Trang chủ    Thực tiễn    Vai trò của dư luận xã hội trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay
Thứ tư, 20 Tháng 1 2016 16:43
7383 Lượt xem

Vai trò của dư luận xã hội trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay

(LLCT)Hiện nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là yêu cầu, nhiệm vụ sống còn của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là vấn đề liên quan đến sự tồn vong của Đảng, của sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Ngay từ Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994), Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định rõ, tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của chế độ, sự ổn định chính trị - xã hội và sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta.Đại hội XI của Đảng (1-2011) chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp”(1). Bởi vậy cần phải tích cực “phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí”(2).

Thể hiện quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong từng kỳ đại hội, Đảng ta đã đề ra những chủ trương và giải pháp cơ bản, cấp bách, có tính chiến lược về phòng, chống tham nhũng và đã được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật của Nhà nước. Trong đó, vấn đề tăng cường vai trò giám sát của xã hội đối với hoạt động của bộ máy nhà nước và những người có chức quyền trong bộ máy đó, kịp thời phát hiện và chỉ ra những lỗ hổng trong cơ chế, chính sách, pháp luật đang là một đòi hỏi cấp thiết.

Một trong những yếu tố góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng chính là dư luận xã hội (DLXH). Nghiên cứu, nắm bắt DLXH là một trong những giải pháp hữu hiệu phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nhận thức rõ điều đó, ngay từ những năm đầu đổi mới, Đảng ta đã có những chỉ đạo nhằm tăng cường công tác điều tra xã hội học, nắm bắt DLXH. Hội nghị Trung ương 3 khóa VII đã nêu rõ nhiệm vụ đối với công tác tư tưởng là Nâng cao chất lượng thông tin nội bộ và công tác tuyên truyền, coi trọng biện pháp điều tra DLXH. Hội nghị Trung ương 8 khóa VII tiếp tục yêu cầu: Tổ chức điều tra DLXH về những vấn đề cần thiết cho công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước. Xây dựng Luật về trưng cầu dân ý. Gần đây nhất, Nghị quyết Trung ương 5 khoá X về “Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí” tiếp tục nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ và giải pháp của công tác tư tưởng là: “Chú trọng công tác nghiên cứu, điều tra xã hội học, nắm bắt DLXH phục vụ công tác tư tưởng”(3).

Như vậy, có thể thấy, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định việc nghiên cứu, nắm bắt DLXH là một trong những biện pháp hữu hiệu phục vụ cho nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước nói chung và công tác phòng, chống tham nhũng nói riêng. Vai trò của DLXH với việc phòng, chống tham nhũng thể hiện trên các mặt sau:

Động viên tinh thần đấu tranh ngăn ngừa, phòng, chống tham nhũng

DLXH là tập hợp các luồng ý kiến cá nhân trước các vấn đề, sự kiện, hiện tượng có tính thời sự, có liên quan đến lợi ích xã hội;góp phần chi phối ý thức cá nhân để điều chỉnh hành vi cho phù hợp với chuẩn mực mang tính chung nhất. Bằng sự khen, chê, khuyên can kịp thời đối với các hành vi phù hợp hoặc không phù hợp với lợi ích, các giá trị xã hội, nhất là các giá trị đạo đức, luân lý, DLXH có vai trò rất lớn trong việc giáo dục cho các thế hệ ý thức về sự phải - trái, đúng - sai, thiện - ác, đẹp - xấu. Thông qua DLXH, ý thức của mỗi cá nhân về phòng, chống tham nhũng được nâng cao, tinh thần dũng cảm lên án tố giác hành vi tham nhũng được cổ vũ, phát huy.

Trên thực tế, từ sự bức xúc của DLXH, có thể hình thành các quan niệm và phong trào xã hội kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, tạo động lực, áp lực để các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc nhanh hơn, quyết liệt hơn trong xem xét, xác minh, xử lýhành vi tham nhũng. Mặt khác, DLXH còn có khả năng răn đe, cảnh báo, gây áp lực với chính các đối tượng có hành vi tham nhũng.

Trực tiếp cung cấp thông tin giúp phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Theo kết quả điều tra nghiên cứu về tham nhũng ở Việt Nam của Ban Nội chính Trung ương, DLXH là nguồn chủ yếu để người dân, cán bộ công chức, cán bộ doanh nghiệp biết thông tin về tham nhũng (59,8% người dân; 72,05% cán bộ doanh nghiệp và 74,3% cán bộ công chức nhận biết qua kênh này)(4). Báo cáo của Thanh tra Chính phủ trước Quốc hội ngày 22-10-2013 về công tác phòng, chống tham nhũng cũng nêu rõ, việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu;việc phát hiện tham nhũng chủ yếu chỉ qua DLXH,báo chí phản ánh hoặc khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, thanh tra, kiểm toán mới phát hiện sai phạm.

Giám sát, đánh giá hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng

DLXH không chỉ là một trong những kênh thông tin quan trọng mà còn là công cụ hữu hiệu góp phầnđánh giá, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động phòng, chống tham nhũng.

Thực tế thời gian qua cho thấy, chính DLXHvà báo chílà lực lượng giám sát khách quan, hiệu quả, bảo đảm việc thực thi các biện pháp phòng, chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức, cá nhân được vận hành công khai, minh bạch, có kết quả rõ ràng. 

Phản biện, góp phần xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng

Thông qua việc cung cấp thông tin trên các phương tiện truyền thông, DLXH cũng đã góp phần thúc đẩy hoàn thiện cơ chế quản lý và các chế tài xử phạt, chấn chỉnh sai phạm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng.

Việc phát huy vai trò của quần chúng nhân dân và các tổ chức xã hội đối với công tác phòng, chống tham nhũng làyêu cầu cấp bách cả về mặt lý luận và thực tiễn. DLXH có thể tập hợp và đóng góp những khuyến nghị sáng suốt, đưa ra ý kiến phản biện xác đáng đối với các quyết định của các cơ quan đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội về các vấn đề liên quan đến phòng, chống tham nhũng.

Đồng thời, thông qua các phương tiện truyền thông,nhân dân có thể tham gia nhận xét, thẩm định, đánh giá, góp ý cho các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh mặt tích cực do DLXH tạo ra trong phòng, chống tham nhũng, còn tồn tại nhiều vấn đề cần có biện pháp khắc phục.

Một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước còn xem nhẹ vai trò của DLXH, nên việc giải quyết, xử lý thông tin còn chậm, bị động, nhiều khi còn mang tính thủ tục, đối phó. Mặt khác, tình trạng nhiều thông tin bị thổi phồng, đồn đoán, xuyên tạc, nhằm mục đích vụ lợi, gây mất đoàn kết nội bộ chưa được ngăn chặn, xử lý triệt để, gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát huy vai trò của DLXH trong phòng, chống tham nhũng.

Để phát huy vai trò tích cực của DLXH trong đấu tranh ngăn ngừa, chống tham nhũng thì công tác nghiên cứu, nắm bắt DLXH phải được thực hiện có hiệu quả. Hiện nay, công tác này chủ yếu do hệ thống ban tuyên giáo, các cơ quan trong khối tư tưởng, khoa giáo, văn hóa, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên... thực hiện. Đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, nắm bắt DLXH còn hạn chế về nghiệp vụ; kinh phí; hoạt động còn eo hẹp; trình độ dân trí không đồng đều,... Vì vậy, việc nghiên cứu, sàng lọc, tìm kiếm thông tin tích cực từ DLXH còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao.

Để nâng cao vai trò của DLXH trong phòng, chống tham nhũng cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mở rộng quyền của người dân tham gia vào công việc của Nhà nước; mọi đại biểu của dân phải được nhân dân bầu ra một cách thực sự dân chủ. Tăng cường vai trò của nhân dân trong việc giám sát, kiểm tra các hoạt động của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, tham gia xây dựng Đảng và các đoàn thể; nâng cao ý thức chính trị của nhân dân.

Đổi mới các yếu tố cấu thành hệ thống chính trị và mối quan hệ giữa các yếu tố đó để phát huy hơn nữa quyền dân chủ của nhân dân; hoàn chỉnh hình thức dân chủ đại diện, mở rộng hình thức dân chủ trực tiếp.

Hai là, nâng cao vai trò của báo chí và thông tin đại chúng. Quy định rõ và cụ thể hóa Luật Phòng, chống tham nhũng về vai trò và  trách nhiệm của báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng. Cần xác định rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc thông tin kịp thời, chính xác về các vụ tham nhũng được thanh tra, điều tra và xét xử; thông tin về kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng của các cơ quan chức năng, các ngành, địa phương, cá nhân; cung cấp thông tin ban đầu cho các cơ quan chức năng; điều tra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, để báo chí thực sự “là diễn đàn của nhân dân”.

Ba là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. Cần nghiên cứu DLXH một cách bài bản, khoa học; từ đó xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện cần thiết để nhân dân tham gia vào hoạt động phòng, chống tham nhũng. Xóa bỏ mọi rào cản, khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý tố cáo về tham nhũng, tránh bỏ lọt thông tin, đồng thời có biện pháp, chế tài xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng quyền tố cáo để gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tạo điều kiện để cơ quan báo chí thực hiện tốt chức trách nghề nghiệp của mình, bảo đảm quyền được thông tin của người dân trong phòng, chống tham nhũng.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2015

(1), (2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.173, 252.

(3) ĐCSVN: Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới.

 

ThS Đinh Thị Hương Giang

Ban Thanh tra,

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền