Trang chủ    Quốc tế    Cải cách hành chính nhà nước ở Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào
Thứ hai, 06 Tháng 10 2014 10:51
3472 Lượt xem

Cải cách hành chính nhà nước ở Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào

(LLCT) - Đại hội VIII của Đảng NDCM Lào (2006) xác định rõ: “phải chú ý củng cố hệ thống bộ máy hành chính của Nhà nước theo hướng cơ quan hành chính cấp Trung ương phải ngọn nhẹ và làm nhiệm vụ quản lý vĩ mô là chủ yếu, cơ quan hành chính cấp địa phương phải có khả năng và đủ sức tổ chức thực hiện”. Theo tinh thần đó, Chính phủ đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển hành chính nhà nước, là một trong những dự án ưu tiên của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 6.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước Lào luôn quan tâm việc kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước nhằm đáp ứng nhiệm vụ chính trị. Trong đó, cải cách bộ máy hành chính nhà nước cấp Trung ương, nhất là cải cách Chính phủ, cơ cấu tổ chức các bộ, cơ quan ngang bộ đã được đề ra từ Nghị quyết Trung ương 6 khóa VI (1998). Công cuộc cải cách bộ máy hành chính nhà nước nói chung và ở Trung ương nói riêng đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng nhìn chung, trên thực tế, cơ cấu tổ chức cơ quan hành pháp vẫn còn cồng kềnh, thiếu tính thống nhất, việc xác định nhiệm vụ, chức năng của một số cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước chưa rõ, còn trùng lặp và chưa bao quát hết các lĩnh vực quản lý nhà nước.

Trước thực tế đó, Đại hội VIII của Đảng NDCM Lào (2006) đã xác định rõ: “phải chú ý củng cố hệ thống bộ máy hành chính của Nhà nước theo hướng cơ quan hành chính cấp Trung ương phải ngọn nhẹ và làm nhiệm vụ quản lý vĩ mô là chủ yếu, cơ quan hành chính cấp địa phương phải có khả năng và đủ sức tổ chức thực hiện”. Theo tinh thần đó, Chính phủ đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển hành chính nhà nước, là một trong những dự án ưu tiên của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 6.

Về thủ tục hành chính:

Tính đến năm 2010, Quốc hội đã thông qua và ban hành 87 luật, (kể cả Hiến pháp), tăng 53 luật so với 5 năm (2001 - 2005). Trong đó, về lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước có 22 luật; lĩnh vực văn hoá - xã hội có 16 luật; lĩnh vực kinh tế và tài chính có 49 luật. Hệ thống thủ tục hành chính từng bước được cải cách theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, giảm đầu mối và đơn vị của bộ, cơ quan ngang bộ, tạo sự thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp.

Về cải cách tổ chức bộ máy:

Các bộ, ngành đã được sáp nhập, hợp nhất, tách ra hoặc thành lập cục, vụ và trung tâm chuyên môn phù hợp hơn, điều chỉnh lại chức năng nhiệm vụ, phạm vi và lề lối làm việc để bảo đảm việc quản lý vĩ mô của các ngành, các lĩnh vực.

Nhằm hướng tới bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, giảm bớt các đầu mối không cần thiết và hợp với xu hướng chung của quốc tế, Chính phủ Lào đã sáp nhập một số bộ, đổi tên gọi một số bộ và thành lập một số cơ quan trực thuộc Chính phủ. Thí dụ: Bộ Công nghiệp và Thủ công, Bộ Thương mại được hợp nhất thành Bộ Công thương; tách ra và đổi tên Bộ Giao thông, Vận tải, Bưu chính và Xây dựng thành Bộ Giao thông và Vận tải; thành lập bộ mới Bộ Năng lượng và Khoáng sản; đổi tên Uỷ ban Kế hoạch và Đầu tư thành Bộ Kế hoạch và Đầu tư ; Thành lập mới một số cơ quan trực thuộc Chính phủ như: Ban Thư ký Chính phủ (2006), Viện Khoa học xã hội Quốc gia (2006), Cơ quan tài nguyên nước và môi trường (2007), Cơ quan bưu chính và viễn thông (2007) và thành lập lại Ban Chỉ đạo phát triển nông thôn và xóa nghèo (2007). Ngoài ra, các bộ, cơ quan cũng tiếp tục cải cách, sắp xếp lại các đơn vị nhằm tạo hiệu quả tốt hơn. Đến cuối năm 2010, cơ cấu tổ chức bộ máy chính phủ là 14 bộ và 2 cơ quan ngang bộ; bên cạnh đó còn có 10 tổng cục và cơ quan ngang tổng cục thuộc Chính phủ. Nâng lên chức năng của một số phòng chuyên môn của ngành theo chiều dọc ở các tỉnh, thí dụ: Sở Ngoại giao, Sở Du lịch, Sở Thể thao, Sở Khoa học và Công nghệ.

Về công chức:

Nhà nước Lào đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cả số lượng và trình độ chuyên môn để đáp ứng nhu cầu công việc của các ngành, lĩnh vực. Năm 2010, số lượng cán bộ, công chức là 120.651 người, tăng 21% so với năm 2005 và chiếm 1,9% dân số.

Kết quả đạt được của công cuộc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước:

Bộ máy hành chính nhà nước Lào đã được kiện toàn từng bước một cách sâu sắc và rộng rãi, có sự cải cách thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy đi đôi với việc cải cách quản lý ngân sách và quản lý nhân sự.

Hệ thống văn bản pháp luật có hiệu lực cao hơn trong thực tế, quyền làm chủ của nhân dân đã được bảo đảm, tạo môi trường pháp lý, chính sách và cơ chế dịch vụ thuận lợi cho kinh doanh, đầu tư trong nước và nước ngoài.

Việc cải cách bộ máy của Chính phủ lần này đã tạo ra những thay đổi rõ rệt: Thứ nhất,hệ thống cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính cấp Trung ương được sắp xếp, điều chỉnh và tổ chức lại theo mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và bảo đảm tính quản lý vĩ mô, quản lý nhà nước theo chức năng, vai trò của bộ. Đồng thời, đã xác định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, vị trí, vai trò, quyền hạn, phạm vi hoạt động và mối quan hệ liên thông với nhau giữa các bộ, ngành; giữa bộ và cơ quan khác, nhất là một số cơ quan thuộc Chính phủ. Thứ hai, mặc dù số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ (khoá VII) tăng so với trước, nhưng hầu hết các cơ quan (10 cơ quan) đã chuyển sang mô hình mới, có một số cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước đã nâng thành bộ (có 4 bộ mới); ngoài ra, một số cơ quan thuộc Chính phủ đã sáp nhập vào các bộ có chức năng quản lý nhà nước gần giống nhau và liên quan với nhau. Điều này đã làm cho cơ cấu bộ máy của Chính phủ được thu gọn, giảm đầu mối, tầng nấc.

Các bộ, các cơ quan ngang bộ có khả năng thực hiện chức năng, nhiệm vụ hơn, có cơ chế, phong cách làm việc tốt hơn, thống nhất quản lý các ngành, có sự phối hợp với cơ quan hành chính địa phương để tăng quyền làm chủ của địa phương. Các ngành đã xác định công việc nào là bộ quản lý thi hành, công việc nào là giao cho địa phương tổ chức thực hiện để giải quyết công việc nhanh chóng và phù hợp với thực tế của địa phương. Chế độ phối hợp giữa các ngành được thực hiện hợp lý, có sự liên thông, minh bạch và tạo thuận lợi cho xã hội.

Tuy nhiên, các luật và văn bản thủ tục hành chính được ban hành khá nhiều nhưng vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Việc triển khai các văn bản dưới luật có nhiều vấn đề khó khăn, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật còn chậm, làm ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật. Một số bộ, cơ quan Trung ương và cơ quan hành chính địa phương vẫn còn ban hành các văn bản không phù hợp với quyền hạn của mình hoặc trái pháp luật và văn bản của cấp trên. Còn nhiều văn bản pháp luật rườm rà, chồng chéo, khiến việc thực thi cần phải qua nhiều đầu mối, nhiều tầng nấc trung gian và chưa thực sự minh bạch. Việc xây dựng văn bản pháp luật về quản lý công chức còn chậm và chưa rõ ràng.

Hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của cơ quan hành chính các cấp chưa cao, giải quyết vụ việc vẫn còn chậm. Sự phối hợp giữa các cơ quan với nhau vẫn còn khó khăn, việc phân công, phân cấp và giao trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương đã xác định rõ trong pháp luật, nhưng thi hành trong thực tiễn còn ít và chậm so với yêu cầu của giai đoạn mới.

Bộ máy cấp tổng cục, cục, vụ và đơn vị sự nghiệp khác có xu hướng tăng thêm so với trước khi cải cách.

Để công cuộc cải cách hành chính nhà nước đạt hiệu quả cao, cần phải tiếp tục nghiên cứu và nỗ lực thực hiện tốt phương hướng, mục tiêu và yêu cầu đã đề ra trong thời gian tới với một số nội dung chủ yếu sau đây:

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là thủ tục hành chính.

Kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ, sắp xếp lại bộ máy các bộ, cơ quan hành chính nhà nước cho phù hợp. Thành lập bộ mới và viện nghiên cứu khoa học trong một số ngành cần thiết. Thúc đẩy các bộ, cơ quan cấp Trung ương thực hiện chức năng, vai trò quản lý vĩ mô là chủ yếu, làm cho bộ máy giúp việc “tinh gọn, hợp lý và có hiệu quả”; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, vị trí, vai trò của các đơn vị về mặt chuyên môn, về mặt hành chính cho đủ rõ, xây dựng chức danh đồng bộ.

Tiếp tục triển khai cơ chế “một cửa” tại các huyện và các sở ngành cấp tỉnh một cách rộng rãi. Nghiên cứu chế độ quản lý lãnh thổ, khu vực liên thông giữa tỉnh với tỉnh cho rõ ràng, hợp lý và có hiệu quả.

Các bộ, cơ quan cấp Trung ương thực hiện chức năng quản lý vĩ mô là chủ yếu và tăng cường trách nhiệm của cơ quan hành chính địa phương.

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương cho tinh gọn, đồng bộ và hợp pháp; giải quyết được các vấn đề chồng chéo, trùng lặp giữa các bộ, cơ quan; phấn đấu sử dụng công nghệ và phương pháp quản lý hiện đại vào công việc hành chính một cách hiệu quả thiết thực.

Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế quan hệ giữa Trung ương và địa phương cho đủ rõ, phù hợp, nhằm bảo đảm thực hiện chức năng của cơ quan các cấp có hiệu quả, hiệu lực.

Công cuộc cải cách tổ chức bộ máy hành pháp nhất là việc sắp xếp, sáp nhập, điều chỉnh và kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính nhà nước cấp Trung ương chủ yếu là bộ máy các bộ, các cơ quan của Chính phủ là một vấn đề quan trọng và phức tạp. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu sâu, cả về  khoa học và thực tiễn, học tập kinh nghiệm các nước nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính nhà nước.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3 - 2014

Vanlaty  Khamvanvongsa

Nghiên cứu sinh tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền