Trang chủ    Thực tiễn    Một số vấn đề đặt ra về đổi mới kinh tế trong bối cảnh hội nhập
Thứ sáu, 30 Tháng 10 2015 17:31
2453 Lượt xem

Một số vấn đề đặt ra về đổi mới kinh tế trong bối cảnh hội nhập

(LLCT) - Đổi mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế tạo thời cơ và thách thức, cũng như đặt ra nhiều vấn đề mới, đòi hỏi phải có những đột phá mới về nhận thức lý luận, phương thức, lộ trình giải quyết những bài toán thực tiễn. Trong lĩnh vực kinh tế, cần tập trung giải quyết một số vấn đề để nâng cao chất lượng hội nhập

1. Yêu cầu và xu hướng mới trong hội nhập quốc tế

Hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng trên cảba cấp độ:toàn cầu,khu vựcvà song phương. Thông qua đó, thị trường và sản xuất ở nhiều nước khác nhau đang trở nên ngày càng phụ thuộc lẫn nhau một cáchtoàn diện. Vai trò của các đường biên giới quốc gia giảm dần,hình thành nên một nền kinh tế toàn cầu, nền công nghệ và tri thức toàn cầu thống nhất, từ khâu sản xuất (được phân công chuyên môn hóa ở nhiều nước) đến khâu phân phối (tiêu thụ toàn cầu). Sự phát triển của công nghệ toàn cầu và các quan hệ kinh tế toàn cầu đang ngày càng xung đột với các thể chế quốc gia, với các rào cản quốc gia. Sự phát triển của lực lượng sản xuất và các quan hệ kinh tế toàn cầu đang công phá các bức tường thành quốc gia đa dạng, cản trở quá trình toàn cầu hóa và hội nhập… Đồng thời, cũng làm xuất hiện và tạo cơ hội giải quyết ngày càng nhiều các vấn đề toàn cầu như: thương mại, đầu tư, tiền tệ, lương thực, năng lượng, môi trường v.v..

Bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa đã, đang và sẽ tiếp tục chứng tỏ không có ngoại lệ đổ vỡ và khủng hoảng cho bất kỳ mô hình kinh doanh và nhà nước nào, kể cả các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Sự tương tác và chuyển hóa giữa nợ công - nợ tư cũng như vai trò ngày càng lớn của khủng hoảng tài chính đối với khủng hoảng chu kỳ, bất ổn vĩ mô, xã hội và chính trị. Từ đó đề ra yêu cầu phối hợp hài hoà sử dụng bàn tay nhà nước và bàn tay thị trường trong một mô hình nhà nước kiểu mới; đồng thời coi trọng tính đồng bộ và chú ý đến tính 2 mặt của các giải pháp chính sách, nhằm đa dạng hóa và phối hợp hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế trong quản lý phát triển và vượt qua khủng hoảng; tăng cường dự báo, thông tin, bảo vệ người tiêu dùng và giữ vững lòng tin trên thị trường tài chính... Mặt khác, các xu hướng hội nhập khiến thế giới hiện đại ngày càng “phẳng” hơn, làm cho các nước xích lại gần nhau hơn bởi những quan tâm chung trong cuộc chiến với những vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, cũng như bởi các tác động lan tỏa, dây chuyền của các biến cố và chính sách kinh tế trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thực tế cho thấy, không chỉ nền kinh tế do nhà nước chỉ huy tập trung không mang lại hiệu quả như mong đợi, mà ngay cả thị trường tự do cao độ cũng không giải phóng triệt để tài năng sáng tạo của cá nhân và là động cơ của sự tiến bộ lành mạnh. Hơn nữa, sự chủ động của tư nhân và tự do cạnh tranh thị trường vì mục tiêu lợi nhuận thuần tuý, thiếu kiểm soát, có thể trực tiếp và gián tiếp làm tích tụ ngày càng lớn những xung lực phát triển thiếu bền vững, lãng phí, gây ra những khủng hoảng và tổn thất to lớn, toàn diện cho mỗi quốc gia và toàn nhân loại...

Nói cách khác, khi “bàn tay hữu hình” của nhà nước hoặc nắm quá chặt, hoặc buông lỏng quá mức, thì cũng đồng nghĩa với quá trình tạo ra những nguồn lực và thị trường “ảo”, gây đổ vỡ và tổn thất nặng nề cho đời sống kinh tế - xã hội và môi trường... Các khiếm khuyết của thị trường tự do phải được khắc phục bằng sự can thiệp chủ động và tích cực của nhà nước để các quy luật kinh tế khách quan vận động có lợi nhất cho xã hội. Thế giới đang cần một hướng đi mới trong việc tìm kiếm vai trò, xác định liều lượng và các công cụ can thiệp của mô hình nhà nước kiểu mới, mang tính đại diện cao hơn cho các lợi ích chung của nhân loại. Không duy ý chí, giáo điều, cực đoan, hoặc quá nhấn mạnh và tuyệt đối hóa vai trò chỉ huy tập trung, mang tính áp đặt một chiều của nhà nước, hoặc thả nổi hoàn toàn và đặt toàn bộ quá trình phát triển kinh tế theo sự dẫn dắt có tính đầu cơ, mù quáng, “bày đàn” của thị trường tự do, nhấn mạnh lợi ích tư nhân, cục bộ và ngắn hạn.

Nhà nước có vai trò ngày càng to lớn trong cuộc chiến với các chấn động cơ cấu hoặc chu kỳ kinh tế bột phát, nhất là khủng hoảng tài chính -ngân hàng, dù nó xảy ra ở trong nước hay nước ngoài, nguyên nhân không trực tiếp từ sai lầm của chính phủ hoặc trong khu vực kinh tế nhà nước. Bàn tay điều chỉnh của nhà nước cần chuyển dịch theo hướng giảm can thiệp hành chính, trực tiếp, để chuyển sang phương thức can thiệp gián tiếp, có tính định hướng và giám sát nhiều hơn, vừa tuân thủ các yêu cầu và lợi ích thị trường, vừa không làm xấu đi sự ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm hài hòa các lợi ích trong quá trình phát triển, nhất là không lạm dụng sức chịu đựng và đổ gánh nặng khủng hoảng lên người dân, người tiêu dùng.

Quá trình hội nhập cũng sẽ tăng cường hơn cuộc tái cấu trúc toàn cầu với sự di chuyển tự do hơn các nguồn lực, vốn và công nghệ; định vị lại tương quan sức mạnhvàcục diện phát triển quốc tế, sự cạnh tranh giành quyền chi phối và phạm vi ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và khu vực giữa các cường quốc và các khối liên minh sẽ diễn ra, công khai và ngày càng quyết liệt.

Vấn đề then chốt để một nền kinh tế thành công là các chính sách phát triển được lựa chọn phải phù hợp với xu thế phát triển thế giới và các điều kiện lịch sử cụ thể trong nước, cho phép khai mở, cộng hưởng cao nhất các tiềm năng và hiệu quả các nguồn lực phát triển trong và ngoài nước, tham gia, ngày càng chặt chẽ và hiệu quả vào “chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu”. Đồng thời, cần chủ động tham khảo, đan xen và phối hợp chính sách giữa các quốc gia trong phạm vi khu vực, cũng như toàn cầu, trước hết trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, dịch vụ và lao động; coi trọng các yêu cầu và thúc đẩy hoàn thiện các định chế quốc gia và quốc tế quản lý các quá trình phối hợp và trao đổi đó, để gia tăng sức mạnh, khả năng và hiệu quả giải quyết các vấn đề quốc gia, khu vực và toàn cầu. 

2. Một số vấn đề đặt ra

Đổi mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế tạo thời cơ và thách thức, cũng như đặt ra nhiều vấn đề mới, đòi hỏi phải có những đột phá mới về nhận thức lý luận, phương thức, lộ trình giải quyết những bài toán thực tiễn. Trước mắt, cần tập trung giải quyết các vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển và quản lý phát triển

Những thành tựu đổi mới luôn bắt nguồn từ đổi mới tư duy và nhận thức lý luận. Khi công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu thì đổi mới tư duy càng được đẩy mạnh. Thực tiễn đổi mới về kinh tế, chính trị, xã hội vừa là kết quả đổi mới tư duy, lại vừa đặt ra những yêu cầu mới cho việc tiếp tục đổi mới tư duy ở trình độ cao hơn. Về bản chất, đổi mới không phải là từ bỏ mục tiêu CNXH, mà làm cho CNXH đi tới thắng lợi. Đổi mới không phải là phủ định quá khứ, mà khẳng định những gì hiểu đúng, làm đúng, loại bỏ những gì hiểu sai, làm sai, bổ sung những nhận thức mới, đáp ứng yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới.

Vấn đề đặt ra bức thiết, quyết định tiến trình và nội dung đổi mới tới đây là tiếp tục nghiên cứu và tháo gỡ những nút thắt nhận thức lý luận nền tảng cho công cuộc đổi mới; trong đó có nhận thức về sở hữu, thành phần kinh tế, phương thức phát triển và mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN; về hệ thống chính trị, vai trò và quan hệ Đảng - Nhà nước - các đoàn thể chính trị, xã hội, dân chủ hóa và phương thức lãnh đạo của Đảng; về các quan điểm, tiêu chí, hệ giá trị và phương pháp đánh giá các vấn đề kinh tế, xã hội; về phương thức phát triển và quản lý đời sống kinh tế, xã hội, doanh nghiệp; về cơ chế phân phối thu nhập, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội.

Nhận thức là một quá trình. Vì vậy, cần dũng cảm gạt bỏ những định kiến, ảo tưởng về quyền lực nhà nước và sự lạm dụng cơ chế xin - cho, sự chi phối của lợi ích cục bộ, ngắn hạn và “tư duy nhiệm kỳ”; tôn trọng các sáng tạo, đề xuất hợp lý của địa phương, cơ sở, xây dựng và thống nhất hệ giá trị chuẩn chung quốc gia, cả về chính trị, kinh tế, xã hội, bảo đảm tất cả chính sách phải theo chuẩn mực chung, tạo thước đo tin cậy trong định hướng, đánh giá các hoạt động kinh tế - xã hội để tăng cường lòng tin và sự đồng thuận xã hội trong nước và quốc tế, kể cả với Việt kiều.

Công cuộc đổi mới ở giai đoạn hội nhập sẽ phức tạp hơn, khó khăn hơn, nên cần hết sức thận trọng, tỉnh táo, sáng suốt, phải chuẩn bị kỹ về lý luận và những điều kiện cần thiết, “nhìn xa trông rộng”, có bước đi thích hợp làm chủ được quá trình đổi mới, tránh chủ quan, giáo điều, chủ nghĩa kinh nghiệm. Nhu cầu đổi mới hệ thống chính trị, những thiết chế và cơ chế hoạt động của các tổ chức chính trị, đặc biệt là của bộ máy nhà nước, để mở đường cho kinh tế - xã hội phát triển bền vững là khách quan trong quá trình hội nhập. Đổi mới kinh tế vẫn phải đồng hành với đổi mới chính trị, nhưng đổi mới chính trị trong giai đoạn tới phải được chú trọng và nhấn mạnh hơn.

Thứ hai, đổi mới cơ chế và yêu cầu sự kết hợp bàn tay nhà nước với bàn tay thị trường, coi trọng tính đồng bộ, hài hòa và tác động hai mặt của các mục tiêu, loại công cụ chính sách; tôn trọng yêu cầu khách quan của các quy luật và quy trình quản lý kinh tế; đề cao sự năng động, trách nhiệm và phối hợp giữ vững lòng tin thị trường, tạo thuận lợi nhất cho kinh tế tư nhân phát triển.

Đổi mới hiện nay không chỉ dừng lại ở việc đa dạng hóa sở hữu và các khu vực kinh tế, xoá bỏ bao cấp, mà cần đổi mới cơ chế nhằm tăng cường kiểm soát và cân bằng quyền lực kinh tế - chính trị - xã hội, phòng tránh tình trạng lũng đoạn Nhà nước của các nhóm lợi ích, bảo đảm đổi mới đúng hướng và tạo sự đồng thuận xã hội. Nhà nước cần điều hòa các lợi ích trên cơ sở đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Cần phải sử dụng sức mạnh của các nhóm lợi ích với tư cách là một lực của sự phát triển, nhưng lại phải thực hiện công bằng xã hội trong mỗi lĩnh vực, mỗi chính sách, cả trong đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Làm chủ trong đổi mới bao hàm trong đó nội dung làm chủ việc sử dụng các nhóm lợi ích chi phối, mà không để các nhóm lợi ích lũng đoạn.

Đặc biệt, vấn đề xuyên suốt trong thời gian tới là quyết tâm triển khai trên thực tế chuyển đổi mô hình tăng trường chủ yếu từ bề rộng sang bề sâu, với ba đột phá về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực; nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm xuất khẩu chủ lực; tăng cường liên kết, hiện đại hóa và “quốc tế hóa” các sản phẩm truyền thống của địa phương, đi đôi với quá trình “địa phương hóa” các sản phẩm và doanh nghiệp quốc tế.

Trong quá trình đổi mới và hội nhập, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước cần thể hiện rõ trong vai trò định hướng và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; góp phần ổn định và làm giảm khoảng cách giàu nghèo, giảm bất bình đẳng, bất công trong xã hội; đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo và không ngừng tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh; cũng như ở sự gương mẫu về năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động... Nhà nước giữ cổ phần chi phối, chỉ duy trì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trong một số ngành, lĩnh vực mà Nhà nước cần độc quyền, giữ vị trí then chốt của nền kinh tế và các lĩnh vực mà doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân chưa có khả năng tham gia...

Đặc biệt, cần kiểm soát độc quyền nhà nước và độc quyền tư nhân, trừng trị nghiêm khắc những hành vi tham nhũng, cản trở hoạt động kinh doanh lành mạnh; phát triển đồng bộ các thể chế kinh tế, chính trị và dân sự mang tính đại diện cao hơn cho các lợi ích xã hội. Cần khắc phục sự ôm đồm, đa mục tiêu trong hoạch định kế hoạch và chính sách phát triển; nâng cao chất lượng và sự đồng bộ văn bản luật; đẩy mạnh thực chất hơn các hoạt động kiểm soát sự nhũng nhiễu của các cơ quan thi hành luật.

Cần chuyển mạnh từ mô hình “nhà nước - nhà đầu tư lớn nhất” và phát triển chủ yếu theo bề rộng hiện nay sang mô hình “nhà nước - nhà quản lý công” và phát triển theo bề sâu, đi đôi với việc chuyển dịch vị thế nguồn động lực chính trong đầu tư phát triển kinh tế từ khu vực kinh tế nhà nước sang khu vực kinh tế ngoài nhà nước.

Xúc tiến nhanh hơn việc tách chức năng quản lý nhà nước về kinh tế với chức năng quản lý sản xuất - kinh doanh, chức năng hành chính với chức năng dịch vụ công, xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu quả và minh bạch; phân định rõ các bộ liên quan, tránh tình trạng quản lý chồng chéo, đùn đẩy công việc và trách nhiệm...

Thứ ba, đổi mới công tác thông tin, dự báo, phản biện và chủ động các  phương án và giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn khủng hoảng...

Dự báo tốt giúp các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao hiệu quả điều hành thực tiễn. Việc bám sát thực tiễn điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ giúp công tác dự báo thêm cơ sở tin cậy và mềm dẻo, chính xác hơn. Vì vậy, cần tăng cường và thể chế hóa các phát ngôn và cung cấp thông tin chính thức có chất lượng và trách nhiệm pháp lý cao định kỳ và không định kỳ của các cơ quan và đại diện nhà nước, các tổ chức kinh doanh có liên quan, nhất là các bộ kinh tế - tài chính tổng hợp, cũng như của các ngành và doanh nghiệp đang có sự độc quyền kinh doanh cao. Đồng thời, cần coi trọng đúng mức và phân biệt rạch ròi giữa yêu cầu dự báo khách quan với mục tiêu chính sách và ý chí chủ quan. Dự báo cần bám sát, cập nhật và đưa ra các cảnh báo cần thiết về các biến động thị trường khách quan trong nước và quốc tế; coi trọng dự báo tác động 2 mặt của chính sách theo yêu cầu quản lý kinh tế thị trường. Việc dự báo, đánh giá tác động 2 mặt tích cực và tiêu cực cả về xu hướng định tính, định lượng của việc áp dụng các chính sách và định mức cụ thể trong quá trình điều hành kinh tế vĩ mô của Nhà nước là rất quan trọng, nhất là với những mặt hàng đầu vào nhạy cảm của đời sống kinh tế - xã hội đất nước.

Cần có cơ chế tăng cường thực chất hơn các phản biện xã hội và các đánh giá tác động chính sách trước và sau khi ban hành bởi các tổ chức chuyên nghiệp và độc lập thực hiện theo đặt hàng của cấp có thẩm quyền khách quan.

Thứ tư, gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, giải quyết các vấn đề bức xúc xã hội và môi trường, nâng cao chất lượng và yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ lợi ích quốc gia; coi trọng đào tạo, thu hút sử dụng và tôn vinh nhân tài, các doanh nhân, nguồn nhân lực trình độ cao và nâng cao chất lượng công tác cán bộ.

Nhà nước cần quan tâm bảo đảm hài hoà các lợi ích trong quá trình phát triển, giảm thiểu chênh lệch giữa các tầng lớp xã hội, các vùng và lĩnh vực; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao văn hóa quản lý và văn hóa kinh doanh... Đặc biệt, cần hoàn thiện cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia, trong đó đề cao vai trò của Chính phủ về bảo vệ chủ quyền và lợi ích kinh tế quốc gia, các lợi ích liên vùng, liên ngành, dài hạn, nhất là về tài nguyên, lãnh thổ, khí hậu, người tài, chi tiêu và tài sản công, uy tín quốc gia, lòng tin xã hội, cũng như lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết, phát huy sức mạnh cộng đồng. Nhà nước cần xây dựng một cơ chế chống tham nhũng thực chất hơn, dân chủ hơn, kiên quyết và hiệu quả hơn; phải coi chống tham nhũng trong công tác cán bộ và trong các cơ quan chống tham nhũng như một đột phá mới để nâng cao năng lực thể chế giải quyết các vấn đề thực tế nóng bỏng trong qua trình đổi mới đặt ra.

____________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2014

TS Nguyễn Minh Phong

Báo Nhân Dân

ThS Nguyễn Minh Tâm

Văn phòng Thành ủy Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền