Trang chủ    Quốc tế    Lòng tin chiến lược cho hòa bình và an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Thứ ba, 18 Tháng 3 2014 11:06
6418 Lượt xem

Lòng tin chiến lược cho hòa bình và an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

(LLCT)- Bài phát biểu đề dẫn: “Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình hợp tác, thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn đối thoại Shangri-la lần thứ 12 ngày 31-5-2013 được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao về độ sâu sắc của tư duy và tính thiết thực trong thực tiễn.

 

Bài phát biểu của Thủ tướng phản ánh đúng thực chất mối quan hệ giữa các nước trong khu vực hiện nay, đó là tình trạng mất lòng tin giữa các nước với nhau là nguy cơ xảy ra xung đột, mất an ninh, đe doạ hòa bình của khu vực. Để khắc phục tình trạng trên, lòng tin chiến lược chính là cái cần, là mục tiêu chiến lược và là giải pháp chiến lược mang lại hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực.

1. Sự cần thiết phải xây dựng lòng tin chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Theo cách hiểu chung nhất: Lòng tin (hay sự tin cậy) là một hiện tượng tâm lý xã hội - văn hóa tổng hợp và tâm thế này được coi là một trong những điều kiện cơ bản để có thể duy trì đời sống tập thể. Nguồn gốc của sự tin cậy trong xã hội không phải xuất phát từ lòng tốt hay từ thiện ý chủ quan của từng cá nhân, mà xuất phát chủ yếu từ các định chế xã hội. Nói một cách khác, sự tin cậy tồn tại trên nền tảng của các quy ước và chuẩn mực xã hội trong khuôn khổ của những định chế xã hội nhất định.

Trong các quan hệ xã hội, lòng tin là yếu tố mang tính chất nền tảng của mọi hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội. Mọi quan hệ xã hội đều được xây dựng trên cơ sở lòng tin. Nếu thiếu lòng tin thì mọi quan hệ xã hội nói chung và quan hệ quốc tế nói riêng đều sẽ tan rã, đổ vỡ. “Lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột. Lòng tin cần được nâng niu, vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành”(1).

Như vậy là, lòng tin có ba yếu tố đặc trưng: Thứ nhất, là sự tương đồng về lợi ích và chia sẻ lợi ích. Thứ hai, là cơ sở về giá trị, nghĩa là phải hiểu cái gì là tốt, là xấu, cái gì tốt cả cho mình và cho người, hay chỉ tốt cho mình mà hại cho người. Thứ ba là chuẩn mực, ở đây chuẩn mực là những luật pháp, định chế là những cái gì ta cho là đúng, là sai. Nếu chia sẻ được cả ba yếu tố lợi ích, giá trị, chuẩn mực thì sẽ phát sinh lòng tin(2).

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương các nước ngày càng chia sẻ với nhau nhiều lợi ích và giá trị chung, nhưng về chuẩn mực, cụ thể là luật pháp quốc tế lại đang đứng trước những nguy cơ thách thức ngày càng lớn đối với hòa bình và an ninh.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng nêu rõ: “Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”(3). Thủ tướng phân tích thêm: nếu những nguy cơ ấy bùng nổ thành xung đột quân sự thì hậu quả sẽ là “không có kẻ thắng người thua - mà tất cả cùng thua”(4). Vì vậy, nếu chúng ta thực sự mong mỏi có một khu vực hòa bình, hữu nghị, trong đó các nước đều phát triển và thịnh vượng thì trước hết phải thực sự tin nhau và gắn bó với nhau. Đây không chỉ là lòng tin trước mắt, tạm thời đối phó với tình thế, mà là một lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

2. Xây dựng lòng tin chiến lược là mục tiêu chiến lược chung của khu vực

Xây dựng “lòng tin chiến lược” giữa các quốc gia không hẳn là một thông điệp mới, nó đã được các nguyên thủ quốc gia của Trung Quốc nêu tại các cuộc gặp gỡ cấp cao gần đây giữa nước này với Ấn Độ và Mỹ. Trong cuộc Đối thoại quốc phòng (ADMM+) tháng 3-2013 tại Jakarta (Inđônêsia), Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono cũng đề cập đến việc xây dựng lòng tin chiến lược giữa các nước trong khu vực. Đến Đối thoại Shangrila lần thứ 12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập đến việc xây dựng lòng tin chiến lược giữa các nước một cách đầy đủ và toàn diện hơn. Sự trùng lặp này có thể hiểu rằng lòng tin chiến lược chính là nhu cầu khẩn thiết, là mục tiêu hướng tới của các quốc gia nhằm đảm bảo hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển chung của khu vực.

Chiến lược ở đây được hiểu theo nghĩa: mỗi quốc gia đều có những mục tiêu riêng, các mục tiêu này có thể không ăn khớp, thậm chí mâu thuẫn với nhau. Hành động của mỗi quốc gia có thể tạo ra phản ứng tích cực hay tiêu cực từ quốc gia khác. Do đó, cần phải tính tới phản ứng của các nước khác trước khi có những bước đi tiếp theo trong mọi vấn đề. Chiến lược chính là tập hợp những bước đi có tính đến phản ứng của các đối tác xung quanh.

Vậy, làm thế nào để xây dựng lòng tin chiến lược?

Trước hết, cần đề cao trách nhiệm của các quốc gia trong tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các nước lớn và nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương. Trong bài phát biểu, Thủ tướng cũng nêu rõ: “Trong thế giới văn minh ngày nay, Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung đã trở thành giá trị của toàn nhân loại cần phải được tôn trọng. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để xây dựng lòng tin chiến lược”(5).

Thứ hai, lòng tin chỉ có thể được xây dựng bằng các bước đi, hành động cụ thể, chân thành, liên tục, không thể nóng vội. Phải xây dựng từ cái nhỏ đến cái lớn, không thể chỉ quan tâm cái đại cục mà bỏ qua cái tiểu tiết. Xây dựng lòng tin chiến lược đòi hỏi lời nói phải đi đôi với hành động, có hành động hợp tác cụ thể và hiệu quả trên thực tế. Việc xây dựng lòng tin chiến lược phải được tiến hành ở tất cả các nước trong khu vực với vai trò và ý thức trách nhiệm vì cái chung, vì cộng đồng. Thí dụ: đề xuất không sử dụng vũ lực trước trong giải quyết mâu thuẫn quốc tế là một đề xuất quan trọng góp phần tăng đối thoại, giảm đối đầu, tránh xung đột, phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới hiện nay. Do vậy, việc nổ súng trước, dù có xuất phát từ chính sách quốc gia, mệnh lệnh của người chỉ huy hay sự manh động thiếu kiềm chế của một cá nhân nào đó, thì tất cả đều gây ra cùng hậu quả là ảnh hưởng đến tính mạng người dân và đây là điều không thể chấp nhận được, chỉ làm tăng thêm nghi kỵ, thù hằn chứ không phải lòng tin vào nhau giữa các bên.

Thứ ba, để xây dựng, củng cố và tăng cường lòng tin trong quan hệ quốc tế ở khu vực cần phải có sự minh bạch, tức là thể hiện sự thân thiện và chân thành trong từng ý định, dự tính của mình. Trái lại, sự mập mờ, nước đôi, các hành động đơn phương chỉ làm sói mòn lòng tin. Bài phát biểu của Thủ tướng nêu rõ: “Cạnh tranh và can dự vốn là điều bình thường trong quá trình hợp tác và phát triển. Nhưng nếu sự cạnh tranh và can dự đó mang những toan tính chỉ cho riêng mình, bất bình đẳng, trái với luật pháp quốc tế, thiếu minh bạch thì không thể củng cố lòng tin chiến lược, dễ dẫn tới chia rẽ, nghi kỵ và nguy cơ kiềm chế lẫn nhau, ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, hợp tác và phát triển”(6).

Thứ tư,để xây dựng lòng tin cũng cần có những cơ chế kiểm chứng. Khi một quốc gia cam kết thực hiện một vấn đề, cần phải có một cơ chế để đánh giá xem họ có làm hay không và nếu làm thì ở mức độ nào. Không có cơ chế kiểm chứng thì mỗi cam kết sẽ được các bên giải thích theo các cách khác nhau vì lợi ích riêng của mình.

Lấy vấn đề an ninh ở Biển Đông làm thí dụ: ASEAN và Trung Quốc đã cùng nhau vượt qua một chặng đường khá dài và cũng không ít khó khăn để ra được Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở PhnômPênh năm 2002. Nhân kỷ niệm 10 năm ký và thực hiện DOC, các bên đã thống nhất nỗ lực tiến tới Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Đây chính là cơ chế kiểm chứng khả thi để các bên nỗ lực đề cao trách nhiệm, cùng nhau củng cố lòng tin chiến lược.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: “Chúng tôi cho rằng, ASEAN và các nước đối tác có thể cùng nhau xây dựng một cơ chế khả thi để đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải trong khu vực. Làm được như vậy sẽ không chỉ góp phần đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và tạo điều kiện để giải quyết các tranh chấp, mà còn khẳng định những nguyên tắc cơ bản trong việc gìn giữ hòa bình, tăng cường hợp tác, phát triển của thế giới đương đại”(7).

Thứ năm, để xây dựng lòng tin chiến lược cần điều chỉnh tư duy trong quan hệ quốc tế cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới.

Trong thành ngữ Việt Nam có câu “mất lòng tin là mất tất cả”, nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng khoa học - công nghệ hiện nay, mọi vấn đề đều biến đổi một cách nhanh chóng, phức tạp, khó lường thì đôi khi mất lòng tin chưa phải đến mức không thể chấp nhận được. Việc tạo dựng lòng tin và mất lòng tin trong quan hệ quốc tế hiện nay cũng cần được nhìn nhận một cách khách quan. Thí dụ: trong quan niệm “ưu tiên lợi ích quốc gia”, “vì lợi ích quốc gia” không có nghĩa là ta đặt lợi ích quốc gia của mình lên trên hết mà không đếm xỉa tới lợi ích của các quốc gia khác. Điều đó cần được hiểu một cách khách quan hơn theo nghĩa là trong khi quan tâm đến lợi ích của nước mình, cần đặt nó trong mối tương quan chung với lợi ích của các quốc gia dân tộc khác trên cơ sở đôi bên, các bên cùng có lợi.

Như vậy là, xây dựng lòng tin chiến lược là mục tiêu hướng tới của tất cả các quốc gia trong khu vực. Mỗi quốc gia phải dựa trên cơ sở nhận thức chung, khuôn khổ chung, luật pháp, cam kết quốc tế và các thể chế khu vực để đưa ra những bước đi riêng cho mình, đồng thời cùng nhau hướng tới một mục đích chung. Khi đó các mâu thuẫn, tranh chấp, va chạm, xung đột có thể không mất đi, nhưng sẽ được quản lý và từng bước giải quyết.

3. Xây dựng lòng tin là giải pháp chiến lược cho hòa bình, an ninh của khu vực

Hiện nay, khu vực đang phải đối diện trước nhiều nguy cơ, thách thức đối với hòa bình và an ninh do các nước chưa thực sự chân thành, chưa xây dựng được lòng tin đối với nhau. Do vậy, xây dựng lòng tin chính là giải pháp chiến lược cho hòa bình, an ninh khu vực. Chúng ta cùng nhau phân tích mối quan hệ giữa các nhóm nước sẽ thấy rõ điều này.

Với các nước lớn: nếu muốn chung sống hòa bình cần tránh va chạm, đối đầu, bởi nó có thể gây ra những thảm hoạ khôn lường, trước hết đối với chính họ, sau đó đối với các nước xung quanh. Xây dựng lòng tin giữa các nước lớn là điều đáng được hoan nghênh. Tuy nhiên, các nước lớn đều cần phải tôn trọng các chuẩn mực, cam kết, các thể chế của khu vực và lợi ích của các nước có liên quan. Các cường quốc mà không quan tâm đến các chuẩn mực cũng như lợi ích của các nước trong khu vực sẽ có tác động tiêu cực đến sự ổn định an ninh và triển vọng hợp tác phát triển chung.

Với các nước nhỏ:số phận các nước nhỏ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang diễn ra với hai xu thế: (1) Nếu xây dựng được lòng tin chiến lược, biết đoàn kết và hợp tác chặt chẽ với nhau, thì sẽ cùng nhau phát triển nhanh chóng, cùng xây dựng một cộng đồng khu vực ngày càng cường thịnh. (2) Nếu vẫn tiếp tục chia rẽ, thì sẽ tiếp tục tự đặt mình dưới sự chi phối của các nước lớn, sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến sự nguy vong của mỗi nước.

Bài học xương máu ấy luôn nhắc nhở các nước nhỏ một điều đã trở thành chân lý: những nước nhỏ nếu đoàn kết lại với nhau thì không ai làm gì nổi, còn nếu nước nhỏ bị nước lớn mua chuộc và tách ra khỏi cộng đồng thì nhất định sẽ bị diệt vong.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói rất kỹ về sự tăng trưởng nhanh chóng, vai trò ngày càng quan trọng và lớn mạnh của khối ASEAN. Một ASEAN thống nhất sẽ có thêm sức mạnh và niềm tin để cùng nhau giải quyết mọi khó khăn và thử thách của thời đại, ngược lại “một ASEAN thiếu thống nhất sẽ tự đánh mất vị thế và không có lợi cho bất cứ một ai”(8).

Xây dựng lòng tin chiến lược sẽ tạo dựng được sự đoàn kết, hợp tác, cùng phát triển giữa các nước, để ASEAN trở thành một cộng đồng khu vực không chỉ ở châu Á - Thái Bình Dương mà còn có vai trò tương ứng trên phạm vi toàn thế giới.

Trong quan hệ nước nhỏ nước lớn: Các nước nhỏ mong các nước lớn có thể đóng góp nhiều hơn, đồng thời có trách nhiệm hơn trong việc tạo dựng và củng cố lòng tin chiến lược. Thái độ chung của ASEAN là: “... trông đợi và ủng hộ Hoa Kỳ và Trung Quốc khi các chiến lược, việc làm của hai cường quốc này tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền của các quốc gia, vừa đem lại lợi ích cho chính mình, đồng thời đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung”(9). Trách nhiệm chung của mọi nước dù nhỏ hay lớn là phải tuân thủ theo Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các nguyên tắc chuẩn mực chung cần phải được tôn trọng. Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất đối với tương lai của chính mình cũng như của cả khu vực và thế giới.

Hiện nay, hòa bình và an ninh khu vực đang đối diện với nhiều nguy cơ và thách thức. Vì vậy, cùng nhau xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vừa là mục tiêu vừa là giải pháp chiến lược để tiến tới hòa bình, hợp tác, thịnh vượng chung của khu vực.

_______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2013

(1),(3),(4),(5),(6),(7),(8),(9) Nguyễn Tấn Dũng: Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương, Tạp chí Thông tin đối ngoại, số 6-2013.

(2) Dẫn theo Vũ Hùng: Xây dựng lòng tin - mục tiêu chiến lược của cả khu vực, Báo Quân đội nhân dân, ngày 1-7-2013.

PGS,TS Thái Văn Long

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền