Trang chủ    Quốc tế    Những nội dung đặc sắc trong tư tưởng chính trị Hugo Chavez
Thứ năm, 24 Tháng 4 2014 16:47
2512 Lượt xem

Những nội dung đặc sắc trong tư tưởng chính trị Hugo Chavez

(LLCT) - Những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI tạo thành một thời kỳ đặc biệt trong lịch sử thế giới hiện đại. Ở đó, diễn ra hàng loạt sự kiện bước ngoặt làm đảo lộn hình thái của bản đồ chính trị toàn cầu. Cũng trong thời gian đó, xuất hiện những lãnh tụ cách mạng kiệt xuất đem lại sinh lực mới cho cuộc đấu tranh chống đế quốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc và xây dựng một xã hội tốt đẹp cho nhân dân. Họ vừa là những nhà tư tưởng, nhà chính trị, chiến lược gia quân sự...; đồng thời, là hiện thân của các tầng lớp nhân dân lao động. Trong số các nhân vật tiêu biểu ấy, Hugo Chavez (Vênêduêla, 1954 - 2013) mãi mãi ngời sáng như biểu tượng của một Mỹ La tinh rực lửa cách mạng chống đế quốc, kiên định độc lập dân tộc và nhiệt tình kiến tạo chủ nghĩa xã hội của thế kỷ XXI.  

Sinh ra vào giữa thế kỷ XX và trưởng thành trong suốt những thập kỷ sôi động của nền chính trị Mỹ La tinh nửa sau thế kỷ XX: thắng lợi của Cách mạng Cuba năm 1959; cuộc khủng hoảng tên lửa ở Vịnh Caribe năm 1962; Cách mạng Chilê năm 1972; Cách mạng Nicaragoa thành công năm 1977; quá trình dân chủ hóa ở các nước Mỹ Latinh thập kỷ 80; chiến tranh Malvinas năm 1982..., Hugo Chavez sớm có điều kiện xác lập nhận thức, các quan niệm chính trị và phong thái hoạt động chính trị đặc sắc của riêng ông.    

Năm 1975, Hugo Chavez tốt nghiệp loại xuất sắc Học viện Khoa học Quân sự Vênêduêla và bắt đầu cuộc đời binh nghiệp. Năm 1977, ông thành lập Quân Giải phóng nhân dân Vênêduêla, một phong trào cách mạng hướng đến mục tiêu thành lập chính phủ cánh tả. Trong thời gian này, Chavez có nhiều cuộc tiếp xúc với đại diện các lực lượng mác xít và các lực lượng cách mạng khác. Năm 1992, Chavez tiến hành cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ chế độ phái hữu thân Mỹ của Tổng thống Carlos Andrés Pérez. Cuộc đảo chính không thành công và thủ lĩnh Chavez bị xử tù.

Ra khỏi nhà tù, Chavez tiếp tục sự nghiệp cách mạng. Năm 1998, ông giành thắng lợi tại cuộc bầu cử Tổng thống nhờ cương lĩnh hành động phê phán không khoan nhượng chủ nghĩa tự do mới, tố cáo Đồng thuận Oasinhtơn, hướng về dân nghèo, cải thiện các dịch vụ xã hội, chăm lo giáo dục, y tế, hạn chế các tệ nạn xã hội, tăng cường đoàn kết, thống nhất Mỹ La tinh. Cũng bắt đầu từ đây, Tổng thống Chavez và sự nghiệp cách mạng Bolivar do ông đứng đầu trở thành tiêu điểm chống phá ngày càng thâm độc của các thế lực thù địch, phản động trong nước và nước ngoài dưới sự bảo trợ của Mỹ. Biết bao sóng gió dồn dập đổ về, nhưng cuộc cách mạng Bolivar Vênêduêla non trẻ do lãnh tụ Chavez cầm lái vẫn vững vàng tiến lên phía trước. Năm 2000, Chavez đắc cử Tổng thống lần thứ hai và liên tiếp tái đắc cử các năm 2006 và năm 2012 để cầm quyền đến năm 2019. Do không vượt qua được căn bệnh ung thư, ông qua đời ngày 5-3-2013.    

Tính từ năm 1977 đến khi qua đời, lãnh tụ Chavez có 36 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 15 năm làm Tổng thống, tạo ra một trang sử mới cho đất nước Vênêduêla tươi đẹp. Di sản do ông để lại thật quý báu, bao gồm: Cuộc cách mạng Bolivar đã tích lũy được 15 năm chiến đấu sáng tạo và chiến thắng vẻ vang; một chính quyền cách mạng của nhân dân đã được xây dựng và củng cố cả về tổ chức bộ máy, thể chế quản lý và đội ngũ cán bộ; sự hiểu biết, ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế... và, trên hết, đó là một nền tảng tư tưởng chính trị đúng đắn, phù hợp mang tên Hugo Chavez.        

Tư tưởng chính trị Hugo Chavez chứa đựng nhiều nội dung quan trọng, sau đây là những nội dung đặc sắc nhất:        

1. Giương cao ngọn cờ chống chủ nghĩa đế quốc, phê phán không khoan nhượng chủ nghĩa tự do mới và nhiệt tình tìm kiếm mô hình phát triển kinh tế - xã hội tốt đẹp hơn cho quốc gia dân tộc          

Cuộc khủng hoảng và tan rã của chế độ xã hội chủ nghĩa trên thế giới diễn ra vào đúng thời kỳ chủ nghĩa tư bản điều chỉnh, thích nghi, phát triển lên một giai đoạn mới - giai đoạn toàn cầu hóa. Trong bối cảnh này, không ít chính trị gia rơi vào ảo tưởng và lúng túng khi đánh giá chủ nghĩa tư bản đế quốc, nhất là đối với chủ nghĩa tự do mới được xem như học thuyết, chiến lược và mô hình của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Với nhạy cảm của một nhà chính trị đắm mình với thực tiễn sinh động, Hugo Chavez luôn luôn nhất quán và mạnh mẽ trong phê phán bản chất bất công, nô dịch, thực dụng, phi nhân tính của chủ nghĩa tự do mới. Tại các diễn đàn quốc tế, Chavez là một trong những tiếng nói gay gắt nhất đối với âm mưu thiết lập trật tự thế giới một cực do Mỹ làm bá chủ; đối với mưu toan áp đặt giá trị Mỹ lên toàn bộ phần còn lại của địa cầu.  Đồng thời, ông cống hiến toàn tâm, toàn trí, toàn lực vào “xây dựng một Tổ quốc cho tất cả mọi người được sống tốt đẹp trong công bằng và phẩm hạnh, trong các giá trị cao cả nhất của chủ nghĩa nhân đạo”, như vị lãnh tụ đã nêu trong Kế hoạch của Tổ quốc 2013 - 2019.   

Trên thực tế, trong 15 năm cầm quyền, chính quyền cách mạng đã hiện thực hóa nhiều ý tưởng chính trị đúng đắn của Tổng thống Chavez: GDP tăng 2,5 lần, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tử vong ở trẻ sơ sinh xuống còn một nửa; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 23,4% năm 1999 xuống còn xấp xỉ 8% hiện nay; số lượng sinh viên đại học tăng hơn 2 lần; người được hưởng lương hưu tăng 4 lần; hàng triệu người được hưởng dịch vụ y tế miễn phí. Theo Báo cáo năm 2012 của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Vênêduêla là quốc gia có tốc độ tăng chỉ số HDI cao thứ hai thế giới giai đoạn 2000 - 2012, đứng thứ 71 trong 199 quốc gia với chỉ số cụ thể là 0,748 điểm nhờ các tiến bộ vượt bậc trong giáo dục, y tế, chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo, đô thị hóa, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển văn hóa, thông tin, thể thao...

15 năm vừa qua của chính quyền cách mạng Vênêduêla đương nhiên là cũng có nhiều hạn chế, kể cả không ít chương trình phát triển kinh tế - xã hội bị phá sản, nhưng với những gì làm được, Chavez và sự nghiệp cách mạng của ông đã khẳng định một cách thuyết phục rằng con đường tự do tư bản chủ nghĩa không phải là giải pháp cho các vấn đề của cuộc sống hiện đại; lịch sử có sự lựa chọn đúng đắn khác, hướng tới nhân dân lao động với động lực giải phóng và phát triển.        

2. Khởi xướng xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI cả về lý luận và thực tiễn như con đường đúng đắn, phù hợp cho Vênêduêla.  

Trong 4 năm cầm quyền đầu tiên (1998- 2002), Chính phủ cách mạng của Tổng thống Chavez đã triển khai nhiều chính sách cải tạo kinh tế, xã hội theo định hướng mới, xa lạ với lợi ích của chính quyền Mỹ và các thế lực tư bản lũng đoạn Vênêduêla. Với mưu đồ bóp chết cuộc cách mạng Bolivar và chính quyền cách mạng, đế quốc Mỹ và các lực lượng phản động đã phát động một cuộc phản công tổng lực năm 2002. Đứng trước sự lựa chọn nghiệt ngã: hoặc là lùi bước trở về với chủ nghĩa tự do tư bản chủ nghĩa, hoặc là triệt để đi tiếp con đường cách mạng, lãnh tụ Chavez đã công khai tuyên bố đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI. Ông khẳng định thêm rằng không có con đường thứ ba! Rõ ràng là, con đường xã hội chủ nghĩa là một tất yếu lịch sử, nó đáp ứng một cách hợp lý nhất đòi hỏi bức thiết của công cuộc bảo vệ và xây dựng chế độ xã hội mới ở Vênêduêla.        

Mặt khác, thực tiễn Vênêduêla một lần nữa chứng minh chân lý: cuộc đấu tranh vì những mục tiêu dân tộc chân chính, trong quá trình vận động lên những tầm cao lịch sử, nhất định sẽ gặp gỡ mục tiêu chủ nghĩa xã hội, như đã diễn ra trong hầu hết các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa của thế kỷ XX.          

Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI trong tư tưởng chính trị Hugo Chavez là một mô hình kinh tế, xã hội và chính trị được xây dựng trên nền tảng lý luận và kinh nghiệm thực tiễn của chủ nghĩa xã hội châu Âu và châu Mỹ, được áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Vênêduêla. Mô hình này hướng vào những giai tầng người thuộc lớp dưới của xã hội, đem lại cho họ cơ hội của bình đẳng, công bằng, công lý. Con đường đi đến mục tiêu cao cả này, theo Chavez, tốt nhất là con đường dân chủ, thông qua bầu cử tự do và không thiên vị, nhân dân sẽ thể hiện ý chí tối thượng của mình. Thực hiện mục tiêu chủ nghĩa xã hội bằng con đường dân chủ do quần chúng cách mạng là chủ thể - đó chính là đặc trưng nổi bật nhất của chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI; là cống hiến đặc sắc của lãnh tụ Chavez cho lý luận và phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới lấy lại xung lực và sự phong phú trong thời đại mới. 

Là một nhà binh chuyên nghiệp và bản thân đã nếm trải sự phũ phàng của bạo lực, Chavez không bao giờ đánh giá thấp bạo lực trong đấu tranh chính trị. Trên cương vị nguyên thủ quốc gia 15 năm qua, ông luôn củng cố và trực tiếp nắm giữ các lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, với tư cách nhà tư tưởng thiết kế mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI, ông nhất quán khẳng định phương thức dân chủ. Chỉ có điều, đây không phải là nền dân chủ và công nghệ dân chủ của giai cấp tư sản, mà là nền dân chủ do quần chúng cách mạng là chủ thể dưới sự lãnh đạo của đội tiền phong chính trị là Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Vênêduêla (PSUV). Mặc dù mới ở những nội dung phác thảo ban đầu, nhưng tư tưởng Chavez về chủ nghĩa xã hội và cách mạng xã hội chủ nghĩa đã khắc phục được căn bệnh coi thường bạo lực cách mạng (như Salvador Allende); hoặc tư duy “tả” khuynh, tuyệt đối hóa bạo lực của đông đảo lực lượng cộng sản Mỹ Latinh từ trước tới nay; đồng thời, bác bỏ cả luận thuyết chủ nghĩa xã hội dân chủ vốn thịnh hành tại nhiều không gian châu Âu trên dưới một thế kỷ vừa qua với ảo tưởng dựa vào nền dân chủ tư sản để cải tạo chính nó và xác lập chủ nghĩa xã hội!   

3. Khơi dậy và phát huy sức mạnh của nhân dân, xác lập chính quyền nhân dân dựa trên quyền lực của nhân dân     

Các lực lượng cách mạng giành được chính quyền ở Vênêduêla không phải bằng con đường bạo lực, mà bằng chiến thắng trong các cuộc bầu cử Tổng thống, các cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp và nhiều cuộc bỏ phiếu khác. Trong hoàn cảnh này, không thể máy móc áp dụng công thức đập tan bộ máy nhà nước cũ bằng bạo lực cách mạng; nhưng nhất thiết phải xác lập được bộ máy nhà nước mới, bộ máy chính quyền cách mạng. Lãnh tụ Chavez vừa phải lãnh đạo triển khai các cuộc trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến pháp nhằm từng bước tháo dỡ (desmantelamiento) bộ máy nhà nước cũ; vừa thiết lập hệ thống công xã nhân dân như tế bào quyền lực thực tế trên địa bàn toàn quốc.          

Như vậy là, bên cạnh bộ máy chính quyền nhà nước, ở Vênêduêla còn có hệ thống công xã như bộ máy quyền lực nhân dân đảm bảo cho nhân dân là chủ nhân tối thượng của quyền lực; nhân dân tham gia trực tiếp vào tổ chức, quản lý các quá trình kinh tế- xã hội; trực tiếp quyết định sự phát triển của địa phương và quốc gia. Hệ thống này gồm công xã do Đại hội công dân bầu ra và có quyền bãi nhiệm.           

Để hệ thống quyền lực nhân dân không trở thành đồ trang sức chính trị, Hiến pháp quy định hệ thống quyền lực nhà nước phải được phi tập trung hoá, chuyển cho hệ thống quyền lực nhân dân chức năng tổ chức và quản lý các hoạt động sau đây:             

- Quản lý nhà, đất, thể thao, văn hoá, các chương trình xã hội, môi trường, quản lý các khu công nghiệp, quản lý đô thị, chăm sóc thú y, xây dựng và khai thác các công trình công cộng.          

- Tham gia, thậm chí trực tiếp quản lý các doanh nghiệp nhà nước ở địa bàn.

- Thông qua quá trình xây dựng các hợp tác xã, quỹ tín dụng, doanh nghiệp thuộc sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu hỗn hợp, hướng tới sự ra đời của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.        

- Tham gia quản lý và kiểm soát mọi dịch vụ công cộng hiện hành của nhà nước liên bang hoặc chính quyền địa phương theo nguyên tắc đồng trách nhiệm.        

Rõ ràng là hệ thống quyền lực nhân dân là đối trọng với hệ thống quyền lực nhà nước do các chính quyền tư sản trước kia thiết lập trên phạm vi toàn quốc. Trên thực tế, có hai chính quyền song song tồn tại và hoạt động. Lãnh tụ Chavez nhiều lần chỉ rõ, chỉ khi nào hệ thống quyền lực nhân dân thay thế được hệ thống quyền lực nhà nước tư sản thì Vênêduêla mới có một hệ thống quyền lực của cách mạng - nhân tố không thể thiếu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI.            

4. Khôi phục và phát triển khối đoàn kết, thống nhất Mỹ La tinh         

Hiếm có khu vực nào khác trên thế giới có sự thống nhất về lịch sử và văn hóa như khu vực Mỹ Latinh. Các quốc gia dân tộc ở đây đều hình thành sau năm 1492 như hệ quả của quá trình khai hóa thuộc địa của thực dân Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp... Công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của các nước Mỹ Latinh cũng thống nhất một cách độc đáo, do lãnh tụ Simon Bolivar khai mở năm 1810 tại Vênêduêla và do chính ông chỉ huy, giành thắng lợi ở hầu khắp các nước Nam Mỹ hiện nay. Nằm trong chiếc nôi đoàn kết, thống nhất như vậy, bất kỳ cuộc cách mạng nào ở các quốc gia trong khu vực đều phải có định hướng quốc tế chủ nghĩa như nhân tố bảo đảm thắng lợi.           

Cuộc cách mạng Bolivar do Chavez lãnh đạo có bản chất và định hướng quốc tế chủ nghĩa rất rõ ràng và nhất quán. Đó là sản phẩm đích thực của chủ nghĩa Mỹ Latinh (Latinoamericanismo) đã từng được các lãnh tụ Simon Bolivar, Jose Marti, Fidel Castro, Salvador Allende, Che Guevarra hun đúc, phát triển và rất gần gũi với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp vô sản thế giới.           

Chủ nghĩa quốc tế chân chính nhất là chủ nghĩa quốc tế trong hành động. Tư tưởng và hoạt động lãnh đạo của Hugo Chavez là như vậy. Ông là người khởi xướng, tổ chức và thủ lĩnh của hàng loạt các thiết chế liên kết Nam Mỹ, liên kết Mỹ Latinh cách mạng, không có sự can dự, chi phối của Mỹ: Sự lựa chọn Bolivar cho châu Mỹ (ALBA), Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR); Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), Truyền hình Nam Mỹ (TELESUR), Ngân hàng Nam Mỹ (BANCOSUR)... Đây là những thiết chế đối trọng với các thiết chế liên châu Mỹ do chính quyền Mỹ thành lập, lũng đoạn từ nhiều thập kỷ qua tại “chiếc sân sau” chiến lược Mỹ Latinh. Trong suốt 15 năm qua, Hugo Chavez không chỉ là lãnh tụ của cuộc cách mạng Bolivar trên quê hương Vênêduêla, mà còn là ngọn lửa tiền phong, biểu tượng và nhân tố tập hợp lực lượng xã hội chủ nghĩa, cánh tả, cách mạng của toàn bộ Mỹ Latinh và Caribe.         

Hugo Chavez sống và cống hiến trọn đời cho hạnh phúc của nhân dân và độc lập, phồn vinh cho dân tộc Vênêduêla. Ông qua đời sớm do ác bệnh, nhưng vẫn kịp để lại cho đồng đội cách mạng và đồng bào của ông tư tưởng chính trị đúng đắn, sáng tạo; tấm gương của người chiến sĩ đầy nhiệt huyết chiến đấu vì chủ nghĩa xã hội; biểu tượng trong sáng của chủ nghĩa quốc tế chân chính và sự nghiệp cách mạng Bolivar 15 năm qua từng bước vững mạnh. Chỉ cần như vậy, cũng đủ để Chavez mãi mãi tiếp tục đồng hành cùng các lực lượng cách mạng, cánh tả, dân chủ và tiến bộ trên toàn thế giới trên con đường xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn!

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2013

PGS,TS Nguyễn Viết Thảo

Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

       

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền