Trang chủ    Quốc tế    Từ lý luận cánh tả về công bằng xã hội, suy nghĩ về vấn đề công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay
Thứ sáu, 27 Tháng 12 2013 09:20
2780 Lượt xem

Từ lý luận cánh tả về công bằng xã hội, suy nghĩ về vấn đề công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Từ quan điểm lý luận, thực tiễn hoạt động của một số trào lưu cánh tả trên thế giới, những thành tựu đạt được của một số quốc gia phát triển theo đường lối và sự lãnh đạo của đảng cánh tả; từ thực tế phát triển đất nước thời kỳ đổi mới gắn với xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, chúng ta có thể vận dụng một số nội dung phù hợp về lý luận cũng như cách thức tiến hành, thậm chí là một số mô hình trong một số lĩnh vực của các trào lưu cánh tả để thực hiện công bằng xã hội trong sự tương thích với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, bất cứ một sự vận dụng, kế thừa nào cũng đều phải quán triệt nguyên tắc không rập khuôn, máy móc hay vận dụng một cách khiên cưỡng mà phải có chọn lọc, có phê phán với phương châm khách quan, lịch sử - cụ thể và phát triển sáng tạo.

1. Một số quan điểm về công bằng xã hội trong lý luận cánh tả

Sự phát triển chủ nghĩa Mác ở Tây Âu thế kỷ XX đã đưa tới sự ra đời của các trào lưu: Những người mácxít mới; Chủ nghĩa Mác hiện đại; Chủ nghĩa cộng sản châu Âu; Cánh tả mới (New left)... Trong lý luận của mình, tương tự như những người dân chủ xã hội, họ thừa nhận kinh tế thị trường, coi chế độ sở hữu tư nhân là nền tảng kinh tế của đời sống xã hội. Thế nhưng, quan điểm này cũng cho rằng không nên để cho quyền lực kinh tế quá tập trung trong tay một số ít các nhà tư bản lớn, do vậy, cần ủng hộ sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế; trong khuôn khổ thể chế pháp lý - nhà nước, quyền lực phải thực sự là của số đông, tức là ủng hộ các hoạt động, các khuynh hướng cải biến xã hội, các cải cách thể chế sao cho nhân dân có ảnh hưởng trên thực tế tới chính sách quốc gia, sao cho chính sách có thể phục vụ sự phát triển con người với những điều kiện công bằng hơn, bình đẳng hơn.

Ở nhiều nước Bắc Âu, những người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ đã xây dựng lý luận về một xã hội đề cao giá trị con người, công bằng, nhân ái; tăng cường hệ thống phúc lợi xã hội, y tế và ưu tiên chăm sóc người già; đề xuất các phương án giảm giờ làm nhưng không giảm lương, phân chia việc làm sẵn có trong xã hội cho một số lượng lao động đông đảo hơn. Tại các nước này, về thể chế chính trị, mặc dù không thừa nhận theo CNXH (thực tế đúng như vậy), mà cho rằng con đường của họ là chủ nghĩa xã hội dân chủ - một trong những khuynh hướng cơ bản của phong trào cánh tả. Tuy nhiên, những thành tựu mà các nước này đạt được về phát triển kinh tế, phát triển con người, phúc lợi và công bằng xã hội (CBXH) đã chứng tỏ lý luận cánh tả ở đó được xã hội thừa nhận, các đảng tư sản truyền thống khác, dù có thắng cử, trở thành đảng cầm quyền cũng buộc phải điều chỉnh chính sách của mình, nhất là với các vấn đề liên quan tới CBXH.

Lý luận của chủ nghĩa xã hội dân chủ chấp nhận CNTB (kinh tế thị trường) như là cơ chế hiện thực và hợp lý để đạt được sự thịnh vượng và phồn vinh của xã hội. Thế nhưng, theo lý luận này, để có được sự CBXH, thì phải phân phối lại sự phồn vinh và thịnh vượng đó theo những nguyên tắc đạo đức chứ không phải nguyên tắc thị trường, với phương châm phổ biến là: cạnh tranh ở nơi nào có thể, kế hoạch ở nơi nào cần thiết. Với những quan điểm như vậy, các nước như Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan... đã trở thành những nước đi đầu về phát triển xã hội. Về trình độ phát triển dân chủ, Phần Lan xếp thứ 1, Đan Mạch xếp thứ 2, Thụy Điển xếp thứ 4, Na Uy xếp thứ 6..., ngoài ra, họ cũng có các vị trí tương ứng về tự do báo chí và chống tham nhũng(1).

Năm 2004, Đảng cánh tả châu Âu thông qua cương lĩnh kiên trì mục tiêu tổng quát là giải phóng con người khỏi các hình thức áp bức, bóc lột và bị bài xích. Theo các văn kiện đã được thông qua, Đảng này chủ trương xây dựng một châu Âu dân chủ, phúc lợi, theo chủ nghĩa sinh thái, chủ nghĩa nữ quyền và hoà bình(2). Các nguyên tắc về mặt lý luận mà Thư kêu gọi về thành lập Đảng cánh tả châu Âu đưa ra gồm: xây dựng một xã hội công bằng, phản đối giàu nghèo, chủ trương phân phối lại tài sản từ trên xuống dưới, từ giàu đến nghèo; chủ trương đa nguyên văn hoá, tất cả các công dân phải có được đời sống văn hoá đa dạng, có tri thức và được cung cấp thông tin đầy đủ.

Vào giữa những năm 90 thế kỷ XX, lực lượng cộng sản và cánh tả ở các nước Mỹ Latinh có sự phục hồi mạnh mẽ. Trong thời gian cầm quyền, hầu hết các chính phủ cánh tả, về mặt lý luận và bước đầu trong thực tiễn đều đã tuyên bố hoặc thực hành nhiều cải cách kinh tế - xã hội theo hướng thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội và thực hiện CBXH: thực hiện mô hình kinh tế thị trường, kết hợp giải quyết các vấn đề xã hội; thực hiện một số chương trình vì mục tiêu CBXH như: cải cách ruộng đất; xoá đói, giảm nghèo; cải thiện dịch vụ y tế, văn hoá cộng đồng; điều chỉnh một số luật theo hướng vừa coi trọng lợi ích quốc gia vừa đảm bảo có lợi cho người lao động; quan tâm tạo việc làm, cung cấp vốn tín dụng để phát triển các khu vực kinh tế hợp tác...

Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI theo mô hình của Vênêduêla bao gồm các nội dung cơ bản:

- Về chính trị, nhấn mạnh tư tưởng “dân chủ cách mạng” và “chính quyền nhân dân”. Theo đó, nhân dân có trách nhiệm và có quyền bình đẳng tham gia quyết định vận mệnh của đất nước; tham gia xây dựng nhà nước pháp quyền; xây dựng một mô hình xã hội mới, đảm bảo CBXH, nơi mà mọi người dân đều có chỗ đứng cho dù đó là một thổ dân.

- Về kinh tế, chủ trương thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước và hợp tác xã đóng vai trò chủ đạo; nhấn mạnh việc giành lại chủ quyền quốc gia dân tộc đối với tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ, nước sạch và môi sinh..., khẳng định nguồn tài nguyên của quốc gia trước hết phải phục vụ cho sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước và nhân dân.

- Về xã hội, chủ trương phân phối công bằng của cải xã hội để giải quyết vấn đề bất bình đẳng và phân hoá xã hội...

Năm 2005, Đảng Phong trào tiến lên CNXH ở Bôlivia, trong cương lĩnh tranh cử, đã chỉ ra sự cần thiết phải chấm dứt chính sách kinh tế thị trường tự do - được coi là nguyên nhân của tình trạng đói nghèo và bất công; chủ trương thúc đẩy chính sách cải cách kinh tế - xã hội theo hướng tăng cường vai trò quản lý của nhà nước, kiểm soát chặt chẽ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tăng nguồn thu ngân sách phục vụ cho các chương trình xã hội. Phát triển văn hoá, y tế, bảo hiểm xã hội cho toàn dân, đem lại lợi ích cho người nghèo; khẳng định tiếp tục đấu tranh cho sự bình đẳng, hoà bình và công lý xã hội, chống nghèo đói.

2. Vấn đề công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam

Cùng với tiến trình đổi mới đất nước, gắn với việc chuyển đổi cơ chế kinh tế từ tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN, vấn đề công bằng xã hội (cả về quan niệm, cả về phương thức thực hiện) cũng có những sự vận động, phát triển. Tại Đại hội VI, Đảng ta đã chỉ rõ: “... khắc phục tính chất bình quân, ... áp dụng các hình thức trả lương gắn chặt với kết quả lao động và hiệu quả kinh tế”(3). Thực chất, đó là giải quyết một phần quan trọng việc làm cho người lao động và bảo đảm về cơ bản nguyên tắc phân phối theo lao động; thực hiện CBXH phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Tôn trọng lợi ích chính đáng của những hoạt động kinh doanh hợp pháp, có ích cho xã hội. Ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc các nguồn thu nhập bất hợp pháp; bảo đảm sự công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ đối với mỗi công dân, chống đặc quyền, đặc lợi... 

Đại hội IX của Đảng đã có sự đổi mới quan trọng trong tư duy về các nguyên tắc phân phối, bên cạnh việc tiếp tục nguyên tắc phân phối theo lao động, theo phúc lợi xã hội, đã bổ sung nội dung phân phối theo mức đóng góp vốn vào sản xuất, kinh doanh: “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội”(4).

Kinh tế thị trường định hướng XHCN, bên cạnh những tác động tích cực, tạo ra những tăng trưởng đột phá về kinh tế, thì cũng có mặt trái và những hệ lụy như tình trạng phân hoá xã hội, phân cực giàu nghèo. Vì thế đã có quan điểm cho rằng, nội dung cơ bản của CBXH không phải thể hiện ở khâu phân phối kết quả sản xuất mà ở chỗ phải tạo ra sự công bằng về cơ hội để mọi người đều có điều kiện phát triển; muốn có được CBXH phải phân phối công bằng các nguồn lực của Nhà nước, phân phối hợp lý tư liệu sản xuất. Như vậy, một cách hiểu mới, sâu sắc hơn về CBXH đã xuất hiện, đó là gắn CBXH với công bằng về cơ hội, nhưng đây không hoàn toàn chỉ có nghĩa là tạo cơ hội ngang nhau cho mọi cá nhân mà còn là tạo cơ hội phù hợp cho mỗi cá nhân sao cho mỗi chủ thể đều có cơ hội cống hiến và do đó mà đều được thụ hưởng thành quả do sự cống hiến ấy mang lại.

Tiền đề của việc thực hiện công bằng trong phân phối kết quả sản xuất là vấn đề công bằng trong phân phối tư liệu sản xuất. Điều này đã lần đầu tiên được đề cập trong Văn kiện Hội nghị giữa nhiệm kỳ khoá VII: “Công bằng xã hội thể hiện cả ở khâu phân phối hợp lý tư liệu sản xuất, lẫn khâu phân phối kết quả sản xuất, cũng như ở điều kiện phát triển năng lực của mọi thành viên trong cộng đồng”(5). Sự hợp lý là ở chỗ, phân phối tư liệu sản xuất giảm dần tính bình quân, lấy hiệu quả kinh tế của việc sử dụng nguồn tư liệu sản xuất, kinh doanh làm căn cứ để phân phối; tính hợp lý cũng thể hiện tính công bằng theo nghĩa ai sử dụng tư liệu sản xuất có hiệu quả hơn, người đó sẽ được phân phối nhiều tư liệu sản xuất hơn, qua đó, vừa làm ra nhiều của cải hơn cho xã hội, vừa làm giàu cho chính bản thân. Phân phối tư liệu sản xuất một cách hợp lý, ngoài việc phải chú trọng hiệu quả kinh tế, còn phải lấy hiệu quả xã hội làm căn cứ để phân phối. Đây là một yêu cầu mang tính tự thân của việc thực hiện CBXH ở Việt Nam thời kỳ đổi mới, bởi vì, trong xã hội ta, tư liệu sản xuất thuộc sở hữu toàn xã hội, mặt khác, Việt Nam tiến hành phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN - điều này buộc việc sử dụng tài sản của toàn xã hội phải nhằm phục vụ cho lợi ích của toàn xã hội. Như vậy, CBXH, xét cả về lý luận lẫn thực tiễn đều là mục đích tự thân của việc xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam

CBXH và tăng trưởng kinh tế (TTKT) là hai vấn đề lớn và tương đối phức tạp của sự phát triển xã hội, xuất hiện khá sớm trong lịch sử. Bàn về quan hệ giữa chúng có nhiều loại quan điểm khác nhau. Nổi trội có hai quan điểm đối lập nhau:

Một là, quan điểm cho rằng hai vấn đề này hoàn toàn đối lập nhau; trong đó, TTKT là yếu tố quyết định đối với sự tồn tại, phát triển của một quốc gia nên cần phải được ưu tiên, tập trung mọi nguồn lực. Đây là quan điểm phổ biến ở nhiều nước TBCN, nó được thực hiện một cách cực đoan đến mức hy sinh CBXH để TTKT bằng mọi giá. Thực tế ở các nước này đã chỉ ra rằng không phải cứ TTKT cao là đương nhiên có CBXH.

Hai là, quan điểm phổ biến ở các nước XHCN cho rằng CBXH luôn là mong ước của con người ở các thời đại, vì vậy cần phải xây dựng để có được xã hội công bằng, bình đẳng càng nhanh càng tốt, muốn như thế thì không có cách nào khác hơn là phải ưu tiên thực hiện CBXH trước (thậm chí bằng chủ quan duy ý chí, ngay cả khi các điều kiện khách quan để thực hiện chưa có) và từ đó mới tạo được động lực để phát triển kinh tế. Thực tế vận động phát triển của mô hình XHCN ở Liên Xô và Đông Âu trước đây đã cho thấy, quan niệm này - với biểu hiện tập trung là xoá bỏ một cách duy ý chí hoàn toàn sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, công hữu hoá một cách tuyệt đối, tràn lan toàn bộ tư liệu sản xuất (biến công hữu thành quốc hữu); bỏ qua cả nguyên tắc phân phối theo lao động, thực hiện phân phối bình quân, cào bằng - đã trở thành lực cản đối với TTKT.

Xã hội sẽ không thể phát triển được nếu đối lập TTKT với CBXH. Ở Việt Nam, thất bại của thời kỳ thực hiện CBXH một cách siêu hình, không quan tâm đến trình độ phát triển kinh tế của đất nước đã ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế không phát triển được mà CBXH cũng bị biến dạng.

Đại hội VIII của Đảng đánh dấu bước phát triển mới về vấn đề kết hợp hài hoà tăng TTKT với thực hiện CBXH: “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ xã hội và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi và trong suốt quá trình phát triển...”(6); Hội nghị Trung ương 4 khoá VIII tiếp tục khẳng định: “Phát triển kinh tế phải đi đôi với thực hiện công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn... giữa các tầng lớp xã hội”(7); Đại hội IX nêu phương châm cơ bản là phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Đến Đại hội X vẫn tiếp tục khẳng định: “... thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển, thực hiện tốt các chính sách xã hội trên cơ sở phát triển kinh tế, gắn quyền lợi và nghĩa vụ, cống hiến và hưởng thụ”(8). Thực chất, kế thừa các quan điểm của các Đại hội trước về kết hợp TTKT với CBXH, Đại hội lần này đã cụ thể hoá hơn ở những điểm sau đây: Kết hợp mục tiêu kinh tế với mục tiêu xã hội trên phạm vi cả nước, ở từng lĩnh vực, địa phương; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; thực hiện tốt, có hiệu quả các chính sách xã hội trên cơ sở phát triển kinh tế, gắn quyền lợi và nghĩa vụ, cống hiến và hưởng thụ, tạo động lực mạnh và bền vững cho phát triển kinh tế - xã hội; tập trung giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc. 

Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, trong những năm đổi mới, Nhà nước đã xây dựng nhiều chiến lược, chương trình quốc gia về tạo cơ hội và năng lực cho người nghèo như: Chương trình quốc gia xúc tiến việc làm (Chương trình 120); Chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở những xã đặc biệt khó khăn... (Chương trình 135); Chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc (Chương trình 327); thành lập Quỹ xoá đói giảm nghèo ở các địa phương trong cả nước... Hằng năm, Nhà nước dành khoảng 25% ngân sách đầu tư cho các lĩnh vực xã hội. Nhờ đó, đã giảm nhanh tỷ lệ hộ đói nghèo, nâng mức chuẩn nghèo, thu hẹp sự phân hoá các tầng lớp dân cư; phát triển nhanh việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa... nhằm mục tiêu tăng trưởng bền vững; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung theo hướng vừa tăng tốc vừa bền vững, đảm bảo ổn định chính trị.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn không ít những vấn đề đặt ra trong quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Một là, TTKT và CBXH ở Việt Nam có xu hướng thiếu bền vững. Ở nước ta hiện nay, lao động, việc làm là một vấn đề lớn phải đối mặt: tình trạng thiếu việc làm gia tăng nhanh, ngay cả ở những người có việc làm thì thu nhập cũng rất thấp không đủ để nuôi sống gia đình; cùng với tốc độ TTKT là sự gia tăng của khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội, tệ nạn xã hội và tội phạm.

Hai là, tình trạng quan liêu, tham nhũng, làm ăn phi pháp gia tăng nghiêm trọng, tác động rất xấu đến TTKT và thực hiện CBXH; làm mất lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.         

Ba là, phân hoá với khoảng cách lớn về thu nhập cũng gia tăng nhanh chóng giữa các vùng miền; tình trạng đói nghèo gia tăng và khó khắc phục ở bộ phận dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo.

Bốn là, TTKT đi liền với phân hoá ngay từ việc tiếp cận cơ hội, đó là việc tiếp cận và tiếp cận được với các nguồn đầu tư về giáo dục, sức khoẻ và các dịch vụ có chất lượng khác thường chỉ thuộc về nhóm người có thu nhập cao.

Từ quan điểm lý luận, thực tiễn hoạt động của một số trào lưu cánh tả trên thế giới, những thành tựu đạt được của một số quốc gia phát triển theo đường lối và sự lãnh đạo của đảng cánh tả; từ thực tế phát triển đất nước thời kỳ đổi mới gắn với xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, chúng ta có thể vận dụng một số nội dung phù hợp về lý luận cũng như cách thức tiến hành, thậm chí là một số mô hình trong một số lĩnh vực của các trào lưu cánh tả để thực hiện CBXH trong sự tương thích với TTKT. Tuy nhiên, bất cứ một sự vận dụng, kế thừa nào cũng đều phải quán triệt nguyên tắc không rập khuôn, máy móc hay vận dụng một cách khiên cưỡng mà phải có chọn lọc, có phê phán với phương châm khách quan, lịch sử - cụ thể và phát triển sáng tạo.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2013

(1) Xem Vũ Hoàng Công (chủ biên): Xây dựng và phát triển nền dân chủ XHCN trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nxb Chính trị - Hành chính , Hà Nội, 2009, tr.53.

(2) Xem Nguyễn Hoàng Giáp: Sự phối hợp hoạt động của các Đảng cộng sản và cánh tả trên thế giới hiện nay, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2006, tr.163.

(3) ĐCSVN:  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội 1987, tr.72.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2001, tr.88.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.47.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.113.

(7) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.19.

(8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.101.

 

TS Trương Quốc Chính

Học viện Hành chính

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền