Trang chủ    Quốc tế    Các đảng dân chủ xã hội - những thách thức và nỗ lực trong đầu thế kỷ XXI
Thứ sáu, 25 Tháng 4 2014 15:44
2796 Lượt xem

Các đảng dân chủ xã hội - những thách thức và nỗ lực trong đầu thế kỷ XXI

(LLCT) - Trong nhiều thập kỷ, trào lưu dân chủ xã hội (DCXH) được coi là một hiện tượng của chính trị phát triển. Tuy nhiên, tổn thất chính trị những năm gần đây của các đảng DCXH đã buộc trào lưu này phải nhanh chóng điều chỉnh, cải cách cương lĩnh, đường lối chiến lược, chính sách để thích ứng và tồn tại.     

1. Những thách thức đối với trào lưu dân chủ xã hội đầu thế kỷ XXI   

Thế kỷ XXI được nhiều người coi là thế kỷ của nền DCXH. Nhưng ước mơ về một châu Âu DCXH không kéo dài. Đến năm 1999, sự thay đổi trong Chính phủ Áo đã khởi xướng làn sóng thay đổi. Hai năm sau, cánh tả ở Na Uy, Đan Mạch và Italia bị đẩy ra khỏi văn phòng, tiếp theo là Bồ Đào Nha, Pháp và Hà Lan (2002), ở Đức (2009) và cuối cùng ở Anh (2010). Chỉ có Đảng Lao động ở Tây Ban Nha và Đảng Lao động Na Uy, còn giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử và duy trì được quyền lực sau năm 2009. Đến năm 2010, các đảng DCXH chỉ còn giữ được quyền lãnh đạo ở 5/27 nước.            

Cùng với những thất bại trong bầu cử, quy mô đảng viên của các đảng DCXH cũng thu hẹp lại. Số đảng viên DCXH ở Đan Mạch, năm 2009, chỉ còn 48.236. Số đảng viên của Đảng DCXH Hà Lan (PvdA) cũng chỉ còn khoảng 54 nghìn. Số đảng viên DCXH Thụy Điển và DCXH Na Uy giảm 2/3 so với những năm 1990, lần lượt còn khoảng 160 nghìn và 130 nghìn. Đảng SPO (Áo) từng là đảng DCXH đông nhất châu Âu cũng chỉ còn 243 nghìn đảng viên. Theo dự tính, trong nội bộ Đảng, SPO có thể sẽ mất thành viên cuối cùng vào năm 2018. Kết quả bầu cử suy giảm dẫn đến trợ cấp nhà nước cho các đảng chính trị, vốn dựa chủ yếu vào số phiếu thu được cũng giảm, buộc các đảng phải cơ cấu lại các nguồn quỹ. Các khoản đóng góp của đảng viên không tăng lên mà ngược lại. Năm 1974, đóng góp của các đảng viên chiếm 37% tổng ngân sách của đảng DCXH Đan Mạch, năm 2008, khoản thu này chỉ còn dưới 10%. Gánh nặng tài chính đối với các đảng viên ở các nước Thụy Điển, Na Uy, Tây Ban Nha Cũng như vậy. Chỉ có ở Áo và Hà Lan, đảng phí thu được nhiều hơn trợ cấp của nhà nước.        

Một vấn đề nghiêm trọng khác là cơ cấu độ tuổi của đội ngũ đảng viên DCXH theo chiều hướng phân hóa. Tại Hà Lan, từ năm 1990, hơn 60% đảng viên PvdA trên 50 tuổi. Ở Áo, yếu tố thế hệ là lý do chính cho sự suy giảm số lượng đảng viên trong những năm 1990. Các tổ chức thanh niên cũng bị ảnh hưởng. Tổ chức thanh niên của Thụy Điển (SAP) chỉ còn 5.500 thành viên mà việc kết nạp đảng lại được thực hiện chủ yếu thông qua các tổ chức này. 

Năm 1992, Đảng của châu Âu theo CNXH (PES) được thành lập, bao gồm các đảng thành viên của Quốc tế XHCN ở  châu Âu lục địa. PES thành lập Liên minh Tiến bộ của các nhà XHCN và các nhà dân chủ trong Nghị viện châu Âu và hoạt động trong Ủy ban khu vực và Hội đồng châu Âu. Sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2009, nhóm xã hội dân chủ trong Nghị viện châu Âu đã giảm từ 215 xuống còn 184 thành viên. PES Đại hội ở Prague (12-2009) để phân tích lại tình hình, đưa ra hướng điều chỉnh chiến lược và thông qua chính sách mang tính cương lĩnh đến năm 2013. Sau cách mạng Tunisia, Đảng Hiến pháp Dân chủ đã bị trục xuất khỏi SI (1-2011). Cuối tháng đó, Đảng Dân chủ Quốc gia Ai Cập bị trục xuất. Mặt trận Nhân dân Bờ Biển Ngà cũng bị trục xuất vào tháng 3-2011.       

Tại châu Âu, ảnh hưởng của các đảng DCXH ở hàng loạt nước như Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Áo, Italia, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Thụy Điển,... đều suy giảm.            

Đảng Lao động Anh (LP)thống trị chính trị Anh liên tục từ đầu những năm 1990 đến năm 2005. Nhưng sau 16 năm, chương trình nghị sự chính sách cũ không còn phù hợp, cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra lần thứ hai nửa đầu năm 2008 ảnh hưởng nặng danh tiếng của đảng về năng lực điều hành kinh tế.  LP do đó mất ưu thế và lực lượng cử tri đáng tin cậy dẫn đến mất quyền lực vào năm 2010.        

Đời sống chính trị Anh có nhiều thay đổi sau cuộc tổng tuyển cử năm 2010 với sự hình thành của liên minh trung hữu giữa Đảng Bảo thủ và Đảng Dân chủ Tự do, sau khi 76% cử tri đồng ý rằng nước Anh cần “làm mới đội ngũ các nhà lãnh đạo”. Cuộc tổng tuyển cử năm 2010 đã chứng kiến sự gia tăng của chính phủ liên minh đầu tiên ở Anh trong hơn 80 năm. Sự xuất hiện của Đảng Tự do, Đảng Xanh và Đảng Dân tộc với số phiếu phổ thông ngày càng tăng, mở ra một hệ thống chính trị đa nguyên.

PvdA cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề. Hoạt động của các tổ chức cơ sở chưa hấp dẫn và sống động, chưa có khả năng khuyến khích người ủng hộ và chưa quan tâm đến quần chúng. Với cách thức tổ chức và vận hành mang tính di sản và nhàm chán, trong khi trình độ dân trí ngày một tăng, đảng DCXH đang cạn kiệt về nguồn đảng viên khi các đại diện hầu như là của thế hệ cũ và trên tất cả, họ đang mất đi bản sắc và tính đa dạng về mặt xã hội, văn hóa và trí tuệ. Thế hệ trẻ không gia nhập đảng.

PvdA bảo vệ các giá trị chủ chốt của DCXH như tinh thần tập thể, đoàn kết và an sinh xã hội và điều này có vẻ như đang xung đột với trách nhiệm cá nhân và tự do cá nhân. PvdA gặp khó khăn trong việc giành sự ủng hộ của công nhân và tầng lớp trung lưu với các quyền lợi và lợi ích vật chất vì tầng lớp này không cảm thấy PvdA đại diện đầy đủ cho mình; trong khi lại mất dần sự ủng hộ của các cử tri truyền thống là tầng lớp lao động.   

Một trong những lý do chính những người DCXH Thụy Điển thất bại trong cuộc bầu cử năm 2006 mặc dù nền kinh tế đang bùng nổ là nhiều cử tri truyền thống cảm thấy đảng đã mất các giá trị cơ bản của nó và không thực hiện được các cam kết đối với người được hưởng rất ít thành quả từ sự bùng nổ kinh tế ngoạn mục và những người hiện đang thất nghiệp hoặc ngoài lề.           

Đảng DCXH Đức (SPD) cũng phải đối mặt với hàng loạt thách thức về tổ chức, tư tưởng và chiến lược. Trong khi đang mất dần sự ủng hộ của các cử tri truyền thống, SPD phải đối mặt với một thách thức mới là tìm cơ hội tham gia trong chính phủ liên minh tương lai. Đồng thời SPD phải xây dựng một chương trình chính trị để trả lời hai câu hỏi then chốt: Làm thế nào để hiện đại hóa nước Đức trong những năm tới, vượt qua sự tăng trưởng chậm, thất nghiệp và tăng sự bất bình đẳng xã hội và làm thế nào để xác định một dự án chính trị tái lập năng lực để giành chiến thắng và thành lập chính phủ dưới sự lãnh đạo của mình.         

Rõ ràng, các đảng DCXH ở châu Âu phải suy nghĩ lại triệt để và thay đổi cả chính sách và việc thực hành chính sách nếu muốn tồn tại như một quyền lực chính trị chính ở châu Âu. Các đảng, trên tất cả, phải phục hồi sự tin tưởng về ý thức hệ của mình và quay trở lại với các giá trị cơ bản và sứ mệnh lịch sử của mình.

2. Những nỗ lực thích nghi của trào lưu DCXH từ đầu thế kỷ XXI      

Thất bại nặng nề của các đảng DCXH châu Âu trong cuộc bầu cử đã buộc Đảng Xã hội châu Âu (PES) phân tích lại tầm nhìn và chiến lược của mình trong thế kỷ XXI, được khởi động bằng những điều chỉnh trong lý luận và trong các chính sách thực tiễn của các đảng DCXH. Thông cáo Đại hội XXIV của Quốc tế DCXH viết: “Cuộc khủng hoảng toàn cầu đã để lộ ra những bất cập và sai lầm lớn mà hệ thống tài chính của chúng ta đã dựa vào đó để hoạt động. Mức độ của sự thất bại của hệ thống là như vậy và chúng ta không thể tiếp tục sống trong một thế giới nơi mà khoảng cách bất bình đẳng tiếp tục mở rộng, môi trường xấu đi đáng kể và tài chính thế giới bị điều khiển bởi sự đầu cơ và không kiểm soát được. Sự bất bình đẳng ngày càng tăng trong xã hội của chúng ta là kết quả sai lầm cùng một lúc của thất bại kinh tế, chính trị và đạo đức dẫn đến tổng cầu thấp, nợ lên đến hàng trăm triệu, và cảm giác tuyệt vọng, bất lực trong các công dân của chúng ta - dẫn đến quá trình dân chủ của chúng ta bị các lợi ích đặc biệt tước đoạt. Những thách thức của thế kỷ XXI là sắp xếp các hệ thống kinh tế toàn cầu với các giá trị và nguyên tắc của một xã hội dân chủ và công bằng. Chúng ta không tìm cách để tái dựng các tổ chức cũ mà tạo ra một hệ thống mới sẽ đảm bảo một sự thịnh vượng và hạnh phúc chung cho tất cả mọi người”.

Quốc tế xã hội (SI), tại Đại hội lần thứ XXII họp ở Sao Paulo (Brazil) năm 2003, đã tổng kết những thành quả đạt được, rút ra những bài học kinh nghiệm của nhiều đảng, định hướng điều chỉnh lý luận, chính sách và đề ra chiến lược trong thế kỷ mới. Đại hội lần thứ XXI của Quốc tế xã hội lấy "đổi mới" làm quan điểm cơ bản, nhấn mạnh phải tiến hành đổi mới quan niệm thay cho việc nhắc lại một cách chung chung về quan niệm giá trị truyền thống. Đại hội lấy việc "hồi quy chính trị: đề xướng quản lý toàn cầu công bằng, có trách nhiệm và toàn cầu hoá do nhân dân nắm" làm chủ đề, đã tiến hành công kích mãnh liệt "toàn cầu hoá" do Mỹ chủ đạo và thông qua "Hiến chương đạo đức", đưa ra lời hứa về quan niệm giá trị của mình.            

Tại Đại hội XXII, SI đã trình bày lại các giá trị cơ bản của mình (bình đẳng, tự do, đoàn kết và hoà bình), nâng các giá trị bình đẳng và hoà bình lên thành nội dung chủ yếu, trình bày toàn diện các nguyên tắc mới của DCXH (phát triển bền vững, nhân quyền và dân chủ), cũng như những quan niệm: hoà bình mới, an ninh mới, phát triển mới và tư tưởng mới về quản lý toàn cầu. Việc trình bày những nguyên tắc mới, những quan điểm mới và những tư tưởng mới của SI cùng với ba mục tiêu đấu tranh mới (chống chủ nghĩa tự do mới, chủ nghĩa bảo thủ mới và chủ nghĩa đơn phương) khiến cảm thấy sự điều chỉnh lý luận và chính sách của DCXH hệ thống hơn, sâu sắc hơn và có ảnh hưởng đến việc định ra chiến lược mới của Quốc tế xã hội trong thế kỷ XXI.   

Những quan điểm này tiếp tục được khẳng định tại Đại hội XXIII của SI diễn ra tại Athens (Hy Lạp) năm 2008 với chủ đề bao trùm Đoàn kết toàn cầu: can đảm tạo ra sự khác biệt, Đại hội XXIII đã tập trung thảo luận 4 chủ đề chính: 1) Hành động ngay đối với biến đổi khí hậu: Để hướng đến một cộng đồng thế giới bền vững; 2) Hành động vì một thế giới hòa bình: Giải quyết xung đột và vượt qua sự bất ổn  và 3) Thiết lập cho nền kinh tế toàn cầu một con đường mới: Để làm cho tăng trưởng và phát triển là cơ hội của tất cả mọi người và 4) Tạo cho vấn đề nhập cư một gương mặt nhân đạo: Xây dựng nghị trình nhập cư mới đặt con người lên ưu tiên hàng đầu. Đây đang là những vấn đề trung tâm của phong trào DCXH toàn thế giới hiện nay và là mối quan tâm lớn nhất của cộng đồng quốc tế.   

Đại hội XXIV của SI tại Cape Town (Nam Phi) năm 2012 dưới khẩu hiệu “Vì một chủ nghĩa quốc tế mới và một nền văn hóa mới của Công đoàn Đoàn kết". Chương trình nghị sự bao gồm bốn chủ đề chính là mối quan tâm hiện nay của Quốc tế XHCN: 1) Vì một nền kinh tế có việc làm, tăng trưởng và bảo trợ xã hội: phản ứng của DCXH đối với khủng hoảng tài chính; 2) Cuộc đấu tranh cho các quyền và tự do: tăng cường dân chủ đại diện và đạt được các nền dân chủ mới trên thế giới; 3)Vì một con đường chung tới hòa bình, phát triển bền vững và hợp tác: sự cần thiết đảm bảo chủ nghĩa đa phương; và 4)Vì một quốc tế mới và một nền văn hóa mới của tình đoàn kết giữa mọi người và giữa các quốc gia

Hội nghị đã thông qua nghị quyết phác thảo những ưu tiên của SI, nhấn mạnh rằng sự thiếu hành động sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, gia tăng sự bất bình đẳng giữa các quốc gia và đe dọa tiến độ thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. SI cho rằng chiến lược tài chính tiến bộ hơn sẽ ổn định nền kinh tế và bảo vệ tương lai và điều này có thể đạt được thông qua các công cụ tài chính mới. Thắt lưng buộc bụng không thể là giải pháp cho cuộc khủng hoảng, mà thay vào đó một mô hình mới là cần thiết để đảm bảo tăng trưởng và bảo vệ nền kinh tế chống lại các cuộc tấn công đầu cơ. Minh bạch, các quy định hiệu quả phải được bảo đảm trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính toàn cầu.    

Đại hội thảo luận về tăng cường dân chủ toàn cầu. Ba phần tư dân số thế giới đã trở thành nạn nhân của quá trình toàn cầu hóa. Kịch bản chính trị và kinh tế hiện nay đã nới rộng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, và các quốc gia vẫn còn dễ xung đột quân sự.         

Cùng với những điều chỉnh lý luận của trào lưu DCXH, các đảng DCXH là thành viên của Quốc tế xã hội cũng tiến hành điều chỉnh cương lĩnh, chiến lược, sách lược của mình, một mặt để tiếp tục duy trì những quan niệm giá trị của DCXH, đồng thời tìm kiếm thắng lợi trong các kỳ bầu cử. Những điều chỉnh đó dù còn nhiều điểm khác nhau, nhưng đều có những đóng góp đối với sự phát triển của cả trào lưu, làm cho lý luận DCXH liên tục được điều chỉnh để thích ứng với tình hình.       

Ngay sau thất bại bầu cử năm 2010, Đảng Lao động Anh nhận thấy cần cải cách một cách toàn diện và cơ bản, đã sắp xếp lại nhân sự, tổ chức và chương trình hành động. LP hướng nhiều hơn sang xã hội dân sự, nỗ lực cân đối mối quan hệ giữa Nhà nước, hành động công cộng và cải cách chính trị, và khoảng cách giữa nhà nước, chính trị và người dân. Việc bảo vệ không gian công cộng và sự phục sinh của xã hội dân sự không chỉ là vấn đề lý luận, mà là một quyết định hướng sang quan điểm tự do. Sự phục hồi của xã hội dân sự và tái thiết diễn đàn công dân như là duy nhất để đối trọng với sức mạnh của các tập đoàn lớn.   

Trong cuộc bầu cử địa phương ở Amsterdam 2010, PvdA áp dụng, lần đầu tiên, thủ tục tuyển dụng một tầng lớp tinh hoa mới, kết hợp các tố chất của các chính trị gia chuyên nghiệp và những nhà đổi mới: kinh nghiệm chính trị và chuyên gia trong các lĩnh vực. Điều này làm phát sinh nhu cầu hội nhập rộng lớn hơn của các thế hệ, các tầng lớp nhân dân, giới tính, bản sắc và lối sống trong khu vực, để phản ánh xã hội hiện đại. 

Những người DCXH nỗ lực bảo vệ các giá trị của mình và tăng cường nhận thức về các giá trị phía sau mô hình xã hội và thiết kế thực tế của nó. Mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã để lộ ra các lỗ hổng trong hệ thống phúc lợi, họ cho rằng kinh nghiệm Bắc Âu cho thấy không có sự khác nhau giữa một chính sách năng động về kinh tế và các sáng kiến được định hướng bởi phúc lợi xã hội trong một chế độ tự do dân chủ. Điều này chứng tỏ có thể kết hợp tăng trưởng với công bằng xã hội.         

SI nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết, hợp tác và cởi mở.      

3. Một số nhận xét           

Có thể thấy những thay đổi xã hội và văn hóa quan trọng phía sau những khó khăn mà trào lưu DCXH đang phải đối mặt là: sự suy tàn của xã hội công nghiệp và giai cấp công nhân cũ, sự xuất hiện của một xã hội tiêu dùng với một nền văn hóa cá nhân, và sự thiếu tin tưởng rộng rãi vào các chính trị gia. Thêm vào đó, những tình cảm bài ngoại và chống nhập cư trên khắp châu Âu và sự xuất hiện ít nhiều của cánh hữu cực đoan, kêu gọi phân biệt dân tộc, chủng tộc, và khơi dậy sự bất mãn và thất vọng cử tri lao động và họ cảm thấy đảng DCXH không đại diện cho họ nữa. Trong ý thức và tình cảm của đa số người dân, khái niệm “xã hội” đã mất đi sức mạnh và được thay thế bằng các kỷ luật của thị trường. Ngôn ngữ, hành vi, giá trị và biểu tượng kinh doanh đã xâm chiếm các khía cạnh của cuộc sống, đến mức có quan điểm cho rằng cạnh tranh là tốt hơn cho tất cả các hệ thống và nên là nguyên tắc tổ chức xã hội. Mặc dù các đảng DCXH châu Âu đã phản đối một số khía cạnh của hệ tư tưởng này - đặc biệt là tư tưởng coi phúc lợi xã hội là bất lợi cho phát triển kinh tế - nhưng họ đã chấp nhận ý tưởng cơ bản. Theo đó, cấu trúc và con đường phát triển kinh tế được họ coi là nằm bên ngoài lĩnh vực chính trị và người ta không nói đến “tái phân phối” mà thay vào đó là “bảo trợ xã hội”.         

Trong thực tế, DCXH cầm quyền đã trở thành người bảo vệ cho các quy tắc của thị trường mà không tham gia vào bất cứ sự chỉ trích nào về các ảnh hưởng xã hội. Họ đã cố gắng để điều chỉnh hệ thống phúc lợi của họ phù hợp với điều kiện mới. Họ ca ngợi các lực lượng kinh tế toàn cầu hóa, và họ cho rằng thất nghiệp về cơ bản là một vấn đề cá nhân, phụ thuộc vào các kỹ năng và hành động của người thất nghiệp. Nói cách khác, người thất nghiệp phải có việc làm và phải chấp nhận những công việc hiện có. DCXH cảm thấy rằng họ chẳng thể làm gì chống lại sức mạnh của giá trị cổ đông hoặc sự suy giảm của các tổ chức công đoàn. Đây là lý do nhiều người đã mất niềm tin vào nền DCXH và khả năng duy trì và phát triển những ý tưởng riêng của nó về một xã hội tốt.

Các đảng DCXH không còn là đảng của người lao động mà là đảng của giai cấp trung lưu mới đang hướng sang giới tinh hoa. Do sự mở rộng của giáo dục, những người trẻ tuổi ngoài tầng lớp trung lưu có thể tiếp cận với các trường đại học, kết quả là thế hệ con cháu của những người công nhân, thông qua các mối quan hệ xã hội trong và ngoài các trường đại học và bạn bè, đã định hình lại cuộc sống. Tại Na Uy, DCXH hiện được mô tả như một đảng “DCXH quý tộc”; ở Hà Lan, các học giả nói về một đảng “dân chủ học viện”, với các vị trí chính trị chủ chốt thuộc về các giáo sư.     

Về mặt lý luận, có thể thấy các giá trị của trào lưu DCXH không đổi. Đó là Tự do, Công Bằng, Tình đoàn kết và Hòa bình - những giá trị nền tảng chung của nhân loại. Nhưng các đảng XHDC không có một bức tranh vẽ sẵn về xã hội mình hướng đến. Mỗi đảng có cách đi riêng. Họ hoạt động không theo chủ thuyết, không vì chủ thuyết, mà vì con người, vì sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và xã hội, vì sự bảo vệ và phát triển hài hòa quyền lợi của mọi thành viên trong xã hội. Có thể nói, nguyên tắc hoạt động chung của họ hiện nay, chỉ gói gọn trong hai chữ “Hài hòa”. Các nhà DCXH "hiện đại" lập luận rằng các cách làm của họ thể hiện sự thích nghi cần thiết và thực dụng cho chủ nghĩa DCXH trước hiện thực của thế giới mới. Một vấn đề nghiêm trọng về mặt lý luận của trào lưu DCXH là việc các đảng tiến hành cải cách trong khi không biết họ muốn gì, khi vẫn chưa rõ họ là ai trong chính trị, con đường đi như thế nào và chưa biết về những mục tiêu và các đồng minh.   

Để các đảng DCXH một lần nữa để trở thành một lực lượng chính trị hàng đầu ở châu Âu, có lẽ các đảng phải phản ánh các giá trị và bản sắc dựa trên cơ sở xã hội, các mục tiêu và các phương tiện để đạt được các mục tiêu đó phải thống nhất với các nguyên tắc cốt lõi - xã hội công bằng và xã hội đoàn kết. Ngoài ra, các đảng còn cần những nhà lãnh đạo chính trị đáng tin cậy, có tầm nhìn và biết thuyết phục, được hỗ trợ bởi các tổ chức dân chủ sống động, duy trì được văn hóa chính trị giao tiếp tốt với các cử tri, huy động được các đối tác chiến lược để thúc đẩy các giá trị.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2013

 

TS Bùi Việt Hương

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Nuyễn Thị Ưng

Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền