Trang chủ    Quốc tế    Kinh nghiệm của Trung Quốc trong phát triển kinh tế vùng biên giới
Thứ sáu, 06 Tháng 5 2022 09:11
3519 Lượt xem

Kinh nghiệm của Trung Quốc trong phát triển kinh tế vùng biên giới

(LLCT) - Nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc trong thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biên giới với sự hình thành các mô hình kinh tế vùng biên như khu kinh tế tự do (FEZs), khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới (CBECZs)... có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Những kinh nghiệm từ thực tiễn của Trung Quốc có thể tham khảo trong việc xây dựng, phát triển kinh tế vùng biên giới của Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Bài báo là kết quả nghiên cứu của Đề tài ĐTCB.UBDT.01.20-21, thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Bộ.

Đặc khu kinh tế Thâm Quyến - Ảnh: Internet

Đối với Việt Nam, vùng biên giới với Trung Quốc là địa bàn chiến lược trọng yếu, có vị trí quan trọng cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Trong nhiều năm qua, phát triển kinh tế vùng biên giới với Trung Quốc hướng tới mục tiêu bảo đảm sự ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển được Đảng, Nhà nước Việt Nam cùng chính quyền các địa phương nỗ lực thực hiện. Việt Nam đã đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, tăng cường củng cố hệ thống chính trị, phát huy thế mạnh kinh tế vùng biên giới, thực hiện an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Việc phát triển kinh tế vùng biên giới với Trung Quốc có thể tham khảo kinh nghiệm từ phía Trung Quốc với những thành công đáng ghi nhận.

1. Kinh nghiệm của Trung Quốc về phát triển kinh tế vùng biên giới

Mô hình khu kinh tế tự do (Free Economic Zones-FEZs)

Ban đầu, mô hình FEZs được Chính phủ Trung Quốc triển khai như một khu vực để thử nghiệm các chính sách cải cách và phát triển kinh tế trong những năm 1980. Ưu tiên phát triển kinh tế của Chính phủ Trung Quốc trước tiên là tại các tỉnh dọc theo bờ biển phía Đông, sau đó xác lập các trục tăng trưởng để thúc đẩy kinh tế nội địa (sâu trong đất liền) và cuối cùng là tới phát triển các khu vực biên giới phía Bắc, phía Tây và phía Nam. Các FEZs được thiết lập đóng vai trò như cực tăng trưởng cho các khu vực kinh tế này.

Sau khi mở cửa với khu vực và thế giới, các FEZs của Trung Quốc đã dần dần được thành lập và phát triển theo một trình tự kể từ năm 1978.

Các FEZs lần đầu tiên được thành lập ở miền Nam Trung Quốc vào đầu những năm 1980, lan rộng đến miền Bắc từ giữa những năm 1980 và từ duyên hải đến vùng nội địa và biên giới từ những năm 1990. Nhìn chung, các FEZs là mô hình thành công. Một thế hệ mới và nhiều biến thể của FEZs đã dần dần được tạo ra và đóng vai trò chi phối trong sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc, cũng như trong việc thiết lập nền kinh tế định hướng thị trường. Thực tế là, chưa có FEZs nào trên thế giới, kể cả ở các nước phát triển, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển và chuyển đổi kinh tế đất nước như FEZs ở Trung Quốc.

Đặc điểm chung của các FEZs là được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt, với mục tiêu cụ thể, đặt ở một khu vực xác định. Điểm khác biệt ở FEZs là định hướng ngành nghề sản xuất, kinh doanh và vị trí địa lý. Qua thực tiễn phát triển, có thể phân loại các FEZs ở Trung Quốc thành: FEZs toàn diện, FEZs chuyên về sản xuất, FEZs chuyên về khoa học, FEZs chuyên về thương mại, FEZs xuyên biên giới và nhiều những biến thể khác, gồm: đặc khu kinh tế (Special economic Zones-SEZ), khu phát triển kinh tế và công nghệ (Economic and Technological Development Zones-ETDZ), khu phát triển toàn diện (Comprehensive development Zones- CDZ), khu công nghiệp mới và công nghệ cao (New and high-tech industrial parks-NHIP), khu thương mại tự do (Free trade Zones-FTZs), khu thương mại biên giới tự do (free frontier trade Zones-FFTZs), tam giác tăng trưởng (Growth Triangles-GTs), khu chế xuất xuất khẩu (Export processing Zones-EPZs) và khu kinh tế và hành chính đặc biệt (Special Administrative-Economic Zones SAEZs).

Ở cấp độ vi mô, các FEZs đã làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp to lớn vào GDP quốc gia, là nơi thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và nội địa.

Ở cấp độ vĩ mô, không chỉ là nơi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, công nghệ, kinh nghiệm quản lý mà FEZs còn đóng vai trò như cơ sở thử nghiệm và cực tăng trưởng. Các FEZs, đặc biệt là các SEZs đã mang đến những kinh nghiệm quý cho quá trình tái cấu trúc ở Trung Quốc để xây dựng nền kinh tế thị trường. Những thử nghiệm ban đầu được triển khai ở các SEZs và các FEZs khác, sau đó nếu thành công sẽ được nhân rộng ra khắp cả nước.

Trong các FEZs của Trung Quốc có hai mô hình phát triển, thu hút các nhà đầu tư. Thứ nhất, mô hình phát triển đất tuần hoàn, quy mô nhỏ. Các FEZs sử dụng tín dụng, nguồn tài chính từ Chính phủ hoặc vốn nước ngoài để phát triển cơ sở hạ tầng, sau đó, mặt bằng sẽ được bán hoặc cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước thuê với giá hấp dẫn. Phí đất và thuế sẽ được quay vòng để phát triển thêm đất. Một vòng kết nối tiếp tục được thiết lập. Giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư vào FEZs. Phát triển đất đai bắt đầu chuyển sang phát triển công nghiệp. Gần như tất cả các FEZs của Trung Quốc đã sử dụng mô hình này để tạo kết cấu hạ tầng, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Thứ hai, mô hình phát triển công nghiệp và tuần hoàn đất quy mô lớn. Các FEZs chuyển giao quyền cho các nhà thầu trong nước hoặc nước ngoài để phát triển một khu đất rộng lớn. Có hai khả năng; (1) các nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng trên một khu đất rộng lớn, thu hút hoặc mời các nhà đầu tư, trả tiền thuê và thuế và các FEZs sử dụng nguồn lực này để phát triển phần còn lại của khu vực. (2) các nhà thầu sẽ được các FEZs giao toàn bộ trách nhiệm về phát triển cơ sở hạ tầng và công nghiệp của toàn khu. Mô hình này đã được sử dụng cho các FEZs có diện tích lớn hoặc đang ở giai đoạn phát triển cao hơn, ví dụ, khu phát triển Yangpu ở Hải Nam SEZs, khu đầu tư của Đài Loan ở Hạ Môn SEZs, SNA và ở một số ETDZs lớn như TEDA. Trong giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư vào các FEZs. Nguồn thu từ thuế và từ dịch vụ nhiều hơn thu từ tiền đất. Nghĩa là động lực của các FEZs đã được chuyển đổi từ phát triển đất đai sang phát triển công nghiệp.

Qua quá trình phát triển, FEZs đã có nhiều sự chuyển đổi để thích ứng với những điều kiện và bối cảnh mới. Đó là chuyển đổi từ khu vực kinh tế hướng ngoại sang khu vực kinh tế mở, chuyển từ các ngành nghề thâm dụng lao động sang ưu tiên các ngành nghề ứng dụng công nghệ, chuyển đổi từ hợp tác kinh tế nội địa sang hợp tác xuyên quốc gia.

Để thực hiện những chuyển đổi này, các FEZs triển khai những chính sách đặc thù. Các FEZs là môi trường thử nghiệm lý tưởng đối với những cơ chế, chính sách mới như đổi mới, mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, chú trọng các ngành giá trị gia tăng cao hoặc sử dụng công nghệ cao.

Gắn với quá trình chuyển đổi từ hợp tác kinh tế nội địa sang hợp tác kinh tế xuyên biên giới và xuyên quốc gia, hầu hết các FEZs quy mô nhỏ ở giai đoạn bắt đầu đã phát triển hoàn chỉnh hơn vào những năm 1990. Các FEZs đã thành công khi sử dụng lợi thế về thương hiệu, vốn và nhân lực để mở rộng địa bàn và thành lập các phân khu ở trong nước và nước ngoài và cấu trúc không gian của FEZs thay đổi từ quy mô nhỏ sang quy mô lớn và từ đơn khu vực sang đa khu vực. Ví dụ, đặc khu kinh tế Thâm Quyến không chỉ mở rộng diện tích của mình ra toàn bộ quận Baoan, mà còn thành lập 37 km2 Khu phát triển công nghiệp Longgang và Khu du lịch Wutongshan ở phần phía đông. Đại Liên và TEDA cũng mở rộng địa bàn và chuyển đổi từ khu vực đơn lẻ sang đa khu vực.

Các FEZs trở thành cực tăng trưởng để thúc đẩy sự phát triển của khu vực. Hợp tác kinh tế theo chiều ngang trong các FEZs và giữa các FEZs với các khu vực còn lại đã thúc đẩy việc thiết lập một số (GTs) nội bộ quốc gia. Chẳng hạn như GTs khu vực Vịnh Bột Hải gồm tam giác tăng trưởng Bắc Kinh - Thiên Tân - Đại Liên, GTs khu vực đồng bằng Trường Giang do Thượng Hải đứng đầu, GTs khu vực trung tâm do Vũ Hán và Chung Khánh đứng đầu, GTs đồng bằng Châu Giang do Hồng Kông - Macao - Đài Loan đứng đầu.

Cùng với tăng tốc phát triển khu vực, quốc gia và đóng vai trò như “nhà nóng thử nghiệm” và máy phát ngoại hối, các FEZs thúc đẩy mục tiêu hợp nhất Hồng Kông, Macao và Đài Loan. Chính quyền đặc khu kinh tế Quảng Đông và Thâm Quyến cũng như các doanh nhân Hồng Kông tư nhân có: (i) đường sắt được tài trợ, điện khí hóa và xây dựng các đường siêu cao tốc nối Hồng Kông, Macao với các SEZs và nội địa; (ii) thủ tục qua biên giới được đơn giản hóa; (iii) tăng cường phối hợp chính sách xuyên biên giới.

Kể từ khi trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc năm 1997 và Macao năm 1999, sự hợp tác, phối hợp phát triển kinh tế và xây dựng đô thị với Hồng Kông và Macao được tăng cường. Tuyến đường sắt từ Bắc Kinh đến Hồng Kông được thông xe vào năm 2000. Mặc dù có những khác biệt lớn về sự thống nhất giữa đại lục và Đài Loan, “ba lỗ hổng”, cụ thể là mở cửa hàng hải, giao thông hàng không và đường bưu chính, được cho là bước đầu tiên và là cơ sở của sự thống nhất đại lục và Đài Loan. Các FEZs sẽ đóng vai trò chủ đạo trong quá trình này.

Theo đà phát triển kinh tế, Trung Quốc đã trở thành một trung tâm kinh tế khu vực mới trong thế kỷ XXI và sẽ có tác động đáng kể đến sự phát triển kinh tế thế giới. Ngoài ra, với tư cách là thành viên mạnh trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Trung Quốc sử dụng các FEZs và các trung tâm kinh tế phát triển tốt khác, có vị trí thuận lợi để thực hiện hợp tác kinh tế xuyên biên giới và xuyên quốc gia. Các nước láng giềng kém phát triển về kinh tế có thể còn nghi ngờ, nhưng lợi ích kinh tế tiềm năng sẽ khuyến khích họ hợp tác kinh tế và công nghệ với Trung Quốc. Hợp tác kinh tế nội khối, hợp tác kinh tế và chính trị xuyên biên giới, xuyên quốc gia đang là xu hướng phát triển của các FEZs của Trung Quốc trong thế kỷ XXI(1).

Khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới (Cross-border Economic Cooperation Zones-CBECZs)

Kể từ khi cải cách mở cửa, Trung Quốc tập trung phát triển khu vực ven biển phía Đông, các khu vực biên giới có nhiều dân tộc thiểu số... thường xảy ra xung đột. Khi chiến lược “Vành đai và con đường” (BRI) được thúc đẩy, các giá trị chiến lược và nhận thức về khu vực nội địa của Trung Quốc, đặc biệt là các khu vực biên giới đang dần thay đổi. Chiến lược BRI của Chính phủ Trung Quốc đã nâng cao vị thế của các khu vực biên giới, được kỳ vọng như là những cánh cửa mới mở ra bên ngoài; là cơ sở mới cho tăng trưởng kinh tế nội địa; trung tâm cho thương mại quốc tế, vận tải và hậu cần; một điểm trung chuyển trong mạng lưới hạ tầng xuyên quốc gia; là nơi để thử nghiệm các phương thức hợp tác tài chính, trong đó bao gồm cả việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

Trong số các dự án nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế xuyên biên giới giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, việc thành lập các CBECZs được xem như một nền tảng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, hậu cần, xây dựng cơ sở hạ tầng xuyên biên giới, giao thông vận tải và năng lượng(1).

Trước khi có BRI, hợp tác công nghiệp và thương mại biên giới được thúc đẩy chủ yếu thông qua các khu hợp tác kinh tế biên giới (BECZ) của Trung Quốc . Năm 1992, Chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch mở cửa 14 thành phố biên giới và thành lập 17 BECZ nhằm mở rộng thương mại biên giới và nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng với BRI, CBECZ đang nổi lên như một nền tảng mới để hợp tác với các nước láng giềng ở khu vực biên giới Trung Quốc.

CBECZ có thể được định nghĩa là một đặc khu kinh tế xuyên biên giới được mở rộng sang lãnh thổ của các quốc gia láng giềng từ BECZ hiện có, do Trung Quốc và các nước láng giềng cùng thành lập và vận hành. Các khu này không chỉ có ý nghĩa về mở rộng quy mô khu kinh tế, phạm vi hợp tác mà còn là khu vực thử nghiệm cho sự hội nhập kinh tế giữa hai nước.

Kể từ khi bắt đầu BRI, 11 khu vực CBECZ đã và đang được xây dựng trên khắp Trung Quốc, 5 trong số đó nằm ở phía Đông Bắc (khu ManZhouLi, ErLianHaoTe, SuiFenHe, HeiHe, HunChun ở vùng biên giới với Nga và Mông Cổ); 6 khu còn lại ở phía Tây Nam (RuiLi, MoHan, HeKou, DongXing, PingXiang, LongBang ở vùng tiếp giáp với Lào, Việt Nam, Myanma).

Năm 2011, Trung tâm Hợp tác biên giới quốc tế Trung Quốc - Cadắcxtan (Trung tâm Horgos) được thành lập ở khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Cadắcxtan. Tổng diện tích của Trung tâm Horgos là 528 ha, trong đó 343 ha ở địa phận Trung Quốc và 185 ha ở địa phận Cadắcxtan. Trung tâm Horgos cung cấp một số ưu đãi cho các doanh nghiệp, thương gia và khách du lịch. Nhà đầu tư được miễn tiền sử dụng đất lên đến 10 năm và được hưởng các ưu đãi về thuế. Công dân hai nước được phép nhập cảnh mà không cần thị thực trong 30 ngày. Hiện có 75 cửa hàng miễn thuế của Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc và Hồng Kông đang hoạt động; miễn thuế tới 8.000 nhân dân tệ/người đối với công dân Trung Quốc và 1.500 euro/người đối với công dân Cadắcxtan.

Sau khi BRI được đề xuất vào năm 2013, Trung tâm Horgos đã nhanh chóng phát triển thành trung tâm chính cho Hành lang kinh tế lục địa Á - Âu mới và Hành lang kinh tế Trung Quốc - Trung Á - phương Tây.

Phát triển kinh tế biên giới giữa Trung Quốc và Myanma đã có từ những năm 1980, người dân hai bên biên giới được phép mua bán, trao đổi hàng hóa. Năm 1987, cảng Ruili ở khu vực biên giới này được Chính phủ Trung Quốc công nhận là cảng quốc gia loại 1. Chính phủ hai nước ký kết và thực hiện thương mại biên giới từ năm 1988 và hợp tác thành công đáng kể trong thương mại, đầu tư, lao động, công nghệ và giao thông vận tải. Năm 1992, Ruili được Trung Quốc đưa vào danh sách 14 thành phố có biên giới mở và được phê duyệt thành lập khu phát triển kinh tế biên giới quốc gia. Trong suốt thời kỳ này, khối lượng xuất nhập khẩu tại cảng Ruili tăng với tốc độ hơn 40% hàng năm.

Năm 2000, vai trò của cảng Ruili Trung Quốc - Myanma đã được nâng cao nhờ một chính sách FEZs khác được Trung Quốc thông qua - Khu thương mại biên giới Jiegao. Đặc khu này đóng vai trò là khu vực thương mại tự do Trung Quốc - Myanmar, mặc dù nó không được đặt tên rõ ràng như vậy. Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước coi khu vực này là “cảng của nước thứ ba” bằng cách thực hiện thương mại quá cảnh hàng hóa và sau đó tái xuất sang các nước khác. Khu vực này cũng được kết nối với thành phố Muse, thành phố cảng đất liền lớn nhất ở Myanma, về phía Nam, Đông và Bắc. Chính quyền Muse đã kết hợp với những nỗ lực của Ruili bằng cách tạo ra một khu thương mại biên giới rộng 150 ha vào năm 2006 và nâng cấp con đường dài 460 km đến Mandalay. Hai thành phố đã được nâng tầm như những trung tâm chính cho thương mại xuyên biên giới giữa Myanma và Trung Quốc. Chính sách ưu đãi này đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Ruili nhờ vào việc thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành thương mại, du lịch và hậu cần.

Từ sau BRI, vai trò và vị thế của khu hợp tác biên giới Trung Quốc - Myanma càng được nâng cao khi nó được định vị là thành phố hoa tiêu trong luồng lưu thông hàng hóa xuyên biên giới với Myanma. Chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt nhiều dự án chiến lược ở khu vực này, bao gồm Khu thử nghiệm Ruili với 238 dự án để phát triển Ruili thành cửa ngõ trong hợp tác với Đông Nam Á. Hơn nữa, Ruili cũng được xác định là điểm quan trọng trong hành lang kinh tế Bănglađét - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanma, là một dự án lớn trong BRI.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế xuyên biên giới, cùng với việc thành lập các CBCEZs, Trung Quốc rất quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Việc nâng cao chất lượng mạng lưới giao thông vận tải tổng hợp: đường sắt biên giới, đường cao tốc, đường thủy nội địa và đường hàng không, liên tục được Chính phủ Trung Quốc đầu tư, nâng cấp. Đồng thời, các cấp chính quyền địa phương đã đưa xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản tại khu vực cửa khẩu vào quy hoạch phát triển của từng địa phương. Không những vậy, Chính phủ Trung Quốc đã và đang tích cực đầu tư xây dựng hạ tầng xuyên biên giới giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.

Trước khi có BRI, việc xây dựng kết cấu hạ tầng của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu kết cấu hạ tầng nội địa. Trong những năm 1980 và 1990, Trung Quốc chú trọng các dự án cơ sở hạ tầng như xây dựng cảng, đường bộ, đường sắt, khu công nghiệp, lưới điện và cung cấp năng lượng cần thiết để thúc đẩy đô thị hóa và các mô hình kinh tế hướng vào xuất khẩu ở khu vực ven biển phía Đông.

Từ năm 2001, do sự tăng trưởng nhanh chóng và phát triển toàn diện của nền kinh tế Trung Quốc, Chính phủ đã theo đuổi “Chiến lược phát triển phía Tây” nhằm liên kết vùng nội địa Trung - Tây với vùng phía Đông. Sau khi thúc đẩy BRI, Trung Quốc đã và đang tích cực tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng xuyên biên giới nối các nước láng giềng với các khu vực nội địa Trung - Tây và Đông Bắc của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch tăng cường thương mại và đầu tư, tăng cường hợp tác hậu cần và công nghiệp, ổn định nguồn cung năng lượng và đa dạng hóa các tuyến đường cung cấp năng lượng thông qua liên kết cơ sở hạ tầng với các nước láng giềng. Các dự án cơ sở hạ tầng lớn của BRI đang được thực hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như mạng lưới giao thông đường sắt và đường cao tốc, mạng lưới truyền tải năng lượng, đập thủy điện, mạng lưới điện, cảng, khu liên hợp công nghiệp và các thành phố mới dọc theo sáu hành lang kinh tế BRI. Các dự án tiêu biểu về cơ sở hạ tầng xuyên biên giới bao gồm đường ống dẫn dầu và đường sắt cao tốc Trung Quốc - Pakítxtan, đường ống dẫn dầu khí và đường sắt cao tốc Trung Quốc - Myanma, khu công nghiệp và cảng Kyauk Phyu của Myanma, cảng Hambanthota của Sri Lanka và Trung Quốc, đường sắt cao tốc Liên Á Xinhgapo.

Bên cạnh phát triển cơ sở hạ tầng, Trung Quốc quan tâm phát triển các dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới: các dịch vụ hỗ trợ thanh toán, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, lập kho ngoại quan logistics tại các tỉnh biên giới Trung - Nga; tổ chức các hội chợ thương mại biên giới thường niên và xây dựng quan hệ thanh toán xuyên biên giới giữa các ngân hàng.

Về chính sách phát triển thương mại biên giới

Trung Quốc chưa có một hệ thống chính sách thương mại biên giới hoàn chỉnh mà dựa vào những quy định pháp luật hiện hành trong quản lý thương mại nói chung. Theo đó, có hai dạng chính sách gồm quản lý ở cấp quốc gia và quản lý ở cấp địa phương nhằm hướng tới mục tiêu phân cấp quản lý về địa phương.

Thực tế, Trung Quốc đã nhiều lần đàm phán với Nga nhằm giảm bớt hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong trao đổi hàng hóa qua biên giới. Để thúc đẩy phát triển thương mại biên giới với Nga, Chính phủ Trung Quốc chú trọng định hướng cải thiện cơ cấu sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nga, tăng xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao, tăng kim ngạch của thương mại kỹ thuật và thương mại dịch vụ.

Với Mông Cổ, Trung Quốc thực hiện phát triển kinh tế cùng với chiến lược “Vành đai và con đường” và chương trình đẩy mạnh mở cửa, xây dựng hệ thống chính sách hợp tác kinh tế lâu dài. Trong những năm qua, khai thác tài nguyên thiên nhiên là lĩnh vực hợp tác kinh tế quan trọng giữa hai nước và được coi là điểm sáng trong thương mại biên giới Trung Quốc - Mông Cổ.

Trước đây, Trung Quốc áp dụng chính sách quản lý thương mại chung cho các hoạt động thương mại biên giới với Triều Tiên. Trên thực tế, chính sách này đã nảy sinh nhiều bất cập, khiến hoạt động thương mại biên giới gặp nhiều khó khăn.

2. Khuyến nghị đối với Việt Nam trong hợp tác, phát triển kinh tế vùng biên giới

Thứ nhất, các chính sách và chương trình hợp tác vùng biên giới cần có sự điều chỉnh hợp lý qua từng thời kỳ, phù hợp với mục tiêu hợp tác và thực tiễn thương mại biên giới giữa các quốc gia có tính tới bối cảnh trong nước và quốc tế. Bởi phát triển thương mại biên giới không chỉ là hoạt động riêng lẻ mà gắn liền với vấn đề quốc phòng, an ninh, cũng như chiến lược phát triển của các quốc gia trong vùng và khu vực, cũng như trong quan hệ đối ngoại với các quốc gia láng giềng.

Thứ hai, cần xác định hợp tác kinh tế biên giới là một cấu phần quan trọng trong chính sách phát triển biên giới quốc gia. Tùy thuộc vào mức độ quan hệ và đàm phán giữa các quốc gia, Việt Nam cần chủ động lựa chọn và quyết định mức độ hợp tác trong phát triển kinh tế biên giới. Đối với phát triển kinh tế biên giới, hợp tác giữa các quốc gia có thể là những thỏa thuận về tạo thuận lợi thương mại biên giới, hợp tác xây dựng hạ tầng giao thông kết nối, hợp tác quản lý xuất nhập cảnh của người lao động, hợp tác quản lý trong các khu kinh tế đặc biệt hay hợp tác để cùng giải quyết các vấn đề biên giới như di cư, lao động, thương mại bất hợp pháp qua biên giới...

Thứ ba, phát triển kinh tế khu vực biên giới, chủ trương chung của các quốc gia là xây dựng và phát triển các mô hình đặc khu kinh tế tại khu vực biên giới với những cơ chế, chính sách riêng, đặc thù, với nhiều ưu đãi để thu hút các dự án đầu tư nước ngoài vào khu vực này, từ đó tạo việc làm, thu nhập cho người dân, thúc đẩy khu vực biên giới phát triển. Ở mức độ cao hơn, như thực tế tại Trung Quốc, Chính phủ thành lập và phát triển các CBCEZs đặt tại địa phận của cả hai quốc gia với những cơ chế, chính sách riêng. Việt Nam cần chủ động và tích cực triển khai các CBCEZs trong tương lai gần để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt trong hoạt động xuất khẩu các sản phẩm nông sản từ nội địa.

Vai trò quan trọng của các đặc khu kinh tế cần được quan tâm vì đó là khu vực để thử nghiệm các cơ chế, chính sách mới; nhất là những cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu thành công, có thể nhân rộng ra cả nước. Đây là cách mà Trung Quốc đã triển khai khi cần thử nghiệm một chính sách, cơ chế đặc thù nào đó chỉ trong phạm vi CBCEZs. Do đó, cần có những nghiên cứu sâu hơn về kinh nghiệm CBCEZs của Trung Quốc.

Thứ tư, Trung Quốc là quốc gia có nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng xuyên quốc gia kết nối các khu kinh tế đặc biệt của Trung quốc với các hành lang kinh tế khu vực và quốc tế. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, cần chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng ở khu vực biên giới nói chung, trong các khu kinh tế đặc biệt nói riêng và coi đây là điều kiện tiên quyết để phát triển khu vực biên giới.

Vùng biên giới Việt Nam với Trung Quốc không chỉ là “phên dậu” phía Bắc của Tổ quốc gắn với lịch sử phát triển của nhiều dân tộc thiểu số, còn là khu vực giao thương chiến lược quan trọng để phát triển đất nước. Nghiên cứu phát triển kinh tế vùng biên giới và khảo cứu các mô hình phát triển (FEZs và CBECZs...) vùng biên giới và xuyên biên giới của Trung Quốc có giá trị tham khảo cho Việt Nam trong thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biên giới.

__________________

(1) Sang Baek Hyun: China’s BRI and Cross-Border Economic Cooperation: Status and Implications for Korea, KIEP Opinions, https://think-asia.org/

bitstream/handle/11540/9409/KIEPopinions_no148.pdf?sequence=1, truy cập ngày 28-11-2018.

TS ĐẬU TUẤN NAM

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền