Trang chủ    Quốc tế    Cơ chế thực hiện dân chủ nội bộ của các đảng cầm quyền ở Vương quốc Anh
Thứ ba, 26 Tháng 8 2014 09:40
2504 Lượt xem

Cơ chế thực hiện dân chủ nội bộ của các đảng cầm quyền ở Vương quốc Anh

(LLCT) - Trong nền dân chủ đa đảng ở Anh, việc thực hiện dân chủ nội bộ có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các đảng, trước hết để lựa chọn được các nhà lãnh đạo có khả năng và đưa ra được các chính sách sát với nhu cầu thực tế. Bài viết đề cập đến cơ chế thực hiện dân chủ nội bộ của hai đảng: Đảng Bảo thủ và Đảng Lao động.

1. Dân chủ trong lựa chọn ứng cử viên của đảng cho các chức vụ của cơ quan công quyền

Một trong những bí quyết dẫn đến sự thành công của các đảng chính trị trong bầu cử ở Anh là các đảng phải lựa chọn được các ứng cử viên sáng giá nhất của mình ra tranh cử. Xuất phát từ nhận thức này, hai đảng chính trị lớn là Đảng Bảo thủ và Đảng Lao động đều sử dụng một cơ chế tuyển chọn, sàng lọc ứng cử viên với một quy trình chặt chẽ, linh hoạt, để đảm bảo lựa chọn được những người ưu tú nhất đại diện cho đảng, nhưng lại được đông đảo cử tri chấp nhận.

Mỗi đảng áp dụng các quy trình tuyển lựa ứng cử viên khác nhau. Tuy nhiên, ở cả hai đảng có điểm chung là các nhà hoạt động đảng chuyên nghiệp và các đảng viên đóng đảng phí tại các tổ chức đảng cơ sở sẽ quyết định ứng cử viên nào của đảng mình ra tranh cử tại mỗi đơn vị bầu cử trên cơ sở phiếu bầu.

Theo quy trình của Đảng Bảo thủ và Đảng Lao động, người muốn ra tranh cử nghị sỹ Quốc hội phải được uỷ ban bầu cử của đảng tại mỗi đơn vị bầu cử phỏng vấn, tranh luận và đánh giá khả năng trúng cử. Nếu một khu vực bầu cử được coi là “an toàn” (tức là khả năng trúng cử của ứng cử viên cao), thì số ứng cử viên được đưa ra xem xét là khá lớn, khoảng từ 25 đến 100 người tại mỗi nơi. Nhưng ở những đơn vị bầu cử mà khả năng trúng cử không chắc chắn, con số ứng cử viên sẽ được giới hạn. Sau đó, các đảng viên tại mỗi đơn vị bầu cử sẽ bỏ phiếu lựa chọn ứng cử viên chính thức cho đảng mình.

Trước khi có tên trong danh sách ứng cử viên với tư cách là đại diện của đảng, các ứng cử viên tiềm năng phải được sự chấp thuận của ban nhân sự của đảng ở cấp trung ương. Về nguyên tắc, cơ quan đảng ở cấp trung ương có quyền phủ quyết danh sách ứng cử viên được đề cử. Điều này tạo ra sự phụ thuộc của tổ chức đảng ở đơn vị bầu cử đối với tổ chức đảng ở cấp trung ương. Tất nhiên, việc giữ quyền phê chuẩn danh sách ứng cử viên cũng có thể dẫn tới khả năng quyền lực này bị lạm dụng và trở thành công cụ để các lãnh đạo đảng củng cố quyền lực của mình tại cơ sở. Nhưng mục đích chính của sự kiểm soát này là nhằm tạo ra sự thống nhất trong phạm vi toàn đảng(1).

So với Đảng Bảo thủ, sự kiểm soát của tổ chức đảng cấp trung ương của Đảng Lao động có phần chặt chẽ hơn, vì đảng này áp dụng quy định về cơ cấu nữ trong thành phần ứng cử viên tại các đơn vị bầu cử. Nếu cuộc bầu cử sơ bộ không chọn được một ứng cử viên nữ nào trong nhóm ba ứng cử viên có số phiếu cao nhất, thì ứng cử viên nữ có số phiếu cao nhất trong danh sách các ứng cử viên của đảng đương nhiên sẽ được chọn là ứng cử viên đứng thứ ba trong danh sách đề cử cuối cùng của đảng.

2. Dân chủ trong quá trình lựa chọn các nhà lãnh đạo đảng

Lãnh tụ là người thay mặt đảng vạch ra các định hướng phát triển, điều hành và quyết định những công việc hàng ngày của đảng. Do vậy, đối với các đảng chính trị ở Anh, việc lựa chọn được các lãnh tụ đảng có năng lực và uy tín là rất quan trọng. Đây cũng có thể là yếu tố quyết định sự thành công của một đảng chính trị trong sự cạnh tranh với các đảng phái khác trong cuộc đua giành quyền kiểm soát bộ máy nhà nước.

Tại Anh, phương pháp bầu chọn trực tiếp các lãnh tụ đảng diễn ra tương đối muộn so với truyền thống dân chủ lâu đời của đất nước này. Theo truyền thống, các nghị sỹ Quốc hội Anh thường đóng vai trò chính trong việc lựa chọn các lãnh tụ đảng. Đặc quyền này chủ yếu dựa trên lập luận rằng, một lãnh tụ đảng phải làm việc thường xuyên và gần gũi với các nghị sỹ của đảng mình trong Quốc hội, nên quan điểm của các nghị sỹ về việc ai sẽ là người lãnh đạo cần được đặc biệt chú ý. Trong những năm gần đây, hầu hết các đảng lớn ở Anh đã áp dụng các biện pháp cải cách, cho phép các đảng viên thường cũng có tiếng nói trong việc lựa chọn lãnh tụ đảng. Bên cạnh đó, quyền lực của các nghị sỹ Quốc hội vẫn tiếp tục được duy trì, cho phép họ có một vai trò trung tâm trong quá trình lựa chọn lãnh tụ đảng.

Theo Điều lệ của Đảng Lao động (ban hành năm 2010), khi xuất hiện tình huống vị trí lãnh tụ và phó lãnh tụ của đảng bị trống một cách đột xuất, một cuộc bầu cử sẽ được tiến hành để bầu chọn các lãnh tụ mới. Các ứng cử viên đủ tư cách phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 12,5% số nghị sỹ của đảng trong Quốc hội.

Trong điều kiện bình thường, việc đề cử ứng cử viên sẽ diễn ra trước thời điểm Hội nghị Đảng Lao động thường niên. Trong trường hợp này, các ứng cử viên đủ tư cách phải giành được sự ủng hộ của ít nhất 20% số nghị sỹ của đảng trong Quốc hội. Bên cạnh đó, các tổ chức công đoàn, các tổ chức đảng tại đơn vị bầu cử, và các nghị sỹ của đảng tại Nghị viện châu Âu cũng có quyền đề cử ứng  viên cho hai chức vụ kể trên. Tất cả các ứng viên được đề cử phải là nghị sỹ của đảng trong Quốc hội(2).

Cuộc bầu cử chọn lãnh tụ đảng sẽ được thực hiện và kết quả được thông báo trong Hội nghị thường niên của đảng. Cách tính phiếu được áp dụng theo hệ thống bỏ phiếu theo mức độ tín nhiệm (The alternative vote system)(3). Một cuộc bầu cử như vậy sẽ gồm ba phần diễn ra đồng thời: bầu cử của các nghị sỹ của đảng trong Quốc hội và trong Nghị viện châu Âu (được tính 1/3 kết quả bầu cử);  bầu cử của tất cả các đảng viên thường đủ tư cách tại các đơn vị bầu cử theo quy tắc một người một phiếu (được tính 1/3 kết quả bầu cử); bầu cử của các tổ chức công đoàn với tư cách là các chi nhánh của đảng (12 tổ chức công đoàn - được tính 1/3 kết quả bầu cử) .

Sau đó, số phiếu của từng ứng cử viên giành được trong mỗi phần sẽ được quy ra tỷ lệ phần trăm của phần đó và chia cho 3. Cộng dồn thương số của cả ba phần sẽ cho ra kết quả cuối cùng của từng ứng cử viên. Ứng cử viên nào nhận được hơn 50% phiếu bầu sẽ được coi là người thắng cử. Nếu không ai đạt kết quả trên, các vòng tính phiếu tiếp theo sẽ được thực hiện để loại dần các ứng cử viên có số phiếu ít hơn. Việc tính phiếu tại mỗi vòng sẽ dựa trên thứ tự ưu tiên được thể hiện trong mỗi lá phiếu.

Trước đây, việc bầu lãnh tụ của Đảng Lao động do tổ chức công đoàn chủ trì theo chế độ bỏ phiếu tập thể, trong đó các tổ chức công đoàn kiểm soát 40% số phiếu, tổ chức đảng trong Quốc hội kiểm soát 30%, và tổ chức đảng ở khu vực bầu cử kiểm soát 30%, nên rất bất lợi cho tính dân chủ trong đảng. Phương pháp bỏ phiếu như hiện nay (mỗi khối bầu cử có sức nặng như nhau - đều quyết định 1/3 kết quả bầu chọn lãnh tụ) đánh dấu sự thay đổi của Đảng Lao động. 

Sau những cải cách của Đảng Lao động, Đảng Bảo thủ cũng tiến hành sửa đổi phương thức bầu lãnh tụ của mình. Theo Điều lệ của Đảng Bảo thủ (được sửa đổi vào năm 1998), ứng cử viên lãnh tụ đảng phải được lựa chọn trong số các nghị sỹ của đảng trong Quốc hội.

Theo quy định, việc bầu chọn lãnh tụ đảng được thực hiện khi một lãnh tụ đương nhiệm từ chức, hoặc bị các nghị sỹ của đảng trong Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm. Trường hợp thứ hai sẽ diễn ra nếu có trên 15% số nghị sỹ của đảng đề nghị. Nếu đa số nghị sỹ của đảng trong Quốc hội vẫn bỏ phiếu ủng hộ lãnh tụ đương nhiệm, thì ông này tiếp tục được tại vị. Trường hợp ngược lại, sẽ phải từ chức và không thể ra ứng cử.

Việc đề cử các ứng cử viên sẽ do Chủ tịch nhóm nghị sỹ trong Quốc hội chủ trì. Các ứng cử viên phải được giới thiệu công khai bởi ít nhất hai nghị sỹ. Nếu có nhiều ứng cử viên ra tranh cử, các nghị sỹ của đảng trong Quốc hội sẽ bầu chọn 2 ứng cử viên được tín nhiệm nhất và giới thiệu cho toàn đảng lựa chọn(4). Ở vòng bỏ phiếu chung cuộc này, tất cả những đảng viên đã gia nhập đảng từ 3 tháng trở lên có đủ tư cách đi bầu, và ứng cử viên nào giành được số phiếu cao hơn sẽ chiến thắng.

Một đề xuất thay đổi cách thức bầu chọn lãnh tụ của Đảng Bảo thủ đã được lãnh tụ đảng lúc đó là Michael Howard đưa ra năm 2005, theo hướng loại bỏ quyền bầu lãnh tụ trực tiếp của các đảng viên thường, và trao quyền lựa chọn này cho các nghị sỹ của đảng trong Quốc hội và Hội nghị đảng toàn quốc, nhưng đề xuất này đã không được thông qua(5).

Tại Anh, khi một đảng trở thành đảng cầm quyền, lãnh tụ đảng sẽ trở thành Thủ tướng, đồng thời chỉ đạo các thành viên nội các; còn khi đảng không nắm quyền, lãnh tụ đảng sẽ là lãnh tụ của phe đối lập, đồng thời có quyền chỉ định các chức vụ cụ thể cho các thành viên của “nội các bóng” - gồm một số nghị sỹ của đảng trong Hạ viện.

Tuy nhiên, khi các đảng không cầm quyền, lãnh tụ và phó lãnh tụ của đảng phải được bầu lại ở Hội nghị toàn quốc hàng năm của đảng (hoặc ở hội nghị bầu cử do Ban chấp hành Quốc gia đặc biệt tổ chức). Còn khi đảng chấp chính, chức danh này không cần bầu lại. Điều đó có nghĩa rằng, lãnh tụ đảng (đồng thời là Thủ tướng) sẽ có nhiệm kỳ tương đương với nhiệm kỳ của Hạ viện. Trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng phải từ chức giữa nhiệm kỳ, thì Hội nghị Đảng sẽ bầu lãnh tụ mới và người này sẽ tiếp quản chức Thủ tướng từ người tiền nhiệm.

3. Dân chủ trong hoạch định chính sách của đảng

Một trong những yếu tố để đánh giá mức độ dân chủ của một đảng chính trị là xem cách thức đảng đó đưa ra các quyết định chính sách. Nếu xét về hệ thống tổ chức quyền lực, Đảng Lao động được lãnh đạo bởi Ban Chấp hành Quốc gia (The National Executive Committee -NEC), trong khi ở Đảng Bảo thủ, nhiệm vụ này do Hội nghị Bảo thủ Quốc gia (National Conservative Convention - NCC) đảm nhận. Các Ban và Hội nghị này do các hội nghị (hay đại hội) đảng bầu ra, là cơ quan lãnh đạo cao nhất của mỗi đảng.

Tuy nhiên, về nguyên tắc, cơ quan có vai trò quan trọng nhất trong việc hoạch định chính sách của Đảng Lao động và Đảng Bảo thủ chính là hội nghị đảng được tổ chức hàng năm. Các hội nghị có nhiệm vụ thảo luận và thông qua các vấn đề chính sách của đảng. Một nghị quyết của Đảng Lao động chỉ được thông qua khi 2/3 số đại biểu tham dự hội nghị tán thành. Nhưng lãnh tụ đảng cùng với Ban Chấp hành Quốc gia (NEC) vẫn có quyền bổ sung, điều chỉnh các chính sách này trong quá trình điều hành. 

Trước đây, các hội nghị hàng năm của Đảng Lao động bị kiểm soát mạnh bởi các tổ chức công đoàn, vì lá phiếu dành cho khối này trong các cuộc bỏ phiếu thông qua chính sách chiếm tới 70% số phiếu của toàn hội nghị. Điểm mốc quan trọng đánh dấu sự thay đổi phương thức bỏ phiếu trong Đảng là khi John Smith - lãnh tụ của đảng giai đoạn 1992 - 1994 - đã loại bỏ lá phiếu thống trị của khối công đoàn trong các hội nghị đảng hàng năm và thay thế nó bằng một hệ thống mới với tên gọi: “mỗi đảng viên một phiếu bầu”. Hệ thống này được áp dụng để thông qua các quyết định của đảng từ cấp trung ương cho tới cấp cơ sở. Theo đó, mỗi đại biểu tham dự các hội nghị đảng sẽ có một phiếu bầu độc lập và giá trị của các lá phiếu là như nhau, chấm dứt tình trạng bỏ phiếu theo khối - vốn đem lại nhiều lợi thế cho các tổ chức công đoàn. Đến năm 1995, bất chấp sự phản đối của các tổ chức công đoàn, lãnh tụ Tony Blair vẫn quyết định giảm số phiếu của các tổ chức công đoàn tại các hội nghị đảng từ 70% xuống còn 50%(6).

Trên thực tế, bộ phận trực tiếp nhất tác động đến quá trình chính sách của cả Đảng Lao động và Đảng Bảo thủ chính là nhóm nghị sĩ của đảng trong Quốc hội. Họ có nhiệm vụ chuẩn bị soạn thảo khung chính sách, cùng với các báo cáo hằng năm. Hoạt động thảo luận và thông qua chính sách của các hội nghị đảng phụ thuộc chủ yếu vào sự chuẩn bị của nhóm này.

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2014

(1) Xem: Gabriel A.Almond, G.Bingham Powell, Jr. Kaare Strom and Russell J.Dalton , Comparative politics - a world view, (Updated seventh edition), Longman Press, 2001, p.204-205.

(2) Xem: Richard Kelly, Paul Lester and Mary Durkin, Leadership elections: Labour Party, Parliament and Constitution Centre, House of Common, 2010, p.3.

(3) Xem: Lưu Văn Quảng, Hệ thống bầu cử ở Anh, Mỹ và Pháp - Lý thuyết và hiện thực, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 64-66.

(4) Việc bầu chọn ứng cử viên lãnh tụ Đảng Bảo thủ được áp dụng theo hệ thống bỏ phiếu toàn diện (Exhaustive bollot system). Chẳng hạn, trong danh sách ứng cử viên có 4 người. Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, ứng cử viên có số phiếu ít nhất sẽ bị loại. Ba người còn lại tiếp tục vào vòng hai, luật chơi vẫn tương tự, người có số phiếu thấp nhất bị loại, và hai người còn lại trở thành ứng cử viên chính thức được trình ra toàn đảng để bỏ phiếu chung cuộc.

(5)  Xem: Rechard Kelly and Paul Lester, Leadership Elections: Conservative Party, Parliament and Constitution Centre, House of commons, 2005, p.10

(6) Xem: Dennis Kavanagh, British politics - Continuities and change (third edition), Oxford university press, 1996, p.157.

Lưu Văn Quảng

Viện Chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền