Trang chủ    Thực tiễn    Thực trạng phát triển các khu kinh tế ven biển ở nước ta hiện nay
Thứ tư, 20 Tháng 1 2016 17:44
7532 Lượt xem

Thực trạng phát triển các khu kinh tế ven biển ở nước ta hiện nay

(LLCT) - Đảng và Nhà nước xác định khi thành lập các khu kinh tế ven biển là nhằm tạo những cửa mở hướng ra biển, góp phần củng cố sức mạnh, tiềm lực bên trong và lan tỏa thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển theo hướng hội nhập với khu vực và thế giới; kết nối nền kinh tế Việt Nam với khu vực Đông Bắc Á với chương trình hợp tác chiến lược hai hành lang, một vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ; hợp tác phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây và Bắc - Nam trong khu vực Thái Bình Dương và hội nhập kinh tế khu vực cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á.

1. Một số kết quả bước đầu

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế biển, nhằm đưa nước ta trở thành “quốc gia mạnh lên từ biển và làm giàu từ biển”. Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về phát triển kinh tế biển, như: Nghị quyết 03-NQ/TW ngày 06-5-1993 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, phấn đấu trở thành một nước mạnh về biển vào năm 2020; Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị ngày

22-9-1997 về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa;  Đại hội IX của Đảng (năm 2001) chủ trương xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển và hải đảo; ngày 9-2-2007, Hội nghị Trung ương 4 khóa X đã ban hành Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2020 phấn đấu trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát huy mọi tiềm năng từ biển với tầm nhìn dài hạn, góp phần quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH. Triển khai nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể: phê duyệt thành lập các khu kinh tế ven biển trên cơ sở phát huy lợi thế của các địa phương có biển; ngày 6-9-2013, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1570/QĐ-TTg về chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tạo ra động lực thúc đẩy các khu kinh tế ven biển phát triển. Tính đến hết năm 2014, đã có 18 khu kinh tế ven biển được thành lập với tổng diện tích đất liền và mặt nước biển là 7.305,53km2, bao gồm: 4 khu kinh tế ven biển ở vùng đồng bằng sông Hồng: Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Đình Vũ - Cát Hải (thành phố Hải Phòng), khu kinh tế ven biển Thái Bình (tỉnh Thái Bình), khu kinh tế ven biển Ninh Cơ (tỉnh Nam Định); 10 khu kinh tế ven biển ở duyên hải miền Trung: Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa), Đông Nam Nghệ An (tỉnh Nghệ An), Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh), Hòn La (tỉnh Quảng Bình), Chân Mây - Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế), Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), Nhơn Hội (tỉnh Bình Định), Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), Nam Phú Yên (tỉnh Phú Yên); 4 khu kinh tế ven biển ở miền Nam: khu kinh tế đảo Phú Quốc, cụm đảo Nam An Thới (tỉnh Kiên Giang), Định An (tỉnh Trà Vinh), khu kinh tế ven biển Năm Căn (tỉnh Cà Mau).

Đảng và Nhà nước xác định khi thành lập các khu kinh tế ven biển là nhằm tạo những cửa mở hướng ra biển, góp phần củng cố sức mạnh, tiềm lực bên trong và lan tỏa thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển theo hướng hội nhập với khu vực và thế giới; kết nối nền kinh tế Việt Nam với khu vực Đông Bắc Á với chương trình hợp tác chiến lược hai hành lang, một vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ; hợp tác phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây và Bắc - Nam trong khu vực Thái Bình Dương và hội nhập kinh tế khu vực cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á.

Trải qua hơn mười năm phát triển kể từ khi khu kinh tế ven biển đầu tiên được thành lập năm 2003 (khu kinh tế ven biển Chu Lai), các khu kinh tế ven biển đã bước đầu phát huy vai trò, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển và các vùng kinh tế. Số lượng dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại các khu kinh tế ven biển hiện nay là 147 dự án, lấp đầy khoảng 40% tổng diện tích, tương ứng với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 38,4 tỷ USD thuộc các lĩnh vực sản xuất công nghiệp quan trọng như lọc hóa dầu, liên hợp gang thép, cơ khí công nghiệp nặng, sản xuất động cơ ô tô...

Các khu kinh tế ven biển đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao đời sống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Số lượng lao động trong các khu kinh tế ven biển lên tới gần 10 nghìn người và mỗi năm khả năng thu hút thêm hàng nghìn lao động mới.

Mặt khác, đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế ven biển, trong đó có đầu tư nước ngoài đã góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng cho các địa phương có biển, vùng kinh tế và tạo sự kết nối giao thông, hạ tầng trên phạm vi cả nước, mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển của khu vực. Bên cạnh đó, vị trí của các khu kinh tế ven biển có vai trò tạo thành các trung tâm kinh tế của vùng, địa phương có biển, gắn liền với cảng biển, sân bay, tạo điều kiện tốt cho giao lưu kinh tế, thương mại, dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực. Từ đó thúc đẩy các hoạt động đầu tư vào khu vực này.

2. Những khó khăn

Quá trình phát triển các khu kinh tế ven biển ở nước ta đang bộc lộ một số khó khăn, hạn chế: chất lượng quy hoạch các khu kinh tế ven biển chưa tốt, đầu tư còn dàn trải, cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng phụ thuộc vào nguồn ngân sách Trung ương; đóng góp của nhiều khu kinh tế ven biển vào cơ cấu kinh tế chung tại các địa phương chưa thực sự rõ nét.

Ngoài một số khu kinh tế ven biển được thành lập sớm, có đầu tư trọng điểm như Dung Quất, Vũng Áng, Nghi Sơn, Cát Lái, Chu Lai, được quy hoạch hệ thống giao thông kết nối, nằm trong hành lang vành đai kinh tế ven biển thuận lợi, còn lại phần lớn các khu kinh tế ven biển vẫn đang trong giai đoạn hoàn thành quy hoạch chung và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, kỹ thuật.

Nguyên nhân dẫn tới chất lượng quy hoạch của các khu kinh tế ven biển chưa đáp ứng yêu cầu, trước hết là do quá trình triển khai thực hiện quy hoạch thiếu đồng bộ và tầm nhìn tổng thể cũng như sự kết nối giữa các khu vực kinh tế ven biển của các địa phương trong cùng một vùng kinh tế. Các địa phương mới chỉ chú ý đến đặc điểm, điều kiện của địa phương mình mà chưa chú trọng tính kết nối trong nội vùng và liên vùng, cả nước; thứ hai, việc quy hoạch các khu kinh tế ven biển thiếu chặt chẽ, chưa chú ý thỏa đáng việc đánh giá tác động môi trường lâu dài, phương án và lộ trình thực hiện quy hoạch trên thực địa thiếu gắn bó mật thiết với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hoặc của cả vùng. 

Thực tế, trong 18 khu kinh tế ven biển đã được phê duyệt, có 14 khu được thành lập ở những tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Do đó, việc phát triển kết cấu hạ tầng chủ yếu phải dựa vào nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, chưa huy động được nhiều các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Những năm gần đây, do tình hình kinh tế khó khăn chung, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương ngày càng giảm, trong khi đó số lượng các khu kinh tế ven biển được thành lập tăng nhanh, nên mức vốn hỗ trợ chỉ đáp ứng được phần rất hạn chế nhu cầu của các địa phương. 

Xét trên phạm vi cả nước, chúng ta chưa xây dựng và thực hiện được một chương trình quảng bá và xúc tiến đầu tư quốc gia đối với các khu kinh tế ven biển. Bên cạnh đó, còn chưa có chiến lược thu hút các dự án đầu tư mang tính động lực, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển ngành và lĩnh vực tại các khu kinh tế ven biển. Trên thực tế, số dự án có sức lan tỏa và thúc đẩy phân công lao động xã hội sâu và kéo theo sự phát triển đột phá của các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước vào các khu kinh tế ven biển chưa nhiều. Do đó, so với mục tiêu ban đầu đặt ra là tạo sự kết nối giữa kinh tế Việt Nam và khu vực cũng như thế giới xét về phương diện chuỗi giá trị và phân công lao động quốc tế của các khu kinh tế ven biển là chưa tiếp cận được.

Trình độ và kinh nghiệm quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ, công chức của một số ban quản lý khu kinh tế ven biển còn hạn chế nên chưa xây dựng được quy hoạch, kế hoạch phát triển chiến lược dài hạn để triển khai đồng bộ các chức năng, nhiệm vụ được giao.

3.  Định hướng và giải pháp

Về định hướng, việc phát triển các khu kinh tế ven biển nhất thiết phải gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương và của vùng theo hướng CNH, HĐH dựa trên thúc đẩy phân công lao động xã hội theo chuỗi giá trị sản phẩm trong khu vực và quốc tế, là cửa ngõ để kết nối lao động và hàng hóa dịch vụ trong hệ thống phân công lao động quốc tế. Lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chuẩn cao nhất và bảo đảm phát triển bền vững theo hướng hiện đại; bảo đảm sử dụng một cách hiệu quả cả quỹ đất, mặt nước và không gian của khu kinh tế ven biển gắn với quốc phòng, an ninh trên biển và trong đất liền.

Hướng tới hình thành các khu kinh tế chức năng nòng cốt, chủ đạo và gắn kết chặt chẽ với phát triển vùng. Phát triển các khu kinh tế ven biển phải có lộ trình phù hợp với điều kiện cụ thể và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trong bối cảnh hội nhập sâu, chịu tác động từ sự biến đổi nhanh chóng của môi trường quốc tế; chú ý tới yêu cầu bảo vệ môi trường và an ninh, quốc phòng.

Về giải pháp, cần rà soát, đánh giá chính xác các lợi thế, tiềm năng và khó khăn của các khu kinh tế ven biển. Trên cơ sở đó thực hiện quy hoạch với tầm nhìn dài hạn, tổng thể, đồng bộ, có lộ trình thực hiện cụ thể trong từng giai đoạn phát triển. Xác định rõ lộ trình huy động nguồn lực cho thực hiện quy hoạch. Mỗi khu kinh tế ven biển phải tạo ra được nhu cầu cho toàn vùng, toàn miền phát triển, mở ra nhu cầu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư. Có như vậy, đầu tư của Nhà nước vào khu kinh tế ven biển mới không lãng phí, không dàn trải, phát huy được hiệu quả đầu tư. Xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, đường biển, đường sắt và đường không đồng bộ, kết nối với mạng giao thông quốc gia và quốc tế. Nhà đầu tư phải nhìn thấy được các khu kinh tế ven biển là “cửa ngõ” cho hàng hóa và dịch vụ, không chỉ của Việt Nam, mà còn của ASEAN và thế giới, có thế mạnh trong việc kết nối kinh tế, thương mại và đầu tư với khu vực và thế giới. Theo đó, sự phát triển của khu kinh tế ven biển Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) nhất thiết phải tạo ra được nhu cầu phát triển cho khu vực đồng bằng Bắc Bộ; đồng thời, tạo nhu cầu phát triển cho các nước trong khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á về sản xuất và lưu thông hàng hóa, phát triển các ngành kinh tế biển. Các khu kinh tế ven biển khu vực miền Trung phải tạo ra được nhu cầu phát triển cho toàn bộ các địa phương miền Trung, khu vực Tây Nguyên về thông thương hàng hóa, phát triển kinh tế biển… Khu kinh tế Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới (Kiên Giang) phải tạo được nhu cầu phát triển cho khu vực đồng bằng Nam Bộ, cho các nước trong khu vực về hợp tác, phát triển, thông thương hàng hóa, phát triển kinh tế biển.

Cần xác định rõ thế mạnh của mỗi khu kinh tế ven biển, tránh để tập trung đầu tư, tránh đầu tư phát triển dàn trải, nhiều lĩnh vực. Lựa chọn những nhà đầu tư có đủ năng lực, có thể tham gia quy hoạch, định hướng chiến lược phát triển.

Tạo sự kết nối các khu kinh tế ven biển, hình thành trục động lực phát triển ven biển, trong đó, có sự phân công chặt chẽ trong phát triển ngành, lĩnh vực giữa các khu kinh tế. Nghiên cứu hình thành, phát triển các mô hình khu kinh tế mới gắn với cơ chế chính sách đặc thù theo hướng mở, tạo bước đột phá phát triển cho các khu kinh tế ven biển. Tập trung phát triển các dự án động lực hiện đã thu hút được các dự án đầu tư và có kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong các khu kinh tế ven biển để làm tiền đề cho việc hình thành khu vực phát triển công nghiệp chiến lược trong các khu kinh tế và tiếp tục thu hút các nhà đầu tư. Đi đôi với hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, cần xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia cho các khu kinh tế ven biển, trước mắt có thể xây dựng trang thông tin điện tử chung để quảng bá nhu cầu đầu tư và cơ chế xúc tiến đầu tư. Đẩy mạnh kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý các khu kinh tế ven biển, đáp ứng yêu cầu phát triển.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2015

Tài liệu tham khảo:

1.Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 1353/QĐ-TTg, ngày 23-9-2008 phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020.

2.Thủ tướng Chính phủ:Công văn số 1231/TTg-KTTH, ngày 17-8-2012 về Đề án rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số khu kinh tế ven biển để tập trung đầu tư giai đoạn 2013-2015.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Kỷ yếu Hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế ở Việt Nam, ngày 17-2-2012.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam: Kỷ yếu Hội thảo: Cơ chế, chính sách phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam, Quảng Nam, 2014.

5. Đặng Tiến: Phát triển các khu kinh tế ven biển, thiếu quy hoạch và tầm nhìn, Báo Lao động điện tử, số 85: Laodong.com.vn, cập nhật ngày 16-4-2014.

6. Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và đầu tư: Báo cáo đánh giá Phát triển các khu kinh tế ven biển ở Việt Nam, Hà Nội, 2014.

                                                                                                     

Nguyễn Ngọc Khánh

Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Thái Bình

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền