Trang chủ    Thực tiễn    Thanh Hóa: Nâng cao hiệu quả công tác đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ (diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý)
Thứ năm, 05 Tháng 11 2015 11:21
4998 Lượt xem

Thanh Hóa: Nâng cao hiệu quả công tác đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ (diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý)

(LLCT)- Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá trong những năm qua rất quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ cán bộ diện BTVTU quản lý nói riêng. Trong đó, công tác đánh giá cán bộ được quan tâm và đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục để góp phần "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh" như yêu cầu mà Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng đặt ra.

(Đại hội Đảng bộ Thanh Hóa lần thứ XVIII, ảnh: internet)

Đánh giá cán bộ là khâu quan trọng trong công tác cán bộ, để lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm… và thực hiện chính sách cán bộ. Đánh giá đúng cán bộ sẽ phát huy được khả năng của từng cán bộ và đội ngũ cán bộ và góp phần đánh giá tổ chức, công tác cán bộ của cấp uỷ. Ngược lại, đánh giá không đúng sẽ dẫn đến bố trí, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ sai, gây ảnh hưởng không tốt cho cơ quan, đơn vị và chất lượng đội ngũ cán bộ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề đánh giá cán bộ. Người cho rằng, để nhận xét được cán bộ tốt thì Đảng phải thường xuyên đánh giá cán bộ và phải có phương pháp đánh giá đúng, bởi: “Kinh nghiệm cho ta biết: mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hoá cũng lòi ra”(1). Để việc nhận xét, đánh giá cán bộ được chính xác, từ đó phát hiện, sử dụng đúng người có đức, có tài, đồng thời ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng, bổ nhiệm những phần tử cơ hội, bất tài cần có nguyên tắc, quy trình, quy chế chặt chẽ bảo đảm cho công tác đánh giá cán bộ đạt độ chính xác cao.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện nhận xét, đánh giá cán bộ ngày càng dân chủ, khách quan, công khai. Nhưng, vẫn còn tình trạng đánh giá cán bộ một cách chung chung, chủ yếu nêu ưu điểm, né tránh khuyết điểm, hạn chế... Việc đánh giá cán bộ hằng năm có nơi không bổ sung lưu giữ vào hồ sơ, vô hình chung đã buông lỏng quản lý cán bộ; theo dõi cán bộ không liên tục, hệ thống và khó khăn cho việc xem xét quy hoạch, bầu cử, bổ nhiệm hoặc điều động, luân chuyển cán bộ. Việc đánh giá cán bộ nhiều lúc, nhiều nơi chưa thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, nhận xét cán bộ còn nghiêng về ý chí chủ quan của người đứng đầu đơn vị… Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ: “Việc đổi mới công tác cán bộ còn chậm; thiếu cơ chế, chính sách cụ thể để thực sự phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, phát hiện và sử dụng người tài; chậm đổi mới cơ chế, phương pháp và quy trình đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu"(2).

Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá đã rất quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ cán bộ diện BTVTU quản lý nói riêng, trong đó có công tác đánh giá cán bộ. Ngày 5-6-2012, BTVTU đã ban hành Quyết định số 489-QĐ/TU về "Quy chế đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý" đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy truyền thống cách mạng, trình độ và năng lực lãnh đạo, quản lý được nâng lên, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.Việc đánh giá cán bộ diện BTVTU quản lý đã đạt được kết quả tích cực, như: cụ thể hoá tiêu chuẩn các loại chức danh cán bộ; quy trình, phương pháp đánh giá được đổi mới; nội dung đánh giá được cụ thể hoá gắn với từng đối tượng cán bộ...

Tuy vậy, vẫn còn tồn tại một số hạn chế: hệ thống tiêu chuẩn với từng vị trí, chức danh chưa được xây dựng; quy trình, phương pháp đánh giá chưa được kiện toàn và chậm đổi mới; tính đồng bộ trong chỉ đạo thực hiện chưa cao… Vai trò của BTVTU chưa được phát huy nên khâu đánh giá cán bộ có khi còn duy tình, cá nhân, cục bộ; nhận xét, đánh giá chủ yếu nêu ưu điểm, khuyết điểm còn né tránh; các khâu trong công tác cán bộ chưa được gắn kết chặt chẽ và khoa học, nhất là so với yêu cầu, nhiệm vụ kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế hiện nay.

Để đánh giá đúng chất lượng đội ngũ cán bộ diện BTVTU quản lý, làm cơ sở cho công tác cán bộ cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất,  nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và cấp ủy các cấp về ý nghĩa, vai trò và yêu cầu của việc đánh giá đúng cán bộ nói chung và cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý nói riêng.

Đây là chủ thể trực tiếp quản lý, đánh giá đội ngũ cán bộ nên chất lượng công tác này, trước hết thuộc về cấp ủy Đảng. Nhận thức, trách nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và cấp ủy các cấpsẽ quyết định chất lượng công tác đánh giá cán bộ làm cơ sở cho việc sử dụng, bổ nhiệm đặc biệt là đối với các vị trí chủ chốt.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống tiêu chí đánh giá theo hướng sát với từng chức danh và phù hợp với tình hình, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Đánh giá cán bộ nhằm nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực và hiệu quả công tác. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với công tác đánh giá cán bộ là làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu về phát triển chính trị, đạo đức lối sống, kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Muốn làm được điều đó cần có hệ tiêu chí cụ thể trên cơ sở nhận thức được sự tương đồng, khác biệt giữa các công việc, địa phương cũng như yêu cầu công việc của từng chức danh.

Thứ ba, đổi mới và hoàn thiện quy trình, phương pháp đánh giá.

Căn cứ Quyết định số 286-QĐ/TW ngày 8-2-2010 của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế đánh giá cán bộ, công chức, ngày 5-6-2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hoá đã ban hành Quyết định số 489-QĐ/TU về "ban hành Quy chế đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý"; trong đó xây dựng các nguyên tắc  đánh giá, quy trình nhận xét đánh giá đối với từng loại hình hằng năm, đánh giá trước khi hết nhiệm kỳ, trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử. Để nâng cao hiệu quả công tác này cần đặc biệt chú trọng công tác tự phê bình (bằng văn bản). Trong đó, cán bộ nêu rõ: kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công, trách nhiệm đối với tập thể; việc thực hiện nguyên tắc, quy chế công tác; đóng góp, sáng kiến, cải tiến; khả năng hoàn thành chức trách và ở nhiệm vụ cao hơn...

Thứ tư, phát huy vai trò của chính quyền, các tổ chức chính trị, đoàn thể và nhân dân.

Đánh giá cán bộ là một hoạt động có tổ chức. Qua đánh giá không chỉ giúp đỡ cán bộ trưởng thành mà còn thực hiện nhiệm vụ xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức vững mạnh. Vì vậy, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, đồng bộ, nhất quán trong đánh giá cán bộ chủ chốt. Việc tổ chức thực hiện đánh giá cán bộ chủ chốt ở các cơ quan, đơn vị, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có ý nghĩa quan trọng bởi đây vừa là không gian sinh hoạt tập thể vừa là nơi theo dõi, giám sát hoạt động của cán bộ với vai trò là tai mắt của nhân dân. Bên cạnh đó, nhân dân là kênh đánh giá hiệu quả bởi họ là người chịu tác động trực tiếp các quyết định, chỉ đạo của đội ngũ này. Do đó, nâng cao năng lực và phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - đoàn thể trong đánh giá cán bộ là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ diện BTVTU quản lý trong thời gian tới.

Thứ năm, thực hiện đồng bộ các khâu của công tác cán bộ

Gắn kết quả đánh giá cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý với các khâu khác của công tác cán bộ góp phần nâng cao chất lượng cán bộ diện BTVĐU quản lý. Trong đó, đánh giá cán bộ là khâu quan trọng hàng đầu bởi đó là việc làm khó, nhạy cảm vì có ảnh hưởng đến tất cả các khâu khác của công tác cán bộ, có ý nghĩa quyết định trong việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ cũng như giúp cán bộ phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, tiến bộ không ngừng trong việc nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực và hiệu quả công tác...

Đối với cán bộ diện BTVTU Thanh Hoá quản lý, việc đánh giá cán bộ với việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, luân chuyển, quản lý cán bộ cũng nằm trong yêu cầu, nguyên tắc chung đó. Để gắn kết quả đánh giá cán bộ với các khâu trong công tác cán bộ, đặc biệt, cần chú trọng vấn đề quy hoạch cán bộ, coi đây là nền tảng, cơ sở, căn cứ quan trọng cho việc đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển. Trong công tác quy hoạch cán bộ, phải xác định đánh giá cán bộ là khâu bắt buộc và là một bước trong quy trình quy hoạch cán bộ. Theo đó, khi tiến hành quy hoạch cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cần chỉ đạo cấp ủy, tập thể lãnh đạo các cấp phải thực hiện rà soát, đánh giá từng cán bộ và đội ngũ cán bộ trong phạm vi quản lý, lãnh đạo của mình. Đây là cơ sở để định hướng xây dựng quy hoạch và thu thập thông tin về cán bộ khi xem xét, quyết định nhân sự quy hoạch. Trong quy hoạch cán bộ chủ chốt, định kỳ phải tiến hành điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Chính kết quả đánh giá cán bộ, nhất là đánh giá hằng năm là những căn cứ, những thông tin cần thiết cho việc xem xét, điều chỉnh đó. Vì vậy, qua đánh giá cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cần chỉ đạo tiến hành phân loại cán bộ theo yêu cầu quy hoạch thông qua đánh giá các mặt phẩm chất, năng lực và chiều hướng phát triển của cán bộ để có cơ sở xem xét, điều chỉnh nhân sự quy hoạch.

Thứ sáu, củng cố và nâng cao chất lượng cơ quan tham mưu về công tác cán bộ.

Công tác tham mưu giữ vai trò quan trọng, giúp cho các cấp ủy đảng có tầm nhìn chiến lược, đưa ra các phương án xử lý chính xác và các quyết định đúng đắn, tối ưu nhất trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bởi vậy, cần nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tham mưu, giúp việc, trong đó, có các cơ quan tham mưu về công tác cán bộ. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, các cơ quan này phải có đội ngũ cán bộ, vừa "hồng" vừa "chuyên"... Quan điểm: chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi…khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do cách tổ chức, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Điều đó,nói lên vai trò của các cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ.

Bảy là, tăng cường sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm.

Đây là công việc quan trọng để đánh giá kết quả, hạn chế; phân tích nguyên nhân và đề ra giải pháp phát huy công tác quản lý, đánh giá cán bộ. Công tác này đòi hỏi phải tiến hành công khai, dân chủ và tinh thần tự phê bình nghiêm túc. Bên cạnh đó, vai trò của mỗi đảng viên cần được phát huy tối đa trong đánh giá, sơ kết, tổng kết. Có làm được như vậy, công việc kiểm ta, sơ kết, tổng kết mới đạt hiệu quả mong muốn.

________________________

(1) Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Tập 5,NXBChính trị quốc gia, Hà Nội, tr.274

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.173-174

Lê Văn Biển

Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền