Trang chủ    Quốc tế    Sự đổi mới, hoàn thiện phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Thứ sáu, 21 Tháng 3 2014 14:41
3744 Lượt xem

Sự đổi mới, hoàn thiện phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc

(LLCT) - Hơn 30 năm tiến hành công cuộc cải cách mở cửa, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có nhiều nhận thức mới và giải pháp mới nhằm hoàn thiện phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đáp ứng sự nghiệp xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc.

1. Xác định trọng tâm của việc nghiên cứu phương thức cầm quyền là đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền luôn luôn phải phù hợp với tình hình mới, tức là phải tiến cùng thời đại.

Một là,xây dựng nền chính trị dân chủ XHCN. Điều căn bản của phát triển dân chủ chính trị XHCN là phải bảo đảm sự thống nhất giữa kiên trì sự lãnh đạo của Đảng với nhân dân làm chủ và quản lý đất nước theo pháp luật.

Hai là, về chế độ, không ngừng nghiên cứu hoàn thiện khung thể chế chính trị của Đảng Cộng sản (ĐCS) cầm quyền. Qua tổng kết kinh nghiệm cầm quyền trước và trong cải cách mở cửa, ĐCS Trung Quốc nhận thức rằng, phải tăng cường xây dựng pháp chế dân chủ thì phương thức cầm quyền dân chủ mới được bảo đảm. Từ tổng kết đó, ĐCS Trung Quốc luôn hướng tới kiện toàn chế độ dân chủ, làm phong phú hình thức dân chủ, mở rộng việc tham gia chính trị có trật tự của công dân, bảo đảm bầu cử dân chủ, quyết sách dân chủ, quản lý dân chủ và giám sát dân chủ theo pháp luật, có quyền lợi và tự do rộng rãi, tôn trọng và đảm bảo nhân quyền.

Ba là, xác lập phương lược cơ bản quản lý đất nước theo pháp luật và ý tưởng mới cầm quyền theo pháp luật, cầm quyền khoa học và cầm quyền dân chủ. Mục tiêu cải cách phương lược quản lý đất nước theo pháp luật và thể chế chính trị xây dựng nhà nước pháp trị được các Đại hội Đảng thông qua, chứng tỏ nhận thức về xây dựng nền chính trị dân chủ XHCN và đổi mới phương thức cầm quyền đã đạt tới trình độ cao, tạo động lực mạnh mẽ cho phương thức cầm quyền của Đảng tiến tới khoa học hóa, hiện đại hóa.

Bốn là, đã xác lập được nguyên tắc cơ bản thực hiện sự lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng chủ yếu là lãnh đạo chính trị, lãnh đạo tổ chức và lãnh đạo tư tưởng, đây là điều luôn được nhấn mạnh từ Hội nghị Trung ương ba khóa XI (12-1978) đến nay.

Năm là, nêu ra phương hướng đổi mới phương thức lãnh đạo và hình thức cầm quyền của Đảng. Thực hiện phương hướng này, Đảng phải xử lý tốt mối quan hệ giữa dân chủ trong Đảng và dân chủ trong nhân dân, quan hệ giữa Đảng và pháp luật, quan hệ giữa Đảng và chính quyền, quan hệ giữa Đảng và xã hội, giữa Đảng và đoàn thể quần chúng.

2. Phương thức cầm quyền phải đứng vững trong thực tế, phù hợp với hiện đại hóa

Phương thức cầm quyền của Đảng là nhân tố chế ước trực tiếp để Đảng lãnh đạo chính quyền nhà nước, tạo ảnh hưởng xã hội, thúc đẩy năng lực và trình độ phát triển xã hội. Phương thức cầm quyền phải đứng vững trong thực tế, phù hợp với quá trình hiện đại hóa. Muốn đạt được điều đó, Đảng phải luôn chú ý những điểm then chốt sau:

Thứ nhất, phải xác lập phương thức cầm quyền một cách khoa học. Mục tiêu của Đảng là một trong những yếu tố cơ bản tạo nền tảng cầm quyền. Mục tiêu cầm quyền của ĐCS Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay chủ yếu là xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc, thực hiện xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân giàu có, hạnh phúc. ĐCS giữ vai trò chủ đạo trong đời sống chính trị và chịu trách nhiệm trực tiếp đối với sự phát triển chính trị của đất nước, thông qua đổi mới, hoàn thiện phương thức cầm quyền, không những nâng cao được năng lực cầm quyền của Đảng mà còn thúc đẩy công cuộc xây dựng văn minh chính trị của đất nước phát triển. Thực tiễn chứng minh rằng, tính khoa học của phương thức cầm quyền là nhân tố tất yếu thực hiện mục tiêu cầm quyền. Tính hiệu quả của phương thức cầm quyền được quyết định ở năng lực cầm quyền và định vị chức năng đúng đắn của nó. Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc Hồ Cẩm Đào chỉ rõ: “Xây dựng lý luận cầm quyền của Đảng là một hệ thống công trình bao gồm các bình diện chủ yếu như: ý tưởng cầm quyền, cơ sở cầm quyền, phương lược cầm quyền, thể chế cầm quyền, phương thức cầm quyền, nguồn lực cầm quyền...”(1).

Thứ hai, sự thay đổi điều kiện và môi trường cầm quyền đòi hỏi phương thức cầm quyền phải tiến cùng thời đại. ĐCS Trung Quốc cầm quyền trong hoàn cảnh mới chưa từng có, thể hiện qua những bình diện chủ yếu sau:

Trung Quốc đang ở trong thời đại mở cửa chưa từng có từ trước tới nay. Điều này không chỉ do toàn cầu hóa gây ra mà còn là đòi hỏi phát triển của nội thân Trung Quốc. Trung Quốc muốn trỗi dậy hòa bình thì phải hòa nhập với thế giới. Hơn nữa, sự trỗi dậy của Trung Quốc đang làm thế giới đặc biệt quan tâm. Công việc nội bộ của Trung Quốc trở thành vấn đề mà các phương tiện truyền thông trên thế giới luôn chú trọng đăng tải, bình luận.

Việc xây dựng và phát triển thể chế kinh tế thị trường XHCN cũng đòi hỏi phương thức cầm quyền của Đảng phải tiến cùng thời đại. Vì điều này không chỉ thay đổi căn bản hình thái kinh tế Trung Quốc mà còn làm thay đổi quan điểm giá trị và phương thức hành vi của người Trung Quốc. ĐCS Trung Quốc nằm ở trung tâm của sự thay đổi này cũng đang đứng trước sự thay đổi và thử thách chưa từng có.

Trải qua hơn 30 năm cải cách mở cửa, cơ cấu xã hội và ý thức nhóm của người Trung Quốc có sự thay đổi to lớn. Công cuộc cải cách, mở cửa dẫn tới việc cải tổ giai cấp xã hội, lợi ích giai tầng và cơ cấu xã hội. Giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức đã có những đổi mới cơ bản. Giai cấp tư sản trung lưu với chủ doanh nghiệp tư nhân đang trỗi dậy. Bản thân đội ngũ hàng chục triệu đảng viên cũng có những thay đổi quan trọng. 

Đổi mới phương thức cầm quyền là yêu cầu bên trong của phương lược quản lý đất nước theo pháp luật. Thực hiện sự thay đổi từ “nhân trị”, “đảng trị” sang “pháp trị” là sự thay đổi có ý nghĩa sâu xa trong tiến trình cải cách của Trung Quốc. Quan trọng nhất là quản lý đất nước theo Hiến pháp, đảm bảo mọi người từ công dân đến đảng viên, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể đều bình đẳng trước pháp luật. Việc nêu ra phương lược quản lý đất nước theo pháp luật vừa là phương hướng chuyển đổi phương thức cầm quyền, vừa là nguyên tắc quan trọng trong đổi mới phương thức cầm quyền.

3. Từng bước hoàn thiện phương thức cầm quyền

ĐCS Trung Quốc nêu rõ, phải kiên trì cầm quyền khoa học, cầm quyền dân chủ, cầm quyền theo pháp luật, đây là phương hướng cơ bản nhằm không ngừng hoàn thiện phương thức cầm quyền của Đảng. Để thực hiện điều đó, ĐCS Trung Quốc đã xác định rõ những điều cơ bản cần thực hiện là:

a) Nguyên tắc và điểm then chốt trong đổi mới về phương thức cầm quyền

Đổi mới phương thức cầm quyền cần xác định rõ những nguyên tắc  sau: phải có lợi cho việc tăng cường sự lãnh đạo và giữ vững địa vị cầm quyền của Đảng, có lợi cho phục vụ nhân dân; phải kiên trì quản lý đất nước theo pháp luật, bảo đảm cho nhân dân làm chủ đất nước về chế độ, pháp luật; phải ra sức phát triển chính trị dân chủ XHCN, xây dựng văn minh chính trị XHCN; phải kiên trì chế độ tập trung dân chủ, thực hiện sự thống nhất biện chứng giữa dân chủ và tập trung; kiên trì nguyên tắc cầm quyền đạt hiệu quả cao, thanh liêm, công bằng, chính trực.

Đổi mới phương thức cầm quyền còn đặc biệt chú trọng những điểm then chốt sau: (1) quan hệ giữa Đảng và Chính phủ. Lịch sử trước cải cách mở cửa chứng minh rõ Đảng thay thế Chính phủ là chồng chéo, lấn sân, bao biện. Hiện nay, cách làm đó càng không phù hợp với chính trị hiện đại. (2) quan hệ giữa Trung ương và địa phương. Trung Quốc là nước lớn có nhiều dân tộc, quan hệ giữa Trung ương và địa phương luôn là vấn đề quan trọng và phức tạp. Trung Quốc vừa có đặc điểm nước lớn thống nhất, vừa có truyền thống chia rẽ, kéo bè kéo cánh. Vấn đề tôn giáo không nghiêm trọng nhưng vấn đề dân tộc thì không thể coi thường. (3) quan hệ giữa Đảng, thị trường và doanh nghiệp. Đổi mới phương thức cầm quyền phải thích nghi với yêu cầu kinh tế thị trường XHCN giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng, Chính phủ với thị trường và doanh nghiệp. Chính phủ phải “thực hiện tách rời chính quyền và doanh nghiệp... Phải chuyển chức năng quản lý kinh tế của Chính phủ vào việc chủ yếu phục vụ chủ thể thị trường và tạo môi trường phát triển lành mạnh, chủ yếu vận dụng biện pháp kinh tế và biện pháp pháp luật quản lý kinh tế”(2). (4) quan hệ giữa chính trị trong nước và chính trị quốc tế. Toàn cầu hóa làm cho chính trị trong nước liên quan chặt chẽ với chính trị quốc tế. Mối liên hệ giữa Trung Quốc và các tổ chức quốc tế đòi hỏi Đảng cầm quyền phải có tầm nhìn quốc tế, khi quyết định các quyết sách lớn phải tính đến nhân tố quốc tế. (5) quan hệ giữa cầm quyền, quản lý và pháp trị. Xã hội Trung Quốc từng bước tiến tới xã hội pháp trị. (6) quan hệ với truyền thống văn hóa. Trung Quốc có bề dày truyền thống văn hóa sâu sắc và phức tạp. Cầm quyền là hành vi chính trị cao cấp thuộc phạm trù văn hóa. Văn hóa quan trường thời đại cũ không chỉ ảnh hưởng tới quan niệm và ý thức cầm quyền mà còn ảnh hưởng tới tư duy và phương thức hành vi của họ.

b) Tiêu chuẩn đánh giá phương thức cầm quyền phù hợp

Phương thức cầm quyền được quyết định ở những nhân tố cơ bản sau: (1) truyền thống văn hóa lịch sử, (2) trình độ phát triển sức sản xuất và thể chế kinh tế, (3) ý tưởng cầm quyền.

Việc đánh giá phương thức cầm quyền thường dựa trên những cách thức cơ bản sau:

- Xem xét phương thức cầm quyền có hợp lý hay không, tức là có phù hợp với điều kiện lịch sử hay không. Điều kiện lịch sử thay đổi đòi hỏi phương thức cầm quyền cũng phải thay đổi theo.

- Phương thức cầm quyền có hiệu quả không. Điều này chủ yếu xem phương thức cầm quyền mới của Đảng có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội hay không, có làm cho quyền lực nhà nước phát triển theo hướng thống nhất hay không.

- Xem xét nó có khiến cho quần chúng nhân dân thỏa mãn hay không. Phương thức cầm quyền tốt hay không tốt cuối cùng được quyết định bởi nhân dân có hài lòng hay không. Bởi vậy, bất kỳ sự đổi mới phương thức cầm quyền nào cũng phải lấy lợi ích và ý chí của nhân dân làm cơ sở(3).

c) Kiên trì các nguyên tắc cơ bản

 Trong quá trình phát triển, môi trường mà Đảng tồn tại và nhiệm vụ mà Đảng phải giải quyết cũng không ngừng biến đổi, đòi hỏi phương thức cầm quyền của Đảng phải luôn đổi mới cho phù hợp, trong đó chú trọng những điều cơ bản sau:

Một là, tăng cường ý thức cầm quyền của Đảng, kiên trì tư tưởng lập Đảng vì công, cầm quyền vì dân

Ý thức cầm quyền là chỉ trách nhiệm và sứ mệnh chính trị của Đảng và thành viên của Đảng trong việc thực hiện chức năng cầm quyền, củng cố địa vị cầm quyền. Cần nâng cao trình độ lãnh đạo và trình độ cầm quyền của Đảng, nâng cao năng lực chống thoái hóa, biến chất, đẩy lùi rủi ro là những vấn đề quan trọng  trong quá trình đổi mới.

Tăng cường ý thức cầm quyền là tăng cường ý thức đổi mới cầu tiến bộ. Đổi mới là linh hồn sự tiến bộ của một dân tộc, là động lực không mệt mỏi, là ngọn nguồn giữ vững sức sống của Đảng cầm quyền. Phải tự giác giải phóng tư tưởng thoát khỏi sự ràng buộc của những quan niệm, cách làm và thể chế đã lỗi thời, những lý giải sai lầm và giáo điều về chủ nghĩa Mác - Lênin.

Tăng cường ý thức cầm quyền cần phải tăng cường ý thức phát triển Đảng, làm thịnh vượng đất nước. Phát triển đòi hỏi phải có cách nghĩ mới, có đột phá mới, có hành động mới.

Tăng cường ý thức cầm quyền cần tăng cường ý thức công bộc cầm quyền vì dân. Tăng cường ý thức cầm quyền phải tuân thủ quy luật cầm quyền của Đảng. Điểm quan trọng đầu tiên trong quy luật cầm quyền là đảng cầm quyền phải hoạt động trong phạm vi Hiến pháp và pháp luật và phải có cơ sở pháp lý cầm quyền. Cơ sở pháp lý căn bản nhất là sự công nhận của nhân dân đối với đảng cầm quyền(4).

Hai là, kiên trì cầm quyền một cách khoa học, bảo đảm chính xác vai trò hạt nhân “nắm toàn diện, phối hợp nhịp nhàng các bên” của Đảng

Cầm quyền một cách khoa học đòi hỏi phải phân chia một cách khoa học chức năng giữa Đảng cầm quyền và quyền lực công của Nhà nước, phân chia nguyên tắc lãnh đạo của Đảng với quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp, tạo quan hệ thuận lợi giữa Đảng và chính quyền về mặt thể chế. Muốn đạt được điều đó, cần thực hiện tốt những điều sau:

- Kiên trì sự lãnh đạo chính trị của Đảng đối với phương châm chính sách lớn và công tác chế định đường lối, phương châm, chính sách đúng đắn của Đảng.

- Kiên trì tốt nguyên tắc Đảng quản lý cán bộ. Đảng muốn đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền, nâng cao trình độ cầm quyền thì phải giới thiệu đảng viên và nhân tài xuất sắc, tài đức song toàn, được quần chúng thừa nhận vào cương vị lãnh đạo các cấp.

- Kiên trì sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội và bộ máy nhà nước chuyên chính dân chủ nhân dân. Đây là những đòi hỏi để bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ, gìn giữ toàn vẹn chủ quyền quốc gia.

- Kiên trì sự lãnh đạo ý thức hệ của Đảng. Trong thời đại toàn cầu hóa thông tin, các thế lực thù địch luôn tranh giành trận địa ý thức hệ với ĐCS. Chúng dùng mọi phương tiện thông tin làm phai nhạt lòng tin của quần chúng vào Đảng, vào chế độ, làm hỗn loạn tư tưởng trong xã hội, thậm chí tác động mạnh để đảng viên tự diễn biến, tự chuyển hóa. Vì vậy, Đảng phải kiên trì sự lãnh đạo ý thức hệ.

- Kiên trì thực hiện tốt cơ chế hợp tác đa đảng dưới sự lãnh đạo của ĐCS, phát triển chế độ đảng cầm quyền đặc sắc Trung Quốc, xử lý đúng đắn quan hệ giữa Đảng và Hiệp thương chính trị.

- Kiên trì cải thiện phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức xã hội, tăng cường ý thức phục vụ, hình thành sự hỗ trợ lành mạnh lẫn nhau giữa Đảng cầm quyền với Chính phủ, công dân xã hội, thắt chặt quan hệ giữa Đảng và quần chúng.

Ba là, kiên trì cầm quyền theo pháp luật, thực hiện quản lý đất nước theo pháp luật

Để làm tốt điều này, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chú trọng những điểm sau:

- Xử lý đúng đắn quan hệ giữa Đảng với cơ quan quyền lực nhà nước. Sự cầm quyền của Đảng thể hiện ở bình diện lãnh đạo cơ quan quyền lực nhà nước, đó là Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Đại hội đại biểu nhân dân địa phương các cấp tương ứng. Sự lãnh đạo của Đảng với Đại hội đại biểu nhân dân cũng được thể hiện thông qua đường lối, phương châm, chính sách, chứ không phải lãnh đạo hành chính thông thường.

- Xử lý đúng đắn quan hệ giữa Đảng và cơ quan hành chính nhà nước, quy phạm quan hệ của Đảng, Chính phủ. Trong quan hệ giữa Đảng và Chính phủ, sự lãnh đạo của Đảng chủ yếu là quyết định những vấn đề trọng đại như đường lối, phương châm, chính sách, nhân sự quan trọng, giám sát việc chấp hành các công việc quan trọng. Đối với những công việc thường nhật nằm trong phạm vi thuộc về chức năng của các cơ quan hành chính thì quy định bằng pháp luật và chế độ do cơ quan hành chính thi hành theo pháp luật.

- Xử lý đúng đắn quan hệ giữa Đảng và cơ quan tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tư pháp. Tức là, phải thay đổi sự can thiệp trực tiếp của Đảng đối với công việc tư pháp; phải xử lý đúng đắn mối quan hệ pháp luật giữa chính sách của Đảng với thực tiễn tư pháp.

Bốn là, kiên trì cầm quyền dân chủ, kiện toàn chế độ tập trung dân chủ, hoàn thiện phương thức cầm quyền

Cầm quyền dân chủ là cầm quyền dựa vào nhân dân, lấy phát triển dân chủ trong Đảng lôi kéo, dẫn dắt dân chủ trong nhân dân. Cầm quyền dân chủ đòi hỏi giải quyết những vấn đề sau: cải cách và hoàn thiện chế độ Đại hội đại biểu và bầu cử đại biểu của Đảng; thúc đẩy khoa học hóa, dân chủ hóa quyết sách; tăng cường hạn chế và giám sát việc thực hiện quyền lực; mở rộng quyền tham gia, quản lý, quyết sách và giám sát của công dân đối với công việc của nhà nước và xã hội.

_______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2013

(1) Hồ Cẩm Đào: Nghiêm túc tổng kết kinh nghiệm xây dựng năng lực cầm quyền, ra sức xây dựng lý luận cầm quyền của Đảng, Nhân dân Nhật báo,ngày 1-7-2004.

(2) Ôn Gia Bảo: Đi sâu cải cách thể chế quản lý hành chính, đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi chức năng Chính phủ, Nhân dân Nhật báo, ngày 6-9-2003.

(3) Xem Lý Quân Như: Nhận thức mới về quy luật cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb Nhân dân, Triết Giang, 2003, tr.156, 157.

(4) Cao Tân Dân: Bàn về phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản,Nxb Nhân dân, Quảng Tây, 2003, tr.197.

 

GS, TS Lê Văn Toan

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền