Trang chủ    Quốc tế    Quan điểm của Đảng Cộng sản Pháp về chủ nghĩa xã hội
Thứ ba, 21 Tháng 2 2023 10:25
1553 Lượt xem

Quan điểm của Đảng Cộng sản Pháp về chủ nghĩa xã hội

(LLCT) - Trong bối cảnh thế giới đang biến động mạnh mẽ, mỗi quốc gia đều đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen, Đảng Cộng sản Pháp đã đề ra những quan điểm về xây dựng chủ nghĩa xã hội kiểu Pháp, xác định các chủ thể lực lượng chính cho quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Pháp và phương pháp thực hiện các quan điểm đó. Bài viết góp phần làm rõ những vấn đề nêu trên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đồng chí Fabien Roussel, Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp, tháng 11-2021 - Ảnh: vnanet.vn

1. Hệ thống quan điểm của Đảng Cộng sản Pháp về chủ nghĩa xã hội

Thứ nhất, quan điểm phê phán những mặt trái của chủ nghĩa tư bản và thị trường tự do tuyệt đối

Đảng Cộng sản Pháp luôn kiên định quan điểm và vai trò đấu tranh vì quyền lợi của các giai tầng lao động, bảo vệ các quyền tự do dân chủ và thể hiện trách nhiệm của mình trên trường quốc tế, nhất là đối với 26 nước châu Phi đã từng là thuộc địa của thực dân Pháp. Dựa trên những đường hướng căn bản này, Đảng Cộng sản Pháp đã sát cánh cùng các đảng cánh tả để đấu tranh chống lại sự bất công, bất bình đẳng xã hội. Từ giữa những năm 1960 cho đến nay, Đảng Cộng sản Pháp luôn giữ quan điểm “tương kế tựu kế trong một xã hội đa đảng”, nghĩa là việc xây dựng CNXH không nhất thiết dựa vào một đảng duy nhất.

Việc phân tích chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước chính là một hoạt động làm mới tư tưởng của C. Mác về sự tiến triển của chủ nghĩa tư bản và xã hội Pháp: Trong nước Pháp tư bản, Đảng Cộng sản Pháp có thể tìm thấy cho mình con đường tiến lên CNXH theo kiểu Pháp. Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Pháp lần thứ 22 (năm 1976) đã từ bỏ khái niệm độc quyền của giai cấp vô sản và đã đề xuất quan điểm xây dựng một mô hình CNXH duy nhất. Tại Đại hội lần thứ 23 (năm 1979), mô hình CNXH của Pháp được xác định gắn bó chặt chẽ với nền dân chủ, hay đúng hơn, xuất phát từ nền tảng dân chủ để xây dựng CNXH(1).

Hiện nay, Đảng Cộng sản Pháp đã có quan điểm phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa tư bản tự do tuyệt đối với những đặc trưng bất lợi cho các giai tầng lao động và cho toàn xã hội:

(1) Chủ nghĩa tư bản gắn bó mật thiết với các nền công nghiệp, đã trở thành công cụ tàn phá môi trường và làm cạn kiệt tài nguyên do thúc đẩy một xã hội tiêu dùng không có điểm dừng. Khai thác tư bản đã tạo ra tác động tàn khốc đối với môi trường, trong đó rõ nhất là làm biến đổi khí hậu. Việc khai thác một cách mù quáng các nguồn lực tự nhiên không thể kéo dài mãi.

(2) Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra chủ nghĩa cá nhân theo nghĩa đúng nhất của nó là chủ nghĩa vị kỷ hay chủ nghĩa vị lợi, tức là làm cho mỗi cá nhân có xu hướng đặt quyền lợi của bản thân mình lên trên hết và trước hết. Ý tưởng của chủ nghĩa tư bản là mỗi người đều phải kiếm tiền bằng mọi giá để có thể tiêu dùng tất cả sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ mà họ mong muốn. Điều này đã hấp dẫn với một giai tầng nhỏ sống trên tháp nhu cầu của xã hội, trong khi đó là nỗi khiếp đảm đối với tất cả các giai tầng chỉ nghĩ đến việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản.

Khẳng định rằng, nước Pháp ngày nay đang đứng trước một cuộc khủng hoảng tư bản, Đảng Cộng sản Pháp cho rằng con đường đi lên CNXH chính là tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Con đường này không có gì khác với việc tìm cách giải quyết những khó khăn của người lao động. Nói cách khác, chủ nghĩa cá nhân (chủ nghĩa vị kỷ) không hề quan tâm đến tính tập thể và tính cộng đồng. Quan điểm phát triển chủ nghĩa vị kỷ tất nhiên dẫn đến sự xung đột với tư tưởng kiểm soát xã hội đòi hỏi phải có sự hợp tác, sự đồng thuận và sự đoàn kết giữa các công dân.

(3) Chủ nghĩa tư bản gây ra những bất công về kinh tế: nếu như nó cho phép việc huy động các giai tầng xã hội, thì những giai tầng nào sinh ra đã nghèo đói, hèn yếu sẽ có rất ít cơ hội phát triển so với các giai tầng giàu có hoặc trung lưu. Chính điều này làm cho các giai tầng xã hội rất khó tiến triển. Những ai có sức mua lớn thì tiếp cận được nhiều sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ chất lượng hơn, có được nhiều cơ hội tiếp cận những công việc được trả lương cao hơn,... Tất cả những điều này tạo nên “vòng đời” của từng giai tầng và ngày càng tạo ra hố ngăn cách giữa giai tầng nghèo và giai tầng khá giả, giàu có. Đối với giai tầng nghèo, họ sống và lao động trong một vòng tròn đói nghèo, luẩn quẩn.

(4) Chủ nghĩa tư bản công nghiệp gây ra chủ nghĩa tiêu dùng không giới hạn nên nó cần những tập hợp người tiêu dùng luôn luôn tìm cách mua sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ nhằm duy trì cỗ máy sản xuất. Như vậy, nó đang tạo ra một xã hội tiêu dùng vô trách nhiệm với môi trường và với các thế hệ tương lai. Một xã hội mà ở đó, mọi người tìm cách tiêu dùng nhiều hơn những gì họ cần, nhất là tiêu dùng những sản phẩm hoặc hàng hóa kém chất lượng, tuổi thọ ngắn, không những làm cho những người tiêu dùng ấy ngày càng nghèo đi mà còn hằng ngày, hằng giờ thải ra môi trường lượng lớn chất thải.

Thứ hai, quan điểm kiến tạo một mô hình tăng trưởng mới

Quan điểm kiến tạo một mô hình tăng trưởng nhân bản và nhân văn của Đảng Cộng sản Pháp thể hiện ở việc phản đối chủ nghĩa tư bản sản xuất mù quáng, bởi chủ nghĩa tư bản chỉ mang lại lợi nhuận ngắn hạn, trước mắt. Vì vậy, xây dựng CNXH kiểu Pháp chính là thay thế mô hình tăng trưởng bất công đó bằng những tiêu chuẩn và tiêu chí mới mang tính phức hợp hơn nhưng hiệu quả hơn. Lợi tức xã hội và lợi ích quốc gia được đặt lên trên hết và trước hết. Chủ nghĩa tư bản đã và đang tạo ra nạn thất nghiệp, nhất là khi người lao động đến một độ tuổi nào đó thì bị sa thải; CNXH thực sự ưu tiên tạo dựng việc làm toàn thời gian trong chiến lược kinh tế của mình, tính toán đúng, đủ và kịp thời nhằm làm cho việc làm toàn thời gian trở thành mục tiêu quyết định. Điều này dẫn đến việc lựa chọn công nghệ tạo dựng việc làm chứ không phải công nghệ loại bỏ việc làm. CNXH kiểu Pháp là quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu thiết thực, tiến bộ xã hội và tiêu dùng thông minh, chứ không tạo ra việc tiêu dùng thái quá, “thừa thãi và lãng phí”.

CNXH kiểu Pháp thúc đẩy nỗ lực nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu phát triển, gắn bó chặt chẽ, sống động giữa khoa học và sản xuất, tiêu dùng. Sự tăng trưởng nhân bản và nhân văn của nền kinh tế XHCN chính là tái quy hoạch lãnh thổ quốc gia bằng cách xem xét mọi cơ hội mới cho giao thông vì sự độc lập tương đối giữa các đơn vị sản xuất bằng cách tính toán chính xác các nguồn nguyên liệu và nguồn năng lượng. Tạo dựng sự tăng trưởng nhân bản và nhân văn tức là xem xét khả năng của tự nhiên, không khí, nước, không gian và tất cả những gì đang sinh sống.

Tư tưởng CNXH kiểu Pháp về sở hữu quốc gia (sở hữu nhà nước) và sở hữu tư nhân cũng rất rõ ràng: kinh tế phải được đặt dưới sức mạnh của con người chứ không phải ngược lại; quốc hữu hóa là cần thiết và có vai trò sống còn để đáp ứng một cách hiệu quả các nhu cầu thực sự và thực tại của mọi người dân; CNXH kiểu Pháp là cơ hội và khả năng được trao cho từng người, từng gia đình để sở hữu nhà ở, ô tô, hoặc các sản phẩm, hàng hóa khác.

Bên cạnh khu vực công còn có cả những hình thức sở hữu xã hội khác như hợp tác xã, hiệp hội... Mặc dù nông dân làm nông nghiệp ngày càng giảm về số lượng nhưng sở hữu nông nghiệp của họ có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế và bảo vệ môi trường. Do vậy, tư tưởng XHCN của Đảng Cộng sản Pháp là bảo đảm cho nông dân tiếp cận và sở hữu được đất đai.

Cần chấm dứt quyền lực tuyệt đối của giới chủ bằng sự tham gia của lực lượng sản xuất với tư cách vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của tiến bộ kinh tế. Tư tưởng này giả định rằng cần tạo ra những mối quan hệ lao động và quan hệ xã hội kiểu mới trong lòng các doanh nghiệp. Ở tất cả các cấp độ, cần tạo điều kiện cho lực lượng lao động tiếp cận được các vị trí quản lý, lãnh đạo có trách nhiệm và phát triển theo định hướng “tự quản lý”.

Thứ ba, quan điểm về tự do, dân chủ và chấn hưng văn hóa

Tự do là hồn cốt của nước Pháp từ hơn một nghìn năm nay và là lý tưởng của CNXH kiểu Pháp. Đảng Cộng sản Pháp có quan điểm bảo vệ và phát huy mọi sự tự do, như: tự do tư duy, tự do sáng tạo, tự do ngôn luận, tự do hội họp... vì tự do là nền tảng tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn, công bằng hơn đối với mỗi người và toàn thể xã hội.

Tự do là không khí trong lành mà mỗi người Pháp cần được thụ hưởng: tư tưởng tự do cá nhân trong quá trình xây dựng CNXH kiểu Pháp chính là bảo đảm sự sáng tạo cho từng người, trong đời sống riêng tư, trong sự giao lưu, trao đổi, giao tiếp, đi lại...

Tư tưởng này còn là sự tự do biểu đạt, tự do hội họp, tự do biểu tình, tự do hiệp hội, tự do tín ngưỡng... để làm cho mọi ý kiến được diễn đạt, thảo luận và được va chạm với các ý tưởng mới. Tự do là tạo điều kiện cho mỗi cá nhân và tập thể biểu đạt được sự đòi hỏi, nhu cầu, những đề xuất và phê phán của họ đối với mọi cơ quan và thiết chế.

Sự tự do sáng tạo trong khoa học, văn học và nghệ thuật, sự tự do công bố ấn phẩm cho phép phát triển tư duy và nghiên cứu. Phát huy sự tự do hoạt động công đoàn, kể cả quyền đình công và tự do kinh doanh. Bảo đảm cho mọi người có quyền tự do tiếp cận việc làm trong lĩnh vực công và bảo đảm các quyền cơ bản trong đó. Cùng với đó, sự tự do chính trị cho phép mỗi công dân tự chủ, tham gia, thực hiện và kiểm soát mọi lĩnh vực của đời sống (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường...). Sự tự do này còn được bảo đảm qua bầu cử dân chủ theo nguyện vọng của nhân dân. Đảng Cộng sản Pháp chủ trương xây dựng hệ thống bầu cử theo tỷ lệ đại diện.

Sự tự do của các địa phương cấp tỉnh và cấp vùng cho phép thực hiện quá trình phi tập trung hóa bằng cách tạo dựng quyền lực ở từng cấp bậc, nhất là cấp gần dân nhất (xã/phường). Sự tự do được quan niệm bởi Đảng Cộng sản Pháp tương ứng với mọi quyền lợi của quốc gia (dân tộc) chống lại giai tầng thống trị và cho phép mỗi người lao động, mỗi công dân, bất kể giới tính nào được cân nhắc sự lựa chọn của bản thân nhằm hỗ trợ xã hội phát triển.

CNXH kiểu Pháp chủ trương chấn hưng nền văn hóa, bởi lẽ, đây là một điều tất yếu đối với các mục tiêu thay đổi xã hội. Trong sự phục hưng văn hóa ấy, quyền sở hữu văn hóa, tư tưởng và tinh hoa của nhân loại là “mệnh lệnh phải thi hành”. Đó còn là sự quan tâm, tạo điều kiện cho mỗi người có khả năng phát triển và sáng tạo với mọi tiềm năng, năng lực có thể. Tư tưởng dân chủ và “tự quản” giả định rằng mỗi công dân đều có thể đảm nhận tăng dần trách nhiệm của bản thân ở mỗi cấp độ.

Sự chấn hưng văn hóa hoặc chấn hưng con người đồng thời là quá trình chống lại ba sự phân tách sau đây:

(i) Phân tách giữa lao động chân tay và lao động trí óc là một sự phi lý bởi mỗi người là một thể thống nhất không thể tách rời; quan điểm của Đảng Cộng sản Pháp là kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến thức và sản xuất, giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa học và hành;

(ii) Phân tách liên tục xã hội thành các giai cấp chẳng khác nào chủ nghĩa tư bản đang cho phép một nhóm nhỏ trong xã hội được thụ hưởng tiến bộ văn hóa; quan điểm của Đảng Cộng sản Pháp là sự giàu có của quốc gia ngày càng phụ thuộc vào sự thăng hoa văn hóa của toàn thể nhân dân;

(iii) Sự phân tách liên tục mỗi cá nhân thành một ốc đảo bằng cách chia nhỏ đời sống cá nhân thành từng mảng thông qua thời gian lao động ngày càng bị tha hóa và ngược lại thời gian tự do càng bị suy giảm; quan điểm của Đảng Cộng sản Pháp là, quốc gia cần những con người phát triển toàn diện và mỗi người là một chủ thể thống nhất.

Quan điểm chấn hưng văn hóa của Đảng Cộng sản Pháp là sự giải phóng mọi khả năng có thể và mọi khát vọng mới mẻ bằng cách tạo dựng sự đa dạng văn hóa, bảo vệ đặc trưng cá nhân, cộng đồng, xã hội và nền văn hóa. Từ đó, phải tổ chức lao động kiểu mới và đổi mới trường học, bởi lẽ, trường học là nơi cung cấp mọi cơ hội đào tạo, gắn đam mê hiểu biết với sự tôn trọng bản thân, sự tôn trọng người khác, trách nhiệm và sự đoàn kết xã hội.

Quan điểm chấn hưng văn hóa có nghĩa là tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển nhân cách của mỗi người. Như vậy, vấn đề căn cốt nhất là giáo dục ban đầu cho trẻ nhỏ và học sinh các cấp. Chấn hưng văn hóa cũng đồng nghĩa với việc phát triển mọi khía cạnh và thành phần của văn hóa (khoa học, văn học, nghệ thuật, hoạt động thể chất và thể thao).

Chấn hưng văn hóa đồng nghĩa với việc cải thiện căn bản mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với vật chất và giữa con người với môi trường tự nhiên. Quan điểm này chống lại việc chỉ dựa vào vốn tư bản, chống lại sự miệt thị, ngạo mạn, hận thù, bạo lực của kẻ mạnh gây ra đối với kẻ yếu. Ba mối quan hệ cơ bản nêu trên hình thành nên những sự liên kết nhân văn, nhân bản và một xã hội bác ái. Đặc biệt, sự chấn hưng văn hóa quan tâm đến bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ bằng cách làm cho từng người làm chủ được cuộc sống của bản thân.

2. Phương pháp và chủ thể thực hiện đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Pháp

CNXH kiểu Pháp là do lực lượng lao động Pháp tiến hành bằng các con đường dân chủ với những mục tiêu rõ ràng và thể hiện rõ nhất qua con đường bầu cử phổ thông đầu phiếu. Mục tiêu chung là thay đổi xã hội bằng cách loại bỏ sự thống trị trong mọi lĩnh vực của chủ nghĩa tư bản bóc lột. Rõ ràng, Đảng Cộng sản Pháp luôn chủ trương đấu tranh giai cấp và đương đầu với các đối thủ tư bản mà bản thân những đối thủ này cũng luôn tìm cách lừa gạt, đe dọa hoặc chia rẽ khối đại đoàn kết của các lực lượng lao động.

Con đường dân chủ mà Đảng Cộng sản Pháp theo đuổi chính là sự liên hiệp: đứng trước từng vấn đề đặt ra, cần liên hiệp tất cả mọi người có liên quan để xác định mục tiêu và giải pháp phù hợp và trên cơ sở đó tập hợp lực lượng lớn hơn nhằm thực hiện các mục tiêu ngày càng cao hơn.

Con đường liên hiệp không tách rời với con đường đấu tranh vì ý thức xã hội và thực tiễn xã hội, đấu tranh để đạt các quyền mới, để sửa đổi các mối quan hệ giữa các lực lượng chính trị và xã hội, để tập hợp mọi điều kiện giành thắng lợi ở bầu cử. Lộ trình duy nhất để đi đến thắng lợi chính là Đảng Cộng sản Pháp làm hội tụ ba khía cạnh: (i) nhân dân lao động xác định đầy đủ các nhu cầu của mình; (ii) trình độ ý thức xã hội được nâng cao; (iii) sự phát triển các mối quan hệ giữa các lực lượng ngày càng có lợi cho sự thay đổi xã hội.

Liên hiệp các lực lượng xã hội được tiếp cận theo hướng từ dưới lên, nghĩa là bắt đầu từ việc đấu tranh cho quyền lợi của các giai tầng lao động cho đến khi nắm được quyền lãnh đạo đất nước. Tập hợp nhân dân nhằm làm thay đổi xã hội chính là vai trò, chức năng và nhiệm vụ tất yếu của Đảng Cộng sản Pháp nên không thể ủy nhiệm cho bất kỳ thiết chế nào.

Lực lượng tiến hành đấu tranh cách mạng với tư bản chính là lực lượng lao động hưởng lương hiện đang chiếm gần 90% trong các nhà máy, xí nghiệp, văn phòng... Đây là lực lượng đang bị bóc lột với nhiều mức độ khác nhau và đang bị đè nén bởi sức nặng của cuộc khủng hoảng. Hiện nay, đa số nhân dân lao động (kể cả kỹ sư, nhà nghiên cứu, trí thức...) có mức sống, điều kiện lao động ngày càng xuống cấp, đang có nhu cầu và quyền lợi cơ bản để thay đổi xã hội. Lực lượng lao động ngày càng đông đảo và cần được tập hợp thành sức mạnh tự giải phóng mình khỏi chủ nghĩa tư bản. Ngoài những lực lượng đấu tranh rất rõ ràng như giai cấp công nhân, nhân viên văn phòng, kỹ thuật viên, kỹ sư, trí thức... thì lực lượng lao động nói chung đang trở thành lực lượng thực tế và tiềm năng hùng hậu trong cuộc đấu tranh với chủ nghĩa tư bản.

Đảng Cộng sản Pháp luôn coi giai cấp công nhân là lực lượng nòng cốt của cách mạng, của nền kinh tế hiện đại nhưng lại bị bóc lột thậm tệ nhất. Trong cơn khủng hoảng hiện nay, lực lượng công nhân đang đi đầu trong cuộc đấu tranh chống lại sự thống trị của tư bản. Đi theo lực lượng tiên phong của cách mạng chính là nhân viên, trí thức, nông dân và các giai tầng không lao động hưởng lương, phụ nữ và giới trẻ... Tất cả những lực lượng ấy đang ngày càng có ý thức rằng, tư bản đang chia tách họ ra để dễ bề cai trị với những chiêu trò mới.

Con đường đấu tranh với tư bản Pháp chính là sự liên hiệp giữa Đảng Cộng sản Pháp với các lực lượng cánh tả. Những thỏa thuận giữa các lực lượng cánh tả tạo ra sức mạnh tổng hợp nhưng mỗi đảng luôn luôn có những hoạt động tự quyết và độc lập tương đối của bản thân mình. Việc xây dựng lực lượng cánh tả trung thành cho phép Đảng Cộng sản Pháp đóng vai trò ngày càng to lớn hơn trong việc phát huy liên hiệp cánh tả hiệu quả. Sự liên hiệp này là tất yếu nhằm đáp ứng sự kỳ vọng của đất nước.

Tư tưởng của Đảng Cộng sản Pháp về thế giới chính là sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ với các Đảng Cộng sản khác, các đảng cánh tả để thực hiện cuộc đấu tranh giải phóng nhân loại. Từ mấy thập niên gần đây, dưới vỏ bọc “quyền con người”, giai cấp tư sản đã thao túng nhân loại một cách trơ trẽn. Chế độ tư bản đã sát hại, tra tấn, bỏ tù, làm nhục... rất nhiều người đấu tranh để giải phóng chính họ. Đặc biệt, chủ nghĩa tư bản phải chịu trách nhiệm với hai cuộc chiến tranh thế giới và hàng chục cuộc chiến tranh khác với nền công nghiệp quốc phòng “tội đồ”. 

Sự thao túng “quyền con người” được thể hiện từ khi thành lập Ủy ban ba bên (1973-1974) gồm: đại diện các tập đoàn đa quốc gia và một phần giới lãnh đạo cao cấp Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu cùng với lời kêu gọi của Nghị viện Mỹ “xây dựng quyền con người trên thế giới và sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ”. Mầm mống và thực tế của một thế giới đơn cực vẫn luôn luôn hiện hữu, khi mà giới chủ khuyến khích “tự do” và “dân chủ” nhưng trong khuôn khổ rất chật hẹp mà họ đã dựng nên.

3. Một số nhận xét

Thứ nhất, vai trò - vị thế của Đảng Cộng sản Pháp được xác lập trong mối tương quan với các lực lượng chính trị khác: trái ngược với vai trò đảng cầm quyền ở một số nước định hướng XHCN như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba... Đảng Cộng sản Pháp đã tự định vị cho mình tư cách một đảng cánh tả cạnh tranh với các đảng khác. Từ đó, Đảng Cộng sản Pháp luôn xác định nhiệm vụ quan trọng, tất yếu là liên hiệp với các lực lượng cánh tả khác trong xây dựng lực lượng đấu tranh với tư bản bằng cách vẫn bảo đảm hoạt động tự quyết, tự chủ và độc lập của Đảng.

Thứ hai, Đảng Cộng sản Pháp đã chỉ ra rằng, bằng sự che đậy rất khéo léo và bằng sự chia tách, thao túng các lực lượng lao động, tư bản Pháp luôn luôn bộc lộ bản chất bóc lột bằng các hình thức ngày càng tinh vi hơn và khó đoán định hơn.

Thứ ba, Đảng Cộng sản Pháp cũng đã đề xuất quan điểm rằng, mặc dù thế giới loài người đang sống ở thế kỷ XXI, nhưng chủ nghĩa tư bản vẫn luôn tạo ra những bất công và bất bình đẳng xã hội, làm tha hóa nhiều giai tầng xã hội, tạo ra xã hội tiêu dùng rất lãng phí, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên và các thế hệ tương lai.

Thứ tư, con đường đi lên CNXH theo quan điểm của Đảng Cộng sản Pháp là sự thay đổi tư duy về mô hình tăng trưởng kinh tế, là sự tự do, dân chủ thực sự qua tiếng nói của mọi người dân và đặc biệt là chấn hưng văn hóa. Lực lượng lao động với nhiều giai tầng khác nhau cùng với các lực lượng cánh tả khác chính là những chủ thể đấu tranh với tư bản hiện nay.

Thứ năm, con đường phát triển của Đảng Cộng sản Pháp hướng đến đảng cầm quyền phải dựa vào bầu cử dân chủ và phổ thông đầu phiếu. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề trong bối cảnh phải cạnh tranh ảnh hưởng với các đảng khác và đặc biệt trong điều kiện Đảng Cộng sản Pháp gặp nhiều khó khăn, thách thức và rào cản về nguồn lực do vị thế của một đảng không cầm quyền mang lại.

Thứ sáu, tư tưởng của Đảng Cộng sản Pháp về sự phát triển của nhân loại chính là xây dựng quyền con người thực chất và đấu tranh giải phóng nhân loại thoát khỏi những sự thao túng của chủ nghĩa tư bản mà đứng đầu là Mỹ và phương Tây. Tư tưởng đấu tranh vì một thế giới đa cực là kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại của Đảng Cộng sản Pháp.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 538 (tháng 12-2022)

Ngày nhận bài: 17-11-2022; Ngày bình duyệt: 14-12-2022; Ngày duyệt đăng: 19-12-2022.

 

(1) Mischi Julian (2020).  Le Parti des Communistes. Histoire du Parti communiste français de 1920 à nos jours. Hors-d’atteinte.

Tài liệu tham khảo:

1. Cécile Bouju Marie (2010): Lire en communiste: les maisons d’édition du Parti communiste français(1920-1968). Rennes. PUR

2. Chuzeville Julien (2017): Un court moment révolutionnaire la création du Parti communiste en France. 1915-1924. Libertalia.

3. Courtois Stéphane et Lazar Marc (2000): Histoire du Parti communiste français. Paris. PUF. Coll. “Thémis”.

4. Ducoulombier Romain (2019): Le PCF, un parti global (1919-1989): approches transnationales et comparées. Dijon. Éditions universitaires de Dijon.

5. Girault Jacques (2002): Des communistes en France (années 1920 - années 1960). Paris. Publications de la Sorbonne.

6. Marc Berlière Jean et Liaigre Franck (2007): Liquider les traîtres: la face cachée du PCF 1941-1943. Paris. Robert Laffont (ISBN 978-2-221-10756-0).

7. Marc Berlière Jean et Liaigre Franck (2015): Liquider les traîtres: la face cachée du PCF 1941-1943. Paris. Robert La font. Coll. “Documento”. (ISBN 978-2-221-15617-9, BNF 44272021).

8. Martelli Roger, Vigreux Jean et Wolikow Serge (2020): Le Parti rouge: une histoire du PCF (1920-2020). Paris. Armand Colin.

9. Mencherini Robert (préf. Agulhon Maurice) (2017). Guerre froide, grèves rouges: Parti communiste, stalinisme et luttes sociales en France: les grèves “nsurrectionnelles” de 1947-1948. Paris. Syllepse. Coll. “Collection Histoire”. ISBN 978-2-84950-548-9.

10. Pudal Bernard (2009): Un monde défait, les communistes français de 1956 à nos jours. Éditions du Croquant.

11. Roubaud-Quashie Guillaume (dir.) (2020): 100 ans de parti communiste français. Cherche Midi.

12. Santamaria Yves, (1999): Histoire du Parti communiste français. Paris. La Découverte. Coll. “Repères”.

13. Vidal Georges (2006): La grande illusion?: le Parti communiste français et la défense nationale à l’époque du Front populaire 1934-1939. Lyon. Presses universitaires de Lyon. ISBN 2-7297-0786-7.

PGS, TS TRỊNH VĂN TÙNG

Viện Lãnh đạo học và Chính sách công,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền