Trang chủ    Quốc tế    Tác động từ chính sách của Mỹ đối với an ninh Đông Nam Á
Thứ bảy, 13 Tháng 8 2022 09:40
4969 Lượt xem

Tác động từ chính sách của Mỹ đối với an ninh Đông Nam Á

(LLCT) - Đông Nam Á là khu vực có địa kinh tế - chính trị đặc biệt, kết nối các châu lục và các quốc gia trên thế giới. Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp, khó lường trong cạnh tranh nước lớn - yếu tố cơ bản trong môi trường an ninh khu vực, trong đó có vai trò của Mỹ đối với an ninh của các quốc gia Đông Nam Á. Bài viết phân tích ảnh hưởng từ chính sách, chiến lược của Mỹ đến an ninh khu vực Đông Nam Á và đề xuất một số kiến nghị nhằm duy trì sự ổn định, thịnh vượng của các quốc gia trong khu vực.

Vùng biển ngoài khơi Philippin - Ảnh: AFP/TTXVN

1. Về giá trị, lợi ích chiến lược của Đông Nam Á đối với Mỹ

Là khu vực có địa kinh tế - chính trị đặc biệt, Đông Nam Á là “điểm hội tụ” chiến lược của tất cả các nước lớn trên thế giới. Các chính sách chiến lược của các cường quốc đang tập trung ở Đông Nam Á, nổi bật có Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPS) của Mỹ. Điều đó cho thấy mức độ quan tâm của Mỹ đối với Đông Nam Á luôn được điều chỉnh, phù hợp với mục tiêu, lợi ích của Mỹ ở từng thời kỳ.

Về vị trí địa lý, Đông Nam Á bảo đảm lưu thông hàng hải qua Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, là khu vực kết nối trọng yếu của Chiến lược IPS và là “đấu trường” cạnh tranh ảnh hưởng của Mỹ đến khu vực so với Trung Quốc. Theo đó, để duy trì ảnh hưởng tại “sân chơi” Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và bảo đảm lợi ích toàn cầu, Mỹ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến tuyến hành lang đường biển kết nối Đông và Bắc Phi qua Tây Á (eo biển Hormuz do Iran kiểm soát), Nam Á, Đông Nam Á (quan trọng nhất là eo biển Malacca), vòng lên Đông Bắc Á. Hành lang đường biển và sự ổn định, môi trường an ninh tuyến đường biển này có tính sống còn không chỉ với Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc mà còn là con đường tự do lưu thông hàng hóa, đi lại trên biển, hội nhập quốc tế... của hầu hết các nước trên thế giới.

Về chính trị, an ninh, Đông Nam Á là khu vực có khả năng duy trì các quan hệ đồng minh - quân sự, đối tác chiến lược của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, Đông Ấn Độ Dương nên luôn đóng vai trò quan trọng trong các chiến lược an ninh của Mỹ, nhất là Chiến lược IPS. Khu vực Đông Nam Á với biển Andaman thông ra Ấn Độ Dương và Biển Đông thông ra Thái Bình Dương, có thể tạo thế án ngữ, chốt chặn quan trọng, kiểm soát hiệu quả đối với hoạt động ra, vào lục địa châu Á. Với vị thế siêu cường số 1 “đang tại vị” cùng sự hiện diện thường trực của các hạm đội hải quân Mỹ, nhất là Hạm đội Thái Bình Dương và các liên minh chính trị - quân sự ở khu vực, tạo ra chỗ đứng, vai trò không thể thiếu của Mỹ đối với môi trường an ninh Đông Nam Á, rộng hơn nữa là trong toàn bộ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nếu khu vực Đông Nam Á - một mắt xích quan trọng trong tổng thể chiến lược “xoay trục”, trở lại châu Á của Mỹ bị chi phối, kiểm soát bởi bất cứ quốc gia nào khác, vị thế siêu cường số 1 “đang tại vị” chắc chắn bị thách thức và đe dọa.

Về lợi ích kinh tế, Đông Nam Á - khu vực giàu tài nguyên, năng lượng, tiềm năng kinh tế, thị trường đa dạng với hơn 670 triệu dân sẽ là nơi đầu tư,

hợp tác lý tưởng cho các doanh nghiệp Mỹ. Đông Nam Á có tầm quan trọng hàng đầu trong kết nối, mở rộng thương mại biển quốc tế và thực hiện cam kết xây dựng mối quan hệ nhằm hướng tới bảo đảm an ninh, sự thịnh vượng chung ở khu vực. Vì vậy, Đông Nam Á là điểm trọng yếu ở châu Á - Thái Bình Dương mà Mỹ muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, từ thương mại, kinh tế, cơ sở hạ tầng khu vực cho đến ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, như dịch bệnh và biến đổi khí hậu(1).   Giới nghiên cứu quốc tế cho rằng, Mỹ ngày càng coi trọng và đặt các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) ở vị trí ưu tiên hơn trong chính sách đối ngoại. Điều này làm tăng vị thế, vai trò của ASEAN như một chủ thể có ảnh hưởng trong kiến tạo cấu trúc an ninh và định hình trật tự khu vực, giữ vai trò trung gian, hòa giải trong “cuộc chơi” của các nước lớn, nhất là Mỹ. Nếu các nước thành viên ASEAN thận trọng, khéo léo, biết tận dụng các điều kiện xây dựng điểm cân bằng trong cạnh tranh chiến lược nước lớn sẽ góp phần quan trọng giúp tăng cường xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực.

2. Triển khai các chiến lược và tập hợp lực lượng

Về chiến lược, là khu vực chiến lược cả về địa chính trị và địa kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương, Đông Nam Á có vị trí quan trọng trong các chiến lược nhằm duy trì ảnh hưởng, lợi ích của Mỹ tại khu vực. Bởi vậy, Đông Nam Á luôn được đặt ở vị trí ưu tiên hàng đầu trong tổng thể chiến lược “xoay trục”, trở lại châu Á của Mỹ. Mặc dù có sự trở lại mạnh mẽ, nhưng trong thời gian ngắn, ảnh hưởng của Mỹ vẫn bị đánh giá có mặt thua kém Trung Quốc tại khu vực, đặc biệt là ở Tiểu vùng Mê Kông. Hiện nay, Mỹ tiếp tục triển khai IPS một cách toàn diện, trọng tâm là thúc đẩy quan hệ với các nước Đông Nam Á; khẳng định lại sự coi trọng và cam kết của Mỹ đối với Đông Nam Á trong tổng thể Chiến lược IPS. Trong “Hướng dẫn Chiến lược An ninh quốc gia tạm thời” của Mỹ ngày 3-3-2021: “Mỹ sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Ấn Độ, hợp tác với Niu Dilân, Xinhgapo, Việt Nam và những nước thành viên khác trong hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á/ASEAN để thúc đẩy các mục tiêu chung”(2). Cùng các chuyến thăm cấp cao đến khu vực, Mỹ thể hiện quyết tâm theo đuổi Chiến lược IPS, nhằm cạnh tranh với Trung Quốc và duy trì ổn định, trật tự dựa trên luật lệ, gắn bó lâu dài với khu vực này vì mục tiêu an ninh và thịnh vượng chung(3). Trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày 11-02-2022, Mỹ nhấn mạnh sẽ “mở rộng có ý nghĩa” sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở Đông Nam Á. Đồng thời khẳng định, sẽ đóng góp cho một ASEAN ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ và thống nhất(4).

Về tập hợp lực lượng, bên cạnh Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Thái Lan và Philippin là những thành tố chủ chốt trong tập hợp lực lượng do Mỹ dẫn dắt theo cấu trúc “Trục và Nan hoa”. Với mục tiêu duy trì địa vị thống trị thế giới, Mỹ đã chú trọng củng cố các hiệp ước an ninh từ thời Chiến tranh Lạnh, thắt chặt quan hệ với các đồng minh chủ chốt; mở rộng, tăng cường hợp tác với nhiều đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhất là Đông Nam Á (với Inđônêxia, Xinhgapo, Malaixia và Việt Nam); tiếp tục củng cố, bố trí lại lực lượng và các hoạt động quân sự ở khu vực; tích cực tham gia, thúc đẩy hợp tác an ninh trong một số diễn đàn, cơ chế, như APEC, ASEM... Những tầng nấc trong mạng lưới các đồng minh và đối tác này hướng tới bảo đảm tối đa các giá trị, lợi ích, lợi thế chiến lược của Mỹ ở khu vực. Bên cạnh đó, Mỹ không “phân tuyến” cứng nhắc mà chủ động tìm kiếm, xây dựng quan hệ với các đối tác mới, lôi kéo tham gia vào tập hợp lực lượng do Mỹ dẫn dắt và chi phối có tính đối trọng cao như “Bộ Tứ”, Liên minh quân sự ba bên AUKUS, Sáng kiến SALPIE... nhằm gia tăng hiện diện quân sự, phối hợp với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông; đồng thời, củng cố sức cạnh tranh chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á.

Một số động thái thể hiện rõ sự triển khai chiến lược của Mỹ ở Đông Nam Á:

(i) Ở Biển Đông, Mỹ duy trì và thực hiện quan điểm “không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông” nhưng bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, ủng hộ Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 và đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Tuy nhiên, tại nhiều diễn đàn đa phương, Mỹ chỉ trích Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế, có hành động chèn ép tại Biển Đông. Đáng chú ý, ngày 13-01-2022, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo số 150 về các ranh giới biển, trong đó bác bỏ cơ sở địa lý và lịch sử trong các tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông; kêu gọi Trung Quốc tuân thủ UNCLOS 1982, phán quyết của PCA năm 2016, chấm dứt các hoạt động trái pháp luật và cưỡng ép ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, Mỹ tăng cường triển khai các hoạt động hiện diện quân sự, thể hiện sức mạnh răn đe, làm tăng nhiệt các điểm nóng ở Đông Nam Á, rộng hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ đã thực hiện các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) và phối hợp với các đồng minh (Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ôxtrâylia...) thực hiện các hoạt động tuần tra, tập trận có quy mô lớn nhỏ trên Biển Đông để cạnh tranh trực diện với Trung Quốc. Đáng chú ý, chuyến FONOP ngày 12-7-2021 đúng vào dịp kỷ niệm 05 năm Tòa Trọng tài thường trực ra phán quyết về vấn đề Biển Đông (năm 2016); chuyến FONOP ngày 08-9-2021 tàu Hải quân Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý Đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa sau khi Luật An toàn giao thông hàng hải (sửa đổi) của Trung Quốc có hiệu lực. Mỹ cũng triển khai thêm tàu chiến, tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung... tại khu vực; đẩy mạnh tái bố trí lực lượng, thiết lập căn cứu quân sự mới ở Đông Nam Á. Hiện tại, chỉ riêng Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (USINDOPACOM) đã trang bị hơn 2.000 máy bay, 200 tàu chiến với hơn 370.000 quân; triển khai đông nhất ở Nhật Bản, Hàn Quốc và quy mô nhỏ hơn ở Xinhgapo, Philippin và Oxtrâylia.

(ii) Ở Tiểu vùng Mê Kông, Mỹ tăng cường sự hiện diện, tập trung thúc đẩy triển khai cơ chế Quan hệ đối tác Mê Kông - Mỹ (MUSP), đầu tư nguồn lực đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, giải quyết các vấn đề môi trường xuyên biên giới vốn đã nhạy cảm, chứa đựng mâu thuẫn giữa Trung Quốc và các nước hạ nguồn sông Mê Kông. MUSP đề cao những giá trị minh bạch, cạnh tranh tự do và bình đẳng, góp phần hạn chế những thách thức, thúc đẩy sự ổn định, phát triển bền vững và đem lại sự thịnh vượng cho khu vực(5). Cạnh tranh giữa Mỹ - Trung Quốc tại Tiểu vùng Mê Kông tuy chưa căng thẳng và khốc liệt như tại Biển Đông, song với sự “phản tỉnh” chiến lược của Mỹ cùng với sự trở lại khu vực của siêu cường số 1 “đang tại vị” sẽ khiến Tiểu vùng Mê Kông nhiều khả năng trở thành điểm nóng về an ninh ở Đông Nam Á.

(iii) Cuộc khủng hoảng chính trị tại Mianma, sau chính biến ngày 01-02-2021, Mỹ liên tục sử dụng sức ép về ngoại giao, biện pháp trừng phạt lên chính quyền quân sự Mianma. Về ngoại giao, Mỹ kêu gọi Trung Quốc đóng vai trò “xây dựng” trong việc giải quyết tình trạng bạo lực đang gia tăng tại Mianma(6). Các tập đoàn truyền thông quốc tế ở Mỹ và phương Tây liên tục đưa tin, lên án mạnh mẽ hành động “đảo chính” của lực lượng quân đội và cổ súy cho phong trào biểu tình tại Mianma; Facebook tiến hành đóng các tài khoản liên quan đến quân đội nước này. Về các biện pháp trừng phạt kinh tế, Mỹ đình chỉ Thỏa thuận khung về Thương mại và Đầu tư giữa Mỹ và Mianma; đưa hai tập đoàn kinh tế của Mianma do quân đội sở hữu là MEC và MEHL vào danh sách đen và đóng băng tài sản tại Mỹ. Phản ứng chính sách của Mỹ đối với khủng hoảng chính trị tại Mianma nhận được sự thống nhất, đồng thuận lưỡng đảng, của các đồng minh phương Tây như Anh, Oxtrâylia, EU và Canađa. Ngày 24-9-2021, trong Tuyên bố chung sau Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Bộ Tứ (Quad) trực tiếp lần đầu tiên(7), Mỹ và đồng minh kêu gọi chấm dứt bạo lực, thả các tù nhân chính trị, sớm khôi phục nền dân chủ, triển khai ngay Tuyên bố Đồng thuận 5 điểm của ASEAN. Điều này một mặt thể hiện sự coi trọng vai trò của ASEAN, mặt khác cũng tạo ra sức ép không nhỏ đối với ASEAN trong xử lý cuộc khủng hoảng chính trị này.

3. Tác động từ chính sách của Mỹ đến an ninh Đông Nam Á và khuyến nghị

Tác động từ chính sách của Mỹ đến an ninh Đông Nam Á

Theo chiều thuận: Giới nghiên cứu quốc tế cho rằng, Mỹ ngày càng coi trọng và đặt các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) ở vị trí ưu tiên hơn trong chính sách đối ngoại. Điều này làm tăng vị thế, vai trò của ASEAN như một chủ thể có ảnh hưởng trong kiến tạo cấu trúc an ninh và định hình trật tự khu vực, giữ vai trò trung gian, hòa giải trong “cuộc chơi” của các nước lớn, nhất là Mỹ. Nếu các nước thành viên ASEAN thận trọng, khéo léo, biết tận dụng các điều kiện xây dựng điểm cân bằng trong cạnh tranh chiến lược nước lớn sẽ góp phần quan trọng giúp tăng cường xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực. Hơn nữa, các quốc gia Đông Nam Á sẽ có nhiều thuận lợi để mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực với Mỹ, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, thúc đẩy liên kết, hội nhập quốc tế và duy trì an ninh khu vực. Với sự hiện diện ngày càng “thường xuyên” của Mỹ ở khu vực, các nước Đông Nam Á sẽ có cơ hội đến gần hơn với trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu, đón làn sóng đầu tư trực tiếp, dịch chuyển công nghệ, sản xuất ở khu vực, nhất là trong sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử, năng lượng và công nghệ...

Theo chiều nghịch: (i) Với hướng ưu tiên chính sách của các nước lớn, nhất là Mỹ, các nước Đông Nam Á đối mặt với sức ép “chọn bên” ngày càng gay gắt; (ii) Sự phân nhóm, chia rẽ nội bộ biểu hiện ở những hoạt động gây sức ép, gây mất đoàn kết giữa các nước ASEAN ngày càng gia tăng theo các hình thức, cường độ cạnh tranh chiến lược nước lớn ở Đông Nam Á; (iii) Sự suy giảm vai trò “trung tâm” trong cấu trúc an ninh đang định hình trở nên rõ nét hơn. Đặc biệt, sự suy giảm vai trò “trung tâm” của ASEAN có thể diễn ra nhanh chóng trước tổng thể chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay, bởi so với các cơ chế của Mỹ và các đồng minh, đối tác chủ chốt (đơn cử như Bộ Tứ hay như AUKUS) thì ASEAN ở thứ tự ưu tiên thấp hơn.

Một số khuyến nghị

Để góp phần giảm thiểu các xung đột lợi ích và các tác động theo chiều nghịch, tăng cường các tác động theo chiều thuận của nhân tố chính đối với môi trường an ninh Đông Nam Á, như Mỹ nhằm tạo dựng không gian hợp tác, duy trì sự ổn định tương đối, vì sự thịnh vượng chung ở khu vực, thời gian tới, các thành viên ASEAN cần tập trung vào nội dung sau:

Một là, cùng với việc kiên trì thúc đẩy triển khai Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ASEAN, các nước Đông Nam Á củng cố những giá trị đoàn kết, thống nhất nhằm bảo đảm vai trò “trung tâm” của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực đang định hình. Tích cực trao đổi để đi đến nhận thức chung giữa các nước thành viên, tận dụng hiệu quả vai trò “trung tâm” ngày càng rõ của Khối, củng cố những giá trị đoàn kết, thống nhất, tăng cường tiếng nói trong đời sống chính trị - an ninh khu vực, quốc tế, hướng tới sự bình đẳng, công bằng, từ đó bảo đảm điều kiện cho sự ổn định, an ninh, thịnh vượng ở Đông Nam Á, rộng hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng bền vững. Bên cạnh đó, vai trò “trung tâm” của ASEAN sẽ là tiền đề để mỗi nước thành viên gia tăng vai trò và vị thế chiến lược của mình trên trường quốc tế. Hơn nữa, phải xác định, tuy ASEAN còn một số vấn đề hạn chế, nhưng là “chiếc ô” an ninh cuối cùng, “chốt chặn” cho bảo đảm môi trường an ninh khu vực. Trong tiến trình đó, cần phát huy vai trò và sự đóng góp các nguồn lực của Mỹ để ASEAN ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ và thống nhất.

Hai là, chủ động tác động theo các kênh phù hợp để Mỹ và các nước phương Tây hiểu hơn về đặc điểm đời sống chính trị, xã hội, nhu cầu phát triển hiện nay của mỗi nước ở khu vực; về quan hệ, sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở mỗi nước Đông Nam Á. Trên cơ sở đó, có những đánh giá, hoạch định, điều chỉnh chính sách phù hợp, không để cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trở thành yếu tố cơ bản ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường an ninh Đông Nam Á hay tạo ra “điểm nghẽn” trong việc triển khai các chiến lược nước lớn, như Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới mà Mỹ mới công bố vào ngày 11-02-2022 và hình thành, gia tăng “khoảng trống quyền lực” làm mất cân bằng cán cân chiến lược Mỹ - Trung tại khu vực.

Ba là, tích cực, chủ động thể hiện quan điểm, liên kết hoạt động với Mỹ vì sự ổn định, an ninh và hòa bình ở khu vực, nhất là vấn đề Biển Đông. Tập trung vào việc nâng cao năng lực bảo đảm an ninh hàng hải, năng lực chấp pháp trên biển, bảo đảm an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường biển. Ưu tiên thúc đẩy, kết nối các dự án xây dựng hạ tầng và cảng biển nước sâu theo hành lang kinh tế Đông - Tây dựa trên nền tảng của Chiến lược IPS của Mỹ và hợp tác kinh tế với các đối tác khác. Thúc đẩy các sáng kiến của Mỹ trong kết nối các nước “Bộ Tứ”, “Bộ Tứ mở rộng” và các đối tác khác trong các tập hợp lực lượng mới của Mỹ. Đồng thời, cần chủ động phương án ứng phó để bảo đảm “tự chủ” chiến lược trước sức ép “chọn bên” trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gia tăng.

__________________

Ngày nhận bài: 17-2-2022; Ngày bình duyệt: 21-2-2022; Ngày duyệt đăng: 15-7-2022.

 

(1) Phương Oanh: Mỹ khẳng định lợi ích địa chiến lược tại “trái tim châu Á”, https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/my-khang-dinh-loi-ich-dia-chien-luoc-tai-trai-tim-chau-a-20210826175743499.htm

(2) Thanh Tuấn: Mỹ công bố Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời, https://baotintuc.vn/the-gioi/my-cong-bo-huong-dan-chien-luoc-an-ninh-quoc-gia-2021034112110495.htm.

(3) Lê Ngọc: Bà Harris: Chuyến thăm báo hiệu khởi đầu chương mới quan hệ Việt - Mỹ, Vnexpress, 2021, https://vnexpress.net/ba-harris-chuyen-tham-bao-hieu-khoi-dau-chuong-moi-quan-he-viet-mỹ-4346694.html.

(4) Xem thêm: Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, https://vn.usembassy.gov/vi/trang-thong-tin-chien-luoc-an-do-duong-thai-binh-duong-cua-hoa-ky/.

(5) Bùi Thanh Tuấn: Quan hệ Đối tác Mê Công - Mỹ: nền tảng và hướng phát triển đối với Tiểu vùng sông Mê Công, Tạp chí Cộng sản, số 960 (2-2021), tr.104.

(6) Phát biểu của Ned Price, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 04-3-2021.

(7) Hội nghị diễn ra tại Washington D.C (Mỹ), với sự tham gia của lãnh đạo các nước Nhóm Bộ Tứ gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Thủ tướng Ôxtrâylia Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Thiếu tướng, TS ĐÀO NGỌC DINH

Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an - Bộ Công an

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền