Trang chủ    Quốc tế    Nỗ lực của Đảng Nhân dân Campuchia trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 và hướng tới bầu cử thành công Quốc hội khóa VII (nhiệm kỳ 2023 - 2028)
Thứ tư, 26 Tháng 4 2023 13:48
1201 Lượt xem

Nỗ lực của Đảng Nhân dân Campuchia trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 và hướng tới bầu cử thành công Quốc hội khóa VII (nhiệm kỳ 2023 - 2028)

(LLCT) - Tháng 7-2023, Campuchia sẽ bước vào cuộc Tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội khóa VII (nhiệm kỳ 2023 - 2028). Cuộc Tổng tuyển cử được dự báo sẽ thành công, trong bối cảnh Quốc hội nhiệm kỳ khóa VI, với vai trò lãnh đạo của Đảng Nhân dân Campuchia, thực hiện thành công chiến lược phát triển đất nước: giữ vững an ninh, trật tự xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, mở rộng hợp tác quốc tế, đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2022.

Đoàn chủ tịch Đại hội đại biểu toàn quốc bất thường của Đảng Nhân dân Campuchia, tháng 1-2023 - Ảnh: nhandan.vn

Sau cuộc Tổng tuyển cử lần thứ VI (năm 2018), Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) nắm quyền lãnh đạo Quốc hội, đất nước Campuchia đã có những thay đổi tích cực: chính trị ổn định, vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, nền kinh tế từng bước phục hồi và phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, an ninh quốc phòng được bảo đảm, đất nước từng bước hội nhập khu vực và quốc tế.

1. Chính trị ổn định

Năm 2018, Campuchia đã tổ chức thành công cuộc bầu cử Thượng viện khóa IV và cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI (nhiệm kỳ 2018 - 2023), trong đó CPP giành thắng lợi tuyệt đối. Đây là lần đầu tiên CPP nắm giữ trọn cả ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp (kể từ năm 1993, khi Campuchia thực hiện thể chế chính trị đa đảng).

Sau bầu cử Quốc hội, CPP đã chủ động đẩy nhanh tiến trình thành lập Quốc hội và Chính phủ Hoàng gia nhiệm kỳ 2018 - 2023. Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen tuyên bố lãnh đạo Chính phủ Campuchia thực hiện Cương lĩnh chính trị đã cam kết trong chiến dịch tranh cử; kiện toàn một số vị trí chỉ huy trong Quân đội; Thành lập Hội đồng tư vấn tối cao với thành viên là lãnh đạo 16 đảng tham gia bầu cử Quốc hội khóa VI.

Trong suốt nhiệm kỳ 2018 - 2023, CPP tập trung chỉ đạo đi sâu vào công tác xây dựng Đảng, thực hiện việc cải cách trong nội bộ Đảng, siết chặt công tác phòng chống tham nhũng, tăng cường củng cố đoàn kết nội bộ, bổ sung lớp kế cận vào hàng ngũ lãnh đạo Đảng. Về quản lý nhà nước, CPP thúc đẩy cải cách hành chính, đề ra một số giải pháp mới về phát triển đất nước, tinh giản bộ máy quản lý, tăng cường tiếp xúc cử tri để lắng nghe và giải quyết các nguyện vọng của người dân; tiến hành cải cách chính sách kinh tế nhằm tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước, triển khai các chính sách an sinh xã hội.

Uy tín của CPP ngày càng tăng, được nhiều tầng lớp trong xã hội ủng hộ. Năm 2019, CPP giành thắng lợi gần như tuyệt đối trong cuộc bầu cử Hội đồng nhiệm kỳ III, từ Trung ương đến địa phương. Trong cuộc bầu cử Hội đồng xã, phường nhiệm kỳ 5 (tháng 6-2022), CPP cũng giành được sự tín nhiệm cao nhất của cử tri cả nước.

Đại hội bất thường của CPP ngày 28-01-2023 vừa qua đã thông qua “Báo cáo kết quả thực hiện Cương lĩnh chính trị của CPP giai đoạn 2018 - 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023” và “Dự thảo Cương lĩnh chính trị của CPP về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 2023 - 2028”. Trong các văn bản trên, CPP đều khẳng định: “CPP là nền tảng vững chắc, đóng góp vào hòa bình và phát triển lâu dài ở quốc gia Đông Nam Á này”(1).

Sự ổn định về chính trị - xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho các lĩnh vực khác phát triển; đồng thời cũng là nhân tố quyết định sự thành công của cuộc bầu cử Quốc hội khóa VII tới.

2. Phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19

Năm 2020, Thủ tướng Hun Sen đã phê chuẩn khoản ngân sách 8,134 tỷ USD, trong đó 7,5 tỷ USD chi cho hoạt động cấp trung ương và 634 triệu USD được sử dụng cho chi tiêu của các địa phương(2). Ngân sách năm 2021 và năm 2022 của Campuchia được phân bổ cho các lĩnh vực chính như quản lý hành chính, quốc phòng, an ninh và trật tự công cộng, các vấn đề xã hội và kinh tế. Với ngân sách này, Chính phủ Campuchia chú trọng chăm lo đời sống của người dân, duy trì sự ổn định kinh tế - xã hội và sinh kế của người dân, cũng như tập trung các nguồn lực khôi phục và thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế thời hậu Covid-19.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người năm 2022 của Campuchia đạt 1.635,63 USD/người(3). Kinh tế Campuchia năm 2023 được kỳ vọng sẽ tăng cao hơn dự báo trước đây, với 6,2%, chủ yếu do tăng trưởng của lĩnh vực đầu tư, thương mại và du lịch. Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Campuchia tăng nhanh so với trước đại dịch, trong đó riêng ngành xây dựng dự báo tăng 7,2% (năm 2023)(4). Dòng vốn tăng trưởng cao và việc quản lý thận trọng nguồn dự trữ ngoại tệ đã góp phần tăng cường hiệu quả chính sách ổn định tỷ giá hối đoái và tiền tệ, cũng như niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế Campuchia.

Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Campuchia đã và đang tập trung phát triển chính sách thương mại mở cửa để thu hút đầu tư, nới lỏng Luật Đầu tư và Luật Sở hữu. Bộ Thương mại nước này đang xúc tiến cải cách các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, cũng như cung cấp thông tin cho các công ty nhanh chóng, thuận lợi, đặc biệt, việc thành lập công ty mới sẽ được thực hiện trực tuyến. Luật pháp Campuchia cũng cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% cổ phần các công ty trong các đặc khu kinh tế, so với tỷ lệ 70% tại một số nước ASEAN. Chính phủ Campuchia đang tăng cường ngân sách đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông, mở rộng bến cảng và mạng lưới đường sắt để tận dụng lợi thế địa lý.

Hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Campuchia gia tăng, chủ yếu là các ngành công nghiệp dệt, may, dịch vụ, xây dựng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan và Thuế tiêu thụ đặc biệt Campuchia: trong nửa đầu năm 2022, Campuchia đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 13,78 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2021; tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu của Campuchia tăng 15,4% với 19,05 tỷ USD(5). Các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Campuchia hiện nay gồm: Mỹ (chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu), Việt Nam, Trung Quốc. Trong đó chủ yếu là mặt hàng may mặc, giày da, hàng phục vụ du lịch chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, giá trị còn lại chủ yếu là nông sản và phi may mặc.

Mặc dù Campuchia phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kéo dài do đại dịch Covid-19, song hệ thống ngân hàng tại quốc gia này đã được Chính phủ chỉ đạo tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là các ngành bị ảnh hưởng. Từ năm 2020 đến 2022, Ngân hàng Quốc gia Campuchia đã thực hiện việc nới lỏng các quy định và cho phép các tổ chức tài chính, ngân hàng tăng cường duy trì dòng chảy tài chính cho nền kinh tế. Đồng thời, khuyến khích đầu tư vào hệ thống ngân hàng, tổ chức tài chính nhằm tăng cường nguồn vốn. Vì vậy, kết quả tăng trưởng tín dụng năm 2022 tiếp tục tăng 21,2% (so với cùng kỳ năm 2021), tương đương khoảng 45,7 tỷ USD được phân bổ cho tất cả các lĩnh vực. Ngoài ra, để giảm bớt gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp có nguồn thu giảm sút và quản lý áp lực nợ xấu, các tổ chức tài chính và ngân hàng cũng đã được phép tái cơ cấu nợ khoảng 5,5 tỷ USD(6).

Các ngành được coi là trụ cột của nền kinh tế Campuchia bao gồm: may mặc, vận tải, viễn thông, xây dựng và du lịch. Với việc mở cửa trở lại nền kinh tế, các ngành trên đang dần được phục hồi, hòa cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã khiến nền kinh tế Campuchia ước đạt tăng trưởng 3% năm 2022(7). Đây là những ngành tạo việc làm khá ổn định cho người lao động. Điển hình, ngành công nghiệp sản xuất ở Campuchia đạt tốc độ tăng trưởng đến 17,7%, trở thành ngành đóng góp lớn nhất vào GDP của nước này, đồng thời giải quyết được khoảng 1,4 triệu việc làm trong nước(8).

Chính phủ Campuchia đã đưa ra một số sáng kiến nhằm thúc đẩy công nghệ và đổi mới đất nước, như: Khung chiến lược cho nền kinh tế kỹ thuật số. Đây sẽ là cơ hội để quốc gia này khai thác các công nghệ từ nguồn vốn FDI, thúc đẩy sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển hơn nữa các quan hệ đối tác kinh tế quốc tế đã được thiết lập từ trước.

Ngành nông nghiệp cũng góp phần không nhỏ vào sức tăng trưởng kinh tế của nước này. Hiện nay các sản phẩm nông nghiệp của Campuchia, đặc biệt là gạo, đã có mặt ở trên 50 quốc gia và bước đầu đã chinh phục các thị trường khó tính như Mỹ, các nước EU. Để phát huy được uy tín của sản phẩm nông nghiệp, Chính phủ Campuchia đã ra “Dự thảo luật về biện pháp bảo vệ thực vật và kiểm dịch động thực vật”, được Hội đồng Bộ trưởng Campuchia thông qua, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Hun Sen tại Cung điện Hòa Bình (ngày 04-02-2022).

Dự thảo luật quy định việc quản lý an toàn thực vật, thực hiện các biện pháp bảo vệ thực vật và kiểm dịch động thực vật; bảo vệ các loại tài nguyên thực vật; ngăn ngừa sự lây lan của sinh vật gây hại; nâng cao năng suất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, vệ sinh, chất lượng và an toàn nông sản; quy định các sản phẩm thực vật và hàng hóa phải tiến hành kiểm dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại phát triển. Đồng thời, đảm bảo sự phát triển của ngành nông nghiệp trong khuôn khổ an ninh lương thực, nâng cao chất lượng nông sản, tăng cường xuất khẩu nông sản và phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh, hội nhập kinh tế toàn cầu.

Riêng ngành du lịch dịch vụ - ngành góp phần đưa lại sự tăng trưởng của Campuchia trước đại dịch Covid-19, đóng góp khoảng 20% vào GDP của nước này. Trong đại dịch Covid-19, ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề, song dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Campuchia, Bộ Du lịch Campuchia đã làm tốt công tác quảng bá du lịch ra nước ngoài, kiểm soát tốt giai đoạn sau đại dịch, tạo sự yên tâm cho khách du lịch quốc tế và trong nước.

Thông cáo báo chí của Bộ Du lịch Campuchia (ngày 18-5-2022) cho biết: tình hình du lịch Campuchia tiếp tục được cải thiện, dự kiến ​​sẽ trở lại bình thường vào năm 2025 đối với khách du lịch quốc tế và năm 2023 đối với du lịch nội địa. Thực tế, trong 4 tháng đầu năm 2022, đã có 241.485 lượt khách du lịch quốc tế đến Campuchia, tăng 191,5% so với cùng kỳ năm 2021(9).

Dự kiến năm 2026 - 2027, sẽ đạt mức 7 triệu lượt khách du lịch nước ngoài đến Campuchia(10). Các thị trường du lịch ưu tiên của Campuchia bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Inđônêxia, Malaixia và Philippin, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp và Anh. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Campuchia sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực vào năm 2025(11). CPP đang quyết tâm: “xây dựng Vương quốc Campuchia thịnh vượng, tăng trưởng kinh tế bền vững; thiết lập hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, bền vững về tài chính, bảo đảm an toàn cho người dân trước những rủi ro kinh tế”(12).

3. Bảo đảm an sinh xã hội

Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, trước bối cảnh vô vàn khó khăn bởi đại dịch covid-19, song dưới sự dẫn dắt của CPP, Chính phủ Hoàng gia Campuchia do Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đứng đầu luôn đặt trọng tâm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, từng bước hội nhập khu vực.

CPP đã kịp thời đề ra những biện pháp phù hợp để giải quyết các thách thức về kinh tế - xã hội và ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Trong đó nổi bật là chiến dịch tiêm chủng vắc xin thành công của Campuchia và đang được tiếp tục duy trì trong năm 2023. Campuchia đang bắt tay vào một hành trình phát triển mới, với tầm nhìn và mục tiêu đưa đất nước Chùa Tháp trở thành một nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030, trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050.

Cùng với những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, Campuchia được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về kết quả giảm nghèo nhanh trong một thập kỷ qua. Campuchia đang phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

4. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, uy tín đối ngoại gia tăng

Theo Luật Ngân sách quốc gia 2020, mức chi của Campuchia cho quốc phòng, an ninh và trật tự công cộng chiếm 25,8% tổng chi, tăng 9,3%(13). Lực lượng lục quân, không quân, hải quân của Campuchia đang ngày một chính quy và hiện đại hóa, bảo đảm việc bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, CPP cũng quyết tâm thúc đẩy việc rà phá bom mìn với mong muốn xóa sạch bom mìn vào năm 2025.

Các hoạt động bảo đảm an ninh, trật tự xã hội trong nước cũng được chú trọng. Trong đó, có sự đóng góp quan trọng của lực lượng Cảnh sát Quốc gia Campuchia trong sự nghiệp giữ gìn an ninh, trật tự xã hội và thúc đẩy tiến trình hòa giải dân tộc. Lực lượng này ngày càng phát triển theo hướng trở thành một lực lượng chuyên nghiệp, độc lập, có chuẩn mực cao và thống nhất.

Trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát Campuchia đã thực thi hiệu quả nhiệm vụ giữ gìn an ninh và trật tự xã hội, chống khủng bố, chống tội phạm ma túy, chống nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước; đồng thời góp phần đắc lực vào việc cải thiện hình ảnh của Vương quốc Campuchia trong mắt bạn bè quốc tế. Năm 2022, lực lượng Cảnh sát can thiệp đặc biệt và Cảnh sát giao thông Campuchia đã thành công trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh, duy trì trật tự trong khi lãnh đạo các nước tới Campuchia tham dự các hội nghị cấp cao: Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Mỹ, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Liên hợp quốc, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á... Đây cũng là lực lượng đóng vai trò quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử cấp địa phương tháng 6-2022.

5. Uy tín ngoại giao gia tăng trong khu vực và quốc tế

Theo Hiến pháp, Campuchia thực hiện chính sách đối ngoại trung lập, không liên kết, không xâm lược hoặc can thiệp vào công việc nội bộ nước khác. Trong quan hệ quốc tế, Campuchia tiếp tục chính sách đối ngoại trung lập, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ. Hiện nay, Campuchia đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 nước, có cơ quan đại diện tại hơn 60 nước, có quan hệ thương mại với khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới(14). Campuchia chú trọng quan hệ với các nước lớn, các nước tài trợ, nước láng giềng, đồng thời đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế.

Hoạt động đối ngoại của Campuchia đã đáp ứng được yêu cầu mới của đất nước. Trong những năm gần đây, mặc dù gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, Campuchia vẫn tranh thủ được ODA, thu hút được FDI, mở rộng thị trường ngoài nước, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; tranh thủ được nguồn vốn, khoa học - công nghệ tiên tiến, kỹ thuật quản lý của nước ngoài để phát triển đất nước, phấn đấu đạt được 17 mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào năm 2030.

Trong các cơ chế hợp tác khu vực và tiểu vùng, Campuchia là thành viên tích cực và chủ động. Năm 2022, Campuchia đảm nhận thành công cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Trong cơ chế hợp tác tiểu vùng, Campuchia tích cực tham gia các cơ chế như: Ủy hội Mêkông quốc tế (MRC); Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV); Hợp tác Campuchia - Lào - Mianma - Việt Nam (CLMV); Hợp tác Tiểu vùng Mêkông mở rộng (GMS); Chiến lược hợp tác phát triển kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mêkông (ACMECS)...

Sự tham gia của Campuchia trong nhiều cơ chế hợp tác từ quốc tế đến khu vực, tiểu khu vực cho thấy CPP rất nỗ lực trong việc tạo dựng một môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, hợp tác hiệu quả. Trên trường quốc tế, Campuchia đã tìm được tiếng nói chung trong việc lựa chọn cho mình một hệ thống chính trị và nhận được sự ủng hộ của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, từ đó tạo ra những tiền đề tích cực để hội nhập quốc tế thuận lợi hơn.

Trong quan hệ với các nước láng giềng, Chính phủ Campuchia chỉ đạo các ban, ngành và địa phương giáp biên giới với các nước láng giềng (Thái Lan, Lào, Việt Nam) tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai có hiệu quả các văn bản pháp lý quan trọng đã được ký kết giữa Campuchia với các nước này. Điển hình là việc ký kết các văn kiện giữa Bộ Nội vụ Campuchia với Bộ Công an Việt Nam trong tăng cường công tác trao đổi thông tin về âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội, nhất là tội phạm về ma túy, tội phạm mua bán người, tội phạm sử dụng công nghệ cao, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép, các hoạt động cờ bạc, cưỡng bức lao động... nhằm kịp thời đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm xuyên quốc gia giữa Việt Nam và Campuchia. Bên cạnh đó, lực lượng Biên phòng, Công an... của hai nước tăng cường tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân nhằm góp phần làm tốt công tác bảo vệ an ninh, trật tự trên tuyến biên giới hai nước...

Trong quan hệ với các nước láng giềng, Campuchia chủ trương giải quyết hòa bình các vấn đề về biên giới, lãnh thổ, biển đảo với các nước liên quan, giữ vững môi trường hòa bình. Các cơ chế tiếp xúc cấp cao cùng với những hình thức hợp tác phong phú, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương thuộc Campuchia và các nước có chung đường biên giới được duy trì, đổi mới thường xuyên, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác tiến triển theo hướng thực chất hơn, phát huy thế mạnh và tiềm năng của mỗi bên.

Ngày 5-10-2019, Campuchia đã ký kết được 2 văn kiện quan trọng với Việt Nam về biên giới: “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia” (Hiệp ước bổ sung năm 2019) và “Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia” (Nghị định thư phân giới cắm mốc). Ngày 22-12-2020, hai văn kiện pháp lý nêu trên đã chính thức có hiệu lực.

Trong thời gian tới, CPP chủ trương tiếp tục đàm phán với Lào và Việt Nam, Thái Lan về những tồn đọng trong vấn đề biên giới trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia. Campuchia chủ trương phối hợp hiệu quả giữa lực lượng bảo vệ biên giới với các nước láng giềng trong gìn giữ và củng cố đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước với phương châm an ninh của nước này cũng chính là an ninh của nước kia. Riêng tại vùng biển lịch sử giữa Campuchia - Việt Nam và Campuchia - Thái Lan, Campuchia chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” tại vùng biển chồng lấn trên cơ sở bình đẳng, hai bên cùng có lợi và tiến tới giải quyết triệt để khi điều kiện cho phép.

Trước thềm bầu cử Quốc hội khóa VII, “Cương lĩnh chính trị của CPP về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 2023 - 2028” nhấn mạnh: “tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại độc lập dựa trên luật pháp, xây dựng quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Vương quốc Campuchia với các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế, tích cực tham gia vào sự nghiệp hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và thế giới”(15).

Có thể nhận thấy, tới đầu năm 2023, Campuchia đã và đang duy trì được nền hòa bình, ổn định chính trị, trật tự xã hội và phát triển trên mọi lĩnh vực. Chính phủ và nhân dân Campuchia đã sẵn sàng cho cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội lần thứ VII (nhiệm kỳ 2023 - 2028) với hy vọng tiếp tục ổn định đất nước và bước vào thời kỳ phát triển mới. Dưới sự lãnh đạo của CPP, nhân dân Campuchia sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục giành được nhiều thành tựu mới, to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 540 (tháng 02-2023)

Ngày nhận bài: 30-01-2023; Ngày bình duyệt: 9-02-2023; Ngày duyệt đăng: 21-02-2023.

 

(1), (12), (15) Đảng Nhân dân Campuchia quyết tâm đẩy mạnh sự nghiệp phát triển đất nước, https://nhandan.vn/dang-nhan-dan-campuchia-quyet-tam-day-manh-su-nghiep-phat-trien-dat-nuoc-post736483.html, truy cập ngày 30-01-2023.

(2), (11), (13) Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Campuchia phê chuẩn kế hoạch chi tiêu ngân sách năm 2021, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM184339, truy cập ngày 30-12-2022.

(3) solieukinhte.com/gdp-binh-quan-dau-nguoi-cua-campuchia/.

(4) Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, Bản tin thị trường Campuchia, https://moit.gov.vn/upload/2005517/fck/files/Ba__n_tin_tha__ng_6_2022_60510.doc.

(5) https://www.vietnamplus.vn/thuong-mai-quoc-te-cua-campuchia-tang-21-trong-bay-thang-qua/810614.vnp, truy cập ngày 11-12-2022.

(6), (7) https://vov.vn/kinh-te/kinh-te-campuchia-du-kien-tang-truong-khoang-3-nam-2021-post915602.vov, truy cập ngày 10-01-2023.

(8) https://ictvietnam.vn/campuchia-da-san-sang-cho-cach-mang-cong-nghiep-40-20200813101832245.htm, truy cập ngày 13-12-2022.

(9) https://songoaivu.tiengiang.gov.vn/chi-tiet-tin/?/du-bao-kinh-te-campuchia-se-tang-truong-5-1-trong-nam-2022/42070710, truy cập ngày 15-5-2022.

(10) https://toquoc.vn/bao-campuchia-an-tuong-tang-truong-du-lich-song-phuong-voi-viet-nam-20221220150255962.htm, truy cập ngày 20-12-2022.

(14) https://special.nhandan.vn/doingoai_campuchia/index.html.

TS LÊ QUANG MẠNH

Học viện Chính trị Công an nhân dân

TS TRỊNH THỊ HOA

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền