bài bản và hệ thống dưới sự giúp đỡ của Liên Xô. Trải qua một thời gian tiếp cận và phát triển, Triều Tiên đã có những bước tiến quan trọng trong chương trình hạt nhân và tên lửa của mình, bỏ lại những cam kết sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và tiến hành chế tạo vũ khí hạt nhân. Năm 2003, Triều Tiên đã chính thức rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) mà nước này đã ký năm 1985. Kể từ đó, năng lực hạt nhân của Triều Tiên ngày càng phát triển nhanh chóng với hàng loạt các vụ thử thành công. 

Trước mối đe dọa an ninh nghiêm trọng này, các bên liên quan đã nỗ lực tham gia vào tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên với nhiều cách tiếp cận khác nhau, từ song phương đến đa phương. 

Về đa phương, Đàm phán sáu bên (gồm Mỹ, Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga) đã từng nổi lên như một giải pháp khả thi đối với việc xử lý khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, sáu vòng đàm phán diễn ra liên tục từ năm 2003 đến 2007 đã không thể đưa lập trường, quan điểm giữa các bên lại gần nhau hơn, thậm chí lòng tin còn bị suy giảm nghiêm trọng. Đàm phán thất bại với việc Triều Tiên tuyên bố không tiếp tục tham gia, đồng thời trục xuất các thanh sát viên hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và tuyên bố sẽ tái kích hoạt chương trình hạt nhân của mình. 

Bên cạnh đàm phán, cộng đồng quốc tế cũng thể hiện sự phản đối gay gắt đối với mục tiêu sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên thông qua hơn mười lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) đã phê chuẩn kể từ vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên năm 2006(3). Tuy nhiên, thực tế cho thấy các lệnh trừng phạt đó không thật sự hiệu quả khi năng lực hạt nhân của Triều Tiên vẫn ngày càng khẳng định những tiến bộ vượt bậc. 

Về song phương, Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia đóng vai trò chủ đạo trong tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên - đã thể hiện những chính sách riêng đối với Triều Tiên trong từng giai đoạn. 

Đối với Mỹ, chính sách của nước này qua nhiều đời Tổng thống đều chung một mục tiêu là phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID). Cụ thể, những chính sách mà Mỹ áp dụng có khi là đối thoại song phương với Triều Tiên cho đến những biện pháp can dự thông qua viện trợ, hỗ trợ phát triển kinh tế, hoặc những biện pháp răn đe mạnh mẽ về quân sự hay các lệnh trừng phạt nghiêm khắc… Gần đây nhất, ngoại giao thượng đỉnh - cách tiếp cận chưa có tiền lệ mà chính quyền Tổng thống Donald Trump triển khai đã có lúc cho thấy những tín hiệu lạc quan để giải quyết bế tắc nhưng cuối cùng kết quả lại trở về vạch xuất phát. 

Về phần Trung Quốc, với mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với Triều Tiên, nước này cũng đã nhiều lần thể hiện vai trò chủ đạo đối với tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Trong Đàm phán sáu bên, Trung Quốc là một trong những bên liên quan tích cực và năng nổ nhất đưa các nước khác cùng ngồi lại để thảo luận tìm ra giải pháp. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng nhiều lần tiến hành các hoạt động ngoại giao con thoi nhằm giảm nhiệt căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên trong bối cảnh xung đột cận kề. 

Là một thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc cũng đã phối hợp với các nước thông qua những lệnh trừng phạt nhằm gây áp lực lên Triều Tiên, mặc dù mức độ tuân thủ của nước này còn gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung gay gắt như hiện nay, cách tiếp cận của Trung Quốc với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên chắc chắn sẽ ngày càng đề cao việc bảo đảm những lợi ích của nước này. Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với giới lãnh đạo Triều Tiên không thể suy giảm trong một sớm một chiều, thí dụ điển hình là năm cuộc gặp gỡ liên tiếp trong hai năm 2018-2019 giữa hai lãnh đạo tối cao của Trung Quốc và Triều Tiên bên lề các Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

2. Những thách thức từ vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đối với an ninh khu vực

Một là, gia tăng tình trạng chạy đua vũ trang 

Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên có thể làm gia tăng tình trạng chạy đua vũ trang giữa các nước trong khu vực Đông Bắc Á. Một khi Triều Tiên trở thành quốc gia hạt nhân, những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ không còn cảm thấy an toàn khi mà các nước xung quanh gồm Nga, Trung Quốc đều là những nước được trang bị vũ khí hạt nhân. Lúc đó, “ô hạt nhân” mà Mỹ cam kết bảo đảm cho các đồng minh Đông Bắc Á của mình có thể sẽ không còn là lựa chọn đủ mạnh để các nước này dựa vào mà họ sẽ phải tính đến những phương án khác, trong đó có việc phát triển vũ khí hạt nhân trong tương lai gần nhằm tạo ra sự cân bằng sức mạnh quân sự trong khu vực. 

Theo một cuộc thăm dò dư luận do Viện Gallup thực hiện vào năm 2007 khi căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên lên cao nhất, khoảng 60% người dân Hàn Quốc ủng hộ ý tưởng về việc phát triển vũ khí hạt nhân như một biện pháp răn đe(4)

Ở Nhật Bản, các nhà chính trị cánh tả - những người luôn mong muốn nước này trở thành một quốc gia “bình thường” cho rằng mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên là một lý do chính đáng để thay đổi một số điều khoản trong Hiến pháp hòa bình của nước này. Theo một số chuyên gia, hai quốc gia Đông Bắc Á này được xem như những “thế lực hạt nhân tiềm tàng” bởi họ đang có chương trình hạt nhân dân sự rất phát triển, sở hữu nhiều công nghệ lưỡng dụng có thể quân sự hóa để chế tạo vũ khí bất cứ khi nào(5)

Trên thực tế, những mầm mống ban đầu của một cuộc chạy đua quân sự tại Đông Bắc Á đã và đang diễn ra. Gần đây, Hàn Quốc chủ trương đẩy mạnh năng lực quốc phòng để “củng cố nền hòa bình” trên bán đảo Triều Tiên. Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc từ năm 2016 đến 2020 đã cao hơn 210% so với giai đoạn từ 2011-2015. Quốc gia này cũng là một trong những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, khi đã mua một số lượng lớn thiết bị và khí tài quân sự như chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ. Hàn Quốc cũng là một trong số ít các quốc gia trên thế giới sở hữu năng lực phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM). 

Nhật Bản cũng không ngừng gia tăng chi tiêu cho quốc phòng để mua sắm và phát triển các vũ khí hiện đại như tàu sân bay, tàu khu trục, tàu ngầm, máy bay chiến đấu tàng hình… Mặc dù chưa có SLBM nhưng Nhật Bản được đánh giá là một trong số các quốc gia có hệ thống tàu ngầm phi hạt nhân hiện đại nhất thế giới. 

Sự chạy đua về vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc càng rõ ràng hơn. Sự hiện diện quân sự của Mỹ dày đặc tại khu vực khiến cho Trung Quốc cảm thấy bị bao vây ngay tại sân nhà. Do đó, Trung Quốc liên tục tăng chi tiêu quốc phòng nhằm hiện đại hóa quân đội, tăng cường khả năng chiến đấu, tiềm lực tên lửa và hạt nhân nhằm cân bằng sức mạnh với Mỹ. Đáng chú ý, việc Mỹ thiết lập thành công hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được nước này khẳng định là để ứng phó với mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên nhưng phía Trung Quốc cho rằng là hành động gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích an ninh của Trung Quốc. 

Nếu tình trạng chạy đua vũ trang, đặc biệt là chạy đua hạt nhân giữa các nước có chiều hướng gia tăng thì an ninh tại khu vực Đông Á vốn đang bị đe dọa sẽ càng trở nên tồi tệ hơn. Hiện nay, sự trỗi dậy của Trung Quốc cùng với những tham vọng của nước này là một trong những thách thức đáng kể đối với nhiều quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, những hoạt động tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông hay biển Hoa Đông là một trong những nguy cơ hàng đầu có thể dẫn đến xung đột. Để đối phó với thách thức này, các quốc gia trong khu vực đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường về quân sự nhằm phòng vệ và kiểm soát những diễn biến bất ngờ có thể xảy ra, như tiến hành tập trận quy mô lớn, mua sắm vũ khí chiến đấu hiện đại…

Hai là, tiềm ẩn nguy cơ xung đột, chiến tranh

Kể từ khi bắt đầu triển khai đến nay, chương trình hạt nhân của Triều Tiên luôn là mối đe dọa nghiêm trọng về an ninh đối với các nước láng giềng nói riêng và khu vực nói chung. Hàn Quốc và Nhật Bản luôn thường trực mối lo ngại về các vụ tấn công từ Triều Tiên trong bối cảnh quan hệ giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Nhật Bản luôn trong trạng thái đối đầu. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ cách vĩ tuyến 38 khoảng 50km về phía Nam và chắc chắn nằm trong tầm bắn của pháo binh Triều Tiên. Trong khi đó, nhiều vụ thử tên lửa của Triều Tiên đã được khẳng định bay qua lãnh thổ của Nhật Bản trước khi rơi xuống biển. Thậm chí, năng lực hạt nhân của Triều Tiên gần đây được cho là đã có thể vươn đến lãnh thổ nước Mỹ. Đối với Mỹ, các vụ thử hạt nhân và tên lửa liên tiếp của Triều Tiên bất chấp những thỏa thuận đã cam kết là những hành động mang tính khiêu khích, thách thức những nỗ lực phi hạt nhân hóa một cách hòa bình. Do đó, trong lịch sử, không ít lần chính quyền Mỹ tính đến giải pháp quân sự để giải quyết vấn đề này. 

Đầu năm 1994, Triều Tiên bất ngờ trục xuất các quan sát viên quốc tế đang giám sát sự tuân thủ của nước này đối với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Bên cạnh đó, có bằng chứng rằng Triều Tiên đang sản xuất plutonium từ một lò phản ứng ở Yongbyon và chiết xuất nguyên liệu để chế tạo hai quả bom. Khi đó, chính quyền Tổng thống Bill Clinton đã xem xét đến lựa chọn thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu đối với Triều Tiên nhằm ngăn chặn nước này tiếp tục phát triển kho vũ khí hạt nhân của mình. Vào thời điểm đó, hiểm họa về một cuộc xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên đã đến rất gần(6)

Ngày 10-1-2003, Triều Tiên tuyên bố rút khỏi NPT và bắt đầu tiến hành tái chế 8.000 thanh nhiên liệu đang cất giữ trong kho theo quy định của Hiệp định khung 1994. Triều Tiên còn tuyên bố, nếu Mỹ sử dụng biện pháp quân sự thì Triều Tiên sẽ rút khỏi Hiệp định đình chiến năm 1953, đưa hai miền Nam - Bắc trở lại tình trạng chiến tranh. Đồng thời, Triều Tiên đã tiến hành thử tên lửa tầm ngắn và tầm trung nhằm gây sức ép với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi đó, ngày 20-3-2003, Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu tập trận chung; Mỹ cũng đưa thêm nhiều tàu chiến và máy bay chiến đấu tàng hình đến Nhật Bản, Hàn Quốc để chuẩn bị cho những tình huống xấu có thể xảy ra.

Năm 2017, trước hàng loạt các vụ thử tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, chính quyền Mỹ đã tuyên bố sẽ phản ứng bằng thái độ “hết sức cứng rắn”. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davis còn nhấn mạnh, Mỹ có thể thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết, thậm chí là quân sự để kiềm chế và làm thất bại mối đe dọa an ninh đến từ Triều Tiên(7). Ngay sau đó, Mỹ đã triển khai nhiều khí tài quân sự hiện đại tới khu vực Đông Bắc Á và tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn quy mô lớn sát lãnh thổ Triều Tiên. Tháng 4-2017, Mỹ bất ngờ tiến hành không kích căn cứ Syria và tuyên bố đấy là lời cảnh báo đối với Triều Tiên. 

Có thể thấy, việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và không ngừng nâng cấp năng lực hạt nhân trở thành một “ngòi nổ” có thể dẫn đến xung đột bất kì lúc nào. Chỉ cần một động thái thiếu kiểm soát từ một trong các bên liên quan sẽ dẫn đến những căng thẳng quân sự và có thể kéo theo sự tham gia của tất cả các bên, phá vỡ cục diện an ninh và sự ổn định trong khu vực. Một cuộc xung đột mà hầu hết các bên được trang bị vũ khí hạt nhân thì hậu quả khó có thể đong đếm được. 

Đối với Việt Nam, tuy không phải là quốc gia liên quan trực tiếp tới các diễn biến xung quanh vấn đề hạt nhân của Triều Tiên nhưng cục diện an ninh trên bán đảo Triều Tiên tác động sâu sắc đến môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực, từ đó tác động đến an ninh chính trị và an ninh kinh tế của Việt Nam. Môi trường an ninh xung quanh bị đe dọa sẽ trở thành thách thức không hề nhỏ đối với quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước của Việt Nam. 

Mặt khác, sự điều chỉnh chính sách của các bên liên quan đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên có ảnh hưởng mạnh mẽ đến khu vực Đông Bắc Á nói riêng và Đông Á nói chung, trong đó có Việt Nam. Tại khu vực Đông Bắc Á có ba đối tác chiến lược quan trọng bậc nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, trong khi Hàn Quốc và Nhật Bản là những đối tác quan trọng về đầu tư và viện trợ ODA. Triều Tiên lại là quốc gia có quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam. Sự đan xen về mặt lợi ích của các bên trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên đặt ra nhiều khó khăn đối với Việt Nam trong quan hệ với các nước lớn, các bạn bè truyền thống. Trong bối cảnh lập trường quan điểm của các bên có nhiều khác biệt, khó đạt được một giải pháp hài hòa về lợi ích, việc duy trì chính sách đối ngoại cân bằng càng trở thành thách thức đối với Việt Nam. 

__________________

(1) Council on Foreign Relations: “North Korea’s Military Capabilities”, https://www.cfr.org/backgrounder/north-koreas-military-capabilities, 2020.

(2) United States Institute of Peace: “China’s Role in North Korea Nuclear and Peace Negotiations”,  USIP Senior Study Group Final Report, p.13, https://www.usip.org/publications/2019/05/chinas-role-north-korea-nuclear-and-peace-negotiations, 2019.

(3) James L. Schoff and Feng Lin: “Making Sense of UN Sanctions on North Korea,” Carnegie Endowment for International Peace,https://carnegieendowment.org/publications/interactive/north-korea-sanctions#, 2018.

(4) Ankit Panda: Kim Jong Un and the Bomb: Survival and Deterrence in North Korea, Oxford University Press, p. 304, 2020.

(5) Xem Mark Fitzpatrick: Asia's Latent Nuclear Powers: Japan, South Korea and Taiwan, Routledge, 2016. 

(6) Ted Galen Carpenter: “The 1994 North Korea Crisis: Military Force a Bad Idea Then (and a Worse One Now)”, The National Interesthttps://nationalinterest.org/blog/the-skeptics/the-1994-north-korea-crisis-military-force-bad-idea-then-20251, 2017.

(7) Reuters: “Pentagon strongly condemns North Korea missile test”, https://www.reuters.com/article/us-northkorea-missiles-pentagon-idUSKBN15S233, 14-2-2017.

ThS DƯƠNG THÙY LINH

Viện Quan hệ quốc tế, 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền