Trang chủ    Thực tiễn     Bắc Giang thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; chất lượng đội ngũ đảng viên
Thứ sáu, 04 Tháng 9 2015 11:05
3489 Lượt xem

Bắc Giang thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; chất lượng đội ngũ đảng viên

(LLCT) - Bắc Giang là tỉnh miền núi, có diện tích tự nhiên 3.822 km2, dân số trên 1,6 triệu người; tỉnh có có 9 huyện và 1 thành phố, 230 xã, phường, thị trấn. Đảng bộ tỉnh có 15 đảng bộ trực thuộc, 753 tổ chức cơ sở đảng, 4.464 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với tổng số 75.927 đảng viên.

Trong những năm qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các tổ chức cơ sở đảng ở Đảng bộ tỉnh Bắc Giang còn bộc lộ nhiều hạn chế cần giải quyết, như: năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một bộ phận tổ chức cơ sở đảng còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ còn hạn chế. Công tác phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, địa bàn nông thôn, miền núi còn khó khăn. Một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; chưa phát huy được vai trò tiền phong, gương mẫu...

Do đó, vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên đã được Tỉnh ủy Bắc Giang quan tâm; ngay từ đầu nhiệm kỳ XVII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Đề án số 02-ĐA/TU về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng giai đoạn 2011- 2015”. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, với những cách làm mới, sáng tạo đã đem lại nhiều kết quả tích cực:

Sắp xếp, củng cố, phát triển tổ chức đảng ở các loại hình cơ sở phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ

Đã tiến hành chuyển giao 33 tổ chức cơ sở đảng với 156 chi bộ trực thuộc, trên 1.200 đảng viên thuộc các đảng bộ cấp huyện về Đảng bộ Các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh quản lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên đối với chi, đảng bộ cơ sở. Các cấp uỷ đã quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của chi bộ cơ quan, quân sự xã (toàn tỉnh đã thành lập 110 chi bộ cơ quan cấp xã và 8 chi bộ quân sự xã). Việc chia tách chi bộ sinh hoạt ghép được quan tâm chỉ đạo, đến nay toàn tỉnh còn 45 chi bộ sinh hoạt ghép (giảm 98 chi bộ so trước khi thực hiện Đề án).

Mô hình đảng bộ cơ sở cơ quan Đảng, đoàn thể và cơ quan chính quyền trực thuộc huyện ủy, thành ủy theo Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW, ngày 9-3-2010 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng được triển khai thực hiện ở 9/10 huyện, thành phố. Việc thành lập đồng bộ mô hình tổ chức cơ sở đảng ở các cơ quan cấp huyện đã cơ bản bảo đảm thống nhất trong toàn Đảng bộ tỉnh; góp phần giảm các tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy cấphuyện (giảm 116 tổ chức cơ sở đảng so với trước khi thực hiện Đề án); thuận lợi trong công tác nghiên cứu, quán triệt nghị quyết của đảng; phát huy hiệu quả, tính tích cực trong thực hiện công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát của Đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đề cao vai trò lãnh đạo của chi bộ trong quản lý, phân công công tác, thực hiện nhiệm vụ, đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên trong các phòng, ban, đoàn thể cấp huyện.

Thực hiện Kết luận số 80-KL/TW, ngày 29-7-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X); Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch củng cố, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn tỉnh và kế hoạch thí điểm kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 30 chi bộtrong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, với 195 đảng viên, kết nạp được 16 chủ doanh nghiệp tư nhân vào đảng;thành lập được129 tổ chức đoàn thể với 25.400 hội viên, trong đó: 80 tổ chức công đoàn, 37 chi đoàn thanh niên, 12 chi hội phụ nữ.

Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp uỷ, chi bộ

Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) và Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy cấp huyện định kỳ hằng năm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nghiệp vụ công tác đảng, kỹ năng điều hành chi bộ để nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy, đặc biệt là bí thư chi bộ. Năm 2013, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảngvà thi bí thư chi bộ giỏi; tổ chức biên soạn 03 cuốn tài liệu: nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác xây dựng Đảng ở chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, tài liệu hỏi, đáp và những tình huống trong hoạt động của chi bộ. Với cách làm tổ chức tập huấn nghiệp vụ trước, sau đó tổ chức thi bí thư chi bộ (cấp cơ sở và cấp huyện); ở cấp cơ sở: thi viết và thi vấn đáp, thuyết trình trên sân khấu; ở cấp huyện thi bằng hình thức thuyết trình và vấn đáp; nội dung thi:nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng. Qua tổ chức tập huấn và thi bí thư chi bộ giỏi đã giúp cho đội ngũ bí thư chi bộ nâng cao nhận thức, củng cố kiến thức và áp dụng lý luận vào các tình huống thực tế ở cơ sở.

Để hướng dẫn bí thư chi bộ chuẩn bị tốt sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề, Ban Tổ chức Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 14-HD/BTCTUvề sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề: hằng năm, cấp uỷ cấp trên chỉ đạo chi bộ xây dựng kế hoạch tổ chức sinh hoạt chuyên đề;căn cứ chức năng, nhiệm vụ của chi bộ,những vấn đề mới phát sinh, gặp khó khăn,vướng mắc;các nội dung cần thiết, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo của chi bộ trong từng thời gian, để đề ra các chuyên đề sinh hoạt cụ thể, đảm bảo ít nhất mỗi quý một lần, chi bộ tổ chức một buổi sinh hoạt chuyên đề riêng. Cấp ủy cấp trên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sinh hoạt chi bộ; phân công tác các đồng chí cấp ủy viên và cán bộ các ban xây dựng đảng định kỳ hằng tháng đi dự sinh hoạt với chi bộ trên địa bàn phụ trách, thông qua đó nắm tình hình, hướng dẫn và rút kinh nghiệm để phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế trong sinh hoạt chi bộ.

Với những biện pháp chỉ đạo cụ thể, sát thực, chất lượng sinh hoạt chi bộ thời gian qua đã có những chuyển biến tương đối rõ nét: hầu hết các chi bộ đã tổ chức sinh hoạt đúng kỳ hằng tháng; nội dung sinh hoạt đã có sự đổi mới, phong phú hơn; trách nhiệm của cấp ủy, bí thư chi bộ trong việc chuẩn bị nội dung sinh hoạt được nâng lên; mở rộng dân chủ và thể hiện được tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng; quan tâm sinh hoạt chuyên đề, tập trung bàn những nhiệm vụ trọng tâm, những khó khăn, vướng mắc được nhân dân quan tâm; tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt cao hơn, đạt trên 90%.

Tăng cường kết nạp đảng viên là trưởng, phó thôn, học sinh, sinh viênvà phân công nhiệm vụ cho đảng viên

Để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2015, có 75% trở lên tổng số trưởng, thôn, bản, tổ dân phố là đảng viên; năm 2011, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành Kế hoạch số 11-KH/BTCTU về nâng tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ trưởng, phó thôn với nhiều nhiệm vụ, biện pháp cụ thể: rà soát, nắm chắc đội ngũ trưởng, phó thôn chưa là đảng viên để phát hiện những nhân tố có khả năng, triển vọng kết nạp vào Đảng; cử đi bồi dưỡng nhận thức về Đảng, phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ; thường xuyên kiểm điểm, đánh giá kết quả rèn luyện phấn đấu. Chỉ đạo chi bộ lựa chọn, phân công, giới thiệu đảng viên ứng cử trưởng phó thôn. Triển khai điều chỉnh nhiệm kỳ trưởng thôn phù hợp với nhiệm kỳ đại hội chi bộ theo hướng chi bộ đại hội trước, sau đó kiện toàn trưởng thôn; nếu nhiệm kỳ trưởng thôn đến đại hội chi bộ nhiệm kỳ mới mà chưa hết thì rút ngắn thời gian nhiệm kỳ trưởng thôn; nếu đã hết nhiệm kỳ (còn dưới 12 tháng đến khi đại hội chi bộ) thì kéo dài nhiệm kỳ trưởng thôn đến sau khi đại hội chi bộ. Với các biện pháp chỉ đạo tập trung, quyết liệt, sau hơn 04năm thực hiện, toàn tỉnh đã kết nạp được 215trưởng thôn và 281 phó thôn, bản, tổ dân phố vào Đảng; nâng tỷ lệ trưởng thôn, bản, tổ dân phố là đảng viên lên 56,03% (tăng 10% so với trước khi thực hiện Đề án).

Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn ban hành Hướng dẫn công tác phát triển đảng đối với đoàn viên ưu tú là học sinh các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Đây là một nội dung mới, thể hiện sự mạnh dạn trong công tác kết nạp đảng viên; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống cho đoàn viên thanh niên; bổ sung lực lượng tuổi trẻ, có triển vọng phát triển cho địa phương, cơ quan, đơn vị. Sau hơn 04 năm thực hiện Đề án, Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được 227quần chúng là học sinh, sinh viên ưu tú vào Đảng.

Nhằm tạo điều kiện cho đảng viên được rèn luyện, phấn đấu và làm căn cứ đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, từng bước khắc phục bệnh thành tích; ngày 25-6-2012, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 11-HD/BTCTU về quản lý và phân công công tác cho đảng viên ở chi bộ; trong đó cụ thể hóa 5 nội dung quản lý đảng viên: tư tưởng chính trị, thực hiện nhiệm vụ, các mối quan hệ xã hội, sinh hoạt đảng và giữ mối liên hệ với chi bộ, cấp ủy cơ sở nơi cư trú; quy định rõ việc phân công đảng viên ở từng loại hình chi bộ và các phương pháp quản lý, phân công công tác cho đảng viên. Tỷ lệ đảng viên được phân công nhiệm vụ hằng năm đạt 91,3% (tăng 22,2% so với trước khi thực hiện Đề án). Việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên đã có tác dụng tích cực, nâng cao ý thức trách nhiệm của đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, đơn vị.

Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cơ sở

Thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; năm 2011, Ban Tổ chức Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 08-HD/BTCTU về bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức cấp xã tại các phòng thuộc UBND cấp huyện, ban xây dựng đảng, đoàn thể cấp huyện; theo đó, ban tổ chức cấp uỷ cấp huyện chủ trì, phối hợp với phòng nội vụ và các cơ quan có cán bộ đến bồi dưỡng xây dựng đề cương bồi dưỡng, tập trung vào kiến thức pháp luật, nghiệp vụ công tác chuyên môn; các xã, phường, thị trấn rà soát, lập danh sách cán bộ, công chức cử đi học tập, bồi dưỡng; thời gian bồi dưỡng 03 tháng, mỗi tuần từ 2-3 ngày. Sau hơn 04 năm thực hiện, toàn tỉnh đã cử 1.353 cán bộ, công chức cấp xã được đi bồi dưỡng; một số đơn vị có cách làm hay, sáng tạo, như thành phố Bắc Giang ngoài việc cử cán bộ, công chức xã, phường lên thành phố học tập, bồi dưỡng còn phân công cán bộ lãnh đạo các phòng, ban, đoàn thể thành phố xuống cơ sở trực tiếp hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ. Qua công tác bồi dưỡng, giúp cho đội ngũ cán bộ cơ sở nắm chắc hơn về chuyên môn, nghiệp vụ; rèn luyện kỹ năng giải quyết các tình huống khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên

Để kịp thời nắm bắt tình hình cơ sở, có biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn cấp dưới trong thực hiện nhiệm vụ; Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã ban hành Quy chế cán bộ, chuyên viên theo dõi công tác tổ chức xây dựng Đảng tại các cơ quan, huyện, sở, ban, ngành của tỉnh; trong đó quy định cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy hằng tháng dành ½ thời gian công tác đi cơ sở để nắm bắt tình hình, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công tác tổ chức đảng, đảng viên, công tác cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở. Cấp ủy cấp huyện phân công các đồng chí uỷ viên ban thường vụ, cấp uỷ viên phụ trách địa bàn bám sát cơ sở, nắm vững tình hình; chỉ đạo cấp uỷ cơ sở xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố các mặt hạn chế, yếu kém; định kỳ hằng quý tổ chức hội nghị giao ban với bí thư đảng uỷ, chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; giao ban giữa thường trực cấp ủy với bí thư chi bộ để nắm bắt tình hình và có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh từ cơ sở.

Một số kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn

Qua triển khai thực hiện các nhiệm vụ, biện pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên ở Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã đúc rút một số kinh nghiệm sau: Một là, phát huy vai trò tham mưu của ban tổ chức cấp ủy các cấp trong nghiên cứu, tìm tòi những cách làm mới, hiệu quả nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác này. Hai là, xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ trình độ, năng lực để chuyển hóa những chủ trương, nhiệm vụ tới cơ sở để thực hiện; đề cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ. Ba là, qua thực tiễn công tác đúc rút kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ, biện pháp mới để triển khai thực hiện trong thời gian tiếp theo. Bốn là, tăng cường sự kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên; thường xuyên chỉ đạo cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ.

 

Nguyễn Hữu Thắng

Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Bắc Giang

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền